Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Sáng-thế Ký—I
“SÁNG-THẾ” có nghĩa là “khởi nguyên”, hay “sự hình thành”. Đây là tên thích hợp cho một cuốn sách thuật lại việc vũ trụ đã bắt đầu như thế nào, trái đất được sửa soạn ra sao để thành nơi cư trú cho loài người, và làm thế nào con người hiện hữu ở đó. Môi-se viết sách này tại đồng vắng Si-na-i, có lẽ đã hoàn tất vào năm 1513 TCN.
Sách Sáng-thế Ký cho chúng ta biết về thế giới trước trận Nước Lụt, điều gì xảy ra khi thời đại sau Nước Lụt bắt đầu, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời đối xử như thế nào với Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép. Bài này sẽ xem xét những điểm nổi bật từ Sáng-thế Ký 1:1–11:9, cho đến khi Đức Giê-hô-va bắt đầu thiết lập quan hệ với tộc trưởng Áp-ra-ham.
THẾ GIỚI TRƯỚC TRẬN NƯỚC LỤT
Sách Sáng-thế Ký mở đầu bằng hai từ “ban đầu”, nói về thời xa xưa cách đây hàng tỉ năm. Các sự kiện trong sáu “ngày” sáng tạo, tức những khoảng thời gian của công việc sáng tạo đặc biệt, được miêu tả theo sự quan sát của loài người nếu đã có mặt trên trái đất lúc đó. Vào cuối ngày thứ sáu, Đức Chúa Trời tạo ra loài người. Dù chẳng bao lâu sau đó, Địa Đàng bị mất vì sự bất phục tùng của con người, Đức Giê-hô-va đưa ra hy vọng. Lời tiên tri đầu tiên của Kinh Thánh nói về một “dòng-dõi” sẽ xóa bỏ ảnh hưởng của tội lỗi và giày đạp đầu Sa-tan.
Trong 16 thế kỷ sau đó, Sa-tan thành công trong việc làm cho tất cả nhân loại lìa bỏ Đức Chúa Trời ngoại trừ một số ít người trung thành như A-bên, Hê-nóc, và Nô-ê. Chẳng hạn, Ca-in giết người em công bình là A-bên. “Người ta bắt đầu cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va”, dường như theo cách bất kính. Phản ánh tinh thần hung bạo thời ấy, Lê-méc làm một bài thơ về việc ông đã giết một người trai trẻ như thế nào, cho rằng vì tự vệ. Tình trạng trở nên xấu hơn khi các thiên sứ bội nghịch, con trai của Đức Chúa Trời, lấy những người nữ làm vợ và sinh ra giống người khổng lồ hung bạo. Tuy nhiên, người trung thành Nô-ê đóng chiếc tàu, can đảm cảnh báo người khác về trận Nước Lụt sắp đến, và cùng với gia đình thoát khỏi sự hủy phá của Nước Lụt.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:16—Làm thế nào Đức Chúa Trời có thể tạo ra ánh sáng vào ngày thứ nhất nếu mãi đến ngày thứ tư các vì sáng mới được tạo ra? Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “làm nên” nơi câu 16 không cùng nghĩa với từ “dựng nên” được dùng nơi Sáng-thế Ký chương 1, câu 1, 21 và 27. “Trời” gồm các vì sáng được dựng nên rất lâu thậm chí trước khi “ngày thứ nhứt” bắt đầu. Nhưng ánh sáng của chúng không thể chiếu xuống mặt đất. Vào ngày thứ nhứt, “có sự sáng” là vì ánh sáng khuếch tán chiếu xuyên qua các tầng mây và có thể thấy được trên đất. Vì thế, với sự chuyển động, trái đất bắt đầu luân phiên có ngày và đêm. (Sáng-thế Ký 1:1-3, 5) Từ trên đất vẫn không thấy được các nguồn của ánh sáng đó. Tuy nhiên, trong thời kỳ sáng tạo thứ tư, có sự thay đổi đáng chú ý xảy ra. Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao giờ đây “soi sáng đất”. (Sáng-thế Ký 1:17) “Đức Chúa Trời làm nên” chúng theo nghĩa giờ đây từ trên đất có thể thấy những vì sáng này.
3:8—Đức Giê-hô-va có trực tiếp nói chuyện với A-đam không? Kinh Thánh cho biết rằng khi nói với loài người, Đức Chúa Trời thường nói qua trung gian một thiên sứ. (Sáng-thế Ký 16:7-11; 18:1-3, 22-26; 19:1; Các Quan Xét 2:1-4; 6:11-16, 22; 13:15-22) Phát ngôn viên chính của Đức Chúa Trời là Con độc sinh của Ngài, được gọi là “Ngôi-Lời”. (Giăng 1:14) Rất có thể Đức Chúa Trời nói với A-đam và Ê-va qua “Ngôi-Lời”.—Sáng-thế Ký 1:26-28; 2:16; 3:8-13.
3:17—Đất bị rủa sả theo nghĩa nào, và trong bao lâu? Đất đã bị rủa sả theo nghĩa giờ đây việc trồng trọt trở nên rất khó khăn. Ảnh hưởng của đất bị rủa sả, cùng với gai góc và cây tật lê, đã được con cháu của A-đam cảm nhận rất sâu sắc nên Lê-méc, cha của Nô-ê, nói về “sự nhọc-nhằn mà đất bắt tay ta phải làm, là đất Đức Giê-hô-va đã rủa-sả”. (Sáng-thế Ký 5:29) Sau trận Nước Lụt, Đức Giê-hô-va ban phước cho Nô-ê và các con trai ông, tuyên bố ý định Ngài là họ sẽ làm cho đầy dẫy trên mặt đất. (Sáng-thế Ký 9:1) Lời rủa sả của Đức Chúa Trời đối với đất dường như đã được hủy bỏ.—Sáng-thế Ký 13:10.
4:15—Đức Giê-hô-va “đánh dấu trên mình Ca-in” như thế nào? Bản Trần Đức Huân dịch phần này: “Chúa cho Ca-in một ám hiệu”. Kinh Thánh trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ không nói rằng một dấu hay vết nào đó đã được ghi trên mình Ca-in. Dấu ở đây có thể là một bản án chính thức được người ta biết và tuân theo nhằm ngăn chặn việc giết Ca-in để báo thù.
4:17—Ca-in tìm được vợ ở đâu? A-đam “sanh con trai con gái”. (Sáng-thế Ký 5:4) Vì vậy Ca-in lấy một trong các em gái hoặc có lẽ một trong các cháu gái của ông để làm vợ. Về sau, Luật Pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên không cho phép anh chị em ruột kết hôn.—Lê-vi Ký 18:9.
5:24—Đức Chúa Trời đã ‘tiếp Hê-nóc đi’ theo nghĩa nào? Hê-nóc dường như lâm vào tình trạng nguy đến tính mạng, nhưng Đức Chúa Trời đã không để cho ông chịu đau khổ nơi tay kẻ thù. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết”. (Hê-bơ-rơ 11:5) Điều này không có nghĩa Đức Chúa Trời đem ông lên trời để tiếp tục sống ở đấy. Chúa Giê-su là người đầu tiên lên trời. (Giăng 3:13; Hê-bơ-rơ 6:19, 20) Hê-nóc được “cất lên và không hề thấy sự chết” có thể theo nghĩa là Đức Chúa Trời đặt ông vào tình trạng hôn mê của giới tiên tri và rồi chấm dứt sự sống trong khi ông còn trong trạng thái ấy. Trong trường hợp như thế, Hê-nóc đã không phải chịu khổ, hoặc “thấy sự chết” nơi tay kẻ thù.
6:6—Theo nghĩa nào có thể nói rằng Đức Giê-hô-va “tự trách” đã dựng nên loài người? Trong câu này từ Hê-bơ-rơ được dịch là “tự trách” nói đến một sự thay đổi về thái độ hoặc ý định. Đức Giê-hô-va là hoàn toàn vì vậy Ngài không sai lầm khi tạo ra loài người. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã thay đổi quan điểm về thế hệ gian ác trước Nước Lụt. Đức Chúa Trời đã thay đổi từ tư cách là Đấng Tạo Hóa của loài người sang Đấng hủy diệt họ vì Ngài không hài lòng với tính độc ác của họ. Sự kiện Ngài gìn giữ một ít người công bình cho thấy Ngài chỉ lấy làm tiếc đối với những ai đã trở nên ác.—2 Phi-e-rơ 2:5, 9.
7:2—Điều gì đã được dùng làm cơ sở để phân biệt loài vật thanh sạch với loài không sạch? Cơ sở để phân biệt rất có thể liên quan đến việc dùng của-lễ trong sự thờ phượng, không ám chỉ vật nào ăn được hoặc không ăn được. Trước trận Nước Lụt loài người không ăn thịt thú vật. Những quy định về thức ăn “sạch” và “dơ-dáy” chỉ có trong Luật Pháp Môi-se, và những hạn chế ấy đã chấm dứt khi luật pháp này bị hủy bỏ. (Công-vụ 10:9-16; Ê-phê-sô 2:15) Dường như Nô-ê biết vật nào là thích hợp để làm của-lễ trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngay sau khi rời khỏi tàu, ông “lập một bàn-thờ cho Đức Giê-hô-va. Người bắt các súc-vật thanh-sạch, các loài chim thanh-sạch, bày của-lễ thiêu dâng lên bàn-thờ”.—Sáng-thế Ký 8:20.
7:11—Nước gây ra trận Nước Lụt toàn cầu đến từ đâu? Trong thời kỳ, tức “ngày”, sáng tạo thứ nhì, khi “khoảng không” của trái đất được hình thành thì có “nước ở dưới khoảng-không” và nước “ở trên khoảng không”. (Sáng-thế Ký 1:6, 7) Nước “ở dưới” là nước đã có trên đất. Nước “ở trên” là lượng hơi ẩm khổng lồ nằm lơ lửng bên trên trái đất, hình thành một “vực lớn”. Nước từ nguồn này đã đổ xuống trái đất trong thời Nô-ê.
Bài học cho chúng ta:
1:26. Được làm nên như hình Đức Chúa Trời, loài người có khả năng phản ánh những đức tính của Ngài. Chắc chắn chúng ta cần vun trồng những đức tính như lòng yêu thương, thương xót, nhân từ, tốt lành và kiên nhẫn, phản ánh Đấng đã làm nên chúng ta.
2:22-24. Hôn nhân là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Mối quan hệ hôn nhân là lâu dài và rất đáng quý trọng, với người chồng là chủ gia đình.
3:1-5, 16-23. Hạnh phúc tùy thuộc vào việc chúng ta công nhận quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va trong đời sống riêng.
3:18, 19; 5:5; 6:7; 7:23. Lời của Đức Giê-hô-va luôn trở thành hiện thực.
4:3-7. Đức Giê-hô-va đẹp lòng với của-lễ của A-bên vì ông là người công bình có đức tin. (Hê-bơ-rơ 11:4) Ngược lại, như thể hiện qua hành động, Ca-in thiếu đức tin. Các việc làm của Ca-in là dữ, biểu thị lòng ghen ghét, hận thù, và giết người. (1 Giăng 3:12) Ngoài ra, ông có lẽ không nghĩ gì nhiều về của-lễ mình dâng và chỉ làm một cách chiếu lệ. Chẳng phải khi dâng của-lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Giê-hô-va, chúng ta nên hết lòng và có thái độ thích đáng cùng hạnh kiểm đúng đắn hay sao?
6:22. Dù mất nhiều năm để đóng chiếc tàu, Nô-ê làm y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn. Nhờ đó Nô-ê và gia đình được bảo toàn qua trận Nước Lụt. Đức Giê-hô-va nói với chúng ta qua Lời được viết ra và cho sự hướng dẫn qua tổ chức của Ngài. Khi lắng nghe và vâng lời, chúng ta nhận được lợi ích.
7:21-24. Đức Giê-hô-va không hủy diệt người công bình chung với người gian ác.
NHÂN LOẠI BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI
Với thế gian trước trận Nước Lụt bị hủy diệt, nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới. Loài người được phép ăn thịt nhưng với mệnh lệnh phải kiêng huyết. Đức Giê-hô-va ban hành án tử hình cho tội giết người và lập giao ước cầu vồng, hứa sẽ không bao giờ giáng một trận Nước Lụt nữa. Ba con trai của Nô-ê trở thành tổ tiên của toàn thể loài người, nhưng chắt của ông là Nim-rốt trở thành “một tay thợ săn can đảm trước mặt [“cường bạo chống lại”, NW] Đức Giê-hô-va”. Thay vì tản mát cư trú trên đất, người ta quyết định xây một thành tên Ba-bên và một cái tháp để làm rạng danh họ. Ý định đó bị phá hỏng khi Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của họ và tản họ ra khắp trên mặt đất.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
8:11—Nếu cây cối đã bị Nước Lụt tàn phá, chim bồ câu lấy lá ô-li-ve ở đâu? Hai trường hợp có thể xảy ra. Vì ô-li-ve hay ôliu là loại cây có sức sống dẻo dai, có thể nó đã tiếp tục sống dưới mặt nước vài tháng trong trận Đại Hồng Thủy. Khi nước lũ rút xuống, một cây ôliu trước đó ngập trong nước lại ở trên mặt đất khô và mọc ra lá. Lá ôliu do chim bồ câu mang về cho Nô-ê cũng có thể được ngắt từ một chồi mới đã nẩy sau khi nước rút xuống.
9:20-25—Tại sao Nô-ê rủa sả Ca-na-an? Rất có thể Ca-na-an đã phạm một tội lạm dụng nào đó đối với ông nội là Nô-ê. Cham, cha của Ca-na-an, tuy thấy điều này nhưng không can thiệp mà dường như lại phổ biến câu chuyện. Tuy nhiên, hai người con khác của Nô-ê là Sem và Gia-phết, đã lấy áo che cho cha. Họ được ban phước vì lý do này, nhưng Ca-na-an bị rủa sả, và Cham đã đau khổ vì sự xấu hổ giáng xuống trên con cháu ông.
10:25—Đất “đã chia ra” trong thời của Bê-léc như thế nào? Bê-léc sống từ năm 2269 đến 2030 TCN. ‘Trong đời ông’, Đức Giê-hô-va gây nên sự chia rẽ lớn bằng cách làm lộn xộn tiếng nói của những người xây thành Ba-bên và cho họ tản ra khắp trên mặt đất. (Sáng-thế Ký 11:9) Vì vậy, ‘đất [tức cư dân trên đất] đã chia ra’ trong thời của Bê-léc.
Bài học cho chúng ta:
9:1; 11:9. Không âm mưu hoặc nỗ lực nào của loài người có thể ngăn trở ý định của Đức Giê-hô-va.
10:1-32. Hai lời ghi chép về gia phả trong Kinh Thánh trước và sau sự tường thuật về trận Nước Lụt—chương 5 và 10—cho thấy mối liên hệ của toàn thể loài người với người đàn ông đầu tiên là A-đam, qua ba con trai của Nô-ê. Dân A-si-ri, Canh-đê, Hê-bơ-rơ, Sy-ri và một số chi phái Ả-rập, đều là con cháu của Sem. Dân Ê-thi-ô-pi, Ê-díp-tô, Ca-na-an, và một số bộ tộc Phi Châu và Ả-rập có nguồn gốc từ Cham. Dân Ấn Âu là con cháu của Gia-phết. Toàn thể nhân loại đều liên hệ với nhau, và mọi người sinh ra đều bình đẳng trước mặt Đức Chúa Trời. (Công-vụ 17:26) Lẽ thật này phải ảnh hưởng đến cách chúng ta xem và đối xử với người khác.
Lời Đức Chúa Trời linh nghiệm
Phần thứ nhất của sách Sáng-thế Ký chứa đựng lời tường thuật chính xác duy nhất về lịch sử thời ban đầu của loài người. Qua những trang này, chúng ta hiểu được ý định của Đức Chúa Trời khi đặt loài người trên đất. Thật an tâm biết bao khi thấy rằng không nỗ lực nào của loài người, như nỗ lực của Nim-rốt chẳng hạn, có thể ngăn chặn ý định ấy được thành tựu!
Khi đọc Kinh Thánh hàng tuần để sửa soạn cho Trường Thánh Chức Thần Quyền, xem xét những gì ghi trong phần “Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh” sẽ giúp bạn hiểu một số đoạn Kinh Thánh khó. Những lời bình luận trong phần “Bài học cho chúng ta” sẽ cho thấy làm thế nào bạn có thể được lợi ích từ phần đọc Kinh Thánh trong tuần. Khi thích hợp, những đoạn Kinh Thánh ấy có thể cung cấp cơ sở cho phần nhu cầu địa phương trong Buổi Họp Công Tác. Lời Đức Giê-hô-va quả thật sống động và linh nghiệm trong đời sống chúng ta.—Hê-bơ-rơ 4:12.