Chuẩn bị cho sự giải cứu để vào Thế Giới Mới
“Hãy nhớ lại vợ của Lót” (LU-CA 17:32).
1. Bài học hôm nay nêu rõ gương nào trong lịch sử về sự giải cứu của Đức Chúa Trời, và có thể giúp gì cho chúng ta?
SAU KHI nói về việc Đức Giê-hô-va giải cứu Nô-ê và gia đình cách kỳ diệu, sứ đồ Phi-e-rơ kể ra một gương khác trong lịch sử. Ông nhắc đến sự kiện người công bình Lót được toàn mạng khi các thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị đốt thành tro, như II Phi-e-rơ 2:6-8 kể lại. Các chi tiết về chuyện này được ghi lại vì lợi ích của chúng ta (Rô-ma 15:4). Khắc ghi vào lòng điều đã xảy ra liên quan đến sự giải cứu đó có thể giúp chúng ta hành động thích hợp hầu được toàn mạng bước vào thế giới mới của Đức Chúa Trời.
Chúng ta phản ứng thế nào trước lối sống của thế gian
2. Hành vi nào của dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã thúc đẩy Đức Chúa Trời hủy diệt chúng?
2 Tại sao các thành đó và dân cư ở trong đó đã bị hủy diệt? Sứ đồ Phi-e-rơ nói đến “cách ăn-ở luông-tuồng” (II Phi-e-rơ 2:7). Cách dùng chữ Hy-lạp trong thành ngữ “cách ăn-ở luông-tuồng” cho thấy dân cư thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ say mê làm điều ác đến độ rõ ràng biểu lộ thiếu sự kính trọng, ngay cả khinh thường luật pháp và uy quyền. Giu-đe 7 nói rằng chúng “buông theo sự dâm-dục [quá độ] và sắc lạ [tìm thú nhục dục phản tự nhiên]”. Hành vi thô bỉ của chúng lộ rõ khi những người nam thành Sô-đôm “từ trẻ đến già, tức cả dân” bao vây nhà Lót và đòi ông giao cho chúng những người khách để chúng thỏa mãn dục vọng loạn dâm. Khi Lót từ chối chìu theo sự đòi hỏi đê tiện của chúng thì chúng la lối hăm dọa ông (Sáng-thế Ký 13:13; 19:4, 5, 9).
3. a) Làm thế nào mà Lót và gia đình đến sống trong thành Sô-đôm thối nát đến thế? b) Lót có phản ứng gì trước hành vi luông tuồng của dân thành Sô-đôm?
3 Trước kia Lót đã dọn đến ở trong vùng gần thành Sô-đôm bởi vì vùng đất đó có vẻ phì nhiêu. Sau đó thì ông dọn vào ở hẳn trong thành (Sáng-thế Ký 13:8-12; 14:12; 19:21). Nhưng ông không đồng ý với các thực hành dâm dật của các người đàn ông trong thành, còn họ thì coi ông như người xa lạ, hiển nhiên bởi vì Lót và gia đình không sống theo tập tục của họ. Theo II Phi-e-rơ 2:7, 8, “Lót... quá lo vì cách ăn-ở luông-tuồng của bọn gian-tà kia, (vì người công-bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm-biết đau-xót trong lòng công-bình mình)”. Đối với Lót thì sống trong tình trạng đó là cả một thử thách gay go, bởi vì là người công bình, ông ghê tởm lối sống đó.
4. a) Tình trạng ngày nay giống như tình trạng trong thành Sô-đôm thời xưa ở những điểm nào? b) Nếu chúng ta giống người công bình Lót, chúng ta sẽ phản ứng thế nào trước những tình trạng thối nát hiện nay?
4 Ngày nay cũng thế, mức độ đạo đức của xã hội loài người đã suy đồi. Tại nhiều nước, càng ngày càng có nhiều người phạm tội tà dâm hoặc ngoại tình. Ngay cả nhiều người trẻ còn đi học cũng tiêm nhiễm nhiều lối sống này, và chúng chế giễu những ai không làm theo chúng. Những kẻ đồng tính luyến ái chường mặt ra cách lộ liễu và biểu tình ngoài đường phố nơi đô hội để đòi được người ta công nhận. Giới chức giáo phẩm cũng nhập bọn với chúng. Chính thức thì không có nhiều nhà thờ bổ nhiệm những kẻ đồng tính luyến ái và tà dâm làm tu sĩ. Nhưng thực tế thì báo chí thường tiết lộ rằng muốn phát giác những kẻ đồng tính luyến ái, tà dâm và ngoại tình trong hàng ngũ giới chức giáo phẩm thì quá dễ. Thật thế, một số lãnh tụ tôn giáo bị thuyên chuyển đi các thành phố khác hoặc miễn cưỡng từ chức vì đã dính líu đến chuyện trai gái nhục nhã. Những người yêu chuộng sự công bình không tỏ thiện cảm với sự gian ác thể ấy; họ “gớm sự dữ” (Rô-ma 12:9). Họ đặc biệt đau lòng khi thấy các hành vi bỉ ổi của những kẻ tự xưng hầu việc Đức Chúa Trời làm ô danh Ngài và khiến người ta chán ghét mà xa lánh mọi tôn giáo (Rô-ma 2:24).
5. Sự kiện Đức Giê-hô-va đã hủy diệt các thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ giúp chúng ta có thể trả lời cầu hỏi nào?
5 Tình trạng xấu thêm năm này sang năm khác. Sự việc đó sẽ chấm dứt hay không? Có, sẽ chấm dứt! Đức Giê-hô-va đã hủy diệt các thành cổ Sô-đôm và Gô-mô-rơ cho thấy rõ rằng đến kỳ đã định Ngài sẽ phán xét thế gian. Ngài sẽ tận diệt kẻ ác, nhưng Ngài sẽ giải cứu các tôi tớ trung thành của Ngài.
Ai hay điều gì quan trọng nhất trong đời?
6. a) Lời tường thuật về các thanh niên sắp sửa cưới các con gái của Lót dạy cho chúng ta bài học nào thời nay? b) Thái độ của các người con gái của Lót đối với những người chồng tương lai đã thử thách họ thế nào?
6 Chỉ có những người thể hiện sự tin kính thật sự mới được toàn mạng. Về điều này hãy xem các thiên sứ của Đức Giê-hô-va nói gì với Lót trước khi hủy diệt các thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. “Ngươi còn có ai tại đây nữa chăng? Rể, con trai, con gái và ai trong thành thuộc về ngươi, hãy đem ra khỏi hết đi! Chúng ta sẽ hủy diệt chỗ nầy”. Vậy Lót đi nói với các thanh niên sắp sửa cưới các con gái của ông. Ông hối thúc họ nhiều lần: “Hãy chổi-dậy, đi ra khỏi chốn nầy, vì Đức Giê-hô-va sẽ hủy-diệt thành”. Họ có cơ hội đặc biệt để được giải cứu nhờ có liên lạc với gia đình Lót, nhưng chính họ phải hành động. Họ đã phải chứng tỏ một cách rõ rệt là biết vâng lời Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, họ cho rằng Lót “nói chơi” (Sáng-thế Ký 19:12-14). Bạn có thể tưởng tượng hai người con gái của Lót cảm thấy gì khi biết sự việc đã xảy ra. Lòng trung thành của họ đối với Đức Chúa Trời đã bị thử thách.
7, 8. a) Khi các thiên sứ thúc giục Lót đưa gia đình chạy trốn, ông phản ứng thế nào, và tại sao làm thế là không khôn ngoan? b) Muốn được giải cứu, điều gì là tối cần thiết cho Lót và gia đình?
7 Rạng ngày hôm sau, thiên sứ giục Lót gắt lắm. Họ nói: “Hãy thức dậy, dẫn vợ và hai con gái ngươi đương ở đây ra, e khi ngươi cũng chết lây về việc hình-phạt của thành nữa chăng”. Nhưng “Lót lần-lữa”. Tại sao? Điều gì đã ngăn cản ông? Phải chăng vì các lợi lộc vật chất của ông tại Sô-đôm—điều mà trước kia lôi cuốn ông đến sống nơi này? Nếu ông cứ bám víu vào các vật đó, ông sẽ bị hủy diệt cùng với Sô-đôm.
8 Vì lòng thương xót, các thiên sứ nắm tay những người trong gia đình ông và giục họ mau ra khỏi thành. Khi họ ra khỏi thành rồi, thiên sứ của Đức Giê-hô-va ra lệnh: “Hãy chạy trốn cứu lấy mạng, đừng ngó lại sau và cũng đừng dừng bước lại nơi nào ngoài đồng bằng; hãy chạy trốn lên núi, kẻo phải bỏ mình chăng”. Lót vẫn còn do dự. Cuối cùng, sau khi được phép đi đến một nơi không xa mấy, ông và gia đình chạy trốn (Sáng-thế Ký 19:17-22). Không còn gì trì hoãn nữa; vâng lời là điều tối cần thiết.
9, 10. a) Tại sao việc vợ Lót đi chung với chồng không đủ để bảo đảm cho bà được cứu? b) Khi vợ Lót bị chết, Lót và hai người con gái gặp thêm thử thách nào khác nữa?
9 Tuy nhiên, sự giải cứu chưa hẳn là đầy đủ sau khi ra khỏi thành Sô-đôm. Sáng-thế Ký 19:23-25 nói: “Khi mặt trời mọc lên khỏi đất, thì Lót vào đến thành Xoa. Đoạn, Đức Giê-hô-va giáng mưa diêm-sanh và lửa từ nơi Ngài trên trời sa xuống Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy-diệt hai thành nầy, cả đồng bằng, hết thảy dân-sự cùng các cây cỏ ở nơi đất đó”. Nhưng vợ Lót đâu rồi?
10 Bà chạy trốn chung với chồng. Tuy nhiên, bà có hoàn toàn ưng thuận với việc chạy trốn của chồng không? Không có gì làm bằng chứng cho thấy bà tán thành sự tà dục của dân Sô-đôm. Nhưng bà có yêu mến Đức Chúa Trời nhiều hơn là quyến luyến nhà cửa và tài sản bỏ lại không? (So sánh Lu-ca 17:31, 32). Trong thử thách, điều kín nhiệm trong lòng bà hiện rõ ra. Dường như khi họ gần đến thành Xoa, có lẽ sắp sửa vào trong thành, thì bà cãi lời mà quay lại nhìn về phía sau. Và như Kinh-thánh nói, bà “hóa ra một tượng muối” (Sáng-thế Ký 19:26). Bấy giờ đối với Lót và hai người con gái lại là một thử thách khác về sự trung thành. Lót có quyến luyến vợ đã chết hoặc các người con gái có bịn rịn đối với mẹ đã chết nhiều hơn là yêu mến Đức Giê-hô-va là Đấng đã giáng tai họa đó không? Họ có tiếp tục vâng lời Đức Chúa Trời mặc dù một người rất thân cận với họ đã tỏ ra bất trung với Ngài không? Hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, họ không nhìn lại phía sau.
11. Chúng ta học được gì nơi đây qua sự giải cứu của Đức Giê-hô-va?
11 Đúng, Đức Giê-hô-va biết cách giải cứu những người tin kính ra khỏi sự thử thách. Ngài biết cách giải cứu toàn thể các gia đình nguyên vẹn hợp nhất trong sự thờ phượng tinh sạch; Ngài cũng biết cách giải cứu từng cá nhân. Khi họ thật lòng yêu mến Ngài, Ngài tỏ ra ưu ái nhiều đối với họ. “Ngài biết chúng tôi nắn lên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất” (Thi-thiên 103:13, 14). Nhưng Ngài chỉ giải cứu những người tin kính, thật sự tin kính, những người biết vâng lời để bày tỏ lòng trung thành.
Các sự chuẩn bị đầy yêu thương cho một cuộc giải cứu vĩ đại
12. Đức Giê-hô-va đã làm các sự chuẩn bị đầy yêu thương nào trước khi đem lại sự giải cứu mà chúng ta hằng nóng lòng mong mỏi?
12 Dù đã đoán phạt trong thời Nô-ê và Lót, Đức Giê-hô-va đã không loại bỏ vĩnh viễn hết mọi kẻ ác. Như Kinh-thánh nói, đó chỉ là một gương mẫu cho các sự sẽ đến. Trước khi hủy diệt hết mọi kẻ ác, Đức Giê-hô-va có ý định làm nhiều điều hơn nữa cho những người yêu mến Ngài. Ngài đã phái Con một của Ngài là Giê-su Christ xuống đất. Tại đây Giê-su đã bào chữa cho danh Đức Chúa Trời khỏi bị sỉ nhục bằng cách ngài bày tỏ loại tin kính mà đáng lý ra A-đam là người hoàn toàn đã phải và có thể dâng cho Đức Chúa Trời; nhưng Giê-su bày tỏ tin kính trong những hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều. Giê-su đã hy sinh sự sống làm người hoàn toàn hầu cho dòng dõi của A-đam nếu thực hành đức tin có thể nhận được điều mà A-đam đã mất. Rồi một “bầy nhỏ” những người trung thành đã được Đức Chúa Trời chọn để cùng đấng Christ cai trị trong Nước Trời, và một “đám đông” đã được thâu nhóm lại từ mọi nước để làm thành nền tảng cho một xã hội mới (Lu-ca 12:32; Khải-huyền 7:9). Khi xong mọi việc đó thì Đức Chúa Trời sẽ thi hành cuộc giải cứu vĩ đại được hình dung trước bởi các biến cố xảy ra thời Nước Lụt và sự hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ.
Tại sao cần hành động gấp bây giờ
13, 14. Sự kiện sứ đồ Phi-e-rơ nêu ra sự hủy diệt những kẻ không tin kính thời Lót và thời Nô-ê có thể dạy cho chúng ta điều gì?
13 Những người học hỏi Lời Đức Chúa Trời biết rằng Đức Giê-hô-va đã nhiều lần giải cứu các tôi tớ Ngài. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp Kinh-thánh không nói: “Trong thời đó thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy”. Tại sao sứ đồ Phi-e-rơ dưới sự soi dẫn của thánh linh chỉ đặc biệt nói đến hai trường hợp đó? Các biến cố thời Lót và thời Nô-ê khác những trường hợp khác ở chỗ nào?
14 Giu-đe 7 nói rõ rằng “thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cùng các thành lân-cận... đã chịu hình-phạt bằng lửa đời đời, làm gương để trước mặt chúng ta”. Đúng, những kẻ phạm tội nặng của các thành ấy bị hủy diệt đời đời, cũng như những kẻ ác sẽ bị hủy diệt đời đời trong sự kết liễu của hệ thống mọi sự hiện nay (Ma-thi-ơ 25:46). Các cuộc bàn luận về sự phán xét đời đời cũng nói đến trận Nước Lụt thời Nô-ê (II Phi-e-rơ 2:4, 5, 9-12; 3:5-7). Bởi vậy, Đức Giê-hô-va dùng sự hủy diệt giáng xuống những kẻ không tin kính thời Lót và Nô-ê để chứng tỏ Ngài sẽ giải cứu các tôi tớ của Ngài bằng cách hủy diệt đời đời những kẻ thực hành sự không công bình (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10).
15. a) Những kẻ thực hành sự gian ác nhận được lời cảnh giác khẩn cấp nào? b) Tại sao Đức Chúa Trời sẽ thực thi công lý và loại bỏ tất cả những kẻ cứ nhất định làm ác?
15 Sự hủy diệt kẻ ác không làm vui lòng Đức Giê-hô-va và cũng không làm vui lòng các tôi tớ của Ngài. Qua các Nhân-chứng của Ngài, Đức Giê-hô-va kêu gọi: “Các ngươi khá xây-bỏ, xây-bỏ đường-lối xấu của mình. Sao các ngươi muốn chết?” (Ê-xê-chi-ên 33:11). Nhưng khi người ta không tỏ ra muốn hưởng ứng chút nào lời kêu gọi đầy yêu thương của Ngài mà cứ tiếp tục lối sống ích kỷ của họ, Đức Giê-hô-va buộc lòng phải thực thi công lý vì tôn trọng danh thánh của Ngài và vì sự yêu thương đối với các tôi tớ của Ngài bị những kẻ không tin kính bạc đãi.
16. a) Tại sao chúng ta có thể tin cậy rằng sự giải cứu được báo trước rất gần đến? b) Sự giải cứu là ra khỏi cái gì và để bước vào cái gì?
16 Thời hạn Đức Chúa Trời ra tay giải cứu gần đến rồi! Các thái độ và biến cố mà Giê-su tiên tri như là điềm về sự hiện diện của ngài và về sự kết liễu hệ thống mọi sự nay đã thể hiện rõ ràng. Các đặc điểm của điềm đã bắt đầu hiện ra cách đây hơn 75 năm, và Giê-su nói “dòng-dõi” hay thế hệ này sẽ chẳng qua trước khi Đức Chúa Trời phán xét thế gian không tin kính này. Khi Đức Giê-hô-va xét thấy rằng thông điệp Nước Trời đã được rao giảng đầy đủ cho tất cả các dân cư trên đất để làm chứng cho mọi nước, thì sự cuối cùng của thế gian hung ác sẽ đến và đồng thời đó sẽ là sự giải cứu dành cho những người tin kính (Ma-thi-ơ 24:3-34; Lu-ca 21:28-33). Giải cứu ra khỏi gì? Khỏi các thử thách mà họ đã phải gánh chịu vì cớ những kẻ hung ác và khỏi các hoàn cảnh làm cho họ hằng ngày phải khổ tâm chỉ vì yêu chuộng sự công bình. Ngoài ra, họ cũng được giải cứu để bước vào một thế giới mới không còn bệnh tật và sự chết nữa.
Sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời nhằm dẫn đến sự giải cứu
17. a) Chúng ta nên tự đặt cầu hỏi nghiêm trọng nào? b) Chúng ta có thể chứng tỏ rõ thế nào rằng, giống như Nô-ê, chúng ta để cho sự “kính-sợ” thúc đẩy?
17 Câu hỏi mà chúng ta cần tự đặt ra là: “Tôi có sẵn sàng để được Đức Chúa Trời giải cứu không?” Nếu chúng ta tin cậy nơi chính mình hoặc nơi quan niệm riêng của chúng ta về sự công bình thì chúng ta chưa sẵn sàng. Nhưng nếu, giống như Nô-ê, chúng ta để cho sự “kính-sợ” thúc đẩy thì có nghĩa chúng ta có đức tin nơi sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, điều này sẽ đưa chúng ta đến sự giải cứu (Hê-bơ-rơ 11:7).
18. Tại sao học tôn trọng thần quyền là yếu tố quan trọng trong việc chuẩn bị để được giải cứu vào trong thế giới mới?
18 Thi-thiên 91:1, 2 miêu tả rất hay những người hiện đang vui hưởng sự che chở của Đức Giê-hô-va: “Người nào ở nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn-Năng. Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương-náu tôi, và là đồn-lũy tôi; cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin-cậy nơi Ngài”. Có một nhóm người được Đức Chúa Trời che chở giống như chim non được che nấp dưới cánh cha mẹ. Họ hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Họ nhìn nhận Ngài là Đấng Chí Cao, Đấng Toàn Năng. Do đó họ tôn trọng và tuân phục mệnh lệnh thần quyền, dù quyền đó đến từ cha mẹ hay từ “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Cá nhân chúng ta có được như nhóm đó không? Chúng ta có giống như Nô-ê, học “làm y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn” chúng ta và làm mọi việc theo cách của Ngài không? (Sáng-thế Ký 6:22). Nếu có, chúng ta đang để cho Đức Giê-hô-va chuẩn bị chúng ta để được giải cứu vào thế giới mới công bình của Ngài.
19. a) Lòng chúng ta là gì, và tại sao lưu ý đến lòng chúng ta là điều trọng yếu? (Châm-ngôn 4:23) b) Chúng ta nên bắt chước gương của Lót thế nào để phản ứng trước các cám dỗ của thế gian?
19 Sự chuẩn bị đó cũng bao gồm việc lưu ý đến lòng chúng ta. “Đức Giê-hô-va thử lòng của loài người” (Châm-ngôn 17:3). Ngài giúp chúng ta hiểu rằng bề ngoài của chúng ta không đáng kể, mà đúng ra thì bề trong hay lòng chúng ta mới đáng kể. Dù không thật sự gây ra sự hung bạo hoặc phạm phải tà dục như thế gian chung quanh, chúng ta cần phải đề phòng tránh bị những thứ đó cám dỗ hay làm cho ham thích. Giống như Lót, chúng ta nên cảm thấy đau buồn trong lòng vì cớ việc ác. Những người ghét sự ác thì không tìm cách làm ác; tuy nhiên những người không ghét sự ác có lẽ tự kềm chế không thật sự làm ác nhưng trong trí có thể mong ước được làm ác. “Hỡi những kẻ yêu-mến Đức Giê-hô-va, hãy ghét sự ác” (Thi-thiên 97:10).
20. a) Kinh-thánh cảnh cáo chúng ta thế nào chống lại một lối sống chạy theo vật chất? b) Làm sao chúng ta có thể nói nếu các bài học trọng yếu của Kinh-thánh về chủ nghĩa vật chất có ăn sâu vào lòng chúng ta hay không?
20 Đức Giê-hô-va đang lấy lòng yêu thương dạy chúng ta từ bỏ không chỉ hành vi vô luân nhưng cũng từ bỏ một lối sống chạy theo vật chất. Lời Ngài khuyên chúng ta “miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (I Ti-mô-thê 6:8). Nô-ê và các con đã phải bỏ nhà cửa để đi vào tàu. Lót và gia đình cũng đã phải rời bỏ nhà cửa và tài sản để được cứu sống. Chúng ta để lòng mình ở đâu? “Hãy nhớ lại vợ của Lót” (Lu-ca 17:32). Giê-su khuyên: “Nhưng trước hết, hãy [tiếp tục] tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33). Chúng ta có áp dụng lời khuyên này không? Nếu chúng ta để cho các tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta và trước tiên lo rao giảng tin mừng về Nước Trời, thì quả thật chúng ta đang để cho Đức Giê-hô-va chuẩn bị chúng ta để được giải cứu vào thế giới mới của Ngài.
21. Tại sao chúng ta có thể nhìn thấy trước là Đức Giê-hô-va sẽ sớm làm ứng nghiệm lời hứa giải cứu của Ngài?
21 Giê-su nói với những người tin kính sẽ thấy sự ứng nghiệm của điềm về sự ngài hiện diện trong quyền phép Nước Trời: “Hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên vì sự giải-cứu của các ngươi gần tới” (Lu-ca 21:28). Bạn có thấy điềm này ứng nghiệm trong mọi chi tiết không? Vậy hãy tin cậy rằng đây Đức Giê-hô-va sẽ sớm làm ứng nghiệm lời hứa giải cứu của Ngài! Hãy hoàn toàn tin rằng “Chúa biết [giải] cứu những người tin-kính khỏi cơn [thử thách]” (II Phi-e-rơ 2:9).
Bạn đã học được gì?
◻ Giống như Lót, chúng ta nên phản ứng thế nào trước lối sống của thế gian?
◻ Lót và gia đình gặp những thử thách nào ngay cả khi đang chạy trốn khỏi Sô-đôm?
◻ Các gương mà Phi-e-rơ dùng nhấn mạnh thế nào sự khẩn cấp phải cương quyết đứng về phía Đức Giê-hô-va ngay bây giờ?
◻ Khi chuẩn bị dân sự Ngài để được giải cứu, Đức Giê-hô-va dạy các bài học trọng yếu nào?
[Hình nơi trang 10]
Đức Chúa Trời che chở dân sự của Ngài giống che chở chim non dưới cánh mạnh mẽ