BÀI HỌC 1
BÀI HÁT 2 Giê-hô-va là danh Cha
Hãy dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang
CÂU KINH THÁNH CHO NĂM 2025: “Hãy dâng Đức Giê-hô-va vinh quang thuộc về danh ngài”.—THI 96:8.
TRỌNG TÂM
Tìm hiểu về những cách chúng ta có thể dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang mà ngài xứng đáng nhận.
1. Ngày nay, nhiều người tập trung vào điều gì?
Anh chị có để ý thấy ngày nay nhiều người dường như chỉ quan tâm đến mình không? Chẳng hạn, một số người dùng mạng xã hội để thu hút sự chú ý đến bản thân và khoe khoang những gì họ làm. Tuy nhiên, tương đối ít người tôn vinh Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Bài này sẽ xem dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang hay tôn vinh ngài có nghĩa gì, và lý do chúng ta nên làm thế. Chúng ta cũng sẽ xem cách để dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang mà ngài xứng đáng nhận và cách ngài làm vinh hiển danh ngài trong tương lai gần đây.
DÂNG CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SỰ VINH QUANG CÓ NGHĨA GÌ?
2. Đức Giê-hô-va biểu dương sự vinh quang của ngài tại núi Si-nai như thế nào? (Cũng xem hình).
2 Sự vinh quang là gì? Trong Kinh Thánh, từ “vinh quang” có thể nói đến bất cứ điều gì khiến ai đó trở nên ấn tượng đối với người khác. Đức Giê-hô-va đã biểu dương sự vinh quang của ngài không lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Hãy hình dung cảnh sau: Hàng triệu người Y-sơ-ra-ên nhóm lại tại chân núi Si-nai để gặp Đức Chúa Trời của mình. Một đám mây đen bao phủ ngọn núi. Bỗng nhiên một trận động đất dữ dội, cùng với hiện tượng núi lửa hoạt động, làm rúng động đất dưới chân họ. Trong khi đó, cũng có sấm sét và tiếng tù và rất lớn (Xuất 19:16-18; 24:17; Thi 68:8). Hãy hình dung những người Y-sơ-ra-ên đã kinh ngạc đến mức nào khi Đức Giê-hô-va biểu dương sự vinh quang của ngài một cách ấn tượng như thế.
3. Dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang có nghĩa gì?
3 Nhưng con người có thể dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang không? Có. Một cách chúng ta làm thế là nói cho người khác về quyền năng vô biên và các phẩm chất tuyệt vời của ngài. Chúng ta cũng tôn vinh Đức Chúa Trời khi quy công trạng cho ngài về những điều chúng ta làm được nhờ sự giúp đỡ của ngài (Ê-sai 26:12). Vua Đa-vít là gương nổi bật về việc tôn vinh Đức Giê-hô-va. Trong lời cầu nguyện trước toàn thể dân Y-sơ-ra-ên, ông thưa với Đức Chúa Trời: “Lạy Đức Giê-hô-va, sự vĩ đại, hùng mạnh, tuyệt mỹ, huy hoàng và oai phong đều thuộc về ngài, vì mọi vật trên trời và dưới đất đều thuộc về ngài”. Sau khi Đa-vít cầu nguyện xong, “toàn thể hội chúng đều chúc tụng Giê-hô-va Đức Chúa Trời”.—1 Sử 29:11, 20.
4. Chúa Giê-su dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang bằng cách nào?
4 Khi ở trên đất, Chúa Giê-su tôn vinh Cha ngài bằng cách cho người ta biết Cha là đấng ban cho ngài quyền năng để làm phép lạ (Mác 5:18-20). Chúa Giê-su cũng dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang qua những gì ngài nói về Cha và cách ngài đối xử với người khác. Vào dịp nọ, Chúa Giê-su giảng dạy trong nhà hội. Trong số những người nghe ngài, có một phụ nữ bị quỷ ám 18 năm. Quỷ khiến bà bị còng lưng, không thể đứng thẳng được. Thật khổ sở! Động lòng trắc ẩn, Chúa Giê-su lại gần người phụ nữ ấy và nhẹ nhàng nói: “Bà ơi, bà đã được giải thoát khỏi căn bệnh của mình”. Rồi ngài đặt tay trên bà thì ngay lập tức bà đứng thẳng lên và “bắt đầu tôn vinh Đức Chúa Trời”. Người phụ nữ ấy đã có lại sức khỏe và phẩm giá của mình! (Lu 13:10-13). Bà có lý do chính đáng để dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang, và chúng ta cũng thế.
TẠI SAO CHÚNG TA TÔN VINH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?
5. Chúng ta có những lý do nào để tôn kính Đức Giê-hô-va?
5 Chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va vì tôn kính ngài sâu xa. Chúng ta có nhiều lý do để tôn kính ngài. Đức Giê-hô-va là đấng toàn năng, có quyền năng vô biên (Thi 96:4-7). Sự khôn ngoan tột bậc của ngài được thấy rõ qua những tạo vật ngài dựng nên. Đức Giê-hô-va là Nguồn của sự sống và là Đấng Duy Trì Sự Sống của chúng ta (Khải 4:11). Ngài là đấng thành tín (Khải 15:4). Mọi điều ngài làm đều thành công, và ngài luôn giữ lời hứa (Giô-suê 23:14). Không ngạc nhiên gì khi nhà tiên tri Giê-rê-mi nói về Đức Giê-hô-va như sau: “Trong mọi kẻ khôn ngoan của các nước và trong mọi vương quốc họ, không ai giống như ngài cả”! (Giê 10:6, 7). Chắc chắn, chúng ta có lý do chính đáng để tôn kính Cha trên trời. Nhưng chúng ta không chỉ tôn kính mà còn yêu thương ngài.
6. Tại sao chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va?
6 Chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va vì yêu thương ngài tha thiết. Hãy xem một số phẩm chất của Đức Giê-hô-va khiến chúng ta yêu thương ngài. Đức Giê-hô-va có lòng thương xót và trắc ẩn (Thi 103:8, 13). Ngài đồng cảm với con người. Khi chúng ta cảm thấy đau lòng, ngài cũng đau lòng (Xa 2:8). Đức Giê-hô-va mở đường cho chúng ta đến gần và làm bạn với ngài (Thi 25:14; Công 17:27). Ngài cũng khiêm nhường, “hạ mình xuống nhìn xem trời đất, nâng người thấp hèn lên khỏi đống bụi” (Thi 113:6, 7). Ai mà lại không muốn tôn vinh Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta?—Thi 86:12.
7. Chúng ta có cơ hội đặc biệt nào?
7 Chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va vì muốn người khác biết về ngài. Nhiều người không biết sự thật về Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì Sa-tan làm mù tâm trí họ bằng cách lan truyền những lời nói dối thậm tệ về ngài (2 Cô 4:4). Sa-tan khiến người ta tin rằng Đức Giê-hô-va là đấng đầy hận thù, không có lòng quan tâm và gây ra nhiều đau khổ trên thế giới. Nhưng chúng ta biết sự thật về Đức Chúa Trời! Chúng ta có cơ hội để giúp người khác biết ngài là đấng tuyệt vời như thế nào, và qua đó tôn vinh ngài (Ê-sai 43:10). Bài Thi thiên 96 nhấn mạnh việc dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang. Khi xem xét bài Thi thiên này, hãy nghĩ về những cách anh chị có thể dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang mà chỉ mình ngài xứng đáng nhận.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ DÂNG CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SỰ VINH QUANG?
8. Một cách để tôn vinh Đức Giê-hô-va là gì? (Thi thiên 96:1-3)
8 Đọc Thi thiên 96:1-3. Chúng ta có thể tôn vinh Đức Giê-hô-va qua những điều mình nói về ngài. Trong những câu Kinh Thánh này, dân của Đức Giê-hô-va được mời “hát cho Đức Giê-hô-va”, “chúc tụng danh ngài”, “loan tin mừng về ơn giải cứu của ngài” và “rao vinh quang ngài giữa các nước”. Đó là những cách chúng ta có thể tôn vinh Cha trên trời. Những người Do Thái trung thành và các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã không ngần ngại nói cho người khác về mọi điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va làm cho họ và bênh vực thanh danh của ngài (Đa 3:16-18; Công 4:29). Chúng ta cũng có thể làm thế bằng cách nào?
9, 10. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của chị Angela? (Cũng xem hình).
9 Hãy xem kinh nghiệm của chị Angelaa sống ở Hoa Kỳ. Chị đã can đảm bênh vực thanh danh của Đức Giê-hô-va tại công ty mà chị làm việc. Là nhân viên mới, chị được mời tham dự một buổi họp dành cho những người mới vào công ty. Mỗi người sẽ giới thiệu về bản thân với đồng nghiệp. Chị đã chuẩn bị một phần trình chiếu cho thấy niềm vui mà mình có được khi là một Nhân Chứng. Tuy nhiên, ngay trước khi đến lượt chị, một đồng nghiệp giới thiệu rằng anh ấy lớn lên trong gia đình Nhân Chứng. Anh ấy bắt đầu chế nhạo niềm tin của chúng ta. Chị Angela nói: “Tim tôi đập thình thịch. Nhưng tôi tự nhủ: ‘Chẳng lẽ mình lại để cho người ta nói dối về Đức Giê-hô-va sao? Mình phải bênh vực ngài!’”.
10 Khi người đồng nghiệp nói xong, chị Angela cầu nguyện thầm và ngắn gọn. Rồi chị tử tế nói với anh ấy: “Hoàn cảnh của tôi giống như anh. Tôi cũng lớn lên trong một gia đình Nhân Chứng, và tiếp tục là Nhân Chứng cho đến bây giờ”. Bầu không khí trở nên căng thẳng, nhưng chị Angela giữ bình tĩnh khi chia sẻ những hình ảnh ấm lòng từ các sự kiện thiêng liêng mà chị tham dự và khi tế nhị bênh vực niềm tin của mình (1 Phi 3:15). Kết quả là gì? Sau khi chị trình bày xong, thái độ của anh ấy dịu xuống. Thậm chí anh còn thừa nhận là mình có những ký ức đẹp khi kết hợp với Nhân Chứng lúc còn nhỏ. Chị Angela nói: “Đức Giê-hô-va xứng đáng được bênh vực. Thật vinh dự khi được lên tiếng để biện minh cho danh ngài!”. Chúng ta cũng có vinh dự được ngợi khen và tôn vinh Đức Giê-hô-va ngay cả khi người khác bất kính với ngài.
11. Trong suốt lịch sử, những người thờ phượng chân chính làm theo nguyên tắc nơi Thi thiên 96:8 như thế nào?
11 Đọc Thi thiên 96:8. Chúng ta có thể tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng những điều quý báu của mình. Những người thờ phượng chân chính luôn tôn vinh Đức Giê-hô-va qua cách này (Châm 3:9). Chẳng hạn, dân Y-sơ-ra-ên đóng góp cho việc xây cất và bảo trì đền thờ (2 Vua 12:4, 5; 1 Sử 29:3-9). Các môn đồ đầy lòng quan tâm đã “dùng của cải mình” để phục vụ Chúa Giê-su và các sứ đồ (Lu 8:1-3). Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất cũng đóng góp cho việc cứu trợ anh em đồng đạo (Công 11:27-29). Ngày nay, chúng ta cũng có thể tôn vinh Đức Giê-hô-va qua việc tình nguyện đóng góp về vật chất.
12. Việc đóng góp của chúng ta có thể tôn vinh Đức Giê-hô-va như thế nào? (Cũng xem hình).
12 Hãy xem một kinh nghiệm cho thấy việc đóng góp của chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va. Một báo cáo năm 2020 cho thấy ảnh hưởng của hạn hán kéo dài ở Zimbabwe. Hàng triệu người có nguy cơ bị chết đói, trong đó có một chị tên là Prisca. Bất kể hạn hán, chị duy trì thói quen rao giảng vào thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, ngay cả trong mùa cày ruộng. Hàng xóm chế nhạo chị vì đi rao giảng thay vì làm việc đồng áng. Họ nói: “Chị sẽ bị chết đói cho mà xem”. Chị Prisca tự tin trả lời: “Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ rơi các tôi tớ ngài”. Không lâu sau, chị nhận được đồ cứu trợ từ tổ chức của chúng ta. Những đồ cứu trợ này có được là nhờ sự đóng góp của chúng ta. Những người hàng xóm của chị Prisca rất ấn tượng và nói với chị: “Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ rơi chị, nên chúng tôi cũng muốn tìm hiểu về ngài”. Cuối cùng, bảy người hàng xóm đã bắt đầu tham dự buổi nhóm họp.
13. Chúng ta cần làm gì để tôn vinh Đức Giê-hô-va? (Thi thiên 96:9)
13 Đọc Thi thiên 96:9. Chúng ta có thể tôn vinh Đức Giê-hô-va qua hạnh kiểm của mình. Thầy tế lễ phục vụ tại đền thờ cần sạch sẽ về thể chất (Xuất 40:30-32). Nhưng điều quan trọng hơn sự sạch sẽ về thể chất là hạnh kiểm thanh sạch (Thi 24:3, 4; 1 Phi 1:15, 16). Chúng ta cần nỗ lực để lột bỏ “nhân cách cũ”, tức những thái độ và thực hành không thanh sạch, và “mặc lấy nhân cách mới”, tức lối suy nghĩ và hành động phản ánh các phẩm chất vinh hiển của Đức Giê-hô-va (Cô 3:9, 10). Với sự trợ giúp của ngài, ngay cả những người vô luân và bạo lực nhất cũng có thể thay đổi và mặc lấy nhân cách mới.
14. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Jack? (Cũng xem hình).
14 Hãy xem kinh nghiệm của anh Jack, một người đàn ông bạo lực và nguy hiểm có biệt danh là Quỷ Dữ. Anh bị kết án tử hình vì những tội của mình. Tuy nhiên, khi đang chờ thi hành án, anh đồng ý học Kinh Thánh với một anh đã đến thăm nhà tù mà anh bị giam. Bất kể quá khứ của mình, anh Jack lột bỏ nhân cách cũ và theo thời gian thì hội đủ điều kiện để báp-têm. Anh Jack thay đổi nhiều đến mức vào ngày anh bị tử hình, một số cai tù đã rơm rớm nước mắt khi họ nói lời tạm biệt. Một trung sĩ làm việc trong tù nói: “Jack từng là tù nhân tệ nhất ở đây. Nhưng giờ thì anh ấy là một trong những người tốt nhất”. Vào tuần sau khi anh Jack bị tử hình, các anh của chúng ta đã trở lại để điều khiển buổi nhóm họp hằng tuần ở nhà tù ấy. Họ đã gặp một tù nhân lần đầu tham dự buổi nhóm họp. Điều gì thúc đẩy anh tham dự? Anh ấy đã ấn tượng trước sự thay đổi về hạnh kiểm của anh Jack và muốn biết cần làm gì để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Rõ ràng, hạnh kiểm của chúng ta có thể tôn vinh Cha trên trời!—1 Phi 2:12.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ SỚM LÀM VINH HIỂN DANH NGÀI NHƯ THẾ NÀO?
15. Đức Giê-hô-va sẽ hoàn toàn làm vinh hiển danh ngài như thế nào trong tương lai gần đây? (Thi thiên 96:10-13)
15 Đọc Thi thiên 96:10-13. Những câu cuối cùng này của bài Thi thiên 96 miêu tả Đức Giê-hô-va là Vua và Đấng Xét Xử công chính. Trong tương lai gần đây, Đức Giê-hô-va sẽ làm vinh hiển danh ngài như thế nào? Đó là qua những sự phán xét của ngài. Không lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt Ba-by-lôn Lớn vì đã gây sỉ nhục cho danh thánh của ngài (Khải 17:5, 16; 19:1, 2). Có thể một số người chứng kiến sự hủy diệt của Ba-by-lôn Lớn sẽ quyết định cùng chúng ta thờ phượng ngài. Cuối cùng tại Ha-ma-ghê-đôn, Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt toàn bộ thế gian của Sa-tan, loại bỏ tất cả những kẻ chống đối ngài và phỉ báng danh ngài, đồng thời giải cứu tất cả những người yêu thương và vâng lời ngài cũng như tự hào tôn vinh ngài (Mác 8:38; 2 Tê 1:6-10). Sau thử thách cuối cùng vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Ki-tô, Đức Giê-hô-va sẽ hoàn toàn làm thánh danh ngài (Khải 20:7-10). Lúc đó, “trái đất sẽ tràn đầy tri thức về vinh quang Đức Giê-hô-va khác nào nước phủ đầy lòng biển”.—Ha-ba 2:14.
16. Anh chị quyết tâm làm gì? (Cũng xem hình).
16 Quả là hào hứng khi mọi người sẽ dâng cho Đức Giê-hô-va sự vinh quang thuộc về danh ngài! Nhưng từ giờ đến lúc đó, chúng ta có thể làm phần của mình bằng cách tận dụng mọi cơ hội để tôn vinh Đức Chúa Trời. Để nhấn mạnh trách nhiệm quan trọng này, Hội đồng Lãnh đạo đã chọn Thi thiên 96:8 làm câu Kinh Thánh cho năm 2025: “Hãy dâng Đức Giê-hô-va vinh quang thuộc về danh ngài”.
BÀI HÁT 12 Đức Giê-hô-va, ngài thật vĩ đại
a Một số tên đã được thay đổi.
b HÌNH ẢNH: Cảnh diễn lại kinh nghiệm của chị Angela.
c HÌNH ẢNH: Cảnh diễn lại kinh nghiệm của chị Prisca.
d HÌNH ẢNH: Cảnh diễn lại kinh nghiệm của anh Jack.