Khoa học và Kinh Thánh có hòa hợp không?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Có. Dù Kinh Thánh không phải là một sách về khoa học, nhưng khi đề cập đến vấn đề khoa học thì đều chính xác. Hãy xem một số ví dụ cho thấy khoa học và Kinh Thánh hòa hợp nhau, đồng thời cho thấy Kinh Thánh chứa đựng những thông tin về khoa học khác hẳn điều mà nhiều người thời đó tin.
Vũ trụ có sự khởi đầu (Sáng thế 1:1). Ngược lại, theo nhiều thần thoại thời cổ đại, sự trật tự của vũ trụ đến từ sự hỗn độn, chứ không phải do sáng tạo. Người Ba-by-lôn tin rằng các thần sinh ra vũ trụ đến từ hai đại dương. Những huyền thoại khác nói rằng vũ trụ ra từ một quả trứng khổng lồ.
Mỗi ngày, vũ trụ được chi phối bởi những định luật hợp lý trong thiên nhiên, chứ không phải bởi cảm hứng của các vị thần (Gióp 38:33; Giê-rê-mi 33:25). Những thần thoại trên khắp thế giới đều dạy rằng con người bất lực trước những hành động thất thường và đôi khi nhẫn tâm của các vị thần.
Trái đất lơ lửng trong không trung (Gióp 26:7). Nhiều người thời cổ đại tin rằng trái đất có hình một chiếc đĩa dẹt, do một người khổng lồ hoặc một con vật nâng đỡ, chẳng hạn như con trâu hoặc con rùa.
Nước trong sông suối có được là nhờ việc nước bốc hơi từ đại dương và các nguồn khác rồi trở lại trái đất qua mưa, tuyết hoặc mưa đá (Gióp 36:27, 28; Truyền đạo 1:7; Ê-sai 55:10; A-mốt 9:6). Người Hy Lạp cổ đại nghĩ rằng nước trong các sông đến từ đại dương ngầm, quan điểm này tồn tại đến tận thế kỷ 18.
Núi trồi lên, sụt xuống, và các ngọn núi hiện nay từng nằm dưới biển (Thi thiên 104:6, 8). Ngược lại, nhiều thần thoại cho rằng các thần tạo ra núi với hình dạng như hiện nay.
Việc giữ vệ sinh bảo vệ sức khỏe. Luật pháp được ban cho nước Y-sơ-ra-ên bao gồm những điều luật về việc giặt giũ và tắm rửa sau khi chạm vào xác chết, cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm và xử lý chất thải một cách an toàn (Lê-vi 11:28; 13:1-5; Phục truyền luật lệ 23:13). Ngược lại, cùng thời điểm những luật trên được ban hành, người Ai Cập dùng một hỗn hợp gồm phân người để làm thuốc đắp lên vết thương hở.
Có phải Kinh Thánh có những chỗ mâu thuẫn với khoa học?
Khi xem xét Kinh Thánh, chúng ta thấy câu trả lời là không. Dưới đây là một số quan niệm sai rất phổ biến liên quan đến tính chính xác về khoa học của Kinh Thánh:
Quan niệm sai: Kinh Thánh nói rằng vũ trụ được tạo ra trong sáu ngày, mỗi ngày dài 24 giờ.
Sự thật: Kinh Thánh không cho biết thời điểm chính xác Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ (Sáng thế 1:1). Hơn nữa, các ngày sáng tạo được nói đến trong chương 1 của sách Sáng thế là những khoảng thời gian không xác định. Thật thế, toàn bộ giai đoạn trời và đất được dựng nên cũng được gọi là một “ngày”.—Sáng thế 2:4.
Quan niệm sai: Kinh Thánh nói rằng thực vật đã được tạo ra trước, rồi mới có mặt trời để hỗ trợ quá trình quang hợp.—Sáng thế 1:11, 16.
Sự thật: Kinh Thánh nói rằng mặt trời, một trong các ngôi sao cấu thành nên “trời”, được tạo ra trước thực vật (Sáng thế 1:1). Ánh sáng khuếch tán của mặt trời đến bề mặt trái đất trong “ngày” thứ nhất, hay giai đoạn thứ nhất, của sự sáng tạo. Đến “ngày” thứ ba, khi bầu khí quyển trở nên quang đãng, ánh sáng này đủ mạnh để hỗ trợ quá trình quang hợp (Sáng thế 1:3-5, 12, 13). Chỉ sau này, mặt trời mới được thấy rõ từ mặt đất.—Sáng thế 1:16.
Quan niệm sai: Kinh Thánh nói rằng mặt trời quay quanh trái đất.
Sự thật: Truyền đạo 1:5 nói: “Mặt trời mọc, mặt trời lặn, rồi vội trở về nơi nó mọc lại”. Tuy nhiên, câu này chỉ đơn thuần miêu tả mặt trời như đang di chuyển khi nhìn từ trái đất. Ngay cả ngày nay, một người vẫn có thể dùng cụm từ “mặt trời mọc” và “mặt trời lặn” dù biết rằng trái đất quay quanh mặt trời.
Quan niệm sai: Kinh Thánh nói rằng trái đất là mặt phẳng.
Sự thật: Kinh Thánh dùng cụm từ “tận cùng trái đất” để ám chỉ những nơi xa xôi nhất trên trái đất, chứ không có ý nói rằng trái đất là mặt phẳng hay có ranh giới (Công vụ 1:8). Tương tự, cụm từ “bốn góc trái đất” là cách nói tượng trưng ám chỉ toàn bộ bề mặt trái đất; ngày nay một người có thể dùng cụm từ “bốn phương trời” với ý tương tự.—Ê-sai 11:12; Lu-ca 13:29.
Quan niệm sai: Kinh Thánh nói rằng chu vi đường tròn gấp đúng ba lần đường kính, nhưng chính xác phải là đường kính nhân pi (π), pi bằng khoảng 3,1416.
Sự thật: Dựa vào những số đo được ghi nơi 1 Các vua 7:23 và 2 Sử ký 4:2, “cái bể đúc bằng kim loại” có đường kính là 10 cu-bít và “chu vi là 30 cu-bít”. Những số đo này có thể chỉ là số đã được làm tròn. Cũng có thể hai câu này ghi lại chu vi bên trong và đường kính bên ngoài của bể đúc.