“Hẹn gặp lại anh chị trong địa đàng!”
“Anh sẽ ở với tôi trong địa đàng”.—LU 23:43.
BÀI HÁT: 145, 139
1, 2. Có một số quan niệm khác nhau nào về địa đàng?
Sau khi chương trình hội nghị ở Seoul, Hàn Quốc, kết thúc thì một cảnh tượng cảm động đã diễn ra. Khi các đại biểu nước ngoài rời sân vận động, Nhân Chứng địa phương đứng xúm lại. Nhiều Nhân Chứng địa phương vẫy tay và nói lớn: “Hẹn gặp lại anh chị trong địa đàng!”. Anh chị nghĩ họ đang nói đến địa đàng nào?
2 Có nhiều quan niệm khác nhau về địa đàng. Một số người cho rằng địa đàng là điều viển vông. Số khác nghĩ địa đàng là bất cứ nơi nào mà người ta tìm được niềm vui và sự thỏa lòng. Khi thấy một thung lũng tràn ngập hoa, một du khách sống vào thế kỷ 19 thốt lên: “Đây đúng là địa đàng!”. Thung lũng này vẫn được gọi là Địa Đàng dù có lượng tuyết rơi hằng năm là hơn 15m. Theo anh chị, địa đàng là gì? Anh chị có mong chờ địa đàng không?
3. Địa đàng được nhắc đến lần đầu tiên ở đâu trong Kinh Thánh?
3 Kinh Thánh nhắc đến cả địa đàng từng tồn tại trong quá khứ lẫn địa đàng trong tương lai. Địa đàng được đề cập ở phần đầu của Kinh Thánh. Trong bản dịch Trần Đức Huân, Sáng thế 2:8 cho biết: “Đức Chúa Trời lập một vườn địa đàng về hướng đông mà đặt người [A-đam] vừa được tạo thành ở đó”. (Chúng tôi in nghiêng). Bản nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ dùng cụm từ “vườn Ê-đen”. Ê-đen có nghĩa là “lạc thú”. Vườn này đúng là nơi khoái lạc vì có cảnh đẹp, dư dật thức ăn cũng như sự hòa thuận giữa con người và loài vật.—Sáng 1:29-31.
4. Tại sao chúng ta có thể nói vườn Ê-đen là địa đàng?
4 Khi dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp, các dịch giả đã dịch từ “vườn” trong tiếng Hê-bơ-rơ là pa·raʹdei·sos. Một bách khoa từ điển của M’Clintock và Strong (Cyclopaedia) nói như sau về từ pa·raʹdei·sos: “Từ này khiến du khách Hy Lạp liên tưởng đến một công viên rộng rãi thoáng đãng, mang vẻ đẹp hoang sơ và không có mối đe dọa nào; một nơi có nhiều cây cổ thụ cao vút và cây ăn trái, tất cả đều được các dòng suối trong vắt tưới mát; hai bên bờ suối là những đàn linh dương hoặc đàn cừu đang chơi đùa nhởn nhơ”. Lời miêu tả này giúp chúng ta hiểu rằng vườn Ê-đen quả thật là địa đàng.—So sánh Sáng thế 2:15, 16.
5, 6. Tại sao A-đam và Ê-va mất đặc ân sống trong địa đàng? Một số người có thể thắc mắc điều gì?
5 Đức Chúa Trời đặt A-đam và Ê-va trong vườn địa đàng, nhưng họ không ở đó mãi. Tại sao? Vì cặp vợ chồng này không vâng lời ngài nên họ và con cháu họ bị mất đặc ân sống trong địa đàng (Sáng 3:23, 24). Dù con người không còn ở đó nhưng dường như khu vườn này vẫn tồn tại cho đến khi xảy ra trận Đại Hồng Thủy vào thời Nô-ê.
6 Một số người có thể thắc mắc: “Liệu con người sẽ lại được sống trong địa đàng không?”. Bằng chứng cho thấy gì? Nếu trông mong được cùng người thân sống trong địa đàng, anh chị có cơ sở vững chắc để mong điều đó không? Anh chị có thể giải thích tại sao chắc chắn sẽ có địa đàng trong tương lai không?
BẰNG CHỨNG VỀ ĐỊA ĐÀNG TRONG TƯƠNG LAI
7, 8. (a) Đức Chúa Trời đã hứa gì với Áp-ra-ham? (b) Lời hứa của Đức Chúa Trời có thể khiến Áp-ra-ham nghĩ đến điều gì?
7 Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong Kinh Thánh, vì sách này đến từ đấng tạo ra địa đàng ban đầu. Hãy xem Đức Chúa Trời nói gì với bạn ngài là Áp-ra-ham. Ngài nói rằng sẽ làm cho dòng dõi ông gia tăng nhiều “như cát bờ biển”. Đức Giê-hô-va cũng đưa ra lời hứa đầy ý nghĩa này: “Nhờ dòng dõi con mà mọi dân tộc trên đất sẽ đạt được ân phước cho mình, vì con đã nghe lời ta” (Sáng 22:17, 18). Ngài nhắc lại lời hứa đó với con trai và cháu nội của Áp-ra-ham.—Đọc Sáng thế 26:4; 28:14.
8 Không chỗ nào trong Kinh Thánh cho biết Áp-ra-ham nghĩ rằng phần thưởng cuối cùng mà con người nhận được sẽ là ở trên trời. Vì thế, khi Đức Chúa Trời hứa rằng “mọi dân tộc trên đất” được ban phước thì điều hợp lý là Áp-ra-ham nghĩ đến những ân phước trên đất. Có bằng chứng nào khác cho thấy sẽ có một địa đàng trên đất không?
9, 10. Những lời đảm bảo nào cung cấp cơ sở để tin rằng sẽ có địa đàng trong tương lai?
9 Một trong những hậu duệ của Áp-ra-ham là Đa-vít đã nói đến thời điểm trong tương lai khi mà “kẻ ác sẽ không còn” (Thi 37:1, 2, 10). Lúc đó, “người khiêm hòa sẽ được hưởng trái đất, sẽ hoan hỉ trong bình an dư dật”. Đa-vít cũng được soi dẫn để báo trước: “Người công chính sẽ hưởng trái đất và được sống trên đó mãi mãi” (Thi 37:11, 29; 2 Sa 23:2). Anh chị nghĩ các lời đảm bảo này đã tác động ra sao đến những người muốn làm theo ý của Đức Chúa Trời? Hẳn họ có cơ sở để mong chờ là nếu chỉ còn những người công chính sống trên đất thì với thời gian, một địa đàng giống như vườn Ê-đen sẽ được khôi phục.
10 Dần dần, đa số người Y-sơ-ra-ên tự nhận là phụng sự Đức Giê-hô-va đã quay lưng lại với ngài và sự thờ phượng thật. Vì thế, Đức Chúa Trời để cho người Ba-by-lôn chinh phục dân ngài, phá hủy xứ họ và bắt nhiều người đi lưu đày (2 Sử 36:15-21; Giê 4:22-27). Tuy nhiên, các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời báo trước rằng dân ngài sẽ được hồi hương sau 70 năm. Dù đã được ứng nghiệm, nhưng những lời tiên tri ấy vẫn có ý nghĩa với chúng ta. Khi xem xét một số lời tiên tri ấy, hãy nhớ rằng chúng ta đang tập trung vào địa đàng sắp đến ở trên đất.
11. Ê-sai 11:6-9 đã được ứng nghiệm ra sao, và câu hỏi nào được nêu lên?
11 Đọc Ê-sai 11:6-9. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Chúa Trời báo trước rằng sau khi hồi hương, dân ngài sẽ được bình an. Họ không phải sợ bị thú vật hoặc người như thú dữ tấn công. Cả người trẻ lẫn người già đều được an toàn. Những điều ấy đã được ứng nghiệm. Chẳng phải điều này khiến anh chị nhớ đến tình trạng trong vườn Ê-đen hay sao? (Ê-sai 51:3). Lời tiên tri của Ê-sai cũng nói rằng cả trái đất, chứ không chỉ dân Y-sơ-ra-ên, sẽ “tràn đầy tri thức về Đức Giê-hô-va như bao dòng nước tràn ngập biển cả”. Khi nào điều đó sẽ xảy ra?
12. (a) Những người hồi hương có ân phước nào? (b) Điều gì cho thấy Ê-sai 35:5-10 có một sự ứng nghiệm khác?
12 Đọc Ê-sai 35:5-10. Một lần nữa, Ê-sai nhấn mạnh rằng những người hồi hương sẽ không bị thú vật hoặc con người đe dọa. Xứ của họ sẽ có dư dật hoa quả nhờ được tưới nhiều nước giống như vườn Ê-đen (Sáng 2:10-14; Giê 31:12). Còn có sự ứng nghiệm nào khác không? Không có bằng chứng cho thấy những người hồi hương sau cuộc lưu đày được chữa lành một cách kỳ diệu. Chẳng hạn, người mù không được sáng mắt. Vì thế, Đức Chúa Trời cho thấy sự chữa lành theo nghĩa đen sẽ xảy ra trong tương lai.
13, 14. Những người Do Thái hồi hương đã thấy Ê-sai 65:21-23 được ứng nghiệm như thế nào? Phần nào của lời tiên tri này vẫn chưa được ứng nghiệm? (Xem hình nơi đầu bài).
13 Đọc Ê-sai 65:21-23. Khi người Do Thái mới trở về quê hương, họ không có nhà cửa tiện nghi hay những cánh đồng và vườn nho được canh tác. Nhưng điều đó sẽ thay đổi khi Đức Chúa Trời ban phước cho họ. Hẳn người Do Thái rất vui mừng khi được xây nhà và sống trong những ngôi nhà đó. Họ có thể trồng cây và thưởng thức hoa thơm trái ngọt.
14 Hãy lưu ý, theo lời tiên tri ấy, tuổi của chúng ta “sẽ như tuổi cây”. Một số cây có tuổi thọ hàng ngàn năm. Con người phải khỏe mạnh mới có tuổi thọ cao như thế. Nếu họ có thể sống trong tình trạng mà Ê-sai báo trước thì giấc mơ về địa đàng sẽ thành hiện thực. Lời tiên tri ấy sẽ được ứng nghiệm.
15. Một số ân phước nào được nói đến trong sách Ê-sai?
15 Tại sao có thể kết luận rằng những lời hứa vừa thảo luận nói đến địa đàng trong tương lai? Vì những lời hứa ấy nhắc đến đặc điểm của địa đàng: Người trên khắp đất sẽ được Đức Chúa Trời ban phước. Không ai còn phải đối mặt với mối đe dọa từ loài thú và người có tính khí như thú dữ. Người mù, người điếc và người què sẽ được chữa lành. Người ta sẽ xây nhà cho chính mình và vui thích trồng trọt để có thức ăn bổ dưỡng. Họ sẽ sống lâu hơn cả loài cây. Đúng vậy, Kinh Thánh cung cấp bằng chứng cho thấy sẽ có một địa đàng như thế. Nhưng có thể một số người nói rằng chúng ta đang phóng đại ý nghĩa của những lời tiên tri đó. Anh chị sẽ trả lời ra sao? Anh chị có lý do vững chắc nào để trông mong một địa đàng có thật ở trên đất? Người vĩ đại nhất đã từng sống cho chúng ta lý do vững chắc.
ANH CHỊ SẼ Ở TRONG ĐỊA ĐÀNG!
16, 17. Chúa Giê-su nói về địa đàng trong hoàn cảnh nào?
16 Dù vô tội nhưng Chúa Giê-su bị kết án và bị treo trên cây cột cho đến chết. Cũng có hai tội phạm người Do Thái bị treo bên cạnh ngài, mỗi người một bên. Trước lúc chết, một trong hai tội phạm ấy thừa nhận Chúa Giê-su là vua khi nói: “Thưa ngài Giê-su, xin nhớ đến tôi khi ngài vào trong Nước ngài” (Lu 23:39-42). Lời đáp của Chúa Giê-su nơi Lu-ca 23:43 ảnh hưởng đến tương lai chúng ta. Một số học giả dịch câu này là: “Quả thật, tôi nói với anh, hôm nay anh sẽ ở với tôi trong địa đàng”. Họ đã đặt dấu phẩy trước cụm từ “hôm nay”. Có nhiều quan điểm khác nhau về vị trí đặt dấu phẩy. Nhưng ý của Chúa Giê-su là gì khi dùng cụm từ “hôm nay”?
17 Trong nhiều ngôn ngữ hiện đại, dấu phẩy thường được dùng để làm rõ ý nghĩa của câu. Nhưng trong những bản Kinh Thánh chép tay cổ nhất bằng tiếng Hy Lạp, dấu câu không được dùng một cách nhất quán. Vì thế, câu hỏi được đặt ra là: Có phải Chúa Giê-su nói: “Tôi nói với anh, hôm nay anh sẽ ở với tôi trong địa đàng”, hay ngài nói: “Tôi nói với anh hôm nay, anh sẽ ở với tôi trong địa đàng”? Người dịch đặt dấu phẩy vào trước hoặc sau cụm từ “hôm nay” tùy theo cách họ hiểu về ý của Chúa Giê-su. Anh chị có thể thấy cả hai cách dịch này trong các bản Kinh Thánh thông dụng.
18, 19. Điều gì giúp chúng ta hiểu ý của Chúa Giê-su?
18 Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trước đó Chúa Giê-su đã nói với các môn đồ: “Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm”. Ngài cũng nói: “Con Người sẽ bị phản bội và nộp vào tay người ta; họ sẽ giết ngài; đến ngày thứ ba, ngài sẽ được sống lại” (Mat 12:40; 16:21; 17:22, 23; Mác 10:34). Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết điều này đã xảy ra (Công 10:39, 40). Vì thế, Chúa Giê-su không đi đến bất cứ địa đàng nào vào ngày mà ngài và tên tội phạm ấy chết. Chúa Giê-su ở “trong mồ [hay “Ha-đe”]” vài ngày cho đến khi Đức Chúa Trời làm ngài sống lại.—Công 2:31, 32; chú thích.a
19 Vậy điều hợp lý là Chúa Giê-su mở đầu lời hứa với tên tội phạm bằng câu: “Quả thật, tôi nói với anh hôm nay”. Cách nói này rất thông dụng, ngay cả vào thời Môi-se. Ông nói: “Những lời mà tôi truyền cho anh em hôm nay phải ở trong lòng anh em”.—Phục 6:6; 7:11; 8:1, 19; 30:15.
20. Điều gì cho thấy chúng ta hiểu đúng ý của Chúa Giê-su?
20 Một người dịch Kinh Thánh đến từ vùng Chúa Giê-su từng sống đã nói về lời đáp của ngài: “Trong câu này, điểm nhấn mạnh là cụm từ ‘hôm nay’, vì vậy nên dịch câu này là: ‘Quả thật, tôi nói với anh hôm nay, anh sẽ ở với tôi trong địa đàng’. Lời hứa được lập vào ngày đó và sẽ thành hiện thực sau này. Đây là cách nói của Đông Phương hàm ý rằng lời hứa được lập vào một ngày nhất định và chắc chắn sẽ được thực hiện”. Phù hợp với điều đó, một bản Kinh Thánh tiếng Syriac vào thế kỷ thứ năm đã dịch lời đáp ấy của Chúa Giê-su như sau: “A-men, hôm nay ta nói với ngươi rằng ngươi sẽ ở với ta trong Vườn Ê-đen”. Lời hứa đó rất khích lệ với chúng ta.
21. Tên tội phạm đã không nhận được đặc ân nào, và tại sao?
21 Tên tội phạm đang hấp hối đó không biết rằng Chúa Giê-su đã lập giao ước với các sứ đồ trung thành để họ cùng cai trị với ngài trong Nước Trời (Lu 22:29). Thậm chí tên tội phạm ấy còn chưa báp-têm (Giăng 3:3-6, 12). Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng điều mà Chúa Giê-su hứa phải là một địa đàng ở trên đất. Nhiều năm sau, sứ đồ Phao-lô kể lại khải tượng về một người “đã được đem vào địa đàng” (2 Cô 12:1-4). Không giống như tên tội phạm ấy, Phao-lô và các sứ đồ trung thành khác đã được chọn để lên trời cùng cai trị với Chúa Giê-su trong Nước Trời. Dù vậy, Phao-lô đang nói đến địa đàng trong tương lai.b Anh chị sẽ được ở đó không?
ANH CHỊ CÓ THỂ MONG CHỜ ĐIỀU GÌ?
22, 23. Anh chị có thể mong chờ điều gì?
22 Hãy nhớ rằng Đa-vít báo trước về thời điểm mà “người công chính sẽ hưởng trái đất” (Thi 37:29; 2 Phi 3:13). Đa-vít đang nói đến thời điểm mà con người trên đất sẽ sống theo đường lối công chính của Đức Chúa Trời. Lời tiên tri nơi Ê-sai 65:22 cho biết: “Tuổi dân ta sẽ như tuổi cây”. Câu này hàm ý dân ngài sẽ sống thọ hàng ngàn năm. Chúng ta có thể mong chờ điều đó không? Có. Vì theo Khải huyền 21:1-4, Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho nhân loại trong thế giới mới và một trong những ân phước đó là “sẽ không còn sự chết”.
23 Những điều Kinh Thánh nói về địa đàng rất rõ ràng. A-đam và Ê-va đánh mất địa đàng, nhưng địa đàng ấy sẽ không biến mất vĩnh viễn. Theo lời hứa của Đức Chúa Trời, dân cư trên đất sẽ được ban phước. Đa-vít được soi dẫn để nói rằng người khiêm hòa và công chính sẽ được hưởng trái đất, cũng như sống trên đó mãi mãi. Các lời tiên tri trong sách Ê-sai giúp chúng ta trông mong thời điểm được vui hưởng đời sống trong địa đàng xinh đẹp. Khi nào điều đó sẽ xảy ra? Khi lời hứa của Chúa Giê-su với tên tội phạm trở thành hiện thực. Anh chị có triển vọng sống trong địa đàng đó. Lúc ấy, những lời mà anh em ở Hàn Quốc nói với các đại biểu đến dự hội nghị sẽ thành sự thật: “Hẹn gặp lại anh chị trong địa đàng!”.
a Giáo sư Marvin Pate viết rằng nhiều học giả tin là khi dùng cụm từ “hôm nay”, Chúa Giê-su muốn nói ngài sẽ chết và vào địa đàng trong ngày đó, tức trong vòng 24 tiếng. Theo ông, vấn đề là cách hiểu này mâu thuẫn với sự dạy dỗ của Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su ở trong mồ và sau đó lên trời.—Mat 12:40; Công 2:31; Rô 10:7.
b Xin xem “Độc giả thắc mắc” trong số này.