BÀI HỌC 34
“Tiếp tục bước theo chân lý”
“Tiếp tục bước theo chân lý”.—3 GIĂNG 4.
BÀI HÁT 111 Những lý do khiến chúng ta vui mừng
GIỚI THIỆUa
1. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi kể về cách mình biết đến “chân lý”?
“Anh chị biết chân lý như thế nào?” Hẳn anh chị đã trả lời câu hỏi này nhiều lần. Đó là một trong những điều đầu tiên mà anh em đồng đạo hỏi khi họ làm quen với chúng ta. Chúng ta thích nghe các anh em kể làm thế nào họ biết và yêu mến Đức Giê-hô-va, và chúng ta cũng vui khi cho họ biết tại sao mình trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va (Rô 1:11). Những cuộc nói chuyện như thế nhắc chúng ta nhớ chân lý quý báu như thế nào. Chúng ta cũng càng quyết tâm để “tiếp tục bước theo chân lý”, tức là tiếp tục sống theo đường lối để được Đức Giê-hô-va chấp nhận và ban phước.—3 Giăng 4.
2. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?
2 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét một số lý do tại sao mình yêu mến chân lý. Rồi hãy thảo luận bằng cách nào chúng ta có thể tiếp tục cho thấy mình yêu mến món quà quý giá ấy. Xem xét những điều này hẳn sẽ giúp chúng ta càng quý trọng những điều Đức Giê-hô-va đã làm để kéo chúng ta đến với chân lý (Giăng 6:44). Điều đó cũng củng cố ước muốn của chúng ta để chia sẻ chân lý với người khác.
TẠI SAO CHÚNG TA YÊU MẾN “CHÂN LÝ”?
3. Lý do quan trọng nhất mà chúng ta yêu mến chân lý là gì?
3 Chúng ta yêu mến chân lý vì nhiều lý do. Nhưng lý do quan trọng nhất là vì chúng ta yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Nguồn của chân lý. Qua Lời ngài là Kinh Thánh, chúng ta biết ngài không chỉ là Đấng Sáng Tạo toàn năng của trời và đất, mà còn là Cha yêu thương trên trời, đấng dịu dàng quan tâm đến chúng ta (1 Phi 5:7). Chúng ta biết ngài là Đức Chúa Trời “thương xót và trắc ẩn, chậm nóng giận, giàu tình yêu thương thành tín và sự chân thật” (Xuất 34:6). Đức Giê-hô-va yêu công lý (Ê-sai 61:8). Ngài đau lòng khi thấy chúng ta chịu khổ, và ngài sẵn sàng cũng như rất muốn chấm dứt mọi đau khổ vào đúng thời điểm ấn định (Giê 29:11). Đó là thời điểm thật tuyệt vời! Không ngạc nhiên gì khi chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va rất nhiều!
4, 5. Tại sao sứ đồ Phao-lô ví niềm hy vọng của chúng ta với cái neo?
4 Lý do khác mà chúng ta yêu mến chân lý là gì? Chân lý mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Hãy xem một ví dụ. Chân lý trong Kinh Thánh chứa đựng niềm hy vọng về tương lai. Để minh họa giá trị của niềm hy vọng đó, sứ đồ Phao-lô viết: “Niềm hy vọng ấy như một cái neo cho sự sống chúng ta, chắc chắn và vững vàng” (Hê 6:19). Giống như cái neo giúp con thuyền đứng vững, niềm hy vọng dựa trên Kinh Thánh có thể giúp chúng ta không bị chao đảo khi đối mặt với thử thách trong đời sống.
5 Trong văn cảnh này, Phao-lô đang nói về niềm hy vọng lên trời mà các tín đồ được xức dầu trông mong. Nhưng lời của ông cũng áp dụng cho các tín đồ mong đợi được sống đời đời trong địa đàng (Giăng 3:16). Chắc chắn, việc biết hy vọng về sự sống vĩnh cửu giúp đời sống chúng ta có ý nghĩa.
6, 7. Chị Yvonne nhận được lợi ích nào khi biết chân lý?
6 Hãy xem kinh nghiệm của chị Yvonne. Chị không lớn lên trong chân lý, và lúc nhỏ chị rất sợ cái chết. Chị đã đọc một câu khiến chị nhớ mãi: “Một ngày nào đó sẽ không có ngày mai”. Chị cho biết: “Những lời này khiến tôi trằn trọc và nghĩ về tương lai. Tôi thắc mắc: ‘Chắc chắn đời sống không chỉ có thế. Tại sao mình lại có mặt trên đời này?’. Tôi không muốn chết!”.
7 Sau này, ở tuổi thanh thiếu niên, chị Yvonne gặp Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị kể lại: “Tôi bắt đầu tin rằng mình có hy vọng sống mãi mãi trong địa đàng”. Việc biết chân lý mang lại lợi ích nào cho chị? Chị nói thêm: “Tôi không còn trằn trọc vì lo lắng về tương lai hay cái chết”. Rõ ràng, chân lý rất quý báu với chị Yvonne, và chị thấy thỏa nguyện sâu xa khi chia sẻ hy vọng về tương lai với người khác.—1 Ti 4:16.
8, 9. (a) Trong một ngụ ngôn của Chúa Giê-su, người đàn ông đã cho thấy ông quý trọng báu vật mình tìm được như thế nào? (b) Anh chị quý chân lý đến mức nào?
8 Chân lý trong Kinh Thánh cũng bao gồm tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su ví sự thật về Nước Trời với báu vật được giấu kín. Nơi Ma-thi-ơ 13:44, ngài nói: “Nước Trời giống như báu vật được giấu ngoài ruộng mà một người kia tìm thấy rồi giấu lại. Vì vui mừng nên ông đi bán hết mọi thứ mình có mà mua thửa ruộng ấy”. Điều đáng lưu ý là người đàn ông không phải đang đi tìm báu vật. Nhưng khi tình cờ tìm thấy, ông đã hy sinh rất nhiều để có được nó. Thật ra, ông đã bán hết mọi thứ mình có. Tại sao? Vì ông biết báu vật ấy là vô giá. Nó có giá trị hơn bất cứ điều gì mà ông phải hy sinh.
9 Anh chị có cảm thấy như thế về chân lý không? Hẳn là có. Chúng ta biết không điều gì trong thế gian này có thể so sánh với niềm vui của việc phụng sự Đức Giê-hô-va ngay bây giờ và triển vọng được sống đời đời dưới sự cai trị của Nước Trời. Bất cứ điều gì mà chúng ta hy sinh để có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va đều đáng công. Niềm vui lớn nhất của chúng ta là “làm ngài vui lòng trọn vẹn”.—Cô 1:10.
10, 11. Điều gì đã thôi thúc anh Michael thay đổi đời sống?
10 Có những anh chị đã hy sinh nhiều điều để được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Một số đã bỏ sự nghiệp danh giá trong thế gian. Số khác ngưng theo đuổi sự giàu có. Cũng có những anh chị đã hoàn toàn thay đổi lối sống khi học biết về Đức Giê-hô-va. Đó là điều mà anh Michael đã làm. Anh không lớn lên trong chân lý. Lúc trẻ, anh học võ thuật. Anh cho biết: “Tôi tự hào vì có thân thể rắn chắc. Đôi khi tôi thấy mình là người bất khả chiến bại”. Nhưng khi bắt đầu học Kinh Thánh, anh Michael biết quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự hung bạo (Thi 11:5). Anh nói về cặp vợ chồng đã dạy Kinh Thánh cho anh: “Họ không bao giờ bảo tôi phải bỏ võ thuật; họ tiếp tục dạy tôi chân lý trong Kinh Thánh”.
11 Càng tìm hiểu về Đức Giê-hô-va, anh Michael càng yêu mến ngài. Anh đặc biệt cảm động về lòng thương xót của Đức Giê-hô-va dành cho những người thờ phượng ngài. Với thời gian, anh nhận ra mình cần đưa ra một quyết định quan trọng. Anh nói: “Bỏ môn võ karate là điều khó nhất đối với tôi. Nhưng tôi cũng biết điều đó sẽ làm Đức Giê-hô-va vui lòng, và tôi tin chắc rằng bất cứ những gì mình hy sinh để phụng sự ngài đều đáng công”. Anh Michael thấy rõ giá trị của chân lý, và điều đó thôi thúc anh thực hiện những thay đổi lớn trong đời sống.—Gia 1:25.
12, 13. Chân lý trong Kinh Thánh đã soi sáng chị Mayli như thế nào?
12 Để làm nổi bật giá trị của chân lý, Kinh Thánh ví chân lý với ngọn đèn soi sáng trong bóng tối (Thi 119:105; Ê-phê 5:8). Chị Mayli, người Azerbaijan, rất quý ánh sáng đến từ Lời Đức Chúa Trời. Chị lớn lên trong gia đình chia rẽ về tôn giáo. Cha chị theo đạo Hồi, còn mẹ là người Do Thái. Chị nói: “Dù chưa bao giờ nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời nhưng có nhiều điều làm tôi bối rối. Tôi thắc mắc: ‘Tại sao Đức Chúa Trời tạo ra con người? Có lợi ích gì khi con người chịu khổ cả đời rồi bị hành hạ dưới địa ngục?’. Vì người ta cho rằng mọi điều xảy ra là do ý Đức Chúa Trời nên tôi băn khoăn: ‘Liệu Đức Chúa Trời có gây ra vấn đề cho nhân loại, rồi thích thú nhìn họ đau khổ không?’”.
13 Chị Mayli tiếp tục tìm lời giải đáp cho những câu hỏi của mình. Với thời gian, chị chấp nhận tìm hiểu Kinh Thánh và sau đó vào chân lý. Chị cho biết: “Lập luận đầy sức thuyết phục của Kinh Thánh đã giúp tôi có cái nhìn lạc quan hơn về đời sống. Lời giải thích đáng tin cậy trong Lời Đức Chúa Trời mang lại cho tôi sự bình an nội tâm”. Giống như chị Mayli, tất cả chúng ta ngợi khen Đức Giê-hô-va vì ngài là “đấng đã gọi [chúng ta] ra khỏi bóng tối mà đến với ánh sáng diệu kỳ của ngài”.—1 Phi 2:9.
14. Làm thế nào để gia tăng lòng quý trọng đối với chân lý? (Cũng xem khung “Những hình ảnh so sánh khác”).
14 Chúng ta đã xem một số hình ảnh so sánh cho thấy giá trị của chân lý. Hẳn anh chị cũng nghĩ đến những hình ảnh khác. Khi học hỏi cá nhân, anh chị có thể tìm thêm lý do cho thấy chúng ta nên yêu mến chân lý. Càng yêu mến chân lý, chúng ta sẽ càng tìm cách để thể hiện lòng yêu mến đó.
CHÚNG TA CHO THẤY MÌNH YÊU MẾN CHÂN LÝ BẰNG CÁCH NÀO?
15. Một cách để cho thấy chúng ta yêu mến chân lý là gì?
15 Chúng ta có thể cho thấy mình yêu mến chân lý bằng cách đều đặn học hỏi Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Suy cho cùng, dù ở trong chân lý bao lâu đi nữa, chúng ta luôn có nhiều điều để học hỏi thêm. Số đầu tiên của tạp chí này nói: “Sự thật, giống như một bông hoa nhỏ bé đơn sơ giữa cảnh rối ren của cuộc đời, bị cỏ dại của sự sai trái mọc um tùm ở chung quanh làm cho nó gần như bị nghẹt. Nếu muốn tìm thấy sự thật, bạn phải luôn để ý tìm tòi... Nếu bạn muốn có được nó thì phải cúi xuống để nhặt nó. Đừng hài lòng với một bông hoa sự thật... Hãy tiếp tục thu lượm, tìm kiếm thêm”. Cần nỗ lực để học hỏi, nhưng điều đó là đáng công.
16. Đối với anh chị, phương pháp học hỏi Kinh Thánh nào là hữu hiệu? (Châm ngôn 2:4-6)
16 Không phải ai trong chúng ta cũng thích đọc và học hỏi. Nhưng Đức Giê-hô-va khuyên chúng ta “luôn tìm” và “hằng kiếm” để có sự hiểu biết sâu sắc hơn về chân lý. (Đọc Châm ngôn 2:4-6). Khi nỗ lực để làm thế, chúng ta luôn nhận được lợi ích. Về việc đọc Kinh Thánh cá nhân, anh Corey cho biết là mỗi lần anh tập trung vào từng câu một. Anh nói: “Tôi đọc tất cả các chú thích, tra các câu trong mục tham khảo và nghiên cứu thêm… Tôi học được rất nhiều điều nhờ đọc theo phương pháp này!”. Dù áp dụng phương pháp ấy hoặc phương pháp khác, chúng ta cho thấy mình quý trọng chân lý khi dành thời gian và nỗ lực để học hỏi.—Thi 1:1-3.
17. Sống theo chân lý có nghĩa gì? (Gia-cơ 1:25)
17 Dĩ nhiên, chúng ta biết chỉ học hỏi chân lý thôi thì chưa đủ. Để nhận lợi ích trọn vẹn, chúng ta phải sống theo chân lý, tức là áp dụng những điều mình học vào đời sống. Chỉ khi đó, chân lý mới mang lại cho chúng ta hạnh phúc thật. (Đọc Gia-cơ 1:25). Làm sao chúng ta biết chắc mình đang sống theo chân lý? Một anh gợi ý là tự xem xét để biết những khía cạnh mình đang làm tốt và những khía cạnh cần cải thiện. Sứ đồ Phao-lô nói: “Chúng ta đã tiến bộ đến mức nào thì hãy tiếp tục theo bước tiến ấy một cách trật tự”.—Phi-líp 3:16.
18. Tại sao chúng ta cố gắng hết sức để “tiếp tục bước theo chân lý”?
18 Hãy thử nghĩ đến những lợi ích khi chúng ta cố gắng hết sức để “tiếp tục bước theo chân lý”! Chúng ta không chỉ có đời sống tốt hơn mà còn mang lại niềm vui cho Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo (Châm 27:11; 3 Giăng 4). Chẳng phải đó là những lý do tốt nhất để yêu mến chân lý và sống theo chân lý hay sao?
BÀI HÁT 144 Hãy đặt phần thưởng trước mặt luôn!
a Chúng ta thường gọi niềm tin và lối sống mà mình đang theo là chân lý. Dù còn mới hay ở trong chân lý lâu năm, chúng ta có thể nhận được nhiều lợi ích bằng cách xem xét lý do chúng ta yêu mến chân lý. Làm thế sẽ giúp chúng ta càng quyết tâm để được Đức Giê-hô-va chấp nhận.