Chương Mười Lăm
Các vua đối nghịch tiến vào thế kỷ 20
1. Theo một sử gia, những nước nào dẫn đầu Âu Châu vào thế kỷ 19?
SỬ GIA Norman Davies viết: “Âu Châu vào thế kỷ 19 có một sự sinh động vượt xa bất cứ thời kỳ nào mà người ta biết trước đó”. Ông nói thêm: “Âu Châu có vẻ khao khát quyền lực hơn bao giờ hết: nào là quyền lực về kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, nào là quyền lực liên lục địa”. Theo sử gia này, các lãnh tụ của “ ‘thế kỷ quyền lực’, trong đó Âu Châu chiến thắng, trước tiên là Anh Quốc... và trong những thập niên sau là Đức”.
“TRONG LÒNG CHỈ CHỰC LÀM HẠI”
2. Khi thế kỷ 19 gần chấm dứt, những cường quốc nào đóng vai trò “vua phương bắc” và “vua phương nam”?
2 Khi thế kỷ 19 gần chấm dứt, Đế Quốc Đức là “vua phương bắc” và Anh Quốc đóng vai trò “vua phương nam”. (Đa-ni-ên 11:14, 15) Thiên sứ của Đức Giê-hô-va nói: “Có hai vua ấy, trong lòng chỉ chực làm hại; ngồi cùng bàn tiệc mà nói dối”. Thiên sứ nói tiếp: “Song sự đó chẳng thành, vì sẽ còn có sự cuối-cùng nơi kỳ đã định”.—Đa-ni-ên 11:27.
3, 4. (a) Ai trở thành hoàng đế đầu tiên của Đế Quốc Đức, và liên minh nào được thành lập? (b) Kaiser Wilhelm theo đuổi chính sách nào?
3 Vào ngày 18 tháng 1 năm 1871, Wilhelm I trở thành hoàng đế đầu tiên của Đế Quốc Đức. Ông bổ nhiệm Otto von Bismarck làm thủ tướng. Đặt trọng tâm vào việc phát triển tân đế quốc, Bismarck tránh xung đột với các quốc gia khác và thành lập một liên minh với Áo-Hung và Ý, được gọi là Liên Minh Tay Ba. Nhưng chẳng bao lâu, quyền lợi của vua phương bắc mới này xung đột với quyền lợi của vua phương nam.
4 Sau khi Wilhelm I và người kế vị ông là Frederick III chết vào năm 1888, thì Wilhelm II lên ngôi lúc 29 tuổi. Wilhelm II cũng gọi là Kaiser Wilhelm ép Bismarck từ chức và ông theo đuổi một chính sách mở rộng ảnh hưởng của Đức ra khắp thế giới. Một sử gia nói: “Dưới sự cai trị của Wilhelm II, [nước Đức] phô trương một thái độ kiêu ngạo và gây hấn”.
5. Hai vua ngồi “cùng một bàn” như thế nào, và họ nói gì ở đó?
5 Khi Czar Nicholas II của Nga triệu tập một hội nghị hòa bình ở The Hague, Hà Lan, vào ngày 24-8-1898, bầu không khí giữa các quốc gia thật căng thẳng. Hội nghị này và hội nghị sau đó vào năm 1907 đã lập được Tòa Án Trọng Tài Thường Trực tại The Hague. Qua việc trở thành hội viên của tòa án này, Đế Quốc Đức cũng như Anh Quốc gây được ấn tượng là họ ủng hộ hòa bình. Họ “ngồi cùng bàn”, xem ra thân thiện, nhưng ‘trong lòng chỉ chực làm hại’. Chiến thuật ngoại giao ‘ngồi cùng bàn mà cứ nói dối’ không thể nào đẩy mạnh hòa bình thật được. Còn tham vọng về chính trị, thương mại và quân sự của họ, ‘sự việc chẳng thành’ vì sự cuối cùng của hai vua sẽ đến ‘nơi kỳ định’ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
“ĐỐI-ĐỊCH CÙNG GIAO-ƯỚC THÁNH”
6, 7. (a) Vua phương bắc “trở về đất mình” theo nghĩa nào? (b) Vua phương nam đáp ứng như thế nào trước sự mở rộng ảnh hưởng của vua phương bắc?
6 Thiên sứ của Đức Chúa Trời nói tiếp: “Vua [phương bắc] sẽ trở về đất mình với nhiều của-cải lắm; lòng người đã rắp đối-địch cùng giao-ước thánh, và người sẽ làm theo ý mình [“hành động hữu hiệu”, NW], và trở về đất mình”.—Đa-ni-ên 11:28.
7 Kaiser Wilhelm trở lại “đất”, hay là tình trạng của vua phương bắc thuở xưa. Bằng cách nào? Bằng việc xây dựng một nền cai trị có tính cách đế quốc với mục đích mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng của Đế Quốc Đức. Wilhelm II theo đuổi mục tiêu chiếm thuộc địa ở Phi Châu và các nơi khác. Vì muốn thách đố quyền bá chủ hải lực của Anh Quốc, ông cho thiết lập một lực lượng hải quân hùng hậu. Sách bách khoa The New Encyclopædia Britannica nói: “Lực lượng hải quân của Đức đi từ chỗ không đáng kể lên đến hàng thứ hai sau Anh Quốc chỉ trong vòng hơn một thập niên. Để duy trì quyền bá chủ, Anh Quốc phải bành trướng chương trình hải quân của mình. Anh Quốc cũng điều đình để có hiệp ước thân thiện với Pháp và một thỏa ước tương tự với Nga, tạo thành Khối Tay Ba. Bây giờ Âu Châu được chia ra làm hai phe quân sự—một phe là Liên Minh Tay Ba và một phe là Khối Tay Ba.
8. Đế Quốc Đức thâu được “nhiều của-cải lắm” như thế nào?
8 Đế Quốc Đức theo đuổi một chính sách gây hấn, kết quả là thâu được “nhiều của-cải lắm” cho mình vì là nước đứng đầu trong Liên Minh Tay Ba. Áo-Hung và Ý là những nước theo Công Giáo La Mã. Do đó, Liên Minh Tay Ba được giáo hoàng ủng hộ, trong khi đó Khối Tay Ba, tức vua phương nam phần lớn không phải Công Giáo, nên không được ân huệ này.
9. Lòng của vua phương bắc “đối-địch cùng giao-ước thánh” như thế nào?
9 Còn về dân sự của Đức Giê-hô-va thì sao? Từ lâu họ đã công bố là “các kỳ dân ngoại” sẽ chấm dứt vào năm 1914.a (Lu-ca 21:24) Trong năm đó, Nước Trời trong tay của Chúa Giê-su Christ, Người Kế Tự Vua Đa-vít, được thiết lập ở trên trời. (2 Sa-mu-ên 7:12-16; Lu-ca 22:28, 29) Ngay từ tháng 3 năm 1880, tạp chí Tháp Canh đã liên kết sự cai trị của Nước Trời với sự chấm dứt “các kỳ dân ngoại”. Nhưng lòng của vua phương bắc là nước Đức ‘đối-địch cùng giao-ước thánh’. Thay vì thừa nhận sự cai trị của Nước Trời, Kaiser Wilhelm ‘hành động một cách hữu hiệu’ bằng cách khởi xướng mưu đồ cai trị thế giới. Nhưng khi làm thế, ông ta đã gieo mầm mống cho Thế Chiến I.
VỊ VUA TRỞ NÊN “LO-BUỒN” TRONG CUỘC CHIẾN
10, 11. Thế Chiến I bùng nổ như thế nào, và nó xảy ra vào ‘kỳ định’ như thế nào?
10 Thiên sứ báo trước: “Đến kỳ đã định, người sẽ trở lại và vào phương nam; nhưng lần sau không giống như lần trước”. (Đa-ni-ên 11:29) ‘Kỳ định’ của Đức Chúa Trời để chấm dứt sự cai trị của Dân Ngoại trên mặt đất đã đến vào năm 1914 khi Ngài thành lập Nước Trời ở trên trời. Vào ngày 28 tháng 6 năm đó, Hoàng Tử nước Áo là Francis Ferdinand và vợ bị một tên khủng bố người Serbia ám sát ở Sarajevo, Bosnia. Biến cố này châm ngòi cho Thế Chiến I.
11 Kaiser Wilhelm đòi Áo-Hung trả thù Serbia. Vì được Đức cam đoan ủng hộ, Áo-Hung tuyên chiến với Serbia vào ngày 28-7-1914. Nhưng Nga đến cứu viện Serbia. Khi Đức tuyên chiến với Nga thì Pháp (một đồng minh trong Khối Tay Ba) đứng về phía Nga. Đức liền tuyên chiến luôn với Pháp. Để dễ dàng tiến chiếm Paris, Đức xâm lăng Bỉ, một nước trung lập được Anh Quốc bảo đảm. Vì vậy Anh Quốc tuyên chiến với Đức. Những nước khác cũng lâm vào cuộc, còn Ý thì đổi bên. Trong lúc chiến tranh, Anh Quốc bảo hộ Ai Cập để ngăn ngừa vua phương bắc cắt đứt Kênh Đào Suez và xâm lăng Ai Cập, vùng đất xưa của vua phương nam.
12. Trong thế chiến thứ nhất, sự việc “không giống như lần trước” như thế nào?
12 Cuốn bách khoa The World Book Encyclopedia nói: “Bất chấp tầm vóc và sức mạnh của phe Đồng Minh, xem ra Đức gần thắng trận”. Trong những cuộc xung đột trước đó giữa hai vua, Đế Quốc La Mã, với tư cách là vua phương bắc, đã chiến thắng liên tục. Nhưng lần này “không giống như lần trước”. Vua phương bắc thua trận. Thiên sứ cho biết lý do thua như sau: “Vì những tàu ở Kít-tim sẽ đến nghịch cùng người; cho nên người sẽ lo-buồn”. (Đa-ni-ên 11:30a) “Những tàu ở Kít-tim” là gì?
13, 14. (a) “Những tàu ở Kít-tim” đánh lại vua phương bắc là gì? (b) Khi thế chiến thứ nhất tiếp diễn, có thêm tàu từ Kít-tim đến như thế nào?
13 Vào thời Đa-ni-ên, Kít-tim là Cyprus. Khi thế chiến thứ nhất mới khởi đầu, Cyprus đã bị Anh Quốc thôn tính. Ngoài ra, theo cuốn The Zondervan Pictorial Encyclopedia of the Bible, tên Kít-tim “theo nghĩa rộng, bao gồm cả Tây Phương, nhưng đặc biệt những nước Tây Phương có lợi thế về đường biển”. Bản dịch Kinh Thánh New International Version dịch “những tàu ở Kít-tim” là “những tàu ở miền biển phía tây”. Trong thế chiến thứ nhất, những tàu ở Kít-tim chính là những tàu của Anh Quốc, đậu dọc theo bờ biển phía tây của Âu Châu.
14 Khi chiến tranh tiếp diễn, lực lượng Hải Quân Anh mạnh hơn nhờ có thêm các tàu của Kít-tim. Vào ngày 7-5-1915, tàu ngầm Đức U-20 đánh chìm tàu dân sự Lusitania nơi bờ biển phía nam của Ireland. Trong số hành khách thiệt mạng, có 120 người Mỹ. Sau đó, Đức mở rộng chiến tranh bằng tàu ngầm đến vùng biển Đại Tây Dương. Tiếp theo đó, vào ngày 6-4-1917, Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson tuyên chiến với Đức. Được tăng cường bởi các chiến hạm và quân đội Hoa Kỳ, vua phương nam—bây giờ là Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ—tranh chiến qui mô với vua đối nghịch.
15. Vua phương bắc trở nên “lo-buồn” khi nào?
15 Bị Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ tấn công, vua phương bắc trở nên “lo-buồn” và phải nhận thất trận vào tháng 11-1918. Wilhelm II phải trốn lưu vong ở Hà Lan, và Đức trở thành một cộng hòa. Nhưng vua phương bắc chưa bỏ cuộc.
VỊ VUA HÀNH ĐỘNG “HỮU HIỆU”
16. Theo lời tiên tri, vua phương bắc phản ứng thế nào trước sự bại trận?
16 Thiên sứ tiên tri: “Người [vua phương bắc]... trở về. Người sẽ tức giận nghịch cùng giao-ước thánh, và làm theo ý mình [“hành động hữu hiệu”, NW]. Người sẽ trở về, và coi trọng những kẻ bỏ giao-ước thánh”. (Đa-ni-ên 11:30b) Điều này đã thật sự xảy ra.
17. Điều gì đưa tới việc Hitler nổi dậy?
17 Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1918, phe Đồng Minh chiến thắng buộc Đức phải ký một hiệp ước hòa bình nhằm trừng phạt Đức. Dân Đức cảm thấy nhiều điều khoản trong hiệp ước có tính cách khắc nghiệt, và tân cộng hòa lỏng lẻo ngay từ lúc đầu. Nước Đức bị rung rinh trong mấy năm khó khăn cùng cực và phải trải qua cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế khiến hơn sáu triệu người thất nghiệp. Vào đầu thập niên 1930, tình trạng đã chín mùi để Adolf Hitler nổi dậy. Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng vào tháng 1 năm 1933 và năm sau ông đảm nhiệm chức vụ quốc trưởng của cái được gọi là Quốc Xã hay là Đệ Tam Quốc Xã.b
18. Hitler đã “hành động hữu hiệu” như thế nào?
18 Sau khi nắm được quyền hành, ngay lập tức Hitler tung ra một cuộc tấn công dữ dội vào “giao-ước thánh”, do các anh em được xức dầu của Chúa Giê-su Christ đại diện. (Ma-thi-ơ 25:40) Với cuộc tấn công này, ông đã tỏ ra “hữu hiệu” trong việc chống lại các tín đồ Đấng Christ trung thành và hành hạ cách tàn nhẫn nhiều người trong số họ. Hitler đã thành công về kinh tế và ngoại giao, và trong lãnh vực này, ông cũng hành động “hữu hiệu” vậy. Chỉ trong vài năm, ông đã làm cho nước Đức được coi như một cường quốc trên diễn trường thế giới.
19. Để tìm kiếm sự ủng hộ, Hitler đã liên minh với ai?
19 Hitler “coi trọng những kẻ bỏ giao-ước thánh”. Những kẻ này là ai? Bằng cớ cho thấy đó là giới lãnh đạo các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, những người tự nhận ở trong liên lạc giao ước với Đức Chúa Trời nhưng không còn là môn đồ của Chúa Giê-su Christ nữa. Hitler đã thành công trong việc kêu gọi “những kẻ bỏ giao-ước thánh” ủng hộ. Chẳng hạn, ông đã ký thỏa ước với giáo hoàng ở Rô-ma. Vào năm 1935, Hitler cho thành lập Bộ Tôn Giáo. Một trong các mục tiêu của ông là đem các giáo hội Tin Lành dưới quyền kiểm soát của nhà nước.
“QUÂN-LÍNH” RA TỪ VUA
20. Vua phương bắc dùng “quân-lính” nào, và đánh ai?
20 Chẳng bao lâu Hitler lâm trận, đúng như thiên sứ đã tiên tri: “Những quân-lính của người mộ sẽ dấy lên, làm ô-uế nơi thánh cùng đồn-lũy, cất của-lễ thiêu hằng dâng”. (Đa-ni-ên 11:31a) Vua phương bắc đã dùng “quân-lính” này để đánh vua phương nam trong Thế Chiến II. Vào ngày 1-9-1939, “quân-lính” Quốc Xã xâm chiếm Ba Lan. Hai ngày sau, Anh Quốc và Pháp tuyên chiến với Đức để cứu Ba Lan, và do đó Thế Chiến II bùng nổ. Ba Lan sụp đổ mau chóng, và sau đó chẳng bao lâu, lực lượng Đức thôn tính Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Pháp. Sách bách khoa The World Book Encyclopedia nói: “Vào cuối năm 1941, Đức Quốc Xã thống trị lục địa Âu Châu”.
21. Làn sóng đổ ụp trên vua phương bắc như thế nào trong Thế Chiến II, và kết quả là gì?
21 Mặc dù Đức và Liên Bang Sô Viết đã ký Hiệp Định Thân Hữu, Hợp Tác và Phân Định Ranh Giới, Hitler cũng cứ tiến hành xâm lăng lãnh thổ Sô Viết vào ngày 22-6-1941. Hành động này của Đức khiến Sô Viết đứng về phía Anh Quốc. Quân đội Nga chống trả kịch liệt bất chấp sự tiến quân thần tốc của lực lượng Đức vào lúc đầu. Vào ngày 6-12-1941, quân đội Đức bị bại trận ở Moscow. Ngày hôm sau, đồng minh của Đức là Nhật Bản dội bom Trân Châu Cảng ở Hawaii. Khi biết được tin này, Hitler nói với các phụ tá của ông: “Bây giờ chúng ta không thể nào còn thua trận được nữa”. Vào ngày 11 tháng 12, ông ta hấp tấp tuyên chiến với Hoa Kỳ. Nhưng ông đã đánh giá quá thấp sức mạnh của cả Sô Viết lẫn Hoa Kỳ. Quân Nga tấn công từ phía đông; quân lực Anh và Mỹ giáp lại từ phía tây, chẳng mấy chốc, đổ ụp trên Hitler. Lực lượng Đức mất hết căn cứ này đến căn cứ khác. Sau khi Hitler tự vận, nước Đức đầu hàng phe Đồng Minh vào ngày 7-5-1945.
22. Vua phương bắc ‘làm ô-uế nơi thánh, và cất đi của-lễ thiêu hằng dâng’ như thế nào?
22 Thiên sứ nói: “[Quân đội Đức] sẽ làm ô-uế nơi thánh cùng đồn-lũy, cất đi của-lễ thiêu hằng dâng”. Trong nước Giu-đa xưa, nơi thánh là một phần của đền thờ Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, khi dân Do Thái chối bỏ Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va cũng chối bỏ họ cùng đền thờ của họ. (Ma-thi-ơ 23:37–24:2) Kể từ thế kỷ thứ nhất CN, đền thờ của Đức Giê-hô-va là một đền thờ thiêng liêng với nơi chí thánh ở trên trời, và hành lang thiêng liêng trên đất, nơi phụng sự của các anh em được xức dầu của Chúa Giê-su, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Từ thập niên 1930 trở đi, đám đông “vô-số người” đã đến thờ phượng cùng với những người xức dầu còn sót lại, và do đó, có thể nói là họ phụng sự ‘trong đền-thờ của Đức Chúa Trời’. (Khải-huyền 7:9, 15; 11:1, 2; Hê-bơ-rơ 9:11, 12, 24) Tại những quốc gia nằm dưới quyền kiểm soát của mình, vua phương bắc làm ô uế hành lang trên đất của đền thờ bằng cách không ngừng bắt bớ những người xức dầu còn sót lại và bạn đồng hành của họ. Sự bắt bớ trầm trọng đến nỗi “của-lễ thiêu hằng dâng”—tức của tế lễ bằng lời ngợi khen danh Đức Giê-hô-va—bị cất đi. (Hê-bơ-rơ 13:15) Tuy nhiên, dù bị khổ sở tột độ, những tín đồ Đấng Christ xức dầu trung thành cùng với các “chiên khác” tiếp tục rao giảng trong Thế Chiến II.—Giăng 10:16.
‘SỰ GỚM-GHIẾC ĐƯỢC LẬP LÊN’
23. Vào thế kỷ thứ nhất, “sự gớm-ghiếc” là cái gì?
23 Khi thế chiến thứ hai gần chấm dứt thì một diễn biến khác xảy ra như thiên sứ của Đức Chúa Trời nói trước: “[Chúng] lập sự gớm-ghiếc làm ra sự hoang-vu”. (Đa-ni-ên 11:31b) Chúa Giê-su cũng nói đến “sự gớm-ghiếc”. Trong thế kỷ thứ nhất, sự gớm ghiếc chính là quân đội La Mã khi tới Giê-ru-sa-lem vào năm 66 CN để dẹp những người Do Thái nổi loạn.c—Ma-thi-ơ 24:15; Đa-ni-ên 9:27.
24, 25. (a) Ngày nay “sự gớm-ghiếc” là gì? (b) ‘Sự gớm-ghiếc được lập lên’ khi nào và như thế nào?
24 Thời nay “sự gớm-ghiếc” nào được ‘lập lên’? Rõ ràng là sự “gớm-ghiếc” giả mạo làm Nước Trời. Ấy là Hội Quốc Liên, con thú màu đỏ sặm đã bị xuống vực thẳm, tức đã bị giải thể, không còn là một tổ chức hòa bình thế giới nữa khi Thế Chiến II bùng nổ. (Khải-huyền 17:8) Tuy nhiên, “con thú” đó lại “từ dưới vực đi lên”. Điều này xảy ra khi Liên Hiệp Quốc, với 50 quốc gia hội viên trong đó có cả cựu Liên Bang Sô Viết, được thành lập vào ngày 24-10-1945. Do đó, “sự gớm-ghiếc” mà thiên sứ báo trước—Liên Hiệp Quốc—được lập lên.
25 Nước Đức từng là kẻ thù chính của vua phương nam trong cả hai thế chiến và đã đóng vai trò vua phương bắc. Ai sẽ là người kế tiếp đóng vai trò vua này?
[Chú thích]
b Đế Quốc La Mã Thánh là đệ nhất đế quốc, và Đế Quốc Đức là đệ nhị.
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?
• Vào cuối thế kỷ 19, những cường quốc nào đóng vai trò vua phương bắc và vua phương nam?
• Trong Thế Chiến I, kết quả cuộc xung đột giữa hai vua cho thấy đối với vua phương bắc, sự việc “không giống như lần trước” như thế nào?
• Sau Thế Chiến I, Hitler đã làm cho nước Đức được coi như một cường quốc trong diễn trường thế giới như thế nào?
• Sự đối nghịch giữa vua phương bắc và vua phương nam trong Thế Chiến II đưa lại kết quả nào?
[Biểu đồ/Các hình nơi trang 268]
CÁC VUA NƠI ĐA-NI-ÊN 11:27-31
Vua Vua
Phương Bắc Phương Nam
Đa-ni-ên 11:30b, 31 Đệ Tam Quốc Xã của Cường Quốc
Hitler (Thế Chiến II) Thế Giới Anh-Mỹ
[Hình]
Tổng Thống Woodrow Wilson với Vua George V
[Hình]
Nhiều tín đồ Đấng Christ bị hành hạ trong các trại tập trung
[Hình]
Các nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ ủng hộ Hitler
[Hình]
Hoàng Tử Ferdinand bị ám sát trên chiếc xe này
[Hình]
Lính Đức, Thế Chiến I
[Hình nơi trang 257]
Tại Yalta vào năm 1945, Thủ Tướng Anh Winston Churchill, Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, và Thủ Tướng Nga Joseph Stalin đồng ý về kế hoạch chiếm nước Đức, thành lập tân chính quyền ở Ba Lan, và triệu tập một hội nghị để thành lập Liên Hiệp Quốc
[Hình nơi trang 258]
1. Hoàng Tử Ferdinand 2. Hải quân Đức 3. Hải quân Anh 4. Lusitania 5. Hoa Kỳ tuyên chiến
[Hình nơi trang 263]
Adolf Hitler cảm thấy tự tin chiến thắng sau khi Nhật Bản, một đồng minh của Đức trong thời chiến, dội bom Trân Châu Cảng