Kinh Thánh thay đổi đời sống
Tại sao một người từng theo tục đa thê và chống đối Nhân Chứng Giê-hô-va lại quyết định trở thành Nhân Chứng? Điều gì thúc đẩy một mục sư Giáo hội Ngũ Tuần thay đổi niềm tin của mình? Điều gì giúp một phụ nữ lớn lên trong thảm kịch có thể vượt qua cảm giác căm ghét bản thân và đến gần Đức Chúa Trời? Tại sao một người say mê nhạc kích động lại trở thành người rao truyền tin mừng? Hãy đọc những câu chuyện dưới đây để biết câu trả lời.
“Tôi đã trở nên một người chồng tốt hơn”.—RIGOBERT HOUETO
NĂM SINH: 1941
NƠI SINH: BENIN
QUÁ KHỨ: THEO TỤC ĐA THÊ, CHỐNG ĐỐI NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA
ĐỜI SỐNG TRƯỚC ĐÂY:
Quê tôi ở Cotonou, một thành phố lớn thuộc Benin. Tôi lớn lên theo Công giáo nhưng không đi lễ thường xuyên. Nhiều người Công giáo nơi tôi sống có nhiều vợ, vì tục đa thê được xem là hợp pháp thời bấy giờ. Và tôi đã cưới bốn vợ.
Khi một cuộc cách mạng nổ ra vào thập niên 1970, tôi nghĩ nó sẽ mang lại lợi ích cho đất nước. Tôi ủng hộ cuộc cách mạng đó hết mình và tham gia chính trị. Những nhà cách mạng không thích Nhân Chứng Giê-hô-va vì Nhân Chứng giữ vị thế trung lập về chính trị. Tôi ở trong số những người đã bắt bớ các Nhân Chứng. Khi các giáo sĩ của Nhân Chứng bị đuổi khỏi nước vào năm 1976, tôi tin chắc họ sẽ không bao giờ quay lại.
CÁCH KINH THÁNH THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG:
Cuộc cách mạng ấy kết thúc vào năm 1990. Tôi ngạc nhiên khi thấy không lâu sau các giáo sĩ của Nhân Chứng lại xuất hiện. Tôi bắt đầu nghĩ rằng có lẽ Đức Chúa Trời ở cùng những người này. Trong khoảng thời gian đó, tôi chuyển chỗ làm. Một đồng nghiệp mới của tôi là Nhân Chứng, anh ấy liền chia sẻ với tôi niềm tin của mình. Anh cho tôi xem những câu Kinh Thánh miêu tả Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời yêu thương và công bằng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; 1 Giăng 4:8). Những đức tính đó đã thu hút tôi. Tôi muốn biết thêm về Đức Giê-hô-va, và vì thế chấp nhận lời mời học Kinh Thánh.
Không lâu sau tôi bắt đầu tham dự các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều tôi thấy ấn tượng là tình yêu thương chân thật, không phân biệt chủng tộc hoặc tầng lớp xã hội. Càng tiếp xúc với Nhân Chứng, tôi càng tin chắc họ là môn đồ thật của Chúa Giê-su.—Giăng 13:35.
Tôi nhận ra rằng nếu muốn phụng sự Đức Giê-hô-va, tôi phải từ bỏ Giáo hội Công giáo. Không dễ để thực hiện điều này, vì tôi e ngại những gì người khác nghĩ về mình. Sau một thời gian dài cùng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, tôi thu hết can đảm và rút tên khỏi nhà thờ.
Vẫn còn một sự thay đổi lớn khác mà tôi cần làm. Qua quá trình học hỏi Kinh Thánh, tôi biết rằng Đức Chúa Trời không chấp nhận tục đa thê (Sáng-thế Ký 2:18-24; Ma-thi-ơ 19:4-6). Trước mắt Ngài, chỉ cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi là có giá trị. Vì thế, tôi hợp thức hóa với người vợ đầu tiên và hủy hôn với những người vợ kia, đồng thời sắp đặt để chu cấp nhu cầu vật chất cho họ. Với thời gian, hai trong số những người vợ cũ của tôi đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.
LỢI ÍCH:
Dù vẫn theo Công giáo nhưng vợ tôi tôn trọng quyết định của tôi là phụng sự Đức Giê-hô-va. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy tôi đã trở nên một người chồng tốt hơn.
Tôi từng nghĩ mình có thể cải thiện cộng đồng qua công tác chính trị, nhưng những nỗ lực đó quả là vô ích. Nay tôi nhận ra rằng chỉ có Nước Đức Chúa Trời mới có thể giải quyết mọi vấn đề của nhân loại (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va đã cho tôi biết làm thế nào để có một đời sống thật sự hạnh phúc.
“Không dễ để thay đổi những điều cần thiết đó”.—ALEX LEMOS SILVA
NĂM SINH: 1977
NƠI SINH: BRAZIL
QUÁ KHỨ: MỤC SƯ ĐẠO NGŨ TUẦN
ĐỜI SỐNG TRƯỚC ĐÂY:
Tôi lớn lên ở vùng ngoại ô Itu, tiểu bang São Paulo. Nơi này nổi tiếng là có nhiều tội phạm.
Tôi vô cùng hung bạo và vô luân, đồng thời cũng buôn bán ma túy. Rồi tôi dần nhận ra rằng lối sống như thế chỉ đưa tôi vào nhà tù hoặc nghĩa địa, thế nên tôi từ bỏ. Sau đó tôi vào đạo Ngũ Tuần và cuối cùng trở thành mục sư.
Tôi cảm thấy mình thật sự có thể giúp ích cho người khác qua những việc mình làm trong đạo. Thậm chí tôi còn phát thanh chương trình về tôn giáo qua radio của cộng đồng và vì vậy trở nên nổi tiếng trong vùng. Tuy nhiên, dần dần tôi nhận ra rằng đạo mình nhìn chung không quan tâm mấy đến lợi ích của các thành viên, và thậm chí còn ít quan tâm hơn đến việc tôn vinh Đức Chúa Trời. Tôi có cảm giác rằng mục tiêu của nhà thờ chỉ là quyên tiền. Và tôi đã bỏ đạo.
CÁCH KINH THÁNH THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG:
Khi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi có thể thấy ngay họ khác biệt với các tôn giáo khác. Tôi thấy hai điểm nổi bật nơi họ. Thứ nhất, Nhân Chứng Giê-hô-va không chỉ nói yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận mà còn thể hiện tình yêu thương đó. Thứ hai, họ không can dự đến chính trị hoặc chiến tranh (Ê-sai 2:4). Hai yếu tố đó thuyết phục tôi tin rằng mình đã tìm được tôn giáo thật, tức con đường chật dẫn đến sự sống.—Ma-thi-ơ 7:13, 14.
Tôi biết nếu muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời thì phải thực hiện một số thay đổi lớn: Cần phải quan tâm đến gia đình nhiều hơn, và cũng phải khiêm nhường hơn. Không dễ để thay đổi những điều cần thiết đó, nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, tôi đã làm được. Vợ tôi rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của tôi. Vợ tôi học Kinh Thánh trước tôi, nhưng nay đang tiến bộ nhanh. Không lâu sau, cả hai chúng tôi đều muốn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, và chúng tôi chịu phép báp-têm cùng một ngày.
LỢI ÍCH:
Vợ chồng tôi có được niềm vui giúp ba người con phát triển mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Chúng tôi là một gia đình hạnh phúc. Cảm tạ Đức Giê-hô-va đã giúp tôi nhận ra sự thật trong Lời Ngài là Kinh Thánh. Kinh Thánh quả có quyền lực thay đổi đời sống người ta! Tôi là một bằng chứng sống.
“Tôi cảm thấy trong sạch, được sống và sống thỏa nguyện”.—VICTORIA TONG
NĂM SINH: 1957
NƠI SINH: ÚC
QUÁ KHỨ: TUỔI THƠ ĐẦY THẢM KỊCH
ĐỜI SỐNG TRƯỚC ĐÂY:
Tôi lớn lên ở Newcastle, tiểu bang New South Wales, là con cả trong bảy người con có người cha hung dữ, nghiện rượu và người mẹ hung bạo. Mẹ thường đánh đập và chửi mắng tôi. Mẹ luôn nói rằng tôi là đứa tồi tệ và sẽ bị hành phạt trong lửa địa ngục. Những lời đe dọa như thế làm tôi rất sợ hãi.
Tôi thường phải nghỉ học vì những vết thương từ trận đòn của mẹ. Năm 11 tuổi, tôi bị tách khỏi cha mẹ và đưa đến một cơ sở của chính phủ, rồi sau đó đến một tu viện. Năm lên 14 tuổi, tôi trốn khỏi tu viện. Tôi không muốn trở về nhà nên sống vất vưởng trên những con đường của Kings Cross, ngoại ô Sydney.
Trong thời gian sống ở ngoài đường, tôi dùng ma túy, rượu, tài liệu khiêu dâm và hành nghề mại dâm. Một chuyện đã làm tôi thật sự hoảng sợ. Bấy giờ tôi vẫn sống trong căn hộ của một ông chủ hộp đêm. Một tối nọ, có hai người đàn ông đến gặp ông ấy. Ông bảo tôi đi vào phòng ngủ, nhưng tôi vẫn nghe được cuộc nói chuyện của họ. Ông chủ hộp đêm đang dàn xếp để bán tôi cho hai người đàn ông đó. Họ định giấu tôi trên một tàu chở hàng để đưa tôi đến làm việc cho một quán rượu ở Nhật. Tôi hốt hoảng, nhảy ra khỏi ban công và chạy đi tìm người giúp đỡ.
Tôi gặp một người đàn ông đang thăm thành phố Sydney, tôi trình bày hoàn cảnh của mình, hy vọng ông ấy sẽ cho tôi ít tiền. Nhưng không, ông mời tôi về chỗ ông ở để tắm rửa và ăn chút gì đó. Và rồi tôi không bao giờ rời khỏi nơi ấy. Một năm sau, chúng tôi cưới nhau.
CÁCH KINH THÁNH THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG:
Khi mới bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi có nhiều cảm xúc khác nhau. Tôi tức giận khi biết Sa-tan là nguyên nhân gây ra tội ác; trước đó tôi luôn được dạy rằng Đức Chúa Trời là Đấng khiến chúng ta đau khổ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng Ngài không hành hạ con người trong lửa địa ngục, một giáo lý khiến tôi sợ hãi từ trước đến giờ.
Điều gây ấn tượng đối với tôi là Nhân Chứng luôn để Kinh Thánh chi phối mọi quyết định của họ. Họ sống đúng theo niềm tin của mình. Tôi là một người khó chịu. Tuy nhiên, dù tôi nói hay làm gì đi nữa, các Nhân Chứng luôn đối xử với tôi cách yêu thương và tôn trọng.
Khó khăn lớn nhất của tôi là phải tranh đấu với cảm giác mình là người vô dụng. Tôi từng căm ghét bản thân, và cảm giác đó vẫn đeo đẳng tôi một thời gian dài sau khi đã làm báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi biết mình yêu thương Đức Giê-hô-va nhưng nghĩ rằng Ngài không thể yêu thương một người như tôi.
Tuy nhiên, có một biến chuyển lớn xảy ra khoảng 15 năm sau khi tôi làm báp-têm. Trong một bài giảng tại Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va, anh diễn giả đề cập đến những câu Kinh Thánh nơi Gia-cơ 1:23, 24. Những câu ấy so sánh Lời Đức Chúa Trời như một cái gương, và qua gương đó, chính chúng ta có thể nhìn thấy cách Đức Giê-hô-va nhìn chúng ta. Tôi bắt đầu thắc mắc không biết những gì tôi nhìn thấy nơi mình có khác với những gì Đức Giê-hô-va nhìn thấy không. Lúc đầu, tôi gạt bỏ ý tưởng mới mẻ đó. Tôi vẫn nghĩ rằng được Đức Giê-hô-va yêu thương là điều ngoài mong đợi.
Vài ngày sau, tôi đọc được một câu Kinh Thánh đã thay đổi đời tôi. Đó là câu Ê-sai 1:18, có trích dẫn lời Đức Giê-hô-va như sau: “Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện-luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng-điều, sẽ trở nên trắng như tuyết”. Tôi có cảm giác như thể Đức Giê-hô-va đang nói với tôi: “Vicky, hãy đến, để Cha con ta nói chuyện cùng nhau. Ta biết con, ta biết tội của con, ta biết lòng con, và ta yêu thương con”.
Đêm đó tôi không ngủ được. Tôi vẫn không thể tin Đức Giê-hô-va yêu thương tôi, nhưng tôi bắt đầu nghĩ về sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Thật bất ngờ, suy nghĩ đó giúp tôi nhận ra rằng Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn với tôi suốt thời gian dài, đã chứng tỏ cho tôi thấy Ngài yêu thương tôi qua rất nhiều cách. Nhưng thật ra, tôi như đang nói với Ngài: “Tình yêu thương của Ngài không đủ lớn để bao gồm cả con. Giá chuộc của Con Ngài không đủ để chuộc con”. Lối suy nghĩ đó như thể là tôi đang ném trả giá chuộc lại cho Đức Giê-hô-va. Nhưng hiện nay, qua quá trình suy ngẫm về món quà giá chuộc, cuối cùng tôi đã bắt đầu cảm thấy mình được Đức Giê-hô-va yêu thương.
LỢI ÍCH:
Tôi cảm thấy trong sạch, được sống và sống thỏa nguyện. Hôn nhân của tôi trở nên tốt hơn, tôi vui là mình có thể dùng kinh nghiệm của mình để giúp người khác. Tôi cảm thấy gần gũi với Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết.
“Đây là cách lời cầu nguyện của tôi được nhậm”.—SERGEY BOTANKIN
NĂM SINH: 1974
NƠI SINH: NGA
QUÁ KHỨ: MÊ NHẠC KÍCH ĐỘNG
ĐỜI SỐNG TRƯỚC ĐÂY:
Tôi sinh ra tại Votkinsk, sinh quán của nhạc sĩ nổi tiếng Pyotr Ilich Tchaikovsky. Gia đình tôi thuộc dạng nghèo khó. Cha tôi có nhiều tính tốt nhưng lại là một người nghiện rượu, vì thế không khí trong gia đình luôn căng thẳng.
Tôi không phải là một học sinh giỏi, và qua thời gian, trong tôi hình thành cảm giác tự ti. Tôi thu mình lại và mất lòng tin vào người khác. Đến trường là điều rất căng thẳng đối với tôi. Chẳng hạn, khi phải trình bày trước lớp, tôi thường không thể giải thích ngay cả những khái niệm cơ bản mà tôi có thể diễn đạt vào những lúc khác. Cuối năm lớp tám, trong sổ học bạ của tôi có ghi: “Giới hạn về từ vựng, không có khả năng nói lên suy nghĩ”. Những lời đó làm lòng tôi tan nát và càng khiến tôi cảm thấy mình vô dụng. Tôi bắt đầu thắc mắc không biết mục đích đời sống của tôi là gì.
Trong những năm thời niên thiếu, tôi đã bắt đầu uống rượu. Lúc đầu, rượu làm tôi cảm thấy khoan khoái. Nhưng khi uống quá nhiều thì tôi lại bị lương tâm cắn rứt. Cuộc đời tôi dường như vô nghĩa. Tôi càng bị trầm cảm hơn, đôi khi không ra khỏi nhà trong nhiều ngày. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện tự tử.
Năm lên 20 tuổi, tôi tìm được một giải pháp mới nhưng tạm thời. Tôi khám phá ra loại nhạc kích động. Tôi cảm thấy mình có sức lực nhờ loại nhạc này và đi tìm những người yêu thích nó. Tôi để tóc dài, xỏ lỗ tai và ăn mặc giống như những nhạc sĩ tôi hâm mộ. Dần dần, tôi trở nên liều lĩnh và nóng nảy, thường cãi nhau với gia đình.
Tôi nghĩ rằng nghe nhạc kích động sẽ làm tôi vui, nhưng kết quả thì ngược lại. Tôi đang trở thành một con người khác! Khi biết một số vụ bê bối của những ngôi sao ca nhạc tôi từng hâm mộ, tôi cảm thấy bị phản bội.
Một lần nữa tôi lại nghĩ đến chuyện tự tử, lần này là nghiêm túc. Điều duy nhất ngăn cản tôi là nghĩ đến cảm xúc của mẹ. Mẹ rất thương tôi và đã làm quá nhiều cho tôi. Tình cảnh này khiến tôi bị giằng co. Tôi thật sự không muốn sống nữa nhưng không thể chấm dứt cuộc đời mình.
Để khỏi nghĩ đến chuyện tự tử, tôi bắt đầu đọc văn chương cổ điển Nga. Có một truyện kể về vị anh hùng phục vụ trong nhà thờ. Bất ngờ tôi cảm thấy muốn làm gì đó cho Đức Chúa Trời và người khác. Tôi trải lòng mình với Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện, một điều tôi chưa từng làm. Tôi xin Ngài cho biết làm thế nào để sống một cuộc đời có mục đích. Trong khi cầu nguyện, tôi cảm thấy nhẹ nhõm đến không ngờ. Chuyện xảy ra sau đó càng đáng ngạc nhiên hơn. Chỉ hai giờ sau, một Nhân Chứng Giê-hô-va gõ cửa nhà tôi và mời tôi học Kinh Thánh. Tôi tin đây là cách lời cầu nguyện của tôi được nhậm. Đó là ngày đầu tiên của một đời sống mới và hạnh phúc.
CÁCH KINH THÁNH THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG:
Dù rất khó làm, nhưng tôi đã vứt bỏ hết mọi thứ liên quan đến nhạc kích động. Tuy nhiên, loại nhạc đó cứ lởn vởn trong đầu tôi suốt một thời gian dài. Mỗi khi vô tình đi ngang qua một nơi đang mở loại nhạc đó, lập tức tôi nhớ lại quá khứ. Tôi không muốn pha trộn những ký ức xấu xa đó với những điều tốt lành đang bén rễ trong trí và lòng tôi. Thế là tôi cố tránh những nơi như thế. Mỗi lần bị cám dỗ nhớ lại quá khứ, tôi cầu nguyện tha thiết. Nhờ vậy tôi mới cảm nhận được “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết”.—Phi-líp 4:7.
Khi học Kinh Thánh, tôi biết các môn đồ của Chúa Giê-su có bổn phận phải chia sẻ niềm tin với người khác (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Thật lòng tôi cảm thấy mình không thể nào làm được điều này. Đồng thời, những điều mới mẻ mà tôi học được đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao và sự bình an nội tâm. Tôi nhận ra rằng người khác cũng cần được biết những sự thật này. Bất chấp nỗi sợ hãi, tôi bắt đầu nói với người khác về những điều đang học. Thật không ngờ, nhờ nói về Kinh Thánh với người khác, tôi tự tin hơn. Làm thế cũng giúp tôi vững tin nơi những điều mới học được.
LỢI ÍCH:
Đời sống hôn nhân của tôi hiện nay rất hạnh phúc, tôi có được niềm vui trong việc giúp một số người học Kinh Thánh, trong đó có em gái và mẹ tôi. Phụng sự Đức Chúa Trời và giúp người khác học về Ngài đã giúp đời sống tôi có ý nghĩa thật sự.