Biểu lộ lòng trung thành của tín đồ Đấng Christ khi một người thân bị khai trừ
1. Lòng trung thành của người tín đồ Đấng Christ có thể bị thử thách trong hoàn cảnh nào?
1 Mối dây liên kết giữa những thành viên trong gia đình có thể rất mạnh. Điều này mang lại thử thách cho một tín đồ Đấng Christ khi người hôn phối, con cái, cha mẹ hoặc một thân nhân khác bị khai trừ hoặc tự ly khai khỏi hội thánh. (Mat 10:37) Những tín đồ Đấng Christ trung thành nên đối xử với người thân ấy như thế nào? Có phải đối xử khác hơn không nếu người này sống chung một nhà? Trước tiên, chúng ta hãy xem lại Kinh Thánh nói gì về vấn đề này; những nguyên tắc này áp dụng cho cả người bị khai trừ và người tự ly khai.
2. Theo Kinh Thánh, tín đồ Đấng Christ phải đối xử thế nào với những người bị khai trừ khỏi hội thánh?
2 Đối xử thế nào với những người bị khai trừ: Lời Đức Chúa Trời răn bảo tín đồ Đấng Christ không được giao thiệp hoặc kết thân với một người đã bị khai trừ khỏi hội thánh: “Đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian-dâm, hoặc tham-lam, hoặc thờ hình-tượng, hoặc chưởi-rủa, hoặc say-sưa, hoặc chắt-bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy... Hãy trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi anh em”. (1 Cô 5:11, 13) Lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Ma-thi-ơ 18:17 cũng liên quan đến vấn đề này: “Hãy coi [người bị khai trừ] như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy”. Những người nghe Chúa Giê-su biết rõ rằng người Do Thái thời đó không giao thiệp với người Dân Ngoại và xa lánh những người thâu thuế, xem họ như những người bị ruồng bỏ. Vì vậy, Chúa Giê-su dạy môn đồ không được kết hợp với những người bị khai trừ.—Xem Tháp Canh, ngày 1-10-1982, trang 16-18 hoặc Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-9-1981, trang 18-20.
3, 4. Hình thức kết thân nào với những người bị khai trừ hoặc tự ly khai bị ngăn cấm?
3 Điều này có nghĩa là những tín đồ trung thành của Đấng Christ không kết thân về mặt thiêng liêng với những người bị khai trừ khỏi hội thánh. Và không chỉ có thế. Lời Đức Chúa Trời bảo chúng ta “không nên ăn chung với người thể ấy”. (1 Cô 5:11) Vì vậy, chúng ta cũng tránh họp mặt vui chơi với một người bị khai trừ. Điều này có nghĩa là tránh kết hợp với người đó trong một cuộc dã ngoại, tiệc tùng, trò chơi banh hoặc đi mua sắm, xem phim hay ăn chung, dù ở nhà hay tại nhà hàng.
4 Thế còn việc nói chuyện với người bị khai trừ thì sao? Mặc dù Kinh Thánh không đề cập đến từng trường hợp có thể xảy ra, nhưng 2 Giăng 10 giúp chúng ta biết được quan điểm của Đức Giê-hô-va: “Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà, và đừng chào-hỏi họ”. Tháp Canh, ngày 1-10-1982, trang 23, bình luận về điều này: ‘Giản dị chào hỏi người nào có thể là mở đường cho một cuộc nói chuyện hoặc có lẽ ngay cả một tình bạn. Há chúng ta muốn làm việc ấy với một người bị khai trừ ư?’
5. Khi bị khai trừ, một người đánh mất những gì?
5 Thật vậy, trang 10 của tờ Tháp Canh, ngày 1-11-1982, nói: ‘Quả là khi một tín đồ Đấng Christ đắm mình trong tội lỗi và bị khai trừ, người này đánh mất nhiều lắm: không còn được Đức Chúa Trời chấp nhận nữa;... cũng không còn vui hưởng tình bè bạn tốt đẹp với các anh chị em, bao gồm cả những người thân của họ là tín đồ Đấng Christ’.
6. Một tín đồ Đấng Christ có phải đoạn giao hoàn toàn với người thân bị khai trừ sống chung một nhà không? Hãy giải thích.
6 Trong cùng một nhà: Có phải điều này có nghĩa là những tín đồ Đấng Christ sống chung với người nhà bị khai trừ cũng phải tránh nói chuyện, ăn chung và kết hợp với họ trong những hoạt động thường ngày không? Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-4-1991, cước chú nơi trang 22 nói: “Nếu trong gia đình một tín đồ Đấng Christ có người thân bị khai trừ, người đó vẫn có mặt trong những hoạt động thường ngày của gia đình”. Vì vậy, những thành viên trong gia đình có thể tùy nghi quyết định việc ăn uống hoặc tham gia vào những hoạt động khác của gia đình với người bị khai trừ tới mức độ nào. Tuy nhiên, họ không muốn các anh em mà họ kết hợp có ấn tượng là mọi việc vẫn bình thường như trước khi có sự khai trừ.
7. Sự kết hợp về thiêng liêng trong gia đình thay đổi thế nào khi một thành viên trong gia đình bị khai trừ?
7 Tuy nhiên, liên quan đến người bị khai trừ hoặc tự ly khai, Tháp Canh ngày 1-11-1982, trang 7, cho thấy: ‘Những dây liên lạc thiêng liêng trước kia giờ đã bị hoàn toàn cắt đứt cả rồi. Điều này đúng ngay cả đối với những người thân, bao gồm những người sống chung một nhà... Điều đó có nghĩa là mọi liên lạc thiêng liêng trong gia đình, nếu có, phải chịu thay đổi. Chẳng hạn như nếu người chồng bị khai trừ, người vợ và con cái sẽ không thấy thoải mái khi ông điều khiển học hỏi Kinh Thánh trong gia đình hoặc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện chung. Nếu ông muốn cầu nguyện vào bữa ăn chẳng hạn, ông có quyền làm vì đang ở trong nhà của mình. Nhưng họ có thể cầu nguyện thầm riêng với Đức Chúa Trời. (Châm 28:9; Thi 119:145, 146) Nói sao nếu trong nhà một người bị khai trừ muốn hiện diện khi gia đình cùng đọc Kinh Thánh hoặc khi có một cuộc học hỏi Kinh Thánh? Những người khác có thể sẽ bằng lòng cho ông dự thính miễn là ông không cố dạy hoặc phát biểu những ý tưởng tôn giáo riêng của mình’.
8. Cha mẹ tín đồ Đấng Christ có trách nhiệm nào đối với người con vị thành niên bị khai trừ vẫn sống trong nhà?
8 Nếu một người con vị thành niên bị khai trừ và vẫn còn sống chung trong nhà, cha mẹ tín đồ Đấng Christ vẫn phải có trách nhiệm dạy dỗ. Tháp Canh ngày 1-8-1989, trang 23, nói: ‘Cũng như họ vẫn tiếp tục nuôi ăn, may mặc và cho nó ở trong nhà, thì họ cần dạy bảo và sửa trị nó phù hợp với Lời Đức Chúa Trời. (Châm 6:20-22; 29:17) Vậy cha mẹ đầy yêu thương có thể xếp đặt để học Kinh Thánh với nó, ngay dù nó bị khai trừ. Có lẽ khi học với một mình nó sẽ có hiệu quả sửa trị tốt nhất. Hoặc họ có thể quyết định cho nó được phép tham dự cuộc học hỏi của gia đình’.—Cũng xem Tháp Canh, ngày 1-10-2001, trang 16, 17.
9. Một tín đồ Đấng Christ nên giao tiếp ở mức độ nào với một người thân bị khai trừ không sống chung nhà?
9 Người thân không sống chung nhà: Tháp Canh ngày 1-1-1989, trang 10, nói: ‘Tình thế đổi khác nếu người bị khai trừ hoặc tự ly khai là một người thân không sống chung nhà. Có thể tránh được hầu hết mọi sự giao thiệp với người đó. Ngay dù có vài chuyện gia đình đòi hỏi có sự gặp mặt để giải quyết, điều này dĩ nhiên phải hạn chế tối đa’, phù hợp với mệnh lệnh của Đức Chúa Trời: “Đừng làm bạn với kẻ nào” phạm tội mà không ăn năn. (1 Cô 5:11) Những tín đồ trung thành nên cố gắng tránh những sự giao tiếp không cần thiết với những người thân ấy, ngay cả hạn chế tối đa trong mối quan hệ kinh doanh.—Cũng xem Tháp Canh, ngày 1-11-1982, trang 8, 9.
10, 11. Một tín đồ Đấng Christ sẽ xem xét những gì trước khi cho phép một người thân bị khai trừ trở về nhà?
10 Tờ Tháp Canh này hướng chúng ta đến một tình huống khác có thể nảy sinh: ‘Nếu một người thân, chẳng hạn như con cái hoặc cha mẹ mà không còn ở chung nhà nữa, lại bị khai trừ và sau đó muốn trở lại ở chung trong nhà thì sao? Gia đình sẽ quyết định tùy theo hoàn cảnh. Thí dụ như một người cha hoặc mẹ bị khai trừ có thể bị đau ốm hoặc không còn đủ sức tự săn sóc cho bản thân mình nữa về tài chánh hoặc thể chất. Con cái là tín đồ Đấng Christ có bổn phận về luân lý và do Kinh Thánh đòi hỏi phải chăm sóc người thân ấy. (1 Ti 5:8)... Phải làm gì, tùy thuộc vào những yếu tố như là nhu cầu thật sự của người cha / mẹ này, thái độ của người đó và mối quan tâm của người gia trưởng về sự an toàn thiêng liêng của cả gia đình’.—Tháp Canh, ngày 1-11-1982, trang 8, 9.
11 Còn nếu là người con, bài này cũng nói tiếp: ‘Đôi khi cha mẹ tín đồ Đấng Christ cho một đứa con đã bị khai trừ trở về ở cùng nhà một thời gian vì nó mắc bệnh về thể xác hoặc xúc cảm. Nhưng trong mỗi trường hợp, cha mẹ có thể cân nhắc từng hoàn cảnh riêng. Đứa con đã bị khai trừ lúc trước sống tự lập và bây giờ thì không đủ sức tự xoay sở nữa hay sao? Hoặc nó muốn trở về nhà cha mẹ chỉ vì nơi đó nó được sống sung túc hơn? Những nề nếp luân lý đạo đức và thái độ của nó như thế nào đây? Nó sẽ mang ‘men’ vào nhà không?—Ga 5:9’.
12. Sự sắp đặt về việc khai trừ mang lại một số lợi ích nào?
12 Lợi ích của việc trung thành với Đức Giê-hô-va: Hợp tác với sự sắp đặt Kinh Thánh về việc khai trừ và xa lánh những người phạm tội không ăn năn mang lại lợi ích. Điều này giữ được sự thanh sạch của hội thánh và phân biệt chúng ta là những người ủng hộ tiêu chuẩn đạo đức cao của Kinh Thánh. (1 Phi 1:14-16) Nó che chở chúng ta khỏi những ảnh hưởng tai hại. (Ga 5:7-9) Nó còn cho người phạm tội cơ hội được lợi ích trọn vẹn từ sự sửa trị, giúp họ sanh “bông-trái công-bình và bình-an”.—Hê 12:11.
13. Một gia đình đã có sự điều chỉnh nào và với kết quả nào?
13 Sau khi nghe một bài giảng tại hội nghị vòng quanh, một anh và người chị ruột của mình nhận ra rằng họ cần phải điều chỉnh cách đối xử với người mẹ sống riêng ở nơi khác đã bị khai trừ sáu năm. Ngay sau hội nghị, anh liền gọi điện thoại cho mẹ, và sau khi anh nói cho mẹ biết về tình yêu thương của họ đối với bà, anh giải thích rằng họ sẽ không nói chuyện với bà nữa trừ khi gia đình có chuyện quan trọng cần phải tiếp xúc. Chẳng bao lâu sau đó, mẹ anh bắt đầu tham dự nhóm họp và cuối cùng được nhận vào lại. Ngoài ra, người chồng không tin đạo của bà cũng bắt đầu học Kinh Thánh và cuối cùng làm báp têm.
14. Tại sao chúng ta nên trung thành ủng hộ sự sắp đặt về việc khai trừ?
14 Trung thành ủng hộ sự sắp đặt về việc khai trừ được nêu ra trong Kinh Thánh cho thấy tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va và cung cấp câu trả lời cho kẻ phỉ báng Ngài. (Châm 27:11) Đổi lại, chúng ta chắc chắn sẽ nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va. Vua Đa-vít đã viết về Đức Giê-hô-va: “Tôi sẽ chẳng lìa xa các luật lệ Ngài.... Đối với ai trung tín, Chúa đối xử trung tín lại”.—2 Sa 22:23, 26, NW.