Bạn vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời chưa?
“Ai vào sự yên-nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công-việc mình” (HÊ-BƠ-RƠ 4:10).
1. Tại sao người ta thích được nghỉ ngơi?
Nghỉ ngơi. Chữ này nghe êm ái làm sao! Sống trong một thế giới vội vàng và cuồng nhiệt ngày nay, hầu hết chúng ta đều muốn được nghỉ ngơi một chút. Già lẫn trẻ, đã lập gia đình hay còn độc thân, chúng ta đều có thể cảm thấy bận rộn và mệt mỏi chỉ để lo cho cuộc sống hàng ngày. Đối với những người có sức khỏe giới hạn hay là bị ốm yếu, mỗi ngày là một thử thách. Như Kinh-thánh nói, “chúng ta biết rằng muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay” (Rô-ma 8:22). Một người nghỉ ngơi không nhất thiết là người lười biếng. Sự nghỉ ngơi là một nhu cầu của loài người cần được đáp ứng.
2. Đức Giê-hô-va nghỉ kể từ lúc nào?
2 Chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời đang nghỉ ngơi. Trong sách Sáng-thế Ký chúng ta đọc: “Trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công-việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công-việc Ngài đã làm”. Đức Giê-hô-va kèm thêm ý nghĩa đặc biệt cho “ngày thứ bảy”, vì Lời được soi dẫn nói tiếp: “Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh” (Sáng-thế Ký 2:1-3).
Đức Chúa Trời nghỉ các công việc Ngài
3. Đức Chúa Trời nghỉ không thể vì những lý do nào?
3 Tại sao Đức Chúa Trời nghỉ trong “ngày thứ bảy”? Dĩ nhiên, Ngài nghỉ không phải vì Ngài mệt. Đức Giê-hô-va có ‘sức-mạnh lớn lắm’ và “chẳng mỏi chẳng mệt” (Ê-sai 40:26, 28). Đức Chúa Trời cũng không nghỉ ngơi bởi vì Ngài cần được tạm nghỉ hay là thay đổi nhịp độ làm việc, vì Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy” (Giăng 5:17). Dù sao đi nữa, “Đức Chúa Trời là Thần” và không lệ thuộc nơi những chu kỳ của thân thể và nhu cầu của một tạo vật bằng xương bằng thịt (Giăng 4:24).
4. “Ngày thứ bảy” khác với sáu “ngày” trước như thế nào?
4 Làm sao chúng ta có thể hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Chúa Trời nghỉ trong “ngày thứ bảy”? Bằng cách lưu ý rằng mặc dù rất hài lòng về những gì đã hoàn thành trong giai đoạn dài của sáu “ngày” sáng tạo trước, Đức Chúa Trời đặc biệt ban phước “ngày thứ bảy” và tuyên bố ngày đó là “thánh”. Cuốn Concise Oxford Dictionary định nghĩa “thánh” là “độc quyền hiến dâng hay là dành riêng (cho một thần hay cho một mục đích tôn giáo nào đó)”. Vì vậy, Đức Giê-hô-va ban phước “ngày thứ bảy” và tuyên bố ngày đó là thánh cho thấy rằng ngày đó và sự “yên-nghỉ” của Ngài hẳn có liên hệ đến ý muốn và ý định thánh của Ngài hơn là đến bất cứ nhu cầu nào của Ngài. Sự liên hệ đó là gì?
5. Đức Chúa Trời cho tiến hành điều gì trong sáu “ngày” sáng tạo?
5 Trong sáu “ngày” sáng tạo trước, Đức Chúa Trời đã đặt ra và cho tiến hành mọi chu kỳ và định luật chi phối những hoạt động của trái đất và mọi vật chung quanh đất. Các nhà khoa học ngày nay biết được những điều này được thiết kế một cách tuyệt diệu như thế nào. Gần cuối “ngày thứ sáu”, Đức Chúa Trời tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên và đặt họ trong “cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông”. Cuối cùng, Đức Chúa Trời tuyên bố ý định Ngài về gia đình nhân loại và trái đất qua những lời có tính cách tiên tri này: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng, hãy quản-trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành-động trên mặt đất” (Sáng-thế Ký 1:28, 31; 2:8).
6. a) Cuối “ngày thứ sáu”, Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về tất cả những thứ Ngài đã tạo nên? b) “Ngày thứ bảy” là thánh theo nghĩa nào?
6 Khi “ngày” sáng tạo “thứ sáu” chấm dứt, lời tường thuật nói cho chúng ta biết: “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành” (Sáng-thế Ký 1:31). Đức Chúa Trời hài lòng với mọi vật Ngài đã tạo ra. Vì vậy Ngài nghỉ, hay là ngừng lại công việc tạo dựng trên đất. Tuy nhiên, dù lúc đó vườn địa đàng hoàn hảo và xinh đẹp, nó chỉ ở trong một vùng nhỏ, và chỉ có hai người trên đất. Cần có thì giờ để trái đất và gia đình nhân loại đạt đến tình trạng mà Đức Chúa Trời đã định sẵn. Vì lý do này, Ngài đã ấn định “ngày thứ bảy” để cho mọi vật mà Ngài đã dựng nên trong sáu “ngày” trước được phát triển hòa hợp với ý muốn thánh của Ngài. (So sánh Ê-phê-sô 1:11). Khi “ngày thứ bảy” đến lúc chấm dứt, cả trái đất sẽ trở thành địa đàng có gia đình nhân loại hoàn toàn sống trên đó mãi mãi (Ê-sai 45:18). “Ngày thứ bảy” được dành riêng hay là dâng hiến để thực hiện và làm thành ý muốn của Đức Chúa Trời đối với trái đất và loài người. Theo ý nghĩa này, ngày đó là “thánh”.
7. a) Đức Chúa Trời nghỉ trong “ngày thứ bảy” có nghĩa gì? b) Mọi vật sẽ ra sao khi “ngày thứ bảy” chấm dứt?
7 Đức Chúa Trời nghỉ mọi công việc sáng tạo trong “ngày thứ bảy”. Điều này như thể là Ngài đã ngừng lại và để cho những gì Ngài làm ra được tiến hành và kết thúc theo thời điểm của nó. Ngài hoàn toàn tin cậy rằng đến cuối “ngày thứ bảy”, mọi vật sẽ trở nên đúng như ý Ngài đã định, dù có trở ngại nào cũng sẽ vượt qua được. Mọi người biết vâng lời sẽ được lợi ích khi ý định Đức Chúa Trời trở thành hiện thực. Không có gì ngăn cản được điều này bởi vì Đức Chúa Trời ban ơn cho “ngày thứ bảy” và Ngài làm cho nó “nên thánh”. Thật là một triển vọng huy hoàng cho tất cả những người biết vâng lời!
Dân Y-sơ-ra-ên không được vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời
8. Dân Y-sơ-ra-ên giữ ngày Sa-bát khi nào và như thế nào?
8 Nước Y-sơ-ra-ên được lợi ích từ sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về việc làm và nghỉ ngơi. Ngay cả trước khi cho dân Y-sơ-ra-ên Luật Pháp tại Núi Si-na-i, Đức Chúa Trời nói với họ qua trung gian Môi-se: “Hãy suy-nghĩ rằng Đức Giê-hô-va đã cho các ngươi ngày Sa-bát; vậy nên, đến ngày thứ sáu Ngài lại cho các ngươi lương-thực đủ hai ngày. Trong ngày thứ bảy, mỗi người phải ở yên chỗ mình, chớ ai ra khỏi nhà”. Kết quả là “ngày thứ bảy dân-sự đều nghỉ-ngơi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:22-30).
9. Tại sao luật ngày Sa-bát chắc chắn là một sự thay đổi mà dân Y-sơ-ra-ên hoan nghênh đón nhận?
9 Sự sắp đặt này là mới đối với dân Y-sơ-ra-ên, vì họ vừa được thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Mặc dù người Ai Cập và những nước khác tính thời gian theo thời hạn từ năm đến mười ngày, nhưng rất có thể những người Y-sơ-ra-ên bị nô lệ không được nghỉ một ngày nào. (So sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 5:1-9). Vì vậy, rất là hợp lý để kết luận rằng dân Y-sơ-ra-ên hoan nghênh đón nhận sự thay đổi này. Thay vì xem sự đòi hỏi về ngày Sa-bát là một gánh nặng hay sự hạn chế, họ đáng lý phải vui mừng làm theo. Thật vậy, Đức Chúa Trời sau đó đã nói với họ rằng ngày Sa-bát được dùng để nhắc nhở họ về ách nô lệ ở Ai Cập và việc Ngài giải cứu họ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:15).
10, 11. a) Bằng cách vâng lời, dân Y-sơ-ra-ên có thể trông mong được hưởng điều gì? b) Tại sao dân Y-sơ-ra-ên không được vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời?
10 Nếu như dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập với Môi-se mà biết vâng lời, thì họ đã được đặc ân vào đất hứa, xứ “đượm sữa và mật” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8). Họ có thể được hưởng sự nghỉ ngơi thật, không phải chỉ có ngày Sa-bát nhưng suốt cả đời họ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:9, 10). Tuy nhiên, họ không được như vậy. Nói về họ, sứ đồ Phao-lô viết: “Ai là kẻ nghe tiếng Ngài rồi nổi loạn, há chẳng phải những người nhờ Môi-se dẫn ra khỏi xứ Ê-díp-tô sao? Đức Chúa Trời đã giận ai trong bốn mươi năm? Há chẳng phải giận những kẻ phạm tội, mà thây họ đã ngã trong đồng vắng sao? Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự yên-nghỉ của Ngài? Há chẳng phải với những người không vâng lời sao? Vả, chúng ta thấy những người ấy không thể vào đó được vì cớ không tin” (Hê-bơ-rơ 3:16-19).
11 Thật là một bài học đáng nhớ cho chúng ta! Vì thiếu đức tin nơi Đức Giê-hô-va, toàn thể thế hệ đó đã không được yên nghỉ như lời Ngài đã hứa với họ. Trái lại, họ bị mất mạng trong đồng vắng. Họ không nhận thức rằng là con cháu của Áp-ra-ham, họ có liên hệ chặt chẽ với ý định của Đức Chúa Trời về việc mang lại ân phước cho các nước trên đất (Sáng-thế Ký 17:7, 8; 22:18). Thay vì làm phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời, họ đã hoàn toàn sao lãng bởi những ước muốn tầm thường và ích kỷ của họ. Mong rằng chúng ta không bao giờ rơi vào đường lối đó (1 Cô-rinh-tô 10:6, 10).
Còn một sự yên nghỉ
12. Những tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất vẫn còn triển vọng nào, và làm sao họ đạt được?
12 Sau khi nêu ra việc người Y-sơ-ra-ên không được vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời bởi vì thiếu đức tin, Phao-lô hướng sự chú ý đến những anh em đồng đức tin. Như được ghi nơi Hê-bơ-rơ 4:1-5, ông trấn an họ rằng “còn có lời hứa cho vào sự yên-nghỉ Chúa”. Phao-lô thúc giục họ thực hành đức tin nơi “tin-lành” vì “chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên-nghỉ”. Vì Luật Pháp bị bãi bỏ bởi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, nên ở đây Phao-lô không nói về sự yên nghỉ về thể xác trong ngày Sa-bát (Cô-lô-se 2:13, 14). Bằng cách trích dẫn Sáng-thế Ký 2:2 và Thi-thiên 95:11, Phao-lô khuyên giục các tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ hãy vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời.
13. Khi trích lời Thi-thiên 95, tại sao Phao-lô lưu ý chúng ta đến hai chữ “ngày nay”?
13 Việc có thể vào được sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời là “tin-lành” cho các tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ, cũng như ngày nghỉ Sa-bát lẽ ra là “tin-lành” cho dân Y-sơ-ra-ên thời trước. Vì vậy, Phao-lô khuyên các anh em đồng đức tin chớ lầm lẫn giống như dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Nhắc lại những lời mà bây giờ là Thi-thiên 95:7, 8, ông lưu ý đến hai chữ “ngày nay”, dù nó có vẻ là lâu rồi kể từ lúc Đức Chúa Trời nghỉ công việc sáng tạo (Hê-bơ-rơ 4:6, 7). Phao-lô muốn nói đến điều gì? Đó là “ngày thứ bảy” còn đang tiếp diễn. Đức Chúa Trời đã dành riêng ngày đó để thực hiện trọn vẹn ý định của Ngài đối với trái đất và nhân loại. Do đó, điều khẩn cấp là các anh em tín đồ đấng Christ làm theo ý định đó thay vì bận rộn theo đuổi những việc ích kỷ. Lần nữa ông đã cảnh cáo: “Chớ cứng lòng”.
14. Phao-lô cho thấy “sự yên-nghỉ” của Đức Chúa Trời vẫn còn như thế nào?
14 Ngoài ra, Phao-lô cho thấy sự “yên-nghỉ” mà Đức Chúa Trời hứa không phải chỉ là vấn đề định cư ở Đất Hứa dưới sự lãnh đạo của Giô-suê (Giô-suê 21:44). Phao-lô lý luận: “Nếu Giô-suê đã cho họ yên-nghỉ, thì chắc sau không còn nói về một ngày khác nữa”. Vì vậy, Phao-lô thêm: “Vậy thì còn lại một ngày yên-nghỉ cho dân Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 4:8, 9). Sự “yên-nghỉ” đó là gì?
Vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời
15, 16. a) Từ ngữ “yên-nghỉ” mang ý nghĩa gì? b) Được “nghỉ công-việc mình” có nghĩa gì?
15 Từ ngữ “yên-nghỉ” được dịch từ một chữ Hy Lạp có nghĩa là “nghỉ ngơi” (Kingdom Interlinear). Giáo sư William Lane nói: “Từ này có được sắc thái riêng biệt qua sự chỉ dẫn về ngày Sa-bát được phát triển trong Do Thái Giáo dựa theo Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-10, nơi đó nhấn mạnh rằng sự nghỉ ngơi và ca ngợi đi đôi với nhau... [Nó] nhấn mạnh khía cạnh đặc biệt của ngày lễ và vui mừng, được bày tỏ qua sự sùng bái và ca ngợi Đức Chúa Trời”. Vậy thì sự yên nghỉ mà Đức Chúa Trời hứa không phải chỉ là được nghỉ làm việc. Nó là một sự thay đổi từ công việc mệt mỏi, vô nghĩa sang việc vui mừng tôn vinh Đức Chúa Trời.
16 Điều này được Phao-lô nói đến trong những lời kế tiếp: “Vì ai vào sự yên-nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công-việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công-việc của Ngài vậy” (Hê-bơ-rơ 4:10). Đức Chúa Trời không nghỉ ngơi trong ngày sáng tạo thứ bảy vì Ngài mệt. Thay vì vậy, Ngài ngừng sự sáng tạo trên đất để cho những công việc Ngài làm được phát triển và tiến đến sự vinh hiển trọn vẹn để ca tụng và tôn vinh Ngài. Là một phần trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng nên thích nghi với sự sắp đặt này. Chúng ta nên “nghỉ công-việc mình”, nghĩa là chúng ta nên ngưng tự thanh minh trước Đức Chúa Trời để cố đạt được sự cứu rỗi. Thay vì vậy, chúng ta nên tin rằng sự cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ, nhờ đó mà mọi vật sẽ được trở lại hòa hợp với ý định của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:8-14; Cô-lô-se 1:19, 20).
Lời Đức Chúa Trời linh nghiệm
17. Chúng ta phải tránh đường lối nào mà dân Y-sơ-ra-ên xác thịt theo đuổi?
17 Dân Y-sơ-ra-ên không được vào sự yên nghỉ mà Đức Chúa Trời đã hứa bởi vì không vâng lời và thiếu đức tin. Vì vậy, Phao-lô khuyên giục các tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ: “Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên-nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia mà vấp-ngã” (Hê-bơ-rơ 4:11). Hầu hết những người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất đã không thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su, và nhiều người trong số đó đã chịu thiệt hại khi hệ thống mọi sự Do Thái chấm dứt vào năm 70 CN. Ngày nay, việc chúng ta có đức tin nơi lời của Đức Chúa Trời thật là trọng yếu làm sao!
18. a) Phao-lô cho những lý do nào để chúng ta thực hành đức tin nơi lời Đức Chúa Trời? b) Tại sao lời Đức Chúa Trời “sắc hơn gươm hai lưỡi”?
18 Chúng ta có những lý do chính đáng để thực hành đức tin nơi lời của Đức Giê-hô-va. Phao-lô viết: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12). Đúng vậy, lời của Đức Chúa Trời tức là thông điệp của Ngài “sắc hơn gươm hai lưỡi”. Tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ cần nhớ những gì xảy ra cho tổ phụ họ. Lờ đi sự phán xét của Đức Giê-hô-va là họ sẽ bị chết trong đồng vắng, họ tìm cách để vào Đất Hứa. Nhưng Môi-se cảnh cáo họ: “Kìa, dân A-ma-léc và dân Ca-na-an ở đằng trước các ngươi, các ngươi sẽ bị gươm ngã rạp”. Khi dân Y-sơ-ra-ên ngoan cố tiến tới thì “dân A-ma-léc và dân Ca-na-an ở trong núi... đổ xuống, đánh bại và phân thây dân Y-sơ-ra-ên cho đến Họt-ma” (Dân-số Ký 14:39-45). Lời của Đức Giê-hô-va sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào, và bất cứ ai cố tình lờ đi lời Ngài thì chắc chắn phải hứng chịu hậu quả tai hại (Ga-la-ti 6:7-9).
19. Lời Đức Chúa Trời “thấu vào” mạnh đến độ nào, và tại sao chúng ta nên nhận biết trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời?
19 Lời Đức Chúa Trời quả là mạnh, “thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy”! Lời ấy thấu vào tư tưởng và động lực của mỗi người, theo nghĩa bóng nó thấu vào tận tủy, phần trong cùng của xương! Mặc dù dân Y-sơ-ra-ên được ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập đồng ý giữ Luật Pháp, Đức Giê-hô-va biết trong thâm tâm họ không biết ơn những sự cung cấp và đòi hỏi của Ngài (Thi-thiên 95:7-11). Thay vì làm theo ý muốn Ngài, họ chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn ước muốn xác thịt của họ. Vì vậy, họ không được vào sự yên nghỉ mà Đức Chúa Trời đã hứa, nhưng bị chết trong đồng vắng. Chúng ta cần để tâm đến lời này, vì “chẳng có vật nào được giấu-kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (Hê-bơ-rơ 4:13). Vì vậy, mong rằng chúng ta làm tròn sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va và không “lui đi cho hư-mất” (Hê-bơ-rơ 10:39).
20. Triển vọng nào ở trước mắt chúng ta, và bây giờ chúng ta phải làm gì để được vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời?
20 Mặc dù “ngày thứ bảy”—ngày nghỉ của Đức Chúa Trời—vẫn còn tiếp diễn, Ngài chú tâm đến việc thực hiện ý định của Ngài đối với trái đất và nhân loại. Chẳng bao lâu nữa, Vua Mê-si tức là Chúa Giê-su Christ, sẽ loại đi những người chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất, kể cả Sa-tan Ma-quỉ. Trong Một Ngàn Năm Cai Trị của đấng Christ, Chúa Giê-su và 144.000 người đồng cai trị với ngài sẽ đưa trái đất và loài người đến tình trạng mà Đức Chúa Trời đã định sẵn (Khải-huyền 14:1; 20:1-6). Bây giờ là lúc chứng tỏ rằng đời sống của chúng ta xoay quanh việc làm theo ý muốn Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Thay vì tìm cách tự thanh minh trước Đức Chúa Trời và nâng cao quyền lợi riêng, bây giờ là lúc chúng ta “nghỉ công-việc mình” và hết lòng phục vụ quyền lợi Nước Trời. Bằng cách làm điều đó và giữ trung thành với Cha trên trời là Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ có đặc ân hưởng lợi ích từ sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời bây giờ và mãi mãi.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Đức Chúa Trời nghỉ trong “ngày thứ bảy” với mục đích gì?
◻ Dân Y-sơ-ra-ên đáng lẽ được sự yên nghỉ nào, nhưng tại sao họ không được vào trong đó?
◻ Chúng ta phải làm gì để được vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời?
◻ Lời Đức Chúa Trời là sống, linh nghiệm và sắc hơn gươm hai lưỡi như thế nào?
[Hình nơi trang 16, 17]
Dân Y-sơ-ra-ên giữ ngày Sa-bát, nhưng họ không được vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời. Bạn có biết tại sao không?