Quý trọng đúng đắn món quà sự sống
“Huyết của Đấng Christ... sẽ làm sạch lương-tâm anh em khỏi công-việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống”.—HÊ-BƠ-RƠ 9:14.
1. Những điều nào cho thấy chúng ta rất xem trọng sự sống?
NẾU có ai bảo bạn định giá trị sự sống mình thì bạn sẽ trả lời ra sao? Chúng ta rất xem trọng sự sống—của chính mình và của người khác. Bằng chứng là chúng ta đến bác sĩ khi mắc bệnh hoặc khám sức khỏe thường xuyên. Chúng ta muốn sống và được khỏe mạnh. Thậm chí đa số những người già hoặc tật nguyền cũng không muốn chết, họ muốn tiếp tục sống.
2, 3. (a) Châm-ngôn 23:22 nhấn mạnh đến bổn phận nào? (b) Đức Chúa Trời có liên hệ thế nào đến bổn phận đề cập nơi Châm-ngôn 23:22?
2 Cách bạn định giá trị sự sống ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với người khác. Thí dụ, Lời Đức Chúa Trời bảo: “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh-bỉ mẹ con khi người trở nên già-yếu”. (Châm-ngôn 23:22) “Nghe lời” không chỉ có nghĩa là nghe mà còn vâng theo. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:26; Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:12; 13:18; 15:5; Giô-suê 22:2; Thi-thiên 81:13) Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta lý do nào để nghe lời cha mẹ? Không phải chỉ vì cha mẹ lớn tuổi hơn hoặc giàu kinh nghiệm hơn bạn mà lý do được nêu ra là họ “đã sanh ra” bạn. Điều dễ hiểu là nếu bạn xem trọng sự sống mình, bạn sẽ cảm thấy có bổn phận đối với nguồn của sự sống đó.
3 Dĩ nhiên, nếu bạn là tín đồ thật của Đấng Christ, bạn nhận biết Đức Giê-hô-va là Nguồn tối thượng của sự sống bạn. Nhờ Ngài bạn “được sống”; bạn có thể “động”, hành động như một tạo vật có tri giác; và giờ đây bạn “có” tức là hiện hữu, và có thể suy nghĩ hoặc hoạch định cho tương lai, kể cả sự sống vĩnh cửu. (Công-vụ 17:28; Thi-thiên 36:9; Truyền-đạo 3:11) Phù hợp với Châm-ngôn 23:22, điều đúng là nghe lời Đức Chúa Trời, muốn hiểu và làm theo quan điểm của Ngài về sự sống thay vì theo cách đánh giá nào khác về tầm quan trọng của sự sống.
Hãy tôn trọng sự sống
4. Vào thời đầu của lịch sử, việc tôn trọng sự sống đã trở thành một vấn đề quan trọng như thế nào?
4 Vào thời đầu của lịch sử nhân loại, Đức Giê-hô-va đã cho thấy rõ là Ngài không để người ta tự ý sử dụng (hay lạm dụng) sự sống vì bất cứ lý do nào. Khi bị cơn giận dữ ganh tị xâm chiếm, Ca-in đã giết một mạng sống vô tội, đó là mạng của em mình là A-bên. Bạn nghĩ rằng Ca-in có quyền làm như vậy không? Đức Chúa Trời không nghĩ như vậy. Ngài buộc Ca-in phải chịu trách nhiệm: “Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta”. (Sáng-thế Ký 4:10) Hãy lưu ý rằng huyết của A-bên dưới đất tiêu biểu cho sự sống ông, đã bị chấm dứt một cách tàn nhẫn và kêu lên đến Đức Chúa Trời để xin báo thù.—Hê-bơ-rơ 12:24.
5. (a) Đức Chúa Trời đã đặt lệnh cấm nào trong thời Nô-ê và đã có áp dụng cho ai? (b) Lệnh cấm này là một bước quan trọng theo nghĩa nào?
5 Sau Nước Lụt, nhân loại bắt đầu lại với vỏn vẹn tám người. Trong lời tuyên bố áp dụng cho tất cả nhân loại, Đức Chúa Trời đã cho biết thêm về cách Ngài đánh giá sự sống và máu. Ngài nói rằng nhân loại được phép ăn thịt, nhưng Ngài đặt ra giới hạn này: “Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ-ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh. Song các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu”. (Sáng-thế Ký 9:3, 4) Một số người Do Thái diễn giải rằng điều đó có nghĩa là nhân loại không được ăn thịt hoặc máu của thú vật còn sống. Nhưng thời gian đã cho thấy rõ qua lời này, Đức Chúa Trời cấm dùng máu để duy trì sự sống. Hơn nữa, lệnh của Đức Chúa Trời ban qua Nô-ê là một bước quan trọng trong việc thực hiện ý định cao cả của Ngài liên quan đến máu—một ý định cho phép nhân loại đạt được sự sống đời đời.
6. Qua Nô-ê, Đức Chúa Trời nhấn mạnh quan điểm của Ngài về giá trị sự sống như thế nào?
6 Đức Chúa Trời nói tiếp: “Quả thật, ta sẽ đòi máu của sự sống ngươi lại, hoặc nơi các loài thú vật, hoặc nơi tay người, hoặc nơi tay của anh em người. Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại; vì Đức Chúa Trời làm nên người như hình của Ngài”. (Sáng-thế Ký 9:5, 6) Bạn có thể hiểu rằng qua lời tuyên bố này với toàn thể nhân loại Đức Chúa Trời xem huyết của người ta tiêu biểu cho sinh mạng. Đấng Tạo Hóa cho người ta sự sống, và không ai được lấy đi sự sống đó, tiêu biểu bởi máu. Như trường hợp Ca-in, nếu một người phạm tội giết người, Đấng Tạo Hóa có quyền “đòi” lại mạng sống người ấy.
7. Tại sao chúng ta nên chú ý đến Lời Đức Chúa Trời tuyên bố với Nô-ê về máu?
7 Qua lời tuyên bố, Đức Chúa Trời ra chỉ thị cho nhân loại không được lạm dụng máu. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao không? Và tại sao Đức Chúa Trời có quan điểm như thế về máu? Thật ra câu trả lời liên hệ đến một trong những giáo lý quan trọng nhất trong Kinh Thánh. Đó chính là cốt lõi của thông điệp đạo Đấng Christ, mặc dù nhiều nhà thờ chọn bỏ qua. Giáo lý đó là gì và có liên hệ thế nào đến đời sống, quyết định và hành động của bạn?
Huyết—Có thể sử dụng như thế nào?
8. Trong Luật Pháp, Đức Giê-hô-va đã đặt giới hạn nào về việc sử dụng huyết?
8 Đức Giê-hô-va cung cấp nhiều chi tiết về sự sống và máu khi Ngài ban Luật Pháp cho Y-sơ-ra-ên. Trong khi làm thế, Ngài thực hiện thêm một bước liên quan đến ý định của Ngài. Có lẽ bạn biết rằng Luật Pháp đòi hỏi phải dâng cho Đức Chúa Trời những thứ như ngũ cốc, dầu và rượu. (Lê-vi Ký 2:1-4; 23:13; Dân-số Ký 15:1-5) Và cũng quy định phải dâng thú vật làm của-lễ. Đức Chúa Trời nói về những của-lễ này: “Sanh-mạng của xác-thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn-thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh-hồn mình; vì nhờ sanh-mạng mà huyết mới chuộc tội được. Bởi cớ đó ta đã phán cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Trong vòng các ngươi không ai nên ăn huyết”. Đức Giê-hô-va nói thêm rằng nếu một người nào, chẳng hạn như thợ săn hoặc người chăn nuôi, giết một thú để ăn thịt thì phải đổ huyết ra và lấp đất lên. Trái đất là bệ chân của Đức Chúa Trời, khi đổ huyết xuống đất, người ấy thừa nhận rằng sự sống được hoàn lại cho Đấng Ban Sự Sống.—Lê-vi Ký 17:11-13; Ê-sai 66:1.
9. Theo Luật Pháp, huyết được phép dùng duy nhất trong trường hợp nào, và mục đích của việc ấy là gì?
9 Luật đó không phải chỉ là một nghi lễ tôn giáo vô nghĩa đối với chúng ta. Bạn có để ý tại sao người Y-sơ-ra-ên không được ăn huyết không? Đức Chúa Trời phán: “Bởi cớ đó ta đã phán cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Trong vòng các ngươi không ai nên ăn huyết”. Lý do là gì? “Ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn-thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh-hồn mình”. Bạn có thấy điều này cho chúng ta hiểu tại sao Đức Chúa Trời nói với Nô-ê rằng nhân loại không được ăn huyết không? Chính Đấng Tạo Hóa quyết định xem huyết có ý nghĩa cao trọng, chỉ dành riêng cho một mục đích đặc biệt là cứu nhiều mạng sống. Nó cũng có vai trò trọng yếu trong việc chuộc tội. Thật vậy, dưới Luật Pháp, Đức Chúa Trời chỉ cho dùng huyết dâng trên bàn thờ để chuộc tội cho nhiều người Y-sơ-ra-ên, những người đang tìm kiếm sự tha thứ của Đức Giê-hô-va.
10. Tại sao huyết thú vật không thể dẫn đến sự tha thứ hoàn toàn, nhưng những của-lễ do Luật Pháp quy định cung cấp sự nhắc nhở nào?
10 Khái niệm này không xa lạ đối với đạo Đấng Christ. Nhắc đến đặc điểm này được quy định trong Luật Pháp của Đức Chúa Trời, sứ đồ của Đấng Christ là Phao-lô viết: “Theo luật-pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha-thứ”. (Hê-bơ-rơ 9:22) Phao-lô cho thấy rõ rằng các của-lễ do Luật Pháp quy định không khiến cho dân Y-sơ-ra-ên trở thành người hoàn toàn, vô tội. Ông viết: “Những tế-lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội-lỗi. Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội-lỗi đi được”. (Hê-bơ-rơ 10:1-4) Tuy nhiên, những lễ vật ấy vẫn hữu ích. Nó nhắc nhở cho dân Y-sơ-ra-ên biết họ là người tội lỗi, cần một điều khác nữa để đạt được sự tha thứ hoàn toàn. Nhưng nếu huyết tiêu biểu cho mạng sống của thú vật không thể xóa hết tội lỗi, vậy thì có huyết nào xóa được không?
Giải pháp của Đấng Ban Sự Sống
11. Làm sao chúng ta biết huyết của con vật dâng làm của-lễ hướng sự chú ý đến một điều khác?
11 Thật ra Luật Pháp hướng chúng ta đến một điều hữu hiệu hơn nhiều trong việc thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Phao-lô hỏi: “Vậy thì làm sao có luật-pháp?” Ông trả lời: “Luật-pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm-phép, cho tới chừng nào người dòng-dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho; luật-pháp được ban ra bởi mấy thiên-sứ và truyền ra bởi một người trung-bảo [Môi-se]”. (Ga-la-ti 3:19) Tương tự, Phao-lô viết: “Luật-pháp chỉ là bóng của sự tốt-lành ngày sau, không có hình thật của các vật”.—Hê-bơ-rơ 10:1.
12. Nói về huyết, chúng ta có thể hiểu thế nào về sự bày tỏ ý định Đức Chúa Trời?
12 Tóm lại, hãy nhớ rằng vào thời Nô-ê Đức Chúa Trời đã cho phép loài người ăn thịt thú vật để duy trì sự sống, nhưng họ không được ăn huyết. Với thời gian, Đức Chúa Trời phán rằng “sanh-mạng của xác-thịt ở trong huyết”. Quả thật, Ngài xem huyết là tiêu biểu cho sự sống và nói: “Ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn-thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh-hồn mình”. Tuy nhiên, còn có một sự bày tỏ tuyệt diệu khác về ý định của Đức Chúa Trời. Luật Pháp là hình bóng cho sự tốt lành sẽ đến. Đó là gì?
13. Tại sao cái chết của Chúa Giê-su là quan trọng?
13 Thực tại của sự tốt lành này xoay quanh cái chết của Chúa Giê-su Christ. Bạn biết rằng Chúa Giê-su đã bị tra tấn và đóng đinh. Ngài chết như một tội phạm. Phao-lô viết: “Khi chúng ta còn yếu-đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”. (Rô-ma 5:6, 8) Khi chết cho chúng ta, Đấng Christ đã cung cấp một giá chuộc để chuộc tội chúng ta. Giá chuộc này là trọng tâm của thông điệp đạo Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16; 1 Cô-rinh-tô 15:3; 1 Ti-mô-thê 2:6) Điều này có liên hệ gì đến huyết và sự sống, và mạng sống của bạn có liên quan thế nào?
14, 15. (a) Một số bản Kinh Thánh dịch câu Ê-phê-sô 1:7 nhấn mạnh đến cái chết của Chúa Giê-su như thế nào? (b) Điểm nào trong câu Ê-phê-sô 1:7 có thể bị bỏ sót?
14 Một số nhà thờ nhấn mạnh đến cái chết của Chúa Giê-su, những tín đồ của họ nói rằng “Chúa Giê-su chết cho tôi”. Hãy xem một số bản Kinh Thánh dịch Ê-phê-sô 1:7 như thế nào: “Chính là ở trong Đấng Christ và qua cái chết của ngài chúng ta có được sự giải thoát, tức là sự cất bỏ mọi vi phạm của chúng ta”. (The American Bible, của Frank Scheil Ballentine, 1902) “Bởi cái chết của Đấng Christ chúng ta được giải thoát, và tội lỗi chúng ta được tha”. (Today’s English Version, 1966) “Ấy là trong Đấng Christ và qua ngài và sự hy sinh mạng sống của ngài mà chúng ta được tự do, sự tự do có nghĩa là sự tha thứ tội lỗi”. (The New Testament, của William Barclay, 1969) “Chính là qua cái chết của Đấng Christ mà tội lỗi chúng ta được tha và chúng ta được giải phóng”. (The Translator’s New Testament, 1973) Bạn có thể thấy những cách dịch trên nhấn mạnh đến cái chết của Chúa Giê-su. Một số người có thể nói: ‘Nhưng cái chết của Chúa Giê-su rất quan trọng. Vậy, những cách dịch này thiếu điều gì?’
15 Quả thật, nếu chỉ đọc những bản dịch như thế, bạn có thể bỏ sót một điểm rất quan trọng, và điều này giới hạn sự hiểu biết của bạn về thông điệp Kinh Thánh. Những bản như thế làm mờ đi sự kiện là trong bản gốc Ê-phê-sô 1:7 có một chữ Hy Lạp nghĩa là “huyết”. Do đó nhiều Kinh Thánh dịch sát hơn theo bản gốc, chẳng hạn như bản dịch Liên Hiệp Thánh Kinh Hội: “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu-chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư-dật của ân-điển Ngài”. (Chúng tôi viết nghiêng).
16. Cách dịch “huyết Ngài” chắc hẳn khiến chúng ta nghĩ đến điều gì?
16 Cách dịch “huyết Ngài” có ý nghĩa phong phú và hẳn khiến chúng ta nghĩ đến nhiều điều. Chỉ riêng cái chết mà thôi thì không đủ, dù là cái chết của Chúa Giê-su, một người hoàn toàn. Ngài đã làm ứng nghiệm những gì được hình bóng trong Luật Pháp, đặc biệt trong Ngày Lễ Chuộc tội . Vào ngày đặc biệt ấy, người ta dâng thú vật theo Luật Pháp quy định. Rồi thầy tế lễ thượng phẩm lấy một phần huyết chúng vào nơi Chí Thánh của đền tạm hay đền thờ, rồi dâng lên cho Đức Chúa Trời, như thể là ở trước mặt Ngài.—Xuất Ê-díp-tô Ký 25:22; Lê-vi Ký 16:2-19.
17. Bằng cách nào Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm những gì được hình bóng qua Ngày Lễ Chuộc tội?
17 Chúa Giê-su làm ứng nghiệm những gì đã được hình bóng qua Ngày Lễ Chuộc tội, như Phao-lô đã giải thích. Trước hết ông đề cập đến việc thầy tế lễ thượng phẩm ở Y-sơ-ra-ên mỗi năm một lần đem huyết dâng “vì chính mình và vì sự lầm-lỗi dân-chúng”. (Hê-bơ-rơ 9:6, 7) Theo đúng mẫu mực đó, sau khi được sống lại trong thể thần linh, Chúa Giê-su đã trở về trời. Với tư cách một thần linh, không có một thân thể bằng xương bằng thịt, ngài có thể đến trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài trình gì cho Đức Chúa Trời? Không phải một điều thể chất nhưng một điều đầy ý nghĩa. Phao-lô nói tiếp: “Đấng Christ đã hiện đến, làm thầy tế-lễ thượng-phẩm... Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời. Vì nếu huyết của dê đực bò đực... còn làm sạch được phần xác-thịt họ và nên thánh thay, huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh-Linh đời đời, dâng chính mình không tì-tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương-tâm anh em khỏi công-việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào!” Thật vậy, Chúa Giê-su đã trình cho Đức Chúa Trời giá trị của huyết mình.—Hê-bơ-rơ 9:11-14, 24, 28; 10:11-14; 1 Phi-e-rơ 3:18.
18. Tại sao những lời Kinh Thánh nói về huyết hẳn là quan trọng cho tín đồ Đấng Christ ngày nay?
18 Lẽ thật này của Đức Chúa Trời cho chúng ta hiểu khía cạnh đặc biệt của những gì Kinh Thánh nói về huyết—tại sao Đức Chúa Trời có quan điểm như thế về huyết, chúng ta nên có quan điểm nào và tại sao phải tôn trọng những hạn chế Đức Chúa Trời đặt ra về việc sử dụng huyết. Khi đọc các sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, bạn sẽ thấy nhiều lần nói đến “huyết của Đấng Christ”. (Xem khung). Những câu này cho thấy rõ mỗi tín đồ Đấng Christ cần đặt đức tin “trong huyết Đấng ấy”. (Rô-ma 3:25) Chúng ta chỉ có thể được tha thứ và hòa thuận với Đức Chúa Trời “bởi huyết [Chúa Giê-su]”. (Cô-lô-se 1:20) Điều này chắc chắn đúng đối với những người mà Chúa Giê-su lập giao ước đặc biệt để họ cai trị với ngài trên trời. (Lu-ca 22:20, 28-30; 1 Cô-rinh-tô 11:25; Hê-bơ-rơ 13:20) Điều này cũng đúng đối với đám đông “vô-số người” ngày nay, là những người sẽ sống sót qua “cơn đại-nạn” và hưởng sự sống đời đời trong địa đàng. Nói theo nghĩa bóng, họ “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”.—Khải-huyền 7:9, 14.a
19, 20. (a) Tại sao Đức Chúa Trời quyết định giới hạn việc sử dụng huyết và chúng ta nên cảm thấy thế nào về điều đó? (b) Vậy chúng ta nên muốn biết về điều gì?
19 Rõ ràng, huyết có ý nghĩa đặc biệt dưới mắt Đức Chúa Trời. Và cũng phải đặc biệt đối với chúng ta. Là Đấng Tạo Hóa quan tâm đến sự sống, Ngài có quyền hạn chế cách loài người sử dụng huyết. Vì rất quan tâm đến mạng sống chúng ta, Ngài quyết định dành huyết để sử dụng trong cách hết sức quan trọng, cách duy nhất có thể mang lại sự sống đời đời. Cách ấy có liên hệ đến huyết báu của Chúa Giê-su. Chúng ta biết ơn xiết bao về việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời vì lợi ích chúng ta đã sử dụng huyết—huyết Chúa Giê-su—để cứu sống chúng ta! Và chúng ta nên biết ơn Chúa Giê-su biết bao về việc ngài đã hy sinh đổ huyết ra vì chúng ta! Thật vậy, chúng ta có thể hiểu cảm nghĩ của sứ đồ Giăng: “Đấng yêu-thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội-lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế-lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh-hiển và quyền-năng đời đời vô-cùng! A-men”.—Khải-huyền 1:5, 6.
20 Từ lâu Đức Chúa Trời, Đấng Ban Sự Sống đầy khôn ngoan của chúng ta đã nghĩ đến vai trò cứu sống này. Thế thì chúng ta có thể hỏi: ‘Điều này phải có ảnh hưởng gì đến quyết định và hành động của chúng ta?’ Bài tới sẽ bàn luận về câu hỏi này.
Bạn trả lời ra sao?
• Qua lời tường thuật liên quan đến Ca-in và Nô-ê, chúng ta biết được gì về quan điểm của Đức Chúa Trời về huyết?
• Trong Luật Pháp, Đức Chúa Trời đưa ra hạn chế nào về việc dùng huyết, và tại sao?
• Bằng cách nào Chúa Giê-su làm ứng nghiệm những gì đã được hình bóng qua Ngày Lễ Chuộc tội?
• Huyết của Chúa Giê-su có thể cứu sống chúng ta thế nào?
[Khung nơi trang 18]
HUYẾT NÀO CỨU SỐNG?
“Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh-Linh đã lập anh em làm kẻ coi-sóc, để chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết [“Con”, NW] mình”.—Công-vụ 20:28.
“Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công-bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh-nộ là dường nào!”—Rô-ma 5:9.
“Anh em... ở thế-gian không có sự trông-cậy và không có Đức Chúa Trời. Nhưng trong Đức Chúa Jêsus-Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi”.—Ê-phê-sô 2:12, 13.
“Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy-dẫy của mình chứa trong Ngài, và bởi huyết Ngài trên thập-tự-giá, thì đã làm nên hòa-bình”.—Cô-lô-se 1:19, 20.
“Hỡi anh em,... chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn-dĩ vào nơi rất thánh”.—Hê-bơ-rơ 10:19.
“Chẳng phải bởi vật hay hư-nát... mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn-ở không ra chi của tổ-tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít”.—1 Phi-e-rơ 1:18, 19.
“Nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao-thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta”.—1 Giăng 1:7.
“Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết, lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi-phái, mọi tiếng, mọi dân-tộc, mọi nước”.—Khải-huyền 5:9.
“Kẻ kiện-cáo anh em chúng ta... nay đã bị quăng xuống rồi. Chúng đã thắng nó bởi huyết Chiên Con và bởi lời làm chứng của mình”.—Khải-huyền 12:10, 11.
[Hình nơi trang 16]
Qua Luật Pháp, Đức Chúa Trời cho thấy rõ rằng huyết có thể thực hiện một vai trò trong việc tha thứ tội lỗi
[Hình nơi trang 17]
Qua huyết của Chúa Giê-su, nhiều người có thể được cứu
[Chú thích]
a Chúng tôi viết nghiêng trong đoạn này.