GIỚI TRẺ THẮC MẮC
Làm sao để kiểm soát chi tiêu?
“Mới đây mình vào một cửa hàng chỉ để xem. Mình đi ra với một món đồ đắt tiền mà mình không có ý định mua khi vào”.—Công.
Công thừa nhận rằng bạn ấy gặp rắc rối về việc kiểm soát chi tiêu. Bạn có vấn đề như thế không? Nếu có, bài này có thể giúp bạn.
Tại sao phải kiểm soát chi tiêu?
Quan niệm sai: Quá bận tâm đến thói quen chi tiêu sẽ hạn chế sự tự do của bạn.
Sự thật: Kiểm soát chi tiêu sẽ cho bạn thêm tự do, chứ không giảm đi. Một cẩm nang hướng dẫn cách dùng tiền (I’m Broke! The Money Handbook) nói: “Càng hiểu về việc dùng tiền, bạn sẽ càng có nhiều tiền để mua những thứ mình muốn, ngay bây giờ và trong tương lai”.
Hãy xem xét: Khi kiểm soát chi tiêu...
Bạn sẽ càng có nhiều tiền hơn khi cần. Một bạn trẻ tên là Inez nói: “Mình thích du lịch đến Nam Mỹ vào lúc nào đó trong tương lai. Khi để dành tiền, mình cố giữ mục tiêu đó trong trí”.
Bạn sẽ ít (hoặc không) mắc nợ. Kinh Thánh nói: “Người vay làm tôi người cho vay” (Châm ngôn 22:7). Một bạn trẻ tên là Anna đồng ý khi nói: “Nợ nần có thể kiểm soát cuộc sống bạn. Khi không mắc nợ, bạn có thể chú tâm vào mục tiêu của mình”.
Bạn cho thấy mình là người trưởng thành. Người biết kiểm soát chi tiêu được chuẩn bị tốt hơn để bước vào đời. Bạn Jean, 20 tuổi, nói: “Đó là sự huấn luyện tốt cho tương lai khi mình dọn ra riêng. Mình cố gắng dùng tiền một cách có trách nhiệm ngay bây giờ thì sau này cũng vậy”.
Kết luận: Một sách hướng dẫn thanh thiếu niên và sinh viên quản lý tài chính (The Complete Guide to Personal Finance: For Teenagers and College Students) nói: “Tự quản lý tiền của mình là bước đầu tiên để có thể tự lập. Chi tiêu hiệu quả là một kỹ năng sẽ giúp ích cho bạn trong suốt cuộc đời”.
Làm sao để kiểm soát?
Biết điểm yếu của mình. Nếu hay hết tiền, điều đầu tiên bạn phải làm là tìm nguyên do. Đối với một số người thì mua sắm trực tuyến là thủ phạm. Với số khác thì vấn đề là liên tục chi các khoản tiền nhỏ dẫn đến việc hết tiền vào cuối tháng!
“Chi phí hằng ngày tăng lên. Khi mua một món quà nhỏ cho người này người kia, một tách cà phê hoặc một món đồ giảm giá ở siêu thị, rồi sau một tháng mình tự hỏi là tiền đi đâu hết!”—Hà.
Lập kế hoạch chi tiêu. Kinh Thánh nói: “Kế hoạch người cần mẫn hẳn dẫn tới thành công” (Châm ngôn 21:5). Khi lập kế hoạch, bạn có thể chắc chắn là tiền chi không lớn hơn tiền thu.
“Nếu chi nhiều hơn thu, bạn cần xem lại và giới hạn những gì bạn không cần. Hãy hạn chế các chi phí cho đến khi kiếm được nhiều tiền hơn mức chi”.—Duyên.
Làm theo kế hoạch. Có nhiều cách để bạn có thể theo dõi và tránh tiêu tiền vào những thứ không cần thiết. Một số người trẻ thấy những cách sau là hữu hiệu:
“Mình thường gửi tiền vào ngân hàng ngay vì mình sẽ ít bị cám dỗ để tiêu nếu gửi tiền ở đó”.—Đức.
“Khi đến cửa hàng, mình mang vừa đủ tiền. Với cách đó, mình không thể tiêu nhiều hơn dự định”.—Yến.
“Càng chờ lâu trước khi mua thứ gì, mình càng xem xét kỹ là mình có cần nó hay không”.—Jesiah.
“Mình không cần tham gia mọi hoạt động giải trí. Nếu từ chối vì không có tiền thì cũng chẳng sao”.—Nga.
Kết luận: Quản lý tiền bạc là trách nhiệm hệ trọng. Bạn Công, được đề cập ở đầu bài, bắt đầu nhận ra điều đó. Bạn ấy nói: “Nếu có một ngày mình làm chủ gia đình, mình sẽ không thể phung phí tiền bạc. Nếu không biết cách quản lý tiền bạc khi còn độc thân, thì khi kết hôn sẽ gặp vấn đề”.
Mẹo: “Nói cho một người biết về kế hoạch chi tiêu của bạn và xin người đó thường xuyên nhắc nhở bạn. Có trách nhiệm là một điều tốt!”—Vanessa.