Bảng chú giải thuật ngữ
A Ă B C D Đ E Ê G H I K L M N Ô Ơ P Q R S T U V X Y
A
A-bíp.
Tên ban đầu của tháng thứ nhất theo lịch thánh và tháng thứ bảy theo lịch thường của Do Thái. Nó có nghĩa là “bông lúa non” và kéo dài từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4. Sau khi người Do Thái trở về từ Ba-by-lôn, tháng này được gọi là tháng Ni-san (Phu 16:1).—Xem Phụ lục B15.
A-chai.
Được đề cập trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, là một tỉnh của La Mã ở miền nam Hy Lạp, thủ phủ là Cô-rinh-tô. A-chai bao gồm toàn bộ vùng Pê-lô-pô-ne và miền trung của lục địa Hy Lạp (Cv 18:12).—Xem Phụ lục B13.
A-đa.
Tên của tháng thứ mười hai theo lịch thánh và tháng thứ sáu theo lịch thường của Do Thái, sau thời lưu đày sang Ba-by-lôn. Nó kéo dài từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 (Êxt 3:7).—Xem Phụ lục B15.
A-la-mốt.
Thuật ngữ âm nhạc có nghĩa là “thiếu nữ”, có thể nói đến giọng nữ cao. Rất có thể từ này được dùng để cho biết là phải chơi nhạc ở quãng âm cao.—1Sử 15:20; Th 46:0.
A-men.
“Xin xảy ra như vậy” hoặc “chắc chắn”. Từ gốc của từ này là ʼa·manʹ trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là “trung tín, đáng tin cậy”. Người ta nói “A-men” để đồng ý với một lời thề, lời cầu nguyện hoặc câu nói. Trong sách Khải huyền, từ này được dùng làm tước vị cho Chúa Giê-su.—Phu 27:26; 1Sử 16:36; Kh 3:14.
A-ram.
Người A-ram là con cháu của A-ram con trai Sem, sống chủ yếu ở những vùng trải dài từ dãy núi Li-băng đến Mê-sô-bô-ta-mi, và từ dãy núi Tau-rút ở phía bắc đến Đa-mách và xa hơn nữa ở phía nam. Khu vực này, được gọi là A-ram trong tiếng Hê-bơ-rơ, về sau được gọi là Sy-ri và cư dân ở đó được gọi là người Sy-ri.—Sa 25:20; Phu 26:5; Ôsê 12:12.
A-rê-ô-ba.
Một ngọn đồi cao ở A-thên, nằm ở phía tây bắc của Vệ Thành. Đây cũng là tên của hội đồng (tòa án) đã họp lại tại đó. Các triết gia thuộc phái Khắc kỷ và phái Khoái lạc đã đưa Phao-lô đến A-rê-ô-ba để ông trình bày về niềm tin của ông.—Cv 17:19.
A-si-a.
Tên của một tỉnh La Mã trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Tỉnh này bao gồm khu vực hiện nay là vùng phía tây của Thổ Nhĩ Kỳ cùng các đảo ven bờ như Sa-mốt và Bát-mô. Thủ phủ của tỉnh là Ê-phê-sô (Cv 20:16; Kh 1:4).—Xem Phụ lục B13.
A-xa-xên.
Ác Quỷ.
Ách.
Cái đòn đặt trên vai một người để gánh vật nặng ở hai đầu, hoặc thanh gỗ hoặc cái khung đặt trên cổ của hai con vật kéo (thường là bò) khi kéo một dụng cụ làm nông hoặc một cỗ xe. Vì nô lệ thường dùng ách để gánh vật nặng, ách được dùng theo nghĩa bóng để tượng trưng cho cảnh nô lệ hoặc việc phải phục tùng người khác, cũng như sự áp bức và đau khổ. Tháo hay bẻ ách có nghĩa là giải thoát khỏi sự ràng buộc, áp bức và bóc lột.—Lê 26:13; Mat 11:29, 30.
An-pha và Ô-mê-ga.
Áp.
Tên của tháng thứ năm theo lịch thánh và tháng thứ mười một theo lịch thường của Do Thái, sau thời lưu đày sang Ba-by-lôn. Nó kéo dài từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8. Tên tháng này không được dùng trong Kinh Thánh mà chỉ được nhắc đến là “tháng thứ năm” (Dân 33:38; Êxr 7:9).—Xem Phụ lục B15.
Át-tô-rét.
Nữ thần chiến tranh và sinh sản của người Ca-na-an, là vợ của thần Ba-anh.—1Sa 7:3.
Ă
Ăn năn.
B
Ba-anh.
Ba-tơ.
Đơn vị đo lường chất lỏng, ước tính khoảng 22 lít, dựa trên những mảnh bình có ghi tên đơn vị này mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy. Hầu hết các đơn vị đo lường vật khô và chất lỏng trong Kinh Thánh đều được tính dựa trên dung tích ước tính của ba-tơ (1V 7:38; Êxê 45:14).—Xem Phụ lục B14.
Ba Tư.
Một xứ và một dân thường được nhắc đến cùng với người Mê-đi, hẳn là có quan hệ họ hàng với người Mê-đi. Vào giai đoạn đầu lịch sử của mình, người Ba Tư chỉ định cư ở vùng tây nam của cao nguyên I-ran. Dưới thời Si-ru Đại đế (người mà một số sử gia cho rằng có cha là người Ba Tư và mẹ là người Mê-đi), người Ba Tư trội hơn người Mê-đi, dù vẫn là đế quốc đôi. Si-ru chinh phục đế quốc Ba-by-lôn vào năm 539 TCN và cho phép người Do Thái bị lưu đày trở về quê hương. Đế quốc Ba Tư trải dài từ sông Ấn ở phía đông đến biển Ê-giê ở phía tây. Người Do Thái ở dưới sự cai trị của người Ba Tư cho đến khi A-léc-xan-đơ Đại đế đánh bại Ba Tư vào năm 331 TCN. Đế quốc Ba Tư được Đa-ni-ên thấy trước trong một khải tượng và được nói đến trong sách Ê-xơ-ra, Nê-hê-mi và Ê-xơ-tê (Êxr 1:1; Đa 5:28; 8:20).—Xem Phụ lục B9.
Bài hát lên thành.
Lời ghi chú đầu bài của Thi thiên 120-134. Dù có nhiều ý kiến khác nhau về ý nghĩa của cụm từ này, nhưng nhiều người tin rằng 15 bài Thi thiên này được người Y-sơ-ra-ên, những người thờ phượng đầy vui mừng, hát khi họ “lên” Giê-ru-sa-lem, nơi tọa lạc trên cao trong vùng núi Giu-đa, để dự ba lễ lớn hằng năm.
Bàn thờ.
Vật hay bục được xây lên cao; làm bằng đất, đá, một khối đá hoặc bằng gỗ bọc kim loại. Vật tế lễ hoặc hương được dâng trên đó để thờ phượng. Trong gian đầu tiên của lều thánh và đền thờ có một “bàn thờ bằng vàng” nhỏ để dâng hương. Bàn thờ này được làm bằng gỗ bọc vàng. Ngoài sân có một “bàn thờ bằng đồng” lớn hơn để dâng vật tế lễ thiêu (Xu 27:1; 39:38, 39; Sa 8:20; 1V 6:20; 2Sử 4:1; Lu 1:11).—Xem Phụ lục B5 và B8.
Bảng Chứng Tích.
Thường nói đến Mười Điều Răn viết trên hai bảng đá được ban cho Môi-se.—Xu 31:18.
Bảng đeo ngực.
Túi đính đá quý mà thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên đeo trước ngực mỗi khi vào Gian Thánh. Nó được gọi là “bảng đeo ngực của sự phán quyết” vì có chứa U-rim và Thu-mim, là những vật được dùng để tiết lộ phán quyết của Đức Giê-hô-va (Xu 28:15-30).—Xem Phụ lục B5.
Bánh dâng hiến.
Mười hai cái bánh được xếp thành hai chồng, mỗi chồng sáu cái, đặt trên bàn trong Gian Thánh của lều thánh và đền thờ. Chúng còn được gọi là “bánh tầng” và “bánh trưng bày”. Đây là lễ vật dâng cho Đức Chúa Trời và được thay thế bằng bánh tươi vào mỗi ngày Sa-bát. Những cái bánh được lấy đi thường chỉ dành cho các thầy tế lễ ăn (2Sử 2:4; Mat 12:4, chú thích; Xu 25:30; Lê 24:5-9; Hê 9:2, chú thích).—Xem Phụ lục B5.
Báp-têm.
Bầu rượu da.
Bê-ên-xê-bun.
Bi ca.
Bố thí.
Tặng quà để giúp người thiếu thốn. Việc làm này không được nhắc đến trực tiếp trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng Luật pháp có chỉ thị cụ thể cho dân Y-sơ-ra-ên về bổn phận của họ đối với người nghèo.—Mat 6:2.
Bộ khí giới.
Bộ đồ mà người lính thường mang để bảo vệ tính mạng, gồm mũ trận, áo giáp, thắt lưng, giáp che ống chân và khiên.—1Sa 31:9; Êph 6:13-17.
Bội đạo; Bội nghịch.
Bồn ép rượu.
Bu-lơ.
Tên của tháng thứ tám theo lịch thánh và tháng thứ hai theo lịch thường của Do Thái. Từ gốc của từ này có nghĩa là “sản vật; hoa lợi”. Nó kéo dài từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 (1V 6:38).—Xem Phụ lục B15.
Bục xét xử.
Thường là một bục cao ngoài trời, có bậc thang đi lên. Khi ngồi tại đó, các quan có thể nói với đám đông và công bố phán quyết của họ. Cụm từ “ngai xét xử của Đức Chúa Trời” và “ngai xét xử của Đấng Ki-tô” tượng trưng cho sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để phán xét nhân loại.—Rô 14:10; 2Cô 5:10; Gi 19:13.
Bữa Ăn Tối Của Chúa.
Bữa ăn theo nghĩa đen gồm bánh không men và rượu biểu trưng cho thân thể và huyết của Đấng Ki-tô; dịp tưởng niệm sự chết của Chúa Giê-su. Vì đây là lễ mà Kinh Thánh đòi hỏi tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải giữ nên cũng thích hợp với tên gọi “Lễ Tưởng Niệm”.—1Cô 11:20, 23-26.
Bức màn.
Tấm vải được dệt rất đẹp, có thêu hình các chê-rúp, ngăn cách Gian Thánh và Gian Chí Thánh trong lều thánh lẫn đền thờ (Xu 26:31; 2Sử 3:14; Mat 27:51; Hê 9:3).—Xem Phụ lục B5.
C
Ca-be.
Đơn vị đo lường vật khô tương đương 1,22 lít, dựa trên dung tích ước tính của ba-tơ (2V 6:25).—Xem Phụ lục B14.
Ca-na-an.
Cháu nội của Nô-ê, con trai thứ tư của Cham. Mười một chi phái ra từ Ca-na-an cuối cùng sống tại vùng dọc theo phía đông Địa Trung Hải, giữa Ai Cập và Sy-ri. Khu vực ấy được gọi là “xứ Ca-na-an” (Lê 18:3; Sa 9:18; Cv 13:19).—Xem Phụ lục B4.
Các con trai A-rôn.
Con cháu của A-rôn, là cháu nội của Lê-vi. A-rôn là người được chọn làm thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên dưới Luật pháp Môi-se. Các con trai A-rôn thi hành nhiệm vụ tế lễ tại lều thánh và đền thờ.—1Sử 23:28.
Cam tùng.
Loại dầu thơm đắt tiền, có màu đỏ hung, được chiết xuất từ cây cam tùng (Nardostachys jatamansi). Vì dầu cam tùng đắt nên thường bị pha với những loại dầu kém chất lượng hơn và đôi khi bị làm giả. Đáng chú ý là cả Mác và Giăng đều nói rằng dầu từng được đổ trên Chúa Giê-su là loại “cam tùng nguyên chất”.—Mác 14:3; Gi 12:3.
Canh-đê.
Ban đầu nói đến xứ và dân sống ở vùng châu thổ sông Ti-gơ-rơ và Ơ-phơ-rát; với thời gian, từ này được dùng để nói đến cả xứ Ba-by-lôn và dân xứ đó. “Người Canh-đê” còn nói đến giới trí thức nghiên cứu khoa học, lịch sử, ngôn ngữ và thiên văn nhưng lại thực hành phép thuật và thuật chiêm tinh.—Êxr 5:12; Đa 4:7; Cv 7:4.
Cắt bì.
Cầu hòa.
—Xem CHUỘC TỘI.
Cây biết điều thiện và điều ác.
Cây cột.
Cột thẳng đứng để buộc nạn nhân trên đó. Một số nước dùng nó để hành hình và/hoặc phơi xác chết để cảnh báo người khác hay để sỉ nhục trước công chúng. Người A-si-ri, nổi tiếng với những cuộc chiến man rợ, đã dùng cọc nhọn đâm các tù binh xuyên từ bụng lên đến lồng ngực rồi dựng đứng xác trên những cọc đó. Tuy nhiên, trong luật pháp của người Do Thái, những người phạm tội gian ác như phạm thượng hay thờ thần tượng thì bị giết trước bằng cách ném đá hoặc một cách khác, rồi mới bị treo xác lên cây cột hoặc cây để làm gương cảnh báo cho người khác (Phu 21:22, 23; 2Sa 21:6, 9). Người La Mã đôi khi chỉ buộc nạn nhân vào cây cột, trong trường hợp đó, người ấy có thể sống vài ngày trước khi chết vì đau đớn, đói khát và bị phơi dưới mặt trời. Trong những trường hợp khác, chẳng hạn như khi xử tử Chúa Giê-su, họ đóng đinh tay và chân của người bị buộc tội lên cây cột (Lu 24:20; Gi 19:14-16; 20:25; Cv 2:23, 36).—Xem CÂY KHỔ HÌNH.
Cây khổ hình.
Cách dịch của từ Hy Lạp stau·rosʹ, có nghĩa là một cây cọc hay cột thẳng đứng, chẳng hạn như cây cọc mà Chúa Giê-su bị hành hình trên đó. Không có bằng chứng nào cho thấy từ Hy Lạp này có nghĩa là thập tự giá, như cây thập tự mà những người ngoại giáo dùng làm biểu tượng tôn giáo trong nhiều thế kỷ trước thời Đấng Ki-tô. “Cây khổ hình” diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa của từ trong nguyên ngữ, vì từ stau·rosʹ cũng được dùng để nói đến sự khổ đau, khốn khổ và sỉ nhục mà môn đồ Chúa Giê-su phải đương đầu (Mat 16:24; Hê 12:2).—Xem CÂY CỘT.
Cây kinh giới.
Một cây có cành lá nhỏ, dùng để rảy máu hoặc nước trong nghi thức tẩy uế. Nó có thể là cây kinh giới ô (Origanum maru; Origanum syriacum). Cây được nói đến nơi Giăng 19:29 có thể là kinh giới ô được cột vào nhánh cây hoặc là cây cao lương, một loại cây lúa miến (Sorghum vulgare), vì cây này có thể có thân đủ dài để đưa miếng bọt biển thấm rượu chua lên miệng Chúa Giê-su.—Xu 12:22; Th 51:7.
Cây sậy.
Từ được dùng để nói đến nhiều loại cây thường mọc ở những nơi có nước. Cây được nhắc đến trong nhiều trường hợp là Arundo donax (Gp 8:11; Ês 42:3; Mat 27:29; Kh 11:1).—Xem CÂY SẬY ĐỂ ĐO.
Cây sậy để đo.
Dài sáu cu-bít. Theo cu-bít thông thường, cây sậy này dài 2,67m; theo cu-bít dài, nó dài 3,11m (Êxê 40:3, 5; Kh 11:1).—Xem Phụ lục B14.
Cây sự sống.
Châm ngôn.
Lời khôn ngoan hay một câu chuyện ngắn để răn dạy hoặc diễn đạt một sự thật sâu sắc một cách ngắn gọn. Châm ngôn trong Kinh Thánh có thể ở dưới dạng một câu nói khó hiểu hoặc câu đố. Châm ngôn chứa đựng một sự thật được diễn đạt bằng ngôn ngữ truyền cảm, thường qua phép ẩn dụ. Một số câu nói trở thành những câu phổ biến để chế nhạo hoặc khinh miệt một ai đó.—Tr 12:9; 2Ph 2:22.
Châu chấu.
Chê-rúp.
Chiến lợi phẩm.
Chiến xa.
Chuộc tội.
Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, khái niệm này gắn liền với các vật tế lễ được dâng lên để người dân có thể đến gần và thờ phượng Đức Chúa Trời. Dưới Luật pháp Môi-se, các vật tế lễ được dâng lên, đặc biệt là vào Ngày Chuộc Tội hằng năm, để có lại sự hòa thuận với Đức Chúa Trời, bất kể tội lỗi của một cá nhân hay cả nước. Những vật tế lễ này là hình bóng cho sự hy sinh của Chúa Giê-su, điều giúp nhân loại được chuộc tội hoàn toàn, một lần đủ cả, nhờ đó người ta có cơ hội được hòa thuận lại với Đức Giê-hô-va.—Lê 5:10; 23:28; Cô 1:20; Hê 9:12.
Cói.
Loài cây giống cây sậy, mọc dưới nước, dùng làm những thứ như giỏ, đồ đựng và thuyền. Nó cũng được dùng làm vật liệu để ghi chép giống như giấy và được dùng làm nhiều cuộn sách.—Xu 2:3.
Con dấu.
Vật dùng để đóng dấu (thường để ấn trên đất sét hoặc sáp) nhằm cho thấy quyền sở hữu, sự chứng thực hoặc sự thỏa thuận. Con dấu thời xưa được làm bằng vật liệu cứng (đá, ngà hay gỗ) có những chữ cái hoặc mẫu thiết kế được khắc ngược. Con dấu thường được dùng theo nghĩa bóng để nói đến một điều được xác nhận là thật hoặc một dấu xác nhận quyền sở hữu hoặc một điều gì đó được giữ kín hay giữ bí mật.—Xu 28:11; Nê 9:38; Kh 5:1; 9:4.
Con đầu lòng.
Chủ yếu nói đến người con trai cả của một người cha (chứ không phải con đầu lòng của người mẹ). Trong thời Kinh Thánh, con trai đầu lòng giữ một vị trí cao trọng trong gia đình và được ban quyền làm đầu gia đình khi người cha qua đời. Từ này cũng nói đến những con đực đầu lòng của thú vật.—Xu 11:5; 13:12; Sa 25:33; Hê 1:6.
Con Người.
Từ này xuất hiện khoảng 80 lần trong các sách Phúc âm, áp dụng cho Chúa Giê-su Ki-tô và cho thấy rằng qua việc ngài sinh ra làm người thì ngài là con người chứ không chỉ là một tạo vật thần linh mặc lấy thân thể con người. Từ này cũng cho thấy Chúa Giê-su sẽ làm ứng nghiệm lời tiên tri được ghi nơi Đa-ni-ên 7:13, 14. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, từ này được dùng cho Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên, nhấn mạnh sự khác biệt giữa những phát ngôn viên người phàm này và Nguồn thông điệp của họ, là Đức Chúa Trời.—Êxê 3:17; Đa 8:17; Mat 19:28; 20:28.
Con vua Đa-vít.
Cụm từ thường áp dụng cho Chúa Giê-su, nhấn mạnh rằng ngài là Người Thừa Kế của giao ước Nước Trời, được báo trước là người thuộc dòng dõi Đa-vít.—Mat 12:23; 21:9.
Cô-rơ.
Đơn vị đo lường vật khô và chất lỏng tương đương 220 lít, dựa trên dung tích ước tính của ba-tơ (1V 5:11).—Xem Phụ lục B14.
Cối đá.
Gồm một phiến đá tròn đặt trên một phiến đá khác tương tự, dùng để xay lúa thành bột. Một cái trục được gắn vào giữa thớt cối dưới để làm trục quay cho thớt cối trên. Vào thời Kinh Thánh, hầu như nhà nào cũng có cối xay tay mà các phụ nữ dùng. Vì bánh hằng ngày của gia đình tùy thuộc vào cối xay tay nên Luật pháp Môi-se cấm lấy nó hoặc thớt cối trên để làm tin. Những cối lớn hơn có cấu trúc giống như vậy thì được súc vật kéo cho quay.—Phu 24:6; Mác 9:42.
Cột thờ.
Từ Hê-bơ-rơ (ʼashe·rahʹ) nói đến (1) cột thờ tượng trưng cho A-sê-ra, nữ thần sinh sản của người Ca-na-an, hoặc (2) hình tượng của chính nữ thần A-sê-ra. Cột thờ có lẽ là cột thẳng đứng và được làm ít nhất một phần bằng gỗ. Nó có thể là cây cột không được chạm trổ, hoặc thậm chí là cây cối.—Phu 16:21; Qu 6:26; 1V 15:13.
Cu-bít.
Đơn vị đo chiều dài, khoảng cách từ khuỷu tay đến đầu ngón tay giữa. Người Y-sơ-ra-ên thường dùng đơn vị cu-bít có độ dài khoảng 44,5cm, nhưng họ cũng dùng đơn vị cu-bít dài hơn cu-bít thường một khoảng bằng bề ngang một bàn tay, khoảng 51,8cm (Sa 6:15; Lu 12:25, chú thích).—Xem Phụ lục B14.
Cùm.
Cuộn sách.
Một tấm giấy dài bằng da hoặc cói, được viết trên một mặt, thường được cuộn tròn quanh một thanh gỗ. Kinh Thánh được viết và sao chép trên các cuộn sách, là dạng sách thông thường trong thời Kinh Thánh được viết ra.—Giê 36:4, 18, 23; Lu 4:17-20; 2Ti 4:13.
D
Dãy núi Li-băng.
Một trong hai dãy núi hình thành nên hệ thống núi ở xứ Li-băng. Dãy Li-băng nằm ở phía tây và dãy An-ti Li-băng nằm ở phía đông. Một thung lũng dài và trù phú chia cắt hai dãy này. Dãy Li-băng gần như trồi lên ngay tại vùng ven biển Địa Trung Hải, và các đỉnh núi có độ cao trung bình từ 1.800m đến 2.100m. Thời xưa, xứ Li-băng phủ đầy những cây tuyết tùng to lớn mà các nước xung quanh xem là có giá trị cao (Phu 1:7; Th 29:6; 92:12).—Xem Phụ lục B7.
Dặm.
Đơn vị đo khoảng cách, chỉ xuất hiện một lần trong bản gốc của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp nơi Ma-thi-ơ 5:41, rất có thể nói đến dặm La Mã, tương đương 1.479,5m.—Xem Phụ lục B14.
Dấu hiệu.
Một vật, hành động, tình trạng hoặc cảnh tượng khác thường và có ý nghĩa để chỉ về một điều gì khác, trong hiện tại hoặc tương lai.—Sa 9:12, 13; 2V 20:9; Mat 24:3.
Dấu hiệu thánh của sự dâng hiến.
Một tấm sáng bóng bằng vàng ròng có khắc những lời bằng tiếng Hê-bơ-rơ: “Sự thánh khiết thuộc về Đức Giê-hô-va”. Nó được buộc vào phía trước khăn vấn của thầy tế lễ thượng phẩm (Xu 39:30).—Xem Phụ lục B5.
Dây ném đá.
Dây da hoặc một dải băng được dệt bằng các vật liệu như dây gân thú vật, cói hoặc lông. Phần rộng chính giữa để giữ vật được phóng ra, thường là viên đá. Một đầu của dây ném đá được buộc chặt vào bàn tay hoặc cổ tay, còn đầu kia được giữ trong lòng bàn tay và sẽ bung ra khi vung dây ném đá. Các nước thời xưa dùng người ném đá trong quân đội của họ.—Qu 20:16; 1Sa 17:50.
Dịch bệnh.
Bất cứ căn bệnh nào lây lan nhanh chóng, có khả năng phát thành dịch trên phạm vi rộng lớn và gây tử vong. Nó thường liên quan đến việc thi hành phán xét của Đức Chúa Trời.—Dân 14:12; Êxê 38:22, 23; Am 4:10.
Dớt.
Thần cao nhất của những người Hy Lạp theo thuyết đa thần. Tại Lít-trơ, Ba-na-ba bị người ta lầm tưởng là thần Dớt. Những lời khắc cổ được tìm thấy gần Lít-trơ có nói đến “thầy tế lễ của thần Dớt” và “Dớt thần mặt trời”. Trên mũi của chiếc thuyền mà Phao-lô đi từ đảo Man-ta có hình chạm “Các con trai thần Dớt”, tức là hai anh em sinh đôi Cát-tơ và Pô-lút.—Cv 14:12; 28:11.
Đ
Đa-gôn.
Đa-riếc.
Đồng tiền vàng của Ba Tư, nặng 8,4g (1Sử 29:7).—Xem Phụ lục B14.
Đá góc.
Hòn đá được đặt ở góc của tòa nhà, nơi hai bức tường giao nhau, góp phần lớn vào việc giữ cho hai bức tường gắn chặt với nhau. Hòn đá góc nơi nền nhà là hòn đá góc chính; người ta thường chọn những hòn đá thật chắc chắn để làm đá góc chính cho những tòa nhà công cộng và tường thành. Từ này được dùng theo nghĩa bóng để nói đến việc lập nền trái đất, và Chúa Giê-su được nói đến là “hòn đá góc nơi nền nhà” của hội thánh đạo Đấng Ki-tô, được ví như một ngôi nhà thiêng liêng.—Êph 2:20; Gp 38:6.
Đá quý.
Cẩm thạch: Thường là màu xanh lá cây nhưng có thể có nhiều màu khác, trong suốt hoặc đục. Hắc mã não: Một loại đá bán quý, một loại mã não cứng hay một dạng thạch tủy có đường vân. Hắc mã não có lớp màu trắng xen lẫn lớp màu đen, nâu, đỏ, xám hoặc xanh lá cây. Nó được trang trí trên áo đặc biệt của thầy tế lễ thượng phẩm (Xu 28:9, 12; 1Sử 29:2; Gp 28:16). Hoàng lục ngọc: Còn gọi là be-rin. Thường là màu xanh lá cây vàng, nhưng đôi khi có màu khác hoặc không màu. Hoàng ngọc: Còn gọi là to-pa. Không màu hoặc nhiều màu sắc. Màu phổ biến nhất là vàng rượu cognac. Hồng bạch mã não: Có các lớp màu trắng sữa và các lớp màu đỏ, vàng kim hoặc nâu trong suốt. Hồng mã não: Màu nâu đỏ, đục. Hồng ngọc: Còn gọi là ru-by, màu đỏ, trong suốt. Huỳnh ngọc: Màu vàng hoặc xanh lá cây, trong suốt hoặc đục. Lam ngọc: Còn gọi là sa-phia. Có lẽ là màu xanh dương. Lục bảo ngọc: Màu xanh lá cây, trong suốt. Lục mã não: Màu xanh táo, trong đục. Lục tùng thạch: Chủ yếu là màu xanh lá cây pha với xanh dương. Mã não: Có nhiều màu sắc, trong suốt hoặc đục. Ngọc sắc chàm: Còn gọi là hi-a-xin, màu xanh dương đậm. Ngọc thạch anh: Hiện nay có nhiều màu sắc, có lẽ đục. Khải huyền 21:11 nói đến một loại đá trong suốt và một số người cho rằng từ trong tiếng Hy Lạp nói đến kim cương. Thạch anh tím: Màu tía hoặc màu tím. Thạch tủy: Có nhiều màu sắc, trong suốt hoặc đục.
Đánh đập.
Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ này nói đến việc đánh bằng roi dây được thắt nút hoặc có gai nhọn ở đầu.—Gi 19:1.
Đạp lúa; Sân đạp lúa.
Quy trình tách hạt khỏi gié lúa và vỏ trấu; nơi thực hiện công việc này. Người ta “đạp lúa” theo cách thủ công là dùng một cây gậy. Với số lượng nhiều thì họ dùng một công cụ đặc biệt, chẳng hạn như ván đạp lúa hoặc trục lăn, kéo bằng thú vật. Công cụ đạp lúa sẽ cán trên hạt được rải sẵn trên sân đạp lúa, là khoảnh đất tròn bằng phẳng, thường ở trên cao và có gió.—Lê 26:5; Ês 41:15; Mat 3:12.
Đặt tay trên.
Đặt tay trên một người là hành động nhằm bổ nhiệm người đó làm một công việc đặc biệt hoặc chỉ định người đó nhận một ân phước, sự chữa lành hay một món quà của thần khí thánh. Đôi lúc người ta đặt tay trên các con vật trước khi chúng được dâng làm vật tế lễ.—Xu 29:15; Dân 27:18; Cv 19:6; 1Ti 5:22.
Đấng Ki-tô.
Đấng Lãnh Đạo Chính.
Đầu trụ.
Phần trang trí trên đỉnh trụ. Các đầu trụ lớn được đặt trên đỉnh hai trụ đôi là Gia-kin và Bô-ô, là hai trụ được dựng ở trước đền thờ Sa-lô-môn (1V 7:16).—Xem Phụ lục B8.
Đê-ca-bô-li.
Một nhóm các thành Hy Lạp, ban đầu gồm mười thành (bắt nguồn từ chữ Hy Lạp deʹka, nghĩa là “mười”, và poʹlis, nghĩa là “thành”). Đây cũng là tên của vùng thuộc phía đông biển Ga-li-lê và sông Giô-đanh, nơi tọa lạc của phần lớn các thành này. Các thành này là trung tâm văn hóa và thương mại của Hy Lạp cổ đại. Chúa Giê-su từng đi qua vùng này, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ngài đã thăm bất cứ thành nào trong số những thành này (Mat 4:25; Mác 5:20).—Xem Phụ lục A7 và B10.
Đền thờ.
Công trình cố định tại Giê-ru-sa-lem, thay thế lều thánh di động để làm trung tâm thờ phượng của Y-sơ-ra-ên. Đền thờ đầu tiên là do Sa-lô-môn xây và bị người Ba-by-lôn hủy phá. Đền thờ thứ hai là do Xô-rô-ba-bên xây sau khi người Do Thái bị lưu đày trở về từ Ba-by-lôn, và về sau được Hê-rốt Đại đế xây lại. Trong Kinh Thánh, đền thờ thường được gọi là “nhà của Đức Giê-hô-va” (Êxr 1:3; 6:14, 15; 1Sử 29:1; 2Sử 2:4; Mat 24:1).—Xem Phụ lục B8 và B11.
Địa đàng.
Một công viên xinh đẹp hoặc một vườn giống như công viên. Nơi đầu tiên giống như thế là vườn Ê-đen; Đức Giê-hô-va làm nên vườn này cho cặp vợ chồng đầu tiên. Khi nói với một trong những tên tội phạm bên cạnh mình trên cây khổ hình, Chúa Giê-su cho biết rằng trái đất sẽ trở thành địa đàng. Nơi 2 Cô-rinh-tô 12:4, từ này hẳn nói đến địa đàng trong tương lai. Nơi Khải huyền 2:7, từ này được dùng theo nghĩa bóng để nói đến đời sống ở trên trời.—Nhã 4:13; Lu 23:43.
Đồng bóng.
Người cho rằng mình có thể nói chuyện với người chết.—Lê 20:27; Phu 18:10-12; 2V 21:6.
Đơ-na-ri-on.
Đồng tiền bằng bạc của La Mã, nặng khoảng 3,85g, có hình của Sê-sa trên một mặt. Đây là tiền lương một ngày của người lao động và là đồng tiền để nộp “thuế thân” mà người La Mã buộc người Do Thái phải trả (Mat 17:25, chú thích; Lu 20:24).—Xem Phụ lục B14.
Đơ-rác-ma.
Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ này nói đến đồng bạc Hy Lạp, thời đó nặng 3,4g. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ có nhắc đến đồng đơ-rác-ma vàng vào thời Ba Tư, tương đương với đồng đa-riếc (Nê 7:70; Mat 17:24, chú thích).—Xem Phụ lục B14.
Đức Chúa Trời thật.
Cách dịch của hai từ Hê-bơ-rơ ʼElʹ và ʼElo·himʹ (“Đức Chúa Trời”) khi chúng đi kèm với mạo từ xác định. Trong nhiều trường hợp, cách dùng mạo từ xác định như thế trong tiếng Hê-bơ-rơ giúp phân biệt Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật và khác hẳn với các thần giả. Cụm từ “Đức Chúa Trời thật” đã giữ được ý nghĩa trọn vẹn của từ Hê-bơ-rơ trong những văn cảnh như thế.—Sa 5:22, 24; 46:3; Phu 4:39.
Đường lối.
Trong Kinh Thánh, từ này được dùng theo nghĩa bóng để nói đến lối sống hay hạnh kiểm được Đức Giê-hô-va chấp nhận hoặc không. Môn đồ của Chúa Giê-su Ki-tô được nói đến là những người theo “Đường Lối Chúa”, tức là họ giữ lối sống tập trung vào đức tin nơi Chúa Giê-su Ki-tô, theo gương mẫu của ngài.—Cv 19:9.
E
Ép-ra-im.
Ê
Ê-đôm.
Một tên khác được đặt cho Ê-sau, con trai Y-sác. Con cháu của Ê-sau (Ê-đôm) lấy vùng Sê-i-rơ, là vùng núi giữa Biển Chết và vịnh A-ca-ba. Vùng này được biết đến là Ê-đôm (Sa 25:30; 36:8).—Xem Phụ lục B3 và B4.
Ê-lun.
Tên của tháng thứ sáu theo lịch thánh và tháng thứ mười hai theo lịch thường của Do Thái, sau thời lưu đày sang Ba-by-lôn. Nó kéo dài từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 (Nê 6:15).—Xem Phụ lục B15.
Ê-pha.
Đơn vị và cũng là vật dụng đo lường vật khô, được dùng để đong ngũ cốc. Nó bằng với một ba-tơ chất lỏng nên tương đương 22 lít (Xu 16:36; Êxê 45:10).—Xem Phụ lục B14.
Ê-phót.
Áo mà các thầy tế lễ mặc, giống như tạp dề. Thầy tế lễ thượng phẩm mặc một ê-phót đặc biệt, phía trước có gắn bảng đeo ngực đính 12 viên đá quý (Xu 28:4, 6).—Xem Phụ lục B5.
Ê-tha-ninh.
Tên của tháng thứ bảy theo lịch thánh và tháng thứ nhất theo lịch thường của Do Thái. Nó kéo dài từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10. Sau khi người Do Thái trở về từ Ba-by-lôn, tháng này được gọi là tháng Ti-ri (1V 8:2).—Xem Phụ lục B15.
Ê-thi-ô-bi.
Quốc gia cổ xưa ở phía nam Ai Cập, bao gồm phần cực nam của Ai Cập và Xu-đăng hiện nay. Từ này đôi khi được dùng cho từ Hê-bơ-rơ dịch là “Cút-sơ”.—Êxt 1:1.
G
Ga-la-át.
Trong nghĩa hẹp, đây là vùng đất màu mỡ phía đông sông Giô-đanh, trải dài đến phía bắc và phía nam của thung lũng Gia-bốc. Đôi khi được dùng để chỉ toàn bộ lãnh thổ Y-sơ-ra-ên ở phía đông sông Giô-đanh, nơi cư ngụ của chi phái Ru-bên, Gát và nửa chi phái Ma-na-se (Dân 32:1; Gs 12:2; 2V 10:33).—Xem Phụ lục B4.
Gang tay.
Đơn vị đo chiều dài, khoảng cách giữa đầu ngón tay cái và đầu ngón tay út khi căng bàn tay ra. Dựa trên cu-bít có độ dài 44,5cm thì một gang tay sẽ có độ dài là 22,2cm (Xu 28:16; 1Sa 17:4).—Xem Phụ lục B14.
Gậy nhọn.
Cây gậy dài có mũi nhọn bằng kim loại mà người nông dân dùng để thúc con vật. Gậy nhọn được ví như lời của người khôn ngoan thúc đẩy người nghe làm theo lời khuyên khôn ngoan. Cụm từ “đá vào gậy nhọn” ra từ hành động của con bò đực ương ngạnh chống lại cái thúc của gậy nhọn bằng cách đá vào gậy, khiến chính nó bị thương.—Cv 26:14; Qu 3:31.
Ghê-hen-na.
Tên tiếng Hy Lạp của thung lũng Hi-nôm, ở phía nam và tây nam của thành Giê-ru-sa-lem xưa (Giê 7:31). Theo nghĩa tiên tri, đây là nơi các xác chết bị quăng vào (Giê 7:32; 19:6). Không có bằng chứng nào cho thấy thú vật hoặc con người bị quăng vào Ghê-hen-na để thiêu sống hay hành hạ. Vì vậy, nơi này không thể tượng trưng cho một cõi vô hình mà linh hồn con người bị hành hạ đời đời trong lửa thật. Thay vì thế, Chúa Giê-su và các môn đồ ngài dùng Ghê-hen-na để tượng trưng cho sự trừng phạt vĩnh viễn của “sự chết thứ hai”, tức là sự hủy diệt vĩnh viễn.—Kh 20:14; Mat 5:22; 10:28.
Ghê-ra.
Một đơn vị trọng lượng, bằng 0,57g. Nó tương đương 1/20 siếc-lơ (Lê 27:25).—Xem Phụ lục B14.
Ghi-tít.
Một thuật ngữ âm nhạc không rõ ý nghĩa, dù dường như bắt nguồn từ một từ Hê-bơ-rơ là gath. Một số người nghĩ đây có lẽ là giai điệu liên quan đến những bài hát về việc làm rượu, vì gath nói về bồn ép rượu.—Th 81:0.
Gia-cốp.
Con trai của Y-sác và Rê-bê-ca. Sau này Đức Chúa Trời đặt tên cho ông là Y-sơ-ra-ên, và ông trở thành tộc trưởng của dân Y-sơ-ra-ên (còn gọi là người Y-sơ-ra-ên và về sau gọi là người Do Thái). Ông có 12 người con trai và những người ấy cùng với con cháu họ hợp thành 12 chi phái của nước Y-sơ-ra-ên. Tên Gia-cốp tiếp tục được sử dụng để nói về nước hay người Y-sơ-ra-ên.—Sa 32:28; Mat 22:32.
Giá chuộc.
Giá phải trả để mang lại sự giải thoát khỏi sự giam cầm, trừng phạt, đau khổ, tội lỗi hay thậm chí một nghĩa vụ nào đó. Giá phải trả không phải lúc nào cũng là tiền (Ês 43:3). Một số hoàn cảnh đòi hỏi phải có giá chuộc. Chẳng hạn, mọi con trai đầu lòng hay con đực đầu lòng của bầy trong dân Y-sơ-ra-ên đều thuộc về Đức Giê-hô-va nên cần phải có giá chuộc để được giải phóng, hầu không phải dành riêng cho công việc của Đức Giê-hô-va (Dân 3:45, 46; 18:15, 16). Nếu một con bò nguy hiểm không được canh chừng và làm ai đó thiệt mạng thì chủ của con bò phải trả một giá chuộc để giải thoát chính mình khỏi án tử (Xu 21:29, 30). Tuy nhiên, giá chuộc mạng sống của kẻ cố tình giết người thì không được chấp nhận (Dân 35:31). Quan trọng hơn hết, Kinh Thánh nhấn mạnh giá chuộc mà Đấng Ki-tô đã trả bằng cách hy sinh mạng sống để giải thoát nhân loại biết vâng lời khỏi tội lỗi và sự chết.—Th 49:7, 8; Mat 20:28; Êph 1:7.
Giám thị.
Một người nam có trách nhiệm chính là coi sóc và chăn dắt hội thánh. Nghĩa cơ bản của từ Hy Lạp e·piʹsko·pos là giám sát nhằm bảo vệ. Từ “giám thị” và “trưởng lão” (pre·sbyʹte·ros) nói đến cùng một chức vụ trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Từ “trưởng lão” nói đến các phẩm chất thành thục của người được bổ nhiệm và từ “giám thị” nhấn mạnh những nhiệm vụ của người ấy.—Cv 20:28; 1Ti 3:2-7; 1Ph 5:2.
Gian Chí Thánh.
Gian dâm.
Dịch từ một từ Hy Lạp là por·neiʹa. Từ này được dùng trong Kinh Thánh để nói đến những hành vi tình dục mà Đức Chúa Trời cấm. Nó bao gồm ngoại tình, mại dâm, quan hệ tình dục ngoài vòng hôn nhân, đồng tính luyến ái và giao cấu với thú vật. Từ này được dùng theo nghĩa bóng trong sách Khải huyền để nói đến ả kỹ nữ về tôn giáo gọi là “Ba-by-lôn Lớn”, nhằm miêu tả việc tổ chức này qua lại với các nhà cai trị thế giới để có được thế lực và quyền lợi vật chất (Kh 14:8; 17:2; 18:3; Mat 5:32; Cv 15:29; Ga 5:19).—Xem NAM MẠI DÂM; GÁI ĐIẾM; KỸ NỮ.
Gian Thánh.
Gian đầu tiên và lớn hơn của lều thánh hoặc đền thờ, riêng biệt với gian trong cùng là Gian Chí Thánh. Trong lều thánh, Gian Thánh chứa chân đèn bằng vàng, bàn thờ dâng hương bằng vàng, bàn đặt bánh dâng hiến và các vật dụng bằng vàng; trong đền thờ, nó chứa bàn thờ bằng vàng, mười chân đèn bằng vàng và mười bàn đặt bánh dâng hiến (Xu 26:33; Hê 9:2).—Xem Phụ lục B5 và B8.
Giao ước.
Bản thỏa thuận hay hợp đồng chính thức giữa Đức Chúa Trời với con người hoặc giữa người với người để thực hiện hay không thực hiện một việc nào đó. Đôi khi chỉ một bên có trách nhiệm thực hiện các điều kiện (giao ước đơn phương, về cơ bản là một lời hứa). Cũng có khi cả hai bên phải thực hiện các điều kiện (giao ước song phương). Ngoài những giao ước mà Đức Chúa Trời lập với con người, Kinh Thánh nhắc đến những giao ước giữa người với người, giữa các chi phái, các nước hoặc nhóm người. Trong số các giao ước có ảnh hưởng sâu rộng thì có những giao ước mà Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham, Đa-vít, dân Y-sơ-ra-ên (giao ước Luật pháp) và dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời (giao ước mới).—Sa 9:11; 15:18; 21:27; Xu 24:7; 2Sử 21:7.
Giáo phái.
Một nhóm người tuân theo một giáo lý hoặc một lãnh tụ và theo tín ngưỡng riêng. Từ này được dùng để nói đến hai phái chính trong Do Thái giáo là Pha-ri-si và Sa-đu-sê. Những người không phải là môn đồ Đấng Ki-tô cũng gọi đạo Đấng Ki-tô là một “giáo phái” hay “giáo phái của người Na-xa-rét”, có thể họ xem đây là một đạo tách ra khỏi Do Thái giáo. Các giáo phái dần dần phát triển trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô; “giáo phái Ni-cô-la” được đề cập cụ thể trong sách Khải huyền.—Cv 5:17; 15:5; 24:5; 28:22; Kh 2:6; 2Ph 2:1.
Giấy da.
Da của cừu, dê hoặc bò con được dùng làm vật liệu để ghi chép. Nó bền hơn giấy cói và được dùng cho các cuộn Kinh Thánh. Những cuộn sách bằng giấy da mà Phao-lô nhờ Ti-mô-thê mang đến có thể là những phần trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Một số Cuộn Biển Chết được viết trên giấy da.—2Ti 4:13.
Giê-đu-thun.
Một từ không rõ ý nghĩa, xuất hiện ở lời ghi chú đầu bài của Thi thiên 39, 62 và 77. Dường như những lời ghi chú này chỉ dẫn cho việc biểu diễn các bài Thi thiên, có lẽ cho biết thể loại hoặc nhạc cụ. Có một nhạc sĩ người Lê-vi tên là Giê-đu-thun, vì vậy thể loại biểu diễn hoặc nhạc cụ này có thể liên quan đến ông hoặc các con trai của ông.
Giê-hô-va.
Cách phiên âm thông thường trong tiếng Việt của danh riêng Đức Chúa Trời được viết bằng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ, xuất hiện hơn 7.000 lần trong bản dịch này.—Xem Phụ lục A4 và A5.
Giu-đa.
Con trai thứ tư của Gia-cốp, do vợ ông là Lê-a sinh ra. Trong lúc hấp hối, Gia-cốp tiên tri rằng một nhà cai trị vĩ đại và lâu bền sẽ ra từ dòng tộc của Giu-đa. Khi xuống thế làm người, Chúa Giê-su thuộc dòng dõi Giu-đa. Tên gọi này cũng nói đến chi phái và vương quốc mà sau này được đặt theo tên của Giu-đa. Được miêu tả là vương quốc phía nam, Giu-đa hình thành từ hai chi phái của Y-sơ-ra-ên là Giu-đa và Bên-gia-min, gồm cả các thầy tế lễ và người Lê-vi. Lãnh thổ của vương quốc Giu-đa là phần phía nam của đất nước, gồm cả Giê-ru-sa-lem và đền thờ.—Sa 29:35; 49:10; 1V 4:20; Hê 7:14.
Gò.
H
Ha-đe.
Một từ Hy Lạp tương đương với từ Hê-bơ-rơ là “Sê-ôn”, tức là mồ mả chung của nhân loại, khác với mộ của cá nhân.—Xem MỒ MẢ.
Ha-ma-ghê-đôn.
Dịch từ một từ Hê-bơ-rơ là Har Meghid·dohnʹ, nghĩa là “núi Mê-ghi-đô”. Từ này liên hệ đến “cuộc chiến trong ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn Năng”, khi “các vua trên khắp đất” quy tụ lại để chiến đấu chống lại Đức Giê-hô-va (Kh 16:14, 16; 19:11-21).—Xem HOẠN NẠN LỚN.
Hành Lang Sa-lô-môn.
Lối đi có mái che, thuộc đền thờ vào thời Chúa Giê-su, nằm ở phía đông sân ngoài. Nhiều người đã tin rằng đây là dấu vết còn sót lại của đền thờ Sa-lô-môn. Chúa Giê-su từng đi trong nơi này vào “mùa đông” và tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu đã nhóm lại để thờ phượng tại đây (Gi 10:22, 23; Cv 5:12).—Xem Phụ lục B11.
Hành vi trâng tráo.
Dịch từ một từ Hy Lạp là a·selʹgei·a, ám chỉ những hành động vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời một cách nghiêm trọng, đồng thời phản ánh thái độ trâng tráo, khinh lờn; một tinh thần biểu hiện sự bất kính, thậm chí khinh thường uy quyền, luật pháp và các tiêu chuẩn. Từ này không ám chỉ loại hạnh kiểm sai trái không nghiêm trọng.—Ga 5:19; 2Ph 2:7.
Héc-mê.
Một thần Hy Lạp, con trai của thần Dớt. Tại Lít-trơ, người ta sai lầm gọi Phao-lô là Héc-mê vì cho rằng thần ấy đóng vai trò sứ giả của các vị thần và là thần của kỹ năng ăn nói.—Cv 14:12.
Hê-bơ-rơ.
Cách gọi “người Hê-bơ-rơ” được dùng lần đầu tiên cho Áp-ram (Áp-ra-ham), nhằm phân biệt ông với người A-mô-rít xung quanh. Về sau từ này được dùng để nói đến con cháu Áp-ra-ham qua cháu nội của ông là Gia-cốp, và tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ của họ. Đến thời Chúa Giê-su, tiếng Hê-bơ-rơ bao gồm nhiều câu nói bằng tiếng A-ram và là ngôn ngữ mà Đấng Ki-tô và môn đồ ngài sử dụng.—Sa 14:13; Xu 5:3; Cv 26:14.
Hê-rốt.
Họ của một vương triều đã cai trị người Do Thái, do La Mã bổ nhiệm. Hê-rốt Đại đế nổi tiếng vì xây lại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem và ra lệnh tàn sát các trẻ nhỏ nhằm tiêu diệt Chúa Giê-su (Mat 2:16; Lu 1:5). Hê-rốt A-khê-lao và Hê-rốt An-ti-ba, là hai con trai của Hê-rốt Đại đế, được bổ nhiệm cai trị những vùng thuộc lãnh thổ của cha họ (Mat 2:22). An-ti-ba là vua chư hầu, thường được gọi là “vua”, cai trị trong ba năm rưỡi Đấng Ki-tô thi hành thánh chức và kéo dài tới thời kỳ được nhắc đến nơi Công vụ chương 12 (Mác 6:14-17; Lu 3:1, 19, 20; 13:31, 32; 23:6-15; Cv 4:27; 13:1). Sau đó, Hê-rốt A-ríp-ba I, cháu nội của Hê-rốt Đại đế, bị thiên sứ của Đức Chúa Trời hành quyết sau khi cai trị một thời gian ngắn (Cv 12:1-6, 18-23). Con trai ông, là Hê-rốt A-ríp-ba II, lên ngôi và cai trị cho đến thời người Do Thái nổi dậy chống lại La Mã.—Cv 23:35; 25:13, 22-27; 26:1, 2, 19-32.
Hi-gai-ôn.
Thuật ngữ dùng để chỉ đạo âm nhạc. Như được dùng nơi Thi thiên 9:16, từ này có thể báo hiệu một khúc đàn hạc trung gian ở âm trầm và trang nghiêm hoặc một khoảng dừng trang nghiêm để suy ngẫm.
Hiện diện.
Trong một số văn cảnh thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ này miêu tả sự hiện diện của Chúa Giê-su Ki-tô kể từ khi ngài lên ngôi Vua Mê-si một cách vô hình, trong những ngày sau cùng của thế gian này. Sự hiện diện của Đấng Ki-tô không đơn thuần là đến rồi đi nhanh chóng, nhưng kéo dài một khoảng thời gian đã được ấn định và đánh dấu.—Mat 24:3.
Hin.
Đơn vị và cũng là vật dụng để đo lường chất lỏng, tương đương 3,67 lít (Xu 29:40).—Xem Phụ lục B14.
Hoạn nạn lớn.
Từ Hy Lạp được dịch là “hoạn nạn” gợi lên ý bị khốn khổ hay khổ sở do áp lực của hoàn cảnh. Chúa Giê-su nói về một “hoạn nạn lớn” chưa từng thấy sẽ giáng trên Giê-ru-sa-lem, và ngài đặc biệt nói đến một “hoạn nạn lớn” sau này sẽ giáng trên nhân loại liên quan tới ‘sự đến vinh hiển’ của ngài trong tương lai (Mat 24:21, 29-31). Phao-lô miêu tả hoạn nạn này là một hành động công chính của Đức Chúa Trời chống lại “những kẻ không nhận biết Đức Chúa Trời và những kẻ không vâng theo tin mừng” về Chúa Giê-su Ki-tô. Khải huyền chương 19 cho thấy Chúa Giê-su là đấng dẫn đầu đạo quân trên trời chống lại “con thú dữ, các vua trên đất cùng đạo quân của chúng” (2Tê 1:6-8; Kh 19:11-21). Kinh Thánh cho biết “một đám đông lớn” sẽ sống sót qua hoạn nạn ấy (Kh 7:9, 14).—Xem HA-MA-GHÊ-ĐÔN.
Hoạn quan.
Theo nghĩa đen là người nam bị hoạn. Những người như thế thường được bổ nhiệm phục vụ trong triều đình để làm tôi tớ hoặc người chăm sóc hoàng hậu và các cung phi. Từ này cũng nói đến người đàn ông không phải là hoạn quan theo nghĩa đen nhưng là một vị quan được giao trách nhiệm trong triều đình. Từ này được dùng theo nghĩa bóng là ‘người hoạn vì Nước Trời’, tức người tự chủ để có thể tập trung nhiều hơn vào việc phụng sự Đức Chúa Trời.—Mat 19:12, chú thích; Êxt 2:15; Cv 8:27, chú thích.
Hòm Giao Ước.
Cái rương được làm bằng gỗ cây keo và dát vàng. Hòm được đặt tại Gian Chí Thánh của lều thánh và sau này đặt tại Gian Chí Thánh của đền thờ do Sa-lô-môn xây. Nắp hòm bằng vàng ròng và có hai chê-rúp đối diện nhau. Trong hòm chủ yếu đựng hai bảng đá ghi Mười Điều Răn (Phu 31:26; 1V 6:19; Hê 9:4).—Xem Phụ lục B5 và B8.
Hô-me.
Đơn vị đo lường vật khô, tương đương với cô-rơ. Dựa trên dung tích ước tính của ba-tơ thì một hô-me bằng 220 lít (Lê 27:16).—Xem Phụ lục B14.
Hô-rếp; Núi Hô-rếp.
Vùng núi xung quanh núi Si-nai. Tên khác của núi Si-nai (Xu 3:1; Phu 5:2).—Xem Phụ lục B3.
Hồ lửa.
Một nơi tượng trưng “có lửa và diêm sinh cháy bừng bừng”, cũng được miêu tả là “sự chết thứ hai”. Những kẻ phạm tội không ăn năn, Ác Quỷ và ngay cả sự chết và mồ mả (hay Ha-đe) đều bị quăng vào đó. Việc một tạo vật thần linh, sự chết và Ha-đe—là những thứ không thể bị lửa ảnh hưởng—nằm trong số đó cho thấy hồ này là hình ảnh tượng trưng của sự hủy diệt vĩnh viễn, chứ không phải của sự hành hạ đời đời.—Kh 19:20; 20:14, 15; 21:8.
Hội chúng; Hội thánh.
Một nhóm người tụ họp lại vì một mục đích hay hoạt động cụ thể. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, từ “hội chúng” thường nói đến dân Y-sơ-ra-ên. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ “hội thánh” nói đến mỗi hội thánh của tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhưng thường nói đến hội thánh đạo Đấng Ki-tô nói chung.—1V 8:22; Cv 9:31; Rô 16:5.
Hương.
Hợp chất gồm nhựa thơm và nhũ hương được đốt từ từ, tỏa ra hương thơm. Một loại hương đặc biệt gồm bốn thành phần được pha trộn để dùng trong lều thánh và đền thờ. Hương này được đốt vào buổi sáng và tối trên bàn thờ dâng hương trong Gian Thánh; và vào Ngày Chuộc Tội, hương được đốt trong Gian Chí Thánh. Hương cũng tượng trưng cho những lời cầu nguyện được chấp nhận của tôi tớ trung tín của Đức Chúa Trời. Việc dùng hương không phải là đòi hỏi dành cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô.—Xu 30:34, 35; Lê 16:13; Kh 5:8.
Hương muồng.
Hy Lạp.
I
I-ly-ri.
Một tỉnh La Mã ở phía tây bắc của Hy Lạp. Khi thi hành thánh chức, Phao-lô đã đến tận nơi này, nhưng không rõ là ông rao giảng ở I-ly-ri hay chỉ đến tận đó (Rô 15:19).—Xem Phụ lục B13.
K
Kẻ Ác.
Kẻ chống lại Đấng Ki-tô.
Từ Hy Lạp có hai nghĩa. Từ Hy Lạp này ám chỉ kẻ chống lại Đấng Ki-tô và cũng nói đến Ki-tô giả, là kẻ đặt mình vào vị thế của Đấng Ki-tô. Tất cả những ai, tổ chức hay nhóm người tự xưng là đại diện cho Đấng Ki-tô hoặc mạo nhận là Đấng Mê-si hoặc chống lại Đấng Ki-tô và các môn đồ ngài đều bị gọi một cách thích đáng là kẻ chống lại Đấng Ki-tô.—1Gi 2:22.
Kèn.
Một loại nhạc khí hơi làm bằng kim loại, dùng cho việc báo hiệu và âm nhạc. Theo Dân số 10:2, Đức Giê-hô-va ban sự hướng dẫn để làm hai cái kèn bằng bạc, dùng để thổi những tiếng báo hiệu triệu tập dân chúng, nhổ trại và tuyên bố chiến tranh. Có thể đây là những cái kèn thẳng, không phải là “tù và” được làm từ sừng thú vật. Có những cái kèn không rõ kết cấu cũng nằm trong số các nhạc cụ của đền thờ. Theo nghĩa tượng trưng, tiếng kèn thường đi cùng với việc công bố phán quyết của Đức Giê-hô-va hoặc những biến cố quan trọng khác đến từ ngài.—2Sử 29:26; Êxr 3:10; 1Cô 15:52; Kh 8:7–11:15.
Kê-móc.
Thần chính của dân Mô-áp.—1V 11:33.
Kết hôn theo bổn phận của anh em chồng.
Khải tượng.
Khăn vấn.
Một khăn được quấn quanh đầu. Thầy tế lễ thượng phẩm đội khăn vấn bằng vải lanh mịn, phía trước có tấm bằng vàng được buộc vào bằng sợi dây thừng nhỏ màu xanh dương. Nhà vua thì đội khăn vấn dưới vương miện. Gióp dùng từ này theo nghĩa bóng khi ví công lý của ông như khăn vấn.—Xu 28:36, 37; Gp 29:14; Êxê 21:26.
Kiêng ăn.
Không ăn bất cứ thứ gì trong một thời gian giới hạn. Dân Y-sơ-ra-ên kiêng ăn vào Ngày Chuộc Tội, trong lúc khốn khổ và khi cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Người Do Thái lập bốn kỳ kiêng ăn hằng năm để ghi nhớ những thảm họa trong lịch sử của họ. Kiêng ăn không phải là đòi hỏi dành cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô.—Êxr 8:21; Ês 58:6; Lu 18:12.
Kinh Thánh.
Kít-lêu.
Tên của tháng thứ chín theo lịch thánh và tháng thứ ba theo lịch thường của Do Thái, sau khi người Do Thái trở về từ Ba-by-lôn. Nó kéo dài từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 (Nê 1:1; Xa 7:1).—Xem Phụ lục B15.
Kỳ cuối cùng của thế gian này.
Thời kỳ dẫn đến sự kết thúc của thế gian dưới sự cai trị của Sa-tan. Nó diễn ra đồng thời với sự hiện diện của Đấng Ki-tô. Dưới sự chỉ đạo của Chúa Giê-su, các thiên sứ sẽ “tách kẻ ác ra khỏi những người công chính” và hủy diệt họ (Mat 13:40-42, 49). Các môn đồ của Chúa Giê-su muốn biết khi nào “kỳ cuối cùng” sẽ đến (Mat 24:3). Trước khi trở về trời, ngài hứa với các môn đồ rằng ngài sẽ ở cùng họ cho đến khi thời kỳ đó kết thúc.—Mat 28:20.
Ký lục.
Người sao chép phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.—Êxr 7:6, chú thích.
L
Lép-ton.
Trong thời của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, lép-ton là đồng tiền nhỏ nhất của người Do Thái, bằng đồng hoặc đồng thiếc (Mác 12:42; Lu 21:2; các chú thích).—Xem Phụ lục B14.
Lê-vi.
Con trai thứ ba của Gia-cốp, do vợ ông là Lê-a sinh ra; cũng là chi phái được đặt theo tên ông. Ba con trai của ông là nền tảng của ba ban chính của người Lê-vi. Đôi khi từ “Lê-vi” áp dụng cho toàn bộ chi phái, nhưng thường không bao gồm gia đình thầy tế lễ của A-rôn. Chi phái Lê-vi không được chia đất trong Đất Hứa nhưng nhận 48 thành trong phần đất được chia cho các chi phái khác.—Phu 10:8; 1Sử 6:1; Hê 7:11.
Lê-vi-a-than.
Một con vật thường có liên quan tới nước, rất có thể là một loài vật sống dưới nước. Nơi Gióp 3:8 và 41:1, nó có thể là cá sấu hoặc một con vật nào đó sống dưới nước, rất to lớn và mạnh mẽ. Nơi Thi thiên 104:26, nó có lẽ là một loại cá voi. Ở những nơi khác thì từ này được dùng theo nghĩa bóng và không thể liên kết với bất cứ con vật cụ thể nào.—Th 74:14; Ês 27:1.
Lễ Bánh Không Men.
Lễ Dâng Hiến.
Lễ hằng năm để tưởng nhớ việc tẩy sạch đền thờ sau khi đền thờ bị Antiochus Epiphanes làm cho ô uế. Lễ này bắt đầu được cử hành vào ngày 25 tháng Kít-lêu và kéo dài tám ngày.—Gi 10:22.
Lễ Gặt Hái; Lễ Các Tuần.—
Xem LỄ NGŨ TUẦN.
Lễ Lều Tạm.
Cũng được gọi là Lễ Chòi Tạm hay Lễ Thu Hoạch. Lễ này được cử hành vào ngày 15-21 của tháng Ê-tha-ninh để ăn mừng mùa gặt vào cuối năm trồng trọt của dân Y-sơ-ra-ên và là thời kỳ vui mừng và tạ ơn Đức Giê-hô-va vì đã ban phước cho mùa màng của họ. Vào những ngày lễ, dân chúng ở trong chòi tạm, điều này nhắc nhở họ về cuộc hành trình ra khỏi Ai Cập. Đây là một trong ba kỳ lễ đòi hỏi người nam phải đến Giê-ru-sa-lem để cử hành.—Lê 23:34; Êxr 3:4.
Lễ Ngũ Tuần.
Lễ thứ hai trong ba kỳ lễ chính đòi hỏi tất cả người nam Do Thái phải cử hành ở Giê-ru-sa-lem. Từ này trong tiếng Hy Lạp (pen·te·ko·steʹ) có nghĩa là “thứ năm mươi”, được dùng trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp để nói đến kỳ lễ mà trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Lễ Gặt Hái hay Lễ Các Tuần. Lễ này được tổ chức vào ngày thứ năm mươi tính từ ngày 16 tháng Ni-san.—Xu 23:16; 34:22; Cv 2:1.
Lễ vật chuộc lỗi lầm.
Lễ vật chuộc tội.
Lễ vật đưa qua đưa lại.
Lễ vật được dâng khi thầy tế lễ để tay bên dưới tay của người thờ phượng trong lúc người ấy đang cầm vật tế lễ và đưa qua đưa lại; hoặc chính thầy tế lễ cầm lễ vật và đưa qua đưa lại. Hành động này tượng trưng cho việc trình lễ vật lên cho Đức Giê-hô-va.—Lê 7:30.
Lễ vật hứa nguyện.
Lễ vật tạ ơn.
Lễ vật hòa thuận được dâng để ngợi khen Đức Chúa Trời vì những gì ngài cung cấp và vì tình yêu thương thành tín của ngài. Người ta ăn thịt của con sinh tế và bánh có men lẫn bánh không men. Thịt phải được ăn trong cùng một ngày.—2Sử 29:31.
Lễ vật thiêu.
Lễ Vượt Qua.
Lều hội họp.
Lều thánh.
Lều mà dân Y-sơ-ra-ên dùng làm nơi thờ phượng sau cuộc hành trình ra khỏi Ai Cập, có thể vận chuyển được. Nó chứa hòm của giao ước Đức Giê-hô-va, là vật tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời, nó cũng là nơi thờ phượng và dâng vật tế lễ. Đôi khi nó cũng được gọi là “lều hội họp”. Nó là một cấu trúc ghép từ các khung ván, được bao bọc bởi những tấm vải lanh có thêu hình chê-rúp. Lều thánh được chia làm hai gian, gian thứ nhất gọi là Gian Thánh và gian thứ nhì gọi là Gian Chí Thánh (Gs 18:1; Xu 25:9).—Xem Phụ lục B5.
Lò lửa.
Lọ bằng thạch cao tuyết hoa.
Lọ dầu thơm nhỏ, lúc đầu làm từ một loại đá được tìm thấy gần A-la-bát-tron, Ai Cập. Lọ này thường có cổ hẹp, đóng lại được để giữ cho dầu thơm quý giá không bị chảy ra.—Mác 14:3, chú thích.
Lòng sùng kính.
Lô-gơ.
Đơn vị đo lường chất lỏng nhỏ nhất được nhắc đến trong Kinh Thánh. Kinh Talmud của người Do Thái cho biết nó là 1/12 hin, nhờ đó tính được thể tích một lô-gơ là 0,31 lít (Lê 14:10).—Xem Phụ lục B14.
Lời ghi chú đầu bài.
Lời hứa nguyện.
Lời thề.
Lời cam đoan để xác nhận điều gì đó là sự thật hoặc lời hứa long trọng cho thấy một người sẽ làm hay không làm điều gì đó. Lời thề thường được nói với người cao hơn, đặc biệt là với Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va củng cố giao ước với Áp-ra-ham bằng một lời thề.—Sa 14:22; Hê 6:16, 17.
Lời tiên tri.
Một thông điệp được soi dẫn, dù là mạc khải ý muốn Đức Chúa Trời hay công bố ý muốn ấy. Lời tiên tri có thể là sự dạy dỗ về đạo đức, lời cho biết mệnh lệnh hay phán quyết của Đức Chúa Trời, hoặc lời tuyên bố về điều sắp xảy ra.—Êxê 37:9, 10; Đa 9:24; Mat 13:14; 2Ph 1:20, 21.
Lúa mì nâu.
Một loại lúa mì (Triticum spelta) thuộc hạng thứ phẩm, khó tách hạt khỏi trấu.—Xu 9:32.
Luật pháp.
Luật pháp Môi-se.
Lưu đày.
Tình trạng bị đuổi ra khỏi nơi ở hay quê hương của mình, thường là do sắc lệnh của người chinh phục. Từ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “sự ra đi”. Người Y-sơ-ra-ên trải qua hai cuộc lưu đày chính. Vương quốc phía bắc gồm mười chi phái bị người A-si-ri đưa đi lưu đày, và sau đó vương quốc phía nam gồm hai chi phái bị người Ba-by-lôn đưa đi lưu đày. Những người sót lại sau hai cuộc lưu đày được trở về xứ mình dưới thời Si-ru, người cai trị Ba Tư.—2V 17:6; 24:16; Êxr 6:21.
M
Ma-ha-lát.
Hẳn là một thuật ngữ âm nhạc, xuất hiện trong lời ghi chú đầu bài của Thi thiên 53 và 88. Có thể từ này liên quan đến một động từ gốc trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “yếu dần; ngã bệnh”, vì thế gợi lên âm điệu buồn bã và ảm đạm, phù hợp với nội dung u buồn của hai bài hát này.
Ma-kin.
Một từ Hê-bơ-rơ không rõ ý nghĩa, xuất hiện trong lời ghi chú đầu bài của 13 bài Thi thiên. Có thể nó có nghĩa là “thơ để ngẫm nghĩ”. Một số người cho rằng một từ giống với dạng của từ này, được dịch là ‘phụng sự với lòng khôn ngoan’, có lẽ mang nghĩa liên quan đến nó.—2Sử 30:22; Th 32:0.
Ma-na.
Lương thực chính của người Y-sơ-ra-ên trong thời gian 40 năm ở hoang mạc, do Đức Giê-hô-va cung cấp. Qua phép lạ, nó xuất hiện trên mặt đất, dưới lớp sương mỗi buổi sáng, trừ ngày Sa-bát. Khi mới thấy ma-na, người Y-sơ-ra-ên hỏi nhau: “Cái gì vậy?”, tiếng Hê-bơ-rơ là “man huʼ?” (Xu 16:13-15, 35). Trong những văn cảnh khác, ma-na được gọi là “thóc lúa từ trời” (Th 78:24), “bánh từ trời” (Th 105:40) và “lương thực của bậc hùng mạnh” (Th 78:25). Chúa Giê-su cũng nói đến ma-na theo nghĩa bóng.—Gi 6:49, 50.
Ma-xê-đô-ni-a.
Vùng phía bắc của Hy Lạp, trở nên nổi trội khi ở dưới sự cai trị của A-léc-xan-đơ Đại đế và tiếp tục độc lập cho đến khi bị La Mã chinh phục. Ma-xê-đô-ni-a là một tỉnh của La Mã khi sứ đồ Phao-lô đến châu Âu lần đầu tiên. Phao-lô đã đến vùng này ba lần (Cv 16:9).—Xem Phụ lục B13.
Ma thuật.
Niềm tin cho rằng người chết vẫn còn linh hồn sau khi thể xác chết đi, và linh hồn có thể và thật sự liên lạc với người sống, đặc biệt là qua một người (người trung gian) dễ bị chúng ảnh hưởng. Từ Hy Lạp phar·ma·kiʹa được dịch là “thực hành ma thuật” có nghĩa đen là “dùng ma túy”. Từ này được liên kết với ma thuật vì vào thời xưa, người ta dùng ma túy khi cầu xin quyền phép của các quỷ để thực hành phù phép.—Ga 5:20; Kh 21:8.
Manh-cam.
Men.
Một chất thêm vào bột nhào hoặc vào chất lỏng để làm lên men; đặc biệt nói đến phần bột nhào đã lên men được giữ lại từ mẻ bột trước. Men thường được dùng trong Kinh Thánh để tượng trưng cho tội lỗi và sự bại hoại, cũng được dùng để chỉ về sự phát triển lan rộng và âm thầm.—Xu 12:20; Mat 13:33; Ga 5:9.
Mê-đi.
Một dân ra từ con trai của Gia-phết là Ma-đai; họ cư ngụ tại vùng cao nguyên có nhiều núi đá của I-ran, nơi sau này trở thành nước Mê-đi. Người Mê-đi liên minh với Ba-by-lôn đánh bại A-si-ri. Lúc đó, Ba Tư là một tỉnh dưới quyền Mê-đi, nhưng Si-ru nổi dậy và Mê-đi sáp nhập với Ba Tư thành Mê-đi Ba Tư, là đế quốc đánh bại đế quốc Tân Ba-by-lôn vào năm 539 TCN. Người Mê-đi có mặt tại Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN (Đa 5:28, 31; Cv 2:9).—Xem Phụ lục B9.
Mê-rô-đác.
Thần chính của thành Ba-by-lôn. Sau khi vua và nhà lập luật của Ba-by-lôn là Hammurabi chọn Ba-by-lôn làm thủ đô của xứ Ba-by-lôn, Mê-rô-đác (hay Mác-đúc) dần trở nên quan trọng, rồi cuối cùng thay thế vị trí của một số thần trước đó và trở thành thần chính trong số tất cả các thần của xứ Ba-by-lôn. Vào những giai đoạn sau đó, tên Mê-rô-đác (hay Mác-đúc) được thay thế bằng tước vị “Ben-u” (“Chủ”), và Mê-rô-đác thường được gọi là Ben.—Giê 50:2.
Mê-si.
Mi-na.
Còn gọi là ma-nê trong sách Ê-xê-chi-ên. Một đơn vị dùng cho trọng lượng lẫn giá trị tiền tệ. Theo bằng chứng khảo cổ, một mi-na bằng 50 siếc-lơ, và một siếc-lơ nặng 11,4g. Điều này cho thấy mi-na trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ nặng 570g. Cũng có thể có mi-na hoàng gia, như trong trường hợp của cu-bít. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, một mi-na bằng 100 đơ-rác-ma, nặng 340g. Sáu mươi mi-na bằng một ta-lâng (Êxr 2:69; Lu 19:13).—Xem Phụ lục B14.
Mịch-tâm.
Minh-côm.
Mót.
Lượm bất cứ phần hoa lợi nào mà những thợ gặt vô tình hay cố ý để lại. Luật pháp Môi-se quy định rằng dân chúng không được gặt hết rìa ruộng hay hái hết ô-liu và nho. Người nghèo, người khổ sở, ngoại kiều, trẻ mồ côi và góa phụ được Đức Chúa Trời cho quyền mót những gì còn lại sau vụ mùa.—Ru 2:7.
Mô-léc.
Một thần của dân Am-môn; rất có thể cũng là Manh-cam, Minh-côm và Mô-lóc. Đây có thể là một tước vị thay vì tên của một thần cụ thể. Theo Luật pháp Môi-se, những người dâng con cho thần Mô-léc phải lãnh án tử hình.—Lê 20:2; Giê 32:35; Cv 7:43.
Mô-lóc.—
Xem MÔ-LÉC.
Mồ mả.
Mồ tưởng niệm.
Nơi chôn cất thi hài người chết. Từ này được dùng để dịch từ Hy Lạp mne·meiʹon, bắt nguồn từ động từ “làm cho nhớ lại”, gợi lên ý tưởng là người đã qua đời được nhớ đến.—Gi 5:28, 29.
Một dược.
Nhựa thơm lấy từ một số loài cây nhỏ có gai thuộc chi Commiphora. Một dược là một trong những thành phần của dầu thánh để bổ nhiệm. Nó được dùng để ướp hương những đồ vật như quần áo hay giường, được pha vào dầu để xoa bóp và dưỡng thể. Một dược cũng được dùng để ướp xác trước khi chôn.—Xu 30:23; Ch 7:17; Gi 19:39.
Một phần mười (thuế một phần mười).
Một phần mười, hay 10%, được dâng làm vật cống nạp, nhất là cho mục đích tôn giáo. Nó còn được gọi là “thuế một phần mười” (Mal 3:10; Phu 26:12; Mat 23:23). Dưới Luật pháp Môi-se, một phần mười sản vật của đất và một phần mười sự gia tăng của bầy đàn được đưa cho người Lê-vi hằng năm để hỗ trợ họ. Người Lê-vi đưa một phần mười của một phần mười nhận được cho giới tế lễ dòng A-rôn để hỗ trợ họ. Cũng có một số loại thuế một phần mười khác. Nộp thuế một phần mười không phải là đòi hỏi dành cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô.
Mút-la-bên.
Một từ trong lời ghi chú đầu bài của Thi thiên 9. Theo truyền thống, từ này có nghĩa là “về cái chết của người con trai”. Một số người cho rằng đây là tên hoặc có lẽ là những từ mở đầu của một giai điệu quen thuộc được dùng khi hát bài Thi thiên này.
N
Nam mại dâm; Gái điếm; Kỹ nữ.
Một người quan hệ tình dục ngoài vòng hôn nhân, đặc biệt là vì tiền. (Từ Hy Lạp porʹne được dịch là “gái điếm” và “kỹ nữ” đến từ một từ gốc có nghĩa là “bán”). Luật pháp Môi-se lên án thực hành này, và tiền mà những người này kiếm được thì không được chấp nhận để đóng góp vào nơi thánh của Đức Giê-hô-va. Điều này trái ngược với các thực hành ngoại giáo là dùng những người mại dâm của đền thờ để tạo nguồn thu nhập (Phu 23:17, 18; 1V 14:24). Kinh Thánh cũng dùng từ “kỹ nữ” và “gái điếm” theo nghĩa bóng để nói đến những dân, những nước hoặc những tổ chức tham gia một hình thức nào đó của việc thờ thần tượng trong khi cho rằng mình thờ phượng Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, thực thể tôn giáo gọi là “Ba-by-lôn Lớn” được miêu tả trong Khải huyền là một kỹ nữ vì ả qua lại với những nhà cai trị thế giới để có được thế lực và quyền lợi vật chất.—Kh 17:1-5; 18:3; 1Sử 5:25.
Năm Tự Do.
Mỗi năm thứ năm mươi, tính từ khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. Đất sẽ được nghỉ trong Năm Tự Do và nô lệ người Hê-bơ-rơ được trả tự do. Đất thừa kế đã bán sẽ được trả lại. Theo nghĩa nào đó, Năm Tự Do là kỳ lễ kéo dài cả năm, một năm giải phóng, giúp đất nước trở lại tình trạng như lúc mới được Đức Chúa Trời thành lập.—Lê 25:10.
Nắp cầu hòa.
Nắp của Hòm Giao Ước. Thầy tế lễ thượng phẩm sẽ rảy huyết của lễ vật chuộc tội trước nắp hòm vào Ngày Chuộc Tội. Từ Hê-bơ-rơ đến từ một động từ gốc có nghĩa là “che phủ (tội lỗi)” hoặc có lẽ là “xóa đi (tội lỗi)”. Hòm này được làm bằng vàng ròng, có hai chê-rúp, mỗi chê-rúp ở một đầu của nắp. Đôi khi nắp cầu hòa được gọi đơn giản là “nắp hòm” (Xu 25:17-22; 1Sử 28:11, chú thích; Hê 9:5).—Xem Phụ lục B5.
Nấm mốc.
Bất cứ loại bệnh ký sinh trùng thực vật nào do nấm gây ra. Người ta cho rằng nấm mốc được nói đến trong Kinh Thánh là bệnh rỉ sét trên cây (Puccinia graminis).—1V 8:37.
Nephesh; Psykhe.
Khi xem xét cách Kinh Thánh dùng từ Hê-bơ-rơ neʹphesh và từ Hy Lạp psy·kheʹ, có thể thấy rõ hai từ này có nghĩa cơ bản là (1) người, (2) thú vật hoặc (3) sự sống của người hay thú vật (Sa 1:20; 2:7; Dân 31:28; 1Ph 3:20; các chú thích). Trong bản dịch này, hai từ trên được dịch tùy theo nghĩa của chúng trong mỗi văn cảnh, thành những từ như “mạng sống”, “sinh vật”, “người”, “tâm hồn” hoặc đơn giản là một đại từ nhân xưng (chẳng hạn như “tôi”). Trong một số câu Kinh Thánh, neʹphesh và psy·kheʹ được dịch là “hết mình”, có nghĩa là làm một việc gì đó hết lòng hay với tất cả những gì mình có trong đời (Phu 6:5; Mat 22:37). Trong một số văn cảnh, hai từ này có thể nói đến sự ham muốn hoặc thèm ăn của một sinh vật. Chúng cũng có thể nói đến người chết hoặc xác chết.—Dân 6:6; Ch 23:2, chú thích; Ês 56:11; Hag 2:13.
Nê-hi-lốt.
Một từ không rõ ý nghĩa, xuất hiện ở lời ghi chú đầu bài của Thi thiên 5. Một số người cho rằng từ này nói đến một nhạc khí hơi, liên kết nó với một từ gốc trong tiếng Hê-bơ-rơ liên quan đến cha·lilʹ (sáo). Tuy nhiên, từ này có thể nói đến một giai điệu.
Ngải đắng.
Các loại cây thân gỗ có vị cực kỳ đắng và mùi hương mạnh. Trong Kinh Thánh, ngải đắng được dùng theo nghĩa bóng để miêu tả hậu quả cay đắng của sự gian dâm, cảnh nô lệ, sự bất công và bội đạo. Nơi Khải huyền 8:11, “ngải đắng” nói đến một chất đắng và độc.—Phu 29:18; Ch 5:4; Giê 9:15; Am 5:7.
Ngày Chuẩn Bị.
Tên của ngày trước ngày Sa-bát. Vào ngày ấy, người Do Thái chuẩn bị những thứ cần thiết. Khi Ngày Chuẩn Bị kết thúc, tức là lúc mặt trời lặn vào ngày mà hiện nay gọi là thứ sáu, thì ngày Sa-bát bắt đầu. Ngày của người Do Thái bắt đầu từ chiều tối hôm nay đến chiều tối hôm sau.—Mác 15:42; Lu 23:54.
Ngày Chuộc Tội.
Ngày thánh quan trọng nhất đối với người Y-sơ-ra-ên (từ Hê-bơ-rơ là yohm hak·kip·pu·rimʹ, nghĩa là “ngày của sự che phủ”), được cử hành vào ngày 10 tháng Ê-tha-ninh. Đây là ngày duy nhất trong năm mà thầy tế lễ thượng phẩm vào Gian Chí Thánh của lều thánh. Tại đó, ông dâng máu của các con sinh tế vì tội lỗi của mình, của những người Lê-vi khác và của dân chúng. Đây là thời điểm của cuộc hội họp thánh và sự kiêng ăn, cũng là ngày Sa-bát, là lúc tránh làm công việc thường ngày.—Lê 23:27, 28.
Ngày Phán Xét.
Một ngày hay thời kỳ cụ thể mà một số nhóm người, một số nước hoặc nhân loại nói chung phải khai trình trước Đức Chúa Trời. Có thể đó là lúc những người đã bị xét là đáng chết sẽ bị hành quyết, hoặc sự phán xét có thể mang lại cơ hội cho một số người được giải cứu và nhận sự sống vĩnh cửu. Chúa Giê-su Ki-tô và các sứ đồ nói đến một “Ngày Phán Xét” tương lai không chỉ liên quan đến những người sống mà cả những người chết trong quá khứ.—Mat 12:36.
Ngày trăng mới.
Ngày đầu tiên của mỗi tháng theo lịch Do Thái. Đó là ngày tập hợp lại, ăn uống và dâng những vật tế lễ đặc biệt. Sau này, ngày đó trở thành một ngày quốc lễ trọng đại, và dân chúng nghỉ làm việc.—Dân 10:10; 2Sử 8:13; Cô 2:16.
Ngoại tình.
Ngôi sao ban sáng.—
Xem SAO MAI.
Người cải đạo.
Trong Kinh Thánh, từ này nói đến một người cải sang đạo Do Thái, nếu là người nam thì điều này bao gồm việc chịu cắt bì.—Mat 23:15; Cv 13:43.
Người canh.
Một người canh gác để tránh những điều gây thiệt hại cho người và của, thường vào ban đêm. Người ấy có thể phát tín hiệu báo động khi thấy mối đe dọa. Người canh thường được bố trí trên các tường thành và các tháp để quan sát những kẻ đang tiến đến trước khi họ đến gần. Người canh trong quân đội thường được gọi là lính gác. Theo nghĩa bóng, các nhà tiên tri phụng sự với tư cách người canh của nước Y-sơ-ra-ên để cảnh báo về sự hủy diệt sắp đến.—2V 9:20; Êxê 3:17.
Người Do Thái.
Từ để chỉ một người thuộc chi phái Giu-đa sau khi vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái sụp đổ (2V 16:6). Sau cuộc lưu đày ở Ba-by-lôn, nó nói đến những người Y-sơ-ra-ên từ các chi phái khác nhau đã trở về Y-sơ-ra-ên (Êxr 4:12). Sau này, nó được dùng trên khắp thế giới để phân biệt người Y-sơ-ra-ên với người thuộc dân ngoại (Êxt 3:6). Sứ đồ Phao-lô cũng dùng từ này theo nghĩa bóng khi lý luận rằng người thuộc quốc gia nào không phải là điều quan trọng trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô.—Rô 2:28, 29; Ga 3:28.
Người Na-xa-rét.
Một tên mà người ta gọi Chúa Giê-su, vì ngài xuất thân từ thành Na-xa-rét. Rất có thể từ này liên quan đến một từ Hê-bơ-rơ mà nơi Ê-sai 11:1 dịch là “chồi”. Về sau, tên gọi này cũng được dùng cho các môn đồ của Chúa Giê-su.—Mat 2:23; Cv 24:5.
Người Na-xi-rê.
Bắt nguồn từ một từ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “người được chọn”, “người được dâng hiến”, “người được biệt riêng ra”. Có hai loại người Na-xi-rê: những người tự nguyện và những người được Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Một người nam hoặc nữ có thể lập một lời hứa nguyện đặc biệt với Đức Giê-hô-va để sống với tư cách là người Na-xi-rê trong một thời gian. Những người tự hứa nguyện thì có ba hạn chế chính sau: không được uống thức uống có cồn hay ăn bất cứ thứ gì của cây nho, không được cắt tóc và không được chạm vào xác chết. Những người được Đức Chúa Trời bổ nhiệm sẽ làm người Na-xi-rê trọn đời, và Đức Giê-hô-va có những đòi hỏi cụ thể cho họ.—Dân 6:2-7; Qu 13:5.
Người Nê-phi-lim.
Những người hung bạo, con lai của những thiên sứ mặc lấy hình người và con gái loài người trước trận Đại Hồng Thủy.—Sa 6:4.
Người Nê-thi-nim.
Những tôi tớ đền thờ, hay người phục vụ, không phải người Y-sơ-ra-ên. Từ Hê-bơ-rơ có nghĩa đen là “người được trao”, ngụ ý rằng họ được trao để phục vụ trong đền thờ. Rất có thể nhiều người Nê-thi-nim là con cháu của dân Ga-ba-ôn mà Giô-suê lập “làm người lấy củi, múc nước cho dân chúng và bàn thờ của Đức Giê-hô-va”.—Gs 9:23, 27; 1Sử 9:2; Êxr 8:17.
Người Sa-ma-ri.
Ban đầu từ này nói đến những người Y-sơ-ra-ên thuộc vương quốc phía bắc gồm mười chi phái, nhưng sau khi Sa-ma-ri bị A-si-ri chinh phục vào năm 740 TCN, từ này còn nói đến những người ngoại quốc mà người A-si-ri mang vào. Trong thời Chúa Giê-su, tên ấy không bao hàm nghĩa về chủng tộc hay chính trị nhưng thường được dùng để nói đến những người thuộc một giáo phái tại vùng phụ cận của Si-chem xưa và Sa-ma-ri. Người theo giáo phái này có những niềm tin rất khác so với người thuộc Do Thái giáo.—Gi 8:48.
Người theo đảng Hê-rốt.
Họ là đảng theo chủ nghĩa quốc gia ủng hộ mục tiêu chính trị của các Hê-rốt đang cai trị dưới quyền La Mã. Có lẽ một số người Sa-đu-sê thuộc đảng này. Người theo đảng Hê-rốt đã hợp tác với người Pha-ri-si để chống đối Chúa Giê-su.—Mác 3:6.
Người tiên kiến.
Một người được Đức Chúa Trời ban cho khả năng biết ý muốn của ngài, được mở mắt để thấy hoặc hiểu những điều mà người ta nói chung không biết. Từ Hê-bơ-rơ đến từ một từ gốc có nghĩa là “thấy”, theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng. Người tiên kiến được người khác tìm đến để nhận lời khuyên khôn ngoan về những vấn đề đang gặp phải.—1Sa 9:9.
Người tự do; Người được giải phóng.
Vào thời La Mã cai trị, “người tự do” là người có tự do từ khi sinh ra, được hưởng đầy đủ quyền lợi của công dân. Trái lại, “người được giải phóng” là người được giải phóng khỏi cảnh nô lệ. Sự giải phóng chính thức cho phép người ấy được làm công dân La Mã nhưng không được có chức vụ trong chính quyền. Sự giải phóng không chính thức giải thoát người ấy khỏi cảnh nô lệ nhưng không cho hưởng đầy đủ quyền công dân.—1Cô 7:22.
Nhà chiêm tinh.
Nhà hội.
Trong nguyên ngữ, từ này có nghĩa là “việc nhóm lại; hội chúng”, nhưng trong hầu hết các câu Kinh Thánh, từ này nói đến nơi hay tòa nhà mà người Do Thái hội họp để đọc Kinh Thánh, được dạy dỗ, rao giảng và cầu nguyện. Vào thời Chúa Giê-su, trong mỗi thành lớn của Y-sơ-ra-ên đều có một nhà hội, và những thành lớn hơn thì có nhiều hơn.—Lu 4:16; Cv 13:14, 15.
Nhà tiên tri.
Nhạc trưởng.
Nhân từ bao la.
Từ Hy Lạp mang ý chính là một điều nào đó khiến hài lòng và dễ chịu. Từ này thường được dùng để nói đến một món quà xuất phát từ lòng nhân từ hay việc ban cho một cách nhân từ. Khi nói đến lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời, từ này miêu tả món quà được Đức Chúa Trời ban một cách rộng rãi, không trông chờ đền đáp. Do đó, nó nói lên việc ban cho dư dật cũng như lòng yêu thương và nhân từ lớn lao của Đức Chúa Trời đối với con người. Từ Hy Lạp này cũng được dịch là “ân huệ” và “quà”. Đây là điều có được không phải do công sức hay xứng đáng nhưng hoàn toàn là nhờ lòng rộng rãi của người ban.—2Cô 6:1; Êph 1:7.
Nhẫn đóng dấu.
Nhựa thơm trắng.
Nhựa khô từ cây và cây bụi của một số loài cây thuộc chi Boswellia. Khi đốt, nó tỏa ra hương thơm ngọt ngào. Đây là một thành phần của hương thánh được dùng tại lều thánh và đền thờ. Nó cũng được dâng cùng với lễ vật ngũ cốc và được đặt trên mỗi chồng bánh dâng hiến bên trong Gian Thánh.—Xu 30:34-36; Lê 2:1; 24:7; Mat 2:11.
Những ngày sau cùng.
Cụm từ này và những cụm từ tương tự được dùng trong lời tiên tri của Kinh Thánh để nói đến thời kỳ mà các biến cố lịch sử lên đến cực điểm (Êxê 38:16; Đa 10:14; Cv 2:17). Tùy theo tính chất của lời tiên tri, đây có thể là một thời kỳ kéo dài chỉ vài năm hay nhiều năm. Điều đáng chú ý nhất là Kinh Thánh dùng cụm từ này để nói đến “những ngày sau cùng” của thế gian hiện tại, diễn ra trong thời kỳ Chúa Giê-su hiện diện một cách vô hình.—2Ti 3:1; Gia 5:3; 2Ph 3:3.
Ni-san.
Tên mới của tháng A-bíp sau thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn. Đây là tháng thứ nhất theo lịch thánh và tháng thứ bảy theo lịch thường của Do Thái. Nó kéo dài từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 (Nê 2:1).—Xem Phụ lục B15.
Nói năng dạn dĩ.
Từ Hy Lạp par·re·siʹa có thể nói đến sự nói năng công khai và tự do về đạo Đấng Ki-tô, và cũng có thể nói đến lòng tự tin, can đảm, dạn dĩ hoặc không sợ bị Đức Chúa Trời kết án khi đến gần ngài. Từ này cũng có thể được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là nói về thái độ của một người trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời.
Nơi cao.
Một nơi thờ phượng thường ở trên đỉnh đồi, đỉnh núi hay trên bục do con người làm ra. Dù đôi lúc những nơi cao được dùng để thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng đa số liên quan đến việc thờ thần giả của ngoại giáo.—Dân 33:52; 1V 3:2; Giê 19:5.
Nơi thánh.
Nói chung, đây là một nơi được biệt riêng cho việc thờ phượng. Nhưng nó thường nói đến lều thánh hoặc đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Từ này cũng được dùng để nói về nơi ngự của Đức Chúa Trời ở trên trời.—Xu 25:8, 9; 2V 10:25; 1Sử 28:10; Kh 11:19.
Nước Đức Chúa Trời.
Cụm từ này chỉ dùng riêng cho quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, được đại diện bởi chính phủ hoàng gia của Con ngài là Đấng Ki-tô Giê-su.—Mat 12:28; Lu 4:43; 1Cô 15:50.
Ô
Ô-me.
Đơn vị đo lường vật khô tương đương 2,2 lít hoặc một phần mười ê-pha (Xu 16:16, 18).—Xem Phụ lục B14.
Ô uế.
Ơ
Ơ-phơ-rát.
Con sông dài nhất và quan trọng nhất của vùng Tây Nam Á, và là một trong hai con sông chính ở Mê-sô-bô-ta-mi. Từ này được đề cập đến lần đầu tiên nơi Sáng thế 2:14, là một trong bốn nhánh sông của vườn Ê-đen, đôi khi được gọi là “sông lớn” (Th 72:8). Sông này là biên giới phía bắc của lãnh thổ được chỉ định cho Y-sơ-ra-ên (Sa 15:18; Kh 16:12).—Xem Phụ lục B2.
P
Pha-ra-ôn.
Pha-ri-si.
Một giáo phái nổi trội của Do Thái giáo vào thế kỷ thứ nhất CN. Họ không thuộc dòng dõi thầy tế lễ nhưng tuân thủ nghiêm ngặt Luật pháp, ngay cả chi tiết nhỏ nhất, và nâng những lời truyền khẩu lên ngang hàng với Luật pháp (Mat 23:23). Họ chống lại bất cứ ảnh hưởng nào của văn hóa Hy Lạp. Là những người nghiên cứu Luật pháp và truyền thống, họ có nhiều quyền hành trên dân chúng (Mat 23:2-6). Một số cũng là thành viên của Tòa Tối Cao. Họ thường chống đối Chúa Giê-su về việc giữ ngày Sa-bát, các truyền thống và việc ngài kết hợp với người tội lỗi và người thu thuế. Một số đã trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, trong đó có Sau-lơ người Tạt-sơ.—Mat 9:11; 12:14; Mác 7:5; Lu 6:2; Cv 26:5.
Phép lạ; Việc phi thường.
Phi-li-tia.
Vùng đất trên bờ biển phía nam của Y-sơ-ra-ên về sau được gọi là Phi-li-tia. Những người nhập cư đến từ Cơ-rết sống ở đó được gọi là người Phi-li-tia. Đa-vít đánh bại họ, nhưng họ vẫn độc lập và luôn là kẻ thù của Y-sơ-ra-ên (Xu 13:17; 1Sa 17:4; Am 9:7).—Xem Phụ lục B4.
Phim.
Vừa là quả cân vừa là giá tiền mà người Phi-li-tia đòi hỏi để họ mài những công cụ kim loại. Một số quả cân bằng đá được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ ở Y-sơ-ra-ên có những phụ âm của từ “phim” trong tiếng Hê-bơ-rơ cổ. Quả cân có trọng lượng trung bình 7,8g, bằng khoảng hai phần ba siếc-lơ.—1Sa 13:20, 21.
Phó vương.
Phong cùi.
Một chứng bệnh ngoài da nghiêm trọng. Trong Kinh Thánh, từ “phong cùi” không chỉ áp dụng cho chứng bệnh có cùng tên ngày nay, vì nó có thể ảnh hưởng đến người ta cũng như quần áo và nhà cửa.—Lê 14:54, 55; Lu 5:12.
Phu-rim.
Kỳ lễ hằng năm được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng A-đa. Kỳ lễ này kỷ niệm việc người Do Thái được giải thoát khỏi sự hủy diệt trong thời hoàng hậu Ê-xơ-tê. Từ pu·rimʹ có nghĩa là “các thăm” và không phải là từ Hê-bơ-rơ. Lễ Phu-rim, hay Lễ Các Thăm, được đặt tên dựa vào hành động bắt Phu-rơ (thăm) của Ha-man để xác định ngày thực hiện âm mưu tuyệt diệt người Do Thái.—Êxt 3:7; 9:26.
Phù phép.
Việc dùng quyền năng được xem là đến từ ác thần.—2Sử 33:6.
Phụ tá hội thánh.
Cách dịch của từ Hy Lạp di·aʹko·nos, một từ thường được dịch là “người phục vụ” hoặc “tôi tớ”. “Phụ tá hội thánh” nói đến một người phụ giúp cho hội đồng trưởng lão trong hội thánh. Anh ấy phải hội đủ các tiêu chuẩn trong Kinh Thánh để đảm nhận đặc ân phục vụ này.—1Ti 3:8-10, 12.
Porneia.—
Xem GIAN DÂM.
Q
Quan cai quản.
Quan tư pháp.
Trong bộ máy cai trị của Ba-by-lôn, quan tư pháp là những viên chức trong các tỉnh, biết về luật pháp và có quyền xét xử trong giới hạn nào đó. Trong các thuộc địa của La Mã, quan tư pháp là những người điều hành bộ máy cai trị. Trách nhiệm của họ bao gồm duy trì trật tự, kiểm soát tài chính, xét xử người vi phạm luật pháp và ra lệnh thi hành án phạt.—Đa 3:2; Cv 16:20.
Quan xét.
Những người nam do Đức Giê-hô-va dấy lên để giải cứu dân ngài trước thời dân Y-sơ-ra-ên có vua loài người.—Qu 2:16.
Quỷ.
Các tạo vật thần linh gian ác và vô hình, có quyền lực siêu phàm. Chúng được gọi là “các con trai của Đức Chúa Trời” nơi Sáng thế 6:2 và là “thiên sứ” nơi Giu-đe 6. Khi được tạo ra, chúng không gian ác; thay vì thế, chúng là những thiên sứ đã tự biến mình thành kẻ thù của Đức Chúa Trời qua việc bất tuân trong thời Nô-ê và theo Sa-tan phản nghịch Đức Giê-hô-va.—Phu 32:17; Lu 8:30; Cv 16:16; Gia 2:19.
R
Ra-háp.
Một từ được dùng theo nghĩa tượng trưng trong sách Gióp, Thi thiên và Ê-sai (không nên nhầm lẫn với người phụ nữ tên Ra-háp trong sách Giô-suê). Trong sách Gióp, văn cảnh giúp xác định Ra-háp là một quái vật biển; trong những văn cảnh khác, con quái vật này được dùng để tượng trưng cho Ai Cập.—Gp 9:13; Th 87:4; Ês 30:7; 51:9, 10.
Ráp-bi; Ráp-bô-ni.
Nghĩa là “Thầy”. Trước khi Chúa Giê-su sinh ra, từ này cũng được dùng như một cách gọi hay một chức danh cho thấy sự kính trọng và tôn kính, có nghĩa là “vị vĩ đại của tôi; vị cao thượng của tôi”. Những người có học thức, các thầy kinh luật và thầy dạy Luật pháp đòi hỏi người khác phải gọi mình bằng chức danh này.—Mat 23:6, 7, chú thích; Gi 1:38; 20:16.
Rủa.
Đe dọa hoặc cầu họa giáng trên một người hay vật nào đó. Đây không phải là lời độc địa hay giận dữ. Lời nguyền rủa thường là lời tuyên bố chính thức về việc cầu họa hoặc báo trước chuyện xấu, và khi đến từ Đức Chúa Trời hoặc người có thẩm quyền thì lời ấy có giá trị và hiệu lực mang tính tiên tri.—Sa 12:3; Dân 22:12; Ga 3:10.
Ruach; Pneuma.
Từ Hê-bơ-rơ ruʹach và từ Hy Lạp pneuʹma có nhiều ý nghĩa khác nhau. Tất cả những nghĩa này đều nói đến những gì mắt loài người không thấy được và chứng tỏ có lực đang hoạt động. Nghĩa cơ bản của ruʹach và pneuʹma là “hơi” và có thể cũng có nghĩa là (1) gió, (2) sinh khí hoạt động trong các tạo vật trên đất, (3) lực phát xuất từ lòng của một người thúc đẩy người ấy nói và hành động theo một cách nào đó, (4) lời thần khải đến từ một nguồn vô hình, (5) thần linh và (6) lực đang hoạt động của Đức Chúa Trời, hay thần khí thánh (Xu 35:21; Th 104:29; Mat 12:43; Lu 11:13). Vì thế, trong bản dịch này, hai từ trên được dịch theo văn cảnh.
Rượu tế lễ.
S
Sa-bát.
Bắt nguồn từ một từ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “nghỉ ngơi, ngưng”. Ngày thứ bảy trong tuần của người Do Thái (bắt đầu từ lúc mặt trời lặn vào thứ sáu cho đến khi mặt trời lặn vào thứ bảy). Một số ngày lễ khác trong năm, cũng như năm thứ bảy và năm thứ năm mươi, cũng được gọi là Sa-bát. Vào ngày Sa-bát, phải nghỉ mọi công việc ngoại trừ công việc phục vụ của giới tế lễ trong nơi thánh. Trong những năm Sa-bát, đất phải nghỉ trồng trọt và người Hê-bơ-rơ không được thúc ép anh em mình trả nợ. Theo Luật pháp Môi-se, những đòi hỏi về ngày Sa-bát là phải lẽ nhưng dần dần các nhà lãnh đạo tôn giáo đặt thêm những đòi hỏi khác, vì thế đến thời Chúa Giê-su, dân chúng khó giữ theo những đòi hỏi ấy.—Xu 20:8; Lê 25:4; Lu 13:14-16; Cô 2:16.
Sa-đu-sê.
Một giáo phái nổi trội của Do Thái giáo được hình thành bởi giới quý tộc và những thầy tế lễ có uy quyền lớn trên các hoạt động tại đền thờ. Họ bác bỏ nhiều lời truyền khẩu và những niềm tin khác của người Pha-ri-si. Họ không tin có sự sống lại hoặc có thiên sứ. Họ chống đối Chúa Giê-su.—Mat 16:1; Cv 23:8.
Sa-ma-ri.
Thủ đô của vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc gồm mười chi phái trong khoảng 200 năm, cũng là tên của toàn bộ lãnh thổ thuộc vương quốc này. Thành được xây trên ngọn núi có cùng tên. Vào thời Chúa Giê-su, Sa-ma-ri là tên của vùng nằm giữa Ga-li-lê về phía bắc và Giu-đê về phía nam. Chúa Giê-su thường không rao giảng tại vùng này trong những chuyến hành trình của ngài, nhưng đôi khi ngài đi ngang qua và nói chuyện với cư dân vùng này. Phi-e-rơ đã dùng chìa khóa tượng trưng thứ hai của Nước Trời khi người Sa-ma-ri nhận được thần khí thánh (1V 16:24; Gi 4:7; Cv 8:14).—Xem Phụ lục B10.
Sa-tan.
Sạch.
Theo Kinh Thánh, từ này không chỉ nói đến sự sạch sẽ về thể chất mà còn nói đến việc duy trì hay hồi phục một tình trạng không tì vết, không vết nhơ, không dính líu đến bất cứ thứ gì làm nhơ bẩn, pha trộn hay bại hoại về đạo đức hoặc thiêng liêng. Dưới Luật pháp Môi-se, từ này nói đến tình trạng được tẩy uế theo nghi thức.—Lê 10:10; Th 51:7; Mat 8:2; 1Cô 6:11.
Sải.
Đơn vị đo độ sâu của nước, bằng 1,8m (Cv 27:28).—Xem Phụ lục B14.
San hô.
Một chất cứng, giống như đá, được hình thành từ bộ xương của các loài sinh vật biển cực nhỏ. Nó được tìm thấy dưới biển với nhiều màu sắc, như đỏ, trắng và đen. Đặc biệt, san hô từng có rất nhiều ở Biển Đỏ. Vào thời Kinh Thánh, san hô đỏ rất có giá trị, được làm thành chuỗi hạt và các đồ trang sức khác.—Ch 8:11.
Sao mai.
Sân.
Khu ngoài trời có rào, ở xung quanh lều thánh; sau này là một trong những sân ngoài trời có tường bao bọc, ở xung quanh tòa nhà chính của đền thờ. Bàn thờ dâng lễ vật thiêu được đặt ở sân của lều thánh và sân trong của đền thờ. (Xem Phụ lục B5, B8, B11). Kinh Thánh cũng nhắc đến sân của các ngôi nhà và cung điện.—Xu 8:13; 27:9; 1V 7:12; Êxt 4:11; Mat 26:3.
Sê-a.
Đơn vị đo lường vật khô. Dựa trên thể tích của đơn vị đo lường chất lỏng tương đương là ba-tơ thì một sê-a bằng 7,33 lít (2V 7:1).—Xem Phụ lục B14.
Sê-bát.
Tên của tháng thứ mười một theo lịch thánh và tháng thứ năm theo lịch thường của Do Thái, sau thời lưu đày sang Ba-by-lôn. Nó kéo dài từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2 (Xa 1:7).—Xem Phụ lục B15.
Sê-la.
Một thuật ngữ dùng cho âm nhạc hoặc việc đọc thơ, xuất hiện nơi Thi thiên và Ha-ba-cúc. Từ này có thể có nghĩa là ngừng trong khi hát hoặc chơi nhạc, hoặc cả hai, nhằm mục đích có khoảng lặng để suy ngẫm hay làm nổi bật cảm xúc vừa được nhắc đến. Bản dịch Hy Lạp Septuagint dịch từ này là di·aʹpsal·ma, được định nghĩa là “khúc nhạc trung gian”.—Th 3:4; Hab 3:3.
Sê-mi-nít.
Một thuật ngữ âm nhạc có nghĩa đen là “thứ tám”, có lẽ nói đến một quãng âm hay điệu nhạc trầm. Khi dùng cho nhạc cụ, rất có thể từ này nói đến những loại phát ra tiếng trầm của thang âm, còn khi dùng cho bài hát, rất có thể nói đến nhạc đệm có tông trầm và giọng hát theo tông ấy.—1Sử 15:21; Th 6:0; 12:0.
Sê-ôn.
Sê-ráp.
Sê-sa.
Một họ của người La Mã, trở thành tước vị của các hoàng đế La Mã. Trong Kinh Thánh, Au-gút-tơ, Ti-be-rơ và Cơ-lo-đi-ô là tên của các Sê-sa được nhắc đến, và dù Nê-rô không được nêu đích danh nhưng ông cũng là Sê-sa. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, “Sê-sa” cũng được dùng để tượng trưng cho nhà cầm quyền hay nhà nước.—Mác 12:17; Cv 25:12.
Si-ôn; Núi Si-ôn.
Tên của thành có đồn lũy của người Giê-bu, gọi là thành Giê-bu, tọa lạc trên ngọn đồi phía đông nam Giê-ru-sa-lem. Sau khi Đa-vít chiếm thành, ông xây cung điện ở đó và từ đó nó được gọi là “Thành Đa-vít” (2Sa 5:7, 9). Si-ôn trở thành ngọn núi đặc biệt thánh đối với Đức Giê-hô-va khi Đa-vít chuyển Hòm Giao Ước đến đó. Về sau, từ này bao gồm khu vực đền thờ trên núi Mô-ri-a, và đôi khi nói đến toàn bộ thành Giê-ru-sa-lem. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ này thường được dùng theo nghĩa tượng trưng.—Th 2:6; 1Ph 2:6; Kh 14:1.
Si-van.
Tên của tháng thứ ba theo lịch thánh và tháng thứ chín theo lịch thường của Do Thái, sau thời lưu đày sang Ba-by-lôn. Nó kéo dài từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 (Êxt 8:9).—Xem Phụ lục B15.
Siếc-lơ.
Một đơn vị cơ bản của người Hê-bơ-rơ, dùng cho trọng lượng lẫn giá trị tiền tệ, nặng 11,4g. “Siếc-lơ chuẩn của nơi thánh” có thể là cách nói để nhấn mạnh rằng khối lượng phải được tính chính xác hoặc phải phù hợp với trái cân chuẩn được giữ trong lều thánh. Có thể có siếc-lơ hoàng gia (khác với siếc-lơ thường) hoặc trái cân chuẩn được giữ trong cung điện hoàng gia.—Xu 30:13.
Siếc-ti.
Hai vịnh lớn và cạn ở bờ biển Li-bi, Bắc Phi, là nỗi ám ảnh của thủy thủ thời xưa vì có những bãi cát ngầm nguy hiểm luôn dịch chuyển do thủy triều (Cv 27:17).—Xem Phụ lục B13.
Suối cạn.
Sứ đồ.
Sự công chính.
Sự mầu nhiệm.
Sự sống lại.
Từ Hy Lạp a·naʹsta·sis có nghĩa đen là “làm cho trỗi dậy; đứng lên”. Kinh Thánh nói đến chín trường hợp được sống lại, trong đó có trường hợp của Chúa Giê-su được Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho sống lại. Dù những trường hợp sống lại khác được thực hiện qua Ê-li-gia, Ê-li-sê, Chúa Giê-su, Phi-e-rơ và Phao-lô nhưng rõ ràng những phép lạ này đều đến từ quyền năng của Đức Chúa Trời. Sự sống lại trên đất của “người công chính và không công chính” là điều thiết yếu trong ý định của Đức Chúa Trời (Cv 24:15). Kinh Thánh cũng đề cập đến một sự sống lại ở trên trời được gọi là “sự sống lại sớm hơn” hoặc “sự sống lại thứ nhất”, liên hệ đến anh em của Chúa Giê-su được xức dầu bằng thần khí.—Phl 3:11, chú thích; Kh 20:5, 6; Gi 5:28, 29; 11:25.
Sừng.
Sừng bàn thờ.
Phần có hình như sừng, nhô ra từ bốn góc của một số loại bàn thờ (Lê 8:15; 1V 2:28).—Xem Phụ lục B5 và B8.
Sy-ri.—
Xem A-RAM.
T
Ta-lâng.
Đơn vị lớn nhất của người Hê-bơ-rơ, dùng cho trọng lượng lẫn giá trị tiền tệ, nặng 34,2kg. Ta-lâng của người Hy Lạp thì nhỏ hơn, nặng khoảng 20,4kg (1Sử 22:14; Mat 18:24).—Xem Phụ lục B14.
Ta-ta-rơ.
Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, đây là tình trạng bị hạ bệ như bị cầm tù mà các thiên sứ bất tuân trong thời Nô-ê bị Đức Chúa Trời quăng vào. Nơi 2 Phi-e-rơ 2:4, động từ tar·ta·roʹo (‘quăng vào Ta-ta-rơ’) không có ý nói rằng “những thiên sứ phạm tội” đã bị quăng vào Ta-ta-rơ theo thần thoại của ngoại giáo (tức là một nhà tù dưới đất và nơi tối tăm dành cho những thần thấp hơn). Thay vì thế, từ này cho thấy là họ bị Đức Chúa Trời hạ bệ khỏi vị thế trên trời, bị mất đặc ân và bị đưa vào một tình trạng tối tăm nhất về tâm trí, không có liên quan gì đến ý định tươi sáng của Đức Chúa Trời. Sự tối tăm cũng đánh dấu kết cuộc của họ, theo Kinh Thánh là sự hủy diệt vĩnh viễn cùng với kẻ cai trị của họ, là Sa-tan Ác Quỷ. Vì thế, Ta-ta-rơ nói đến tình trạng bị hạ bệ và thấp kém nhất của các thiên sứ phản nghịch. Nó khác với “vực sâu” được nhắc đến nơi Khải huyền 20:1-3.
Tai họa.
Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, từ này thường nói đến tai vạ, bệnh dịch hay thảm họa mà Đức Giê-hô-va giáng xuống để trừng phạt.—Dân 16:49.
Tàu Ta-rê-si.
Tê-bết.
Tên của tháng thứ mười theo lịch thánh và tháng thứ tư theo lịch thường của Do Thái, sau thời lưu đày sang Ba-by-lôn. Nó kéo dài từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 1. Nó thường được gọi là “tháng thứ mười” (Êxt 2:16).—Xem Phụ lục B15.
Tham-mu.
(1) Tên của một thần mà những phụ nữ Hê-bơ-rơ bội đạo đã than khóc tại Giê-ru-sa-lem. Có ý kiến cho rằng Tham-mu vốn là một vua được phong thần sau khi chết. Trong các tài liệu của người Su-me, Tham-mu được gọi là Đu-mu-xi và được xem là chồng hay người tình của nữ thần sinh sản I-na-na (thần I-sơ-ta của Ba-by-lôn) (Êxê 8:14). (2) Tên của tháng thứ tư âm lịch của lịch thánh và tháng thứ mười theo lịch thường của Do Thái, sau thời lưu đày sang Ba-by-lôn. Nó kéo dài từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7.—Xem Phụ lục B15.
Than khóc.
Biểu hiện bên ngoài của nỗi đau buồn trước cái chết hay tai họa nào đó. Vào thời Kinh Thánh, có phong tục than khóc trong một thời gian. Ngoài việc khóc lớn tiếng, người than khóc còn mặc áo đặc biệt, rải tro trên đầu, xé áo và đấm ngực. Đôi khi những người chuyên việc than khóc được mời đến các đám tang. Từ Hê-bơ-rơ và từ Hy Lạp được dịch là “than khóc” cũng có thể được dịch là “thương tiếc”, “than van”, “buồn rầu” và “sầu thảm”.—Sa 23:2; Êxt 4:3; Kh 21:4.
Thành Đa-vít.
Tên này được đặt cho thành Giê-bu sau khi Đa-vít chinh phục thành ấy và xây cung điện ở đó. Thành này cũng được gọi là Si-ôn, thuộc phần phía đông nam và là phần cổ xưa nhất của Giê-ru-sa-lem.—2Sa 5:7; 1Sử 11:4, 5.
Thành trú ẩn.
Các thành của người Lê-vi, nơi mà người ngộ sát có thể tìm đến để lánh nạn, tránh khỏi người báo thù huyết. Theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va thì Môi-se, và sau này là Giô-suê, đã chọn sáu thành làm thành trú ẩn nằm rải rác trong Đất Hứa. Khi đến thành trú ẩn, người chạy trốn trình vụ việc cho các trưởng lão tại cổng thành và được họ tiếp đón. Để những kẻ cố ý giết người không lợi dụng sắp đặt này, người lánh nạn phải được đưa ra xét xử tại thành xảy ra vụ giết người để chứng minh mình vô tội. Nếu được xác minh là vô tội thì người ấy được trở về thành trú ẩn và phải ở trong phạm vi của thành suốt quãng đời còn lại hoặc cho đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời.—Dân 35:6, 11-15, 22-29; Gs 20:2-8.
Thánh.
Một phẩm chất vốn có của Đức Giê-hô-va; tình trạng thanh sạch và thánh khiết tuyệt đối về đạo đức (Xu 28:36; 1Sa 2:2; Ch 9:10; Ês 6:3). Khi nói đến con người (Xu 19:6; 2V 4:9), thú vật (Dân 18:17), đồ vật (Xu 28:38; 30:25; Lê 27:14), nơi chốn (Xu 3:5; Ês 27:13), thời điểm (Xu 16:23; Lê 25:12) và hoạt động (Xu 36:4), từ nguyên ngữ Hê-bơ-rơ mang nghĩa là sự biệt riêng, chuyên độc hoặc biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời thánh khiết; tình trạng được biệt riêng ra để phụng sự Đức Giê-hô-va. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ được dịch là “thánh” cũng nói đến sự biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời. Từ này cũng được dùng để nói đến sự thanh sạch về hạnh kiểm cá nhân.—Mác 6:20; 2Cô 7:1; 1Ph 1:15, 16.
Thăm.
Những viên sỏi hay những miếng gỗ hoặc đá nhỏ dùng để đưa ra quyết định. Các thăm được gom lại trong phần ngực áo hoặc cho vào một cái bình rồi lắc. Thăm nào rơi ra hoặc được rút ra là cái được chọn. Người ta thường cầu nguyện khi làm điều này. Trong nguyên ngữ, từ được dịch là “thăm” cũng có nghĩa là “phần chia”.—Gs 14:2; Th 16:5; Ch 16:33; Mat 27:35.
Thần khí thánh.
Thầy bói.
Người tự xưng có khả năng báo trước các biến cố tương lai. Các pháp sư, kẻ dùng ma thuật để bói toán, nhà chiêm tinh và những kẻ khác được liệt kê trong Kinh Thánh đều là thầy bói.—Lê 19:31; Phu 18:11; Cv 16:16.
Thầy kinh luật.
Vào thời Chúa Giê-su, từ này nói đến một lớp người thông thạo Luật pháp. Họ chống đối Chúa Giê-su.—Mác 12:38, 39; 14:1.
Thầy tế lễ.
Người đại diện chính thức của Đức Chúa Trời trước mặt dân chúng mà họ phục vụ, đồng thời dạy dân chúng về Đức Chúa Trời và luật pháp của ngài. Họ cũng đại diện dân chúng trước mặt Đức Chúa Trời, dâng vật tế lễ cũng như cầu thay và nài xin cho dân chúng. Trước khi có Luật pháp Môi-se, người chủ gia đình làm thầy tế lễ cho gia đình mình. Dưới Luật pháp Môi-se, những người nam trong dòng họ A-rôn thuộc chi phái Lê-vi hợp thành giới tế lễ. Những người nam còn lại thuộc chi phái Lê-vi là người phụ giúp họ. Khi giao ước mới bắt đầu có hiệu lực, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng trở thành một nước thầy tế lễ, và Chúa Giê-su Ki-tô là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.—Xu 28:41; Hê 9:24; Kh 5:10.
Thầy tế lễ thượng phẩm.
Dưới Luật pháp Môi-se, ông là thầy tế lễ chính đại diện cho dân chúng trước mặt Đức Chúa Trời và giám sát các thầy tế lễ khác. Ông còn được gọi là “trưởng tế” (2Sử 26:20; Êxr 7:5). Ông là người duy nhất được phép vào Gian Chí Thánh, gian trong cùng của lều thánh và sau này là của đền thờ. Ông chỉ làm thế vào Ngày Chuộc Tội hằng năm. Cụm từ “thầy tế lễ thượng phẩm” cũng áp dụng cho Chúa Giê-su Ki-tô.—Lê 16:2, 17; 21:10; Mat 26:3; Hê 4:14.
Thê-ra-phim.
Thần hay tượng thờ của gia đình, đôi khi được dùng để tìm điềm báo (Êxê 21:21). Một số tượng có kích cỡ và hình dạng như con người, còn số khác thì nhỏ hơn nhiều (Sa 31:34; 1Sa 19:13, 16). Theo những phát hiện về khảo cổ ở Mê-sô-bô-ta-mi, việc sở hữu những tượng thê-ra-phim ảnh hưởng đến việc ai sẽ là người hưởng di sản của gia đình. (Đây có thể là lý do mà Ra-chên lấy tượng thê-ra-phim của cha bà). Dường như điều này không áp dụng trong nước Y-sơ-ra-ên, dù việc thờ tượng thê-ra-phim đã tồn tại vào thời các quan xét lẫn thời các vua, và các tượng này nằm trong số những vật bị vị vua trung tín là Giô-si-a tiêu hủy.—Qu 17:5; 2V 23:24; Ôsê 3:4.
Thế gian.
Trong một số trường hợp, từ “thế gian” được dùng để dịch từ Hy Lạp koʹsmos, có thể nói đến (1) nhân loại nói chung, (2) trật tự xã hội hoặc (3) những người xa cách Đức Chúa Trời (Gi 3:16; 17:5; 1Gi 2:15-17). Từ này cũng được dùng để dịch từ Hy Lạp ai·onʹ, có nghĩa là “thời đại”. Khi dùng để dịch từ ai·onʹ, “thế gian” có thể cũng có nghĩa là “hệ thống hoặc trật tự xã hội của một thời đại cụ thể”.—Mat 24:3; Mác 4:19; Rô 12:2; 1Cô 10:11.
Thi thiên; Thơ thánh.
Thiên Nữ Vương.
Tước vị của một nữ thần mà người Y-sơ-ra-ên bội đạo thờ trong thời Giê-rê-mi. Một số người cho rằng tước vị đó nói đến nữ thần Ba-by-lôn là I-sơ-ta (Át-tạt-tê). Vào trước thời đó, người Su-me thờ một nữ thần tương tự là I-na-na, nghĩa là “thiên nữ vương”. Ngoài việc có liên quan đến các tầng trời, đây còn là nữ thần sinh sản. Át-tạt-tê còn được gọi là “Thiên Nữ” trong một lời khắc của Ai Cập.—Giê 44:19.
Thiên sứ.
Dịch từ một từ Hê-bơ-rơ là mal·ʼakhʹ và một từ Hy Lạp là agʹge·los. Cả hai từ đều có nghĩa đen là “sứ giả” nhưng được dịch là “thiên sứ” khi nói đến sứ giả thần linh (Sa 16:7; Gia 2:25; Kh 22:8). Thiên sứ là những tạo vật thần linh mạnh mẽ, được Đức Chúa Trời tạo ra trước loài người từ rất lâu. Trong Kinh Thánh, họ cũng được gọi là “hàng vạn đấng thánh”, “các con trai của Đức Chúa Trời” và “các ngôi sao ban sáng” (Phu 33:2, chú thích; Gp 1:6; 38:7). Các thiên sứ không được tạo ra với khả năng sinh ra thiên sứ khác, nhưng mỗi thiên sứ đều được tạo nên. Số thiên sứ lên đến hơn 100 triệu (Đa 7:10). Kinh Thánh cho biết họ có tên và tính cách riêng, nhưng họ khiêm nhường từ chối được thờ phượng, thậm chí đa số tránh tiết lộ tên của mình (Sa 32:29; Lu 1:26; Kh 22:8, 9). Họ có cấp bậc và vai trò khác nhau, bao gồm việc phụng sự trước ngôi Đức Giê-hô-va, truyền thông điệp của ngài, giúp tôi tớ trên đất của Đức Giê-hô-va, thi hành phán quyết của Đức Chúa Trời và hỗ trợ công việc rao giảng tin mừng (2V 19:35; Th 34:7; Lu 1:30, 31; Kh 5:11; 14:6). Trong tương lai, họ sẽ cùng Chúa Giê-su tham gia cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn.—Kh 19:14, 15.
Thiên sứ trưởng.
Thống đốc.
Thợ gốm.
Ti-ri.—
Xem Ê-THA-NINH và Phụ lục B15.
Tiếng A-ram.
Thuộc hệ ngôn ngữ Se-mít và có liên hệ chặt chẽ với tiếng Hê-bơ-rơ vì dùng chung bảng chữ cái. Ban đầu chỉ có người A-ram nói tiếng này nhưng về sau nó trở thành ngôn ngữ quốc tế dùng trong thương mại và giao tiếp tại đế quốc A-si-ri và Ba-by-lôn. Đây cũng là ngôn ngữ chính thức được dùng trong hành chính của đế quốc Ba Tư (Êxr 4:7). Một số phần trong sách Ê-xơ-ra, Giê-rê-mi và Đa-ni-ên được viết bằng tiếng A-ram.—Êxr 4:8–6:18; 7:12-26; Giê 10:11; Đa 2:4b–7:28.
Tin mừng.
Tín đồ đạo Đấng Ki-tô.
Tình yêu thương thành tín.
Đây là cách dịch thông thường nhất của từ Hê-bơ-rơ cheʹsedh, nói đến tình yêu thương được thúc đẩy bởi sự cam kết, lòng trọn thành, thành tín và sự gắn bó sâu đậm. Từ này thường liên quan đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người, nhưng nó cũng nói đến tình yêu thương giữa người với người.—Xu 34:6; Ru 3:10.
Tòa Tối Cao.
Tòa cao nhất của người Do Thái được đặt tại Giê-ru-sa-lem. Vào thời Chúa Giê-su, tòa này có 71 thành viên, gồm thầy tế lễ thượng phẩm, những người từng giữ chức thầy tế lễ thượng phẩm, thành viên trong gia đình của các thầy tế lễ thượng phẩm, những người đứng đầu chi phái và gia đình, các trưởng lão và thầy kinh luật.—Mác 15:1; Cv 5:34; 23:1, 6.
Trái đầu mùa; Sản vật đầu mùa.
Trái hay sản vật đầu tiên của mùa gặt; kết quả hay sản phẩm đầu tiên của bất cứ thứ gì. Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên dâng các vật đầu mùa cho ngài, dù là người, thú vật hay sản vật của đất. Với tư cách là một nước, dân Y-sơ-ra-ên dâng vật đầu mùa cho Đức Chúa Trời vào dịp Lễ Bánh Không Men và Lễ Ngũ Tuần. Từ “trái đầu mùa” cũng được dùng theo nghĩa bóng để nói về Đấng Ki-tô và các môn đồ được xức dầu của ngài.—1Cô 15:23; Dân 15:21; Ch 3:9; Kh 14:4.
Trái lựu.
Có hình dạng giống trái táo, núm có hình hoa thị hoặc hình vương miện. Dưới lớp vỏ cứng là những nang nhỏ mọng nước, mỗi nang có một hạt nhỏ xíu màu hồng hoặc đỏ. Những vật trang trí hình trái lựu được treo vào viền áo khoác không tay màu xanh dương của thầy tế lễ thượng phẩm và trên các đầu trụ của hai trụ Gia-kin và Bô-ô được dựng ở trước đền thờ.—Xu 28:34; Dân 13:23; 1V 7:18.
Trấu.
Triết gia thuộc phái Khắc kỷ.
Một nhóm triết gia Hy Lạp tin rằng hạnh phúc là sống hòa hợp với lý lẽ và thiên nhiên. Theo đánh giá của họ, người thật sự khôn ngoan thì dửng dưng với sự đau đớn hoặc khoái lạc.—Cv 17:18.
Triết gia thuộc phái Khoái lạc.
Các môn đồ của triết gia Hy Lạp là Epicurus (341-270 TCN). Triết lý của họ tập trung vào ý tưởng cho rằng lạc thú của mình là mục tiêu tối hậu trong đời.—Cv 17:18.
Trụ; Cột.
Vật chống đỡ thẳng đứng của một tòa nhà, hay một vật gì đó tương tự. Một số trụ được dựng để kỷ niệm những việc làm hoặc sự kiện lịch sử. Trụ chống đỡ được dùng trong đền thờ và các công trình kiến trúc hoàng gia do Sa-lô-môn xây. Những người ngoại giáo dựng các trụ thờ liên quan đến tôn giáo sai lầm của họ, và đôi khi dân Y-sơ-ra-ên bắt chước thực hành này (Qu 16:29; 1V 7:21; 14:23).—Xem ĐẦU TRỤ.
Trụ thờ.
Cây trụ thẳng đứng, thường bằng đá và hẳn là biểu tượng của dương vật, tượng trưng cho Ba-anh hoặc các thần giả khác.—Xu 23:24.
Trung gian.
Trưởng lão; Người đàn ông lớn tuổi.
Người nam ở tuổi trưởng thành, nhưng trong Kinh Thánh, từ này chủ yếu nói đến người giữ một chức vụ có quyền hành và trách nhiệm trong một cộng đồng hay một nước. Trong sách Khải huyền, từ này cũng được dùng để nói đến các tạo vật trên trời. Từ Hy Lạp pre·sbyʹte·ros được dịch là “trưởng lão” khi nói đến những người có trách nhiệm dẫn đầu trong hội thánh.—Xu 4:29; Ch 31:23; 1Ti 5:17; Kh 4:4.
Trưởng tế.
Cách gọi khác của “thầy tế lễ thượng phẩm” trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ “trưởng tế” hẳn nói đến những người có vai trò chính trong giới tế lễ, có thể bao gồm thầy tế lễ thượng phẩm bị bãi chức và những người đứng đầu 24 ban tế lễ.—2Sử 26:20; Êxr 7:5; Mat 2:4; Mác 8:31.
Tự phụ.
Từ gốc không chỉ bao hàm ý quá tự tin trong suy nghĩ và hành động mà còn vượt quá quyền hạn của mình và tự quyền.—Dân 14:44; 1Sa 15:23; Ch 11:2.
Tượng thần; Thờ thần tượng.
U
U-rim và Thu-mim.
Những vật mà thầy tế lễ thượng phẩm dùng, theo cách giống như dùng thăm, để biết ý muốn của Đức Giê-hô-va khi cần ngài giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề hệ trọng của đất nước. U-rim và Thu-mim được đặt trong bảng đeo ngực của thầy tế lễ thượng phẩm khi ông vào lều thánh. Dường như người ta không còn dùng đến chúng khi người Ba-by-lôn hủy phá Giê-ru-sa-lem.—Xu 28:30; Nê 7:65.
V
Vải thô.
Vật cống nạp.
Vật làm tin.
Vật tế lễ.
Một lễ vật dâng lên Đức Chúa Trời để tạ ơn ngài, thú nhận lỗi lầm và khôi phục mối quan hệ tốt với ngài. Bắt đầu từ A-bên, loài người dâng nhiều vật tế lễ tình nguyện, kể cả con vật, cho đến khi giao ước Luật pháp Môi-se đưa ra đòi hỏi này. Sau khi Chúa Giê-su dâng mạng sống mình làm vật tế lễ hoàn hảo, những vật tế lễ là con vật không còn cần thiết nữa, dù các tín đồ đạo Đấng Ki-tô vẫn tiếp tục dâng vật tế lễ thiêng liêng cho Đức Chúa Trời.—Sa 4:4; Hê 13:15, 16; 1Gi 4:10.
Vật tế lễ hòa thuận.
Vật tế lễ được dâng cho Đức Giê-hô-va để xin hòa thuận với ngài. Người thờ phượng và người nhà của họ, thầy tế lễ thực hiện nghi lễ và các thầy tế lễ đang thi hành nhiệm vụ đều được ăn vật tế lễ. Có thể nói Đức Giê-hô-va nhận khói dễ chịu của mỡ được thiêu. Máu, tượng trưng cho sự sống, cũng được dâng lên ngài. Điều đó tựa như các thầy tế lễ và những người thờ phượng đang ngồi dùng bữa chung với Đức Giê-hô-va, biểu trưng cho một mối quan hệ hòa thuận.—Lê 7:29, 32; Phu 27:7.
Vi phạm; Sai phạm.
Vực sâu.
Vương trượng.
X
Xi-u.
Tên lúc đầu của tháng thứ hai theo lịch thánh và tháng thứ tám theo lịch thường của Do Thái. Nó kéo dài từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5. Nó được gọi là Y-gia trong kinh Talmud của người Do Thái và trong những tài liệu khác được viết sau thời lưu đày sang Ba-by-lôn (1V 6:37).—Xem Phụ lục B15.
Xức dầu.
Từ Hê-bơ-rơ có nghĩa cơ bản là “bôi một chất lỏng”. Dầu được xức trên một người hoặc vật để biểu trưng rằng người hoặc vật đó được dâng hiến cho một công việc đặc biệt. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ này cũng nói đến việc đổ thần khí thánh trên những người được chọn để họ nhận hy vọng lên trời.—Xu 28:41; 1Sa 16:13; 2Cô 1:21.
Y
Y-sơ-ra-ên.
Tên mà Đức Chúa Trời đặt cho Gia-cốp. Về sau, tên này được dùng để nói đến tập thể con cháu của ông vào bất cứ thời điểm nào. Con cháu của 12 con trai Gia-cốp thường được gọi là con cháu Y-sơ-ra-ên, nhà Y-sơ-ra-ên, dân (người nam) Y-sơ-ra-ên hoặc người Y-sơ-ra-ên. Y-sơ-ra-ên cũng được dùng làm tên của vương quốc phía bắc gồm mười chi phái đã tách khỏi vương quốc phía nam, và sau này được dùng cho các tín đồ được xức dầu là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”.—Ga 6:16; Sa 32:28; 2Sa 7:23; Rô 9:6.