BÀI HỌC 50
Đức tin và việc làm có thể dẫn đến sự công chính
“[Hãy] noi theo lối sống thể hiện đức tin mà cha chúng ta là Áp-ra-ham đã có”.—RÔ 4:12.
BÀI HÁT 119 Chúng ta phải có đức tin
GIỚI THIỆUa
1. Khi xem xét gương của Áp-ra-ham, chúng ta có thể thắc mắc điều gì?
Dù nhiều người nghe nói về Áp-ra-ham nhưng phần lớn biết rất ít về ông. Tuy nhiên, anh chị biết nhiều về Áp-ra-ham. Chẳng hạn, anh chị biết ông được gọi là “cha của tất cả những người có đức tin” (Rô 4:11). Nhưng có lẽ anh chị thắc mắc: “Mình có thể đi theo bước chân của Áp-ra-ham và có đức tin mạnh như ông không?”. Chắc chắn là có.
2. Tại sao học về gương của Áp-ra-ham là điều quan trọng? (Gia-cơ 2:22, 23)
2 Một cách để vun trồng đức tin mạnh như Áp-ra-ham là học về gương của ông. Theo lệnh Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham chuyển đến một xứ xa, sống trong lều nhiều thập kỷ và sẵn sàng hy sinh con yêu dấu là Y-sác. Những hành động này cho thấy ông có đức tin mạnh. Nhờ đức tin và việc làm của mình, Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời chấp nhận và được làm bạn ngài. (Đọc Gia-cơ 2:22, 23). Đức Giê-hô-va muốn tất cả chúng ta, kể cả anh chị, cũng có những ân phước như thế. Vì lý do đó, ngài soi dẫn những người viết Kinh Thánh là Phao-lô và Gia-cơ nhắc đến gương của Áp-ra-ham. Hãy xem xét gương của ông, như được thảo luận trong Rô-ma chương 4 và Gia-cơ chương 2. Cả hai chương này đều nhắc đến một câu đáng chú ý về Áp-ra-ham.
3. Phao-lô và Gia-cơ đã trích từ câu Kinh Thánh quan trọng nào?
3 Cả Phao-lô và Gia-cơ đều trích từ Sáng thế 15:6. Câu này nói: “[Áp-ra-ham] đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va, và ngài kể việc đó là công chính cho người”. Về cơ bản, sự công chính nói đến tình trạng được Đức Chúa Trời chấp nhận, thậm chí được ngài xem là trọn vẹn. Thật kinh ngạc khi người bất toàn và tội lỗi có thể được Đức Chúa Trời xem là trọn vẹn! Hẳn anh chị cũng muốn được ngài xem là công chính, và điều đó là có thể. Để biết làm thế nào mình có thể được gọi là công chính, chúng ta cần hiểu tại sao Áp-ra-ham được gọi như thế.
ĐỨC TIN LÀ THIẾT YẾU ĐỂ ĐƯỢC XEM LÀ CÔNG CHÍNH
4. Điều gì khiến con người không được xem là công chính?
4 Trong thư gửi các tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô nói rằng mọi người đều phạm tội (Rô 3:23). Vậy, làm thế nào một người có thể được xem là công chính hay trọn vẹn và được Đức Chúa Trời chấp nhận? Để giúp tất cả những tín đồ chân chính trả lời câu hỏi đó, Phao-lô nói đến gương của Áp-ra-ham.
5. Đức Giê-hô-va tuyên bố Áp-ra-ham là công chính dựa trên cơ sở nào? (Rô-ma 4:2-4)
5 Đức Giê-hô-va tuyên bố Áp-ra-ham là công chính khi ông đang cư ngụ ở xứ Ca-na-an. Tại sao ngài có thể tuyên bố như thế? Có phải vì Áp-ra-ham theo sát Luật pháp Môi-se không? Chắc chắn không (Rô 4:13). Hơn 400 năm sau khi Đức Chúa Trời tuyên bố ông là công chính thì Luật pháp ấy mới được ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Vậy, Đức Chúa Trời tuyên bố Áp-ra-ham là công chính dựa trên cơ sở nào? Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng nhân từ bao la với Áp-ra-ham và tuyên bố ông là công chính vì đức tin của ông.—Đọc Rô-ma 4:2-4.
6. Tại sao Đức Giê-hô-va có thể tuyên bố một người có tội là công chính?
6 Phao-lô lý luận thêm rằng khi một người đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời, “đức tin của người ấy được kể là công chính” (Rô 4:5). Phao-lô nói tiếp: “Đa-vít cũng nói như sau về niềm hạnh phúc của người được Đức Chúa Trời kể là công chính mà không dựa vào việc làm: ‘Hạnh phúc cho người được tha các hành vi phạm pháp và người được tha tội; hạnh phúc cho người mà Đức Giê-hô-va không hề ghi nhớ tội lỗi’” (Rô 4:6-8; Thi 32:1, 2). Đức Chúa Trời tha tội cho những người đặt đức tin nơi ngài. Ngài hoàn toàn tha thứ cho họ và không ghi nhớ tội lỗi của họ nữa. Ngài xem những người đó là vô tội và công chính dựa trên đức tin của họ.
7. Các tôi tớ trung thành là công chính theo nghĩa nào?
7 Dù được tuyên bố là công chính, Áp-ra-ham, Đa-vít và các tôi tớ trung thành khác của Đức Chúa Trời vẫn là người tội lỗi, bất toàn. Nhưng nhờ đức tin của họ, Đức Chúa Trời xem họ là trọn vẹn, đặc biệt so với những người không thờ phượng ngài (Ê-phê 2:12). Như được thấy rõ trong thư của Phao-lô, đức tin là điều thiết yếu để có mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Điều đó đúng trong cả trường hợp của Áp-ra-ham lẫn Đa-vít, và cũng đúng trong trường hợp của chúng ta.
ĐỨC TIN VÀ VIỆC LÀM LIÊN QUAN THẾ NÀO ĐẾN NHAU?
8, 9. Một số người đã đi đến kết luận sai lầm nào dựa trên những điều Phao-lô và Gia-cơ viết, và tại sao?
8 Trong nhiều thế kỷ, khối Ki-tô giáo tranh cãi dữ dội về mối quan hệ giữa đức tin và việc làm. Một số nhà chức sắc dạy rằng tất cả những gì một người phải làm để được cứu là tin nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Có lẽ anh chị đã nghe họ nói: “Hãy tin Chúa để được cứu rỗi”. Thậm chí, một số người còn cho là Phao-lô ủng hộ điều này vì ông nói rằng một người có thể “được Đức Chúa Trời kể là công chính mà không dựa vào việc làm” (Rô 4:6). Tuy nhiên, những người khác thì cho rằng một người có thể “tự cứu chính mình” bằng cách đi hành hương hoặc làm những nhiệm vụ khác mà giáo hội đề ra. Có lẽ họ trích Gia-cơ 2:24: “Một người được tuyên bố là công chính nhờ việc làm chứ chẳng phải chỉ nhờ đức tin mà thôi”.
9 Vì những niềm tin khác biệt ấy, một số học giả Kinh Thánh đã kết luận rằng Phao-lô và Gia-cơ bất đồng về đề tài đức tin và việc làm. Hàng giáo phẩm có lẽ cho là trong khi Phao-lô tin rằng một người được tuyên bố là công chính bởi đức tin mà không dựa vào việc làm, thì Gia-cơ dạy rằng phải có việc làm mới được Đức Chúa Trời chấp nhận. Một giáo sư về thần học nói: “Gia-cơ không hiểu tại sao Phao-lô cứ một mực cho rằng [việc được tuyên bố là công chính] chỉ nhờ đức tin mà thôi, chứ không nhờ việc làm”. Nhưng Đức Giê-hô-va đã soi dẫn cả Phao-lô lẫn Gia-cơ để viết các sách của họ (2 Ti 3:16). Vậy, phải có một cách giải thích hợp lý cho sự khác biệt giữa lời của Phao-lô và Gia-cơ. Đó là qua việc xem xét văn cảnh của những gì họ viết.
10. Phao-lô chủ yếu muốn nói đến “việc làm” nào? (Rô-ma 3:21, 28) (Cũng xem hình).
10 Phao-lô muốn nói đến “việc làm” nào nơi Rô-ma chương 3 và 4? Ông chủ yếu muốn nói đến “việc làm mà luật pháp đòi hỏi”, tức là Luật pháp Môi-se được ban ở núi Si-nai. (Đọc Rô-ma 3:21, 28). Dường như vào thời Phao-lô, một số tín đồ người Do Thái khó chấp nhận việc Luật pháp Môi-se và “việc làm mà luật pháp đòi hỏi” đã bị bãi bỏ. Vì thế, Phao-lô nói đến gương của Áp-ra-ham để chứng minh rằng vị thế công chính trước mắt Đức Chúa Trời không tùy thuộc vào “việc làm mà luật pháp đòi hỏi”. Vị thế công chính ấy có được nhờ đức tin. Điều đó thật khích lệ vì giúp chúng ta tin chắc rằng mình có thể có được vị thế tốt trước mắt Đức Chúa Trời. Nếu có đức tin nơi Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su, chúng ta có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận.
11. Gia-cơ nói đến “việc làm” nào?
11 Mặt khác, “việc làm” nơi Gia-cơ chương 2 không phải là “việc làm mà luật pháp đòi hỏi” được Phao-lô nhắc đến. Gia-cơ đang nói đến những việc làm, hay hoạt động, của tín đồ đạo Đấng Ki-tô trong đời sống hằng ngày. Những việc làm đó cho thấy một tín đồ thật sự có đức tin nơi Đức Chúa Trời hay không. Hãy xem hai ví dụ mà Gia-cơ dùng.
12. Gia-cơ giải thích thế nào về mối liên hệ giữa đức tin và việc làm? (Cũng xem hình).
12 Trong ví dụ đầu tiên, Gia-cơ nói về việc một tín đồ cần tránh thiên vị khi đối xử với người khác. Ông nêu lên tình huống một người ưu đãi người giàu nhưng khinh thường người nghèo. Gia-cơ nói người ấy có thể cho rằng mình có đức tin nhưng lại không có việc làm kèm theo (Gia 2:1-5, 9). Trong ví dụ thứ hai, Gia-cơ nói về một người thấy ‘có anh chị thiếu đồ mặc và thức ăn’ nhưng không hành động để giúp đỡ thực tế. Dù người đó cho rằng mình có đức tin nhưng không có việc làm để chứng minh điều đó; thế nên, đức tin ấy là vô ích. Như Gia-cơ viết, “đức tin không có việc làm là đức tin chết”.—Gia 2:14-17.
13. Gia-cơ dùng gương nào để cho thấy đức tin phải được thể hiện qua hành động? (Gia-cơ 2:25, 26)
13 Gia-cơ đề cập đến Ra-háp như là gương về đức tin được thể hiện qua hành động. (Đọc Gia-cơ 2:25, 26). Bà nghe về Đức Giê-hô-va và nhận ra ngài đang trợ giúp dân Y-sơ-ra-ên (Giô-suê 2:9-11). Bà cho thấy đức tin qua hành động bằng cách bảo vệ hai người Y-sơ-ra-ên đi do thám khi mạng sống của họ lâm nguy. Vì thế, người phụ nữ bất toàn và không thuộc dân Y-sơ-ra-ên ấy được tuyên bố là công chính, giống như Áp-ra-ham. Gương của bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đức tin phải được chứng minh qua việc làm.
14. Lời của Phao-lô và Gia-cơ hòa hợp với nhau như thế nào?
14 Phao-lô và Gia-cơ đơn giản chỉ nói về đức tin và việc làm theo những khía cạnh khác nhau. Phao-lô đang nói với các tín đồ người Do Thái rằng họ sẽ không bao giờ được Đức Giê-hô-va chấp nhận chỉ nhờ vào việc làm mà Luật pháp Môi-se đòi hỏi. Còn Gia-cơ thì đang nhấn mạnh rằng tất cả các tín đồ cần thể hiện đức tin bằng cách làm điều tốt cho người khác.
15. Một số cách để thể hiện đức tin qua việc làm là gì? (Cũng xem các hình).
15 Đức Giê-hô-va không nói rằng nếu muốn được tuyên bố là công chính, chúng ta phải làm đúng như những gì Áp-ra-ham làm. Thực tế, có nhiều cách mà chúng ta có thể thể hiện đức tin qua việc làm. Chúng ta có thể chào đón người mới trong hội thánh, giúp đỡ những anh em gặp khó khăn và làm điều tốt cho các thành viên trong gia đình, là những điều mà Đức Chúa Trời hài lòng và ban phước (Rô 15:7; 1 Ti 5:4, 8; 1 Giăng 3:18). Một việc làm đặc biệt tốt lành cho thấy chúng ta có đức tin là sốt sắng chia sẻ tin mừng với người khác (1 Ti 4:16). Qua hành động, tất cả chúng ta có thể cho thấy mình có đức tin rằng những lời hứa của Đức Giê-hô-va sẽ thành hiện thực và đường lối của ngài là tốt nhất. Nếu làm thế, chúng ta có thể tin chắc Đức Chúa Trời sẽ xem chúng ta là công chính và gọi chúng ta là bạn.
HY VỌNG CỦNG CỐ ĐỨC TIN
16. Hy vọng tác động thế nào đến đức tin của Áp-ra-ham?
16 Rô-ma chương 4 nêu lên một bài học quan trọng khác mà chúng ta có thể học từ Áp-ra-ham, đó là tầm quan trọng của hy vọng. Đức Giê-hô-va hứa rằng qua Áp-ra-ham, “nhiều dân tộc” sẽ được phước. Quả là một hy vọng tuyệt vời mà Áp-ra-ham có! (Sáng 12:3; 15:5; 17:4; Rô 4:17). Tuy nhiên, ngay cả khi Áp-ra-ham 100 tuổi và Sa-ra 90 tuổi, họ vẫn chưa có con như được hứa. Theo quan điểm của con người, dường như Áp-ra-ham và Sa-ra không thể nào có con. Đó thật sự là một thử thách cho Áp-ra-ham. “Nhưng ông vẫn hy vọng và có đức tin là mình sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc” (Rô 4:18, 19). Và thật thế, hy vọng đó đã trở thành hiện thực. Ông đã sinh ra Y-sác, người con mà họ trông mong bấy lâu.—Rô 4:20-22.
17. Làm thế nào chúng ta biết mình có thể được xem là công chính và là bạn Đức Chúa Trời?
17 Chúng ta có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận, được xem là công chính và là bạn ngài giống như Áp-ra-ham. Thật thế, Phao-lô nhấn mạnh điều đó khi viết: “Câu ‘việc đó được kể là công chính cho người’ được ghi lại không chỉ vì Áp-ra-ham mà còn vì chúng ta, những người sẽ được kể là công chính, vì chúng ta tin nơi đấng đã làm cho Chúa Giê-su… sống lại” (Rô 4:23, 24). Như Áp-ra-ham, chúng ta cần có cả đức tin lẫn việc làm cũng như hy vọng. Tiếp theo, Phao-lô thảo luận về niềm hy vọng của chúng ta nơi Rô-ma chương 5. Bài tới sẽ xem xét điều này.
BÀI HÁT 28 Để được làm bạn với Đức Giê-hô-va
a Chúng ta muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận và xem là công chính. Dựa trên những gì Phao-lô và Gia-cơ viết, bài này sẽ thảo luận làm sao để có được điều đó, và lý do chúng ta cần có cả đức tin lẫn việc làm để được Đức Giê-hô-va chấp nhận.
b HÌNH ẢNH: Phao-lô khuyến giục các tín đồ người Do Thái tập trung vào đức tin, chứ không phải “việc làm mà luật pháp đòi hỏi”, chẳng hạn như việc mặc áo có chỉ xanh dương, cử hành Lễ Vượt Qua và rửa tay theo nghi thức.
c HÌNH ẢNH: Gia-cơ khuyến khích việc thể hiện đức tin bằng cách làm điều lành cho người khác, chẳng hạn giúp người nghèo.