BÀI HỌC 31
Hãy quý trọng đặc ân cầu nguyện
“Nguyện lời cầu nguyện của con như hương được chuẩn bị để dâng trước ngài”.—THI 141:2.
BÀI HÁT 47 Hãy cầu nguyện với Cha Giê-hô-va hằng ngày
GIỚI THIỆUa
1. Chúng ta nên có quan điểm nào về việc cầu nguyện với Đức Giê-hô-va?
Chúng ta được ban cho đặc ân tuyệt vời, đó là được đến gần Đấng Sáng Tạo của trời và đất qua lời cầu nguyện. Hãy thử nghĩ: Chúng ta có thể trút đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va vào bất cứ lúc nào và trong bất cứ ngôn ngữ nào, không cần phải hẹn trước. Chúng ta có thể cầu nguyện với ngài khi nằm viện hay khi ngồi tù, tin chắc rằng Cha trên trời sẽ lắng nghe. Chúng ta không muốn xem thường đặc ân đó.
2. Làm thế nào vua Đa-vít cho thấy ông quý trọng đặc ân cầu nguyện?
2 Vua Đa-vít quý trọng đặc ân cầu nguyện. Ông thưa với Đức Giê-hô-va: “Nguyện lời cầu nguyện của con như hương được chuẩn bị để dâng trước ngài” (Thi 141:1, 2). Vào thời Đa-vít, hương thánh mà các thầy tế lễ dùng trong sự thờ phượng thật được chuẩn bị rất kỹ (Xuất 30:34, 35). Việc Đa-vít đề cập đến hương cho thấy ông muốn suy nghĩ kỹ về những điều mình sẽ nói với Cha trên trời. Đó cũng là ước muốn chân thành của chúng ta. Chúng ta muốn lời cầu nguyện của mình làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va.
3. Chúng ta nên có thái độ nào khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, và tại sao?
3 Khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, chúng ta nên tránh thân mật quá mức. Thay vì thế, chúng ta cầu nguyện với thái độ kính trọng sâu xa. Hãy nghĩ về những khải tượng đáng kinh ngạc mà Ê-sai, Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên và Giăng nhận được. Những khải tượng này khác nhau nhưng có một điểm tương đồng. Tất cả những khải tượng ấy đều mô tả Đức Giê-hô-va là Vua uy nghi. Ê-sai “thấy Đức Giê-hô-va ngự trên ngôi cao” (Ê-sai 6:1-3). Ê-xê-chi-ên thấy Đức Giê-hô-va ngồi trên cỗ xe trên trời, xung quanh ngài là “ánh sáng rực rỡ… như cầu vồng” (Ê-xê 1:26-28). Đa-ni-ên thấy “Đấng Thượng Cổ” mặc áo trắng và có những ngọn lửa phát ra từ ngai của ngài (Đa 7:9, 10). Và Giăng thấy Đức Giê-hô-va ngồi trên ngai, bao quanh ngai ấy là cái gì đó như cầu vồng có màu lục bảo ngọc tuyệt đẹp (Khải 4:2-4). Khi suy ngẫm về sự vinh hiển không gì sánh bằng của Đức Giê-hô-va, chúng ta được nhắc về đặc ân cao quý là được đến gần ngài qua lời cầu nguyện và tầm quan trọng của việc cầu nguyện với thái độ tôn kính. Nhưng chúng ta nên cầu nguyện về điều gì?
“ANH EM PHẢI CẦU NGUYỆN NHƯ VẦY”
4. Chúng ta học được gì từ những lời mở đầu của lời cầu nguyện mẫu nơi Ma-thi-ơ 6:9, 10?
4 Đọc Ma-thi-ơ 6:9, 10. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su dạy các môn đồ cách cầu nguyện làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Sau khi nói “anh em phải cầu nguyện như vầy”, Chúa Giê-su đề cập trước hết đến những vấn đề quan trọng liên hệ trực tiếp đến ý định của Đức Giê-hô-va: Đó là danh ngài được nên thánh; Nước Trời được đến, là Nước sẽ hủy diệt mọi kẻ chống đối Đức Chúa Trời; và ân phước trong tương lai mà ngài dành cho trái đất và nhân loại. Khi cầu nguyện về những điều như thế, chúng ta cho thấy ý muốn của Đức Chúa Trời rất quan trọng đối với mình.
5. Việc cầu nguyện về những vấn đề cá nhân có thích hợp không?
5 Trong phần tiếp theo của lời cầu nguyện, Chúa Giê-su cho thấy việc cầu nguyện về những vấn đề cá nhân là điều thích hợp. Chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va ban thức ăn đủ ngày, tha tội, bảo vệ mình khỏi cám dỗ và cứu mình khỏi Kẻ Ác (Mat 6:11-13). Khi cầu xin những điều này, chúng ta nhìn nhận mình cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va và muốn làm ngài hài lòng.
6. Có phải chúng ta chỉ được cầu nguyện về những điều trong lời cầu nguyện mẫu không? Hãy giải thích.
6 Chúa Giê-su không muốn các môn đồ dùng y hệt những từ trong lời cầu nguyện mẫu. Trong những lời cầu nguyện khác, Chúa Giê-su đề cập đến những vấn đề khác mà ngài quan tâm vào lúc đó (Mat 26:39, 42; Giăng 17:1-26). Tương tự, chúng ta có thể cầu nguyện về bất cứ mối quan tâm nào của mình. Khi phải đưa ra một quyết định, chúng ta có thể cầu xin sự khôn ngoan và hiểu biết (Thi 119:33, 34). Khi sắp bắt đầu một nhiệm vụ khó, chúng ta có thể cầu xin sự thông sáng (Châm 2:6). Cha mẹ có thể cầu nguyện cho con cái, con cái có thể cầu nguyện cho cha mẹ, và tất cả chúng ta có thể và nên cầu nguyện cho các học viên Kinh Thánh cũng như những người mà mình rao giảng. Dĩ nhiên, lời cầu nguyện của chúng ta nên bao hàm nhiều hơn là cầu xin.
7. Tại sao chúng ta nên ngợi khen Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện?
7 Chúng ta cần nhớ ngợi khen Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện. Không ai xứng đáng được ngợi khen hơn Đức Chúa Trời của chúng ta. Ngài “thật tốt, sẵn lòng thứ tha”. Ngài cũng “thương xót và trắc ẩn, chậm nóng giận, giàu tình yêu thương thành tín và lòng trung tín” (Thi 86:5, 15). Chắc chắn chúng ta có lý do chính đáng để ngợi khen Đức Giê-hô-va về những phẩm chất của ngài và những điều ngài làm.
8. Chúng ta có thể cảm tạ Đức Giê-hô-va về một số điều nào? (Thi thiên 104:12-15, 24)
8 Ngoài việc ngợi khen Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện, chúng ta được thúc đẩy để cảm tạ ngài về những điều tuyệt diệu ngài cung cấp. Chẳng hạn, chúng ta có thể cảm tạ ngài về những bông hoa với màu sắc lộng lẫy, vô vàn thức ăn thơm ngon đa dạng và những tình bạn mang lại niềm vui. Cha yêu thương đã ban cho chúng ta những điều này và nhiều hơn thế để chúng ta hạnh phúc. (Đọc Thi thiên 104:12-15, 24). Quan trọng hơn, chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va về thức ăn thiêng liêng dư dật mà ngài cung cấp và hy vọng tuyệt diệu cho tương lai.
9. Điều gì có thể giúp chúng ta nhớ cảm tạ Đức Giê-hô-va? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17, 18)
9 Có thể rất dễ để quên cảm tạ Đức Giê-hô-va về mọi điều ngài làm cho chúng ta. Điều gì có thể giúp anh chị nhớ cảm tạ ngài? Anh chị có thể liệt kê những điều cụ thể mà mình đã cầu xin và thỉnh thoảng xem lại để nhận ra cách ngài đã đáp lời. Rồi hãy cảm tạ ngài vì ngài đã giúp đỡ mình. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17, 18). Hãy suy nghĩ điều này: Chúng ta cảm thấy vui và được quý trọng khi người khác bày tỏ lòng biết ơn với mình. Tương tự, khi chúng ta nhớ cảm tạ Đức Giê-hô-va vì ngài đã đáp lời cầu nguyện của mình thì điều đó làm ngài vui lòng (Cô 3:15). Tuy nhiên, lý do quan trọng khác để cảm tạ Đức Chúa Trời là gì?
HÃY CẢM TẠ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VỀ NGƯỜI CON YÊU DẤU CỦA NGÀI
10. Theo 1 Phi-e-rơ 2:21, tại sao chúng ta có lý do để cảm tạ Đức Giê-hô-va về việc ngài đã phái Chúa Giê-su xuống thế?
10 Đọc 1 Phi-e-rơ 2:21. Chúng ta nên cảm tạ Đức Giê-hô-va vì đã phái Con yêu dấu của ngài đến để dạy dỗ chúng ta. Khi tìm hiểu về Chúa Giê-su, chúng ta học được rất nhiều điều về Đức Giê-hô-va và cách để làm ngài hài lòng. Nếu thể hiện đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su, chúng ta có thể có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và được hòa thuận với ngài.—Rô 5:1.
11. Tại sao chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su?
11 Chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va vì chúng ta có thể cầu nguyện với ngài qua Con ngài. Đức Giê-hô-va dùng Chúa Giê-su để ban những điều mà chúng ta cầu xin. Đức Giê-hô-va lắng nghe và đáp lại những lời cầu nguyện được dâng nhân danh Chúa Giê-su. Chúa Giê-su cho biết: “Hễ anh em nhân danh tôi mà xin bất cứ điều gì thì tôi sẽ làm cho, để qua Con, Cha được vinh hiển”.—Giăng 14:13, 14.
12. Một lý do khác để cảm tạ Đức Giê-hô-va về Con ngài là gì?
12 Đức Giê-hô-va tha tội cho chúng ta dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Kinh Thánh miêu tả Chúa Giê-su là ‘thầy tế lễ thượng phẩm ngồi bên hữu ngôi của Đấng Uy Nghi ở trên trời’ (Hê 8:1). Chúa Giê-su là “đấng giúp đỡ đang ở với Cha” (1 Giăng 2:1). Chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va biết bao vì đã ban Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đầy lòng cảm thông, là đấng hiểu những yếu đuối của chúng ta và “cầu thay cho chúng ta”! (Rô 8:34; Hê 4:15). Chúng ta là những người bất toàn, vì thế nếu không có sự hy sinh của Chúa Giê-su, chúng ta không thể đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Hẳn anh chị đồng ý rằng chúng ta không thể diễn tả hết lòng biết ơn về món quà quý giá mà Đức Giê-hô-va đã ban, đó là Con yêu dấu của ngài!
HÃY CẦU NGUYỆN CHO ANH EM ĐỒNG ĐẠO
13. Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su cho thấy ngài yêu thương các môn đồ như thế nào?
13 Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su dành nhiều thời gian để cầu nguyện cho các môn đồ, xin Cha “gìn giữ họ vì cớ Kẻ Ác” (Giăng 17:15). Chúa Giê-su là đấng yêu thương biết bao! Ngài sắp trải qua một thử thách cam go; dù vậy, ngài quan tâm đến lợi ích của các sứ đồ.
14. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình yêu thương anh em đồng đạo?
14 Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta không chỉ chú tâm đến nhu cầu của bản thân. Thay vì vậy, chúng ta thường xuyên cầu nguyện cho anh em đồng đạo. Khi làm thế, chúng ta đang vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su là yêu thương lẫn nhau và cho Đức Giê-hô-va thấy mình yêu thương anh em đến mức nào (Giăng 13:34). Cầu nguyện cho anh em đồng đạo không phải là điều vô ích. Kinh Thánh cho biết: “Lời cầu nguyện tha thiết của người công chính có hiệu lực mạnh mẽ”.—Gia 5:16.
15. Tại sao anh em đồng đạo cần chúng ta cầu nguyện cho họ?
15 Anh em đồng đạo cần chúng ta cầu nguyện cho họ vì họ phải đương đầu với nhiều thử thách. Chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va giúp họ chịu đựng bệnh tật, thảm họa thiên nhiên, nội chiến, sự ngược đãi hoặc khó khăn khác. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho những anh chị thể hiện tinh thần hy sinh đang làm công tác cứu trợ. Có lẽ anh chị biết một số người đang phải đương đầu với những khó khăn như thế. Hãy nhắc đến tên họ trong lời cầu nguyện. Chúng ta thể hiện tình huynh đệ chân thật qua việc cầu xin Đức Giê-hô-va giúp họ chịu đựng.
16. Tại sao chúng ta nên cầu nguyện cho những anh dẫn đầu trong vòng chúng ta?
16 Những anh dẫn đầu trong hội thánh rất biết ơn khi chúng ta cầu nguyện cho họ, và những lời cầu nguyện ấy mang lại lợi ích cho họ. Điều này đúng trong trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Ông viết: “Cũng cầu nguyện cho tôi nữa, để khi mở miệng thì tôi được ban những lời phải nói, hầu có thể dạn dĩ rao truyền về sự mầu nhiệm của tin mừng” (Ê-phê 6:19). Ngày nay cũng có nhiều anh siêng năng đang dẫn đầu trong vòng chúng ta. Chúng ta cho thấy mình yêu thương họ bằng cách xin Đức Giê-hô-va ban phước cho công việc của họ.
KHI ĐẠI DIỆN NGƯỜI KHÁC CẦU NGUYỆN
17, 18. Chúng ta có thể được mời đại diện người khác cầu nguyện vào những dịp nào, và chúng ta nên ghi nhớ điều gì?
17 Đôi khi chúng ta được mời để đại diện người khác cầu nguyện. Chẳng hạn, một chị điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh mời chị đi cùng dâng lời cầu nguyện. Chị đi cùng có lẽ chưa biết rõ về học viên, nên hợp lý là chị ấy dâng lời cầu nguyện kết thúc. Nhờ thế, chị ấy có thể dễ cầu nguyện phù hợp với nhu cầu của học viên hơn.
18 Một anh có lẽ được mời để cầu nguyện tại buổi nhóm rao giảng hoặc tại buổi nhóm họp của hội thánh. Những anh có đặc ân ấy cần ghi nhớ mục đích của các buổi nhóm ấy. Không nên dùng lời cầu nguyện để khuyên hội thánh hoặc thông báo điều gì đó. Đối với đa số các buổi nhóm họp, tổng thời gian dành cho việc hát và cầu nguyện là năm phút. Vì thế, anh dâng lời cầu nguyện không cần “nói nhiều”, nhất là khi cầu nguyện mở đầu.—Mat 6:7.
HÃY ĐẶT VIỆC CẦU NGUYỆN LÊN HÀNG ƯU TIÊN TRONG ĐỜI SỐNG
19. Điều gì sẽ giúp chúng ta sẵn sàng cho ngày phán xét của Đức Giê-hô-va?
19 Khi ngày phán xét của Đức Giê-hô-va càng đến gần, chúng ta càng cần đặt việc cầu nguyện lên hàng ưu tiên trong đời sống. Về khía cạnh này, Chúa Giê-su nói: “Vậy hãy luôn tỉnh thức và tha thiết cầu nguyện, để anh em thoát khỏi mọi điều phải xảy đến” (Lu 21:36). Quả thật, việc thường xuyên cầu nguyện sẽ giúp chúng ta giữ tỉnh thức về thiêng liêng và sẵn sàng khi ngày Đức Giê-hô-va đến.
20. Làm thế nào lời cầu nguyện của chúng ta có thể giống như hương thơm ngọt ngào?
20 Chúng ta vừa thảo luận điều gì? Chúng ta rất quý trọng đặc ân cầu nguyện. Khi cầu nguyện, mối quan tâm chính của chúng ta nên là những vấn đề liên quan trực tiếp đến ý định của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng bày tỏ lòng biết ơn về Con Đức Chúa Trời và sự cai trị của Nước Trời, cũng như cầu nguyện cho anh em đồng đạo. Và dĩ nhiên, chúng ta có thể cầu nguyện về nhu cầu thể chất và thiêng liêng của mình. Khi suy nghĩ kỹ về những điều sẽ nói trong lời cầu nguyện, chúng ta cho thấy mình quý trọng đặc ân vô giá này. Những lời của chúng ta sẽ giống như hương thơm ngọt ngào dâng cho Đức Giê-hô-va, mang lại “niềm vui cho ngài”.—Châm 15:8.
BÀI HÁT 45 Sự suy ngẫm của lòng con
a Chúng ta biết ơn sâu xa về đặc ân được đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Chúng ta muốn lời cầu nguyện của mình giống như hương thơm ngọt ngào, làm ngài hài lòng. Trong bài này, chúng ta sẽ xem mình có thể cầu nguyện về điều gì. Cũng hãy xem một số điểm mà mình cần nhớ khi được mời đại diện người khác cầu nguyện.
b HÌNH ẢNH: Một người chồng cầu nguyện với vợ về sự an toàn của con ở trường, về sức khỏe của cha mẹ lớn tuổi và về sự tiến bộ của học viên Kinh Thánh.
c HÌNH ẢNH: Một anh trẻ cảm tạ Đức Giê-hô-va về sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, về ngôi nhà trái đất tuyệt đẹp và về thức ăn bổ dưỡng.
d HÌNH ẢNH: Một chị cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí cho Hội đồng Lãnh đạo và giúp những anh chị đang đương đầu với thảm họa hoặc sự ngược đãi.