Hãy luôn cảnh giác—Sa-tan muốn cắn nuốt bạn!
‘Hãy luôn cảnh giác. Kẻ thù anh em là Kẻ Quỷ Quyệt đang đi lảng vảng như sư tử gầm rống, tìm kiếm người nào đó để cắn nuốt’.—1 PHI 5:8.
1. Làm thế nào một tạo vật thần linh lại trở thành Sa-tan?
Có một thời, hắn có vị thế tốt trước mắt Đức Giê-hô-va. Nhưng về sau, tạo vật thần linh này đã ham muốn được loài người thờ phượng. Thay vì loại bỏ ước muốn sai trái đó, hắn nuôi dưỡng trong lòng, rồi cuối cùng sinh ra tội lỗi (Gia 1:14, 15). Tạo vật này không ai khác chính là Sa-tan, kẻ đã “không giữ được sự chân thật”. Hắn chống lại Đức Giê-hô-va và trở thành “cha sự nói dối”.—Giăng 8:44.
2, 3. Cụm từ “Sa-tan”, “Kẻ Quỷ Quyệt”, “con rắn” và “con rồng” tiết lộ điều gì về kẻ thù lớn nhất của Đức Giê-hô-va?
2 Từ khi chống lại Đức Giê-hô-va, Sa-tan trở thành kẻ thù lớn nhất của ngài, và chắc chắn hắn không phải là bạn của nhân loại. Những tên gọi được gán cho Sa-tan lột tả mức độ xấu xa của hắn. Sa-tan có nghĩa là “kẻ chống đối”. Tên gọi này cho thấy tạo vật thần linh gian ác đó không ủng hộ quyền cai trị của Đức Chúa Trời; ngược lại, hắn căm ghét và ra sức công kích quyền cai trị đó. Trên hết, Sa-tan muốn nhìn thấy quyền cai trị của Đức Giê-hô-va chấm dứt.
3 Như được nói đến nơi Khải huyền 12:9, Sa-tan được gọi là Kẻ Quỷ Quyệt. Trong tiếng Hy Lạp, tên gọi này mang ý nghĩa “kẻ vu khống”. Điều này nhắc chúng ta nhớ là Sa-tan đã bôi nhọ Đức Giê-hô-va qua việc cho rằng ngài nói dối. Cụm từ “con rắn xưa kia” khiến chúng ta nhớ đến ngày đen tối trong vườn Ê-đen khi Sa-tan dùng con rắn để lừa gạt Ê-va. Cụm từ “con rồng lớn” gợi chúng ta nhớ đến hình ảnh một con quái vật hung dữ. Đồng thời, cụm từ này cũng phù hợp để nói về tham vọng độc ác của Sa-tan nhằm cản trở ý định của Đức Giê-hô-va và hủy diệt dân ngài.
4. Bài này sẽ thảo luận về điều gì?
4 Rõ ràng, Sa-tan là mối đe dọa lớn nhất đối với lòng trung kiên của chúng ta. Kinh Thánh có lý do chính đáng khi khuyên: “Hãy giữ mình tỉnh táo và luôn cảnh giác. Kẻ thù anh em là Kẻ Quỷ Quyệt đang đi lảng vảng như sư tử gầm rống, tìm kiếm người nào đó để cắn nuốt” (1 Phi 5:8). Vì vậy, bài này sẽ xem xét ba đặc tính của Sa-tan cho thấy tại sao chúng ta cần bảo vệ mình khỏi hắn, một kẻ thù nham hiểm của Đức Giê-hô-va và dân ngài.
SA-TAN LÀ KẺ CÓ QUYỀN NĂNG
5, 6. (a) Hãy nêu ví dụ cho thấy các thiên sứ có “quyền năng dũng mãnh”. (b) Sa-tan là kẻ “có khả năng gây ra cái chết” theo nghĩa nào?
5 Các thiên sứ có “quyền năng dũng mãnh” (Thi 103:20, Bản Dịch Mới). Họ cao siêu, thông minh và mạnh mẽ hơn loài người. Những thiên sứ trung thành thì dùng quyền năng của mình để làm điều thiện. Chẳng hạn, trong một trường hợp, một thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã hạ gục 185.000 quân thù A-si-ri. Điều này nằm ngoài khả năng của một người phàm và thậm chí khó đối với cả một đội quân (2 Vua 19:35). Trong trường hợp khác, một thiên sứ đã dùng quyền năng siêu việt và sự khôn khéo để giải cứu các sứ đồ của Chúa Giê-su ra khỏi nhà lao. Thiên sứ ấy đã vượt qua hệ thống an ninh, mở khóa cửa tù, để các sứ đồ đi ra và sau đó khóa lại—tất cả diễn ra trong khi các cảnh vệ đứng gần đó!—Công 5:18-23.
6 Trong khi những tạo vật thần linh trung thành dùng quyền năng để làm điều thiện, Sa-tan dùng quyền năng của mình để làm điều ác. Quyền năng và ảnh hưởng của hắn lớn biết bao! Kinh Thánh gọi hắn là “kẻ cai trị thế gian này” và “chúa đời này” (Giăng 12:31; 2 Cô 4:4). Thậm chí Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt còn “có khả năng gây ra cái chết” (Hê 2:14). Điều này không có nghĩa là hắn trực tiếp giết mọi người. Tuy nhiên, tinh thần hung bạo và đầy hận thù của hắn bao trùm khắp thế gian này. Hơn nữa, vì Ê-va tin lời nói dối của Sa-tan và A-đam không vâng lời Đức Chúa Trời nên tội lỗi và sự chết trải trên toàn thể nhân loại (Rô 5:12). Theo nghĩa này thì Kẻ Quỷ Quyệt “có khả năng gây ra cái chết”. Hắn là “kẻ giết người”, như Chúa Giê-su đã gọi (Giăng 8:44). Quả thật, kẻ thù của chúng ta có quyền năng rất lớn!
7. Các ác thần cho thấy chúng có quyền năng như thế nào?
7 Khi chống lại Sa-tan, chúng ta không chỉ chống lại hắn, mà còn chống lại tất cả những kẻ đứng về phe hắn trong vấn đề quyền cai trị hoàn vũ. Trong đó cũng bao gồm một nhóm khá đông những thần linh phản nghịch khác, tức các ác thần (Khải 12:3, 4). Nhiều lần, các ác thần đã chứng tỏ sức mạnh phi thường của mình, gây ra biết bao đau khổ cho những người mà chúng hành hạ (Mat 8:28-32; Mác 5:1-5). Đừng bao giờ xem nhẹ quyền năng của những thiên sứ gian ác ấy cũng như quyền năng của “kẻ cai trị ác thần” (Mat 9:34). Nếu không có sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không bao giờ giành được thắng lợi trong cuộc chiến với Sa-tan.
SA-TAN LÀ KẺ ĐỘC ÁC
8. (a) Mục tiêu của Sa-tan là gì? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Theo quan sát cá nhân, bạn thấy thế gian này phản ánh tâm địa độc ác của Sa-tan như thế nào?
8 Sứ đồ Phi-e-rơ ví Sa-tan với “sư tử gầm rống”. Theo một tài liệu tham khảo, từ Hy Lạp được dịch là “gầm rống” ám chỉ đến “tiếng rú của một con thú đang trong cơn đói dữ dội”. Những lời này miêu tả thật đúng về tâm địa độc ác của Sa-tan! Dù cả thế gian đã nằm dưới quyền của hắn, nhưng Sa-tan vẫn khát mồi (1 Giăng 5:19). Đối với hắn, thế gian này dường như chỉ là “món khai vị”. Có thể nói Sa-tan đang nhắm vào “món chính” là những tín đồ được xức dầu còn sót lại, những người có bạn đồng hành là “các chiên khác” (Giăng 10:16; Khải 12:17). Sa-tan quyết tâm cắn nuốt dân của Đức Giê-hô-va. Những làn sóng bắt bớ các môn đồ của Chúa Giê-su mà Sa-tan gây ra kể từ thế kỷ thứ nhất cho đến nay là bằng chứng cho thấy tâm địa độc ác của hắn.
9, 10. (a) Sa-tan cố ngăn cản ý định của Đức Giê-hô-va đối với dân Y-sơ-ra-ên như thế nào? (Hãy cho ví dụ). (b) Tại sao Sa-tan có lý do đặc biệt để tập trung vào dân Y-sơ-ra-ên xưa? (c) Bạn nghĩ Kẻ Quỷ Quyệt cảm thấy thế nào khi một tôi tớ ngày nay của Đức Giê-hô-va phạm tội trọng?
9 Trong những lần ra sức ngăn cản ý định của Đức Chúa Trời, Sa-tan còn thể hiện rõ sự độc ác qua một cách khác nữa. Một con sư tử đói cồn cào sẽ không thương tiếc con mồi. Nó không mủi lòng trước khi cắn giết con mồi và sau đó cũng không cảm thấy dằn vặt. Tương tự, Sa-tan không mảy may thương xót những người mà hắn cố cắn nuốt. Hãy nghĩ xem trong số những lần dân Y-sơ-ra-ên phạm tội, chẳng hạn như vô luân và tham lam, thì có bao nhiêu lần Sa-tan hẳn đã ẩn núp gần đó. Khi đọc về những hậu quả đau buồn xảy đến với Xim-ri vì đã gian dâm và với Ghê-ha-xi vì tham lam, bạn có thể hình dung con sư tử gầm rống này đắc chí thế nào không?—Dân 25:6-8, 14, 15; 2 Vua 5:20-27.
10 Sa-tan có lý do đặc biệt để tập trung vào dân Y-sơ-ra-ên xưa. Suy cho cùng, dân tộc ấy sẽ sinh ra Đấng Mê-si, đấng sẽ giày đạp Sa-tan và biện minh cho quyền cai trị của Đức Giê-hô-va (Sáng 3:15). Sa-tan không muốn dân Y-sơ-ra-ên lớn mạnh. Hắn có dã tâm độc ác khi ra sức làm ô uế họ bằng tội lỗi. Đừng nghĩ rằng Sa-tan tiếc cho Đa-vít khi ông phạm tội ngoại tình, hoặc thông cảm với Môi-se khi nhà tiên tri không còn hội đủ điều kiện vào Đất Hứa. Ngược lại, Sa-tan chắc chắn rất hả dạ khi một tôi tớ của Đức Chúa Trời phạm tội trọng. Kẻ Quỷ Quyệt thậm chí còn dùng những chiến thắng như thế để sỉ nhục Đức Giê-hô-va.—Châm 27:11.
11. Tại sao Sa-tan nhắm vào Sa-ra?
11 Sa-tan có mối thù đặc biệt với dòng tộc sẽ sinh ra Đấng Mê-si. Chẳng hạn, hãy xem những gì xảy ra không lâu sau khi Áp-ra-ham được cho biết ông sẽ “nên một dân lớn” (Sáng 12:1-3). Khi Áp-ra-ham và Sa-ra ở Ai Cập, Pha-ra-ôn đưa Sa-ra vào cung vì muốn bà trở thành vợ của ông. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã can thiệp và giải cứu Sa-ra khỏi tình huống khó xử này. (Đọc Sáng-thế Ký 12:14-20). Không lâu trước khi Y-sác sinh ra, một tình huống tương tự cũng xảy ra ở Ghê-ra (Sáng 20:1-7). Sa-tan có đứng đằng sau những trường hợp này không? Liệu hắn có hy vọng rằng Sa-ra, người đã rời thành U-rơ phồn thịnh để cư ngụ trong lều, sẽ bị cám dỗ bởi cung điện xa hoa của Pha-ra-ôn và A-bi-mê-léc không? Sa-tan có nghĩ rằng Sa-ra sẽ phản bội chồng và Đức Giê-hô-va để bước vào một cuộc hôn nhân bất chính không? Kinh Thánh không cho biết, nhưng chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng Kẻ Quỷ Quyệt sẽ rất hả hê nếu Sa-ra không còn hội đủ điều kiện sinh ra dòng dõi được hứa trước. Sa-tan sẽ không cắn rứt lương tâm nếu hôn nhân, danh tiếng và vị thế tốt của một phụ nữ trước mắt Đức Giê-hô-va bị hủy hoại. Sa-tan quả là một kẻ vô cùng độc ác!
12, 13. (a) Sau khi Chúa Giê-su được sinh ra, Sa-tan cho thấy hắn hiểm độc như thế nào? (b) Theo bạn, Sa-tan cảm thấy thế nào về những người trẻ ngày nay yêu mến Đức Giê-hô-va và cố gắng phụng sự ngài?
12 Chúa Giê-su được sinh ra sau Áp-ra-ham nhiều thế kỷ. Đừng cho rằng Sa-tan nghĩ Giê-su là em bé dễ thương, đáng yêu hay quý giá. Hắn biết con trẻ này khi lớn lên sẽ trở thành Đấng Mê-si được hứa trước. Thật vậy, Chúa Giê-su là thành phần chính của dòng dõi Áp-ra-ham và là đấng sau này sẽ “phá tan công việc của Kẻ Quỷ Quyệt” (1 Giăng 3:8). Sa-tan có lập luận rằng lấy mạng sống của một em bé là hơi quá tay không? Hắn không có đạo lý cao thượng ấy. Đối với em bé Giê-su, Sa-tan hành động dứt khoát và không do dự. Như thế nào?
13 Vua Hê-rốt vô cùng tức giận khi các nhà chiêm tinh hỏi về “con trẻ được sinh ra để làm vua dân Do Thái”. Ông muốn giết bằng được em bé Giê-su (Mat 2:1-3, 13). Để không bỏ sót, ông ra lệnh giết tất cả các bé trai từ hai tuổi trở xuống ở Bết-lê-hem và những vùng lân cận. (Đọc Ma-thi-ơ 2:13-18). Chúa Giê-su đã thoát khỏi vụ thảm sát kinh hoàng đó, nhưng sự việc trên cho biết gì về kẻ thù của chúng ta là Sa-tan? Rõ ràng, sự sống của loài người không có giá trị gì đối với Kẻ Quỷ Quyệt, ngay cả trẻ em hắn cũng không hề thương xót. Sa-tan đúng là “sư tử gầm rống”. Đừng bao giờ xem nhẹ sự hiểm độc của hắn!
SA-TAN LÀ KẺ LỪA ĐẢO
14, 15. Sa-tan ‘làm mù tâm trí những người không tin đạo’ bằng cách nào?
14 Chỉ qua thủ đoạn lừa dối, Sa-tan mới có thể khiến con người quay lưng lại với Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời đầy yêu thương (1 Giăng 4:8). Sa-tan dùng chiêu này để khiến người ta không “nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời” (Mat 5:3). Hắn “làm mù tâm trí [những người không tin đạo], hầu cho sự chói sáng của tin mừng vinh hiển về Đấng Ki-tô, là hình ảnh của Đức Chúa Trời, không thể chiếu trên họ”.—2 Cô 4:4.
15 Một trong những cách phổ biến nhất mà Sa-tan dùng để lừa gạt người ta là tôn giáo sai lầm. Hắn vô cùng vui mừng khi thấy loài người thờ cúng tổ tiên, thờ thiên nhiên hoặc thú vật, tức thờ bất cứ người nào hay bất cứ điều gì thay vì Đức Giê-hô-va, ‘đấng đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc’! (Xuất 20:5, NW). Thậm chí nhiều người nghĩ rằng họ đang thờ phượng Đức Chúa Trời đúng cách, nhưng thật ra họ đang làm nô lệ cho những niềm tin sai lầm và các nghi lễ vô ích. Họ ở trong tình cảnh rất đáng thương, giống với những người mà Đức Giê-hô-va từng tha thiết nói: “Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công-lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no? Hãy chăm-chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon, và cho linh-hồn các ngươi vui-thích trong của béo”.—Ê-sai 55:2.
16, 17. (a) Tại sao Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ: “Hỡi Sa-tan, hãy tránh xa ta”? (b) Liên quan đến tinh thần cấp bách, Sa-tan có thể lừa dối chúng ta như thế nào?
16 Sa-tan thậm chí còn lừa được cả những tôi tớ sốt sắng của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, hãy xem điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su nói với các môn đồ rằng ngài sắp bị giết. Hẳn với động cơ tốt, sứ đồ Phi-e-rơ kéo riêng Chúa Giê-su ra và trách: “Sao Chúa lại nghĩ mình phải chịu khổ như vậy? Điều đó sẽ không xảy ra đâu”. Chúa Giê-su đáp lại Phi-e-rơ một cách kiên định: “Hỡi Sa-tan, hãy tránh xa ta!” (Mat 16:22, 23). Tại sao Chúa Giê-su lại gọi Phi-e-rơ là “Sa-tan”? Vì Chúa Giê-su biết điều gì sắp xảy ra. Sắp đến giờ ngài phải hy sinh làm giá chuộc và chứng tỏ Kẻ Quỷ Quyệt là kẻ nói dối. Đó là một thời điểm đặc biệt và mang tính quyết định của lịch sử nhân loại, nên không phải là lúc Chúa Giê-su dễ dãi với bản thân. Việc mất tinh thần cảnh giác chính là điều mà Sa-tan muốn nơi Chúa Giê-su.
17 Vì thế gian này gần đến ngày kết liễu nên chúng ta cũng đang sống trong thời kỳ đặc biệt. Sa-tan muốn chúng ta mất cảnh giác và dễ dãi với bản thân qua việc tìm chỗ đứng trong thế gian, từ đó mất tinh thần cấp bách. Đừng để điều đó xảy ra với bạn! Thay vì thế, “hãy luôn thức canh” (Mat 24:42). Đừng bao giờ tin vào lời tuyên truyền dối trá của Sa-tan là ngày kết liễu thế gian còn xa hoặc sẽ không bao giờ xảy ra.
18, 19. (a) Sa-tan có thể cố lừa dối chúng ta như thế nào trong cách chúng ta suy nghĩ về bản thân? (b) Đức Giê-hô-va giúp chúng ta ra sao để giữ mình tỉnh táo và luôn cảnh giác?
18 Sa-tan cố lừa dối chúng ta qua một cách khác nữa. Hắn muốn chúng ta tin rằng chúng ta không xứng đáng với tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và lỗi lầm của chúng ta không đáng được ngài tha thứ. Tất cả đều là luận điệu dối trá đến từ Sa-tan. Suy cho cùng, ai mới thật sự không xứng đáng với tình yêu thương của Đức Giê-hô-va? Đó là Sa-tan. Ai mới thật sự không đáng được tha thứ? Cũng chính là Sa-tan. Còn về phần chúng ta, Kinh Thánh đảm bảo: “Đức Chúa Trời chẳng phải là không công chính mà quên công việc và tình yêu thương anh em đã thể hiện đối với danh ngài” (Hê 6:10). Đức Giê-hô-va quý trọng nỗ lực của chúng ta để làm ngài vui lòng, và việc phụng sự của chúng ta chẳng phải là vô ích. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:58). Vì thế, chúng ta đừng để mình bị lừa bởi luận điệu dối trá của Sa-tan.
19 Như chúng ta vừa xem xét, Sa-tan là kẻ có quyền năng, độc ác và lừa đảo. Làm thế nào chúng ta có thể chiến thắng kẻ thù đáng sợ đó? Đức Giê-hô-va không bỏ mặc chúng ta. Lời ngài cho biết về những cách thức của Sa-tan, vì vậy “chẳng phải chúng ta không biết mưu kế của hắn” (2 Cô 2:11). Khi hiểu những chiến thuật của Sa-tan, chúng ta sẽ dễ dàng hơn để giữ mình tỉnh táo và tiếp tục cảnh giác. Nhưng chỉ biết mưu kế của Sa-tan thì chưa đủ. Kinh Thánh nói: “Hãy chống lại Kẻ Quỷ Quyệt, thì hắn sẽ lánh xa anh em” (Gia 4:7). Bài kế tiếp sẽ thảo luận về ba lĩnh vực mà chúng ta có thể chiến đấu với Sa-tan và giành chiến thắng.