Tháng tư, tháng “làm việc chăm chỉ và gắng sức”
1 Những tuần gần Lễ Tưởng Niệm là lúc để dân tộc của Đức Giê-hô-va suy ngẫm. Đây là lúc để suy nghĩ về những điều Chúa Giê-su đã thực hiện qua sự chết của ngài và suy tưởng về niềm hy vọng Đức Chúa Trời ban cho mà chúng ta có thể nhận lãnh nhờ vào sự đổ huyết của Chúa Giê-su. Khi hồi tưởng ngày 19 tháng 4 năm vừa qua, bạn nhớ lại điều gì? Bạn còn nhớ những khuôn mặt vào buổi tối mùa xuân đó cùng với bầu không khí thiêng liêng tại buổi Lễ Tưởng Niệm, cũng như buổi thảo luận Kinh Thánh nghiêm trang và những lời cầu nguyện chân thành không? Có lẽ bạn đã quyết tâm thể hiện nhiều hơn nữa lòng biết ơn sâu xa đối với tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã tỏ ra cho bạn. Ngay bây giờ, sự suy ngẫm này đã tác động thế nào đến bạn?
2 Hiển nhiên, dân tộc của Đức Giê-hô-va không chỉ bày tỏ lòng biết ơn qua lời nói. (Cô 3:15, 17) Đặc biệt trong tháng Tư năm ngoái, lòng biết ơn về những sắp đặt cứu rỗi của Đức Giê-hô-va đã được thể hiện qua những cố gắng tận tụy trong thánh chức rao giảng của tín đồ Đấng Christ. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, số người tiên phong phụ trợ tăng lên hàng ngàn, vượt qua con số cao nhất trước đây đến 27 phần trăm. Sự cố gắng của họ cùng với tất cả những người công bố về Nước Trời, mang lại kết quả là số giờ, số tạp chí phân phát, viếng thăm lại, đã đạt đến cao điểm. Niềm vui của chúng ta được thêm lên khi nhìn thấy hàng ngàn cuộc học hỏi mới đã bắt đầu và số cao nhất mới tham dự Lễ Tưởng Niệm!
3 Quả thật, lòng tin tưởng vững chắc vào niềm hy vọng đã thúc đẩy chúng ta hành động. Đúng như lời của sứ đồ Phao-lô đã viết: “Vì mục đích này, chúng ta làm việc chăm chỉ và gắng sức, bởi vì chúng ta đặt hy vọng mình nơi Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng Cứu Rỗi của mọi hạng người, nhất là những người trung thành”.—1 Ti 4:10, NW.
4 Trong mùa Lễ Tưởng Niệm này, đức tin của bạn nơi sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để mang lại sự sống sẽ được thể hiện ra sao? Tính từ trước đến nay, con số những người công bố về Nước Trời trong tháng Tư năm vừa qua tại Hoa Kỳ đã được xếp vào hàng thứ nhì. Có thể vượt qua con số ấy vào tháng Tư này không? Mục tiêu này có thể đạt được. Tuy nhiên cần phải có sự tham gia của mỗi người công bố báp têm và chưa báp têm. Nhiều người mới cũng có thể hội đủ điều kiện để tham gia. Vậy, khi dự tính làm việc chăm chỉ và gắng sức trong tháng Tư này, hãy xem xét cách bạn có thể khuyến khích người khác, gồm cả những người mới và ít kinh nghiệm hơn, cùng đi với bạn.
5 Giúp đỡ vài anh chị hoạt động trở lại: Nếu biết được vài anh chị ngưng rao giảng trong một vài tháng vừa qua, bạn có thể khuyến khích và mời họ cùng đi rao giảng với mình. Nếu trong hội thánh có những người đã ngưng hoạt động, trưởng lão sẽ đặc biệt cố gắng đến thăm và khích lệ để các anh chị ấy bắt đầu lại trong tháng Tư.
6 Tất cả chúng ta phải tiếp tục cầu xin được thánh linh của Đức Giê-hô-va củng cố trong công tác Ngài giao phó. (Lu 11:13) Chúng ta phải làm gì để nhận được thánh linh? Hãy đọc Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời. (2 Ti 3:16, 17) Đồng thời chúng ta phải “nghe lời Đức Thánh-Linh phán cùng các Hội-thánh!” bằng cách tham dự năm buổi họp hằng tuần. (Khải 3:6) Bây giờ là thời cơ thuận tiện để giúp những anh chị không đi rao giảng đều đặn và ngưng hoạt động, trau dồi thói quen học hỏi của họ và đều đặn tham dự các buổi họp. (Thi 50:23) Vừa thực hiện điều này, chúng ta vừa tiếp tục chăm lo tình trạng thiêng liêng của chính mình. Tuy nhiên còn có đòi hỏi khác nữa.
7 Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích rằng Đức Chúa Trời ban thánh linh Ngài cho “kẻ vâng lời Ngài”. (Công 5:32) Sự vâng lời này bao gồm việc nghe theo lệnh “rao giảng cho dân chúng và làm chứng kỹ lưỡng”. (Công 1:8; 10:42, NW) Vì thế, dù thật sự cần thánh linh Đức Chúa Trời để được mạnh mẽ trong công việc rao giảng, nhưng ngay khi chúng ta bắt đầu biểu lộ sự ao ước làm vui lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta được Ngài giúp nhiều hơn thế nữa. Mong sao chúng ta không bao giờ coi nhẹ tầm quan trọng của việc thực hiện những bước đầu tiên của sự sẵn sàng vâng lời!
8 Giúp đỡ những người trẻ: Hỡi các bậc cha mẹ, bạn có thấy con cái bạn muốn nói với người khác về lẽ thật không? Chúng có cùng đi rao giảng với bạn không? Chúng có hạnh kiểm gương mẫu không? Nếu có, bạn còn chần chờ gì nữa? Hãy đến gặp một anh trong Ủy Ban Công Tác Hội Thánh để xem con bạn có hội đủ điều kiện để trở thành một người công bố trong tháng Tư này không? (Xem sách Thánh chức rao giảng, trang 100, 101) Hãy nhận biết rằng con của bạn có thể góp phần to lớn trong lời reo hò ca ngợi Đức Giê-hô-va trong mùa Lễ Tưởng Niệm này.—Mat 21:15, 16.
9 Một người mẹ sống tại Georgia, Hoa Kỳ, luôn khuyến khích cô con gái nhỏ của mình nói với người khác về Đức Giê-hô-va. Vào năm rồi, trong lúc cùng mẹ rao giảng, em đã mời một người đàn ông nhận sách mỏng Đòi hỏi và giải thích vắn tắt bảng mục lục. Người ấy hỏi em: “Cháu bao nhiêu tuổi?” Em đáp: “Dạ, cháu bảy tuổi”. Người đàn ông ngạc nhiên vì cách trình bày của em. Tuy lớn lên gần gũi với lẽ thật, nhưng ông này không bao giờ coi đó như là một lối sống. Chẳng bao lâu sau, ông cùng với vợ và con gái học Kinh Thánh.
10 Nhiều người trẻ đã là người công bố rồi, và chúng ta vui thích đi rao giảng với họ. Những người trẻ này có thể thúc đẩy và khuyến khích những bạn cùng lứa tuổi. Nhưng tháng Tư cũng là thời điểm thích hợp cho mỗi gia đình củng cố mối liên lạc của họ và gia tăng thêm tình trạng thiêng liêng bằng cách cùng nhau làm công việc thánh. Người chủ gia đình nên dẫn đầu trong công việc này.—Châm 24:27.
11 Giúp đỡ những người mới: Về phần những người mới đang học Kinh Thánh với chúng ta thì sao? Họ có thể góp phần vào sự cố gắng đặc biệt trong tháng Tư này không? Có lẽ họ đã bày tỏ lòng ao ước chia sẻ những gì họ học với người khác khi bạn xem xét sách Hiểu biết chương 2, đoạn 22 hoặc chương 11, đoạn 14. Nếu học gần hết sách với người ấy, hãy chuẩn bị để thảo luận rõ ràng về điều này khi bạn xem xét chương 18, đoạn 8, cho thấy rõ rằng: “Có lẽ bạn sốt sắng nói với bà con thân thuộc, bạn bè và người khác về những gì bạn đang học. Thật vậy, có lẽ bạn đã làm điều này rồi, cũng như Chúa Giê-su đã chia sẻ tin mừng với người khác trong mọi dịp tiện. (Lu 10:38, 39; Giăng 4:6-15) Bây giờ có lẽ bạn muốn làm nhiều hơn nữa”. Điều này có đúng đối với những người đang học hỏi với bạn không?
12 Người học với bạn có tin Lời Đức Chúa Trời không? Họ có áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh không? Họ có sống phù hợp với những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời không? Họ có đến tham dự những buổi họp hội thánh không? Họ có muốn phụng sự Đức Chúa Trời Giê-hô-va không? Nếu vậy, sao bạn không khuyến khích họ thảo luận với các trưởng lão để biết chắc họ có hội đủ điều kiện trở thành người công bố chưa báp têm và cùng rao giảng với bạn trong tháng Tư này không? (Xem sách Thánh chức rao giảng, trang 97-99) Bằng cách này họ có thể cảm nghiệm trực tiếp sự ủng hộ của tổ chức Đức Giê-hô-va trong việc cố gắng phụng sự Ngài.
13 Vì mức độ tiến bộ của mỗi người khác nhau, cho nên để phù hợp với sự chỉ dẫn trong tờ Thánh Chức Nước Trời, tháng 6-2000, trang 4, đoạn 5, 6, nhiều anh chị học quyển sách thứ hai với những người từ ban đầu họ đã thích học nhưng họ cần được giúp đỡ thêm để kết hợp hăng hái hơn. Chúng ta luôn nuôi hy vọng là “dù trong thời gian dài hay ngắn” những người có lòng ngay thẳng này sẽ trở thành những môn đồ thật của Đấng Christ. (Công 26:29, Bản Dịch Mới) Tuy nhiên, nếu quả thời gian bạn đã dành để học với những người như thế là một “thời gian dài”, biết đâu mùa Lễ Tưởng Niệm này lại chẳng là một cơ hội tốt để người ấy biểu lộ lòng biết ơn sâu đậm của mình đối với giá chuộc của Chúa Giê-su?
14 Cách giúp họ tham gia: Khi xem xét cách Chúa Giê-su huấn luyện người khác, chúng ta có thể học hỏi nhiều trong việc giúp đỡ những người hội đủ điều kiện khởi sự thánh chức. Chúa Giê-su không chỉ tìm một đám đông rồi bảo các sứ đồ khởi sự giảng. Trước nhất, ngài nhấn mạnh sự cần thiết của công việc rao giảng, khuyến khích thái độ chân thành, kế đó sắp đặt cho họ ba điều căn bản: một người cộng tác, một khu vực chỉ định, và một thông điệp. (Mat 9:35-38; 10:5-7; Mác 6:7; Lu 9:2, 6) Bạn có thể làm giống như vậy. Dù giúp đỡ con cái, một người học mới, hoặc anh chị đã ngưng hoạt động một thời gian, việc đặc biệt cố gắng theo đuổi những mục tiêu sau đây là điều đáng nên làm.
15 Nhấn mạnh sự cần thiết: Hãy giúp người đó hiểu được tầm quan trọng của công việc rao giảng. Hãy tỏ ra tích cực trong phương diện này. Thuật lại những kinh nghiệm về thánh chức mà hội thánh đang thực hiện. Bày tỏ tinh thần được Chúa Giê-su thể hiện nơi Ma-thi-ơ 9:36-38. Khuyến khích người công bố tương lai hoặc anh chị ngưng hoạt động cầu nguyện về sự tham gia trong thánh chức của cá nhân họ, cũng như sự thành công của công việc rao giảng trên khắp thế giới.
16 Khuyến khích người ấy nghĩ đến những cơ hội làm chứng: Đề cập đến việc có thể họp với nhóm học cuốn sách để rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Cho thấy họ có thể nói chuyện với người thân và những người quen biết, hay với bạn cùng sở hoặc bạn học trong giờ ăn trưa. Thông thường, khi dùng phương tiện chuyên chở công cộng, họ có thể bắt chuyện đơn giản bằng cách tỏ ra quan tâm đến những bạn đồng hành. Khi chúng ta chủ động, điều này có thể tạo cơ hội để làm chứng tốt. Thật vậy, có nhiều cơ hội để chia sẻ niềm hy vọng của chúng ta với người khác “từng ngày”.—Thi 96:2, 3.
17 Dầu vậy, tốt hơn bạn và người công bố mới nên sớm rao giảng chung từ nhà này sang nhà kia. Nếu đặt mục tiêu rao giảng nhiều hơn trong tháng Tư, bạn hãy hỏi anh phụ trách phân chia khu vực xem có một khu vực nào thuận tiện cho bạn không. Nếu có, bạn sẽ có cơ hội rao giảng kỹ lưỡng khu vực này. Thí dụ, khi rao giảng xong hoặc đi đến buổi họp hay nơi nào khác, bạn có thể thấy ngôi nhà mà bạn đã đến lúc trước không có ai nay có người ở nhà, hoặc chủ nhà đã tỏ ra chú ý. Nếu thuận tiện, hãy viếng thăm nhà ấy một chút, vào lúc thích hợp nhất. Điều này sẽ góp phần mang lại một cảm giác toại nguyện và vui mừng trong thánh chức.
18 Chuẩn bị một thông điệp hấp dẫn: Muốn chia sẻ thông điệp Nước Trời là một điều, nhưng để cho người đó cảm thấy tự tin về cách mình truyền đạt thông điệp lại là một điều khác, nhất là khi họ mới bắt đầu hoặc đã ngưng rao giảng trong một thời gian dài. Dành thời giờ giúp người mới và người ngưng hoạt động chuẩn bị là việc đáng làm. Buổi Họp Công Tác và buổi họp rao giảng có thể cung cấp những ý kiến hay, nhưng không thay thế được sự chuẩn bị cá nhân.
19 Bạn có thể giúp những người mới chuẩn bị cho việc rao giảng như thế nào? Hãy bắt đầu với lời trình bày tạp chí sao cho đơn giản và vắn tắt! Gợi họ nghĩ đến tin tức về những biến cố có thể khiến những người trong khu vực quan tâm, rồi tìm một điểm trong tạp chí hiện hành có liên quan đến điều đó. Hãy cùng nhau tập lời trình bày đó và mau chóng áp dụng trong thánh chức.
20 Vun trồng nơi những người chú ý cho sự gia tăng trong tương lai: Năm vừa qua hơn 14,8 triệu người đã tham dự Lễ Tưởng Niệm. Trong khi đó, chỉ có hơn sáu triệu người công bố. Điều này có nghĩa là khoảng 8,8 triệu người chú ý đến dự một chương trình đặc biệt, để nghe giải thích về một trong những sự dạy dỗ chính của Kinh Thánh. Về phương diện cá nhân, họ làm quen với vài người trong chúng ta và chắc hẳn điều này có thể khiến họ có ấn tượng tốt đối với chúng ta. Nhiều người khen ngợi chúng ta, đóng góp cho công việc trên khắp thế giới, và bào chữa cho chúng ta trước những người khác. Nhóm đông người này là một tiềm năng cho sự gia tăng tương lai. Chúng ta có thể làm gì để giúp họ tiến bộ hơn?
21 Đa số những người mới đến dự Lễ Tưởng Niệm là do lời mời cá nhân của chúng ta. Thường thường, điều này có nghĩa là họ quen biết ít nhất là một người trong cử tọa. Nếu có người nhận lời mời và đến dự, chúng ta có trách nhiệm giúp họ cảm thấy được tiếp đón ân cần và giúp họ hưởng trọn vẹn lợi ích của chương trình. Vì phòng họp sẽ đông người, hãy giúp họ tìm chỗ ngồi, cho mượn Kinh Thánh, và mời họ dùng chung sách hát của bạn. Trả lời những câu hỏi người ấy có thể nêu ra. Sự chú ý ân cần của chính bạn có thể là một yếu tố chính giúp vun trồng sự chú ý của người đó. Dĩ nhiên, mỗi người trong chúng ta đều chia sẻ trách nhiệm này—nếu thấy ai lạ, hãy nồng nhiệt chào đón họ và trò chuyện một chút để làm quen.
22 Sự hiện diện tại buổi Lễ Tưởng Niệm có thể tác động hữu hiệu đến tư tưởng của một người. Sự kiện người ấy đến dự có thể cho thấy họ chưa tìm được điều họ muốn tại những nơi khác, và chúng ta cho họ điều mà họ thấy cần phải xem xét kỹ hơn. Đối với một người không có một khái niệm về tình yêu thương bao la của Đức Giê-hô-va, lời giải thích về sự sắp đặt kỳ diệu của giá chuộc có thể là một sự khám phá có ảnh hưởng sâu sắc. Họ có thể nhận ra sự khác biệt nơi chúng ta —chân thật, thân thiện, yêu thương, và lễ độ. Phòng họp của chúng ta không giống như những nhà thờ mà họ đã thấy, nơi có hình tượng và những nghi lễ vô nghĩa. Những người mới chắc sẽ thấy rằng tất cả những người trong cử tọa thuộc mọi thành phần trong xã hội và không ai quyên góp tiền bạc. Sự tiếp xúc này có thể là một động cơ mạnh mẽ khuyến khích họ trở lại.
23 Sau Lễ Tưởng Niệm, nên sắp đặt một số anh chị giúp mỗi người mới đã đến dự. Nếu đã mời một người mới, bạn có một trách nhiệm đặc biệt. Trước khi họ ra về, hãy cho họ biết về những buổi họp khác tại Phòng Nước Trời. Hãy cho biết tựa đề của bài diễn văn công cộng sắp đến. Hãy cho họ biết địa điểm và giờ giấc của Buổi Học Cuốn Sách Hội Thánh gần nhà họ nhất. Rồi sau này, đem đến cho họ sách Đấng Tạo Hóa, và cho họ biết vào tuần lễ bắt đầu ngày 30 tháng 4 chúng ta sẽ thảo luận đề tài “Bạn có thể học được gì về Đấng Tạo Hóa từ một quyển sách?” Giải thích việc cả hội thánh sắp đặt tham dự đại hội địa hạt được tổ chức trong tương lai gần đây.
24 Sắp đặt để thăm viếng thân mật tại nhà họ. Hãy cho họ sách mỏng Đòi hỏi và sách Hiểu biết, để họ quen thuộc với những dạy dỗ cơ bản của Kinh Thánh. Nếu họ chưa học, hãy mời họ học Kinh Thánh. Đề nghị họ đọc sách mỏng Nhân Chứng Giê-hô-va—Họ là ai? Họ tin gì?, được trình bày với hình ảnh rõ ràng về cách chúng ta hoạt động như một tổ chức. Mời họ xem băng video Đoàn thể anh em của chúng ta (Anh ngữ). Sắp đặt để họ gặp gỡ những anh chị khác trong hội thánh. Trong những tháng kế tiếp, hãy giữ liên lạc với những người mới; mời họ đi dự các buổi họp khi anh giám thị vòng quanh viếng thăm hoặc khi có hội nghị vòng quanh hoặc hội nghị đặc biệt một ngày. Dành mọi cơ hội để họ tự bày tỏ “có lòng hướng thiện để nhận được sự sống đời đời!”—Công 13:48, NW.
25 Các trưởng lão có thể làm gì: Thành công của sự gia tăng nỗ lực trong thánh chức vào tháng Tư này phần lớn tùy thuộc vào các trưởng lão. Nếu là người hướng dẫn buổi học cuốn sách, bạn hãy lập một bảng liệt kê những điều bạn có thể làm, để giúp đỡ mọi người trong nhóm tham gia vào những hoạt động đặc biệt. Có ai trẻ, mới, không đều đặn hoặc ngưng hoạt động ở nhóm của bạn không? Kiểm lại xem các bậc cha mẹ, người tiên phong, hoặc người công bố khác có chủ động giúp đỡ họ không. Hãy cố gắng giúp đỡ trong khả năng của bạn. Một chị không rao giảng đều đặn trong hai năm đã dành hơn 50 giờ vào thánh chức trong tháng Tư vừa qua. Điều gì đã đem lại sự khác biệt này cho chị? Chị cho biết những cuộc thăm chiên có tính cách xây dựng của các trưởng lão đã đem lại kết quả này.
26 Trưởng lão và tôi tớ thánh chức nên hợp tác với nhau để đảm bảo hội thánh có đủ khu vực, tạp chí, và sách báo cho những tháng sắp tới. Có thể sắp đặt thêm những buổi họp rao giảng không? Nếu có hãy cho biết về sự sắp đặt đặc biệt này. Trên hết, trong lời cầu nguyện cá nhân và trước hội thánh, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho tháng có những hoạt động của Nước Trời được gia tăng.—Rô 15:30, 31; 2 Tê 3:1.
27 Trong một hội thánh tại bang North Carolina vào tháng Tư vừa qua, các trưởng lão thực sự khuyến khích việc gia tăng hoạt động trong thánh chức. Tại những buổi họp hàng tuần, họ mời người công bố nên cầu nguyện suy xét xem họ có thể ghi danh làm tiên phong phụ trợ không. Tận dụng mọi cơ hội, tất cả trưởng lão và tôi tớ thánh chức hăng hái nói về việc làm thánh chức trong tháng Tư trở thành một tháng đặc sắc nhất từ trước đến nay. Kết quả là 58 phần trăm những người công bố, gồm có luôn tất cả trưởng lão và tôi tớ thánh chức, đã tiên phong trong tháng đó!
28 Niềm vui mừng của sự tham gia trọn vẹn: Chúng ta nhận ân phước nào khi “làm việc chăm chỉ và gắng sức”? (1 Ti 4:10, NW) Khi nói về hoạt động sốt sắng của hội thánh, các trưởng lão được nói đến ở trên đã viết: “Kể từ khi bắt đầu rao giảng nhiều hơn trong thánh chức, các anh chị thường cho biết họ quả đã cảm nhận được tình yêu thương và sự gần gũi đối với nhau nhiều hơn”.
29 Một anh trẻ bị hạn chế trong việc đi lại, mong mỏi tham gia vào hoạt động đặc biệt trong tháng Tư vừa qua. Bằng cách trù tính kỹ lưỡng và với sự giúp đỡ của mẹ anh cùng với những anh chị thiêng liêng, anh đã làm tiên phong phụ trợ và đạt được nhiều kết quả. Anh nghĩ gì về kinh nghiệm đó? Anh nói: “Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình khỏe mạnh”.
30 Không nghi ngờ gì cả, Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho những ai vô cùng quí trọng đặc ân nói về vương quyền của Ngài. (Thi 145:11, 12) Khi tưởng nhớ sự chết của Chúa, chúng ta hiểu rằng những ân phước cho lòng tin kính sẽ còn phong phú hơn nữa trong tương lai. Sứ đồ Phao-lô thiết tha mong mỏi phần thưởng sống đời đời. Tuy thế, ông biết rằng đây không phải là điều mà ông chỉ ngồi đó mà hy vọng. Ông viết: “Ấy cũng là vì đó mà tôi làm việc [“chăm chỉ”, NW], nhờ sức Ngài giúp-đỡ mà chiến-đấu [“gắng sức”, NW], là sức hành-động cách có quyền trong tôi”. (Cô 1:29) Qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va khiến Phao-lô mạnh mẽ để thực hiện thánh chức cứu người, và ngày nay Ngài cũng có thể làm như vậy cho chúng ta. Phải chăng đó sẽ là kinh nghiệm cá nhân của bạn trong tháng Tư này?
[Khung nơi trang 3]
Bạn có thể khuyến khích ai
công bố trong tháng Tư?
Con cái bạn?
Một người học Kinh Thánh?
Một người ngưng hoạt động?