BÀI HỌC 29
Hãy vui mừng về sự tiến bộ của chính mình!
“Mỗi người hãy... có cớ để tự hào về mình mà không so sánh với người khác”.—GA 6:4.
BÀI HÁT 34 Bước theo sự trọn thành
GIỚI THIỆUa
1. Tại sao Đức Giê-hô-va không so sánh chúng ta với người khác?
Đức Giê-hô-va yêu thích sự đa dạng. Điều này được thấy rõ trong công trình sáng tạo của ngài, kể cả con người. Mỗi chúng ta là độc nhất và riêng biệt. Vì thế, Đức Giê-hô-va không bao giờ so sánh anh chị với người khác. Ngài dò xét tấm lòng, tức con người bề trong của anh chị (1 Sa 16:7). Ngài cũng biết ưu điểm, nhược điểm và hoàn cảnh xuất thân của anh chị. Và ngài không đòi hỏi nhiều hơn những gì anh chị có thể dâng cho ngài. Chúng ta cần có cùng quan điểm của Đức Giê-hô-va về bản thân mình. Khi làm thế, chúng ta sẽ có suy nghĩ đúng mực, tức không nghĩ quá cao hay quá thấp về bản thân.—Rô 12:3.
2. Tại sao so sánh mình với người khác là điều không tốt?
2 Dĩ nhiên, chúng ta có thể nhận được lợi ích khi xem xét gương của những anh chị có thánh chức hiệu quả (Hê 13:7). Qua đó, chúng ta có thể biết làm thế nào để cải thiện thánh chức của mình (Phi-líp 3:17). Nhưng có sự khác biệt giữa việc noi theo gương một người và so sánh mình với người ấy. Việc so sánh như thế có thể khiến anh chị đố kỵ, nản lòng, thậm chí cảm thấy vô giá trị. Như được nói trong bài trước, việc ganh đua với người khác trong hội thánh cũng gây hại cho mình về thiêng liêng. Vì vậy, Đức Giê-hô-va yêu thương khuyên bảo chúng ta: “Mỗi người hãy tra xét hành động của chính mình, rồi sẽ có cớ để tự hào về mình mà không so sánh với người khác”.—Ga 6:4.
3. Sự tiến bộ nào về thiêng liêng đem lại niềm vui cho anh chị?
3 Đức Giê-hô-va muốn anh chị vui mừng về sự tiến bộ thiêng liêng của chính mình. Chẳng hạn, nếu đã báp-têm, anh chị có thể vui mừng vì đã đạt mục tiêu ấy! Anh chị đã tự đưa ra quyết định đó. Anh chị làm thế dựa trên tình yêu thương của mình dành cho Đức Chúa Trời. Hãy nghĩ anh chị đã tiến bộ thế nào kể từ đó. Ví dụ, anh chị có yêu thích việc đọc Kinh Thánh và học hỏi cá nhân hơn không? Lời cầu nguyện của anh chị có ý nghĩa và chân thành hơn không? (Thi 141:2). Anh chị có bắt chuyện khéo hơn khi rao giảng và sử dụng hiệu quả hơn các công cụ cho thánh chức không? Nếu anh chị có gia đình, Đức Giê-hô-va có giúp anh chị trở thành người chồng, người vợ hay cha mẹ tốt hơn không? Anh chị có lý do để vui mừng và hài lòng về sự tiến bộ của mình.
4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?
4 Chúng ta có thể giúp người khác vui mừng về sự tiến bộ thiêng liêng của chính họ. Chúng ta cũng có thể giúp họ tránh việc so sánh. Bài này sẽ xem cha mẹ có thể giúp con cái bằng cách nào, vợ chồng có thể giúp nhau ra sao, và trưởng lão cũng như anh chị khác có thể giúp anh em đồng đạo như thế nào. Cuối cùng, hãy xem một số nguyên tắc Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta đặt ra các mục tiêu hợp lý phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình.
ĐIỀU CHA MẸ VÀ VỢ CHỒNG CÓ THỂ LÀM
5. Theo Ê-phê-sô 6:4, cha mẹ nên tránh làm gì?
5 Cha mẹ không nên so sánh các con với nhau hoặc đòi hỏi nhiều hơn những gì con có thể làm. Nếu làm thế, cha mẹ có thể khiến con nản lòng. (Đọc Ê-phê-sô 6:4). Một chị tên là Sachikob nói rằng: “Thầy cô đặt kỳ vọng vào tôi nhiều hơn các bạn khác ở trường. Hơn nữa, mẹ cũng muốn tôi học giỏi để có thể làm chứng tốt cho thầy cô và người cha không tin đạo. Thực tế, mẹ muốn các bài kiểm tra của tôi đều đạt điểm tuyệt đối, nhưng đó là điều không thể. Dù đã tốt nghiệp nhiều năm trước, đôi lúc tôi vẫn băn khoăn không biết những nỗ lực hết sức của mình có đủ để làm Đức Giê-hô-va hài lòng không”.
6. Cha mẹ học được gì từ Thi thiên 131:1, 2?
6 Một bài học quý giá dành cho cha mẹ được ghi nơi Thi thiên 131:1, 2. (Đọc). Vua Đa-vít nói rằng ông “chẳng mơ việc quá lớn lao” hoặc những điều quá sức mình. Nhờ khiêm nhường và khiêm tốn, ông có sự bình an và thỏa lòng. Cha mẹ học được gì từ những lời của Đa-vít? Cha mẹ cho thấy họ khiêm nhường và khiêm tốn bằng cách không đòi hỏi quá nhiều nơi bản thân cũng như nơi con cái. Cha mẹ có thể giúp con cảm thấy có giá trị bằng cách nhận ra ưu điểm và nhược điểm của con, rồi từ đó giúp con đặt ra các mục tiêu phù hợp. Một chị tên là Marina nhớ lại: “Mẹ không bao giờ so sánh tôi với ba anh em của tôi hoặc với những bạn khác. Mẹ dạy tôi rằng mỗi người có khả năng khác nhau và đều quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va. Nhờ mẹ mà tôi ít khi so sánh bản thân với người khác”.
7, 8. Làm thế nào người chồng cho thấy mình trân trọng vợ?
7 Người chồng đạo Đấng Ki-tô cần trân trọng vợ (1 Phi 3:7). Trân trọng bao hàm việc tỏ lòng quan tâm và tôn trọng người khác. Chẳng hạn, người chồng trân trọng vợ bằng cách đối xử tôn trọng với vợ. Anh không đòi hỏi nhiều hơn những gì vợ có thể làm. Và chắc chắn anh không so sánh vợ với người phụ nữ khác. Việc so sánh như thế có thể ảnh hưởng thế nào đến vợ? Người chồng không tin đạo của một chị tên là Rosa thường so sánh chị với người phụ nữ khác. Những lời nhẫn tâm của anh ấy khiến chị Rosa mất tự tin và cảm thấy vô giá trị. Chị nói: “Tôi luôn cần được trấn an rằng Đức Giê-hô-va quý trọng tôi”. Ngược lại, người chồng đạo Đấng Ki-tô sẽ trân trọng vợ. Anh biết điều đó sẽ tác động đến mối quan hệ của anh với vợ và với Đức Giê-hô-va.c
8 Một người chồng trân trọng vợ thì sẽ khen vợ, nói tốt về vợ và cho vợ biết mình yêu thương cô ấy (Châm 31:28). Đó là cách mà chồng của chị Katerina được đề cập ở bài trước đã giúp chị vượt qua cảm giác tự ti. Khi chị còn nhỏ, mẹ chị thường chỉ trích và so sánh chị với các cô gái khác, trong đó có những người bạn của chị. Vì thế, chị Katerina bắt đầu đánh giá giá trị bản thân bằng cách so sánh mình với người khác, ngay cả sau khi chị đã theo chân lý. Tuy nhiên, người chồng cùng đức tin đã giúp chị kháng cự khuynh hướng ấy và có cái nhìn thăng bằng về bản thân. Chị nói: “Anh ấy yêu thương tôi, khen về những việc tốt tôi làm và cầu nguyện cho tôi. Anh cũng nhắc tôi về những phẩm chất tuyệt vời của Đức Giê-hô-va và giúp tôi thay đổi suy nghĩ tiêu cực”.
ĐIỀU TRƯỞNG LÃO VÀ ANH CHỊ KHÁC CÓ THỂ LÀM
9, 10. Các trưởng lão đầy lòng quan tâm đã giúp một chị như thế nào để kháng cự khuynh hướng so sánh mình với người khác?
9 Làm thế nào trưởng lão có thể giúp những người có khuynh hướng so sánh mình với người khác? Hãy xem kinh nghiệm của một chị tên là Hanuni, người hiếm khi được khen lúc còn nhỏ. Chị nhớ lại: “Hồi đó, tôi rất nhút nhát và cảm thấy những đứa trẻ khác giỏi hơn mình. Tôi bắt đầu so sánh mình với người khác từ khi còn rất nhỏ”. Ngay cả sau khi đã theo chân lý, chị Hanuni vẫn so sánh mình với anh chị khác. Vì thế, chị cảm thấy không mấy giá trị trong hội thánh. Nhưng giờ đây, chị là một tiên phong hạnh phúc. Điều gì đã giúp chị thay đổi quan điểm?
10 Chị Hanuni cho biết chị nhận được sự giúp đỡ từ các trưởng lão đầy lòng quan tâm. Họ bày tỏ lòng tin cậy nơi chị và khen về gương trung thành của chị. Chị viết: “Vài lần các trưởng lão nhờ tôi khích lệ một số chị cần được giúp đỡ. Điều này khiến tôi cảm thấy mình có giá trị. Tôi nhớ có lần các trưởng lão khen tôi vì đã khích lệ một số chị trẻ. Rồi họ đọc cho tôi nghe 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:2, 3. Tôi cảm động vô cùng! Nhờ những người chăn yêu thương đó, giờ đây tôi quý trọng vị trí của mình trong tổ chức Đức Giê-hô-va”.
11. Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người đau khổ, như được miêu tả nơi Ê-sai 57:15?
11 Đọc Ê-sai 57:15. Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến những người đau khổ. Tất cả chúng ta, không chỉ các trưởng lão, đều có thể khích lệ các anh em yêu dấu đó. Một cách để khích lệ họ là tỏ lòng quan tâm chân thành đến họ. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta giúp họ thấy ngài yêu thương họ đến mức nào (Châm 19:17). Chúng ta cũng có thể giúp anh em đồng đạo bằng cách khiêm nhường và khiêm tốn. Chúng ta không muốn thu hút sự chú ý đến bản thân, là điều có thể khiến người khác sinh lòng đố kỵ. Thay vì thế, chúng ta dùng khả năng và sự hiểu biết của mình để khích lệ lẫn nhau.—1 Phi 4:10, 11.
12. Tại sao người thấp hèn được thu hút đến gần Chúa Giê-su? (Xem hình nơi trang bìa).
12 Chúng ta có thể học được nhiều về cách đối xử với người khác khi xem xét cách Chúa Giê-su đối xử với các môn đồ. Ngài là người vĩ đại nhất từng sống. Dù vậy, ngài “là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường” (Mat 11:28-30). Ngài không khoe khoang sự thông minh vượt trội và sự hiểu biết sâu rộng của mình. Khi dạy dỗ, ngài dùng từ ngữ đơn giản và minh họa thu hút động đến lòng của người thấp hèn (Lu 10:21). Khác với những nhà lãnh đạo tôn giáo kiêu ngạo, Chúa Giê-su không bao giờ khiến người khác cảm thấy họ không có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời (Giăng 6:37). Thay vì thế, ngài đối xử với dân thường một cách tôn trọng.
13. Tình yêu thương và lòng nhân từ của Chúa Giê-su được phản ánh ra sao qua cách ngài đối xử với các môn đồ?
13 Tình yêu thương và lòng nhân từ của Chúa Giê-su được phản ánh qua cách ngài đối xử với các môn đồ. Ngài biết họ có khả năng và hoàn cảnh khác nhau. Vì thế, họ không thể đảm nhận những trách nhiệm giống nhau hoặc có kết quả như nhau trong thánh chức. Dù vậy, ngài quý trọng sự nỗ lực hết lòng của mỗi người. Sự cảm thông của Chúa Giê-su được phản ánh trong ngụ ngôn về ta-lâng. Trong ngụ ngôn, người chủ giao cho các đầy tớ công việc “tùy theo khả năng của mỗi người”. Trong hai đầy tớ siêng năng, một đầy tớ làm lợi được nhiều hơn đầy tớ kia. Nhưng người chủ khen cả hai bằng cùng những lời sau: “Tốt lắm, đầy tớ trung tín và giỏi giang!”.—Mat 25:14-23.
14. Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước cách Chúa Giê-su đối xử với người khác?
14 Chúa Giê-su đối xử với chúng ta một cách yêu thương và nhân từ. Ngài biết chúng ta có khả năng và hoàn cảnh khác nhau, và ngài hài lòng khi chúng ta nỗ lực hết sức. Chúng ta nên bắt chước Chúa Giê-su trong cách đối xử với người khác. Chúng ta không bao giờ muốn làm anh em cảm thấy vô giá trị hoặc xấu hổ vì không thể làm được nhiều như người khác. Thay vì thế, chúng ta muốn tìm cơ hội để khen anh em vì họ nỗ lực hết sức trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.
ĐẶT MỤC TIÊU HỢP LÝ
15, 16. Một chị nhận được lợi ích nào khi đặt những mục tiêu hợp lý cho bản thân?
15 Những mục tiêu thiêng liêng giúp đời sống chúng ta có định hướng và đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, điều quan trọng là đặt những mục tiêu phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình, chứ không phải của người khác. Nếu không, chúng ta sẽ dễ bị thất vọng và nản lòng (Lu 14:28). Hãy xem kinh nghiệm của một chị tiên phong tên là Midori.
16 Chị Midori có cha không phải là Nhân Chứng. Khi còn nhỏ, chị thường bị cha làm bẽ mặt bằng cách so sánh với các em của chị và bạn học. Chị Midori nói: “Tôi cảm thấy mình chẳng có giá trị gì”. Tuy nhiên, khi lớn lên, chị cảm thấy tự tin hơn. Chị cho biết: “Tôi đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Nhờ đó, tôi có được sự bình an nội tâm và cảm nhận Đức Giê-hô-va yêu thương mình”. Ngoài ra, chị cũng đặt những mục tiêu hợp lý cho bản thân, và cầu nguyện cụ thể với Đức Giê-hô-va, xin ngài giúp chị đạt được những mục tiêu đó. Kết quả là chị Midori vui mừng về sự tiến bộ thiêng liêng của chính mình.
TIẾP TỤC DÂNG CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐIỀU TỐT NHẤT MÌNH CÓ
17. Làm thế nào để “tiếp tục đổi mới tinh thần chi phối tâm trí mình”, và kết quả là gì?
17 Cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực có lẽ không qua đi một sớm một chiều. Vì thế, Đức Giê-hô-va khuyến giục chúng ta: “[Hãy] tiếp tục đổi mới tinh thần chi phối tâm trí mình” (Ê-phê 4:23, 24). Dĩ nhiên, để làm thế, chúng ta cần cầu nguyện, học hỏi Lời Đức Chúa Trời và suy ngẫm. Hãy chuyên tâm làm những điều này và hướng đến Đức Giê-hô-va để được thêm sức. Thần khí thánh của ngài sẽ giúp anh chị kháng cự khuynh hướng so sánh mình với người khác. Nếu sự kiêu ngạo hoặc đố kỵ bén rễ trong lòng anh chị, Đức Giê-hô-va cũng sẽ giúp anh chị nhận ra và nhanh chóng loại bỏ những tính xấu ấy.
18. Những lời nơi 2 Sử ký 6:29, 30 an ủi anh chị như thế nào?
18 Đọc 2 Sử ký 6:29, 30. Đức Giê-hô-va biết lòng chúng ta. Ngài cũng biết chúng ta phải tranh đấu với tinh thần của thế gian và sự bất toàn của bản thân. Khi thấy chúng ta nỗ lực như thế nào để chống lại những ảnh hưởng tiêu cực ấy, Đức Giê-hô-va càng yêu thương chúng ta hơn.
19. Đức Giê-hô-va minh họa thế nào về cảm xúc của ngài dành cho chúng ta?
19 Để minh họa về cảm xúc của ngài dành cho chúng ta, Đức Giê-hô-va dùng mối quan hệ giữa người mẹ và đứa con bé bỏng (Ê-sai 49:15). Hãy xem kinh nghiệm của một người mẹ tên là Rachel. Chị viết: “Con gái Stephanie của tôi bị sinh thiếu tháng. Lúc mới thấy cháu, trông cháu nhỏ xíu và yếu ớt. Nhưng bệnh viện cho tôi bế cháu mỗi ngày trong tháng đầu tiên khi cháu nằm trong lồng kính. Những khoảnh khắc dịu dàng đó đã giúp tôi tạo mối quan hệ mật thiết với con. Giờ đây, cháu đã sáu tuổi và trông nhỏ hơn so với các bạn đồng lứa. Tuy nhiên, tôi càng yêu thương cháu nhiều vì thấy cháu từng phải giành giật sự sống, và cháu đã mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui!”. Thật an ủi khi biết Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta sâu đậm như thế khi ngài thấy chúng ta phải tranh đấu để phụng sự ngài hết lòng!
20. Là tôi tớ đã dâng mình của Đức Giê-hô-va, anh chị có lý do nào để vui mừng và tự hào?
20 Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, anh chị là một phần quý giá trong gia đình đa dạng của ngài, và anh chị có những đặc điểm riêng biệt. Đức Giê-hô-va không kéo anh chị đến với ngài vì anh chị trội hơn người khác. Ngài kéo anh chị vì ngài dò xét tấm lòng và thấy anh chị là người khiêm hòa mà ngài có thể uốn nắn (Thi 25:9). Hãy tin chắc rằng ngài quý trọng khi anh chị phụng sự ngài hết khả năng. Sự chịu đựng và lòng trung thành của anh chị cho thấy anh chị “có lòng tốt và ngay thẳng” (Lu 8:15). Vậy, hãy tiếp tục dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất anh chị có. Rồi anh chị sẽ có lý do để vui mừng và tự hào về chính mình.
BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ
a Đức Giê-hô-va không so sánh chúng ta với người khác. Tuy nhiên, một số người trong chúng ta có khuynh hướng làm điều đó và rồi đánh giá bản thân một cách tiêu cực. Bài này sẽ thảo luận tại sao việc so sánh mình với người khác có thể gây hại. Cũng hãy xem làm thế nào chúng ta có thể giúp các thành viên trong gia đình và anh em trong hội thánh có cùng quan điểm của Đức Giê-hô-va về họ.
b Một số tên đã được thay đổi.
c Dù những điểm này tập trung vào người chồng, nhưng nhiều nguyên tắc cũng áp dụng cho người vợ.
d HÌNH ẢNH: Trong buổi thờ phượng của gia đình, cha mẹ cho các con thấy họ vui về điều mỗi đứa con làm để góp phần vào dự án tàu Nô-ê.
e HÌNH ẢNH: Một người mẹ đơn thân có con chưa đến tuổi đi học đang sắp xếp lịch để làm tiên phong phụ trợ, và chị rất vui khi đạt mục tiêu đó.