Độc giả thắc mắc
Sự “yên-nghỉ” nói đến nơi Hê-bơ-rơ 4:9-11 có nghĩa gì, và làm thế nào để “vào sự yên-nghỉ đó”?
Sứ đồ Phao-lô đã viết cho các tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ trong thế kỷ thứ nhất như sau: “Còn lại một ngày yên-nghỉ [“sa-bát”, NW] cho dân Đức Chúa Trời. Vì ai vào sự yên-nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công-việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công-việc của Ngài vậy. Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên-nghỉ đó”.—Hê-bơ-rơ 4:9-11.
Khi nói rằng Đức Chúa Trời nghỉ công việc của Ngài, hình như Phao-lô muốn lưu ý đến câu Sáng-thế Ký 2:2: “Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công-việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công-việc Ngài đã làm”. Tại sao Đức Giê-hô-va lại “nghỉ” vào “ngày thứ bảy”? Chắc chắn không phải vì Ngài cần lấy lại sức sau “các công-việc Ngài đã làm”. Câu Kinh Thánh sau giải thích thêm: “Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công-việc đã dựng nên và đã làm xong rồi”.— Sáng-thế Ký 2:3; Ê-sai 40:26, 28.
“Ngày thứ bảy” khác biệt với sáu ngày trước vì được Đức Giê-hô-va ban ân phước và làm nên thánh, nghĩa là ngày này được biệt riêng ra, hoặc được dâng hiến cho một mục đích đặc biệt. Mục đích đó là gì? Trước đó, Đức Chúa Trời đã tiết lộ mục đích của Ngài cho nhân loại và trái đất. Ngài phán cùng cặp vợ chồng đầu tiên rằng: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng, hãy quản-trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành-động trên mặt đất”. (Sáng-thế Ký 1:28) Mặc dầu loài người và trái đất đã được Đức Chúa Trời ban cho một khởi đầu hoàn hảo, nhưng cũng cần có thời gian để toàn thể trái đất được phục tùng và biến đổi thành một địa đàng đầy dẫy các gia đình nhân loại hoàn toàn như ý muốn Đức Chúa Trời. Vì thế, vào “ngày thứ bảy”, Đức Chúa Trời nghỉ, hoặc ngưng, các công việc sáng tạo trên đất để những gì Ngài đã tạo ra phát triển phù hợp với ý muốn Ngài. Vào cuối “ngày” này, tất cả những gì Đức Chúa Trời đã dự định sẽ thành hiện thực. Sự yên nghỉ này kéo dài bao lâu?
Trở lại với lời Phao-lô nói nơi sách Hê-bơ-rơ, sứ đồ cho biết “còn lại một ngày yên-nghỉ [“sa-bát”, NW] cho dân Đức Chúa Trời”, và ông khích lệ các tín đồ Đấng Christ khác gắng sức “vào sự yên-nghỉ đó”. Điều này cho thấy rằng khi Phao-lô viết những lời trên, “ngày thứ bảy” của sự yên nghỉ Đức Chúa Trời vẫn còn tiếp tục, sau khi đã bắt đầu từ hơn 4.000 năm trước. Ngày yên nghỉ này sẽ kéo dài cho đến khi ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại và trái đất được hoàn tất vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, “Chúa ngày sa-bát”.—Ma-thi-ơ 12:8; Khải-huyền 20:1-6; 21:1-4.
Trong viễn cảnh tuyệt vời này, Phao-lô giải thích làm thế nào một người có thể vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời. Ông viết: “Ai vào sự yên-nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công-việc mình”. Điều này cho thấy rằng mặc dầu đã có một khởi đầu hoàn hảo, nhưng nhân loại nói chung chưa vào được sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời. Lý do là vì A-đam và Ê-va đã không bền chí tôn trọng sự yên nghỉ của Ngài trong “ngày thứ bảy” bằng cách tuân theo mọi sắp đặt của Ngài. Thay vì thế, họ lại nổi loạn và muốn được độc lập khỏi Đức Chúa Trời. Đúng ra, họ đã đi theo mưu đồ của Sa-tan thay vì chấp nhận sự hướng dẫn đầy yêu thương của Đức Chúa Trời. (Sáng thế ký 2:15-17) Hậu quả là họ mất đi triển vọng được sống đời đời trong địa đàng. Kể từ đó, toàn thể nhân loại đã phải làm tôi mọi cho tội lỗi và sự chết.—Rô-ma 5:12, 14.
Sự nổi loạn của loài người không ngăn cản được ý định của Đức Chúa Trời. Ngày yên nghỉ của Ngài vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã yêu thương cung cấp giá chuộc qua trung gian Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, để những ai chấp nhận giá chuộc này trên căn bản đức tin có thể hy vọng thoát khỏi gánh nặng của tội lỗi và sự chết, và được yên nghỉ. (Rô-ma 6:23) Đó chính là lý do khiến Phao-lô khích lệ các tín đồ Đấng Christ khác “nghỉ công-việc mình”. Họ cần chấp nhận sự cung cấp của Đức Chúa Trời để được cứu rỗi, và chớ cố tìm cách tạo dựng tương lai theo ý riêng, như A-đam và Ê-va xưa kia. Họ cũng cần tránh theo đuổi những công việc tự cho là công bình.
Thật nhẹ nhàng dễ chịu biết bao khi dẹp bỏ lòng ích kỷ hoặc những ham mê thế tục để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời! Chúa Giê-su kêu gọi: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”.—Ma-thi-ơ 11:28-30.
Bài thuyết giảng của Phao-lô về sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời và làm thế nào một người có thể vào được sự yên nghỉ này chắc chắn là nguồn khích lệ cho những tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ tại Giê-ru-sa-lem, vì đức tin mà phải chịu bắt bớ và nhạo báng. (Công-vụ 8:1; 12:1-5) Đồng thời, những lời của Phao-lô cũng có thể là nguồn khích lệ cho các tín đồ Đấng Christ ngày nay. Chúng ta cũng nên nghỉ công việc của chính mình, và gắng sức vào sự yên nghỉ này khi nhận thức được rằng lời hứa của Đức Chúa Trời về địa đàng dưới sự cai trị công bình của Nước Trời sắp được thực hiện.—Ma-thi-ơ 6:10, 33; 2 Phi-e-rơ 3:13.
[Các hình nơi trang 31]
Lời hứa của Đức Chúa Trời về địa đàng sẽ được thực hiện vào cuối ngày yên nghỉ của Ngài