Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 6-12 THÁNG 1
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | SÁNG THẾ 1, 2
it-1-E trg 527, 528
Sự sáng tạo
Khi Đức Chúa Trời phán vào ngày sáng tạo thứ nhất: “Hãy có ánh sáng”, thì ánh sáng khuếch tán chiếu xuyên qua các tầng mây, dù nguồn của ánh sáng ấy chưa thể nhìn thấy từ mặt đất. Dường như quá trình này diễn ra từ từ như dịch giả Watts cho biết: “Ánh sáng dần dần xuất hiện” (Sa 1:3. A Distinctive Translation of Genesis). Đức Chúa Trời phân cách sáng với tối, ngài gọi sáng là Ngày, còn tối là Đêm. Điều này cho thấy trái đất quay quanh trục và di chuyển quanh mặt trời, nhờ thế hai nửa bán cầu, phía đông và phía tây có cả ngày lẫn đêm.—Sa 1:3, 4.
Vào ngày thứ hai, Đức Chúa Trời làm ra một khoảng không bằng cách phân cách “giữa khối nước này với khối nước kia”. Ngài giữ lại một lượng nước trên đất và nâng phần lớn nước lên cao khỏi mặt đất, tạo thành một khoảng không ở giữa. Đức Chúa Trời gọi khoảng không là Trời, khoảng không này liên quan đến trái đất vì khối nước ở trên khoảng không ấy không chứa các ngôi sao hoặc thiên thể.—Sa 1:6-8.
Vào ngày thứ ba, Đức Chúa Trời đã dùng quyền năng của ngài để làm cho các khối nước trên đất tụ lại một nơi và phần cạn lộ ra, Đức Chúa Trời gọi phần cạn là Đất. Cũng trong ngày đó, Đức Chúa Trời đặt nguyên tắc sự sống lên trên những nguyên tử vật chất, nhờ thế có cỏ, cây có hạt và cây ăn trái. Mỗi loại trong ba loại cây này có khả năng sinh sản tùy theo “loài”. Những điều này không xảy ra một cách ngẫu nhiên hoặc tiến hóa.—Sa 1:9-13.
it-1-E trg 528 đ. 5-8
Sự sáng tạo
Một điều cũng đáng chú ý là nơi Sáng thế 1:16 không dùng động từ tiếng Hê-bơ-rơ ba·raʼʹ, nghĩa là “tạo ra”. Thay vì thế, Kinh Thánh dùng động từ ʽa·sahʹ có nghĩa là “đặt”. Vì mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao nằm trong “trời” được nói nơi Sáng thế 1:1 đã được tạo ra rất lâu trước ngày sáng tạo thứ tư. Trong ngày thứ tư, Đức Chúa Trời “đặt” những thiên thể này ở vị trí để chúng tương tác với mặt đất và khoảng không phía trên mặt đất. Khi nói “Đức Chúa Trời đặt chúng trong khoảng không của trời để chiếu sáng trái đất”, Kinh Thánh cho thấy là giờ đây các thiên thể ấy có thể được thấy rõ từ mặt đất, như thể chúng được đặt trong khoảng không. Ngoài ra, các vì sáng ấy cũng “sẽ làm dấu hiệu chỉ mùa, ngày và năm”, nhờ thế con người có thể tính toán được ngày, giờ, mùa và năm.—Sa 1:14.
Ngày thứ năm được đánh dấu bằng việc Đức Chúa Trời tạo ra những sinh vật đầu tiên trên đất, không phải là con người. Đức Chúa Trời không có ý định tạo ra một sinh vật để nó tiến hóa thành những dạng khác, nhưng ngài dùng quyền năng để tạo ra đầy tràn các vật sống. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời dựng nên các tạo vật lớn dưới biển cùng mọi vật sống chuyển động nhung nhúc trong nước tùy theo loài và mọi tạo vật có cánh biết bay tùy theo loài”. Đức Chúa Trời hài lòng với những gì ngài tạo ra, ngài ban phước cho chúng và phán hãy “gia tăng nhiều”, điều này có thể xảy ra là vì những tạo vật thuộc nhiều họ khác nhau này được ban cho khả năng sinh sản “tùy theo loài”.—Sa 1:20-23.
Vào ngày thứ sáu, “Đức Chúa Trời làm ra động vật hoang dã tùy theo loài, súc vật tùy theo loài, và tất cả loài vật bò trên đất tùy theo loài”, công việc này cũng là tốt lành giống như mọi công việc sáng tạo trước đó của Đức Chúa Trời.—Sa 1:24, 25.
Vào cuối ngày sáng tạo thứ sáu, Đức Chúa Trời tạo ra một sinh vật hoàn toàn mới, cao hơn loài vật nhưng thấp hơn thiên sứ. Đó là con người, được tạo theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Trong khi Sáng thế 1:27 chỉ nói ngắn gọn về việc “ngài [Đức Chúa Trời] tạo ra người nam và người nữ”, thì lời tường thuật tương ứng nơi Sáng thế 2:7-9 cho thấy rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên con người, hà hơi sống vào mũi thì người trở thành một người sống, và được ban cho ngôi nhà địa đàng và được cung cấp thức ăn. Trong trường hợp này, Đức Giê-hô-va dùng những nguyên tố của đất để sáng tạo, sau khi tạo ra người nam, ngài tạo nên người nữ bằng cách dùng một xương sườn của A-đam (Sa 2:18-25). Với việc người nữ được tạo ra thì giờ đây con người trở nên trọn vẹn.—Sa 5:1, 2.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 52
Chúa Giê-su Ki-tô
Không phải là đấng đồng sáng tạo. Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su tham gia vào công việc sáng tạo nhưng điều đó không có nghĩa ngài là đấng đồng sáng tạo với Cha. Đức Chúa Trời dùng thần khí thánh, lực hoạt động của ngài để tạo ra muôn vật (Sa 1:2; Th 33:6). Vì Đức Giê-hô-va là Nguồn của mọi sự sống, mọi vật sống, cả tạo vật thấy được lẫn không thấy được, nên tất cả đều phụ thuộc vào ngài (Th 36:9). Thay vì là đấng đồng sáng tạo, Chúa Giê-su là phương tiện mà Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa, dùng để thực hiện công việc của ngài. Chính Chúa Giê-su nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời tạo ra muôn vật, phù hợp với cả Kinh Thánh.—Mat 19:4-6.
NGÀY 13-19 THÁNG 1
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | SÁNG THẾ 3-5
it-2-E trg 186
Cơn đau chuyển dạ
Sự khốn khổ liên quan đến việc sinh con. Đó là hậu quả mà Đức Chúa Trời nói với người nữ đầu tiên là Ê-va sau khi bà phạm tội. Nếu bà vâng lời thì ân phước của Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục ở trên bà và việc sinh con sẽ mang lại niềm vui, vì “ân phước Đức Giê-hô-va làm cho giàu có, ngài cũng chẳng thêm đau khổ lẫn vào” (Ch 10:22). Nhưng giờ đây, như một quy luật chung, việc sinh con sẽ mang lại sự đau đớn cho con người bất toàn. Phù hợp với lời của Đức Chúa Trời (thường những điều ngài cho phép xảy ra được diễn tả như thể ngài đã gây ra): “Ta sẽ tăng sự đau đớn của con trong kỳ thai nghén thêm bội phần, con sẽ sinh nở trong đau đớn”.—Sa 3:16.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 192 đ. 5
Lê-méc
Bài thơ mà Lê-méc sáng tác cho những người vợ của mình (Sa 4:23, 24) phản ánh tinh thần hung bạo vào thời đó. Bài thơ được viết như sau: “Hãy nghe tiếng tôi, này vợ Lê-méc; hãy lắng tai nghe lời tôi nói đây: Tôi giết một người vì một vết thương, phải, một thanh niên, vì dám đánh tôi. Ca-in mà được báo thù bảy lần thì Lê-méc phải bảy mươi bảy lần”. Dường như Lê-méc đang nói về trường hợp ông tự vệ, ông nài xin và biện hộ rằng hành động giết người của ông không có chủ đích như trường hợp của Ca-in. Lê-méc nói rằng để bảo vệ chính mình, ông đã giết một người nam đánh và gây thương tích cho ông. Vì thế, bài thơ như một lời cầu xin đối với những người muốn trả thù ông.
NGÀY 27 THÁNG 1–NGÀY 2 THÁNG 2
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | SÁNG THẾ 9-11
it-1-E trg 239
Ba-by-lôn Lớn
Đặc điểm của thành Ba-by-lôn xưa. Thành Ba-by-lôn ở đồng bằng xứ Si-nê-a và tháp Ba-bên được xây cùng thời điểm (Sa 11:2-9). Lý do mà người ta muốn xây thành và tháp này không phải vì muốn tôn vinh danh của Đức Chúa Trời, nhưng có lẽ những thợ xây muốn “làm rạng danh mình”. Những tòa tháp (ziggurat) được phát hiện ở nơi Ba-by-lôn bị tàn phá và ở những nơi khác tại Mê-sô-bô-ta-mi dường như xác minh rằng tòa tháp đầu tiên được dùng cho mục đích tôn giáo, dù nó có hình thức hay kiểu dáng nào. Hành động dứt khoát của Đức Giê-hô-va trong việc phá đổ dự án xây tòa tháp cho thấy ngài lên án việc xây tháp, nguồn gốc của tôn giáo sai lầm. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, tên của thành Ba-bên nghĩa là “sự xáo trộn”, trong tiếng Su-me (Ka-dingir-ra) và tiếng Akkad (Bab-ilu) đều có nghĩa là “Cổng trời”. Cư dân còn lại trong thành đã thay đổi tên của nó để tránh ý nghĩa bị lên án ban đầu nhưng nó vẫn được nhận biết là thành gắn liền với tôn giáo.
it-2-E trg 202 đ. 2
Ngôn ngữ
Lời tường thuật trong sách Sáng thế miêu tả một số người thuộc gia đình nhân loại sau trận Đại Hồng Thủy đã cùng nhau xây một dự án chống lại ý muốn mà Đức Chúa Trời đã phán với Nô-ê và các con ông (Sa 9:1). Thay vì tản mác và “làm cho đầy cả đất”, họ nhất quyết tập trung nhau lại thành một xã hội loài người, nhóm lại tại một nơi được biết đến là đồng bằng ở xứ Si-nê-a thuộc Mê-sô-bô-ta-mi. Dường như nơi đây cũng bắt đầu trở thành một trung tâm tôn giáo và có một tháp dính líu đến tôn giáo.—Sa 11:2-4.
it-2-E trg 202 đ. 3
Ngôn ngữ
Đức Chúa Trời Toàn Năng đã khiến cho kế hoạch kiêu ngạo của họ thất bại bằng cách phá vỡ sự hợp nhất của họ, ngài làm điều này bằng cách xáo trộn ngôn ngữ. Điều này khiến họ không thể làm việc chung với nhau để xây tháp và buộc phải phân tán ra khắp đất. Việc làm xáo trộn ngôn ngữ cũng sẽ ngăn cản sự phát triển theo hướng sai trái, không đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời vì khi bị xáo trộn ngôn ngữ, con người sẽ bị hạn chế khả năng hợp sức về trí tuệ và thể chất hầu đạt được những tham vọng; đồng thời điều này cũng khiến họ không thể thu thập sự hiểu biết của những nhóm ngôn ngữ khác, là sự hiểu biết không đến từ Đức Chúa Trời nhưng đến từ con người. (So sánh Tr 7:29; Phu 32:5). Dù việc làm xáo trộn ngôn ngữ gây ra sự chia rẽ lớn trong xã hội loài người, nhưng thật ra điều đó mang lại lợi ích cho họ, giúp ngăn chặn những mục tiêu nguy hiểm gây tổn thương cho người khác (Sa 11:5-9; so sánh Ês 8:9, 10). Một người chỉ cần xem xét những sự phát triển mà con người đạt được trong thời chúng ta nhờ những kiến thức mà họ tích lũy và cách họ lạm dụng kiến thức ấy, thì sẽ nhận ra rằng Đức Giê-hô-va đã thấy trước hậu quả khôn lường mà tháp Ba-bên có thể gây ra, nếu ngài không ngăn cản dự án ấy.
it-2-E trg 472
Các nước
Vì rào cản về ngôn ngữ, mỗi nhóm ngôn ngữ tự phát triển văn hóa, nghệ thuật, phong tục, đặc điểm và tôn giáo của riêng mình; mỗi nhóm ngôn ngữ có cách hoạt động khác nhau (Lê 18:3). Vì xa cách Đức Chúa Trời, các dân tộc khác nhau tự tạo ra nhiều hình tượng của các thần mà họ thờ.—Phu 12:30; 2V 17:29, 33.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 1023 đ. 4
Cham
Có thể Ca-na-an liên quan trực tiếp đến vụ việc và cha của ông là Cham đã không sửa trị ông. Hoặc Nô-ê được soi dẫn để nói tiên tri, ông thấy trước khuynh hướng xấu của Cham, có lẽ đã được thể hiện rõ qua con trai ông là Ca-na-an, sẽ ảnh hưởng đến dòng dõi của Ca-na-an. Lời rủa sả ấy đã ứng nghiệm một phần khi dân Y-sơ-ra-ên (nói tiếng Se-mít) chinh phục dân Ca-na-an. Những người không bị hủy diệt (chẳng hạn như dân Ga-ba-ôn [Gs 9]) bị bắt làm nô lệ cho dân Y-sơ-ra-ên. Nhiều thế kỷ sau đó, lời rủa sả ấy đã ứng nghiệm rộng hơn khi hậu duệ của Ca-na-an, con trai Cham, bị dòng dõi của Gia-phết là đế quốc Mê-đi Ba Tư, Hy Lạp và La Mã đô hộ.
it-2-E trg 503
Nim-rốt
Các thành đầu tiên của vương quốc Nim-rốt bao gồm thành Ba-bên, Ê-rết, A-cát và Ca-ne, thuộc xứ Si-nê-a (Sa 10:10). Vì thế, rất có thể Nim-rốt là người chỉ đạo công việc xây thành và tháp Ba-bên. Kết luận này cũng phù hợp với quan điểm của truyền thống Do Thái. Ông Josephus viết: “[Nim-rốt] từng bước chuyển đổi tình trạng ban đầu sang chế độ độc tài, hắn cho rằng cách duy nhất để con người không còn sợ Đức Chúa Trời nữa là khiến dân chúng tin cậy nơi quyền lực của hắn. Hắn đe dọa sẽ trả thù Đức Chúa Trời nếu ngài khiến cho nước lụt xảy ra một lần nữa, hắn sẽ xây dựng một tháp cao hơn mặt nước để trả thù cho tổ tiên của hắn. Người ta sẵn sàng nghe theo lời của Nim-rốt, họ cho rằng việc vâng phục Đức Chúa Trời là mất tự do, vì thế họ bắt đầu xây tháp... và công việc tiến triển nhanh đến mức không ngờ”.—Jewish Antiquities, I, 114, 115 (iv, 2, 3).