Triển vọng về Địa-Đàng vẫn có giá trị mặc dù loài người đã cãi lời
1. Sau một thời gian thì hai người đầu tiên đi về đâu và giữa khung cảnh nào?
THỜI GIAN trôi qua. Người đàn ông và đàn bà đầu tiên không còn sống lõa thể một cách hồn nhiên nữa. Họ mặc quần áo—dài và làm bằng da thú. Họ vừa ra khỏi lối vào vườn Ê-đen hoàn hảo. Sau lưng họ là vườn đó. Trước mặt họ là một khung cảnh khác. Họ chỉ thấy có đất hoang. Thật hiển nhiên là đất đó không có sự ban phước của Đức Chúa Trời. Trước mắt họ, chỉ có thể thấy toàn là cây gai và cây tật lê. Đó là vùng đất mà trước đó họ được lệnh khẩn hoang, phải không? Đúng, nhưng bây giờ người đàn ông và đàn bà đầu tiên không đến đây với mục tiêu nới rộng ranh giới vườn Ê-đen.
2. Tại sao người đàn ông và đàn bà không tìm cách vào vườn Địa-đàng trở lại?
2 Trước một quang cảnh trái ngược thể ấy, tại sao họ lại không quay lưng lại để trở vào vườn địa-đàng? Nói thì dễ, nhưng hãy nhìn xem có gì ở phía sau lưng họ tại lối ra vào vườn. Có các tạo vật mà trước đó họ chưa bao giờ thấy, ngay hồi còn sống trong vườn, đó là các chê-ru-bin, và có lưỡi gươm quay tít không ngừng. Người đàn ông và đàn bà không bao giờ có thể trở lại bên trong vườn mà toàn mạng! (Sáng-thế Ký 3:24).
3. Điều gì đã xảy ra làm thay đổi tình cảnh của cặp vợ chồng đầu tiên một cách đột ngột như thế?
3 Chuyện gì đã xảy ra? Không có gì huyền bí phức tạp đến nỗi khoa học phải hoang mang suốt mấy ngàn năm. Có lời giải thích giản dị. Người đàn ông và đàn bà đầu tiên hẳn đã nghĩ đến triển vọng huy hoàng mà họ có trước mặt khi Đức Chúa Trời giao phó cho họ một sứ mạng vào ngày họ kết hôn, với điều kiện là họ vâng lời Cha trên trời của họ từng ly từng tí. Sự vâng lời triệt để của họ đã phải trải qua một cuộc trắc nghiệm về việc không được ăn mỗi một thứ: trái của “cây biết điều thiện và điều ác” (Sáng-thế Ký 2:16, 17). Nếu họ cãi lại lệnh cấm của Đức Chúa Trời và ăn, chắc chắn họ sẽ chết. Đó là điều mà, với tư cách là nhà tiên tri của Đức Chúa Trời, A-đam đã phải nói lại cho vợ ông là tạo vật trẻ tuổi hơn. Nhưng ngạc nhiên thay, con rắn kia, con na.chash’, lại phủ nhận sự chân thật của lời mà Đức Chúa Trời đã nói với A-đam để cảnh giác ông về việc không được ăn trái “cây biết điều thiện và điều ác” đã bị cấm. Con rắn đã lường gạt người đàn bà khiến bà tin rằng việc phạm luật của Đức Chúa Trời và ăn trái cấm sẽ khiến nàng trở nên giống như Đức Chúa Trời và được độc lập trong việc ấn định điều thiện và điều ác mà không cần đến Ngài (Sáng-thế Ký 3:1-5).
Không phải chuyện thần thoại
4, 5. Làm thế nào sứ đồ Phao-lô cho thấy rằng lời tường thuật về việc lường gạt người đàn bà đầu tiên không phải là chuyện thần thoại?
4 Khó tin ư? Có phải chuyện này có vẻ rất giống như một chuyện thần thoại, một chuyện hoang đường không dựa trên sự kiện có thật và bởi vậy không đáng cho tâm hồn văn minh của người trưởng thành hiện đại chấp nhận hay không? Không, không phải vậy đối với một văn sĩ đáng tín nhiệm vẫn còn được nhiều người đọc, một sứ đồ được chọn một cách đặc biệt, một người biết mình viết gì và biết mình viết đúng. Sứ đồ này là Phao-lô, ông viết cho hội-thánh tín đồ đấng Christ trưởng thành sống tại thành Cô-rinh-tô thông thái theo lối thế gian: “Tôi ngại rằng như xưa Ê-va bị cám-dỗ bởi mưu-chước con rắn kia, thì ý-tưởng anh em cũng hư đi, mà dời-đổi lòng thật-thà tinh-sạch đối với đấng Christ chăng” (II Cô-rinh-tô 11:3).
5 Khó có thể nghĩ rằng Phao-lô nói đến một chuyện thần thoại, một chuyện ngụ ngôn và dùng một sự việc tưởng tượng như thế để lý luận với người Cô-rinh-tô đó, những người đã từng quen thuộc với các chuyện thần thoại của tà giáo Hy-lạp. Trích dẫn Kinh-thánh được soi dẫn, phần tiếng Hê-bơ-rơ mà ông tuyên bố là “lời của Đức Chúa Trời”, sứ đồ Phao-lô xác nhận rằng thuở “xưa Ê-va bị cám-dỗ bởi mưu-chước con rắn kia” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Hơn nữa, khi viết cho một giám thị tín đồ đấng Christ có trách nhiệm giảng dạy “mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích”, sứ đồ Phao-lô nói: “Không phải A-đam bị dỗ-dành, bèn là người đờn-bà bị dỗ-dành mà sa vào tội-lỗi” (II Ti-mô-thê 1:13; I Ti-mô-thê 2:13, 14).
6. a) Cách A-đam phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời khác thế nào với Ê-va? b) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng người đàn bà không có bịa đặt ra một câu chuyện về con rắn?
6 Việc người đàn bà bị con rắn lường gạt không phải là một chuyện thần thoại, mà là một sự kiện có thật, cũng chắc chắn như các hậu quả của việc bà cãi lời ăn trái cấm là những sự kiện lịch sử hoàn toàn có thật. Rồi sau khi phạm tội cùng Đức Chúa Trời, bà xúi giục chồng cùng ăn với bà, nhưng ông ăn không phải vì bị gạt gẫm như bà (Sáng-thế Ký 3:6). Đây là lời tường thuật về việc sau đó họ thưa trình cùng Đức Chúa Trời: “[Người nam nói tiếp] thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi. Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán hỏi người nữ rằng: Ngươi có làm điều chi vậy? Người nữ thưa rằng: Con rắn dỗ-dành tôi và tôi đã ăn rồi” (Sáng-thế Ký 3:12, 13). Người đàn bà lúc đó không có bịa đặt ra một câu chuyện về con rắn na.chash’ đó, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời không cho rằng lời giải thích của bà là một chuyện thêu dệt, chuyện thần thoại. Ngài đối xử với con rắn đó như là một công cụ bị dùng để gạt người đàn bà khiến bà phạm tội cùng Ngài là Đức Chúa Trời và Đấng Tạo hóa. Đối xử với một con rắn của chuyện thần thoại sẽ là điều không xứng hợp cho Đức Chúa Trời.
7. a) Kinh-thánh tường thuật thế nào về việc Đức Chúa Trời xét xử con rắn? b) Tại sao con rắn đã từng lường gạt Ê-va cũng có thể lường gạt chúng ta nữa? (Bình luận gồm phụ chú).
7 Sự tường thuật miêu tả việc Đức Chúa Trời đối xử với con rắn đó trong vườn Ê-đen: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn phán cùng rắn rằng: Vì mầy đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa-sả trong vòng các loài súc-vật, các loài thú đồng, mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả đời. Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người” (Sáng-thế Ký 3:14, 15). Bất cứ tòa án đứng đắn nào đều xét xử các sự kiện có thật và điều tra tỉ mỉ các bằng chứng hiển nhiên, chứ không phải chuyện hoang đường. Giê-hô-va Đức Chúa Trời không hành động điên cuồng, rồ dại bằng cách tuyên án phạt một con rắn của chuyện thần thoại nhưng Ngài kết án một tạo vật hiện hữu thật sự có bổn phận phải thưa trình cùng Ngài. Chẳng có gì đáng cười cả, nhưng khốn thay nếu chúng ta bị chính con rắn đó lường gạt để rồi nghĩ rằng nó không bao giờ hiện hữu thật sự, mà chỉ là một chuyện thần thoại suông, và nó khỏi phải thưa trình gì cả về bất cứ hành động quấy nào trên đất.a
8. Đức Chúa Trời nói lời phán xét nào về người đàn bà, và gây ra hậu quả nào cho các con gái và cháu gái của bà?
8 Sự tường thuật về vợ người đàn ông ghi nhận rằng lời tuyên bố của bà liên quan đến con rắn là sự kiện có thật: “Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực-khổ bội phần trong cơn thai-nghén; ngươi sẽ chịu đau-đớn mỗi khi sanh con; sự dục-vọng ngươi phải xu-hướng về chồng, và chồng sẽ cai-trị ngươi” (Sáng-thế Ký 3:16). Đức Chúa Trời đã không nói thế khi Ngài ban phước cho hôn nhân giữa bà và A-đam, nói rằng: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất” (Sáng-thế Ký 1:28). Sứ mạng đầy ân phước giao phó cho cặp vợ chồng đầu tiên cho thấy rằng người đàn bà sẽ thụ thai nhiều lần nhưng không có sự đau đẻ vô ích và quá đỗi cũng không bị chồng bức hiếp. Các bản án này dành cho người đàn bà phạm tội sẽ có ảnh hưởng trên các con gái và cháu gái của bà từ thế hệ này sang thế hệ kia.
Bản án nghịch lại A-đam làm vinh hiển luật pháp Đức Chúa Trời
9, 10. a) Đức Chúa Trời đã trực tiếp cảnh giác A-đam về điều gì, và hậu quả gì sẽ xảy ra nếu Đức Chúa Trời thi hành án phạt như thế? b) Đức Chúa Trời nói lời phán xét nào nghịch lại A-đam?
9 Tuy vậy, người đàn bà và chồng đã bị bà xúi giục để cùng phạm tội phải chia xẻ với nhau cảnh ngộ đổi khác nào? Trước đó, Đức Chúa Trời đã trực tiếp nói với ông: “Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác, thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:17). Đức Chúa Trời là Quan Án sẽ thi hành án lệnh quyết liệt dường ấy đối với A-đam chỉ vì việc ăn một trái cây không? Hãy nghĩ đến ý nghĩa của việc thi hành một án phạt thể ấy! A-đam và Ê-va sẽ mất đi triển vọng đầy khích lệ có được trong ngày họ cưới nhau, triển vọng làm đầy dẫy đất với dòng dõi của họ, loài người hoàn toàn sống hòa thuận với nhau trong địa-đàng trên đất, được trẻ trung mãi mãi, có liên lạc bình an với Đức Chúa Trời và Cha của họ trên trời! Chắc chắn ý định huy hoàng của Đức Chúa Trời đối với nhân loại và trái đất là nơi ở của họ sẽ không thất bại khi Ngài thi hành triệt để bản án tử hình nhắm vào cha mẹ đầu tiên của nhân loại! Nhưng hãy nghe sắc lệnh của Đức Chúa Trời mà Kinh-thánh thuật lại một cách rất rõ:
10 “Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa-sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó-nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông-gai và cây tật-lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:17-19).
11. Các sự kiện nào liên quan đến sự vâng lời giúp hiểu rõ hơn việc A-đam bị Đức Chúa Trời phán xét như thế là đích đáng?
11 Sự phán xét đó có nghĩa là thi hành bản án tử hình đối với người đàn ông bất kể điều này gây ra hậu quả nào cho ý định của Đức Chúa Trời muốn có địa-đàng trên đất, đầy dẫy những người sống yêu thương và hòa thuận lẫn nhau và mãi mãi vun trồng cùng chăm sóc vườn Địa-đàng lan rộng khắp đất. Người đàn ông đã nghe lời vợ thay vì Đức Chúa Trời đã bảo đừng ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác” là trái cấm. Và nếu chính ông đã không vâng lời Đức Chúa Trời và Đấng Tạo hóa của mình, thì có lý nào để tin rằng ông sẽ dạy con cháu ông làm thế không? Gương của ông sẻ gián tiếp dạy họ vâng lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời không? (So sánh I Sa-mu-ên 15:22).
12, 13. a) Tội của A-đam sẽ gây ảnh hưởng thế nào trên con cháu của ông? b) Tại sao A-đam không xứng đáng sống đời đời trong Địa-đàng hay nơi nào khác trên đất?
12 Con cháu của A-đam sẽ giữ nổi luật pháp Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn không, như chính ông đã có thể một thời làm được khi còn là người hoàn toàn? Dưới tác dụng của các định luật di truyền, ông sẽ truyền lại cho con cháu sự yếu kém của ông và khuynh hướng cãi lời Đức Chúa Trời để nghe lời ai khác, phải không? Sự kiện lịch sử trả lời cho các câu hỏi này (Rô-ma 5:12).
13 Một người như thế, chỉ vì muốn làm hài lòng một tạo vật đồng loại nên đã không vâng lời Đức Chúa Trời cách trọn vẹn để bày tỏ hoàn toàn yêu thương Ngài, thì có đáng sống đời đời trong Địa-đàng hay một nơi nào khác trên đất không? Để cho hắn sống trên đất đời đời có an toàn không? Việc để cho hắn sống đời đời trên đất trong trạng thái phạm tội có tán dương luật pháp Đức Chúa Trời và bày tỏ sự công bình tuyệt đối của Ngài, hay sẽ dạy người ta khinh thường luật pháp Đức Chúa Trời và làm cho hiểu ngầm là lời Đức Chúa Trời không đáng tin cậy?
Bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen
14. Làm thế nào lời tường thuật của Kinh-thánh miêu tả việc Đức Chúa Trời hành động nghịch lại A-đam và vợ ông?
14 Lời tường thuật của Kinh-thánh nói cho chúng ta biết Đức Chúa Trời quyết định cách nào: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho. Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân-biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng. Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen đặng cày-cấy đất, là nơi có người ra. Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bin với gươm lưỡi chói-lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống” (Sáng-thế Ký 3:21-24).
15. a) Bằng cách nào Đức Chúa Trời tỏ sự tôn trọng đối với ý nghĩ hổ thẹn mà A-đam và vợ ông cảm thấy vì cớ sự trần truồng? b) Cặp vợ chồng đầu tiên đã bị đuổi thế nào ra khỏi vườn Ê-đen? c) Ở bên ngoài vườn Ê-đen, A-đam và vợ ông phải đối phó với tình cảnh nào đã đổi khác?
15 Đấng Quan Án thiên thượng tỏ ra tôn trọng ý nghĩ hổ thẹn mà bấy giờ những kẻ phạm tội là A-đam và vợ cảm thấy vì cớ sự trần truồng. Kinh-thánh không nói bằng cách nào, Ngài đã thay thế mấy cái khố bằng lá cây vả mà họ tự bện lấy bằng các áo dài bằng da thú cho họ mặc (Sáng-thế Ký 3:7). Các áo bằng da thú sẽ bền hơn và che chở họ nhiều hơn để khỏi bị cây gai và cây tật lê và các vật khác gây thương tích ở bên ngoài vườn Ê-đen. Vì bị lương tâm dày vò sau khi phạm tội, họ kiếm cách ẩn mình giữa các cây trong vườn để lánh mặt Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 3:8). Bây giờ, sau khi bị xử tội, họ bị Đức Chúa Trời xô đẩy bằng cách này hay cách khác, buộc họ ra khỏi vườn. Họ bị đẩy về hướng đông và ít lâu sau họ ra khỏi vườn để rồi không bao giờ được trở lại đó nữa. Họ sẽ không còn làm lụng để nới rộng vườn đó và làm cho khắp đất đều có những tình trạng địa-đàng tương tợ như vậy. Từ rày về sau, họ sẽ ăn bánh làm bằng cây cỏ ngoài đồng, nhưng bánh đó sẽ không làm cho họ sống đời đời. Họ đã bị ngăn cách khỏi “cây sự sống”. Một thời gian sau—không biết bao lâu?—họ phải chết!
Ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời không thể thất bại
16. Đức Chúa Trời không có ý định làm gì, và tại sao?
16 Bấy giờ Đức Chúa Trời có quyết định hủy diệt trái đất cùng với mặt trăng và mặt trời và các vì sao trong một cuộc đại họa khắp vũ trụ vì cớ hai tạo vật làm bằng bụi đất đã phạm tội nghịch lại Ngài không? Nếu làm thế có nghĩa là Ngài đã thất bại liên quan đến ý định vinh hiển của Ngài, tất cả chỉ vì điều mà một con na.chash’ đã gây ra? Có thể nào một con rắn tầm thường lại cản trở được toàn thể ý định của Đức Chúa Trời? Ngài đã nêu ra ý định đó cho A-đam và Ê-va trong ngày cưới của họ khi Ngài ban phước cho họ và nói cho họ biết ý muốn của Ngài đối với họ: làm đầy dẫy toàn thể trái đất với loài người hoàn toàn, làm cho đất phục tùng trong sự hoàn toàn giống vườn Ê-đen, và toàn thể nhân loại khắc phục được tất cả các loài sinh vật trên đất và dưới nước trong sự hòa thuận. Thật là một quang cảnh chói lọi về việc thực hiện ý định Đức Chúa Trời vì đó mà Ngài đã chuẩn bị trước trong sáu ngày sáng tạo dài đến hằng ngàn năm! Bây giờ lẽ nào ý định đáng ngợi khen này phải bị bỏ phế chỉ vì một con rắn và sự bại hoại của cặp vợ chồng đầu tiên ư? Không đời nào! (So sánh Ê-sai 46:9-11).
17. Đức Chúa Trời cương quyết làm gì liên quan đến ngày thứ bảy, và vậy thì ngày đó sẽ chấm dứt thế nào?
17 Lúc đó vẫn còn là ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngài đã nhất quyết ban phước và làm cho ngày đó nên thánh. Ngài sẽ không để cho bất cứ điều gì khiến cho ngày đó bị rủa sả và sẽ can thiệp để biến sự rủa sả của bất cứ ai âm mưu làm thế thành sự ban phước để rồi kết cuộc ngày đó sẽ được ban phước thật sự. Ngài sẽ biến toàn thể trái đất thành một nơi thánh, với ý muốn Đức Chúa Trời được thực hiện trên đất như trên trời, và trên đất phải có một giống người hoàn toàn. (So sánh Ma-thi-ơ 6:10).
18, 19. a) Tại sao dòng dõi đau khổ của cặp vợ chồng đầu tiên tội lỗi có thể vui lên? b) Tháp Canh sẽ bàn về những gì trong các bài kế tiếp?
18 Đức Chúa Trời không cảm thấy chán chường chút nào cả. Ngài không bỏ dở ý định của Ngài. Ngài cương quyết tự biện minh cho chính Ngài như là Đấng đáng tin cậy, Đấng đặt ra ý định và ngay cả có thể hoàn toàn thực hiện ý định đó để làm cho Ngài được kính trọng (Ê-sai 45:18). Dòng dõi bất toàn và đau khổ của cặp vợ chồng đầu tiên tội lỗi có thể vui lên và tin tưởng nơi việc Đức Chúa Trời trung thành thực thi ý định nguyên thủy của Ngài đem lại lợi ích đời đời cho họ. Hằng ngàn năm thuộc ngày nghỉ của Đức Chúa Trời đã trôi qua, và phần cuối của ngày này được Ngài đặc biệt ban phước hẳn phải gần kề. “Buổi chiều” của ngày nghỉ của Ngài trôi qua, và cũng như tất cả sáu ngày sáng tạo trước đó, “buổi mai” phải đến. Khi “buổi mai” đạt đến tột độ hoàn toàn và khi tất cả mọi người chứng kiến đều hoàn toàn thấy rõ sự thực hiện đầy vinh hiển của ý định không gì lay chuyển nổi của Đức Chúa Trời, lúc bấy giờ có thể viết ra: “Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ bảy”. Thật là một triển vọng huy hoàng thay!
19 Thật là phấn khởi thay khi nghĩ đến tất cả những điều này! Và trong các bài kế tiếp, Tháp Canh sẽ nói về triển vọng bước vào Địa-đàng dành cho nhân loại biết vâng lời và yêu mến luật pháp của Đức Chúa Trời.
[Chú thích]
a Nơi Khải-huyền 12:9, Sa-tan Ma-quỉ được nhận diện là “con rắn xưa”; nơi Giăng 8:44, Giê-su Christ gọi hắn là “cha sự nói dối”.
Bạn sẽ nói gì?
◻ Tại sao cặp vợ chồng đầu tiên đã đánh mất chỗ ở của họ trong Địa-đàng?
◻ Tại sao chúng ta biết rằng sự kiện con rắn xưa lường gạt Ê-va không phải là chuyện thần thoại?
◻ Đức Chúa Trời tuyên bố bản án nào đối với người đàn bà?
◻ Đức Chúa Trời tuyên bố bản án nào đối với A-đam, và tại sao điều này làm vinh hiển luật pháp Đức Chúa Trời?
◻ Tại sao Đức Chúa Trời không cảm thấy chán chường về ý định của Ngài muốn thấy trái đất đầy dẫy những người hoàn toàn trong Địa-đàng?