BÀI HỌC 8
BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ
Làm thế nào để noi theo sự tha thứ của Đức Giê-hô-va?
“Đức Giê-hô-va đã rộng lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy”.—CÔ 3:13.
TRỌNG TÂM
Bài này sẽ xem xét những bước thực tế mà chúng ta có thể làm để tha thứ cho người khiến mình tổn thương.
1, 2. (a) Khi nào chúng ta đặc biệt thấy khó tha thứ cho người khác? (b) Chị Denise đã thể hiện sự tha thứ như thế nào?
Anh chị có thấy khó tha thứ không? Nhiều người trong chúng ta cảm thấy như thế, đặc biệt khi có người nói hoặc làm điều gì đó khiến mình rất đau lòng. Tuy nhiên, chúng ta có thể vượt qua cảm xúc bị tổn thương và tha thứ cho người khác. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của chị Denisea đã thể hiện sự tha thứ nổi bật. Vào năm 2017, chị và gia đình vừa tham quan xong trụ sở mới của Nhân Chứng Giê-hô-va. Trên đường về nhà, một người lái xe đã mất kiểm soát và đâm vào xe của họ. Chị Denise bất tỉnh trong vụ tai nạn. Khi tỉnh dậy, chị được biết rằng các con của chị bị thương rất nặng và chồng chị là anh Brian đã thiệt mạng. Nhớ lại giây phút ấy, chị nói: “Tôi tan nát cõi lòng và vô cùng bối rối”. Sau này, chị biết rằng người lái xe đã không dùng rượu bia hoặc chất kích thích, cũng không bị phân tâm vì điện thoại hoặc điều gì khác. Chị cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho mình sự bình an.
2 Người lái xe bị buộc tội ngộ sát. Nếu bị kết án, ông có thể ngồi tù. Tuy nhiên, tòa cho chị Denise biết rằng bản án của ông ấy tùy thuộc vào lời khai của chị. Chị nói: “Tôi cảm thấy như thể có ai đó rạch lại vết thương của mình và xát cả ký muối vào đó, vì tôi phải hồi tưởng lại những giây phút kinh khủng nhất trong đời”. Chỉ vài tuần sau, chị dự phiên tòa và nói lời khai về người đã gây ra đau khổ tột cùng cho gia đình mình. Chị nói gì? Chị xin thẩm phán khoan hồng cho ông ấy.b Khi chị nói xong, thẩm phán bật khóc. Thẩm phán cho biết: “Trong suốt 25 năm hành nghề, tôi chưa bao giờ nghe điều gì giống như thế này trong phiên tòa của mình. Tại đây, tôi không bao giờ nghe gia đình nạn nhân xin khoan hồng cho bị cáo, không bao giờ có những lời thể hiện tình yêu thương và sự tha thứ”.
3. Điều gì thúc đẩy chị Denise tha thứ?
3 Điều gì giúp chị Denise tha thứ? Chị suy ngẫm về sự tha thứ của Đức Giê-hô-va (Mi 7:18). Khi biết ơn sự tha thứ của ngài đối với mình, chúng ta sẽ được thúc đẩy để tha thứ cho người khác.
4. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì? (Ê-phê-sô 4:32)
4 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta rộng lòng tha thứ cho người khác giống như ngài đã rộng lòng tha thứ cho chúng ta. (Đọc Ê-phê-sô 4:32). Ngài muốn chúng ta sẵn lòng tha thứ cho những người đã khiến mình tổn thương (Thi 86:5; Lu 17:4). Bài này sẽ xem xét ba điều giúp chúng ta sẵn lòng tha thứ hơn.
ĐỪNG LỜ ĐI CẢM XÚC
5. Theo Châm ngôn 12:18, chúng ta có thể cảm thấy thế nào khi bị người khác làm tổn thương?
5 Chúng ta có thể rất đau lòng về điều mà người khác nói hoặc làm, đặc biệt nếu người đó là bạn thân hoặc thành viên trong gia đình (Thi 55:12-14). Đôi khi nỗi đau về tinh thần có thể ví như những nhát dao đâm. (Đọc Châm ngôn 12:18). Chúng ta có thể cố kìm nén hoặc lờ đi những cảm xúc tổn thương. Nhưng làm thế thì giống như bị đâm mà vẫn giữ nguyên con dao ở vết thương. Tương tự, chúng ta không thể mong những cảm xúc tổn thương được xoa dịu nếu lờ đi chúng.
6. Khi bị người khác xúc phạm, có thể chúng ta sẽ phản ứng thế nào?
6 Khi bị người khác xúc phạm, phản ứng ban đầu của chúng ta có thể là tức giận. Kinh Thánh cho biết có lúc chúng ta sẽ cảm thấy như thế. Tuy nhiên, Kinh Thánh cảnh báo đừng để cảm xúc đó chế ngự mình (Thi 4:4; Ê-phê 4:26). Tại sao? Vì cảm xúc thường dẫn đến hành động. Và sự nóng giận không đem lại kết quả tốt (Gia 1:20). Hãy nhớ rằng cảm thấy tức giận là một phản ứng, nhưng có tiếp tục tức giận hay không là một lựa chọn.
Cảm thấy tức giận là một phản ứng, nhưng có tiếp tục tức giận hay không là một lựa chọn
7. Chúng ta có thể có những cảm xúc nào khác khi bị tổn thương?
7 Khi bị đối xử tệ, chúng ta có thể có những cảm xúc đau lòng khác. Chẳng hạn, một chị tên Ann nói: “Khi tôi còn nhỏ, cha đã phản bội mẹ tôi và cưới người giữ trẻ của gia đình. Tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Khi họ có con, tôi cảm thấy mình bị ra rìa. Tôi lớn lên với cảm giác mình là đồ bỏ đi”. Một chị tên Gloria cho biết cảm giác của chị khi bị chồng phản bội: “Hai vợ chồng tôi đã là bạn từ khi còn nhỏ. Chúng tôi còn cùng nhau làm tiên phong! Lòng tôi tan nát”. Một chị tên Naomi nói: “Tôi không bao giờ nghĩ chồng sẽ làm tổn thương mình. Vì thế, khi anh thú nhận là đã lén lút xem tài liệu khiêu dâm, tôi cảm thấy bị lừa dối và phản bội”.
8. (a) Một số lý do chúng ta nên tha thứ là gì? (b) Chúng ta nhận được lợi ích nào khi tha thứ? (Xem khung “Nếu một người làm chúng ta tổn thương nặng nề thì sao?”)
8 Chúng ta không thể kiểm soát điều người khác nói hoặc làm với mình, nhưng có thể kiểm soát cách chúng ta phản ứng. Và thường cách phản ứng tốt nhất là tha thứ. Tại sao? Vì chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va, và ngài muốn chúng ta là người biết tha thứ. Nếu tiếp tục tức giận và không tha thứ, rất có thể chúng ta sẽ hành động dại dột và sức khỏe cũng bị tổn hại (Châm 14:17, 29, 30). Hãy xem trường hợp của một chị tên Carol. Chị cho biết: “Khi tôi để cảm xúc tổn thương chi phối mình, tôi cười ít hơn. Tôi có khuynh hướng ăn những thực phẩm không lành mạnh. Tôi không ngủ đủ và khó kiểm soát cảm xúc hơn. Điều này ảnh hưởng đến hôn nhân và mối quan hệ của tôi với người khác”.
9. Tại sao chúng ta nên bỏ đi sự oán giận?
9 Ngay cả nếu người khiến chúng ta tổn thương không nhận trách nhiệm về hành động của mình, chúng ta vẫn có thể giảm bớt tổn hại do người đó gây ra. Như thế nào? Chị Gloria được đề cập ở trên nói: “Sau một thời gian, cuối cùng tôi đã bỏ đi sự oán giận đối với chồng cũ. Nhờ làm thế, tôi cảm thấy vô cùng bình an”. Khi bỏ đi sự oán giận, chúng ta tránh để sự cay đắng gây hại cho mình. Chúng ta cũng tặng bản thân một món quà, đó là chúng ta có thể tiến về phía trước và vui hưởng đời sống trở lại (Châm 11:17). Nhưng nói sao nếu sau khi nhìn nhận cảm xúc của mình, anh chị vẫn chưa sẵn sàng tha thứ?
ĐỐI PHÓ VỚI CẢM XÚC
10. Tại sao chúng ta cần cho bản thân thời gian để được chữa lành về cảm xúc? (Cũng xem các hình).
10 Làm thế nào để vượt qua cảm xúc tổn thương? Một cách là cho bản thân thời gian để được chữa lành. Một người bị thương nặng về thể chất cần thời gian để lành lại sau khi được điều trị. Tương tự, chúng ta có thể cần thời gian để chữa lành về cảm xúc trước khi sẵn sàng tha thứ cho một người từ đáy lòng.—Truyền 3:3; 1 Phi 1:22.
11. Lời cầu nguyện có thể giúp anh chị như thế nào để tha thứ cho người khác?
11 Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị tha thứ.c Chị Ann, được đề cập ở trên, cho biết cách lời cầu nguyện đã giúp mình: “Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ cho mỗi người trong gia đình về những điều mà chúng tôi đã không làm tốt. Rồi tôi viết một lá thư cho cha và mẹ kế, và nói rằng tôi đã tha thứ cho họ”. Chị Ann thừa nhận làm thế không hề dễ. Nhưng chị chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng khi mình cố gắng noi theo sự tha thứ của Đức Giê-hô-va, cha và mẹ kế của tôi sẽ được thúc đẩy để tìm hiểu về ngài”.
12. Tại sao chúng ta nên tin cậy Đức Giê-hô-va thay vì cảm xúc của mình? (Châm ngôn 3:5, 6)
12 Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, chứ không phải cảm xúc của mình. (Đọc Châm ngôn 3:5, 6). Ngài luôn biết điều tốt nhất cho chúng ta (Ê-sai 55:8, 9). Và ngài sẽ không bao giờ đòi hỏi chúng ta làm điều gây hại cho mình. Vì thế, khi Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta tha thứ, chúng ta có thể tin chắc rằng làm thế sẽ mang lại lợi ích cho mình (Thi 40:4; Ê-sai 48:17, 18). Trái lại, nếu tin cậy cảm xúc của bản thân, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ tha thứ cho người khác (Châm 14:12; Giê 17:9). Chị Naomi được đề cập ở trên nói: “Lúc đầu, tôi nghĩ mình có lý do chính đáng để không tha thứ cho chồng vì anh đã xem tài liệu khiêu dâm. Tôi sợ anh sẽ khiến mình tổn thương lần nữa hoặc quên mất là đã gây đau khổ cho tôi đến mức nào. Và tôi lý luận rằng Đức Giê-hô-va hiểu cảm xúc của mình. Nhưng tôi bắt đầu nhận ra rằng chỉ vì Đức Giê-hô-va hiểu cảm xúc của tôi không có nghĩa là ngài ủng hộ những cảm xúc đó. Ngài biết tôi cảm thấy thế nào và hiểu tôi cần thời gian để được chữa lành, nhưng ngài cũng muốn tôi tha thứ”.d
VUN TRỒNG CẢM XÚC TÍCH CỰC
13. Theo Rô-ma 12:18-21, chúng ta cần làm gì?
13 Khi tha thứ cho người khiến mình tổn thương, chúng ta muốn làm nhiều hơn là chỉ quyết định không nói về chuyện đã xảy ra. Nếu người làm chúng ta tổn thương cũng là anh em đồng đạo, mục tiêu của chúng ta là làm hòa (Mat 5:23, 24). Thay vì oán giận, chúng ta chọn thương xót và tha thứ. (Đọc Rô-ma 12:18-21; 1 Phi 3:9). Điều gì có thể giúp chúng ta làm thế?
14. Chúng ta nên cố gắng làm gì, và tại sao?
14 Chúng ta nên cố gắng nhìn người xúc phạm mình theo cách của Đức Giê-hô-va. Ngài chọn tìm điểm tốt nơi người ta (2 Sử 16:9; Thi 130:3). Ai cũng có điểm tốt và điểm xấu, quan trọng là chúng ta muốn tìm điểm nào nơi họ. Nếu tìm điểm tốt nơi người khác, chúng ta sẽ thấy dễ tha thứ cho họ hơn. Chẳng hạn, một anh tên Jarrod nói: “Tôi thấy dễ tha thứ cho anh em đồng đạo hơn khi so sánh lỗi lầm của họ với một loạt những điều tôi thích về họ”.
15. Tại sao việc anh chị nói tha thứ cho một người có thể là điều hữu ích?
15 Một điều quan trọng khác có thể hữu ích là nói với người đó rằng anh chị tha thứ cho họ. Tại sao? Hãy lưu ý điều chị Naomi kể lại: “Chồng hỏi tôi: ‘Em có tha thứ cho anh không?’. Khi tôi mở miệng định nói: ‘Em tha thứ cho anh’ thì bị nghẹn lại. Tôi nhận ra rằng mình chưa thật sự tha thứ cho anh từ trong lòng. Với thời gian, tôi có thể nói câu đầy sức mạnh ấy: ‘Em tha thứ cho anh’. Khi nghe câu đó, chồng tôi rưng rưng nước mắt. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh nhẹ nhõm đến mức nào và mình cũng cảm thấy bình an hơn biết bao. Kể từ đó, tôi xây dựng lại lòng tin của mình nơi chồng, và chúng tôi lại trở thành bạn thân nhất của nhau”.
16. Anh chị học được gì về sự tha thứ?
16 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta biết tha thứ (Cô 3:13). Dù vậy, có lẽ chúng ta phải tranh đấu để tha thứ cho người khác. Nhưng chúng ta có thể làm được nếu không lờ đi những cảm xúc của mình và nỗ lực để đối phó với chúng. Sau đó, chúng ta có thể vun trồng những cảm xúc mới và tích cực.—Xem khung “Ba điều giúp tha thứ”.
TẬP TRUNG VÀO LỢI ÍCH CỦA VIỆC THA THỨ
17. Việc tha thứ cho người khác mang lại lợi ích nào cho chúng ta?
17 Chúng ta có nhiều lý do để tha thứ cho người khác. Hãy xem một vài lý do. Thứ nhất, chúng ta noi gương Cha đầy lòng thương xót là Đức Giê-hô-va và làm ngài vui lòng (Lu 6:36). Thứ hai, chúng ta tỏ lòng biết ơn về sự tha thứ của ngài dành cho mình (Mat 6:12). Thứ ba, chúng ta có sức khỏe tốt hơn và những tình bạn gắn bó.
18, 19. Sự tha thứ có thể mang lại kết quả nào?
18 Khi tha thứ cho người khác, chúng ta có thể nhận được những ân phước bất ngờ. Chẳng hạn, hãy xem chuyện gì đã xảy ra trong trường hợp của chị Denise được đề cập ở đầu bài. Lúc đó, chị không biết rằng người đàn ông gây tai nạn định tự tử sau phiên tòa. Tuy nhiên, sự tha thứ của chị khiến ông rất cảm động và ông bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va.
19 Có lẽ chúng ta cảm thấy tha thứ cho người khiến mình tổn thương là một trong những điều khó khăn nhất trong đời. Nhưng đó cũng có thể là một trong những điều mang lại sự thỏa nguyện nhất (Mat 5:7). Vậy, mong sao tất cả chúng ta cố gắng hết sức để noi theo sự tha thứ của Đức Giê-hô-va.
BÀI HÁT 125 ‘Hạnh phúc cho người có lòng thương xót!’
a Một số tên đã được thay đổi.
b Trong trường hợp như thế, mỗi tín đồ cần đưa ra quyết định riêng về điều nên làm.
c Xem các video của các bài hát đặc sắc “Hãy tha thứ lẫn nhau”, “Hãy rộng lòng tha thứ” và “Làm bạn như xưa” trên jw.org.
d Dù xem tài liệu khiêu dâm là một tội và gây tổn thương, nhưng đó không phải là cơ sở để người hôn phối vô tội ly dị theo nguyên tắc Kinh Thánh.