CHƯƠNG 5
Quyền năng sáng tạo—“Đấng Sáng Tạo của trời và đất”
1, 2. Mặt trời cho thấy quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va như thế nào?
Anh chị đã bao giờ đứng gần một đống lửa vào đêm lạnh giá chưa? Có lẽ anh chị hơ tay gần đống lửa để sưởi ấm. Nếu anh chị đứng quá sát đống lửa thì sẽ bị nóng. Nếu anh chị đứng quá xa thì sẽ bị lạnh.
2 Mặt trời cũng có thể được ví như ngọn lửa sưởi ấm chúng ta. “Ngọn lửa” ấy đang cháy cách xa chúng ta khoảng 150 triệu ki-lô-mét!a Hẳn năng lượng mặt trời phải rất lớn thì anh chị mới có thể cảm nhận được sức nóng của nó từ khoảng cách xa đến thế! Tuy nhiên, trái đất nằm cách mặt trời ở khoảng cách vừa phải. Nếu quá gần mặt trời, nước trên trái đất sẽ bốc hơi hết; còn quá xa thì nước sẽ đóng băng. Cả hai trường hợp này đều sẽ khiến trái đất không thể có sự sống. Ánh nắng mặt trời rất thiết yếu cho sự sống trên đất. Đó là nguồn năng lượng tuyệt vời, không gây ô nhiễm và mang lại cho chúng ta niềm vui thích.—Truyền đạo 11:7.
3. Mặt trời dạy chúng ta điều gì?
3 Tuy nhiên, đa số người ta không biết ơn về mặt trời, dù sự sống của họ phụ thuộc vào nó. Vì thế, họ không hiểu được điều mà mặt trời có thể dạy chúng ta. Kinh Thánh nói như sau về Đức Giê-hô-va: “Ngài tạo ánh sáng cùng với mặt trời” (Thi thiên 74:16). Đúng vậy, mặt trời tôn vinh Đức Giê-hô-va, là “Đấng Sáng Tạo của trời và đất” (Thi thiên 19:1; 146:6). Nhưng đó chỉ là một trong vô số các ngôi sao có thể dạy chúng ta biết về quyền năng sáng tạo vô biên của Đức Giê-hô-va. Hãy tìm hiểu thêm về một số điều mà Đức Giê-hô-va đã tạo ra và xem những điều đó dạy chúng ta điều gì về quyền năng vĩ đại của ngài.
Đức Giê-hô-va “tạo ánh sáng cùng với mặt trời”
“Hãy ngước mắt lên trời xem”
4, 5. Mặt trời có năng lượng và kích thước lớn đến mức nào, nhưng khi so sánh với các ngôi sao khác thì mặt trời ra sao?
4 Như anh chị biết, mặt trời là một ngôi sao. Nó trông lớn hơn những ngôi sao mà chúng ta thấy vào ban đêm vì nó khá gần trái đất so với những ngôi sao ấy. Năng lượng của nó lớn đến mức nào? Nhiệt độ ở lõi mặt trời là khoảng 15.000.000°C. Nếu lấy ra một miếng nhỏ bằng đầu kim từ lõi mặt trời và đặt nó trên trái đất, anh chị sẽ phải đứng cách xa nó hơn 140 ki-lô-mét mới được an toàn! Mỗi giây, mặt trời phát ra năng lượng tương đương với vụ nổ của hàng trăm triệu quả bom hạt nhân.
5 Mặt trời lớn đến mức có thể chứa hơn 1.300.000 trái đất của chúng ta. Nhưng mặt trời có phải là một ngôi sao lớn khác thường không? Không, các nhà khoa học nói rằng nó là ngôi sao rất nhỏ so với một số ngôi sao khác. Sứ đồ Phao-lô viết rằng “sự vinh hiển của mỗi ngôi sao đều khác nhau” (1 Cô-rinh-tô 15:41). Chỉ thần khí thánh mới có thể giúp Phao-lô viết điều đó. Có một ngôi sao lớn đến mức nếu nó được đặt ngay chỗ của mặt trời thì trái đất chúng ta sẽ ở bên trong nó. Cũng có một ngôi sao khác lớn đến mức nếu nó được đặt ngay ở vị trí của mặt trời, nó sẽ chạm tới sao Thổ. Sao Thổ cách xa trái đất đến mức dù một tàu vũ trụ bay với vận tốc nhanh gấp 40 lần vận tốc của một viên đạn bắn ra từ một khẩu súng lục cực mạnh, thì cũng phải mất bốn năm mới bay đến nơi!
6. Làm thế nào Kinh Thánh cho thấy số lượng các ngôi sao là rất lớn?
6 Điều đáng kinh ngạc hơn cả kích thước là số lượng các ngôi sao. Kinh Thánh nói rằng các ngôi sao nhiều như “cát biển”, không ai đếm được (Giê-rê-mi 33:22). Câu này hàm ý có rất nhiều ngôi sao, mắt thường không thể thấy hết được. Nếu một người viết Kinh Thánh, chẳng hạn như Giê-rê-mi, nhìn lên bầu trời đêm và cố đếm những ngôi sao thì ông chỉ có thể đếm được khoảng ba ngàn vì đó là số lượng mà mắt thường có thể nhìn thấy vào đêm quang đãng. Con số ấy có thể được so sánh với số hạt cát chỉ trong một nắm cát. Nhưng trên thực tế thì số lượng các ngôi sao vô cùng lớn, nhiều như cát biển.b Ai có thể đếm được con số lớn như vậy?
7. Các nhà khoa học nói gì về số lượng các ngôi sao trong thiên hà của chúng ta và số lượng thiên hà trong vũ trụ?
7 Sách Ê-sai 40:26 cho biết: “Hãy ngước mắt lên trời xem! Ai đã tạo các vật ấy? Chính là đấng đem đạo quân chúng ra theo số và gọi hết thảy theo tên”. Thi thiên 147:4 nói rằng “ngài đếm số các vì tinh tú”. “Số các vì tinh tú” là bao nhiêu? Đây không phải là một câu hỏi dễ. Các nhà khoa học ước tính rằng chỉ riêng trong dải Ngân Hà đã có hơn 100 tỉ ngôi sao.c Một số khác nói rằng còn có nhiều hơn thế. Nhưng thiên hà của chúng ta chỉ là một trong số nhiều thiên hà, và nhiều thiên hà trong số đó thậm chí còn có nhiều ngôi sao hơn. Có bao nhiêu thiên hà? Các nhà khoa học ước tính là có tới hàng trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ. Nếu số lượng thiên hà mà con người còn không xác định được thì huống chi là số lượng chính xác của hàng tỉ tỉ ngôi sao trong các thiên hà ấy. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va biết rõ con số đó. Không những thế, ngài còn đặt tên cho từng ngôi sao!
8. (a) Hãy giải thích kích thước của dải Ngân Hà. (b) Các ngôi sao và thiên hà chuyển động như thế nào, và tại sao?
8 Suy ngẫm về kích thước của các thiên hà sẽ càng làm chúng ta ngạc nhiên hơn. Nếu có thể di chuyển nhanh như ánh sáng, chúng ta sẽ mất 100.000 năm để đi từ đầu này đến đầu kia của dải Ngân Hà! Và một số thiên hà có kích thước lớn hơn gấp nhiều lần thiên hà của chúng ta. Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va “giương màn trời ra” như thể chỉ giương một tấm vải (Thi thiên 104:2). Ngài cũng điều khiển sự chuyển động của những tạo vật này. Mọi thứ trong vũ trụ, từ hạt bụi nhỏ nhất đến thiên hà lớn nhất, đều chuyển động có trật tự vì Đức Giê-hô-va tổ chức chúng theo cách đó (Gióp 38:31-33). Do đó, một số nhà khoa học đã ví những chuyển động của các ngôi sao và thiên hà với một vũ điệu tuyệt đẹp! Hãy nghĩ đến đấng đã tạo ra những điều này. Chẳng phải anh chị thán phục một Đức Chúa Trời có quyền năng sáng tạo vĩ đại như thế sao?
“Đấng Sáng Tạo của trái đất nhờ vào quyền năng ngài”
9, 10 Đức Giê-hô-va đã đặt trái đất trong vũ trụ như thế nào, và điều này cho chúng ta biết gì về ngài?
9 Quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va có thể được thấy rõ qua cách ngài tạo ra trái đất của chúng ta. Ngài đã đặt trái đất ở một vị trí hoàn hảo trong vũ trụ rộng lớn này. Một số nhà khoa học tin rằng nhiều thiên hà không có điều kiện phù hợp để sự sống tồn tại. Ngoài ra, sự sống hẳn không thể tồn tại trong nhiều nơi của dải Ngân Hà chúng ta. Vùng trung tâm dải Ngân Hà chứa đầy các ngôi sao. Bức xạ ở đó cao và thường xảy ra việc các ngôi sao gần đụng nhau. Rìa của dải Ngân Hà thiếu nhiều yếu tố cần thiết cho sự sống. Nhưng Hệ Mặt Trời của chúng ta được đặt ở một vị trí rất lý tưởng.
10 Trái đất được che chở bởi một hành tinh khổng lồ nhưng ở rất xa, đó là sao Mộc. Hành tinh này lớn hơn trái đất gấp ngàn lần. Nhờ có kích thước lớn, sao Mộc hút hoặc làm chệch hướng những vật thể bay trong không gian. Các nhà khoa học tin rằng nếu không có sao Mộc, những thiên thạch khổng lồ sẽ rơi xuống trái đất nhiều hơn gấp 10.000 lần so với hiện nay. Trái đất cũng nhận lợi ích từ một thiên thể khác ở gần nó, đó là mặt trăng. Mặt trăng không chỉ đẹp và tỏa ánh sáng vào ban đêm mà còn giữ trái đất ở một độ nghiêng nhất định. Độ nghiêng ấy tạo ra bốn mùa khác nhau và nhờ điều này mà chúng ta có đời sống thích thú hơn.
11. Bầu khí quyển bảo vệ chúng ta như thế nào?
11 Quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va được thấy rõ qua những cách ngài thiết kế trái đất. Một ví dụ đó là bầu khí quyển có tác dụng như một cái khiên bảo vệ. Mặt trời phát ra những tia có lợi và những tia độc hại. Khi các tia độc hại ấy chạm tới thượng tầng khí quyển, chúng biến ô-xy thành khí ozone. Điều này giúp tạo ra một tầng ozone xung quanh trái đất, và tầng này hấp thu hầu hết các tia độc hại đó, như thể hành tinh của chúng ta được thiết kế có một chiếc ô bảo vệ!
12. Vòng tuần hoàn nước cho thấy rõ quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va như thế nào?
12 Bầu khí quyển cung cấp lượng không khí mà chúng ta cần và làm nhiều điều khác để duy trì sự sống trên đất. Một trong những điều tuyệt vời của bầu khí quyển là vòng tuần hoàn nước. Mỗi năm có hơn 400.000 ki-lô-mét khối nước biển bốc hơi nhờ sức nóng của mặt trời. Hơi nước tích tụ thành mây và được gió trong không khí đưa đi khắp nơi. Nước này giờ đây đã được làm sạch, rồi rơi xuống thành mưa, tuyết và băng, làm đầy trở lại các nguồn nước trên đất. Đúng như Truyền đạo 1:7 nói: “Sông suối đều chảy ra biển, nhưng biển chẳng hề đầy. Chúng chảy từ đâu thì trở về đó, để rồi lại chảy tiếp”. Chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể tạo ra một vòng tuần hoàn như thế.
13. Thực vật và đất cho chúng ta biết gì về quyền năng của Đức Giê-hô-va?
13 Bất cứ nơi nào có sự sống, chúng ta đều thấy quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Điều này được thấy rõ qua những cây cao lớn, một số cây cao hơn tòa nhà 30 tầng, cũng như những loài thực vật nhỏ xíu sống trong đại dương cung cấp phần lớn ô-xy cho chúng ta hít thở. Trong đất cũng có nhiều sinh vật sống, chẳng hạn như giun, nấm và vi khuẩn, giúp cho cây phát triển.
14. Ngay cả nguyên tử nhỏ xíu cũng có sức mạnh nào?
14 Rõ ràng Đức Giê-hô-va là “Đấng Sáng Tạo của trái đất nhờ vào quyền năng ngài” (Giê-rê-mi 10:12). Quyền năng của Đức Chúa Trời được thấy rõ ngay cả trong những tạo vật nhỏ nhất. Chẳng hạn, nếu chúng ta đặt một triệu nguyên tử cạnh nhau thì cũng không dày bằng một sợi tóc. Và giả sử một nguyên tử được kéo giãn ra cho đến khi cao bằng một tòa nhà 14 tầng thì hạt nhân của nó sẽ nhỏ bằng hạt muối, nằm ở tầng thứ bảy. Tuy nhiên, hạt nhân vô cùng nhỏ bé ấy lại mạnh đến mức được dùng để tạo ra những vụ nổ hạt nhân!
“Vật chi thở”
15. Đức Giê-hô-va đã dạy Gióp bài học nào khi nói về các loài thú hoang dã?
15 Bằng chứng sống động khác về quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va được thấy qua vô số loài vật trên đất. Thi thiên 148 liệt kê nhiều điều ngợi khen Đức Giê-hô-va, và câu 10 nhắc đến “thú hoang dã và mọi súc vật”. Để cho thấy tại sao loài người phải kính sợ Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va có lần nói với Gióp về những loài vật như sư tử, ngựa vằn, bò rừng, Bê-hê-mốt (có thể là hà mã) và Lê-vi-a-than (có thể là cá sấu). Đức Giê-hô-va muốn dạy Gióp điều gì? Nếu con người thán phục trước những loài thú hoang dã mạnh mẽ này thì họ càng phải thán phục đấng đã tạo ra chúng!—Gióp, chương 38-41.
16. Anh chị ấn tượng điều gì về một số loài chim mà Đức Giê-hô-va tạo ra?
16 Thi thiên 148:10 cũng nói đến “chim chóc”. Hãy nghĩ đến sự đa dạng của chúng! Đức Giê-hô-va nói với Gióp về đà điểu, là loài chim “nhạo cười ngựa lẫn người cưỡi ngựa”. Thật thế, loài chim cao 2,5 mét này dù không biết bay nhưng có thể chạy 65 ki-lô-mét mỗi giờ; mỗi sải chân của nó dài 4,5 mét! (Gióp 39:13, 18). Mặt khác, chim hải âu chủ yếu bay trên mặt biển suốt cuộc đời. Loài chim này có sải cánh dài khoảng 3 mét và có thể liệng liên tục hàng giờ mà không cần vỗ cánh. Ngược lại, có một loài chim ruồi chỉ dài 5 xen-ti-mét và là loài chim nhỏ nhất trên thế giới. Chúng có thể đập cánh tới 80 lần trong một giây! Chim ruồi lấp lánh như những viên ngọc nhỏ có cánh, có thể đứng yên trên không như trực thăng và thậm chí còn có thể bay lùi nữa.
17. Cá voi xanh to đến mức nào, và anh chị cảm thấy thế nào khi nghĩ đến những loài vật mà Đức Giê-hô-va tạo ra?
17 Thi thiên 148:7 nói rằng ngay cả “các tạo vật biển” cũng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến con vật lớn nhất trên hành tinh này là cá voi xanh. Con vật này sống dưới biển sâu và có thể dài đến 30 mét hoặc hơn nữa. Cân nặng của nó có thể bằng một đàn voi gồm 30 con trưởng thành. Chỉ riêng cái lưỡi của nó thôi cũng nặng bằng một con voi. Tim của nó to như một xe hơi loại nhỏ. Cơ quan khổng lồ này chỉ đập 9 lần mỗi phút, tương phản với tim của loài chim ruồi đập đến 1.200 lần mỗi phút. Một trong các mạch máu của cá voi xanh rộng đến mức một em bé có thể bò trong ấy. Hẳn chúng ta có đồng tâm tình với phần kết của sách Thi thiên: “Hỡi vật chi thở, hãy ngợi khen Gia!”.—Thi thiên 150:6.
Học từ quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va
18, 19. Đức Giê-hô-va tạo ra bao nhiêu loài sinh vật trên đất, và những loài vật này dạy chúng ta điều gì về quyền cai trị của ngài?
18 Chúng ta học được gì từ việc Đức Giê-hô-va dùng quyền năng sáng tạo của ngài? Chúng ta thán phục trước sự đa dạng của công trình sáng tạo. Một người viết Thi thiên nói: “Lạy Đức Giê-hô-va, các công việc ngài nhiều thay!... Trái đất chứa đầy tạo vật của ngài” (Thi thiên 104:24). Thật đúng biết bao! Các nhà sinh vật học đã khám phá ra hơn một triệu loài sinh vật trên đất. Tuy nhiên, một số nghĩ rằng còn vô số loài sinh vật khác nữa. Một nghệ sĩ đôi khi cảm thấy óc sáng tạo của mình cạn kiệt. Trái lại, khả năng của Đức Giê-hô-va trong việc sáng tạo những điều mới và khác nhau là vô tận.
19 Cách Đức Giê-hô-va dùng quyền năng sáng tạo dạy chúng ta rằng ngài có quyền để cai trị. Chỉ Đức Giê-hô-va được gọi là “Đấng Tạo Hóa” vì ngài tạo nên muôn vật. Ngay cả Con một của Đức Giê-hô-va, đấng được gọi là “thợ cả” trong giai đoạn sáng tạo, cũng không được gọi là Đấng Tạo Hóa hay đồng sáng tạo trong Kinh Thánh (Châm ngôn 8:30; Ma-thi-ơ 19:4). Thay vì thế, ngài là “con đầu tiên trong tất cả các tạo vật” (Cô-lô-se 1:15). Vì Đức Giê-hô-va tạo ra muôn vật nên chỉ mình ngài có quyền cai trị khắp vũ trụ.—Rô-ma 1:20; Khải huyền 4:11.
20. Sau khi hoàn tất công việc sáng tạo trên đất, Đức Giê-hô-va nghỉ theo nghĩa nào?
20 Có phải Đức Giê-hô-va đã ngưng dùng quyền năng sáng tạo của ngài không? Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va hoàn tất công việc sáng tạo vào ngày sáng tạo thứ sáu, và “bắt đầu từ ngày thứ bảy thì ngài nghỉ mọi công việc ngài làm” (Sáng thế 2:2). Sứ đồ Phao-lô cho thấy “ngày” thứ bảy này dài hàng ngàn năm, vì “ngày” đó vẫn chưa kết thúc vào thời của ông (Hê-bơ-rơ 4:3-6). Vậy thì từ “nghỉ” có phải có nghĩa là Đức Giê-hô-va đã ngưng mọi công việc của ngài không? Không, Đức Giê-hô-va không bao giờ ngưng làm việc (Thi thiên 92:4; Giăng 5:17). Vậy, khi Kinh Thánh nói “ngài nghỉ” thì hẳn nói đến việc ngài ngưng tạo ra những thứ vật chất trên đất. Tuy nhiên, ngài không bao giờ ngưng làm việc để hoàn thành ý định của ngài. Chẳng hạn, ngài đã soi dẫn để cho ghi lại Kinh Thánh. Và ngài cũng tạo ra điều mà Kinh Thánh gọi là “tạo vật mới”. Chúng ta sẽ học thêm về điều này trong chương 19.—2 Cô-rinh-tô 5:17.
21. Khi sống mãi mãi, chúng ta sẽ cảm thấy thế nào về quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va?
21 Vào cuối ngày nghỉ của Đức Giê-hô-va, ngài có thể nói rằng mọi công việc của ngài trên đất “rất tốt lành”, giống như điều ngài đã phán vào cuối giai đoạn sáu ngày sáng tạo (Sáng thế 1:31). Chúng ta không biết ngài sẽ dùng quyền năng sáng tạo như thế nào trong tương lai. Chúng ta phải chờ xem. Nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng mình sẽ luôn thán phục về cách Đức Giê-hô-va dùng quyền năng sáng tạo của ngài. Khi sống mãi mãi, chúng ta sẽ học nhiều điều hơn về Đức Giê-hô-va qua công trình sáng tạo (Truyền đạo 3:11). Càng hiểu rõ về ngài, chúng ta sẽ càng kính sợ và đến gần hơn với Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại.
a Anh chị có thể hiểu rõ hơn con số khổng lồ này bằng cách hình dung: Để lái xe hơi một khoảng cách xa như thế, ngay cả nếu anh chị đi với vận tốc 160km/giờ suốt 24 tiếng mỗi ngày thì sẽ phải mất hơn 100 năm!
b Một số người nghĩ rằng những người sống vào thời Kinh Thánh hẳn đã dùng một loại kính thiên văn thô sơ. Họ cho rằng nếu không thì người thời đó không thể nào biết được là có nhiều ngôi sao đến vậy. Nhưng họ đã lờ đi việc Đức Giê-hô-va, là Tác Giả của Kinh Thánh, đã tiết lộ thông tin đó.—2 Ti-mô-thê 3:16.
c Hãy thử nghĩ anh chị sẽ mất bao lâu chỉ để đếm hết 100 tỉ ngôi sao. Nếu mỗi giây anh chị đếm được một ngôi sao và đếm liên tục suốt 24 tiếng mỗi ngày thì sẽ phải mất 3.171 năm!