Lột mặt nạ con rắn
“Vả, một ngày kia các con trai Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng [họ]” (GIÓP 1:6).
1. a) Tên Sa-tan có nguồn gốc từ đâu và ý nghĩa là gì? b) Chữ “Sa-tan” có bao nhiêu lần trong Kinh-thánh, và các câu hỏi nào được nêu ra?
Tên Sa-tan bắt nguồn từ đâu? Nó có nghĩa gì? Tên này trong Kinh-thánh được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ gồm có ba chữ cái ש (Sin), ט (Tehth), và נ (Nun). Ghép với các chấm tượng trưng cho mẫu âm, các chữ cái đó hợp thành chữ “Sa-tan”, theo học giả Edward Langton thì “xuất phát từ một chữ gốc có nghĩa là “chống lại”, hoặc “là kẻ thù nghịch hay hành động thù nghịch””. (So sánh I Phi-e-rơ 5:8). Dù Kinh-thánh có hơn 50 lần chữ Sa-tan, chỉ có 18 lần trong phần Kinh-thánh Hê-bơ-rơ và chỉ trong các sách I Sử-ký, Gióp và Xa-cha-ri. Vậy các câu hỏi này được nêu ra: Khi nào thì người ta biết đến sự phản nghịch và các hoạt động của Sa-tan? Khi nào thì Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ tiết lộ rõ ràng Sa-tan lần đầu tiên?
2. Câu hỏi nào không được trả lời ngay sau cuộc phản nghịch của A-đam và Ê-va?
2 Kinh-thánh giải thích bằng ngôn ngữ giản dị và sâu sắc việc tội lỗi và sự phản nghịch xuất hiện thế nào trên đất, trong một vườn địa-đàng ở Trung Đông. (Xem Sáng-thế Ký đoạn 2 và 3). Dù một con rắn được nhận diện là kẻ chủ mưu việc không vâng lời của A-đam và Ê-va, không có sự liên hệ trực tiếp nào được gán cho quyền lực và tạo vật thông minh thật sự nấp sau tiếng nói do con rắn phát ra. Tuy nhiên, A-đam đã có nhiều thì giờ để suy gẫm về các biến cố xảy ra trong Ê-đen dẫn đến việc ông bị đuổi ra khỏi vườn địa-đàng (Sáng-thế Ký 3:17, 18, 23; 5:5).
3. Dù không bị lường gạt, A-đam dã phạm tội gì, và đem lại hậu quả gì cho nhân loại?
3 Dĩ nhiên, A-đam biết loài vật không biết nói tiếng người. Ông cũng biết rằng Đức Chúa Trời không dùng thú vật nào để nói chuyện với ông trước khi Ê-va bị cám dỗ. Vậy ai đã nói với vợ ông để bà cãi lời Đức Chúa Trời? Phao-lô nói rằng ngay dù người đàn bà hoàn toàn bị lường gạt, A-đam đã không bị lường gạt (Sáng-thế Ký 3:11-13, 17; I Ti-mô-thê 2:14). Có lẽ A-đam hiểu rằng một tạo vật vô hình nào đó đề nghị vâng lời một kẻ nào khác hơn Đức Chúa Trời. Nhưng dù chính ông không bị con rắn đến gần để gạt gẫm, ông đã chọn việc không vâng lời cùng với vợ. Hành vi cố tình và cố ý không vâng lời của A-đam đã đánh mất sự hoàn toàn, mở đường cho tội lỗi và đưa đến bản án sự chết đã được cảnh cáo trước. Và vậy thì khi dùng con rắn làm công cụ, Sa-tan đã trở thành kẻ giết người đầu tiên (Giăng 8:44; Rô-ma 5:12, 14).
4, 5. a) Có sự phán xét tiên tri nào dành cho con rắn? b) Lời tiên tri ấy bao hàm các điều bí ẩn nào?
4 Việc phản nghịch trong vườn Ê-đen đã khiến Đức Chúa Trời ban bố một sự phán xét tiên tri. Sự phán xét ấy bao hàm một “sự mầu-nhiệm [bí mật thánh]” mà hằng ngàn năm mới được tiết lộ hoàn toàn. Đức Chúa Trời nói với con rắn: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người” (Ê-phê-sô 5:32; Sáng-thế Ký 3:15).
5 Lời tiên tri trọng yếu này bao hàm nhiều điều bí ẩn. “Người nữ” thật ra là ai? Có phải là Ê-va không, hay là một người đàn bà tượng trưng quan trọng hơn Ê-va rất nhiều? Ngoài ra, ‹‹dòng-dõi người nữ›› và ‹‹dòng-dõi con rắn›› nghĩa là gì? Và con rắn thật ra là ai mà lại có dòng dõi thù nghịch với dòng dõi người nữ? Như chúng ta sắp sửa thảo luận, Đức Giê-hô-va hiển nhiên xác định rằng các câu hỏi này sẽ được trả lời đầy đủ đến kỳ đã định. (So sánh Đa-ni-ên 12:4 và Cô-lô-se 1:25, 26).
Bằng chứng khác nữa về sự phản nghịch trên trời
6. Có dấu hiệu nào về sự phản nghịch xảy ra trên trời ngay trước trận Nước Lụt?
6 Như lịch sử Kinh-thánh cho thấy, một dấu hiệu khác nữa về sự phản nghịch của những tạo vật cao hơn loài người được tiết lộ ngay trước khi có trận Nước Lụt, chừng 1.500 năm sau khi con người rơi vào tội lỗi. Kinh-thánh nói cho chúng ta biết rằng “các con trai Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”. Các sự phối hợp trái tự nhiên này sanh ra dòng dõi tuyệt tự được biết đến dưới tên là “Nê-phi-lim”, “những người mạnh-dạn ngày xưa là tay anh-hùng có danh”. (Sáng-thế Ký 6:1-4; so sánh Gióp 1:6 về lai lịch của “các con trai Đức Chúa Trời”). Chừng 2.400 năm sau đó, Giu-đe bình luận vắn tắt về biến cố ấy khi ông viết: “Còn các thiên-sứ... bỏ chỗ riêng mình, thì Ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối-tăm đời đời, cầm-giữ lại để chờ sự phán-xét ngày lớn” (Giu-đe 6; II Phi-e-rơ 2:4, 5).
7. Mặc dù con người xấu xa nhiều, chúng ta lưu ý nhiều sách lịch sử của Kinh-thánh không nói rõ chi tiết nào?
7 Vào thời đó trước trận Nước Lụt thì “sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”. Tuy nhiên, Sa-tan là kẻ gây ảnh hưởng mạnh đưa đến sự phản nghịch của thiên sứ và sự hung ác của loài người chưa được nhận diện đích danh trong sách Sáng-thế Ký được soi dẫn (Sáng-thế Ký 6:5). Thật vậy, trong suốt lịch sử dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa họ liên miên rơi vào tội cúng hình tượng và thờ phượng thần giả, các sách được soi dẫn của Kinh-thánh là Các Quan Xét, Sa-mu-ên và Các Vua không bao giờ nói đích danh Sa-tan như là kẻ vô hình gây ra các biến cố ấy—cho dù chính Sa-tan thú nhận là hắn “trải qua đây đó trên đất” (Gióp 1:7; 2:2).
8. Lúc ban đầu Gióp có biết Sa-tan có vai trò gì về các sự khốn khổ của ông không? Làm sao chúng ta biết điều này?
8 Ngay khi chúng ta xem xét lời tường thuật quan trọng về Gióp và các sự thử thách của người, chúng ta thấy là Gióp không bao giờ đổ lỗi cho kẻ thù Sa-tan thử thách người. Hiển nhiên, người không biết gì về sự tranh chấp liên quan đến kết cục của tánh hạnh người (Gióp 1:6-12). Gióp không hiểu rằng Sa-tan đã gây ra cuộc khủng hoảng bằng cách thách đố lòng trung thành của ông trước mặt Đức Giê-hô-va. Bởi vậy, khi vợ Gióp trách móc ông với những lời này: “Ủa? Ông hãy vẫn còn bền-đỗ trong sự [trung thành] mình sao? Hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” ông chỉ trả lời: “Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai-họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?” Vì không biết các sự thử thách của ông thật ra từ đâu đến, dường như ông tưởng mọi sự ấy do Đức Chúa Trời gây ra và do đó phải chấp nhận. Như vậy, sự kiện này trở nên một sự thử thách gay go cho lòng trung thành của Gióp (Gióp 1:21; 2:9, 10).
9. Có thể nêu ra câu hỏi hữu lý nào về Môi-se?
9 Bây giờ có một câu hỏi được nêu ra. Chúng ta tin là Môi-se đã viết sách Gióp, và nếu vậy ông biết Sa-tan trải qua đây đó trên đất, tại sao ông không nói đích danh Sa-tan trong bất cứ sách nào của bộ Ngũ thư (Năm quyển sách) cũng do ông viết? Đúng thế, tại sao Sa-tan ít được nói đến trong phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ?a
Sa-tan ít lộ diện
10. Làm sao Sa-tan chỉ lộ diện ít thôi trong phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ?
10 Cho dù tố giác các hoạt động do ma quỉ chủ mưu, hiển nhiên Đức Giê-hô-va đã có những lý do tốt trong sự khôn sáng của Ngài để cho phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ chỉ tố giác giới hạn phần nào thôi về Kẻ thù Ngài là Sa-tan (Lê-vi Ký 17:7; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-13; 32:16, 17; II Sử-ký 11:15). Như vậy, dù những người viết phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ hẳn đã biết chút ít về Sa-tan và vai trò phản nghịch của hắn trên trời, họ chỉ được soi dẫn để minh định và phô bày tội lỗi của dân Đức Chúa Trời và của các nước chung quanh, và để khuyến cáo về sự gian ác của họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:9-13). Tên của Sa-tan ít được đề cập đến.
11, 12. Làm sao chúng ta biết rằng những người viết phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ không phải là không biết đến Sa-tan và ảnh hưởng của hắn?
11 Nhờ ý thức được các biến cố xảy ra trong vườn Ê-đen, sự đồi trụy nơi “các con trai của Đức Chúa Trời” và sự tường thuật của sách Gióp, những người được soi dẫn để viết phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ không phải là không biết đến ảnh hưởng độc ác và siêu phàm của Sa-tan. Nhà tiên tri Xa-cha-ri, thuộc thế kỷ thứ sáu trước tây lịch, đã có một sự hiện thấy về thầy tế lễ cả Giê-hô-sua cùng với “Sa-tan đứng bên hữu người đặng đối-địch người. Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-tan rằng: Hỡi Sa-tan, nguyền Đức Giê-hô-va quở-trách ngươi; nguyền Đức Giê-hô-va... quở-trách ngươi” (Xa-cha-ri 3:1, 2). Thầy thông giáo E-xơ-ra viết lịch sử dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa vào thế kỷ thứ năm trước tây lịch nói rõ “Sa-tan dấy lên muốn làm hại cho Y-sơ-ra-ên, bèn xui-giục Đa-vít lấy số Y-sơ-ra-ên” (I Sử-ký 21:1).
12 Như vậy, đến thời Xa-cha-ri thánh linh bây giờ để cho vai trò của Sa-tan được thấy rõ hơn trong Kinh-thánh. Nhưng phải đợi tới năm thế kỷ sau đó mới thấy Lời Đức Chúa Trời tố giác toàn diện tạo vật độc ác này. Căn cứ vào Kinh-thánh, chúng ta có thể suy ra được tại sao phải chờ đợi đến thời đó mới tố giác toàn diện Sa-tan không?
Chìa khóa của sự bí ẩn
13-15. a) Các lẽ thật căn bản nào là chìa khóa để hiểu lý do tại sao phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ chỉ làm lộ diện Sa-tan ít thôi? b) Đến thời Giê-su, Kinh-thánh đã làm Sa-tan lộ diện rõ ràng thế nào?
13 Đối với người tín đồ đấng Christ có đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời, chìa khóa căn bản để hiểu các câu hỏi này và các câu hỏi nêu ra trước đây không đến từ sự phê bình cao đẳng, làm như Kinh-thánh chỉ giản dị là một kiệt tác văn học, sản phẩm của nhân tài. Chìa khóa này nằm trong hai lẽ thật căn bản của Kinh-thánh. Thứ nhất, như Vua Sa-lô-môn viết, “con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”. (Châm-ngôn 4:18; so sánh Đa-ni-ên 12:4; II Phi-e-rơ 1:19-21). Lẽ thật được dần dần tiết lộ trong Kinh-thánh vào thời do Đức Chúa Trời ấn định, tùy theo nhu cầu và khả năng của các tôi tớ Ngài để hấp thụ lẽ thật ấy. (Giăng 16:12, 13; so sánh 6:48-69).
14 Lẽ thật căn bản thứ hai là trong lời của Phao-lô viết cho môn đồ Ti-mô-thê: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ... hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm-sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16, 17). Giê-su là Con Đức Chúa Trời sẽ tố giác Sa-tan và điều này sẽ được ghi trong Kinh-thánh, như thế giúp cho hội-thánh đấng Christ được trang bị để đứng vững chống lại Sa-tan và ủng hộ sự thống trị của Đức Giê-hô-va (Giăng 12:28-31; 14:30).
15 Do các lý do trên, các sự bí ẩn nơi Sáng-thế Ký 3:15 đã được từ từ tiết lộ. Dưới sự điều khiển của thánh linh Đức Chúa Trời, tức sinh hoạt lực của Ngài, phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ cung cấp những tia sáng yếu ớt về đấng Mê-si sẽ đến, tức Dòng dõi (Ê-sai 9:5, 6; 53:1-12). Song song với điều này, phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ cũng chớp những tia sáng ngắn ngủi về vai trò của Sa-tan là Kẻ nghịch lại Đức Chúa Trời và Kẻ thù của loài người. Nhưng đến thời Giê-su, Kinh-thánh làm lộ diện Sa-tan rõ ràng khi ghi hắn mở cuộc tấn công trực tiếp ra mặt chống lại Dòng dõi đã hứa là Giê-su Christ. Chiếu theo các biến cố diễn ra vào thế kỷ thứ nhất của thời đại đấng Christ, phần Kinh-thánh tiếng Hy-lạp đã làm sáng tỏ vai trò của “người nữ” tức tổ chức thần linh của Đức Giê-hô-va trên trời và của Dòng dõi tức Giê-su Christ. Đồng thời, vai trò của Sa-tan, “con rắn xưa”, cũng được lộ ra rõ ràng hơn (Khải-huyền 12:1-9; Ma-thi-ơ 4:1-11; Ga-la-ti 3:16; 4:26).
Bí mật thánh được tiết lộ
16, 17. “Lẽ mầu-nhiệm [bí mật thánh] của đấng Christ” liên quan tới gì?
16 Sứ đồ Phao-lô viết nhiều về “lẽ mầu-nhiệm [bí mật thánh] của đấng Christ” (Ê-phê-sô 3:2-4; Rô-ma 11:25; 16:25). Bí mật thánh này liên hệ tới “dòng-dõi” thật sau cùng sẽ giày đạp đầu con rắn xưa, tức Sa-tan Ma-quỉ (Khải-huyền 20:1-3, 10). Bí mật này liên quan tới sự kiện Giê-su là thành viên đầu tiên và chính yếu của “dòng-dõi” nhưng ngài sẽ được những người khác kết hợp với, những người “đồng kế-tự”, trước nhất những người Da-thái và rồi những người Sa-ma-ri và người dân ngoại, để hội đủ con số hợp thành “dòng-dõi” ấy (Rô-ma 8:17; Ga-la-ti 3:16, 19, 26-29; Khải-huyền 7:4; 14:1).
17 Phao-lô giải thích: “Lẽ mầu-nhiệm trong các đời khác, chưa từng phát-lộ cho con-cái loài người, mà bây giờ đã được [thánh linh] tỏ ra cho các sứ-đồ thánh và tiên-tri của Ngài”. Nhưng lẽ mầu nhiệm hay bí mật này là gì? “Lẽ mầu-nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế-tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ [tin mừng] mà lập trong Chúa Giê-su Christ” (Ê-phê-sô 3:5, 6; Cô-lô-se 1:25-27).
18. a) Làm thế nào Phao-lô cho thấy cần phải có thời gian để tiết lộ ý nghĩa của “lẽ mầu-nhiệm [bí mật thánh]”? b) Sự tiết lộ này ảnh hưởng thế nào tới sự hiểu biết về “con rắn xưa”?
18 Phao-lô rất cảm kích vì trong bao nhiêu người mà chính ông được chọn để rao truyền “[tin mừng về] sự giàu-có không dò được của đấng Christ, và soi sáng cho mọi người biết sự phân-phát lẽ mầu-nhiệm, từ đời thượng-cổ đã giấu-kín trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật”. Hoặc như ông viết cho người Cô-lô-se, “sự mầu-nhiệm đã giấu-kín trải [qua] các [hệ thống mọi sự dĩ vãng và] các [thế hệ quá cố], mà nay tỏ ra cho các thánh-đồ Ngài”. Hợp lý thay, nếu sự bí mật về “dòng-dõi” sau cùng được tiết lộ thì việc này cũng dẫn đến việc hoàn toàn lột mặt nạ của Kẻ nghịch lớn là “con rắn xưa”. Hiển nhiên, Đức Giê-hô-va đã quyết định không làm cuộc tranh chấp với Sa-tan được sáng tỏ trước thời đấng Mê-si đến. Và ai khác hơn là Dòng dõi tức Giê-su Christ để lột mặt nạ của Sa-tan? (Ê-phê-sô 3:8, 9; Cô-lô-se 1:26).
Giê-su tố giác Kẻ nghịch
19. Giê-su tố giác Kẻ nghịch thế nào?
19 Hồi mới làm thánh chức Giê-su cương quyết đẩy lui Kẻ Cám dỗ bằng những lời này: “Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa [Đức Giê-hô-va] là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:3, 10). Một lần khác, Giê-su tố cáo các kẻ thù tôn giáo vu khống và có ý giết ngài, bằng cách tố giác kẻ chủ mưu của chúng và tố cáo hắn là quyền lực nấp sau con rắn trong vườn Ê-đen, mà rằng: “Các ngươi bởi cha mình, là ma-quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa-muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44).
20. Giê-su có căn bản nào để tố giác Sa-tan?
20 Làm thế nào Giê-su có thể chắc chắn mà tố giác Sa-tan như thế? Làm thế nào ngài biết hắn rõ như thế? Vì ngài đã cùng với Sa-tan hiện hữu ở trên trời! Ngay trước khi hắn tự phụ mà phản nghịch lại cùng Đức Giê-hô-va là Chúa Tối thượng thì Giê-su là “Ngôi-Lời” đã biết hắn (Giăng 1:1-3; Cô-lô-se 1:15, 16). Ngài đã quan sát các hành động xảo quyệt của hắn qua con rắn trong vườn Ê-đen. Ngài đã thấy hắn gây ảnh hưởng nham hiểm trên Ca-in khiến giết em (Sáng-thế Ký 4:3-8; I Giăng 3:12). Sau đó, Giê-su có mặt trong tòa án trên trời của Đức Giê-hô-va khi “các con trai của Đức Chúa Trời đến... và Sa-tan cũng đến trong vòng [họ]” (Gióp 1:6; 2:1). Đúng, Giê-su biết hắn rất rõ và sẵn sàng lột mặt nạ của hắn—một kẻ nói dối, giết người, vu khống và một kẻ nghịch lại Đức Chúa Trời! (Châm-ngôn 8:22-31; Giăng 8:58).
21. Chúng ta có những câu hỏi nào nữa?
21 Bởi lẽ một kẻ thù mạnh dường ấy đang ảnh hưởng trên nhân loại và lịch sử loài người, các câu hỏi sau đây được đặt ra bây giờ: phần Kinh-thánh tiếng Hy-lạp còn tố giác Sa-tan thêm tới mức nào nữa? Và làm sao chúng ta có thể chống lại các mưu mẹo xảo quyệt của hắn và giữ vững sự trung thành của chúng ta trong đấng Christ? (Ê-phê-sô 6:11).
[Chú thích]
a Giáo sư Russell ghi nhận trong một cuốn sách của ông (The Devil—Perceptions of Evil From Antiquity to Primitive Christianity): “Sự kiện đề tài Ma-quỉ không được hoàn toàn khai triển trong Cựu Ước không phải là lý do để bác bỏ sự hiện hữu của hắn trong thần học Do-thái và Ky-tô. Nói về nguồn gốc của một chữ—hoặc của một khái niệm—, quan niệm rằng phải tìm sự thật của chữ hoặc khái niệm đó nơi dạng nguyên thủy của chúng là ngụy biện. Đúng ra thì sự thật lịch sử được phát triển theo thời gian” (Trang 174).
Bạn có nhớ không?
◻ Cần phải giải thích những điều bí ẩn nào liên hệ tới Sáng-thế Ký 3:15?
◻ Có bằng chứng hiển nhiên nào trong phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ về sự phản nghịch ở trên trời?
◻ Hai lẽ thật nào giúp chúng ta hiểu lý do tại sao Sa-tan ít được đề cập tới trong phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ?
◻ “Lẽ mầu-nhiệm [bí mật thánh] của đấng Christ” có liên can gì tới việc tiết lộ Sa-tan và vai trò của hắn?
[Các hình nơi trang 9]
Ảnh hưởng của Sa-tan thật quá rõ ràng trên loài người trong thế gian trước thời Nước Lụt
[Các hình nơi trang 10]
Chính Sa-tan—một nhân vật có thật—đã thách đố Đức Chúa Trời về sự trung thành của Gióp