Bạn có thể làm vui lòng Đức Chúa Trời
CHÚNG TA có thể ảnh hưởng đến cảm nghĩ của Đức Chúa Trời sao? Ngài có khả năng cảm nhận được sự vui mừng không? Một tự điển định nghĩa từ “Đức Chúa Trời” là “thực thể tối cao hay tối hậu”. Nói gì nếu thực thể đáng sợ đó chỉ thuần túy là một lực? Có thể nào chúng ta làm vui lòng một lực phi nhân cách không? Chắc chắn không. Tuy nhiên, chúng ta hãy xem xét Kinh Thánh nói gì về Đức Chúa Trời.
Chúa Giê-su Christ nói: “Đức Chúa Trời là Thần”. (Giăng 4:24) Một thần linh có sinh thể khác với loài người. Mặc dù vô hình dưới mắt loài người, nhưng thần linh có thân thể—‘cơ thể thiêng-liêng’. (1 Cô-rinh-tô 15:44; Giăng 1:18) Dùng lối tu từ, Kinh Thánh thậm chí nói Đức Chúa Trời có mắt, tai, tay, v.v...a Đức Chúa Trời cũng có một danh—Giê-hô-va. (Thi-thiên 83:18) Vậy Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là một thần linh. (Hê-bơ-rơ 9:24) “Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống, là Vua đời đời”.—Giê-rê-mi 10:10.
Là Đấng hằng sống và có thật, Đức Giê-hô-va có khả năng suy nghĩ và hành động. Ngài thể hiện những đức tính, cảm xúc, những điều Ngài ưa và những điều Ngài ghét. Thật vậy, Kinh Thánh cho thấy rất nhiều điều làm Ngài vui hay buồn lòng. Trong khi những thần và hình tượng do con người tạo ra chỉ phản ánh tính nết của người tạo ra chúng thì Đức Chúa Trời toàn năng, Đức Giê-hô-va chính là Đấng tạo ra cảm xúc và đặt vào lòng loài người.—Sáng-thế Ký 1:27; Ê-sai 44:7-11.
Chắc chắn Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”. (1 Ti-mô-thê 1:11) Ngài không những vui mừng trong công việc sáng tạo mà còn vui thích trong việc hoàn tất ý định của Ngài. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý... Điều ta đã rao ra, ta sẽ làm hoàn-thành, điều ta đã định, ta cũng sẽ làm”. (Ê-sai 46:9-11) Người viết Thi-thiên hát: “Đức Giê-hô-va vui-vẻ về công-việc Ngài”. (Thi-thiên 104:31) Nhưng còn có một điều khác nữa làm Ngài vui lòng. Ngài phán: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha”. (Châm-ngôn 27:11) Hãy nghĩ điều này có nghĩa gì—chúng ta có thể làm vui lòng Đức Chúa Trời!
Chúng ta có thể làm vui lòng Đức Giê-hô-va như thế nào?
Hãy xem tộc trưởng Nô-ê đã làm vui lòng Đức Giê-hô-va như thế nào. Nô-ê “được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va” vì “Nô-ê trong đời mình là một người... trọn-vẹn”. Khác hẳn với người gian ác thời đó, đức tin và sự vâng lời của Nô-ê đã làm vui lòng Đức Giê-hô-va đến độ có thể nói rằng ông “đồng đi cùng Đức Chúa Trời”. (Sáng-thế Ký 6:6, 8, 9, 22) “Bởi đức-tin, Nô-ê... thành tâm kính-sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình”. (Hê-bơ-rơ 11:7) Đức Giê-hô-va hài lòng về Nô-ê và đã ban phước cho ông cùng gia đình bằng cách cứu họ qua khỏi thời kỳ hỗn loạn đó trong lịch sử của nhân loại.
Tộc trưởng Áp-ra-ham cũng biết sâu sắc cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va. Điều này được thấy rõ khi Ngài báo cho ông biết thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ sẽ bị hủy diệt vì lối sống sa đọa của họ. Áp-ra-ham biết rõ Đức Giê-hô-va đến mức ông có thể kết luận rằng, không thể nào Đức Chúa Trời diệt người công bình luôn với kẻ độc ác. (Sáng-thế Ký 18:17-33) Nhiều năm sau đó, vâng lệnh Đức Giê-hô-va, Áp-ra-ham “dâng Y-sác” vì ‘ông nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến con ông từ kẻ chết sống lại’. (Hê-bơ-rơ 11:17-19; Sáng-thế Ký 22:1-18) Áp-ra-ham cũng rất nhạy bén trước cảm xúc của Đức Chúa Trời và đã bày tỏ đức tin cùng sự vâng lời mạnh mẽ đến độ ông “được gọi là bạn Đức Chúa Trời”.—Gia-cơ 2:23.
Một người khác cố gắng làm vui lòng Đức Chúa Trời là Vua Đa-vít nước Y-sơ-ra-ên xưa. Đức Giê-hô-va phán về ông: “Ta đã tìm thấy Đa-vít con của Gie-sê, là người vừa lòng ta, người sẽ tuân theo mọi ý-chỉ ta”. (Công-vụ 13:22) Trước khi đối đầu với tên khổng lồ Gô-li-át, Đa-vít đã đặt sự tin cậy hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời và nói với Vua Sau-lơ của Y-sơ-ra-ên: “Đức Giê-hô-va đã giải-cứu tôi khỏi vấu sư-tử và khỏi cẳng gấu, ắt sẽ giải-cứu tôi khỏi tay người Phi-li-tin kia”. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho lòng tin cậy của Đa-vít, giúp ông giết được Gô-li-át. (1 Sa-mu-ên 17:37, 45-54) Đa-vít muốn không những hành động mà cả ‘lời nói, sự suy-gẫm của lòng ông được đẹp ý Đức Giê-hô-va’.—Thi-thiên 19:14.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thể làm vui lòng Đức Giê-hô-va như thế nào? Càng nhạy bén trước cảm xúc của Đức Chúa Trời bao nhiêu thì chúng ta càng biết rõ những điều mình có thể làm vui lòng Đức Chúa Trời bấy nhiêu. Vậy khi đọc Kinh Thánh, chúng ta cần cố gắng biết cảm nghĩ của Đức Chúa Trời để rồi ‘được đầy-dẫy sự hiểu-biết về ý-muốn của Ngài, với mọi thứ khôn-ngoan và hiểu-biết thiêng-liêng, hầu cho ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường’. (Cô-lô-se 1:9, 10) Rồi sự hiểu biết đó giúp chúng ta xây dựng đức tin. Điều này là thiết yếu bởi vì “không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Đúng vậy, qua việc cố gắng xây dựng đức tin mạnh mẽ và sống phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể làm vui lòng Ngài. Đồng thời, chúng ta phải cẩn thận không làm Đức Giê-hô-va buồn lòng.
Chớ làm buồn lòng Đức Chúa Trời
Trong lời tường thuật về thời Nô-ê, chúng ta thấy con người có thể làm buồn lòng Đức Giê-hô-va. “Thế-gian bấy giờ đều bại-hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy-dẫy sự hung-ác. Nầy, Đức Chúa Trời nhìn xem thế-gian, thấy đều bại-hoại, vì hết thảy xác-thịt làm cho đường mình trên đất phải bại-hoại”. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi thấy sự bại hoại và hung bạo? Kinh Thánh nói Ngài “tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn-rầu trong lòng”. (Sáng-thế Ký 6:5, 6, 11, 12) Đức Chúa Trời tự trách theo nghĩa là hạnh kiểm của loài người đã trở nên quá đồi tệ đến nỗi Ngài phải thay đổi thái độ đối với thế hệ gian ác trước Nước Lụt. Vì bất bình với sự gian ác của loài người, Đức Chúa Trời đã thay đổi từ thái độ của Đấng Tạo Hóa sang thái độ Đấng hủy diệt.
Đức Giê-hô-va cũng cảm thấy buồn lòng khi dân riêng Ngài, dân tộc Y-sơ-ra-ên xưa, liên tục lờ đi cảm nghĩ và sự hướng dẫn yêu thương của Ngài. Người viết Thi-thiên than thở: “Biết mấy lần chúng nó phản-nghịch cùng Ngài nơi đồng vắng, và làm phiền Ngài trong chỗ vắng-vẻ! Chúng nó lại thử Đức Chúa Trời, trêu-chọc Đấng thánh của Y-sơ-ra-ên”. Thế nhưng “vì lòng thương-xót, [Ngài] tha tội-ác cho, chẳng hủy-diệt chúng nó: thật, nhiều khi Ngài xây cơn giận Ngài khỏi, chẳng nổi giận đến cực kì”. (Thi-thiên 78:38-41) Dù dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch phải chịu những hậu quả do tội lỗi của họ, Kinh Thánh cho biết “khi dân Ngài bị khốn-khổ, chính Ngài cũng khốn-khổ”.—Ê-sai 63:9.
Bất kể nhiều bằng chứng về tình cảm trìu mến của Đức Chúa Trời đối với họ, dân Y-sơ-ra-ên vẫn “nhạo-báng sứ-giả của Đức Chúa Trời, khinh-bỉ các lời phán Ngài, cười-nhạo những tiên-tri của Ngài, cho đến nỗi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự Ngài, chẳng còn phương chữa được”. (2 Sử-ký 36:16) Cuối cùng, đường lối cứng cổ của họ “đã làm cho Thần thánh Ngài buồn-rầu” tới độ họ mất ân phước của Ngài. (Ê-sai 63:10) Hậu quả là gì? Đức Chúa Trời không còn bảo vệ họ nữa, hoạn nạn đã đổ trên họ khi quân Ba-by-lôn đánh chiếm Giu-đa và hủy diệt Giê-ru-sa-lem. (2 Sử-ký 36:17-21) Thật đáng buồn khi dân sự chọn lối sống tội lỗi xúc phạm và làm buồn lòng Đấng Tạo Hóa của họ!
Kinh Thánh nói rõ là hạnh kiểm không công bình cũng làm Đức Chúa Trời rất buồn lòng. (Thi-thiên 78:41) Những điều Ngài không ưa—ngay cả gớm ghét gồm kiêu ngạo, dối trá, giết người, thực hành ma thuật, bói khoa, thờ cúng tổ tiên, hạnh kiểm luông tuồng, đồng tính luyến ái, không chung thủy trong hôn nhân, loạn luân và ức hiếp người nghèo.—Lê-vi Ký 18:9-29; 19:29; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:9-12; Châm-ngôn 6:16-19; Giê-rê-mi 7:5-7; Ma-la-chi 2:14-16.
Đức Chúa Trời có cảm nghĩ gì về việc thờ hình tượng? Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5 nói: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình-tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó”. Tại sao? Bởi vì hình tượng “lấy làm gớm-ghiếc cho Giê-hô-va”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:25, 26) Sứ đồ Giăng cảnh báo: “Hỡi các con-cái bé-mọn, hãy giữ mình về hình-tượng!” (1 Giăng 5:21) Và sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi kẻ yêu-dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng”.—1 Cô-rinh-tô 10:14.
Tìm kiếm sự chấp nhận của Đức Chúa Trời
Đức Chúa Trời “kết tình bậu-bạn cùng người ngay-thẳng”. Những ai “có tánh-hạnh trọn-vẹn được đẹp lòng Ngài”. (Châm-ngôn 3:32; 11:20) Trái lại, những ai cố tình xúc phạm tới Đức Chúa Trời qua việc ngoan cố lờ đi hoặc khinh dể cảm nghĩ công bình của Ngài thì chẳng bao lâu nữa sẽ lãnh hậu quả bởi việc làm mất lòng Ngài. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10) Thật vậy, ngày gần đây, Ngài sẽ chấm dứt mọi sự gian ác mà chúng ta thấy đầy dẫy ngày nay.—Thi-thiên 37:9-11; Sô-phô-ni 2:2, 3.
Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết rất rõ là Đức Giê-hô-va “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Ngài muốn bày tỏ tình thương đối với những người công bình yêu mến Ngài hơn là bày tỏ sự bất bình đối với những người nhất định không chịu sửa đổi. Đức Giê-hô-va “chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây-bỏ đường-lối mình và được sống”.—Ê-xê-chi-ên 33:11.
Bởi thế không người nào buộc phải trở thành đối tượng của cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va. “Chúa đầy lòng thương-xót và nhân-từ”. (Gia-cơ 5:11) Với lòng tin tưởng nơi cảm xúc của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể “trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc [chúng ta]”. (1 Phi-e-rơ 5:7) Hãy tin chắc rằng những ai làm vui lòng Đức Chúa Trời sẽ có hy vọng tuyệt diệu là được Ngài chấp thuận và được làm bạn Ngài. Do đó, đây là lúc cấp bách hơn bao giờ hết để “xét điều chi vừa lòng Chúa”.—Ê-phê-sô 5:10.
Bởi ân điển, Đức Chúa Trời đã biểu lộ những đức tính cao cả và cảm xúc đáng quý mến của Ngài. Điều này quả là tuyệt vời! Chúng ta có thể làm Ngài vui lòng. Nếu muốn làm thế, chúng tôi khuyên bạn liên hệ với Nhân Chứng Giê-hô-va nơi bạn ở. Họ sẽ sung sướng chỉ cho bạn những điều thực tế có thể làm được trong việc cố gắng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
[Chú thích]
a Xem khung với tựa đề “Tại sao Kinh Thánh dùng ngôn từ của loài người để mô tả Đức Chúa Trời?”
[Khung nơi trang 7]
Tại sao Kinh Thánh dùng ngôn từ của loài người để mô tả Đức Chúa Trời?
Vì “Đức Chúa Trời là thần”, chúng ta không thể thấy Ngài bằng mắt thường. (Giăng 4:24) Do đó, Kinh Thánh dùng lối nói tu từ, như so sánh, ẩn dụ, thuyết hình người để giúp chúng ta hiểu được quyền năng, sự oai nghiêm và các hoạt động của Ngài. Thuyết hình người là thuyết gán những cá tính của con người cho những chủ thể không phải là người. Vậy dù chúng ta không biết thân thể thần linh của Đức Chúa Trời như thế nào, Kinh Thánh nói Ngài có mắt, tai, tay, cánh tay, ngón tay, và chân.—Xuất Ê-díp-tô Ký 3:20; 31:18; Gióp 40:9; Thi-thiên 18:9; 34:15.
Diễn tả bằng ngôn từ như thế không có nghĩa là thân thể thần linh của Đức Chúa Trời có các bộ phận giống như thân thể con người. Thuyết hình người không được hiểu theo nghĩa đen. Nó chỉ giúp cho con người hiểu Đức Chúa Trời rõ hơn. Nếu không dùng phép tu từ thì con người khó có thể, nếu không nói là không thể nào, hiểu được sự mô tả về Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cá tính của Giê-hô-va Đức Chúa Trời do con người thêu dệt ra. Kinh Thánh giải thích rõ là con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời—chứ không phải Đức Chúa Trời theo hình ảnh con người. (Sáng-thế Ký 1:27) Vì những người viết Kinh Thánh được “Đức Chúa Trời soi-dẫn” nên sự mô tả của họ về cá tính Đức Chúa Trời thực ra là sự mô tả của Ngài—đó chính là những đức tính mà Ngài đã khắc ghi ở mức độ khác nhau nơi tạo vật làm người. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Thay vì những đức tính con người gán cho Đức Chúa Trời, thì thực ra đó là những đức tính Đức Chúa Trời phú cho con người.
[Hình nơi trang 4]
Nô-ê được ơn trước mặt Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 5]
Áp-ra-ham nhạy bén trước cảm xúc của Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 6]
Đa-vít đặt sự tin tưởng hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 7]
Khi đọc Kinh Thánh, bạn có thể biết cách làm vui lòng Đức Chúa Trời
[Nguồn tư liệu nơi trang 4]
Courtesy of Anglo-Australian Observatory, photograph by David Malin