Ý nghĩa nằm sau tên riêng
Một phụ nữ Ê-thi-ô-bi hạ sinh một bé trai, nhưng niềm vui của người mẹ vụt tắt và trở thành nỗi đau buồn khi thấy đứa bé sơ sinh nằm bất động. Lúc bà nội bế thân thể nhỏ bé, không sức sống của em lên để tắm, bỗng nhiên em cử động, thở và cất tiếng khóc! Tên của cha đứa bé có nghĩa là “phép lạ”. Vì vậy, cha mẹ em ghép tên ấy với một từ khác của tiếng Amharic để đặt tên cho em. Và tên đó có nghĩa là “phép lạ đã xảy ra”.
Ở Burundi, một thanh niên chạy trốn những người lính đang truy sát anh. Khi đang ẩn núp trong một cánh đồng, thanh niên ấy hứa nguyện rằng nếu Chúa cứu anh thoát chết, anh sẽ đặt tên cho con trai đầu lòng là Manirakiza, có nghĩa “Chúa là Đấng Cứu Rỗi”. Sau đó 5 năm, biết ơn vì đã được sống sót, anh đặt tên ấy cho con trai đầu lòng.
Đặt tên có ý nghĩa cho con là phong tục đã có từ lâu. Thật thế, trong Kinh Thánh có hàng trăm tên có ý nghĩa. Hiểu được ý nghĩa của những tên riêng ấy sẽ giúp bạn thêm nhiều lợi ích khi đọc Kinh Thánh. Hãy xem xét một vài trường hợp.
Những tên có ý nghĩa trong phần Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ
Trong số những tên đầu tiên được ghi lại trong Kinh Thánh, có tên Sết, nghĩa là “được chọn, được cho”. Bà Ê-va, mẹ của Sết, giải thích tại sao bà chọn tên này: “Đức Chúa Trời đã cho tôi một con trai khác thế cho A-bên mà đã bị Ca-in giết rồi” (Sáng-thế Ký 4:25). Con cháu của Sết là Lê-méc đặt tên con trai là Nô-ê, có nghĩa “nghỉ ngơi” hoặc “an ủi”. Lê-méc đặt tên ấy cho con vì ông nói: “Đứa nầy sẽ an-ủi lòng ta về công-việc và về sự nhọc-nhằn mà đất bắt tay ta phải làm, là đất Đức Giê-hô-va đã rủa-sả”.—Sáng-thế Ký 5:29.
Chính Đức Chúa Trời cũng đổi tên một số người lớn để tiên tri về một điều nào đó. Chẳng hạn, Ngài đổi tên Áp-ram, nghĩa là “cha cao quý”, thành Áp-ra-ham, nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”. Đúng với tên của ông, Áp-ra-ham đã trở thành tổ phụ của nhiều dân (Sáng-thế Ký 17:5, 6). Cũng hãy xem trường hợp của Sa-rai, vợ Áp-ra-ham. Có thể tên bà mang nghĩa là “thích tranh cãi”. Hẳn bà vui biết bao khi Đức Chúa Trời đổi tên bà thành Sa-ra, nghĩa là “công chúa”, cho thấy bà sẽ trở thành tổ mẫu của các vua.—Sáng-thế Ký 17:15, 16.
Chính Đức Chúa Trời cũng chọn tên cho một số con trẻ. Chẳng hạn, Ngài phán dặn Áp-ra-ham và Sa-ra đặt tên cho con trai họ là Y-sác, có nghĩa “cười”. Tên ấy có thể thường xuyên nhắc nhở cặp vợ chồng trung thành này về phản ứng của họ lúc biết sẽ có một con trai trong tuổi già. Khi Y-sác lớn lên và trở thành một người trung thành phụng sự Đức Chúa Trời, rõ ràng tên của ông tiếp tục mang lại nụ cười trên gương mặt của Áp-ra-ham và Sa-ra trong thời gian họ ở cùng với người con yêu dấu này.—Sáng-thế Ký 17:17, 19; 18:12, 15; 21:6.
Con dâu của Y-sác là Ra-chên đặt tên cho con trai út trong trường hợp khác hẳn. Khi hấp hối, Ra-chên gọi con mới sinh là Bê-nô-ni, có nghĩa “con trai của sự đau đớn tôi”. Người chồng đau khổ của bà là Gia-cốp đã thay đổi tên ấy một chút thành Bên-gia-min, nghĩa là “con trai tay hữu”. Tên này ám chỉ Bên-gia-min không những là con yêu quý mà còn là người nâng đỡ Gia-cốp.—Sáng-thế Ký 35:16-19; 44:20.
Đôi khi tên được đặt theo những đặc điểm về thể chất của một người. Chẳng hạn, Y-sác và Rê-bê-ca có một con trai lúc mới sinh ra thì mình đầy lông màu đỏ, dày như một cái áo len, nên họ đặt tên là Ê-sau. Tại sao? Trong tiếng Do Thái, tên ấy có nghĩa là “nhiều lông” (Sáng-thế Ký 25:25). Một thí dụ khác là trường hợp của bà Na-ô-mi. Như được nói trong sách Ru-tơ, bà có hai con trai. Một người tên là Mạc-lôn, có nghĩa “bệnh hoạn, hay bệnh”, còn người kia là Ki-li-ôn, có nghĩa “yếu đuối”. Kinh Thánh không nói rõ những tên này được đặt lúc sinh ra hay về sau, nhưng dường như chúng rất phù hợp với họ, vì hai người đã chết khi còn trẻ.—Ru-tơ 1:5.
Một phong tục khác thời đó là thay đổi hoặc đổi hẳn tên. Khi mới trở về Bết-lê-hem, cơ cực vì nghèo khổ và mất chồng mất con, bà Na-ô-mi không còn muốn người ta gọi bà là Na-ô-mi nữa, vì tên ấy có nghĩa “ngọt-ngào”. Bà nói: “Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra [nghĩa là “cay-đắng”], vì Đấng Toàn-năng đã đãi tôi cách cay-đắng lắm”.—Ru-tơ 1:20, 21, cước chú.
Ngoài ra, có một phong tục khác là đặt tên đứa bé để ghi nhớ một sự kiện đặc biệt. Chẳng hạn, tên nhà tiên tri A-ghê có nghĩa “sinh ra trong ngày lễ”.a
Những tên có ý nghĩa vào thế kỷ thứ nhất
Tên của Chúa Giê-su có ý nghĩa tiên tri đặc biệt. Trước khi ngài sinh ra, Đức Chúa Trời dùng thiên sứ chỉ dẫn cha mẹ ngài như sau: “Ngươi khá đặt tên là Jêsus”, có nghĩa “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Tại sao? Thiên sứ nói với Giô-sép: “Chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21). Khi làm báp têm, Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời bổ nhiệm bằng thánh linh. Sau đó, tên của ngài được ghép với một từ Do Thái cổ là “Mê-si”. Từ này trong tiếng Hy Lạp là “Christ”. Cả hai từ ấy đều có nghĩa là “đấng được bổ nhiệm vào một chức vụ đặc biệt”.—Ma-thi-ơ 2:4.
Chúa Giê-su chọn tên cho một vài môn đồ phù hợp với tính cách của họ. Chẳng hạn, ngài đặt tên cho Si-môn là Sê-pha, theo tiếng Xêmít nghĩa là “đá”. Tên Sê-pha trong tiếng Hy Lạp là “Phi-e-rơ”, và người ta thường gọi ông bằng tên này (Giăng 1:42). Hai anh em sốt sắng Gia-cơ và Giăng được Chúa Giê-su gọi là “Bô-a-nẹt”, nghĩa là “con trai của sấm-sét”.—Mác 3:16, 17.
Các môn đồ của Chúa Giê-su cũng đặt thêm tên cho người khác, phù hợp với hoàn cảnh hoặc tính cách của người đó. Như trường hợp của môn đồ Giô-sép, ông được các sứ đồ đặt tên là Ba-na-ba, có nghĩa “con trai của sự yên ủi”. Ba-na-ba sống đúng với ý nghĩa của tên đó, mang lại sự an ủi cho nhiều người.—Công-vụ 4:34-37; 9:27; 15:25, 26.
Tầm quan trọng của danh tiếng bạn
Chúng ta đã không chọn tên cho mình khi sinh ra. Tuy nhiên, chỉ chúng ta mới tạo được danh tiếng cho mình (Châm-ngôn 20:11). Hãy tự hỏi: “Nếu Chúa Giê-su hoặc các sứ đồ muốn đặt tên cho tôi, họ sẽ chọn tên gì? Tên nào phù hợp với đức tính nổi bật hoặc danh tiếng của tôi?”.
Đây là câu hỏi đáng để suy nghĩ. Tại sao? Vua khôn ngoan Sa-lô-môn đã viết: “Danh-tiếng tốt còn hơn tiền-của nhiều” (Châm-ngôn 22:1). Chắc chắn, danh tiếng tốt trong cộng đồng là điều có giá trị. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là nếu chúng ta tạo được danh tốt với Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có một kho báu lâu bền. Như thế nào? Đức Chúa Trời hứa sẽ viết tên những người kính sợ Ngài trong “một sách để ghi-nhớ”, và ban cho họ triển vọng sống vĩnh cửu.—Ma-la-chi 3:16; Khải-huyền 3:5; 20:12-15.
[Chú thích]
a Ở châu Phi, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va được đặt tên theo chủ đề hội nghị của Nhân Chứng được tổ chức khi họ sinh ra.
[Câu nổi bật nơi trang 15]
Tên nào phù hợp với danh tiếng của tôi?
[Khung/Hình nơi trang 14]
Em-ma-nu-ên là ai?
Một số tên riêng trong Kinh Thánh có ý nghĩa tiên tri và miêu tả công việc mà một người sẽ làm. Chẳng hạn, nhà tiên tri Ê-sai được soi dẫn để viết: “Nầy, một gái đồng-trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên” (Ê-sai 7:14). Tên này có nghĩa “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Một số nhà bình luận Kinh Thánh đã cố liên kết sự ứng nghiệm đầu tiên của lời tiên tri này với một vị vua của nước Y-sơ-ra-ên hoặc một trong các con trai của Ê-sai. Tuy nhiên, người viết Phúc âm Ma-thi-ơ cho thấy lời tiên tri của Ê-sai ứng nghiệm hoàn toàn nơi Chúa Giê-su.—Ma-thi-ơ 1:22, 23.
Một số người cho rằng khi áp dụng tên Em-ma-nu-ên cho Chúa Giê-su, Kinh Thánh dạy Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không bao giờ tự cho mình là Đức Chúa Trời (Giăng 14:28; Phi-líp 2:5, 6). Nhưng ngài đã phản ánh các đức tính của Cha ngài một cách hoàn hảo, và làm ứng nghiệm mọi lời hứa của Đức Chúa Trời về Đấng Mê-si (Giăng 14:9; 2 Cô-rinh-tô 1:20). Tên Em-ma-nu-ên cho thấy rõ vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, con cháu Đa-vít và đấng chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời ở cùng những người thờ phượng Ngài.
[Hình]
EM-MA-NU-ÊN “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”
[Khung/Hình nơi trang 15]
Một danh có ý nghĩa nhất
Danh của Đức Chúa Trời xuất hiện khoảng 7.000 lần trong Kinh Thánh. Danh này, trong tiếng Do Thái cổ là יהוה, thường được phát âm là “Giê-hô-va” trong tiếng Việt. Ý nghĩa của danh ấy là gì? Khi ông Môi-se hỏi về danh Ngài, Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ thành bất cứ gì mà ta muốn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14, The Emphasised Bible, của J. B. Rotherham). Vì vậy, danh Đức Chúa Trời đảm bảo rằng Ngài sẽ trở thành bất cứ vai trò nào cần thiết để thực hiện ý định Ngài (Ê-sai 55:8-11). Khi Đức Chúa Trời hứa một điều gì đó, chúng ta có thể tin cậy và hoạch định đời sống mình phù hợp với lời hứa đó. Tại sao? Vì danh Ngài là Đức Giê-hô-va.
[Hình nơi trang 13]
ÁP-RA-HAM “Cha của nhiều dân tộc”
[Hình nơi trang 13]
SA-RA “Công chúa”