Lỗi thời hay đi trước thời đại?
KHOA HỌC
DÙ KHÔNG PHẢI LÀ SÁCH VỀ KHOA HỌC NHƯNG KINH THÁNH CHỨA ĐỰNG NHỮNG THÔNG TIN ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI. HÃY XEM MỘT VÀI VÍ DỤ.
Vũ trụ vật chất có khởi đầu không?
Trước đây, các nhà khoa học hàng đầu thế giới cho là “Không”. Ngày nay, nhìn chung họ thừa nhận rằng vũ trụ có sự khởi đầu. Từ lâu, Kinh Thánh đã cho biết rõ ràng về điều này.—Sáng thế 1:1.
Trái đất có hình dạng như thế nào?
Vào thời cổ đại, nhiều người nghĩ trái đất là một mặt phẳng. Trong thế kỷ thứ năm trước công nguyên (TCN), các nhà khoa học người Hy Lạp nghĩ rằng trái đất là một quả cầu. Nhưng trước đó rất lâu, vào thế kỷ thứ tám TCN, một người viết Kinh Thánh là Ê-sai đã nhắc đến “vòng trái đất”. Cụm từ này cũng có thể được dịch là “khối cầu”.—Ê-sai 40:22; chú thích.
Các ngôi sao và hành tinh khác có bị hư dần không?
Vào thế kỷ thứ tư TCN, nhà khoa học người Hy Lạp là Aristotle cho rằng sự hư dần chỉ xảy ra trên trái đất, trong khi các ngôi sao và hành tinh khác trong vũ trụ không bao giờ thay đổi hoặc bị hư dần. Đó là quan điểm rất phổ biến trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm thước đo mức độ hỗn độn (entropy). Theo khái niệm này, tất cả vật chất, dù ở trên trời hay dưới đất, đều có xu hướng bị hư dần. Một trong những nhà khoa học phát triển khái niệm này là Huân tước Kelvin. Ông đã lưu ý đến điều Kinh Thánh nói về trời và đất: “Khác nào một chiếc áo, chúng đều sẽ hao mòn” (Thi thiên 102:25, 26). Nhưng ông Kelvin cũng tin rằng, như điều Kinh Thánh dạy, Đức Chúa Trời có thể bảo vệ để các tạo vật của ngài không bị hư dần.—Truyền đạo 1:4.
Các hành tinh gồm cả trái đất được đỡ bởi cái gì?
Ông Aristotle cho rằng tất cả thiên thể trên bầu trời đều được bao bọc bởi những tinh thể hình cầu. Các tinh thể hình cầu này lồng vào nhau và có tâm là trái đất. Vào thế kỷ 18, các nhà khoa học đã chấp nhận quan điểm là tất cả ngôi sao và hành tinh có lẽ được treo lơ lửng trong khoảng không. Nhưng sách Gióp, một sách trong Kinh Thánh được viết vào thế kỷ 15 TCN, đã cho biết Đấng Tạo Hóa “treo trái đất lơ lửng trong khoảng không”.—Gióp 26:7.
Y HỌC
DÙ KHÔNG PHẢI LÀ SÁCH VỀ Y HỌC NHƯNG KINH THÁNH CHỨA ĐỰNG NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI VỀ VẤN ĐỀ SỨC KHỎE.
Cách ly người bệnh.
Luật pháp Môi-se quy định phải cách ly người bị bệnh phong. Cho đến khi xảy ra dịch bệnh vào thời Trung Cổ, các bác sĩ mới biết cách áp dụng nguyên tắc này, một nguyên tắc mà hiện nay vẫn được cho là hữu hiệu.—Lê-vi, chương 13 và 14.
Vệ sinh thân thể và giặt quần áo sau khi đụng vào xác chết.
Đến cuối thế kỷ 19, các bác sĩ thường chữa trị cho bệnh nhân mà lại không rửa tay sau khi đụng vào xác chết. Điều này khiến nhiều người bị thiệt mạng. Tuy nhiên, Luật pháp Môi-se quy định rằng bất cứ ai đụng vào xác chết thì trở nên ô uế và không thích hợp để tham gia các hoạt động thờ phượng. Luật pháp Môi-se còn chỉ dẫn rằng cần dùng nước để tẩy uế trước khi thờ phượng. Những thực hành tôn giáo đó chắc chắn cũng đem lại lợi ích về mặt sức khỏe.—Dân số 19:11, 19.
Xử lý chất thải của con người.
Mỗi năm, hơn nửa triệu trẻ em tử vong vì bệnh tiêu chảy, phần lớn là do tiếp xúc với chất thải của con người không được xử lý đúng cách. Luật pháp Môi-se nói rằng chất thải của con người cần được chôn và xử lý tại một nơi xa chỗ ở.—Phục truyền luật lệ 23:13.
Thời điểm cắt da quy đầu.
Luật pháp của Đức Chúa Trời quy định rằng một bé trai phải được cắt da quy đầu vào ngày thứ tám kể từ lúc sinh ra (Lê-vi 12:3). Đối với trẻ sơ sinh, khả năng đông máu được cho là đạt mức bình thường sau khi chào đời một tuần. Vào thời Kinh Thánh, trước khi có các phương pháp điều trị y học tiên tiến, việc cắt da quy đầu sau khi trẻ được hơn một tuần tuổi là điều khôn ngoan.
Mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất.
Các nhà nghiên cứu về y học nói rằng tinh thần tích cực như vui mừng, hy vọng, biết ơn và sẵn sàng tha thứ sẽ có lợi cho sức khỏe. Kinh Thánh nói: “Tấm lòng vui mừng là phương thuốc hay, tinh thần suy sụp làm sức hao mòn”.—Châm ngôn 17:22.