HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ
Ông được ‘gìn giữ cùng bảy người khác’
Nô-ê và gia đình túm tụm vào nhau khi mưa trút xuống như thác đổ. Hãy hình dung, gương mặt họ không rõ nét bên ngọn đèn dầu lập lòe, mắt mở to khi nghe tiếng nước đổ ầm ầm xuống mui tàu, vỗ mạnh vào mạn tàu. Âm thanh ấy hẳn rất lớn.
Khi Nô-ê nhìn vào gương mặt của những người thân yêu, người vợ luôn ủng hộ chồng, ba con trai trung kiên cùng các con dâu, chắc chắn lòng ông tràn đầy sự biết ơn. Trong giờ phút đen tối ấy, hẳn ông được an ủi vì thấy những người ông rất mực yêu thương đang ở bên cạnh. Họ đều an toàn và bình yên. Chắc chắn ông đại diện gia đình cầu nguyện, bày tỏ lòng biết ơn, cất cao giọng để mọi thành viên đều có thể nghe được giữa âm thanh ầm ĩ.
Nô-ê là người có đức tin mạnh. Nhờ vậy, Đức Chúa Trời của ông, Đức Giê-hô-va, đã che chở ông cùng gia đình (Hê-bơ-rơ 11:7). Nhưng có phải họ không cần thể hiện đức tin nữa khi mưa bắt đầu đổ xuống? Trái lại, họ rất cần thể hiện phẩm chất ấy trong những ngày gian nan phía trước. Ngày nay chúng ta cũng giống như thế khi sống trong thời kỳ đầy xáo động. Vậy, hãy xem chúng ta có thể học được gì từ đức tin của Nô-ê.
“BỐN MƯƠI NGÀY VÀ BỐN MƯƠI ĐÊM”
Bên ngoài, mưa như thác đổ vẫn tiếp tục trong “bốn mươi ngày và bốn mươi đêm” (Sáng-thế Ký 7:4, 11, 12). Nước cứ thế dâng lên, dâng lên và dâng lên. Khi ấy, Nô-ê có thể thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình vừa bảo vệ người công chính vừa trừng phạt người ác.
Trận Nước Lụt, tức Đại Hồng Thủy, chấm dứt sự phản nghịch đã xảy ra trong vòng các thiên sứ. Bị ảnh hưởng bởi thái độ ích kỷ của Sa-tan, nhiều thiên sứ đã “rời bỏ nơi ở đã định” trên trời để quan hệ với phụ nữ, sinh ra giống con lai, gọi là Nê-phi-lim (Giu-đe 6; Sáng-thế Ký 6:4). Chắc chắn Sa-tan rất vui khi chứng kiến sự phản nghịch ấy đã hé mở, vì điều đó càng làm hạ phẩm giá con người, đỉnh cao sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va trên đất.
Tuy nhiên, khi nước dâng lên, các thiên sứ phản nghịch buộc phải lột bỏ thể xác thịt và trở về lĩnh vực thần linh, không bao giờ được mặc lấy hình người nữa. Họ bỏ lại vợ con sắp chết trong trận Nước Lụt, cùng với xã hội loài người.
Từ thời ông Hê-nóc, gần bảy thế kỷ trước, Đức Giê-hô-va đã cảnh báo nhân loại rằng ngài sẽ hủy diệt người độc ác, không tin kính (Sáng-thế Ký 5:24; Giu-đe 14, 15). Từ lúc đó, nhân loại ngày càng tồi tệ, trái đất bị hủy hoại và bạo lực đầy dẫy. Giờ đây sự hủy diệt sắp đến với họ. Nô-ê và gia đình có vui trước sự trừng phạt này không?
Không! Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót cũng thế (Ê-xê-chi-ên 33:11). Đức Giê-hô-va đã làm mọi điều để cứu càng nhiều người càng tốt. Ngài giao cho Hê-nóc nhiệm vụ nói lời cảnh báo và ra chỉ thị cho Nô-ê đóng tàu. Nô-ê và gia đình đã làm việc vất vả để hoàn thành dự án khổng lồ ấy trong vài thập niên, trước mắt mọi người. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va ban lệnh Nô-ê làm “người rao giảng sự công chính” (2 Phi-e-rơ 2:5). Như Hê-nóc trước đó, ông cảnh báo người ta về sự phán xét sắp tới trên thế gian. Họ phản ứng thế nào? Chúa Giê-su là đấng nhìn thấy những sự kiện ấy từ trời, sau này khi xuống trái đất, ngài nhớ lại những người thời Nô-ê: “Họ không để ý gì hết cho tới khi trận Đại Hồng Thủy đến cuốn trôi tất cả mọi người”.—Ma-thi-ơ 24:39.
Hãy tưởng tượng Nô-ê và gia đình sống thế nào trong 40 ngày đầu tiên, sau khi Đức Giê-hô-va đóng cửa tàu. Khi mưa xối xả đổ xuống tàu ngày này qua ngày nọ, rất có thể tám người đó có một số công việc hằng ngày, chăm sóc cho nhau, làm việc nhà và lo cho những con vật trong tàu. Nhưng có lúc đột nhiên cả con tàu khổng lồ chuyển động mạnh, lắc lư, con tàu đi tới! Nằm trên mặt nước, con tàu được nâng cao lên, cao lên và cao lên nữa, cho tới khi nó được ‘nâng khỏi mặt đất’ (Sáng-thế Ký 7:17). Thật đáng kinh ngạc trước quyền năng của Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đức Giê-hô-va!
Nô-ê hẳn biết ơn, không những vì ông và gia đình được an toàn mà còn vì lòng thương xót của Đức Giê-hô-va khi dùng họ cảnh báo những người chết bên ngoài con tàu. Có lẽ những năm tháng đóng tàu khó nhọc lúc bấy giờ dường như không mang lại kết quả. Người ta không hưởng ứng lời cảnh báo! Hãy nghĩ đến điều này, trước khi trận Nước Lụt đến, rất có thể Nô-ê có anh chị em, cháu trai, cháu gái, nhưng không ai nghe, ngoại trừ những người trong gia đình ông (Sáng-thế Ký 5:30). Giờ đây tám người an toàn trong tàu, chắc chắn họ cảm thấy an ủi khi nghĩ về thời kỳ họ đưa ra lời cảnh báo để giúp người ta có cơ hội sống sót.
Đức Giê-hô-va không thay đổi kể từ thời của Nô-ê (Ma-la-chi 3:6). Chúa Giê-su Ki-tô giải thích rằng thời kỳ chúng ta ngày nay rất giống “thời Nô-ê” (Ma-thi-ơ 24:37). Chúng ta sống trong thời kỳ đặc biệt, đầy bất ổn nhưng thế gian bại hoại này sẽ bị hủy diệt. Ngày nay, dân của Đức Chúa Trời cũng đưa ra lời cảnh báo cho những ai biết lắng nghe. Bạn sẽ hưởng ứng thông điệp này không? Nếu đã chấp nhận sự thật của thông điệp cứu mạng, liệu bạn sẽ chia sẻ điều này với người khác? Nô-ê và gia đình ông đã nêu gương cho tất cả chúng ta.
“ĐƯỢC CHỞ AN TOÀN QUA NƯỚC”
Khi con tàu trôi nổi trên biển đang gào thét, hẳn những người trong tàu nghe giai điệu cót két, cọt kẹt của những cây gỗ khổng lồ. Liệu Nô-ê có lo về các con sóng lớn hay lo con tàu bị vỡ không? Không. Ngày nay, những người hoài nghi có thể nghĩ như thế nhưng Nô-ê thì không. Kinh Thánh nói: “Bởi đức tin, Nô-ê... đóng một chiếc tàu” (Hê-bơ-rơ 11:7). Đức tin về điều gì? Đức Giê-hô-va đã lập một giao ước, một cam kết chính thức, là sẽ đưa Nô-ê, tất cả người lẫn thú an toàn qua trận Nước Lụt (Sáng-thế Ký 6:18, 19). Có thể nào đấng tạo ra vũ trụ, trái đất và mọi vật sống trên đó lại không thể giữ được chiếc tàu nguyên vẹn sao? Dĩ nhiên có! Nô-ê có lý do chính đáng để tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ giữ lời hứa. Đúng vậy, ông và gia đình “được chở an toàn qua nước”.—1 Phi-e-rơ 3:20.
Sau 40 ngày 40 đêm, mưa cũng ngưng rơi. Tính theo lịch của chúng ta, điều này xảy ra trong tháng 12 năm 2370 trước công nguyên (TCN). Nhưng cuộc hành trình của gia đình ông trên tàu vẫn còn phía trước. Con tàu chở đầy các sinh vật sống, trôi một mình trên biển, ngay cả trên các đỉnh núi (Sáng-thế Ký 7:19, 20). Chúng ta có thể hình dung Nô-ê sắp xếp những công việc nặng nhọc hầu ông và các con trai là Sem, Cham và Gia-phết có thể lo cho các con vật ăn uống, sạch sẽ và khỏe mạnh. Tất nhiên, chính Đức Chúa Trời đã làm thú hoang ngoan ngoãn vào tàu, nên không gì là khó để ngài giữ chúng ở trạng thái như thế trong thời gian Nước Lụta.
Nô-ê ghi lại cẩn thận những biến cố đã xảy ra. Ông ghi chép khi nào mưa bắt đầu rơi, khi nào ngưng, cũng ghi nước phủ khắp mặt đất trong 150 ngày. Cuối cùng, nước bắt đầu hạ xuống. Vào một ngày đáng nhớ, chiếc tàu nhẹ nhàng “tấp trên núi A-ra-rát”, ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Đó là vào tháng 4 năm 2369 TCN. Vào tháng 6, sau đó 73 ngày, có thể thấy các đỉnh núi. Ba tháng sau, vào tháng 9, Nô-ê dỡ mui tàu. Hẳn đó là công việc nặng nhọc nhưng nhờ vậy ánh sáng và không khí trong lành ùa vào. Trước đó, Nô-ê cũng thử xem môi trường bên ngoài có an toàn, sinh sống được không. Ông thả một con quạ, nó liệng đi liệng lại, có lẽ đậu trên tàu sau mỗi lần bay về; rồi Nô-ê thả tiếp con bồ câu, nó bay về với ông cho đến khi tìm được chỗ đáp xuống.—Sáng-thế Ký 7:24–8:13.
Chắc chắn hằng ngày Nô-ê tập trung nhiều hơn vào những vấn đề tâm linh. Chúng ta có thể hình dung cả gia đình thường xuyên nhóm lại để cầu nguyện chung và nói về Cha trên trời đã che chở họ. Nô-ê nương cậy nơi Đức Giê-hô-va trong mỗi quyết định quan trọng. Dù thấy mặt đất đã “khô rồi”, sau hơn một năm ở trên tàu, Nô-ê vẫn không mở cửa và dẫn thú vật ra (Sáng-thế Ký 8:14). Ông chờ mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va!
Ngày nay, chủ gia đình có thể học được nhiều điều từ người đàn ông trung thành ấy. Ông là người ngăn nắp, siêng năng, kiên nhẫn và che chở tất cả mọi người dưới sự chăm sóc của mình. Nhưng trên hết, ông đặt ý muốn Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. Nếu noi theo đức tin của Nô-ê trong các khía cạnh này, chúng ta sẽ mang lại ân phước cho những người mình yêu thương.
“HÃY RA KHỎI TÀU”
Cuối cùng, Đức Giê-hô-va ra mệnh lệnh. Ngài bảo Nô-ê “hãy ra khỏi tàu, ngươi, vợ, các con và các dâu ngươi”. Cả gia đình vâng lời, họ đi trước và các con thú theo sau. Như thế nào? Chúng có chạy tán loạn không? Không! Lời tường thuật cho biết “tùy theo giống đều ra khỏi tàu” (Sáng-thế Ký 8:15-19). Khi đã ra khỏi tàu, hít thở không khí núi trong lành và nhìn khắp vùng cao nguyên A-ra-rát, Nô-ê và gia đình thấy trước mắt một trái đất được tẩy sạch. Không còn người Nê-phi-lim, bạo lực, thiên sứ phản nghịch và toàn bộ xã hội gian ácb! Nhân loại có cơ hội tạo một khởi đầu mới.
Nô-ê biết mình phải làm gì. Điều đầu tiên ông làm là thờ phượng Đức Chúa Trời. Ông lập bàn thờ, dùng một số con vật mà ngài xem là thanh sạch—chúng được đem lên tàu “bảy cặp”—và dâng tế lễ cho Đức Giê-hô-va (Sáng-thế Ký 7:2; 8:20). Đức Giê-hô-va có hài lòng với sự thờ phượng này không?
Bằng những lời trấn an, Kinh Thánh cho biết: “Đức Giê-hô-va hưởng lấy mùi thơm”. Đức Giê-hô-va từng đau lòng khi con người khiến khắp đất tràn lan bạo lực, nhưng giờ đây ngài cảm thấy thư thái, hài lòng khi chứng kiến một gia đình trung thành thờ phượng ngài trên đất, những người quyết tâm làm theo ý muốn ngài. Đức Giê-hô-va không mong là họ hoàn hảo. Câu Kinh Thánh viết tiếp: “Tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ” (Sáng-thế Ký 8:21). Hãy xem cách Đức Giê-hô-va thể hiện lòng kiên nhẫn đầy thương xót nhiều hơn đối với nhân loại.
Đức Chúa Trời không rủa sả đất nữa. Trong thời kỳ A-đam và Ê-va phản nghịch, Đức Chúa Trời rủa sả đất, khiến việc canh tác rất khó khăn. Cha của Nô-ê, Lê-méc, đặt tên cho con mình là Nô-ê, có lẽ nghĩa là “nghỉ ngơi” hoặc “an ủi”. Ông tiên tri Nô-ê sẽ làm ứng nghiệm ý nghĩa của tên này bằng cách dẫn nhân loại ra khỏi sự rủa sả ấy đến sự nghỉ ngơi. Hẳn Nô-ê rất vui khi biết giờ đây ông sẽ thấy lời tiên tri ấy được ứng nghiệm và đất đai sẽ màu mỡ hơn khi trồng trọt. Vậy, không ngạc nhiên gì khi Nô-ê sớm bắt tay vào việc đồng áng!—Sáng-thế Ký 3:17, 18; 5:28, 29; 9:20.
Cùng lúc này, Đức Giê-hô-va ban cho con cháu của Nô-ê một số điều luật rõ ràng, đơn giản để hướng dẫn đời sống họ, trong đó có việc cấm giết người và lạm dụng huyết. Đức Chúa Trời cũng lập một giao ước với nhân loại, hứa sẽ không bao giờ hủy diệt mọi sự sống trên đất bằng trận nước lụt nữa. Để chứng tỏ ngài giữ lời, Đức Giê-hô-va cho con người thấy một hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu: cầu vồng. Cho đến ngày nay, mỗi lúc nhìn thấy cầu vồng, chúng ta được an ủi khi nhớ đến lời hứa yêu thương của Đức Giê-hô-va.—Sáng-thế Ký 9:1-17.
Nếu chỉ là huyền thoại thì cầu vồng là điểm kết thúc câu chuyện của Nô-ê. Nhưng Nô-ê là người có thật và đời sống ông không bình lặng. Thời đó, tuổi thọ là điều bình thường. Người đàn ông trung thành ấy sống thêm 350 năm, và ông chịu nhiều đau buồn suốt những thế kỷ ấy. Vào dịp nọ, ông đã phạm một lỗi nặng khi bị say khướt, nhưng sai phạm ấy nhân đôi khi cháu trai ông là Ca-na-an còn phạm tội nghiêm trọng hơn. Tội ấy đưa đến hậu quả đau thương cho gia đình Ca-na-an. Nô-ê sống lâu, chứng kiến con cháu mình phạm các tội như thờ hình tượng và bạo lực trong thời Nim-rốt. Tuy nhiên về mặt tích cực, Nô-ê thấy con trai mình là Sem nêu gương tốt về đức tin trong gia đình.—Sáng-thế Ký 9:21-28; 10:8-11; 11:1-11.
Như Nô-ê, dù phải gặp nhiều trở ngại, chúng ta hãy tiếp tục trung thành. Khi những người xung quanh lờ đi Đức Chúa Trời, hoặc thậm chí không còn phụng sự ngài, chúng ta cần giữ lòng trung thành như Nô-ê. Đức Giê-hô-va rất quý trọng sự chịu đựng như thế. Như Chúa Giê-su Ki-tô phán: “Ai bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu”.—Ma-thi-ơ 24:13.
a Một số người nói rằng có lẽ Đức Chúa Trời giữ các con vật trong trạng thái lờ đờ, như động vật ngủ đông, nên nhu cầu ăn uống của chúng cũng giảm. Dù có làm thế hay không, ngài đã giữ lời hứa, đảm bảo sự an toàn và bảo toàn tính mạng cho người lẫn thú bên trong tàu.
b Trái đất cũng không còn dấu vết nào của vườn Ê-đen ban đầu, rất có thể nó bị xóa sạch trong trận Nước Lụt. Nếu vậy, các chê-ru-bim canh lối vào được trở về trời, thế là nhiệm vụ 1.600 năm của họ đã hoàn tất.—Sáng-thế Ký 3:22-24.