Hãy phát triển khả năng nhận thức của bạn
1 Chúng ta hiện đang sống trong những ngày cuối cùng đầy lo âu; dân sự Đức Chúa Trời khắp nơi càng ngày càng phải chịu nhiều áp lực và thử thách đủ loại. (2 Ti 3:1-5) Tất cả chúng ta cần được khuyến khích để đứng vững trong đức tin. (1 Cô 16:13) Chúng ta có thể làm thế với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, khi tiếp tục nuôi dưỡng đều đặn bằng Lời Ngài, nương tựa nơi thánh linh, và kết hợp chặt chẽ với tổ chức Ngài.—Thi 37:28; Rô 8:38, 39; Khải 2:10.
2 Với lý do chính đáng, chủ đề “Về sự khôn-sáng, hãy nên như kẻ thành-nhân” đã được khai triển tại chương trình hội nghị đặc biệt một ngày trong năm vừa qua. Chủ đề này dựa trên 1 Cô-rinh-tô 14:20, nơi đây sứ đồ Phao-lô nói: “Hỡi anh em, về sự khôn-sáng, chớ nên như trẻ con; nhưng về sự gian-ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn-sáng, hãy nên như kẻ thành-nhân”. Các anh chị nghĩ sao về chương trình này?
3 “Thật là khích lệ!” “Đây đúng là điều chúng tôi cần!” Đó chỉ là đôi lời phát biểu mà thôi. Ngay cả một người không phải là Nhân Chứng đã đi dự hội nghị đặc biệt một ngày để xem con gái 12 tuổi báp têm, cũng nói rằng chương trình hội nghị đã gây ấn tượng sâu sắc đối với ông và ông có thể thấy được chương trình sẽ mang lại lợi ích cho gia đình mình ra sao. Các anh chị có cảm thấy như vậy không? Chúng ta hãy nhớ lại vài điểm nổi bật của chương trình.
4 Cần phải có sự hiểu biết chính xác để phát triển khả năng nhận thức: Trong bài giảng khai mạc, “Phát triển khả năng hiểu biết của bạn ngay bây giờ”, anh diễn giả nhấn mạnh đến điều nào cần phải có để đương đầu với những thử thách trong thời buổi này? Chỉ có khả năng trí tuệ thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải phát triển và đào sâu sự hiểu biết Kinh Thánh để không bị chế ngự bởi mọi điều ác mà chúng ta gặp phải. Cần phải được Đức Chúa Trời hướng dẫn để có sự hiểu biết này. Giống như người viết Thi-thiên, chúng ta phải cầu xin Đức Giê-hô-va khiến chúng ta hiểu luật pháp và lời nhắc nhở của Ngài để có thể phụng sự Ngài hết lòng.—Thi 119:1, 2, 34.
5 Trong phần kế tiếp, anh giám thị vòng quanh cho thấy qua Lời và tổ chức của Ngài, Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta “Những trợ giúp để trưởng thành trong sự hiểu biết Kinh Thánh”. Sự hiểu biết được định nghĩa là “khả năng thấy rõ thực chất và nguyên do của vấn đề bằng cách nắm được mối quan hệ giữa các phần với toàn bộ, nhờ đó nhận ra ý nghĩa của nó”. Ai có thể giúp chúng ta phát triển khả năng này? Đức Giê-hô-va đã ban cho món quà dưới hình thức người để giúp chúng ta tiến bộ về mặt thiêng liêng. (Ê-phê 4:11, 12) Tổ chức trên đất của Ngài khuyến giục chúng ta đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày và đi nhóm họp đều đặn. (Thi 1:2) Chúng ta được dạy cách dùng Kinh Thánh và các ấn phẩm đạo Đấng Christ trong việc học hỏi cá nhân và gia đình cũng như chuẩn bị cho các buổi họp và công việc rao giảng. Các anh chị có tận dụng tất cả những sự sắp đặt này không? Các anh chị có duy trì một chương trình đọc Kinh Thánh cá nhân đều đặn không? Điều này là thiết yếu để chúng ta được che chở, không trở thành nạn nhân cho các xu hướng, kiểu cách, triết lý và ảnh hưởng dối trá của thế gian.—Cô 2:6-8.
6 Chúng ta phải luyện tập khả năng nhận thức: Trong bài giảng đầu tiên của anh diễn giả khách với tựa đề “Gìn giữ tính thiêng liêng nhờ tập luyện khả năng nhận thức”, anh giải thích rằng người thế gian không thể phân biệt phải trái. (Ê-sai 5:20, 21) Đó là vì họ từ chối nhìn nhận và tuân theo các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời. Ngược lại, chúng ta, những người đã được dạy dỗ về thiêng liêng trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, nhận biết các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời được dùng để hướng dẫn chúng ta trong các hoạt động và lối sống. Vì thế, chúng ta có thể chứng tỏ cho chính mình thấy điều gì là tốt lành, đẹp lòng Đức Giê-hô-va và điều gì phù hợp với ý muốn trọn vẹn của Ngài.—Rô 12:2.
7 Nhằm tránh lối suy nghĩ lộn xộn của thế gian và hậu quả tai hại của lối suy nghĩ đó, chúng ta phải tiếp tục luyện tập khả năng nhận thức của mình. Làm sao thực hiện được điều này? Nơi Hê-bơ-rơ 5:12-14, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh việc không chỉ dùng “sữa” của Lời Đức Chúa Trời mà thôi. Chúng ta cần thức ăn thiêng liêng đặc, như thức ăn nhận được khi học lời tiên tri của Ê-sai tại Buổi Học Cuốn Sách Hội Thánh. Rồi chúng ta phải sẵn sàng áp dụng những gì học được vào đời sống. Khi làm thế, chúng ta tin chắc các tiêu chuẩn và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va là đúng. Điều này luyện tập chúng ta có khả năng nhận thức để phân biệt rõ ràng điều phải và trái.
8 Đáng buồn là một số đã vấp ngã về mặt thiêng liêng. Tại sao? Họ đã không lưu ý đến điều gì là thiện và công bình theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Kết quả là họ trở thành nạn nhân của những chương trình đàm luận có nội dung trái nghịch với Kinh Thánh trên truyền hình và radio, của âm nhạc đồi trụy, hoặc những ảnh hưởng xấu của “phòng tán gẫu” (chat room) trên máy vi tính. Bằng cách hành động khôn ngoan, chúng ta sẽ không bị những người gian ác, ngu dại và vô luân ảnh hưởng đến mình.—Châm 13:20; Ga 5:7; 1 Ti 6:20, 21.
9 Các bạn trẻ “về sự gian ác phải như trẻ con”: Chương trình có hai phần dành riêng để khuyến khích các bạn trẻ phát triển khả năng nhận thức. Anh diễn giả cho thấy rằng “về sự gian ác phải như trẻ con” có nghĩa là giữ mình ngây thơ, chẳng khác nào trẻ con, đối với những điều Đức Giê-hô-va cho là ô uế. (1 Cô 14:20) Tất cả chúng ta được khuyến khích sử dụng thì giờ một cách thận trọng, tránh tiếp xúc với bất cứ loại gian ác nào và không để chúng tiêm nhiễm. (Ê-phê 5:15-17) Chúng ta được khuyến khích để tính xem mình dành bao nhiêu thời gian cho việc đọc những tài liệu không trực tiếp góp phần vào việc phát triển sự hiểu biết về những điều thiêng liêng. Các anh chị đã tính chưa? Kết quả cho thấy gì? Ngoài việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày, hãy quyết tâm đọc hết những tài liệu do tổ chức cung cấp. Nếu làm thế, chúng ta và luôn cả những người trẻ sẽ được giúp để “mua sự thông-sáng”. (Châm 4:7-9)
10 “Biết áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh đem lại lợi ích”: Đó là tựa đề của bài giảng kết thúc chương trình hội nghị đặc biệt một ngày. Anh diễn giả khách giải thích rằng Đức Giê-hô-va là Nguồn của sự hiểu biết mang lại sự sống, trội hơn gấp bội sự khôn ngoan của con người. Hãy thử tưởng tượng có cơ hội tiếp thu sự hiểu biết của Đức Giê-hô-va! Ngài rộng rãi ban cho những ai thành thật tìm kiếm và cầu xin trong đức tin. (Châm 2:3-5, 9; 28:5) Các bạn có tận dụng sự ban cho của Ngài không?
11 Chúng ta được khuyến khích học nhận ra những nguyên tắc khi đọc Kinh Thánh. (2 Ti 3:16, 17) Cẩn thận học hỏi những nguyên tắc này để hiểu chính xác điều Đức Giê-hô-va đang nói và dành thì giờ suy ngẫm rồi khắc ghi vào tâm trí mình. Điều này sẽ rèn luyện khả năng nhận thức của bạn để những quyết định trong cuộc sống của bạn được thành công. (Giô-suê 1:8) Chúng ta hãy lưu ý đến vài trường hợp mà nhiều người gặp phải và xem việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp chúng ta thành công như thế nào.
12 ‘Tôi có nên bắt chước cách ăn mặc chải chuốt nào đó không?’ Khuynh hướng ăn mặc chải chuốt lố lăng của thế gian thường phản ánh tinh thần phản loạn. Một tinh thần như thế khiến người ta ăn mặc cẩu thả và gai mắt hoặc hở hang. Những nguyên tắc Kinh Thánh thích hợp nào sẽ giúp chúng ta kháng cự lại những khuynh hướng như thế? Một khi đã luyện tập khả năng nhận thức của mình rồi, chúng ta sẽ lưu tâm đến nguyên tắc nơi 1 Ti-mô-thê 2:9, 10 để ăn mặc “nết-na và đức-hạnh... theo lẽ đương-nhiên của [người] tin-kính Chúa”. Các nguyên tắc khác cũng cần được lưu tâm đến bao gồm những nguyên tắc được đề cập đến nơi 2 Cô-rinh-tô 6:3 và Cô-lô-se 3:18, 20.
13 ‘Tôi có thể làm gì để giữ mối quan hệ gia đình được vững chắc?’ Mối liên lạc tốt giữa những người trong gia đình là trọng yếu. Gia-cơ 1:19 nói với chúng ta: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận”. Mỗi người trong gia đình cần lắng nghe cũng như nói chuyện với nhau, bởi vì mối liên lạc trong gia đình là một mối liên lạc hai chiều. Ngay cả khi điều chúng ta nói là đúng, nếu chúng ta nói một cách cay nghiệt, kiêu căng hoặc không có tình cảm thì hầu như nó gây tai hại nhiều hơn là có lợi. Vì thế, dù là người chồng, vợ, cha mẹ hoặc con cái, lời nói của chúng ta phải “có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối”.—Cô 4:6.
14 ‘Chủ nghĩa vật chất có đang ảnh hưởng đến tôi không?’ Chủ nghĩa vật chất là một áp lực từ thế gian làm cho đời sống của một người phức tạp hơn và cũng không giúp họ có được hạnh phúc thật sự. (Truyền 5:10; Lu 12:15; 1 Ti 6:9, 10) Chúa Giê-su dạy một nguyên tắc quan trọng giúp chúng ta tránh cạm bẫy của chủ nghĩa vật chất: Giữ cho mắt giản dị. Sống một cuộc sống thăng bằng, giản dị đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào công việc Nước Trời, xem mọi điều khác là thứ yếu.—Mat 6:22, 23, 33.
15 Chúng ta phải có mục tiêu nào: Trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có một nguồn nguyên tắc công bình đáng tin cậy hướng dẫn những quyết định của mình. Chúng ta cần học và suy ngẫm những nguyên tắc này và hiểu cách áp dụng vào đời sống. Bằng cách ‘luyện tập khả năng nhận thức của chúng ta để phân biệt điều lành và dữ’, chúng ta sẽ được lợi ích cho chính bản thân và tôn vinh Đức Giê-hô-va.—Hê 5:14.