Tin cậy Đức Giê-hô-va hoàn thành ý định của Ngài
“Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời” (THI-THIÊN 37:29).
1. Ý định của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại và trái đất này là gì?
KHI Đức Giê-hô-va tạo ra thủy tổ của chúng ta là A-đam và Ê-va, Ngài đã tạo ra họ hoàn hảo. Và Ngài đã tạo ra họ như vậy để họ có thể sống đời đời trên trái đất này—nếu họ tuân theo các luật pháp của Ngài (Sáng-thế Ký 1:26, 27; 2:17). Hơn nữa, Đức Chúa Trời đã đặt họ trong một khung cảnh địa đàng (Sáng-thế Ký 2:8, 9). Đức Giê-hô-va nói với họ: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng” (Sáng-thế Ký 1:28). Do đó, con cháu họ cuối cùng sẽ phân tán đi khắp đất, và hành tinh này sẽ trở nên một vườn địa đàng đầy dẫy dòng giống loài người hoàn hảo, hạnh phúc. Gia đình nhân loại quả đã có một sự khởi đầu tốt đẹp thay! “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành” (Sáng-thế Ký 1:31).
2. Tình hình nhân sự khiến những câu hỏi nào nảy sinh?
2 Nhưng tình trạng sinh hoạt hàng ngàn năm qua của nhân loại thật không giống với ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời. Nhân loại đã lìa xa tình trạng hoàn toàn và hẳn đã không hạnh phúc. Tình trạng thế giới đang hồi sầu khổ, và như đã được tiên tri, người ta lâm vào tình trạng càng bi thảm hơn trong thời chúng ta (II Ti-mô-thê 3:1-5, 13). Vậy làm sao chúng ta có thể tin cậy rằng ý định Đức Chúa Trời dành cho nhân loại sẽ thành hiện thực trong tương lai gần? Phải chăng còn phải trải qua những giai đoạn dài hơn nữa với tình trạng càng ngày càng sầu khổ này?
Điều gì đã làm sai trật?
3. Tại sao Đức Giê-hô-va đã không chấm dứt tức khắc sự phản nghịch của nhân loại?
3 Những người có sự hiểu biết chính xác về Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời biết tại sao Đức Giê-hô-va đã để cho những tình trạng xấu này diễn ra trên đất. Họ cũng biết những gì Ngài sẽ làm vì cớ những tình trạng này. Qua lời tường thuật trong Kinh-thánh, họ học biết được rằng thủy tổ của nhân loại đã sử dụng sai quyền tự do lựa chọn kỳ diệu mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại. (So sánh I Phi-e-rơ 2:16). Họ đã chọn sai lối sống biệt lập với Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký đoạn 2 và 3). Sự phản nghịch của họ đã dấy lên những câu hỏi có tầm quan trọng bậc nhất, chẳng hạn như: Đấng Thống trị Hoàn vũ có quyền cai trị trên nhân loại không? Cách cai trị của Ngài có phải là cách tốt nhất cho họ không? Loài người có thể nào tự cai trị một cách mỹ mãn mà không cần đến sự giám sát của Đức Chúa Trời không? Cách chắc chắn nhất để trả lời những câu hỏi này là để cho nhân loại tự cai trị lấy qua nhiều thế kỷ. Thành quả chung cuộc sẽ cho thấy rõ không còn nghi ngờ gì nữa là loài người có thể thành công hay không khi lìa khỏi Đấng Tạo Hóa của họ.
4, 5. a) Hậu quả việc loài người từ bỏ sự cai trị của Đức Chúa Trời là gì? b) Thời gian trôi qua đã phơi bày thế nào sự thật không thể chối cãi?
4 Khi A-đam và Ê-va lìa bỏ Đức Chúa Trời, Ngài không còn trợ giúp họ trong sự hoàn toàn nữa. Không có sự trợ giúp của Ngài, họ đã bị suy thoái. Hậu quả là sự bất toàn, tuổi già và sau cùng là sự chết. Qua luật di truyền, thủy tổ của chúng ta đã truyền những đặc điểm tiêu cực ấy cho toàn thể con cháu họ, kể cả chúng ta (Rô-ma 5:12). Còn hậu quả của hàng ngàn năm cai trị của con người thì sao? Thật là thảm khốc, như Truyền-đạo 8:9 nói thật đúng: “Có khi người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai-hại cho người ấy”.
5 Thời gian trôi qua đã cho thấy một cách không thể chối cãi là khi loài người lìa bỏ Đấng Tạo Hóa thì không thể mưu sự đến chỗ thành công được. Người được soi dẫn viết Kinh-thánh là Giê-rê-mi tuyên bố: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5; Truyền-đạo 7:29).
Ý định Đức Chúa Trời đã không thay đổi
6, 7. a) Hàng ngàn năm lịch sử có làm thay đổi ý định của Đức Giê-hô-va không? b) Ý định của Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì?
6 Hàng ngàn năm lịch sử của nhân loại trôi qua với đầy dẫy gian ác và đau khổ có làm thay đổi ý định của Đức Chúa Trời không? Lời Ngài nói: “Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo-thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền-vững, chẳng phải dựng nên là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở” (Ê-sai 45:18). Vậy Đức Chúa Trời đã lập ra trái đất để cho nhân loại ở, và đó vẫn là ý định của Ngài.
7 Không những Đức Giê-hô-va đã tạo ra trái đất để cho dân ở, mà Ngài lại còn có ý định là trái đất trở thành một địa đàng để những người hạnh phúc và hoàn toàn vui hưởng nữa. Đó là lý do tại sao Kinh-thánh báo trước rằng sẽ có một “đất mới”, một xã hội loài người mới, là nơi có “sự công bình ngự trị” (II Phi-e-rơ 3:13, NW). Và nơi Khải-huyền 21:4, Lời Đức Chúa Trời nói với chúng ta rằng trong thế giới mới này, “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt [nhân loại], sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”. Chính vì những lý do ấy mà Chúa Giê-su đã có thể nói rằng thế giới mới sắp đến trên trái đất là “Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43).
8. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực thi ý định của Ngài?
8 Vì Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa toàn lực và toàn trí của vũ trụ, không ai có thể ngăn trở ý định của Ngài được. “Đức Giê-hô-va vạn-quân đã thề rằng: Chắc thật, sự ta đã định sẽ xảy đến, điều ta đã toan sẽ đứng vững” (Ê-sai 14:24). Vậy khi Đức Chúa Trời nói là Ngài sẽ làm cho trái đất này thành một vườn địa đàng cho dân cư hoàn toàn ở đó, thì sẽ xảy ra như vậy. Chúa Giê-su nói: “Phước cho những kẻ nhu-mì, vì sẽ hưởng được đất!” (Ma-thi-ơ 5:5; so sánh Thi-thiên 37:29). Chúng ta có thể trông cậy vào sự ứng nghiệm của lời hứa đó. Thật thế, chúng ta có thể thắt chặt đời sống chúng ta vào đó.
Họ tin cậy Đức Giê-hô-va
9. Áp-ra-ham đã làm gì cho thấy ông tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?
9 Trong suốt lịch sử, có nhiều người kính sợ Đức Chúa Trời đã thắt chặt đời sống của họ vào ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất bởi vì họ tin chắc rằng Ngài sẽ hoàn thành ý định đó. Dù sự hiểu biết của họ có giới hạn, nhưng họ tin cậy Đức Giê-hô-va và xây đắp đời sống họ trên việc làm theo ý muốn Ngài. Chẳng hạn, Áp-ra-ham là một người sống khoảng 2.000 năm trước thời Chúa Giê-su ở trên đất—rất lâu trước khi Kinh-thánh được viết ra. Ông tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ giữ lời hứa. Rất có thể là Áp-ra-ham đã học biết được về Đấng Tạo Hóa qua ông tổ trung thành là Sem, là người đã được Nô-ê dạy dỗ. Vậy khi Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham hãy dọn đi khỏi quê hương giàu có của ông ở U-rơ miền Canh-đê để đi đến vùng đất Ca-na-an xa lạ và đầy nguy hiểm, tộc trưởng biết mình có thể tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, và do đó ông đã ra đi (Hê-bơ-rơ 11:8). Cuối cùng, Đức Giê-hô-va nói với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn” (Sáng-thế Ký 12:2).
10, 11. Tại sao Áp-ra-ham đã sẵn lòng dâng con trai độc nhất của ông là Y-sác làm của-lễ hy sinh?
10 Điều gì đã xảy ra sau khi Áp-ra-ham sanh Y-sác? Đức Giê-hô-va chỉ cho Áp-ra-ham thấy rằng qua Y-sác, con cháu của ông sẽ thành ra một dân lớn (Sáng-thế Ký 21:12). Bởi vậy, sự tình có vẻ mâu thuẫn khi Đức Giê-hô-va bảo Áp-ra-ham hy sinh mạng sống của con trai ông là Y-sác, để thử đức tin của ông (Sáng-thế Ký 22:2). Nhưng lòng đầy tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Áp-ra-ham vâng lời hành động, đến độ thực sự cầm dao toan giết Y-sác. Vào phút chót, Đức Chúa Trời sai một thiên sứ đến dừng tay Áp-ra-ham (Sáng-thế Ký 22:9-14).
11 Tại sao Áp-ra-ham đã vâng lời đến thế? Hê-bơ-rơ 11:17-19 tiết lộ: “Bởi đức-tin, Áp-ra-ham đã dâng Y-sác trong khi bị thử-thách: người là kẻ đã nhận-lãnh lời hứa, dâng con một mình, là về con đó mà Đức Chúa Trời có phán rằng: Ấy bởi trong Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng-dõi lấy tên ngươi mà kêu. Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình”. Rô-ma 4:20, 21 cũng nói tương tự: “[Áp-ra-ham] chẳng có lưỡng-lự hoặc hồ-nghi về lời hứa của Đức Chúa Trời... vì tin-chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được”.
12. Đức tin của Áp-ra-ham đã được ban thưởng thế nào?
12 Đức tin của Áp-ra-ham đã được ban thưởng, không những qua việc Y-sác được toàn mạng và qua việc từ nơi ông đã ra “một dân lớn” mà còn qua một cách khác nữa. Đức Chúa Trời nói với Áp-ra-ham: “Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước” (Sáng-thế Ký 22:18). Thế nào? Vị Vua của Nước trên trời của Đức Chúa Trời sẽ đến từ gia tộc Áp-ra-ham. Nước ấy sẽ diệt sạch thế gian hung ác dưới quyền Sa-tan (Đa-ni-ên 2:44; Rô-ma 16:20; Khải-huyền 19:11-21). Rồi trên một trái đất đã được tẩy sạch dưới sự cai trị của Nước Trời, địa đàng sẽ được mở rộng toàn cầu, và trong “các dân thế-gian”, ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ được hưởng sức khỏe hoàn hảo và sự sống đời đời (I Giăng 2:15-17). Và dù Áp-ra-ham chỉ biết rất ít về Nước Trời, ông tin cậy nơi Đức Chúa Trời và trông mong cho Nước ấy được thành lập (Hê-bơ-rơ 11:10).
13, 14. Tại sao Gióp tin cậy Đức Chúa Trời?
13 Vài trăm năm sau, có Gióp, một người sống vào hậu bán thế kỷ 17 sang tiền bán thế kỷ 16 TCN tại vùng mà bây giờ là A-rập. Ông cũng sống trước thời Kinh-thánh được viết ra. Gióp “vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính-sợ Đức Chúa Trời, và lánh-khỏi điều ác” (Gióp 1:1). Khi Sa-tan gây ra một bệnh ghê tởm, đau đớn cho Gióp, con người trung thành ấy “không phạm tội bởi môi-miệng mình” trong suốt cuộc thử thách của ông (Gióp 2:10). Gióp tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Và dù không hề biết từng chi tiết về lý do tại sao ông chịu nhiều sự đau đớn dường ấy, ông vẫn gắn bó đời sống mình với Đức Chúa Trời và những lời hứa của Ngài.
14 Gióp biết dù ông có chết đi, một ngày nào đó Đức Chúa Trời có thể làm ông sống lại. Ông nêu ra hy vọng này khi nói với Giê-hô-va Đức Chúa Trời: “Ôi! Chớ gì Chúa giấu tôi nơi âm-phủ [Sheol, hay mồ mả]... định cho tôi một kỳ hẹn, đoạn nhớ lại tôi! Nếu loài người chết, có được sống lại chăng!... Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại” (Gióp 14:13-15). Mặc dù ở trong cơn đau đớn cùng cực, Gióp chứng tỏ đức tin nơi quyền thống trị của Đức Giê-hô-va, ông nói: “Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả-quyết rằng tôi trọn-vẹn” (Gióp 27:5).
15. Đa-vít bày tỏ lòng tin cậy của ông nơi ý định của Đức Giê-hô-va như thế nào?
15 Chừng sáu thế kỷ sau thời Gióp, và chừng một ngàn năm trước thời Chúa Giê-su xuống đất, Đa-vít bày tỏ lòng tin cậy của ông nơi một thế giới mới. Ông nói trong các bài Thi-thiên: “Kẻ nào trông-đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ-nghiệp. Một chút nữa kẻ ác không còn... Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật. Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”. Vì niềm hy vọng không lay chuyển này nên Đa-vít khuyên: “Cũng hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao-ước” (Thi-thiên 37:3, 4, 9-11, 29).
16. ‘Nhiều người chứng-kiến như đám mây rất lớn’ có hy vọng nào?
16 Trải qua nhiều thế kỷ, những người trung thành cả nam lẫn nữ cũng có cùng một niềm hy vọng này về sự sống đời đời trên đất. Thật thế, họ đã hợp thành ‘nhiều người chứng-kiến như đám mây rất lớn’, ràng buộc đời sống mình theo nghĩa đen vào những lời hứa của Đức Giê-hô-va. Nhiều người trong số những nhân chứng của Đức Giê-hô-va vào thời xa xưa ấy đã chịu tra tấn và bị giết vì đức tin của họ “để được sự sống lại tốt hơn”. Thế nào? Trong thế giới mới, Đức Chúa Trời sẽ thưởng cho họ sự sống lại tốt hơn và triển vọng sống đời đời (Giăng 5:28, 29; Hê-bơ-rơ 11:35; 12:1).
Các Nhân-chứng tín đồ đấng Christ tin cậy Đức Chúa Trời
17. Các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất đã tin cậy Đức Giê-hô-va một cách cương quyết đến độ nào?
17 Vào thế kỷ thứ nhất CN, Đức Giê-hô-va đã tiết lộ cho hội thánh tín đồ đấng Christ mới vừa được thành lập nhiều chi tiết hơn về Nước Trời và sự cai trị của Nước Trời trên đất. Thí dụ, thánh linh Ngài đã soi dẫn sứ đồ Giăng viết ra con số những người sẽ cộng tác với Chúa Giê-su Christ trong Nước ở trên trời: 144.000 người. Những người này sẽ phải là tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, và đã được “chuộc khỏi đất” (Khải-huyền 7:4; 14:1-4). Họ sẽ “[làm vua] trị-vì” với đấng Christ ở trên trời lấy trái đất làm lãnh thổ (Khải-huyền 20:4-6). Những tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất ấy đã cương quyết tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ hoàn thành ý định của Ngài đối với Nước trên trời và lãnh thổ của Nước ấy trên đất đến nỗi đã sẵn lòng từ bỏ mạng sống mình vì đức tin. Nhiều người trong họ đã thật sự hy sinh như vậy.
18. Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay noi gương các bậc tiền bối của họ như thế nào?
18 Ngày nay, gần năm triệu Nhân-chứng Giê-hô-va cũng có cùng một niềm tin cậy nơi Đức Chúa Trời giống như những bậc tiền bối của họ. Các Nhân-chứng thời nay cũng gắn chặt đời sống của họ vào các lời hứa của Đức Chúa Trời. Họ đã dâng đời sống cho Ngài và có trọn cuốn Kinh-thánh để củng cố đức tin (II Ti-mô-thê 3:14-17). Các Nhân-chứng tân thời này của Đức Giê-hô-va noi gương các môn đồ của Chúa Giê-su trong thế kỷ thứ nhất, họ đã tuyên bố là “thà phải vâng-lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng-lời người ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29). Trong thế kỷ này, nhiều Nhân-chứng tín đồ đấng Christ đã bị bắt bớ một cách tàn nhẫn, thậm chí một số người đã bị giết vì đức tin của họ. Những người khác thì chết vì bệnh tật, tai nạn hay tuổi già. Tuy nhiên, giống như các Nhân-chứng trung thành thời xưa, họ tin cậy Đức Chúa Trời vì biết rằng Ngài sẽ làm cho họ sống lại trong thế giới mới của Ngài (Giăng 5:28, 29; Công-vụ các Sứ-đồ 24:15; Khải-huyền 20:12, 13).
19, 20. Chúng ta nhìn nhận điều gì về lời tiên tri trong Kinh-thánh cho thời nay?
19 Nhân-chứng Giê-hô-va ý thức rằng việc họ xuất phát từ mọi nước để hợp thành một tập thể anh em toàn cầu đã được Kinh-thánh tiên tri từ lâu (Ê-sai 2:2-4; Khải-huyền 7:4, 9-17). Và Đức Giê-hô-va giao cho họ công việc rao giảng khắp thế giới để gom góp lại nhiều người khác có lòng thành vào nơi có ân huệ và sự che chở của Ngài (Châm-ngôn 18:10; Ma-thi-ơ 24:14; Rô-ma 10:13). Tất cả những người này đều đặt lòng tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va, biết rằng chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ khai trương một thế giới tuyệt diệu của Ngài. (So sánh I Cô-rinh-tô 15:58; Hê-bơ-rơ 6:10).
20 Những lời tiên tri của Kinh-thánh cho thấy rằng thế gian của Sa-tan đang ở trong những ngày sau rốt của nó tính đến nay đã hơn 80 năm, kể từ năm then chốt 1914. Thế gian này đang tiến đến hồi cáo chung (Rô-ma 16:20; II Cô-rinh-tô 4:4; II Ti-mô-thê 3:1-5). Do đó Nhân-chứng Giê-hô-va vững lòng tin cậy vì họ nhận thức rằng chẳng bao lâu nữa Nước của Đức Chúa Trời sẽ nắm trọn quyền kiểm soát các công việc của trái đất. Bằng cách kết liễu thế gian hung ác hiện nay và khai trương thế giới mới công bình của Ngài, Đức Chúa Trời sẽ hoàn toàn xóa bỏ tình trạng xấu xa hiện hữu trên đất kéo dài qua nhiều thế kỷ (Châm-ngôn 2:21, 22).
21. Tại sao chúng ta có thể vui mừng bất kể những sự phiền toái hiện tại?
21 Rồi Đức Chúa Trời sẽ tận tình chăm sóc chúng ta cho đến vô tận bằng cách rải ân phước xuống để bù đắp lại gấp nhiều lần những sự đau khổ mà chúng ta đã gánh chịu trong quá khứ. Quá nhiều điều tốt đẹp đến với chúng ta trong thế giới mới đến nỗi những phiền phức trước kia sẽ nhòa đi trong ký ức. Thật an ủi biết bao khi biết rằng lúc đó Đức Giê-hô-va sẽ “sè tay ra làm cho thỏa-nguyện mọi loài sống” (Thi-thiên 145:16; Ê-sai 65:17, 18).
22. Tại sao chúng ta nên đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?
22 Trong thế giới mới, nhân loại trung thành sẽ thấy câu Rô-ma 8:21 được ứng nghiệm: “Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”. Họ sẽ nhìn thấy sự ứng nghiệm lời cầu nguyện này mà Chúa Giê-su đã dạy cho các môn đồ ngài: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời” (Ma-thi-ơ 6:10). Vậy hãy đặt hết lòng tin cậy của bạn nơi Đức Giê-hô-va vì lời hứa không sai chạy của Ngài là: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời” (Thi-thiên 37:29).
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Ý định của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại và trái đất này là gì?
◻ Tại sao Đức Chúa Trời để cho những tình trạng xấu xa diễn ra trên đất?
◻ Những người trung thành thời xưa đã bày tỏ lòng tin cậy của họ nơi Đức Giê-hô-va như thế nào?
◻ Tại sao tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay tin cậy Đức Giê-hô-va?