Bạn có quý trọng sự quan sát của Đức Giê-hô-va không?
“Con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, xem-xét kẻ gian-ác và người lương-thiện”.—CHÂM 15:3.
1, 2. Sự quan sát của Đức Giê-hô-va khác với sự giám sát của camera như thế nào?
Tại nhiều nước, camera ngày càng được sử dụng rộng rãi để giám sát giao thông và chụp hình các tai nạn. Nếu camera thu được hình ảnh của một vụ đụng xe thì chính quyền có thể tìm bắt tài xế đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Thật thế, những người phạm tội ngày càng khó thoát khi khắp nơi đều có mắt điện tử.
2 Tuy nhiên, chúng ta có nên liên tưởng các camera ấy với Cha yêu thương là Đức Giê-hô-va không? Đúng là Kinh Thánh nói rằng mắt của ngài “ở khắp mọi nơi” (Châm 15:3). Nhưng có phải lúc nào ngài cũng nhìn chằm chằm vào những điều chúng ta làm không? Có phải Đức Chúa Trời chỉ quan sát để thực thi luật pháp ngài và trừng phạt khi chúng ta làm sai không? (Giê 16:17; Hê 4:13). Không hề! Đức Giê-hô-va quan sát chủ yếu vì yêu thương mỗi người trong chúng ta và quan tâm đến lợi ích của chúng ta.—1 Phi 3:12.
3. Chúng ta sẽ xem xét Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu thương qua năm cách nào?
3 Điều gì sẽ giúp chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Trời quan sát mình vì tình yêu thương? Hãy xem ngài thể hiện tình yêu thương như thế nào. Ngài làm thế bằng cách (1) cảnh báo khi chúng ta bộc lộ khuynh hướng làm điều xấu, (2) sửa trị khi chúng ta làm sai, (3) hướng dẫn chúng ta qua các nguyên tắc trong Lời ngài, (4) giúp đỡ khi chúng ta đối mặt với thử thách và (5) ban thưởng khi chúng ta làm điều đúng.
ĐỨC CHÚA TRỜI QUAN SÁT ĐỂ CẢNH BÁO
4. Đức Giê-hô-va có ý gì khi cảnh báo Ca-in rằng tội lỗi “rình đợi trước cửa”?
4 Trước hết, hãy xem Đức Chúa Trời cảnh báo thế nào khi chúng ta có khuynh hướng làm điều xấu (1 Sử 28:9). Để hiểu khía cạnh này, hãy xem cách ngài đối xử với Ca-in. Khi không được Đức Chúa Trời chấp nhận, Ca-in “giận lắm”. (Đọc Sáng-thế Ký 4:3-7). Đức Giê-hô-va khuyên ông hãy “làm lành”. Ngài cảnh báo rằng nếu ông không làm thế thì tội lỗi sẽ “rình đợi trước cửa”. Đức Chúa Trời bảo: “Nhưng ngươi phải quản-trị nó”. Ngài muốn Ca-in hưởng ứng lời cảnh báo và “ngước mặt lên [“được chấp nhận”, Bản Diễn Ý]”. Được Đức Chúa Trời chấp nhận là điều giúp gìn giữ mối quan hệ tốt với ngài.
5. Đức Giê-hô-va cảnh báo chúng ta về các khuynh hướng xấu qua những cách nào?
5 Còn chúng ta ngày nay thì sao? Mắt Đức Giê-hô-va dò thấu lòng chúng ta, chúng ta không thể giấu ngài khuynh hướng và động lực thật của mình. Cha yêu thương muốn chúng ta đi theo đường lối công chính. Tuy nhiên, ngài không ép chúng ta thay đổi đường lối mình. Qua Lời ngài là Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đưa ra lời cảnh báo khi chúng ta sắp đi sai hướng. Như thế nào? Khi đọc Kinh Thánh hằng ngày, chúng ta thường tìm thấy một câu giúp chúng ta chế ngự các khuynh hướng xấu và những suy nghĩ không lành mạnh. Ngoài ra, ấn phẩm của tổ chức có thể làm sáng tỏ một vấn đề mình đang gặp phải và chỉ cho chúng ta cách vượt qua. Tại các buổi nhóm của hội thánh, tất cả chúng ta đều nhận được lời khuyên đúng lúc!
6, 7. (a) Những bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến mỗi tôi tớ? (b) Làm sao chúng ta có thể nhận lợi ích từ sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va?
6 Những lời cảnh báo như thế quả thật cho thấy sự quan sát đầy yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho mỗi cá nhân chúng ta. Thật vậy, Kinh Thánh đã có từ nhiều thế kỷ trước, các ấn phẩm của tổ chức được biên soạn cho hàng triệu người và những lời khuyên tại buổi nhóm dành cho cả hội thánh. Nhưng trong mọi trường hợp, Đức Giê-hô-va đều hướng cá nhân bạn về Lời ngài nhằm điều chỉnh các khuynh hướng của lòng. Vì thế, có thể xem đây là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương chăm sóc cá nhân bạn.
7 Để nhận lợi ích từ lời cảnh báo của Đức Chúa Trời, trước hết chúng ta phải biết rằng ngài thật sự quan tâm đến chúng ta. Sau đó, chúng ta phải hưởng ứng Lời ngài, nỗ lực loại bỏ những tư tưởng làm Đức Chúa Trời buồn. (Đọc Ê-sai 55:6, 7). Nếu lưu tâm đến những lời cảnh báo, chúng ta sẽ tránh được rất nhiều nỗi đau. Nhưng giả sử chúng ta đã lờ đi lời cảnh báo thì sao? Đức Giê-hô-va vẫn chăm sóc chúng ta không?
CHA YÊU THƯƠNG SỬA TRỊ
8, 9. Lời khuyên Đức Giê-hô-va cung cấp qua các tôi tớ cho thấy lòng quan tâm sâu sắc của ngài như thế nào? Hãy kể lại một trường hợp.
8 Khi được Đức Giê-hô-va sửa trị, chúng ta biết ngài thật sự quan tâm đến mình. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:5, 6). Dĩ nhiên, chúng ta không vui khi bị khuyên bảo hoặc sửa phạt (Hê 12:11). Nhưng hãy nghĩ xem người khuyên bảo chúng ta đã phải cân nhắc thế nào. Người đó hẳn phải biết điều chúng ta đang làm có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Người đó hẳn phải nghĩ đến cảm xúc của chúng ta. Người đó phải sẵn sàng cống hiến thời gian cũng như nỗ lực để tìm những lời khuyên từ Kinh Thánh nhằm giúp chúng ta trở lại với Đức Chúa Trời. Chúng ta tôn trọng những lời khuyên ấy vì Nguồn của chúng là Đức Giê-hô-va.
9 Hãy xem một trường hợp để thấy người khuyên bảo có thể phản ánh lòng quan tâm của Đức Chúa Trời như thế nào. Trước khi học biết sự thật, một anh thường xuyên xem tài liệu khiêu dâm. Dù đã bỏ thói xấu này nhưng khuynh hướng cũ vẫn còn âm ỉ trong lòng anh. Khi anh có điện thoại di động mới, ham muốn xấu lại trỗi dậy (Gia 1:14, 15). Anh dùng điện thoại để vào các trang web khiêu dâm. Một ngày kia, khi đang làm chứng qua điện thoại, anh cho một trưởng lão mượn điện thoại để tìm địa chỉ. Khi anh trưởng lão dùng điện thoại, một số trang web đáng ngờ hiện ra. Anh trưởng lão đã cho lời khuyên. Anh Nhân Chứng lắng nghe, nhận lợi ích từ sự sửa trị và dần dần chế ngự được khuynh hướng xấu. Chúng ta thật biết ơn vì Cha yêu thương trên trời thấy cả những tội lỗi kín giấu và sửa trị trước khi chúng ta đi quá xa!
ĐƯỢC LỢI ÍCH NHỜ ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC KINH THÁNH
10, 11. (a) Làm sao chúng ta có thể “nhận-biết” sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời? (b) Hãy kể lại kinh nghiệm của một gia đình đã khôn ngoan làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va.
10 Người viết Thi-thiên đã hát khen Đức Giê-hô-va rằng: “Chúa sẽ dùng sự khuyên-dạy mà dẫn-dắt tôi” (Thi 73:24). Bất cứ khi nào cần sự hướng dẫn, chúng ta đều có thể “nhận-biết” Đức Giê-hô-va bằng cách tham khảo Lời ngài để xem ngài có quan điểm nào về vấn đề của chúng ta. Việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh không chỉ mang lại lợi ích về thiêng liêng mà đôi khi còn giúp chúng ta chăm lo các nhu cầu vật chất.—Châm 3:6.
11 Hãy xem kinh nghiệm của một nông dân thuê đất, sống tại vùng núi Masbate thuộc Philippines. Vợ chồng anh vừa làm tiên phong đều đều vừa chăm sóc cho gia đình đông con. Một ngày nọ, họ bàng hoàng khi nhận được thông báo thu hồi đất từ người chủ. Lý do là gì? Họ bị vu khống là có hành vi gian dối. Dù lo lắng không biết gia đình sẽ sống ở đâu nhưng anh Nhân Chứng vẫn nói: “Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp chỗ ở cho chúng ta. Bất kể điều gì xảy ra, ngài vẫn luôn chăm sóc cho nhu cầu của chúng ta”. Anh đã đặt niềm tin đúng chỗ. Vài ngày sau, gia đình anh thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng họ được ở lại. Chuyện gì đã xảy ra? Người chủ đất thấy gia đình anh dù bị vu khống nhưng vẫn giữ thái độ tôn trọng và hòa nhã, đó là vì họ làm theo các nguyên tắc Kinh Thánh. Điều này gây ấn tượng tốt cho chủ đất đến nỗi ông không chỉ cho họ ở lại mà còn cấp thêm đất để họ trồng trọt. (Đọc 1 Phi-e-rơ 2:12). Thật vậy, Đức Giê-hô-va dùng Lời ngài để hướng dẫn chúng ta đương đầu với các khó khăn trong đời sống.
NGƯỜI BẠN GIÚP CHÚNG TA CHỊU ĐỰNG THỬ THÁCH
12, 13. Những hoàn cảnh nào có thể khiến một số người tự hỏi Đức Chúa Trời có quan tâm đến đau khổ của mình không?
12 Một số thử thách có thể kéo dài. Có lẽ chúng ta phải đấu tranh với bệnh kinh niên, với sự chống đối dai dẳng từ người thân hoặc sự ngược đãi triền miên. Nhưng nói sao về sự va chạm nhân cách mà đôi khi chúng ta gặp phải trong hội thánh?
13 Chẳng hạn, có thể bạn bị xúc phạm bởi một lời nói nào đó mà mình xem là không tử tế. Bạn thốt lên: “Làm sao điều này lại xảy ra trong tổ chức của Đức Chúa Trời chứ?”. Nhưng người khiến bạn cảm thấy bị xúc phạm lại có các đặc ân trong hội thánh và có danh tiếng tốt. Bạn tự hỏi: “Sao lại thế được? Đức Giê-hô-va không thấy ư? Ngài không hành động sao?”.—Thi 13:1, 2; Ha 1:2, 3.
14. Một lý do Đức Chúa Trời không can thiệp vào vấn đề cá nhân của chúng ta là gì?
14 Có lẽ Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để không can thiệp. Thí dụ, trong khi bạn cảm thấy người kia đáng trách thì có thể Đức Giê-hô-va nhìn sự việc theo cách khác. Theo quan điểm của ngài, có thể bạn có lỗi nhiều hơn bạn nghĩ. Lời nói mà bạn xem là xúc phạm có thể là lời khuyên thích đáng dành cho bạn. Trong tự truyện của mình, anh Karl Klein, một thành viên của Hội đồng Lãnh đạo, kể rằng có lần anh J. F. Rutherford đã khiển trách anh một cách thẳng thắn. Sau đó, anh Rutherford vui vẻ chào anh Klein: “Chào Karl!”. Nhưng anh Klein vẫn còn ấm ức nên chỉ chào lại một cách miễn cưỡng. Nhận thấy anh Klein đang nuôi dưỡng cảm xúc tiêu cực nên anh Rutherford cảnh báo: “Hãy coi chừng, Sa-tan đang ở đằng sau anh đấy”. Sau này, anh Klein nói: “Khi nuôi lòng oán giận một anh em, đặc biệt khi anh ấy nói một điều phải nói, thì chúng ta đang để mình rơi vào bẫy của Sa-tan”a.
15. Khi đương đầu với thử thách, chúng ta phải nhớ điều gì?
15 Chúng ta có thể mất kiên nhẫn trước một giai đoạn thử thách dường như không bao giờ chấm dứt. Chúng ta nên làm gì? Hãy tưởng tượng bạn đang lái xe trên đường cao tốc và bị kẹt xe. Bạn không biết bao giờ mới hết kẹt. Nếu mất kiên nhẫn và cố tìm đường khác thì bạn có thể bị lạc và cuối cùng mất nhiều thời gian hơn để đến nơi. Tương tự thế, khi đương đầu với thử thách, nếu chúng ta kiên nhẫn và bước theo các nguyên tắc Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta chịu đựng.
16. Đức Giê-hô-va không can thiệp vào các thử thách của chúng ta có thể vì lý do nào khác?
16 Đôi khi Đức Giê-hô-va không can thiệp vào các thử thách chúng ta gặp phải vì ngài muốn chúng ta nhận sự huấn luyện cần thiết. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:6-10). Đức Chúa Trời không gây ra những thử thách (Gia 1:13). “Kẻ thù anh em là Kẻ Quỷ Quyệt” mới là nguồn gây ra phần lớn những nghịch cảnh. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có thể dùng hoàn cảnh khó khăn để giúp chúng ta tiến bộ về thiêng liêng. Ngài thấy những đau khổ của chúng ta và “vì ngài quan tâm” nên bảo đảm rằng chúng ta sẽ chỉ “chịu khổ ít lâu”. Khi đương đầu với thử thách, bạn có quý trọng sự quan sát đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng ngài sẽ mở đường cho bạn không?—2 Cô 4:7-9.
PHẦN THƯỞNG TỪ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
17. Đức Giê-hô-va tìm kiếm những ai, và tại sao?
17 Đức Giê-hô-va dò xét lòng mọi người để xem ai thật sự yêu mến ngài. Qua nhà tiên kiến Ha-na-ni, ngài phán với vua A-sa: “Con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (2 Sử 16:9). Đức Giê-hô-va sẽ “giúp sức”, tức bảo vệ và ban thưởng cho bạn.
18. Khi cảm thấy không ai quý trọng mình, bạn nên nhớ điều gì về Đức Giê-hô-va? (Xem hình nơi đầu bài).
18 Đức Chúa Trời muốn chúng ta “tìm điều lành”, “ưa điều lành” và “làm điều tốt”, để ngài có thể “ra ơn” cho chúng ta (A-mốt 5:14, 15; 1 Phi 3:11, 12). Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người công chính và ban phước cho họ (Thi 34:15). Chẳng hạn, hãy nghĩ về hai bà đỡ người Y-sơ-ra-ên là Siếp-ra và Phu-a. Khi dân Y-sơ-ra-ên sống dưới ách nô lệ ở Ai Cập, Pha-ra-ôn lệnh cho hai bà ấy phải giết hết các bé trai sơ sinh người Y-sơ-ra-ên. Nhưng họ kính sợ Đức Chúa Trời hơn Pha-ra-ôn. Hẳn lương tâm kính sợ Đức Chúa Trời đã thôi thúc họ giữ mạng sống của các bé trai. Sau này, ngài ban con cái làm phần thưởng cho Siếp-ra và Phu-a (Xuất 1:15-17, 20, 21). Đức Giê-hô-va nhìn thấy việc tốt họ làm. Đôi lúc, chúng ta có thể cảm thấy không ai quan tâm đến việc tốt mình làm. Nhưng Đức Giê-hô-va quan tâm. Ngài nhớ mọi việc tốt của chúng ta và sẽ ban thưởng.—Mat 6:4, 6; 1 Ti 5:25; Hê 6:10.
19. Một chị đã nhận ra rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến những việc tốt mình làm như thế nào?
19 Đôi khi chúng ta cảm thấy Đức Giê-hô-va không quan tâm đến nỗ lực của mình trong thánh chức, nhưng thật ra ngài có quan tâm. Một chị Hung-ga-ri sống ở Áo nhận được địa chỉ của một phụ nữ nói tiếng Hung-ga-ri. Chị liền đến thăm nhưng không có ai ở nhà. Chị trở lại viếng thăm nhiều lần. Thỉnh thoảng, chị cảm thấy có người ở nhà nhưng không ai trả lời. Chị để lại ấn phẩm, thư, thông tin liên lạc, v.v. Sau một năm rưỡi viếng thăm không ngừng, cuối cùng cũng có người mở cửa! Một phụ nữ thân thiện chào đón chị, bà nói: “Xin mời vào. Tôi đã đọc mọi thứ cô gửi và đang chờ cô đến”. Người chủ nhà đã trải qua đợt hóa trị để chữa bệnh nên không muốn gặp ai. Bà đồng ý học Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã ban thưởng cho nỗ lực không ngừng của chị!
20. Bạn cảm thấy thế nào về sự quan sát đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va?
20 Đức Giê-hô-va thấy mọi việc bạn làm và sẽ ban thưởng cho bạn. Khi biết mắt của Đức Chúa Trời dõi theo mình, đừng cảm thấy như bị giám sát bởi các camera vô tri vô giác. Thay vì thế, mong rằng bạn cảm thấy gần gũi hơn với Đức Chúa Trời đầy yêu thương, là đấng thật sự quan tâm đến bạn!
a Tự truyện của anh Klein được đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-10-1984.