Bạn có sẵn sàng đối phó với sự thử thách đức tin liên quan đến phương pháp trị liệu không?
Hãy giữ tài liệu này ở nơi dễ tìm thấy khi cần đến
1 Không ai nghĩ nhiều về trường hợp mình có thể phải vào bệnh viện hôm nay hay ngày mai. Thế nhưng, ‘thì giờ và sự bất trắc xảy ra cho tất cả chúng ta’ (Truyền-đạo 9:11, NW). Ngay dù thông thường bạn không chấp nhận việc trị liệu theo y học khi chăm sóc sức khỏe mình, bạn sẽ làm gì để bảo đảm khỏi bị tiếp máu ngoài ý muốn, nếu như bạn bị bất tỉnh trong một tai nạn và được cấp tốc chở vào bệnh viện? Đúng, một tai nạn hoặc một tình trạng sức khỏe đột nhiên suy yếu có thể khiến bạn bất ngờ phải đương đầu với sự thử thách về đức tin.
2 Nếu như bạn phải nằm bệnh viện vì một lý do nào đó, bạn sẽ làm gì để giữ lòng trung kiên nếu có người bảo rằng không tiếp máu thì bạn sẽ chết? Bạn có vội tin rằng lời tuyên bố này phản ảnh đúng đắn tình trạng của bạn không? Bạn có hoàn toàn tin chắc rằng bạn không muốn tiếp máu không? Bạn có sẵn sàng đối phó với sự thử thách về đức tin và ‘kiêng huyết’ không? (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29).
3 Muốn tránh được việc bị tiếp máu ngoài ý muốn, một thực hành làm ô nhiễm về mặt thiêng liêng, điều trước nhất là bạn phải có đức tin vững chắc. Đức tin phải dựa trên sự hiểu biết sáng suốt về những gì Kinh-thánh nói về máu. Nếu không, trong lúc xúc động, bạn có thể dễ bị người khác dọa nạt, cho rằng họ biết rõ về tình thế hơn bạn. Liệu người khác có làm cho bạn lầm tưởng rằng có lẽ các bác sĩ biết về máu rành hơn Đức Chúa Trời không? Chắc chắn trong những hoàn cảnh này bạn sẽ muốn nhất quyết “làm điều ngay thẳng” trước mắt Đức Giê-hô-va, bất luận những người phàm có thể nói gì (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:23-25). Nhưng bạn có phải đương đầu với sự thử thách này một mình hay không? (Truyền-đạo 4:9-12).
DỊCH VỤ THÔNG TIN Y TẾ VÀ ỦY BAN LIÊN LẠC BỆNH VIỆN
4 Nhằm giúp những ai cần đến sự giúp đỡ khi đứng trước một vấn đề liên quan đến sự tiếp máu, Hội đã thiết lập một dịch vụ gọi là Hospital Information Services (Dịch vụ Thông tin Y tế) tại Brooklyn. Hội cũng đã thiết lập 100 Hospital Liaison Committees (Ủy ban Liên lạc Bệnh viện) tại các thành phố lớn ở Hoa Kỳ (31 tại Ca-na-đa và 95 tại Pháp). Các Ủy ban này gồm có trên 600 trưởng lão được đặc biệt huấn luyện để làm công việc này (trên 200 tại Ca-na-đa và trên 300 tại Pháp).
5 Dịch vụ Thông tin Y tế có thể nghiên cứu hơn 3.600 tập san y học trên khắp thế giới để thu thập tài liệu về sự hiệu nghiệm của nhiều phẫu thuật và phương pháp trị liệu không dùng máu đang được thực hiện. Sau đó văn phòng này cung cấp tài liệu về những bước tiến y học đó cho các Ủy ban Liên lạc Bệnh viện, các trung tâm điều dưỡng và một số bác sĩ. (Đôi khi Dịch vụ Thông tin Y tế gửi những tài liệu y khoa chỉ rõ những gì có thể làm mà không dùng máu và đã có thể làm lắng dịu một cuộc chạm trán đang diễn ra tại bệnh viện). Dịch vụ này thông báo cho các ủy ban biết những tin mới nhất về những phán quyết thuận lợi của tòa án nhằm giúp các quan tòa xử lý trường hợp của chúng ta một cách thông sáng hơn. Dịch vụ này cũng lưu trữ trong hồ sơ danh sách trên 7.000 y sĩ đồng ý hợp tác hầu cho các ủy ban có hồ sơ cập nhật để dùng khi có những vấn đề liên quan đến việc tiếp máu.
6 Các dịch vụ thông tin y tế cũng giám sát việc huấn luyện và điều hành các Ủy ban Liên lạc Bệnh viện. Tại các thành phố mà họ đặt trụ sở, các Ủy ban Liên lạc Bệnh viện đều đặn thuyết trình trước nhân viên bệnh viện nhiều tài liệu hữu ích nhằm cải thiện mối quan hệ giữa đôi bên. Họ cũng thăm dò ý kiến của những nhân viên này hầu tìm ra các bác sĩ khác sẽ biết cách điều trị mà không dùng máu. Các anh này sẵn sàng giúp bạn, nhưng để họ có thể giúp bạn một cách hữu hiệu nhất, có những bước hệ trọng mà bạn cần phải làm trước.
CÁC BƯỚC HỆ TRỌNG CẦN LÀM TRƯỚC—BẠN CÓ LÀM CHƯA?
7 Trước hết, hãy lo sao cho mọi người trong gia đình điền đầy đủ vào thẻ không tiếp máu của mình—ngày / tháng, chữ ký của đương sự và của những người làm chứng. Một số anh em đến bệnh viện mang theo thẻ không có ghi ngày / tháng và / hoặc không có chữ ký của những người làm chứng, khiến cho thẻ này bị coi là không có giá trị. Và thẻ chứng nhận của tất cả các con em chưa làm báp têm có được điền đầy đủ hay chưa? Nếu không, khi có chuyện bất trắc xảy ra cho con bạn, làm sao nhân viên bệnh viện biết được lập trường của bạn về máu và nên liên lạc với ai?
8 Rồi nhắc nhở mọi người hãy LUÔN LUÔN giữ các thẻ này trong người. Hãy kiểm tra xem con bạn có mang theo thẻ này không trước khi chúng đi học mỗi ngày, đúng, ngay cả trước khi chúng ra sân chơi hoặc đến nơi giải trí. Tất cả chúng ta nên nhớ mang theo thẻ này trong người khi làm việc, khi đi nghỉ mát, hoặc đi dự hội nghị đạo đấng Christ. Chớ bao giờ quên các thẻ này!
9 Hãy nghĩ đến những gì có thể xảy ra cho bạn nếu như bạn phải vào phòng cấp cứu tại một bệnh viện với bệnh tình trầm trọng, mê man bất tỉnh và / hoặc không thể phát biểu được nguyện vọng của mình. Nếu bạn không có thẻ này trong người, và chưa có người thân hoặc trưởng lão nào tại bệnh viện để đại diện cho bạn, và nhân viên bệnh viện kết luận rằng bạn ‘cần máu’, thì rất có thể là bạn sẽ bị tiếp máu. Đáng buồn thay, điều này đã xảy ra cho một số người. Nhưng khi chúng ta có thẻ này, nó sẽ nói thay cho chúng ta, phát biểu nguyện vọng của chúng ta.
10 Đó là lý do tại sao một chứng thư y tế có giá trị hơn một vòng đeo tay hoặc đeo cổ về bệnh chứng. Những vòng này không giải thích các lý do dựa theo Kinh-thánh về lập trường của chúng ta và không có chữ ký để xác nhận những gì ghi trên đó. Trong một phán quyết, một tòa án Ca-na-đa phát biểu về chứng thư của một chị: “[Bệnh nhân] đã chọn cách duy nhất để cho bác sĩ và các nhân viên y tế khác biết là mình không chấp nhận tiếp máu trong trường hợp bất tỉnh hoặc không thể nói lên nguyện vọng của mình”. Vậy chớ bao giờ quên mang theo thẻ này!
11 Vì mục đích chính của Thẻ không nhận tiếp máu của chúng ta là để dùng trong những trường hợp khẩn cấp, nên trong trường hợp giải phẫu không cấp thiết, bạn nên viết xuống những lời chỉ dẫn đầy đủ hơn cho trường hợp riêng của bạn (dựa theo Thẻ không nhận tiếp máu) để bạn có thể ghi thêm những chi tiết, chẳng hạn như loại giải phẫu và tên bác sĩ và bệnh viện. Bạn có quyền làm như thế và như vậy bảo đảm là bạn được điều trị đúng theo nguyện vọng. Dù bạn và bác sĩ không nghĩ là sẽ có rắc rối, nhưng hãy giải thích rằng những lời chỉ dẫn này phải được tôn trọng trong trường hợp có sự biến chuyển bất ngờ (Châm-ngôn 22:3).
12 Bước quan trọng kế tiếp là nói chuyện với nhân viên y tế mà bạn phải tiếp xúc trong cuộc giải phẫu không cấp thiết hoặc khi phải điều trị khẩn cấp. Bạn nên đặc biệt nói chuyện với ai?
NÓI VỚI NHÂN VIÊN Y TẾ
13 BAN NHÂN VIÊN Y TẾ: Đây là lúc mà bạn không được để cho sự sợ hãi loài người chế ngự bạn (Châm-ngôn 29:25). Nếu bạn có vẻ không chắc chắn, người ta có thể nghĩ là bạn không thành thật. Khi cần phải giải phẫu, dù không cấp thiết hoặc khẩn cấp, bạn hoặc thân nhân gần nhất của bạn phải nhất quyết hỏi trưởng ban giải phẫu những câu hỏi thích đáng. Một câu hỏi quan trọng là: Liệu ban giải phẫu sẽ tôn trọng nguyện vọng của bệnh nhân và sẽ điều trị không dùng máu trong mọi trường hợp hay không? Nếu không có sự bảo đảm này bạn sẽ không được che chở về mọi mặt.
14 Với sự tin tưởng nghiêm chỉnh, hãy nói rõ ràng nguyện vọng của bạn. Hãy nói rõ ràng là bạn muốn họ dùng phương pháp trị liệu không dùng máu cho trường hợp của bạn. Một cách bình tĩnh và tự tin, hãy thảo luận về cả giấy chỉ dẫn điều trị của bạn lẫn đơn miễn tố của bệnh viện. Nếu bác sĩ giải phẫu không muốn làm theo nguyện vọng của bạn, bạn nên nhờ giám đốc bệnh viện tìm cho bạn một bác sĩ khác để đỡ mất thì giờ. Việc này cũng là phận sự của ông.
15 BÁC SĨ GÂY MÊ: Trong số những nhân viên của ban nhân viên y tế mà bạn cần phải tiếp xúc trước cuộc giải phẫu, điều thiết yếu là BẠN PHẢI NÓI CHUYỆN VỚI BÁC SĨ NÀY. Phận sự của bác sĩ này là lo cho bạn tiếp tục sống đang lúc bác sĩ giải phẫu làm việc, bác sĩ gây mê là người quyết định những việc như có tiếp máu hay không. Vì vậy nếu chỉ nói chuyện với bác sĩ giải phẫu thôi thì bạn chưa chắc được che chở về mọi mặt. Bởi vậy, bạn phải nói chuyện với bác sĩ gây mê và thuyết phục người này về lập trường của bạn, để xem người này có tôn trọng lập trường đó hay không. (So sánh Lu-ca 18:3-5).
16 Dường như bác sĩ gây mê thường đi thăm qua bệnh nhân vào giữa khuya trước ngày giải phẫu—nếu người ấy phản đối lập trường không dùng máu của bạn vào lúc này thì quá trễ. Hãy cố nài bác sĩ giải phẫu phải chọn trước một bác sĩ gây mê chịu hợp tác để bạn có rộng thời gian nói chuyện với người đó trước cuộc giải phẫu không cấp thiết. Như vậy bạn sẽ có thì giờ tìm một bác sĩ gây mê khác nếu người đầu tiên không chịu làm theo nguyện vọng của bạn. Đừng để bất cứ ai thuyết phục bạn từ bỏ quyền chọn bác sĩ gây mê thích hợp cho cuộc giải phẫu của mình.
17 Đối với tất cả các bác sĩ này, bạn phải nói rõ lập trường không thể thương lượng của bạn: KHÔNG DÙNG MÁU. Hãy yêu cầu có một phương pháp trị liệu không dùng máu cho trường hợp của bạn. Hãy nói cho bác sĩ biết về bất cứ phương pháp nào không dùng đến máu cho trường hợp của bạn. Nếu ban giải phẫu nghĩ rằng những phương pháp đó không có ích gì cho trường hợp của bạn, yêu cầu họ nghiên cứu những phương pháp khác trong sách báo y học. Bạn có thể cam đoan với họ rằng nếu họ muốn, bạn có thể cung cấp thêm tài liệu cho họ bằng cách nhờ các trưởng lão liên lạc với Ủy ban Liên lạc Bệnh viện gần nhất.
HÀNH SỬ QUYỀN CỦA BẠN
18 Hãy xem kỹ đơn miễn tố của bệnh viện và phiếu ưng thuận mà bệnh viện yêu cầu bạn ký tên khi nhập viện. Đôi khi ngay sau khi tuyên bố rằng họ sẽ tôn trọng nguyện vọng của bạn, một đoạn kế sẽ nói rằng đương sự đồng ý cho bệnh viện thi hành biện pháp “cứu mạng” khi họ gặp phải vấn đề khó khăn. Điều đó có thể bao gồm việc tiếp máu. Bạn có quyền thay đổi bất cứ lời tuyên bố nào như thế để cấm dùng máu hoặc gạch bỏ hẳn những lời đó. Các y tá có thể tìm cách bảo rằng bạn không có quyền làm thế, nhưng bạn có quyền! Hãy giải thích rằng tờ đơn ấy là một hợp đồng với họ, và bạn không thể ký một hợp đồng mà bạn không đồng ý. Nếu có ai ép bạn ký tên ngoài ý muốn của bạn, hãy yêu cầu được nói chuyện với giám đốc bệnh viện và / hoặc người đại diện bệnh nhân cho trung tâm y tế đó.
19 Bạn có quyền làm những điều như thế không? Có, bạn có quyền. Vậy bạn hãy biết rõ quyền của bạn với tư cách là bệnh nhân. Bạn không mất các nhân quyền này một khi bạn nhập viện. Bạn không phải từ bỏ quyền đó thì mới được điều trị. Chớ để cho người nào nói với bạn những điều ngược lại.
20 Một quyền như thế được gọi là quyền thỏa thuận có hiểu biết tức là không ai được phép điều trị bạn mà bạn không đồng ý. Nếu muốn, bạn còn có thể từ chối mọi phép điều trị. Bạn chỉ cho bệnh viện điều trị sau khi được nghe giải thích rõ ràng về những gì ban nhân viên y tế sẽ làm, kể cả các rủi ro. Kế đến, họ phải nói cho bạn biết về tất cả các phương pháp trị liệu sẵn có khác. Rồi, sau khi được người ta cho biết về những điều đó, bạn chọn phương pháp trị liệu mà bạn muốn.
21 Để biết chắc chắn về những gì bạn ưng thuận, bạn PHẢI nêu ra những câu hỏi thích đáng về bất cứ điều gì bạn không hiểu, đặc biệt khi nhân viên bệnh viện dùng những từ ngữ lạ tai hoặc các thuật ngữ y học. Thí dụ, nếu một bác sĩ nói ông sẽ dùng “huyết tương”, bạn có thể ngây thơ kết luận rằng ông nói đến “một chất làm tăng thể tích huyết tương”, nhưng không phải vậy. Trước khi đồng ý, hãy hỏi: “Đây có phải là một yếu tố của máu không?” Hãy hỏi về bất cứ phương pháp nào của ông: “Phương pháp trị liệu này có dùng đến chất làm bằng máu không?” Nếu bác sĩ miêu tả về dụng cụ mà ông định dùng, hãy hỏi: “Máu của tôi có trữ ở bất cứ giai đoạn nào trong thời gian sử dụng máy này không?”
22 Nhưng bạn nên làm gì nếu sau khi đã làm tất cả những điều trên mà vẫn không có sự hợp tác và thậm chí người ta còn phản đối lập trường của bạn? Chớ ngần ngại nhờ người khác giúp đỡ. Một số người đã đợi quá lâu mới nhờ người khác giúp và để cho tính mạng của họ bị lâm nguy.
SỰ GIÚP ĐỠ LÚC CẦN
23 Xin lưu ý thủ tục sau đây khi cần đến sự giúp đỡ: 1) Ngay khi bạn hoặc một người thân của bạn phải bị giải phẫu không cấp thiết hoặc giải phẫu khẩn cấp và có sự xung đột vì bệnh viện muốn dùng máu; hoặc 2) nếu bệnh tình của bạn hoặc của một người thân trở nên trầm trọng; hoặc 3) nếu trong trường hợp một đứa trẻ (hoặc người lớn), mà bác sĩ, y tá hoặc một viên giám đốc nói rằng họ sẽ nhờ tòa án can thiệp, thì:
24 HÃY GỌI CÁC TRƯỞNG LÃO ĐỊA PHƯƠNG nếu bạn chưa làm thế. (Thật ra, vì lập trường của chúng ta về máu, chúng ta nên báo cho các trưởng lão biết trước bất cứ khi nào chúng ta phải đi đến một cơ quan y tế). Kế đến, nếu thấy cần thiết, CÁC TRƯỞNG LÃO SẼ NÓI CHUYỆN VỚI ỦY BAN LIÊN LẠC BỆNH VIỆN GẦN NHẤT. Nếu bạn muốn, một vài ủy viên của Ủy ban Liên lạc Bệnh viện có thể đến bệnh viện vào lúc này để giúp bạn (Ê-sai 32:1, 2).
25 Các trưởng lão trong Ủy ban Liên lạc Bệnh viện biết ai là các bác sĩ chịu hợp tác ở trong vùng của bạn và có thể giúp bạn liên lạc với họ và bắt đầu tìm ra những bác sĩ hoặc trung tâm y tế khác để giúp đỡ bạn. Nếu không có bác sĩ nào chịu hợp tác tại địa phương, các trưởng lão sẽ liên lạc với ủy ban gần nhất. Và nếu việc này cũng không có kết quả, họ sẽ liên lạc với Dịch vụ Thông tin Y tế tại Brooklyn. Họ cũng có thể sắp đặt một cuộc hội chẩn với một bác sĩ chịu hợp tác để bác sĩ này có thể giải thích cho ban nhân viên y tế của bạn về những gì có thể làm mà không cần đến máu. Các anh thuộc Ủy ban Liên lạc Bệnh viện đã được huấn luyện để xử lý những trường hợp như thế.
26 Các ủy viên của Ủy ban Liên lạc Bệnh viện cũng sẵn lòng giúp bạn hoặc người thân của bạn nói chuyện với một bác sĩ hoặc một giám đốc, nhưng bạn phải yêu cầu sự giúp đỡ này. Dĩ nhiên, các anh này không thể quyết định hộ cho bạn, nhưng thường thì họ có thể giúp bạn xem xét quan điểm của Hội về vấn đề này và lưu ý bạn đến những gì bạn có thể chọn lựa về mặt y học và pháp lý.
27 Nếu ban nhân viên y tế vẫn không chịu hợp tác, hãy nói với giám đốc bệnh viện về việc thay thế một ban khác gồm những nhân viên chịu tôn trọng nguyện vọng của bạn. Nếu giám đốc do dự làm điều đó và CHỈ khi nào bạn chắc chắn là có một bác sĩ giải phẫu trừ bị ở nơi khác và bạn có thể được chuyển đi, thì bạn có thể quyết định đưa cho giám đốc một tờ tuyên bố có đề ngày / tháng và có ký tên, nêu tên các bác sĩ không chịu hợp tác và nói rằng bạn không đồng ý cho họ điều trị bạn nữa.
28 Bạn có thể làm như thế không? Có, bạn có quyền đó. Và nếu vấn đề bị đưa ra tòa án sau này, bản văn mà bạn viết có thể góp phần đáng kể giúp quan tòa công nhận nguyện vọng của bạn. Nó cũng có thể mở đường cho những bác sĩ giải phẫu khác được quyền can thiệp và giúp điều trị bạn. Và điều quan trọng nhất là bạn có thể nhờ đó mà được điều trị trước khi tình trạng của bạn trở nên trầm trọng. Đừng chờ quá lâu!
29 Dù chúng tôi không thể bảo ai phải mua bảo hiểm sức khỏe, nhưng chúng tôi phải nói cho bạn biết rằng chúng tôi thường gặp những vấn đề nghiêm trọng khi phải tìm một bác sĩ, thường ngày chịu hợp tác, điều trị một người không có bảo hiểm sức khỏe đầy đủ hoặc không có bảo hiểm gì cả.
NHỮNG CÂU HỎI MỚM CẦN PHẢI ĐỀ PHÒNG
30 Bạn nên biết rằng có một số câu hỏi mà các bác sĩ và những người khác nêu ra không phải lúc nào cũng bởi động cơ tốt. Câu hỏi mà các bác sĩ (và một số quan tòa) thường hỏi nhất là:
• “Ông / Bà có thà chết (hoặc để cho con mình chết) thay vì nhận ‘tiếp máu cứu mạng’ không?”
31 Nếu bạn trả lời có, điều này đúng theo ý nghĩa tôn giáo. Nhưng câu trả lời đó thường bị hiểu lầm và thậm chí đôi khi còn khiến cho tòa án đưa ra những quyết định bất lợi nữa. Bạn phải nhớ rằng bạn không đang rao giảng trong trường hợp này. Đúng hơn, bạn đang nói về sự điều trị cần thiết. Bởi vậy, bạn phải thích nghi với cử tọa, ở đây là giới y khoa và pháp lý (Thi-thiên 39:1; Cô-lô-se 4:5, 6).
32 Đối với một bác sĩ, một quan tòa, hoặc một giám đốc bệnh viện, câu trả lời “có” có thể có nghĩa là bạn muốn tử vì đạo hoặc muốn hy sinh mạng sống của con mình vì đức tin. Việc nói với họ về đức tin mạnh mẽ của bạn nơi sự sống lại trong tình thế này thường sẽ không có lợi. Người ta sẽ cho bạn là người cuồng tín, không thể đi đến quyết định hợp lý khi tính mạng đang bị đe dọa. Trong trường hợp của con cái, người ta sẽ xem bạn là một bậc cha mẹ không biết lo cho con, từ chối cái gọi là phương pháp trị liệu y học “cứu mạng”.
33 Nhưng KHÔNG PHẢI là bạn từ chối cách trị liệu theo y học. Bạn chỉ không đồng ý với bác sĩ về PHƯƠNG PHÁP điều trị mà thôi. Lập trường này thường cho họ và bạn cái nhìn hoàn toàn khác. Ngoài ra, nếu họ làm như thể máu là an toàn và là phương pháp trị liệu DUY NHẤT có thể “cứu mạng bạn”, thì điều đó là sai. (Xem cuốn How Can Blood Save Your Life?, trang 7-22). Vậy bạn phải nói thật rõ điểm này. Bạn có thể làm thế như thế nào? Bạn có thể trả lời:
• “Tôi không muốn (tôi không muốn con tôi) chết. Nếu tôi muốn (muốn cho con tôi) chết, thì tôi đã ở nhà rồi. Nhưng tôi đến đây là để được điều trị để (cho con tôi) sống. Nguyện vọng của tôi là tôi (con tôi) được điều trị bằng phương pháp không dùng máu. Có những phương pháp trị liệu này”.
34 Một số các câu hỏi khác mà các bác sĩ hoặc các quan tòa thường nêu ra là:
• “Chuyện gì sẽ xảy ra cho ông / bà nếu tòa án ra lệnh cưỡng chế tiếp máu? Ông / Bà có chịu trách nhiệm không?”
• “Việc ông / bà chấp nhận tiếp máu hoặc bị cưỡng bách tiếp máu có khiến cho ông / bà bị khai trừ khỏi đạo hoặc bị từ chối sự sống đời đời không? Hội thánh sẽ nghĩ sao về ông / bà?”
35 Một chị trả lời một quan tòa rằng trong trường hợp như thế chị sẽ không chịu trách nhiệm về những gì ông ấy quyết định. Trong khi điều này đúng trên một quan điểm nào đó, quan tòa cho rằng bởi vì chị không chịu trách nhiệm, nên ông ta sẽ chịu trách nhiệm giùm chị. Ông ra lệnh tiếp máu.
36 Bạn phải hiểu rằng khi nêu ra các câu hỏi này, một số người thường tìm cách vượt qua sự kiện bạn từ chối tiếp máu. Chớ nên sơ ý mà mắc bẫy! Vậy chúng ta sẽ tránh sự hiểu lầm đó như thế nào? Bạn có thể trả lời:
• “Nếu tôi bị cưỡng bách tiếp máu, tôi coi đó như là bị hiếp dâm. Suốt quãng đời còn lại, tôi sẽ phải gánh chịu những hậu quả của sự tấn công đó về mặt tình cảm và thiêng liêng. Bằng tất cả sức lực, tôi sẽ kháng cự lại sự xâm phạm đến thân thể tôi mà không có sự ưng thuận của tôi. Tôi sẽ tìm mọi cách để kiện những người tấn công tôi giống như trong trường hợp tôi bị hiếp dâm vậy”.
37 Chúng ta phải gây ấn tượng mạnh mẽ và sinh động rằng sự tiếp máu cưỡng bách là một sự xâm phạm ghê tởm trên thân thể chúng ta. Đây không phải là một vấn đề nhỏ nhặt. Vậy hãy giữ vững lập trường. Hãy nói rõ là bạn muốn điều trị bằng phương pháp khác không cần dùng máu.
BẠN SẼ LÀM GÌ ĐỂ TỰ CHUẨN BỊ?
38 Chúng ta đã xem lại một số điều mà bạn cần phải làm để bảo vệ chính bạn và gia đình bạn khỏi bị tiếp máu ngoài ý muốn. (Sau này, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp thêm các chi tiết khác về cách đối phó khi người ta đe dọa tiếp máu cho con nít và trẻ em). Chúng ta cũng thấy những gì Hội đã yêu thương làm để giúp chúng ta lúc cần. Bạn phải làm gì với tài liệu này để chắc chắn rằng bạn sẵn sàng đối phó với tình thế thử thách đức tin liên quan đến phương pháp trị liệu?
Trước nhất: Thảo luận chung với gia đình để ôn lại những vấn đề này và để chuẩn bị mình sẽ nói gì và làm gì, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp.
Kế đến: Kiểm soát xem bạn có tất cả các giấy tờ cần thiết chưa.
Rồi: Cầu nguyện nghiêm chỉnh với Đức Giê-hô-va để xin ngài hỗ trợ bạn, giúp bạn quyết tâm ‘kiêng huyết’. Khi vâng theo luật pháp của ngài về máu, chúng ta có sự bảo đảm là sẽ được ngài ban ân huệ hưởng được đời sống vô tận (Công-vụ các Sứ-đồ 15:29; Châm-ngôn 27:11, 12).
[Khung nơi trang 5]
Nếu như tình trạng sức khỏe trở nên trầm trọng đến độ người ta đe dọa tiếp máu, hãy kiểm lại khung này để xem bạn nên làm gì:
1. Gọi điện thoại cho trưởng lão trong hội thánh để họ giúp bạn.
2. Nhờ các trưởng lão gọi Ủy ban Liên lạc Bệnh viện gần nhất, nếu cần.
3. Ủy ban Liên lạc Bệnh viện có thể giúp bạn nói chuyện với các bác sĩ và những người khác.
4. Ủy ban Liên lạc Bệnh viện có thể giúp bạn liên lạc với các bác sĩ khác để hội chẩn với các bác sĩ giải phẫu của bạn lúc đó về những phương pháp trị liệu khác.
5. Ủy ban Liên lạc Bệnh viện cũng có thể giúp bạn được chuyển đến một bệnh viện khác, biết tôn trọng nguyện vọng của bạn để bạn được điều trị.