Biết Đức Giê-hô-va qua lời của ngài
“Sự sống đời đời là nhìn-biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (GIĂNG 17:3).
1, 2. a) “Biết” và “sự hiểu biết” dùng trong Kinh-thánh có ý nghĩa nào? b) Các thí dụ nào làm rõ ý nghĩa này?
BIẾT một người như là người quen sơ hoặc có sự hiểu biết về một điều nào đó một cách nông cạn tức là không đạt trọn ý nghĩa của chữ “biết” hoặc “sự hiểu biết” theo cách dùng của Kinh-thánh. Trong Kinh-thánh chữ này có nghĩa là “sự hiểu biết qua kinh nghiệm”, một sự hiểu biết diễn tả “sự liên lạc tin cậy giữa người và người” (The New International Dictionary of New Testament Theology). Điều này bao gồm việc biết Đức Giê-hô-va nhờ chú ý đến các hành động đặc biệt của Ngài, như nhiều trường hợp trong sách Ê-xê-chi-ên khi Đức Chúa Trời phán xét những kẻ làm ác, Ngài tuyên bố: ‘Các ngươi sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va’ (Ê-xê-chi-ên 38:23).
2 “Biết” và “sự hiểu biết” được dùng trong nhiều cách, một vài thí dụ có thể làm rõ nghĩa những chữ này. Với nhiều người tự cho rằng họ đã hành động nhân danh Ngài, Giê-su nói: “Ta chẳng biết các ngươi bao giờ”; ngài muốn nói là ngài không bao giờ có gì dính dáng với họ (Ma-thi-ơ 7:23). II Cô-rinh-tô 5:21 nói rằng Đấng Christ “chẳng biết tội-lỗi”. Điều này không có nghĩa là ngài không có ý thức gì về tội lỗi nhưng đúng hơn, cá nhân ngài không hề dính líu gì đến tội lỗi. Cũng vậy, khi Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn-biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ là Đấng Cha đã sai đến”, việc này bao hàm nhiều điều hơn là chỉ biết cái gì đó về Đức Chúa Trời và đấng Christ. (So sánh Ma-thi-ơ 7:21).
3. Điều gì chứng tỏ Đức Giê-hô-va bày tỏ dấu hiệu của Đức Chúa Trời thật?
3 Lời của Đức Giê-hô-va là Kinh-thánh cho chúng ta biết nhiều đặc tính của Ngài. Một trong những đặc tính này là khả năng nói tiên tri một cách chính xác. Đây là dấu hiệu của Đức Chúa Trời thật: “Phải, hãy thuật lại đi! Hãy rao cho chúng ta đều sẽ xảy đến! Hãy tỏ ra những đều đã có lúc trước, cho chúng ta để ý nghiệm sự cuối-cùng nó là thế nào, hay là bảo cho chúng ta biết những sự hầu đến. Hãy rao những việc sẽ xảy đến sau nầy, cho chúng ta biết các ngươi là thần” (Ê-sai 41:22, 23). Trong Lời của Ngài, Đức Giê-hô-va nói những điều đầu tiên về sự sáng tạo trái đất và sự sống trên đất. Ngài nói trước từ lâu về những việc sẽ xảy ra sau này và các việc đó đã xảy ra thật. Và ngay bây giờ, Ngài cũng “bảo cho chúng ta biết những sự hầu đến”, nhất là những điều xảy ra trong những “ngày sau-rốt” này (II Ti-mô-thê 3:1-5, 13; Sáng-thế Ký 1:1-30; Ê-sai 53:1-12; Đa-ni-ên 8:3-12, 20-25; Ma-thi-ơ 24:3-21; Khải-huyền 6:1-8; 11:18).
4. Đức Giê-hô-va đã dùng quyền năng Ngài thế nào, và Ngài sẽ còn dùng nó thế nào?
4 Một đặc tính khác của Đức Giê-hô-va là quyền năng. Chúng ta thấy rõ điều này ở trên trời, các ngôi sao giống như những lò lửa lớn phát xuất ánh sáng và sức nóng. Khi loài người và các thiên sứ phản nghịch thách thức quyền thống trị của Đức Giê-hô-va, Ngài dùng quyền năng Ngài như “một chiến-sĩ” để bênh vực cho danh tiếng tốt và tiêu chuẩn công bình của Ngài. Trong những dịp đó, Ngài không ngần ngại tung ra quyền năng để tàn phá như là trong trận Nước Lụt thời Nô-ê, sự hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, và khi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi Biển Đỏ (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:3-7; Sáng-thế Ký 7:11, 12, 24; 19:24, 25). Chẳng bao lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ dùng quyền năng của Ngài để “giày-đạp quỉ Sa-tan dưới chơn anh em” (Rô-ma 16:20).
5. Song song với quyền năng, Đức Giê-hô-va cũng có đức tính nào?
5 Tuy nhiên, dù với quyền năng vô biên đó, Ngài có tính khiêm nhường. Thi-thiên 18:35, 36, (NW) nói: “Sự khiêm nhường Chúa đã làm tôi nên sang trọng. Chúa mở rộng đường dưới bước tôi”. Tính khiêm nhường của Đức Chúa Trời làm cho Ngài “hạ mình xuống đặng xem-xét trời và đất. Ngài nâng-đỡ người khốn-cùng lên khỏi bụi tro, cất kẻ thiếu-thốn khỏi đống phân” (Thi-thiên 113:6, 7).
6. Đức tính nào của Đức Giê-hô-va cứu mạng sống?
6 Trong cách đối xử với loài người, lòng thương xót của Đức Giê-hô-va cứu được mạng sống. Dù Ma-na-se phạm tội tàn bạo khủng khiếp, ông đã được tha thứ và lòng thương xót mà Đức Chúa Trời tỏ cho Ma-na-se thật quảng đại biết bao! Đức Giê-hô-va nói: “Khi ta nói cùng kẻ dữ rằng: Mầy chắc chết! Nếu kẻ dữ ấy xây-bỏ tội-lỗi mình, theo luật-pháp và hiệp với lẽ thật, chẳng có một tội nào nó đã phạm sẽ được nhớ lại nghịch cùng nó; nó đã làm theo luật-pháp và hiệp với lẽ thật, chắc nó sẽ sống” (Ê-xê-chi-ên 33:14, 16; II Sử-ký 33:1-6, 10-13). Giê-su phản ảnh Đức Giê-hô-va khi ngài khuyến khích tha thứ 77 lần, cả đến 7 lần trong một ngày! (Thi-thiên 103:8-14; Ma-thi-ơ 18:21, 22; Lu-ca 17:4).
Một Đức Chúa Trời có cảm giác
7. Đức Giê-hô-va khác với các thần Hy Lạp thế nào, và chúng ta được đặc ân quí giá nào?
7 Các triết gia Hy Lạp, như là những người theo thuyết E-pi-cua (Epicureans), tin tưởng nơi các thần, nhưng cho rằng các thần đó cách trái đất quá xa đến độ không chú ý gì đến loài người hoặc là không bị ảnh hưởng bởi cảm giác của loài người. Sự liên lạc giữa Đức Giê-hô-va và các Nhân-chứng trung thành của Ngài thật khác biệt biết bao! “Vì Đức Giê-hô-va đẹp lòng dân-sự Ngài” (Thi-thiên 149:4). Các kẻ ác trước thời Nước Lụt đã làm cho Ngài cảm thấy hối tiếc và “buồn-rầu trong lòng”. Sự bất trung của người Y-sơ-ra-ên làm cho Đức Giê-hô-va đau buồn. Các tín đồ đấng Christ không vâng lời có thể làm buồn thánh linh của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, họ có thể làm Ngài vui mừng bởi sự trung thành của họ. Khi nghĩ rằng loài người nhỏ bé trên đất này có thể làm cho Đấng Tạo hóa của vũ trụ cảm thấy đau buồn hoặc vui vẻ thật lạ lùng làm sao! Vì tất cả những điều mà Đức Chúa Trời làm cho chúng ta, thật là tuyệt diệu biết bao khi chúng ta có đặc ân quí giá làm cho Ngài vui lòng! (Sáng-thế Ký 6:6; Thi-thiên 78:40, 41; Châm-ngôn 27:11; Ê-sai 63:10; Ê-phê-sô 4:30).
8. Áp-ra-ham dùng sự nói năng dạn dĩ ra sao với Đức Giê-hô-va?
8 Lời Đức Chúa Trời cho thấy rằng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va cho chúng ta “nói năng dạn-dĩ” (I Giăng 4:17, NW). Hãy chú ý trường hợp của Áp-ra-ham khi Đức Giê-hô-va đến để tiêu diệt Sô-đôm. Áp-ra-ham nói với Đức Giê-hô-va: “Chúa sẽ diệt người công-bình luôn với người độc-ác sao? Ngộ trong thành có năm mươi người công bình, Chúa cũng sẽ diệt họ hết sao? Há chẳng tha-thứ cho thành đó vì cớ năm mươi người công-bình ở trong sao?... Không, Chúa chẳng làm đều như vậy bao giờ! Đấng đoán-xét toàn thế-gian, há lại không làm sự công-bình sao?” Thật là ông dám nói những lời đó với Đức Chúa Trời! Nhưng Đức Giê-hô-va đồng ý cứu thành Sô-đôm nếu có 50 người công bình ở trong đó. Áp-ra-ham tiếp tục nói và đưa con số từ 50 xuống đến 20. Ông cảm thấy lo sợ vì có lẽ ông đã đi quá trớn. Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, để cho tôi thưa chỉ một lần nầy nữa: Còn ngộ chỉ có mười người, thì nghĩ làm sao?” Lần nữa Đức Giê-hô-va nhượng bộ: “Ta cũng sẽ chẳng diệt thành đâu, vì tình thương mười người đó” (Sáng-thế Ký 18:23-33).
9. Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép Áp-ra-ham nói cách ông đã nói, và chúng ta có thể học được gì qua chuyện này?
9 Tại sao Đức Giê-hô-va đã cho phép Áp-ra-ham nói năng dạn dĩ như thế? Một là Đức Giê-hô-va biết Áp-ra-ham đang buồn rầu lo lắng. Ngài biết rằng cháu của Áp-ra-ham là Lót sống trong thành Sô-đôm, và Áp-ra-ham lo lắng về sự an toàn của Lót. Đồng thời Áp-ra-ham cũng là bạn của Đức Chúa Trời (Gia-cơ 2:23). Khi một người ăn nói cộc cằn với chúng ta, chúng ta có cố gắng tìm hiểu cái cảm giác ẩn trong lời nói và cố gắng nhân nhượng không, nhất là nếu đó là một người bạn đang bị áp lực tình cảm nào đó? Khi biết Đức Giê-hô-va hiểu sự nói năng dạn dĩ của chúng ta cũng như Ngài hiểu Áp-ra-ham thì đó chẳng phải là một điều an ủi hay sao?
10. Sự nói năng dạn dĩ giúp chúng ta thế nào trong sự cầu nguyện?
10 Nhất là khi chúng ta đến gần Ngài là “Đấng nghe lời cầu nguyện”, chúng ta mong muốn được nói năng dạn dĩ để bày tỏ nỗi lòng ra cho Ngài, khi chúng ta quá buồn nản và sầu não bối rối trong lòng (Thi-thiên 51:17; 65:2, 3). Ngay cả những lúc chúng ta không thể diễn tả bằng lời nói, “chính Đức Thánh-Linh lấy sự thở-than không thể nói ra được mà cầu-khẩn thay cho chúng ta”, và Đức Giê-hô-va sẽ nghe. Ngài có thể biết ý tưởng của chúng ta: “Từ xa Chúa hiểu-biết ý-tưởng tôi. Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi”. Dù vậy, chúng ta nên tiếp tục hỏi xin, tìm kiếm và gõ cửa (Rô-ma 8:26; Thi-thiên 139:2, 4; Ma-thi-ơ 7:7, 8).
11. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va thật sự chăm sóc chúng ta?
11 Đức Giê-hô-va hay chăm sóc. Ngài cung cấp cho muôn vật Ngài sáng tạo. “Con mắt muôn vật đều ngửa-trông Chúa, Chúa ban cho chúng đồ-ăn tùy theo thì. Chúa sè tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống” (Thi-thiên 145:15, 16). Chúng ta hãy xem cách Ngài nuôi sống chim trong bụi cây. Hãy xem hoa huệ ngoài đồng, Ngài cho chúng mặc đẹp thể nào. Giê-su thêm rằng Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc cho chúng ta nhiều hơn Ngài chăm sóc cho chúng. Vậy thì tại sao chúng ta cảm thấy lo lắng? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:10; Ma-thi-ơ 6:26-32; 10:29-31). I Phi-e-rơ 5:7 bảo chúng ta “hãy trao mọi đều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em”.
“Hình bóng của bổn thể Ngài”
12, 13. Ngoài việc thấy Đức Giê-hô-va qua sự sáng tạo và các hành động của Ngài ghi trong Kinh-thánh, chúng ta có thể thấy và nghe Ngài bằng cách nào khác?
12 Chúng ta có thể thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua sự sáng tạo của Ngài; chúng ta có thể thấy Ngài bằng cách đọc về những hành động của Ngài trong Kinh-thánh; chúng ta cũng có thể thấy Ngài qua các lời và hành động được ghi lại về Giê-su Christ. Chính Giê-su cũng đã nói như vậy nơi Giăng 12:45: “Còn ai thấy ta, là thấy Đấng đã sai ta đến”. Lần nữa, nơi Giăng 14:9 ngài nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”. Cô-lô-se 1:15 ghi: “[Giê-su] là hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được”. Hê-bơ-rơ 1:3 tuyên bố: “[Giê-su] là sự chói-sáng của sự vinh-hiển Đức Chúa Trời và hình-bóng của bổn-thể Ngài”.
13 Đức Giê-hô-va sai Con Ngài không phải chỉ để làm giá chuộc nhưng cũng để làm gương mẫu cho người khác noi theo, trong cả lời nói lẫn hành động. Giê-su nói lời của Đức Chúa Trời. Ngài nói nơi Giăng 12:50: “Những đều ta nói, thì nói theo như Cha ta đã dặn”. Ngài không làm theo ý riêng, nhưng làm những điều Đức Chúa Trời bảo ngài làm. Nơi Giăng 5:30 ngài nói: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì” (Giăng 6:38).
14. a) Quang cảnh nào làm cho Giê-su động lòng thương xót? b) Tại sao cách Giê-su nói khiến dân lũ lượt kéo đến nghe ngài?
14 Giê-su thấy những người bị cùi, tàn tật, điếc, mù, bị quỉ ám và những người đau buồn vì người chết. Ngài động lòng thương xót, nên chữa lành người bệnh và làm người chết sống lại. Ngài thấy đoàn dân đông khốn cùng và tan lạc vì không có ai dạy dỗ về thiêng liêng nên ngài bắt đầu dạy họ nhiều điều. Không những ngài dạy họ bằng những lời đúng, nhưng cũng bằng những lời hấp dẫn đến từ trong lòng ngài đi thẳng vào lòng của người khác, làm cho họ đến gần ngài, đưa họ sáng sớm đến đền thờ để nghe ngài, khiến cho họ theo sát ngài, nghe ngài với sự vui thích. Họ kéo đến nghe ngài, nói rằng ‘chẳng hề có người nào đã nói như người nầy’. Họ rất ngạc nhiên về cách dạy dỗ của ngài (Giăng 7:46; Ma-thi-ơ 7:28, 29; Mác 11:18; 12:37; Lu-ca 4:22; 19:48; 21:38). Khi các kẻ thù tìm cách đặt câu hỏi để gài bẫy ngài, ngài lật ngược tình thế, làm cho họ lặng im (Ma-thi-ơ 22:41-46; Mác 12:34; Lu-ca 20:40).
15. Đề tài chính trong sự rao giảng của Giê-su là gì, và ngài cho người khác truyền ra thêm đến độ nào?
15 Ngài rao giảng “Nước thiên-đàng đã đến gần” và giục người nghe phải ‘tìm-kiếm Nước Trời trước hết’. Ngài cũng sai những người khác rao giảng “nước thiên-đàng gần rồi” và “đi dạy-dỗ muôn dân”, làm chứng về đấng Christ “cho đến cùng trái đất”. Ngày nay, gần bốn triệu rưởi Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va bước theo dấu chân của Giê-su làm các việc ấy (Ma-thi-ơ 4:17; 6:33; 10:7; 28:19; Công-vụ các Sứ-đồ 1:8).
16. Đức tính yêu thương của Đức Giê-hô-va bị thử thách nghiêm trọng ra sao, nhưng đức tính này hoàn thành điều gì cho nhân loại?
16 I Giăng 4:8 nói với chúng ta: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Đức tính nổi bật này của Ngài đã bị thử thách đến tột cùng khi Ngài sai Con một của Ngài xuống trái đất để chết. Sự đau đớn cực độ mà Con yêu dấu này phải chịu và sự van xin mà ngài đã thốt lên cùng Cha trên trời chắc chắn đã làm Đức Giê-hô-va đau đớn bội phần, cho dù Giê-su đã chứng minh lời thách thức của Sa-tan là sai, hắn cho rằng không thể có người nào trên đất giữ vững lòng trung thành với Đức Giê-hô-va dưới sự thử thách nặng nề. Chúng ta cũng nên quí trọng tầm quan trọng của sự hy sinh của Giê-su vì Đức Chúa Trời sai ngài xuống đây để chết cho chúng ta (Giăng 3:16). Đây là một cái chết không dễ dàng và nhanh chóng. Để hiểu rõ sự hy sinh của Đức Chúa Trời và Giê-su và nhờ đó nhận biết mức lớn lao của lòng hy sinh của họ đối với chúng ta, chúng ta hãy xem xét sự tường thuật trong Kinh-thánh về các diễn biến xảy ra.
17-19. Giê-su miêu tả sự thử thách sắp đến như thế nào?
17 Ít nhất là bốn lần, Giê-su đã miêu tả cho các môn đồ ngài biết những gì sắp xảy ra. Chỉ vài ngày trước khi chuyện xảy ra, ngài nói: “Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, con người sẽ bị nộp cho các thầy tế-lễ cả cùng các thầy thông-giáo; họ sẽ định Ngài phải bị tử-hình, và giao Ngài cho dân ngoại. Người ta sẽ nhạo-báng Ngài, nhổ trên Ngài, đánh-đập Ngài mà giết đi; sau ba ngày, Ngài sẽ sống lại” (Mác 10:33, 34).
18 Giê-su cảm thấy áp lực của những gì sắp sửa xảy ra đè nặng tâm trí ngài, ngài hiểu sự đánh đập của người La Mã rất kinh khiếp. Các sợi dây da của roi dùng để quất có gắn những mẩu nhỏ bằng kim loại và xương cừu; khi tiếp tục quất, lưng và chân tét ra từng lằn đượm đầy máu. Nhiều tháng trước, Giê-su cho thấy sự căng thẳng nội tâm khi nghĩ đến cuộc thử thách trước mắt, ngài nói như ghi nơi Lu-ca 12:50: “Có một phép báp-têm mà ta phải chịu, ta đau-đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn-thành!”
19 Áp lực càng gia tăng khi thời điểm càng gần. Ngài nói về điều này với Cha trên trời: “Hiện nay tâm-thần ta bối-rối; ta sẽ nói gì?... Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy! Nhưng ấy cũng vì sự đó mà con đến giờ nầy!” (Giăng 12:27). Đức Giê-hô-va hẳn đã cảm thấy đau đớn biết bao về lời nài xin này của Con một của Ngài! Tại Ghết-sê-ma-nê, vài giờ trước khi chết, Giê-su đã buồn phiền vô cùng, ngài nói với Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng: “Linh-hồn ta buồn-bực cho đến chết”. Vài phút sau ngài cầu nguyện lần cuối với Đức Giê-hô-va về vấn đề này: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!... Trong cơn rất đau-thương, ngài cầu-nguyện càng thiết, mồ-hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Ma-thi-ơ 26:38; Lu-ca 22:42, 44). Hiện tượng này có thể là cái mà y khoa gọi là hematidrosis. Trường hợp này hiếm có nhưng có thể xảy ra khi bị xúc động mạnh.
20. Điều gì giúp Giê-su vượt qua thử thách?
20 Chỉ về lúc này tại Ghết-sê-ma-nê, Hê-bơ-rơ 5:7 nói: “Khi Đấng Christ còn trong xác-thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, mà vì lòng nhơn-đức Ngài, nên được nhậm lời”. Vì ngài không được cứu khỏi chết bởi “Đấng có quyền cứu mình khỏi chết”, thì lời cầu nguyện đã được nhậm trong ý nghĩa nào? Lu-ca 22:43 trả lời: “Có một thiên-sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài”. Lời cầu nguyện đã được nhậm khi Đức Chúa Trời sai một thiên sứ đến làm vững lòng Giê-su để chịu đựng sự thử thách.
21. a) Điều gì cho thấy Giê-su vượt qua thử thách trong chiến thắng? b) Khi sự thử thách của chúng ta tăng thêm, chúng ta muốn mình có thể nói thế nào sau này?
21 Điều này được thấy rõ qua kết quả. Khi sự dằng co trong nội tâm đã qua, Giê-su đứng dậy, trở về với Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng rồi nói: “Hãy chờ-dậy, đi” (Mác 14:42). Thật ra ngài nói: ‘Hãy để ta bị phản bội bằng một cái hôn, bị đám đông đến bắt và bị đem xử trái luật, bị kết án oan ức. Để ta bị chế nhạo, nhổ vào mặt, đánh đập và đóng đinh trên cây khổ hình’. Trong sáu tiếng đồng hồ ngài bị treo, bị đau đớn cùng cực, ngài đã bền chí cho đến cuối cùng. Lúc lâm chung, ngài cất tiếng kêu lớn vì chiến thắng: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). Ngài vẫn giữ lòng kiên trì và chứng tỏ lòng trung kiên trong việc ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. Mọi điều mà Đức Giê-hô-va đã sai ngài xuống thế gian để làm, ngài đã hoàn tất. Khi chúng ta chết hoặc khi Ha-ma-ghê-đôn đến, chúng ta có thể nào nói về chức vụ của chúng ta được Đức Giê-hô-va giao phó: “Mọi việc đã được trọn” không?
22. Điều gì cho thấy sự hiểu biết Đức Giê-hô-va được lan rộng?
22 Dù trong trường hợp nào, chúng ta có thể chắc chắn rằng vào thời điểm chóng đến của Đức Giê-hô-va, tất cả “thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển” (Ê-sai 11:9).
Bạn có nhớ không?
◻ Biết và có sự hiểu biết có nghĩa gì?
◻ Sự thương xót và tha thứ của Đức Giê-hô-va tỏ cho chúng ta qua lời Ngài thế nào?
◻ Áp-ra-ham dùng sự nói năng dạn dĩ thế nào với Đức Giê-hô-va?
◻ Tại sao chúng ta có thể nhìn Giê-su và thấy các đức tính của Đức Giê-hô-va ở trong ngài?