Philo Của Alexandria—Pha trộn Kinh Thánh với sự suy đoán
VÀO năm 332 TCN, A-léc-xan-đơ Đại Đế kéo quân tới Ai Cập. Trước khi tiến về hướng đông, trên con đường chinh phục thế giới, ông lập một thành và đặt tên là Alexandria, nơi trở thành trung tâm của nền văn hóa Hy Lạp. Tại đó, vào khoảng năm 20 TCN, một nhà chinh phục khác đã ra đời và thành công, chẳng phải bởi gươm và giáo, nhưng bởi những lập luận theo triết học. Ông được gọi là Philo của Alexandria, hoặc Philo Judaeus bởi gốc gác Do Thái của ông.
Sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá vào năm 607 TCN, nhiều người Do Thái di cư đến Ai Cập. Hàng ngàn người đến sinh sống ở Alexandria. Tuy nhiên, có vấn đề nảy sinh giữa người Do Thái và Hy Lạp. Người Do Thái không tôn thờ các thần của Hy Lạp, còn người Hy Lạp thì chế giễu nội dung phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Nhờ hấp thu nền giáo dục của Hy Lạp và được nuôi dạy trong một gia đình Do Thái, Philo biết rõ mối bất đồng này. Ông xem Do Thái Giáo là tôn giáo thật nhưng, khác với nhiều người, ông tìm một giải pháp ôn hòa để dẫn những người không phải là Do Thái đến với Đức Chúa Trời. Ông muốn làm cho Do Thái Giáo dễ chấp nhận đối với họ.
Ý tưởng mới cho những bản viết cũ
Giống như nhiều người Do Thái ở Alexandria, ngôn ngữ đầu tiên Philo học là tiếng Hy Lạp. Do đó cuộc nghiên cứu của ông chủ yếu dựa vào bản Septuagint, tức phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được dịch sang tiếng Hy Lạp. Qua việc xem xét bản Septuagint, ông dần tin rằng phần Kinh Thánh này chứa đựng những yếu tố của triết học và Môi-se có “đặc tính của một triết gia kỳ tài”.
Nhiều thế kỷ trước đó, giới trí thức Hy Lạp cảm thấy khó chấp nhận những câu chuyện nói về thần và nữ thần, gồm người khổng lồ và các quỉ trong những câu chuyện thần thoại của họ. Họ bắt đầu giải thích lại những câu chuyện cổ đó. Học giả về thời Cổ Đại Hy Lạp và La Mã, James Drummond, nói như sau về phương pháp họ dùng: “Các triết gia bắt đầu tìm những ý tưởng tinh tế ẩn chứa trong các câu chuyện thần thoại, dựa vào tính thô thiển và phi lý của câu chuyện mà suy luận rằng tác giả hẳn đã muốn đưa ra một chân lý sâu sắc hoặc mang tính giáo dục nào đó qua lối văn đầy hình ảnh dâm dục”. Quá trình này gọi là phương pháp giải nghĩa phúng dụ, và Philo cố dùng phương pháp này để giải thích Kinh Thánh.
Chẳng hạn, Sáng-thế Ký 3:22 được dịch như sau theo bản Septuagint của Bagster: “Chúa Trời kết áo da, mặc cho A-đam và vợ ông”. Người Hy Lạp nghĩ rằng công việc kết áo không xứng với địa vị của Đức Chúa Trời Tối Cao. Vì thế Philo nghĩ ra ý nghĩa tượng trưng cho câu này và giải thích: “Áo da là một cụm từ mang nghĩa bóng để chỉ về da tự nhiên, hay nói cách khác là thân thể chúng ta; vì trước tiên Đức Chúa Trời tạo ra trí tuệ, gọi đó là A-đam; sau đó Ngài tạo hình thái hoạt động và gọi nó là Sự Sống. Trong giai đoạn thứ ba, Ngài thấy cần phải tạo một thân thể và gọi nó bằng cụm từ tượng trưng là áo da”. Như vậy Philo cố diễn giải việc Đức Chúa Trời mặc áo cho A-đam và Ê-va để đưa ra một điểm gây suy nghĩ về triết học.
Một ví dụ khác là nơi Sáng-thế Ký 2:10-14, Kinh Thánh miêu tả nguồn nước trong vườn Ê-đen và đề cập đến bốn con sông từ đó chảy ra. Philo xem lời tường thuật này không đơn thuần nói về phong cảnh, nhưng ông tìm cách khám phá ý nghĩa ẩn chứa trong các câu này. Sau khi bình luận về vùng đất đó, ông nói: “Có lẽ lời tường thuật này có một ý nghĩa phúng dụ; bốn con sông tượng trưng cho bốn đức tính”. Ông suy diễn rằng sông Bi-sôn tượng trưng cho tính thận trọng, sông Ghi-hôn cho tính điềm đạm, Hi-đê-ke (Tigris) cho tính chịu đựng và Ơ-phơ-rát cho tính công bình. Như vậy những chi tiết về địa lý được thay thế bằng nghĩa phúng dụ.
Philo dùng phương pháp giải nghĩa phúng dụ để phân tích lời tường thuật về sự sáng tạo, việc Ca-in giết A-bên, trận Nước Lụt vào thời Nô-ê, sự lộn xộn về ngôn ngữ xảy ra tại Ba-bên, cùng nhiều nguyên tắc của Luật Pháp Môi-se. Như trong ví dụ ở đoạn trên, Philo thường xác nhận một điểm của câu Kinh Thánh theo nghĩa đen và rồi bắt đầu diễn giải ý nghĩa tượng trưng do ông suy ra với lời lẽ như: “Có lẽ chúng ta nên xem những điều này như được nói theo nghĩa phúng dụ”. Trong các tác phẩm của Philo, ý nghĩa tượng trưng được nổi bật trong khi ý nghĩa rõ ràng của Kinh Thánh lại bị lu mờ, đó là điều đáng tiếc.
Đức Chúa Trời là ai?
Philo lý giải sự hiện hữu của Đức Chúa Trời với một minh họa đầy thuyết phục. Sau khi miêu tả đất, sông, các hành tinh và ngôi sao, ông kết luận: “Thế giới là một công trình độc đáo nhất về nghệ thuật và kỹ năng như thể nó được phối hợp với nhau bởi một đấng nào đó hoàn hảo và trọn vẹn về mặt tri thức. Đó là cách mà chúng ta có được khái niệm về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời”. Lập luận này thật hợp lý.—Rô-ma 1:20.
Tuy nhiên, khi Philo lý giải về bản chất của Đấng Toàn Năng thì ông đi xa sự thật. Ông cho rằng Đức Chúa Trời “không có những đức tính riêng biệt” và Ngài là “huyền bí”. Ông không khuyến khích nỗ lực tìm kiếm Đức Chúa Trời và giải thích rằng “cố gắng tìm hiểu sâu hơn, với mục đích tiếp tục khám phá về bản chất hoặc các đức tính riêng biệt của Đức Chúa Trời là một điều hết sức điên rồ”. Ý tưởng này không đến từ Kinh Thánh mà đến từ nhà triết học ngoại giáo Plato.
Philo cho rằng Đức Chúa Trời quá xa vời so với sự hiểu biết của con người đến nỗi không thể gọi Ngài bằng danh riêng. Ông nói: “Do đó, điều hợp lý là không có danh nào xứng đáng dành cho Ngài, Đấng thật sự là Đức Chúa Trời hằng sống”. Điều này quả trái với sự thật!
Kinh Thánh khẳng định rằng Đức Chúa Trời có một danh riêng. Thi-thiên 83:18 cho biết: “Chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Trong Ê-sai 42:8, Đức Chúa Trời nói: “Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta”. Vậy tại sao Philo, một người Do Thái có sự hiểu biết về những câu Kinh Thánh này, lại dạy rằng Đức Chúa Trời là Đấng vô danh? Bởi vì ông mô tả một thần vô danh, huyền bí của triết lý Hy Lạp thay vì Đức Chúa Trời có cá tính riêng biệt trong Kinh Thánh.
Linh hồn là gì?
Philo dạy rằng linh hồn khác biệt với thân thể. Theo ông, một người “có thân thể và linh hồn”. Linh hồn có thể chết không? Hãy để ý đến lời giải đáp của Philo: “Khi chúng ta sống, cơ thể chúng ta sống, dù linh hồn chúng ta chết và bị chôn trong thân thể, như trong một cái mồ. Nhưng nếu [thân thể] chết thì linh hồn chúng ta sẽ sống theo sức sống riêng của nó, được giải thoát khỏi thân thể xấu xa đã chết mà linh hồn từng bị ràng buộc”. Đối với Philo, cái chết của linh hồn mang nghĩa tượng trưng. Linh hồn thật sự không bao giờ chết, nó bất tử.
Thế nhưng, Kinh Thánh dạy điều gì về linh hồn? Sáng-thế Ký 2:7 nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh-khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh-linh”. Theo Kinh Thánh, con người không có linh hồn; thay vì thế, con người là linh hồn.
Kinh Thánh cũng không dạy rằng linh hồn bất tử. Ê-xê-chi-ên 18:4 nói: “Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết”. Qua những câu Kinh Thánh này, chúng ta có thể kết luận như sau: Con người là một linh hồn. Do đó, khi con người chết tức là linh hồn chết.a
Sau khi Philo chết, người Do Thái không còn mấy quan tâm đến ông. Tuy nhiên, khối đạo xưng theo Đấng Christ thì ủng hộ ông. Ông Eusebius và một số người thuộc giới chức lãnh đạo của giáo hội tin rằng ông Philo đã cải đạo để theo đạo Đấng Christ. Ông Jerome liệt kê Philo trong số những Giáo Phụ. Các tín đồ Đấng Christ bội đạo, chứ không phải người Do Thái, đã bảo tồn các tác phẩm của Philo.
Những gì Philo viết đã đưa đến một cuộc cách mạng tôn giáo. Ảnh hưởng của ông dẫn đến việc những tín đồ Đấng Christ trên danh nghĩa đã chấp nhận giáo lý trái với Kinh Thánh về linh hồn bất tử. Những dạy dỗ của Philo về Logos (hoặc Ngôi Lời) đã góp phần hình thành thuyết Chúa Ba Ngôi, một giáo điều của tín đồ Đấng Christ bội đạo.
Đừng để bị lừa dối
Khi nghiên cứu phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, Philo cố gắng để “không bỏ sót bất cứ ý nghĩa phúng dụ nào có lẽ tình cờ ẩn chứa trong ngôn ngữ bình dị”. Thế nhưng, Môi-se nói như sau về Luật Pháp Đức Chúa Trời nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:2: “Các ngươi chớ thêm chi và đừng bớt chi về điều ta truyền cho, để giữ theo các điều-răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi mà ta đã truyền”. Với ước muốn có vẻ đầy thiện ý, Philo đã dùng nhiều sự suy đoán, như một lớp sương mù dày đặc, che khuất những dạy dỗ rõ ràng của Lời được soi dẫn đến từ Đức Chúa Trời.
Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền-phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt-để”. (2 Phi-e-rơ 1:16) Khác với các tác phẩm của Philo, lời chỉ dạy của sứ đồ Phi-e-rơ dành cho hội thánh thời ban đầu dựa trên sự kiện và theo sự hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời—“thần lẽ thật”—đã giúp họ hiểu toàn bộ lẽ thật.—Giăng 16:13.
Nếu bạn muốn thờ phượng Đức Chúa Trời được nói đến trong Kinh Thánh, bạn cần nguồn hướng dẫn chân thật thay vì những lý giải theo tư tưởng loài người. Bạn cần học biết chính xác về Đức Giê-hô-va cùng ý định của Ngài, và có thái độ khiêm nhường để làm một học viên thành thật. Nếu học Kinh Thánh với thái độ tích cực đó, bạn sẽ biết được “Kinh-thánh vốn có thể khiến [bạn] khôn-ngoan để được cứu bởi đức-tin trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. Bạn sẽ thấy Lời Đức Chúa Trời có thể khiến bạn “được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”.—2 Ti-mô-thê 3:15-17.
[Chú thích]
a Về linh hồn, cuốn The Jewish Encyclopedia (Bách Khoa Tự Điển Do Thái) xuất bản năm 1910 bình luận như sau: “Tin về một linh hồn vẫn tồn tại sau khi thân thể tan rã không phải là một vấn đề thuộc niềm tin căn bản, nhưng thuộc sự suy đoán của triết học hoặc thần học, và do đó không chỗ nào trong Kinh Thánh dạy rõ về điều này”.
[Khung/Hình nơi trang 10]
NƠI ÔNG PHILO SINH SỐNG
Ông Philo sống và sinh hoạt ở Alexandria, Ai Cập. Trải qua nhiều thế kỷ, thành này là trung tâm thế giới về sách vở và là nơi tranh luận của các học giả.
Nhiều người đến học tại các trường trong thành này để nghe các học giả nổi tiếng giảng dạy. Thư viện của Alexandria trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Thư viện này chứa hàng trăm ngàn bài viết vì các thủ thư tìm cách thu thập mọi văn bản chép tay.
Sau đó, sự ngưỡng mộ của thế giới dành cho thành Alexandria và kho kiến thức của nó dần dần giảm đi. Các hoàng đế ở Rô-ma làm cho thành mình nổi trội hơn, và trung tâm văn hóa được dời sang Châu Âu. Sự suy sụp của thành Alexandria lên đến cao điểm là vào thế kỷ thứ bảy CN khi thành bị xâm chiếm. Cho đến nay, các sử gia còn nuối tiếc sự biến mất của thư viện này, một số cho rằng nền văn minh đã bị lui lại 1.000 năm.
[Nguồn tư liệu]
L. Chapons/Illustrirte Familien-Bibel nach der deutschen Uebersetzung Dr. Martin Luthers
[Khung nơi trang 12]
PHƯƠNG PHÁP GIẢI NGHĨA PHÚNG DỤ NGÀY NAY
Phúng dụ thường là “sự diễn đạt tư tưởng, khái niệm trừu tượng bằng ngụ ý, thông qua những hình ảnh cụ thể”. Các câu chuyện phúng dụ dùng hình ảnh để tượng trưng cho những điều quan trọng hơn bị che khuất. Như Philo của Alexandria, một số người dạy đạo ngày nay dùng phương pháp giải nghĩa phúng dụ để giải thích Kinh Thánh.
Chẳng hạn, Sáng-thế Ký chương 1 đến 11 tường thuật về lịch sử nhân loại từ lúc sáng tạo cho đến lúc dân cư tại tháp Ba-bên tản mác ra khắp nơi. Một bản dịch của Công Giáo, The New American Bible, nói như sau về phần này của Kinh Thánh: “Để lẽ thật chứa đựng trong những câu chuyện này dễ hiểu đối với dân Y-sơ-ra-ên, tức dân sẽ phải bảo tồn những thông điệp này, các lẽ thật phải được diễn tả qua hình ảnh quen thuộc đối với dân thời đó. Vì lý do này, chúng ta phải phân biệt rõ các lẽ thật ẩn chứa sau lớp áo văn chương”. Câu này hàm ý rằng Sáng-thế Ký chương 1 đến 11 không nên được hiểu theo nghĩa đen. Đúng hơn, những lời lẽ dùng trong các câu chuyện phải được xem như lớp áo che thân, bao phủ những ý nghĩa sâu xa hơn.
Thế nhưng, Chúa Giê-su dạy rằng các chương đầu của sách Sáng-thế Ký đã xảy ra đúng như lời tường thuật. (Ma-thi-ơ 19:4-6; 24:37-39) Sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ cũng dạy như vậy. (Công-vụ 17:24-26; 2 Phi-e-rơ 2:5; 3:6, 7) Những người học Kinh Thánh với tấm lòng thành thật sẽ phủ nhận những lời giải thích không hòa hợp với toàn thể Lời của Đức Chúa Trời.
[Hình nơi trang 9]
Hải đăng vĩ đại của Alexandria
[Nguồn tư liệu]
Archives Charmet/Bridgeman Art Library