Chương Tám
Đấng Tạo Hóa tiết lộ về Ngài—Vì lợi ích của chúng ta!
GIỮA tiếng sấm vang và chớp nhoáng, khoảng ba triệu người đứng trước hòn núi cao ngất trên Bán Đảo Si-na-i. Mây bao phủ Núi Si-na-i và đất rúng động. Trong hoàn cảnh đáng ghi nhớ này, Môi-se đã đưa dân Y-sơ-ra-ên xưa vào một mối liên lạc chính thức với Đấng Tạo Hóa của trời và đất (Xuất Ê-díp-tô Ký, chương 19; Ê-sai 45:18).
Tuy nhiên, tại sao Đấng Tạo Hóa của vũ trụ lại tỏ mình ra theo một cách đặc biệt cho một mình nước tương đối nhỏ như thế? Môi-se cho câu trả lời thông sáng như sau: “Ấy vì Đức Giê-hô-va thương-yêu các ngươi, và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ-phụ các ngươi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:6-8).
Lời nói này cho thấy Kinh-thánh chứa đựng rất nhiều tin tức, nhiều hơn là các dữ kiện về nguồn gốc của vũ trụ và sự sống trên trái đất. Kinh-thánh nói rất nhiều đến những giao dịch của Đấng Tạo Hóa với nhân loại—trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Kinh-thánh là cuốn sách được nhiều người trên thế giới nghiên cứu nhất và được lưu hành rộng rãi nhất, cho nên những ai coi trọng học vấn cần quen thuộc với nội dung của sách này. Chúng ta hãy xem xét tổng quát những gì chúng ta có thể thấy trong Kinh-thánh, chú trọng trước nhất đến phần thường được gọi là Cựu Ước. Làm như thế, chúng ta sẽ đạt được sự thông hiểu quý giá về cá tính của Đấng Tạo Hóa của vũ trụ và Tác giả của cuốn Kinh-thánh.
Trong Chương 6, “Một lịch sử xa xưa về sự sáng tạo—Bạn có thể tin cậy không?”, chúng ta thấy chỉ có sự tường thuật về sự sáng tạo trong Kinh-thánh mới chứa đựng những sự kiện về thủy tổ loài người—tức là cội nguồn của chúng ta. Sáng-thế Ký, cuốn sách đầu tiên của Kinh-thánh còn chứa đựng nhiều hơn nữa. Như những gì?
Thần thoại Hy Lạp và những thần thoại khác cũng tả một thời khi các thần và á thần giao dịch với loài người. Các nhà nhân chủng học cũng tường trình rằng trong khắp nhân gian, có rất nhiều chuyện cổ tích về trận nước lụt thời xưa hủy diệt phần lớn nhân loại. Bạn có thể có lý do để gạt đi những chuyện thần thoại như vậy. Tuy nhiên, bạn có biết là chỉ riêng sách Sáng-thế Ký mới tiết lộ những dữ kiện lịch sử căn bản mà sau này được phản ánh qua những chuyện thần thoại hoặc cổ tích đó không? (Sáng-thế Ký, chương 6, 7).a
Trong sách Sáng-thế Ký, bạn sẽ đọc thấy những người đàn ông và đàn bà—những người có thật mà chúng ta có thể thông cảm—những người biết Đấng Tạo Hóa hiện hữu và sống theo ý muốn của Ngài. Những người như Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp nằm trong số các “tổ-phụ” mà Môi-se nói đến thật đáng cho chúng ta tìm hiểu. Đấng Tạo Hóa biết Áp-ra-ham và gọi ông là “bạn ta” (Ê-sai 41:8; Sáng-thế Ký 18:18, 19). Tại sao? Đức Giê-hô-va đã quan sát và tin Áp-ra-ham là một người có đức tin (Hê-bơ-rơ 11:8-10, 17-19; Gia-cơ 2:23). Kinh nghiệm của Áp-ra-ham cho thấy Đức Chúa Trời rất dễ đến gần. Ngài có sức mạnh và năng lực đáng sợ, tuy thế, Ngài không phải chỉ là một lực vô tri hoặc lực sáng tạo. Ngài là một Đấng có thật mà con người như chúng ta có thể vun trồng một mối liên lạc cao cả, nhờ đó chúng ta được lợi ích lâu dài.
Đức Giê-hô-va hứa với Áp-ra-ham: “Các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước” (Sáng-thế Ký 22:18). Lời hứa này xây trên, hoặc nới rộng, lời hứa về “dòng-dõi” sẽ đến mà Ngài đã phán vào thời A-đam (Sáng-thế Ký 3:15). Đúng vậy, những gì Đức Giê-hô-va nói với Áp-ra-ham đã xác nhận hy vọng, theo đó, một người nào đó—tức là Dòng Dõi—sau này sẽ xuất hiện và nhờ ngài mà các dân được phước. Bạn sẽ thấy đây là chủ đề chính trong suốt quyển Kinh-thánh, và làm sáng tỏ Kinh-thánh không phải là bộ sưu tập những gì táp nham do loài người viết ra. Việc biết được chủ đề của Kinh-thánh sẽ giúp bạn ý thức là Đức Chúa Trời đã dùng một nước thời xưa—với mục đích ban phước cho mọi dân (Thi-thiên 147:19, 20).
Việc Đức Giê-hô-va có mục tiêu này khi giao dịch với dân Y-sơ-ra-ên cho thấy ‘Ngài chẳng hề vị-nể [thiên vị, NW] ai’ (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34; Ga-la-ti 3:14). Hơn nữa, trong khi Đức Chúa Trời chỉ giao dịch với con cháu của Áp-ra-ham thì người thuộc các dân khác cũng được mời đến phụng sự Đức Giê-hô-va (1 Các Vua 8:41-43). Đồng thời như chúng ta sẽ thấy sau này, nhờ sự không thiên vị của Đức Chúa Trời mà tất cả chúng ta ngày nay—bất kể quốc tịch hay gốc gác chủng tộc—đều có thể biết Ngài và làm đẹp lòng Ngài.
Chúng ta có thể học được nhiều từ lịch sử của quốc gia mà Đấng Tạo Hóa đã giao dịch trong nhiều thế kỷ. Chúng ta hãy chia lịch sử đó ra làm ba phần. Trong khi xem xét những phần này, chúng ta hãy để ý Đức Giê-hô-va đã làm tròn ý nghĩa danh của Ngài tức là “Đấng làm cho thành tựu” như thế nào, và cá tính của Ngài được biểu lộ qua các giao dịch với những người có thật như thế nào.
Phần Một—Một nước được Đấng Tạo Hóa cai trị
Con cháu của Áp-ra-ham trở thành nô lệ ở xứ Ê-díp-tô. Cuối cùng Đức Chúa Trời đã dấy Môi-se lên để giải thoát họ vào năm 1513 TCN. Khi dân Y-sơ-ra-ên trở thành một nước, Đức Chúa Trời là vua cai trị họ. Nhưng vào năm 1117 TCN, họ muốn vua của họ là người.
Diễn biến nào đưa tới việc dân Y-sơ-ra-ên ở với Môi-se tại Núi Si-na-i? Cuốn Sáng-thế Ký trong Kinh-thánh cho chúng ta biết diễn tiến sự việc. Trước đó, khi Gia-cốp (cũng gọi là Y-sơ-ra-ên) sống ở phía đông bắc xứ Ê-díp-tô thì một nạn đói xảy ra trong khắp thế giới được biết vào lúc đó. Vì lo lắng cho gia đình nên Gia-cốp mới tìm đến xứ Ê-díp-tô, nơi có dư dật thóc gạo tồn trữ, để kiếm thực phẩm. Ông khám phá ra rằng quan quản lý thực phẩm lại là Giô-sép, con trai ông, người con mà ông tưởng đã chết từ nhiều năm trước. Gia-cốp và gia đình dời tới Ê-díp-tô và được mời ở lại đó (Sáng-thế Ký 45:25–46:5; 47:5-12). Tuy nhiên, sau khi Giô-sép chết, một vua Pha-ra-ôn mới lên ngôi cưỡng bách con cháu của Gia-cốp làm nô lệ và “gây cho đời dân ấy nên cay-đắng, vì nỗi khổ-sở nhồi đất, làm gạch” (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:8-14). Bạn có thể đọc sự tường thuật sống động này và nhiều điều khác nữa trong cuốn thứ hai của Kinh-thánh là cuốn Xuất Ê-díp-tô Ký.
Qua nhiều thập niên, dân Y-sơ-ra-ên phải chịu sự đối xử hà khắc, và “tiếng kêu-van lên thấu Đức Chúa Trời”. Đường lối khôn ngoan là nhờ tới Đức Giê-hô-va. Ngài quan tâm đến con cháu của Áp-ra-ham và quyết tâm làm thành ý định của Ngài trong việc cung cấp một ân phước tương lai cho mọi dân. Đức Giê-hô-va ‘nghe tiếng than-thở của dân Y-sơ-ra-ên và nhận-biết cảnh ngộ của họ’. Điều này cho chúng ta thấy Đấng Tạo Hóa thông cảm với những người đang bị áp bức và khốn khổ (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:23-25). Ngài đã chọn Môi-se để đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh nô lệ. Nhưng khi Môi-se và anh của ông là A-rôn đến yêu cầu Pha-ra-ôn của xứ Ê-díp-tô để cho dân đang làm nô lệ ra đi, ông ta đã ngang tàng trả lời: “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:2).
Bạn có thể nào tưởng tượng Đấng Tạo Hóa của vũ trụ lẽ nào lại thụt lùi trước lời thách thức như thế dẫu cho đến từ một nhà cai trị của một cường quốc quân sự mạnh nhất vào thời đó không? Không, Đức Chúa Trời đã giáng cho Pha-ra-ôn và người Ê-díp-tô một chuỗi tai vạ. Cuối cùng, sau tai vạ thứ mười, Pha-ra-ôn mới đồng ý thả dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:29-32). Bởi thế, con cháu của Áp-ra-ham nhận biết Đức Giê-hô-va là một Đấng có thật—Đấng ban sự giải thoát vào kỳ Ngài định. Vâng, như ý nghĩa hàm chứa trong danh của Ngài, Đức Giê-hô-va, bằng một cách hữu hiệu, đã trở nên Đấng làm trọn lời hứa (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3). Nhưng cả Pha-ra-ôn lẫn dân Y-sơ-ra-ên còn phải học thêm về danh ấy nữa.
Điều này xảy ra vì không bao lâu sau đó, Pha-ra-ôn đổi ý. Ông điều động quân đội hối hả đuổi theo dân nô lệ đã dời đi và bắt kịp họ gần Biển Đỏ. Dân Y-sơ-ra-ên bị mắc kẹt giữa biển và quân đội Ê-díp-tô. Rồi Đức Giê-hô-va can thiệp bằng cách mở một con đường xuyên qua Biển Đỏ. Đáng lẽ Pha-ra-ôn phải nhận biết hành động ấy biểu dương quyền lực vô song của Đức Chúa Trời. Thay vì thế, ông lại liều lĩnh dẫn đạo binh của ông đuổi theo dân Y-sơ-ra-ên—để rồi bị chết đuối cùng với đạo binh của mình khi Đức Chúa Trời để biển trở lại vị trí bình thường. Sự tường thuật trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký không nói chính xác Ngài đã thực hiện những hành động vĩ đại này như thế nào. Những hành động đó có thể chính đáng được gọi là những phép lạ vì chính những biến cố đó và thời điểm xảy ra đều ngoài sự kiểm soát của con người. Chắc chắn những việc làm như thế không có gì quá khó đối với Đấng sáng tạo vũ trụ cùng các luật điều hành vũ trụ (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:1-31).
Biến cố này chứng minh cho dân Y-sơ-ra-ên—và cũng nên nhấn mạnh cho chúng ta—rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Cứu Rỗi. Ngài hành động xứng đáng với danh Ngài. Tuy nhiên, từ sự tường thuật này, chúng ta phải sáng suốt nhận ra các đường lối của Đức Chúa Trời rõ hơn. Chẳng hạn, Ngài đã thi hành công lý đối với quốc gia gây ra áp bức, trong khi Ngài bày tỏ sự nhân từ thương xót đối với dân sự của Ngài mà từ đó Dòng Dõi sẽ sinh ra. Liên quan đến Dòng Dõi này, những gì chúng ta đọc trong Xuất Ê-díp-tô Ký rõ ràng không chỉ là lịch sử cổ xưa nhưng có liên hệ đến ý định của Đức Chúa Trời nhằm ban phước cho toàn thể nhân loại.
Trên đường về Đất Hứa
Sau khi rời xứ Ê-díp-tô, Môi-se và dân sự băng qua sa mạc đến Núi Si-na-i. Những gì xảy ra tại núi này đã ảnh hưởng đến cách Đức Chúa Trời cư xử với dân tộc này trong nhiều thế kỷ tiếp sau đó. Ngài ban cho họ luật pháp. Dĩ nhiên, trước đó hằng hà sa số năm, Đấng Tạo Hóa đã lập ra những định luật chi phối các thiên thể vật chất trong vũ trụ mà tới ngày nay vẫn còn hiệu lực. Nhưng tại Núi Si-nai, Ngài đã dùng Môi-se để ban hành luật pháp quốc gia. Chúng ta có thể đọc những gì Đức Chúa Trời đã làm và bộ luật mà Ngài ban hành trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký và ba sách kế tiếp—Lê-vi Ký, Dân-số Ký, và Phục-Truyền Luật-Lệ Ký. Các học giả tin rằng Môi-se cũng viết sách Gióp nữa. Chúng ta sẽ xem xét một vài điểm quan trọng trong nội dung của sách này nơi Chương 10.
Thậm chí tới ngày nay, hàng triệu người trên thế giới biết đến và cố gắng sống theo Mười Điều Răn, những chỉ thị chính yếu về đạo đức của bộ luật toàn vẹn. Nhưng bộ luật đó còn chứa đựng rất nhiều sự chỉ dẫn tuyệt vời đáng thán phục khác. Không lạ gì khi thấy có nhiều luật lệ chi phối đời sống của dân Y-sơ-ra-ên vào thời đó như luật về vệ sinh, về sức khỏe và bệnh hoạn. Mặc dù được lập ra nhằm điều hướng một dân tộc vào thời xưa, nhưng các luật pháp ấy phản ánh sự hiểu biết về khoa học mà các chuyên viên mới chỉ khám phá ra trong khoảng thế kỷ vừa qua mà thôi (Lê-vi Ký 13:46, 52; 15:4-13; Dân-số Ký 19:11-20; Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:12, 13). Một người có thể chính đáng hỏi: Làm sao luật pháp của dân Y-sơ-ra-ên thời xưa lại phản ánh được sự hiểu biết và khôn ngoan vượt xa các dân cùng thời? Một câu trả lời hợp lý là những luật ấy đến từ Đấng Tạo Hóa.
Luật pháp cũng giúp bảo tồn gia phổ và đề ra những bổn phận về tôn giáo cho dân Y-sơ-ra-ên làm theo cho đến khi Dòng Dõi xuất hiện. Vì đồng ý làm theo tất cả những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi nên họ có trách nhiệm sống theo Luật Pháp đó (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:26; 30:17-20). Đành rằng họ không giữ được Luật Pháp cách hoàn hảo, nhưng ngay sự kiện này cũng nhằm một mục đích tốt. Một chuyên viên luật pháp sau này giải thích rằng Luật Pháp ‘đã [được] đặt thêm, vì cớ những sự phạm-phép, cho tới chừng nào người dòng-dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho’ (Ga-la-ti 3:19, 24). Bởi vậy, luật pháp đã khiến họ thành dân riêng biệt, nhắc nhở họ về việc họ cần đến Dòng Dõi, hay là đấng Mê-si, và chuẩn bị họ đón tiếp đấng ấy.
Dân Y-sơ-ra-ên nhóm tại Núi Si-na-i đồng ý vâng giữ Luật Pháp của Đức Chúa Trời. Vì thế, họ đặt mình dưới cái mà Kinh-thánh gọi là một giao ước hay là một thỏa ước. Đây là giao ước giữa nước đó với Đức Chúa Trời. Mặc dù chính họ muốn lập giao ước, họ đã tỏ ra là một dân cứng cổ. Chẳng hạn, họ đã đúc một con bò bằng vàng làm biểu tượng cho Đức Chúa Trời. Hành động này là một trọng tội vì việc thờ lạy hình tượng vi phạm trực tiếp Mười Điều Răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-6). Hơn nữa, họ phàn nàn về thức ăn mà Ngài cung cấp cho họ. Họ chống nghịch người lãnh đạo (Môi-se) do Đức Chúa Trời bổ nhiệm, và buông mình vào tình dục vô luân với đàn bà dân ngoại thờ lạy hình tượng. Nhưng tại sao chúng ta, những người sống quá xa thời của Môi-se, phải chú ý đến điều này?
Một lần nữa, điều này không phải chỉ là lịch sử xa xưa. Những sự tường thuật của Kinh-thánh về các hành động vô ơn của dân Y-sơ-ra-ên và sự đáp ứng của Đức Chúa Trời cho thấy Ngài thật sự quan tâm. Kinh-thánh nói rằng dân Y-sơ-ra-ên đã “không thôi” thử Đức Giê-hô-va, làm Ngài “cảm thấy tổn thương” và “đau lòng” (Thi-thiên 78:40, 41, NW). Do đó, chúng ta có thể tin chắc là Đấng Tạo Hóa có cảm xúc và Ngài quan tâm đến những gì con người làm.
Theo quan điểm loài người của chúng ta, một người có thể nghĩ rằng lỗi lầm của dân Y-sơ-ra-ên có thể đưa đến việc Đức Chúa Trời hủy bỏ giao ước và có lẽ chọn một nước khác để hoàn thành lời hứa của Ngài. Nhưng Ngài đã không làm như vậy. Thay vì thế, Ngài trừng phạt đích đáng những kẻ ngang nhiên vi phạm Luật Pháp nhưng mở rộng lòng thương xót đối với dân tộc khó trị nói chung này. Đúng vậy, Đức Chúa Trời tiếp tục trung tín với lời mà Ngài đã hứa với bạn trung thành của Ngài là Áp-ra-ham.
Chẳng bao lâu sau, dân Y-sơ-ra-ên vào đến xứ Ca-na-an mà Kinh-thánh gọi là Đất Hứa. Nơi đây có những dân mạnh mẽ chiếm ngụ và họ chìm đắm trong những thực hành suy đồi về luân lý. Đấng Tạo Hóa đã cho phép 400 năm trôi qua mà không can thiệp, nhưng bây giờ Ngài có lý do chính đáng để giao lại vùng đất ấy cho dân Y-sơ-ra-ên xưa. (Sáng-thế Ký 15:16; cũng xin xem “Một Đức Chúa Trời hay ghen—Theo nghĩa nào?”, trang 132-133). Để chuẩn bị vào Đất Hứa, Môi-se sai 12 người đi do thám. Mười người trong toán này tỏ ra thiếu đức tin nơi quyền lực giải cứu của Đức Giê-hô-va. Lời báo cáo của họ đã khiến dân sự lầm bầm chống lại Đức Chúa Trời và lập mưu trở lại xứ Ê-díp-tô. Hậu quả là Đức Chúa Trời phạt họ phải lang thang trong đồng vắng 40 năm (Dân-số Ký 14:1-4, 26-34).
Án phạt đó đạt được mục tiêu gì? Trước khi chết, Môi-se khuyên con cái Y-sơ-ra-ên nhớ lại những năm Đức Giê-hô-va đã hạ họ xuống. Môi-se nói với họ: “Vậy, khá nhận biết trong lòng rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sửa-phạt ngươi như một người sửa-phạt con mình vậy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:1-5). Bất kể những hành động xúc phạm đến Ngài, Đức Giê-hô-va vẫn nuôi dưỡng họ, và do đó cho thấy họ phải tùy thuộc vào Ngài. Chẳng hạn, họ sống là nhờ Ngài cung cấp ma-na, một thức ăn giống như bánh ngọt pha mật ong. Rõ ràng họ đã phải học được rất nhiều từ kinh nghiệm trong đồng vắng. Đáng lẽ qua kinh nghiệm ấy, họ phải thấy rõ được tầm quan trọng của việc vâng lời Đức Chúa Trời đầy thương xót của họ và nương nhờ nơi Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:13-16, 31; 34:6, 7).
Sau khi Môi-se chết, Đức Chúa Trời giao sứ mạng lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên cho Giô-suê. Người đàn ông trung thành và dũng cảm này đã đưa dân vào xứ Ca-na-an và can đảm bắt tay ngay vào việc chinh phục xứ đó. Nội trong một thời gian ngắn, Giô-suê đã đánh bại 31 vua và chiếm được phần lớn vùng Đất Hứa. Bạn có thể thấy thiên lịch sử hào hứng này trong sách Giô-suê.
Vua cai trị không phải là người
Trong suốt quãng hành trình trong đồng vắng và trong những năm đầu nơi vùng Đất Hứa, nước Y-sơ-ra-ên do Môi-se và sau đó do Giô-suê lãnh đạo. Dân Y-sơ-ra-ên không cần người nào làm vua vì Đức Giê-hô-va là Đấng Thống Trị của họ. Ngài sắp đặt việc bổ nhiệm trưởng lão để phân giải kiện tụng ở cửa thành. Họ duy trì trật tự và giúp đỡ dân chúng về thiêng liêng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:18; 21:18-20). Sách Ru-tơ cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua đầy thích thú về việc các trưởng lão đã dựa vào luật nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:7-9 để xử lý một vụ tranh tụng như thế nào.
Thời gian trôi qua, nước này thường làm phật lòng Đức Chúa Trời vì liên tiếp bất tuân và quay sang thờ các thần xứ Ca-na-an. Nhưng khi họ rơi vào tình trạng khốn khổ cùng cực và kêu cầu Đức Giê-hô-va giúp đỡ, Ngài lại nhớ đến họ. Ngài dấy lên các quan xét để giải thoát dân Y-sơ-ra-ên, cứu họ khỏi sự áp bức của các dân tộc láng giềng. Quyển sách mang tên Các Quan Xét trình bày sống động những công trạng của 12 trong số các quan xét can đảm này (Các Quan Xét 2:11-19; Nê-hê-mi 9:27).
Lịch sử ghi lại: “Đương lúc đó, không có vua trong Y-sơ-ra-ên; ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải” (Các Quan Xét 21:25). Quốc gia có những tiêu chuẩn ấn định trong Luật Pháp cho nên với sự giúp đỡ của các trưởng lão và sự chỉ dạy của các thầy tế lễ, dân sự có một cơ sở để ‘làm những gì là phải theo mắt mình’, và thấy an tâm trong việc này. Hơn nữa, bộ Luật Pháp có điều khoản nói về một đền tạm, hay một đền thờ di động, nơi người ta có thể dâng của-lễ. Sự thờ phượng thật tập trung nơi đây giúp quốc gia hợp nhất trong thời gian này.
Phần Hai—Sự thịnh vượng dưới triều các vua
Trong lúc Sa-mu-ên làm quan xét trong nước Y-sơ-ra-ên thì dân sự đòi để một người làm vua họ. Ba vị vua đầu tiên—Sau-lơ, Đa-vít và Sa-lô-môn—mỗi người cai trị 40 năm, từ năm 1117 đến năm 997 TCN. Nước Y-sơ-ra-ên đạt tới tột đỉnh của sự giàu có và vinh quang, và Đấng Tạo Hóa đã thực hiện những bước quan trọng trong việc chuẩn bị vương quyền cho Dòng Dõi sẽ đến.
Với tư cách là quan xét và nhà tiên tri, Sa-mu-ên đã chăm sóc chu đáo sự an toàn về thiêng liêng của dân Y-sơ-ra-ên, nhưng các con của ông thì không được như vậy. Cuối cùng dân sự đòi Sa-mu-ên: “Bây giờ, xin hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán-xét chúng tôi, y như các dân-tộc khác đã có rồi”. Đức Giê-hô-va giải thích cho Sa-mu-ên biết hàm ý trong đòi hỏi của họ: “Hãy nghe theo mọi lời dân-sự nói... ấy chẳng phải chúng nó từ-chối ngươi đâu, bèn là từ-chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai-trị chúng nó nữa”. Đức Giê-hô-va thấy trước những hậu quả tai hại của diễn biến này (1 Sa-mu-ên 8:1-9). Tuy nhiên, thể theo lời yêu cầu của họ, Ngài đã chỉ định một người khiêm tốn tên là Sau-lơ làm vua trên dân Y-sơ-ra-ên. Bất kể sự khởi đầu đầy hứa hẹn, sau khi lên ngôi vua, Sau-lơ biểu lộ khuynh hướng bướng bỉnh và vi phạm mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Nhà tiên tri của Đức Chúa Trời thông báo là ngôi vua sẽ được ban cho người mà Đức Giê-hô-va vừa ý. Điều này khiến chúng ta thấy rõ sự vâng lời từ trong lòng có giá trị là chừng nào đối với Đấng Tạo Hóa (1 Sa-mu-ên 15:22, 23).
Đa-vít, vị vua kế tiếp của nước Y-sơ-ra-ên, là con trai út trong một gia đình thuộc chi phái Giu-đa. Về sự lựa chọn bất ngờ này, Đức Chúa Trời nói với Sa-mu-ên: “Loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa-mu-ên 16:7). Việc Đấng Tạo Hóa nhìn vào con người bề trong của chúng ta chứ không nhìn vào bề ngoài chẳng phải là điều khích lệ hay sao? Dầu vậy, Sau-lơ theo ý riêng. Từ lúc Đức Giê-hô-va chọn Đa-vít làm vua tương lai, Sau-lơ bị ám ảnh—bị thôi thúc bởi ý tưởng diệt trừ Đa-vít. Đức Giê-hô-va không để cho điều đó xảy ra, và cuối cùng Sau-lơ và các con trai của ông bị tử trận trong khi tranh chiến với một dân gây chiến gọi là Phi-li-tin.
Đa-vít lên ngôi vua cai trị ở thành Hếp-rôn. Rồi ông chiếm thành Giê-ru-sa-lem và dời thủ đô về đó. Ông cũng mở rộng bờ cõi của Y-sơ-ra-ên cho đến tận biên giới lãnh thổ mà Đức Giê-hô-va đã hứa ban cho con cháu của Áp-ra-ham. Bạn có thể đọc lịch sử giai đoạn này (và lịch sử các vua sau đó) nơi sáu sách lịch sử trong Kinh-thánh.b Các sách lịch sử ấy tiết lộ là cuộc đời của Đa-vít cũng có đầy những vấn đề. Chẳng hạn vì chiều theo ham muốn của con người, ông đã phạm tội ngoại tình với nàng Bát-Sê-ba xinh đẹp và rồi phạm những điều sai trái khác trong khi tìm cách che đậy tội. Là Đức Chúa Trời chính trực, Đức Giê-hô-va không thể bỏ qua tội lỗi của Đa-vít. Nhưng vì Đa-vít chân thành ăn năn nên Đức Chúa Trời không đòi buộc áp dụng một cách cứng rắn hình phạt theo Luật Pháp; dù vậy, Đa-vít gặp nhiều khó khăn trong gia đình vì hậu quả của tội lỗi của ông.
Trải qua các cuộc khủng hoảng này, Đa-vít dần dần biết rõ hơn Đức Chúa Trời là một Đấng có thật—một Đấng có cảm xúc. Ông viết: “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu-khẩn Ngài... cũng nghe tiếng kêu cầu của họ” (Thi-thiên 145:18-20). Lòng thành thật và mộ mến của Đa-vít được bày tỏ rõ ràng qua các bài hát tuyệt vời do ông soạn chiếm gần một nửa sách Thi-thiên. Hàng triệu người tìm được an ủi và khích lệ từ các bài thơ này. Hãy xem xét thân tình của Đa-vít với Đức Chúa Trời như được phản ánh nơi Thi-thiên 139:1-4: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò-xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy. Từ xa Chúa hiểu-biết ý-tưởng tôi.... Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi”.
Đa-vít đặc biệt biết rõ quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 20:6; 28:9; 34:7, 9; 37:39). Mỗi lần nghiệm được, ông tin cậy Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Bạn có thể thấy bằng chứng về điều đó nơi Thi-thiên 30:5; 62:8; và Thi-thiên 103:9. Hoặc bạn có thể đọc Thi-thiên 51, một bài thơ Đa-vít viết sau khi được sửa trị vì phạm tội với Bát-Sê-ba. Thật thoải mái làm sao khi biết chúng ta có thể thố lộ lòng mình với Đấng Tạo Hóa và được bảo đảm là Ngài không kiêu kỳ nhưng khiêm nhường lắng nghe! (Thi-thiên 18:35; 69:33; 86:1-8). Không phải chỉ nhờ trải qua kinh nghiệm mà Đa-vít có lòng biết ơn như thế. Ông viết: “[Tôi] tưởng đến mọi việc Chúa đã làm, và suy-gẫm công-việc của tay Chúa” (Thi-thiên 63:6; 143:5).
Đức Giê-hô-va đã lập một giao ước đặc biệt với Đa-vít về một nước đời đời. Đa-vít có lẽ không hiểu trọn vẹn tầm quan trọng của giao ước đó, nhưng qua những chi tiết được ghi trong Kinh-thánh sau này, chúng ta có thể thấy là Đức Chúa Trời muốn cho biết Dòng Dõi đã hứa sẽ ra từ dòng tộc Đa-vít (2 Sa-mu-ên 7:16).
Sa-lô-môn, vị vua khôn ngoan, và ý nghĩa của đời sống
Sa-lô-môn, con trai của Đa-vít, nổi tiếng là khôn ngoan, và chúng ta có thể được lợi ích từ sự khôn ngoan của ông nhờ đọc sách Châm-ngôn và sách Truyền-đạo là những sách có giá trị hết sức thực tếc (1 Các Vua 10:23-25). Sách Truyền-đạo đặc biệt giúp ích cho những ai đang đi tìm ý nghĩa của cuộc sống như chính Sa-lô-môn, vị Vua khôn ngoan, đã làm. Là vua nước Y-sơ-ra-ên đầu tiên sinh ra từ dòng hoàng tộc, Sa-lô-môn có rất nhiều triển vọng trước mặt. Ông cũng đảm trách dự án xây cất vĩ đại; ông có đủ loại của ngon vật lạ trên bàn; ông vui hưởng âm nhạc và giao du với giới sang trọng. Tuy nhiên, ông viết: “Đoạn ta xem-xét các công-việc tay mình đã làm và sự lao-khổ mình đã chịu để làm nó; kìa, mọi điều đó là sự hư-không” (Truyền-đạo 2:3-9, 11). Sa-lô-môn đi đến kết luận gì?
Sa-lô-môn viết: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết này: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán-xét các công-việc, đến nỗi việc kín-nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy” (Truyền-đạo 12:13, 14). Phù hợp với điều đó, Sa-lô-môn đã tham dự vào dự án xây cất một đền thờ nguy nga kéo dài bảy năm để làm nơi cho dân chúng thờ phượng Đức Chúa Trời (1 Các Vua, chương 6).
Nhiều năm dưới triều đại Sa-lô-môn, nước được thái bình và thịnh vượng (1 Các Vua 4:20-25). Dù vậy, lòng của ông không chứng tỏ trọn vẹn với Đức Giê-hô-va như Đa-vít. Sa-lô-môn cưới nhiều vợ ngoại và để cho họ xoay lòng ông về các thần của họ. Cuối cùng Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ đoạt lấy nước khỏi ngươi... Vì cớ Đa-vít, đầy-tớ ta, và vì cớ Giê-ru-sa-lem mà ta đã chọn, ta sẽ để lại một chi-phái cho con trai ngươi” (1 Các Vua 11:4, 11-13).
Phần Ba—Vương quốc bị phân chia
Sau khi Sa-lô-môn chết vào năm 997 TCN, mười chi phái phía bắc ly khai và lập thành vương quốc Y-sơ-ra-ên. Vương quốc này bị A-si-ri chinh phục vào năm 740 TCN. Các vua ở Giê-ru-sa-lem chỉ cai trị có hai chi phái. Vương quốc Giu-đa này tồn tại cho đến khi Ba-by-lôn chinh phục thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN; và dân cư bị bắt đi làm phu tù. Giu-đa bị bỏ hoang trong 70 năm.
Sau khi Sa-lô-môn chết, con trai ông là Rô-bô-am lên nắm quyền và hà khắc đối với dân chúng. Điều này dẫn đến một cuộc nổi loạn và mười chi phái ly khai trở thành nước Y-sơ-ra-ên (1 Các Vua 12:1-4, 16-20). Qua nhiều năm, vương quốc phía bắc này không còn gắn bó với Đức Chúa Trời thật nữa. Dân chúng thường quỳ lạy trước hình tượng con bò bằng vàng hoặc rơi vào những hình thức thờ phượng giả khác. Một số vua bị ám sát và triều đại của họ bị lật đổ và bị tiếm đoạt. Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng kiên nhẫn lớn lao; Ngài không ngớt sai các tiên tri cảnh cáo cả nước về thảm họa chờ đón họ nếu họ cứ tiếp tục bội đạo. Sách Ô-sê và A-mốt do các tiên tri viết chứa đựng thông điệp dành riêng cho vương quốc phía bắc. Cuối cùng, vào năm 740 TCN, A-si-ri đã đem đến thảm họa như các tiên tri của Đức Chúa Trời đã nói trước.
Về phía nam, 19 vua lần lượt kế vị thuộc nhà Đa-vít cai trị trên Giu-đa cho tới năm 607 TCN. Các Vua A-sa, Giê-hô-sa-phát, Ê-xê-chia, và Giô-si-a cai trị giống như tổ phụ của họ là Đa-vít, và họ được ơn của Đức Giê-hô-va (1 Các Vua 15:9-11; 2 Các Vua 18:1-7; 22:1, 2; 2 Sử-ký 17:1-6). Dưới triều các vua này, Đức Giê-hô-va ban phước cho vương quốc. Sách The Englishman’s Critical and Expository Bible Cyclopædia ghi nhận: “Đặc điểm sáng chói của vương quốc Giu-đa là đền thờ, chức tế lễ, và luật pháp thành văn thảy đều do Đức Chúa Trời chỉ định, và sự công nhận Giê-hô-va Đức Chúa Trời có một và thật là vua thần quyền thật.... Sự trung thành với luật pháp sản xuất ra một loạt vua trong đó có nhiều vua tốt và khôn ngoan... Bởi vậy nước Giu-đa đã tồn tại lâu hơn là nước chị em phía bắc đông dân hơn”. Số vua thiện thật ít oi so với số vua không bước theo đường của Đa-vít. Dù vậy, Đức Giê-hô-va đã sắp xếp mọi sự việc để rồi ‘Đa-vít, tôi tớ của Ngài, hằng có một ngọn đèn trước mặt Ngài ở Giê-ru-sa-lem, thành mà chính Đức Chúa Trời đã chọn để đặt danh Ngài ở đó’ (1 Các Vua 11:36).
Đi đến chỗ hủy diệt
Ma-na-se là một trong các vua Giu-đa bỏ sự thờ phượng thật. “Người đưa con trai mình qua lửa, tập-tành phép thiên-văn và việc bói điềm; lập nên những đồng-cốt và thầy bói. Người làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va quá chừng, chọc giận Ngài hoài” (2 Các Vua 21:6, 16). Vua Ma-na-se quyến dụ dân sự “làm ác hơn các dân-tộc mà Đức Giê-hô-va đã hủy-diệt”. Sau khi liên tiếp cảnh cáo Ma-na-se và dân sự của ông, Đấng Tạo Hóa tuyên bố: “Ta sẽ xóa sạch Giê-ru-sa-lem như người ta chùi-rửa cái đĩa” (2 Sử-ký 33:9, 10; 2 Các Vua 21:10-13).
Như mở đầu, Đức Giê-hô-va để cho A-si-ri bắt Ma-na-se và xiềng ông vào cùm bằng đồng đem đi làm phu tù (2 Sử-ký 33:11). Nơi xứ lưu đày, Ma-na-se tỉnh ngộ và “hạ mình xuống lắm trước mặt Đức Chúa Trời của tổ-phụ người”. Đức Giê-hô-va phản ứng như thế nào? “[Đức Chúa Trời] dủ nghe lời nài-xin của người, dẫn người về Giê-ru-sa-lem trong nước người; khi ấy Ma-na-se nhìn biết Giê-hô-va là Đức Chúa Trời”. Vua Ma-na-se và cháu của ông là Vua Giô-si-a, cả hai thực hiện những cải cách cần thiết. Tuy vậy, quốc gia vẫn không từ bỏ vĩnh viễn sự suy đồi trên bình diện rộng lớn về tôn giáo và đạo đức (2 Sử-ký 33:1-20; 34:1–35:25; 2 Các Vua, chương 22).
Một điều đáng kể là Đức Giê-hô-va đã sai các tiên tri sốt sắng đi tuyên bố quan điểm của Ngài về những gì đang diễn ra.d Giê-rê-mi thuật lại lời của Đức Giê-hô-va: “Từ ngày tổ-phụ các ngươi ra khỏi đất Ê-díp-tô cho đến ngày nay, ta đã sai mọi đầy-tớ ta, tức các tiên-tri, đến cùng các ngươi; mỗi ngày ta dậy sớm sai họ đến”. Nhưng dân sự không nghe Đức Chúa Trời. Họ làm ác hơn tổ phụ của họ! (Giê-rê-mi 7:25, 26). Ngài không ngớt cảnh cáo họ “vì [Ngài] có lòng thương-xót dân-sự [của Ngài]”. Họ vẫn không chịu đáp ứng. Do đó, Ngài đã cho phép Ba-by-lôn phá hủy Giê-ru-sa-lem và làm cho xứ nên hoang vu vào năm 607 TCN. Xứ bị bỏ hoang trong 70 năm (2 Sử-ký 36:15, 16; Giê-rê-mi 25:4-11).
Việc ôn qua các hành động của Đức Chúa Trời nên giúp chúng ta nhận thức được sự quan tâm và cách cư xử chính trực của Đức Giê-hô-va đối với dân của Ngài. Ngài không rút lui và không ngồi chờ xem người ta làm gì, như thể Ngài lãnh đạm. Ngài tích cực cố giúp họ. Bạn có thể thông cảm tại sao Ê-sai nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va,... Ngài là Cha chúng tôi!... Chúng tôi thảy là việc của tay Ngài” (Ê-sai 64:8). Vì vậy ngày nay nhiều người nói đến Đấng Tạo Hóa như là “Cha” vì Ngài đáp lại như là một người cha có yêu thương và quan tâm. Tuy nhiên, Ngài cũng biết rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về đường lối riêng của chúng ta cùng hậu quả của nó.
Sau khi dân tộc trải qua thời kỳ 70 năm phu tù ở Ba-by-lôn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm thành lời tiên tri của Ngài về việc khôi phục Giê-ru-sa-lem. Dân sự được giải phóng và được phép trở về quê hương để ‘xây-cất lại đền-thờ của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem’ (E-xơ-ra 1:1-4; Ê-sai 44:24–45:7). Một số sách trong Kinh-thánhe nói về sự khôi phục này, công cuộc tái thiết đền thờ, hoặc những biến cố sau đó. Một trong các sách ấy, sách Đa-ni-ên, rất đặc sắc vì đã tiên tri một cách chính xác khi nào Dòng Dõi hoặc đấng Mê-si xuất hiện và cũng tiên tri về những diễn biến thế giới trong thời đại chúng ta.
Cuối cùng đền thờ được tái thiết, nhưng Giê-ru-sa-lem vẫn còn trong tình trạng thảm thương. Tường và cửa thành đổ nát. Vì vậy Đức Chúa Trời đã dấy lên những người như Nê-hê-mi để khích lệ và tổ chức lại người Do Thái. Một bài cầu nguyện mà chúng ta có thể đọc thấy nơi Nê-hê-mi chương 9 đã tóm lược đầy đủ các giao dịch của Đức Giê-hô-va với dân Y-sơ-ra-ên. Bài cầu nguyện cho thấy Đức Giê-hô-va là “một Đức Chúa Trời sẵn tha-thứ, hay làm ơn, và thương-xót, chậm nóng giận, và dư đầy nhân-từ”. Bài cầu nguyện cũng cho thấy Đức Giê-hô-va hành động phù hợp với tiêu chuẩn hoàn toàn về công lý của Ngài. Ngay cả khi có lý do chính đáng để dùng quyền năng thi hành án phạt, Ngài sẵn sàng dung hòa công lý với tình yêu thương. Ngài làm được điều này một cách thăng bằng và gây được sự khâm phục, hẳn Ngài rất khôn ngoan. Rõ ràng cách Đấng Tạo Hóa giao dịch với quốc gia Y-sơ-ra-ên nên khiến chúng ta đến với Ngài và thúc đẩy chúng ta làm theo ý muốn của Ngài.
Khi phần Kinh-thánh này (Cựu Ước) kết thúc thì vương quốc Giu-đa với đền thờ tại Giê-ru-sa-lem được phục hồi nhưng dưới sự cai trị của dân ngoại. Vậy làm thế nào giao ước của Đức Chúa Trời với Đa-vít về một “dòng-dõi” sẽ cai trị “đời đời” được thành tựu? (Thi-thiên 89:3, 4; 132:11, 12). Người Do Thái vẫn trông đợi sự xuất hiện của một “đấng Mê-si, vị Lãnh Đạo” là người sẽ giải thoát dân của Đức Chúa Trời và thiết lập một nước thần quyền (do Đức Chúa Trời cai trị) trên đất (Đa-ni-ên 9:24, 25, NW). Dù sao đó có phải là ý định của Đức Chúa Trời không? Nếu không phải thì đấng Mê-si sẽ đem lại sự giải thoát như thế nào? Và điều đó ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay ra sao? Chương tới sẽ xem xét những vấn đề quan trọng này.
[Chú thích]
a Tên các sách của Kinh-thánh được in đậm nhằm giúp nhận ra dễ dàng nội dung của sách đó.
b Đây là 1 Sa-mu-ên, 2 Sa-mu-ên, 1 Các Vua, 2 Các Vua, 1 Sử-ký và 2 Sử-ký.
c Ông cũng viết sách Nhã-ca, một bài thơ tình làm nổi bật lòng trung trinh của cô gái trẻ với chàng chăn chiên hèn mọn.
d Những thông điệp có tính cách tiên tri được soi dẫn như trên nằm trong một số sách trong Kinh-thánh như Ê-sai, Giê-rê-mi, Ca-thương, Ê-xê-chi-ên, Giô-ên, Mi-chê, Ha-ba-cúc, Sô-phô-ni. Còn các sách Áp-đia, Giô-na, và Na-hum chú trọng đến những dân tộc chung quanh mà các giao dịch của họ có ảnh hưởng đến dân sự của Đức Chúa Trời.
e Những sách lịch sử và tiên tri này gồm có E-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê, A-ghê, Xa-cha-ri, và Ma-la-chi.
[Khung nơi trang 126, 127]
Phép Lạ—Bạn Có Thể Tin Được Không?
“Một điều xem ra không hợp lý khi vừa chấp nhận kỹ thuật hiện đại như ánh sáng điện, vô tuyến điện và các tiến bộ y học đồng thời vừa tin vào thế giới thần linh và các phép lạ kể trong Tân Ước”. Lời phát biểu này của ông Rudolf Bultmann, nhà thần học người Đức, đã phản ánh cảm nghĩ của nhiều người ngày nay về phép lạ. Có phải đây cũng là cảm nghĩ của bạn về các phép lạ thuật lại trong Kinh-thánh, như phép lạ Đức Chúa Trời làm rẽ Biển Đỏ không?
Sách The Concise Oxford Dictionary định nghĩa “phép lạ” là “một biến cố kỳ diệu xảy ra nhờ một quyền lực siêu nhiên nào đó”. Một biến cố kỳ diệu như vậy hẳn phải liên hệ đến việc làm gián đoạn trật tự thiên nhiên và đây là lý do khiến nhiều người không muốn tin vào phép lạ. Tuy nhiên, điều dường như trái với luật thiên nhiên lại có thể được giải thích rõ ràng dưới ánh sáng của các luật thiên nhiên khác.
Để chứng minh, tạp chí New Scientist phúc trình là hai nhà vật lý học thuộc Đại Học Tokyo đã cho một từ trường cực mạnh tác dụng vào bề ngang một ống có đựng nước. Nước dạt về phía hai đầu ống, chừa lại phần giữa khô. Hiện tượng này được khám phá ra vào năm 1994 và sở dĩ có được vì nước là nghịch từ yếu ớt, bị nam châm đẩy. Nước chảy từ chỗ có từ trường rất mạnh đến chỗ từ trường yếu là một hiện tượng đã được kiểm chứng, được mang biệt danh là Hiệu Ứng Môi-se. Tạp chí New Scientist ghi nhận: “Đẩy nước đi đây đó không khó nếu bạn có một thỏi nam châm lớn đủ. Nếu bạn có thì hầu như bạn có thể làm gì cũng được”.
Dĩ nhiên, người ta không thể nói quả quyết Đức Chúa Trời đã dùng tiến trình nào khi Ngài phân rẽ Biển Đỏ cho dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng Đấng Tạo Hóa biết từng chi tiết về mọi luật thiên nhiên. Ngài có thể kiểm soát dễ dàng những khía cạnh nào đó của một định luật bằng cách dùng những luật thiên nhiên khác mà Ngài đã lập ra. Kết quả xem ra như phép lạ đối với con người, đặc biệt khi họ không hoàn toàn hiểu thấu được những định luật liên hệ.
Về các phép lạ trong Kinh-thánh, ông Akira Yamada, giáo sư danh dự thuộc viện Đại Học Kyoto, Nhật Bản, nói: “Mặc dù đúng khi nói không thể hiểu được [một phép lạ] ngay bây giờ theo quan điểm của khoa học chuyên ngành của mình (hoặc theo khoa học tân thời), nhưng thật là sai lầm khi kết luận rằng phép lạ không xảy ra chỉ vì căn cứ trên khoa vật lý hoặc khoa nghiên cứu Kinh-thánh tân tiến hiện đại. Mười năm nữa thì khoa học tân tiến hiện giờ sẽ chỉ còn là khoa học của quá khứ mà thôi. Khoa học càng tiến bộ lẹ bao nhiêu thì các nhà khoa học ngày nay càng có cơ trở thành trò cười lớn hơn bấy nhiêu; người ta sẽ nói những lời như ‘Các nhà khoa học cách đây mười năm cả tin như vậy, như vậy đó’ ”(Gods in the Age of Science).
Là Đấng Tạo Hóa có khả năng phối hợp mọi luật thiên nhiên, Đức Giê-hô-va có thể dùng quyền năng của Ngài để làm phép lạ.
[Khung nơi trang 132, 133]
Một Đức Chúa Trời hay ghen—Theo nghĩa nào?
“Đức Giê-hô-va, danh Ngài là hay Ghen, Ngài là một Đức Chúa Trời hay ghen”. Đây là lời bình luận chúng ta có thể đọc thấy nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 34:14 (NW), nhưng câu này có nghĩa gì?
Từ Hê-bơ-rơ dịch ra là “hay ghen” có thể có nghĩa là “đòi hỏi sự tôn sùng chuyên độc, không dung túng đối nghịch”. Theo nghĩa tích cực có lợi cho các tạo vật của Ngài, Đức Giê-hô-va ghen vì danh Ngài và sự thờ phượng dành cho Ngài (Ê-xê-chi-ên 39:25). Lòng sốt sắng của Ngài trong việc hoàn thành những gì mà danh Ngài chứng tỏ, có nghĩa là Ngài sẽ thực hiện ý định của Ngài đối với nhân loại.
Chẳng hạn, hãy xem xét án phạt của Ngài trên các dân tộc cư ngụ tại đất Ca-na-an. Một học giả diễn tả ghê rợn như sau: “Sự thờ phượng thần Ba-anh, Át-tạt-tê và các thần Ca-na-an khác gồm có những cuộc truy hoan xa hoa; các đền thờ của họ là những trung tâm thực hành đồi bại.... Dân Ca-na-an thờ phượng qua sự buông thả vô luân... và rồi giết con đầu lòng của họ để tế các thần đó”. Các nhà khảo cổ đã tìm được những lọ đựng hài cốt của những trẻ bị giết để tế thần. Mặc dù Đức Chúa Trời đã để ý đến việc làm sai trái của dân xứ Ca-na-an vào thời Áp-ra-ham, nhưng Ngài tỏ ra kiên nhẫn với họ đến 400 năm, cho phép họ có đủ thời giờ để sửa đổi (Sáng-thế Ký 15:16).
Dân Ca-na-an có ý thức được sự nghiêm trọng của hành vi sai trái của họ không? Thật vậy, họ được phú cho một lương tâm mà các luật gia đều công nhận như một căn bản phổ quát về đạo đức và công lý (Rô-ma 2:12-15). Bất kể khả năng ấy, dân Ca-na-an cứ tiếp tục những thực hành gớm ghiếc là giết con để tế thần và đắm mình trong tình dục trụy lạc.
Vì sự chính trực, Đức Giê-hô-va quyết định phải tẩy sạch đất. Đây không phải là sự diệt chủng. Người Ca-na-an, từng cá nhân như Ra-háp hay cả nhóm như người Ga-ba-ôn, vì tình nguyện chấp nhận tiêu chuẩn cao cả về luân lý của Đức Chúa Trời, đều đã được chừa ra (Giô-suê 6:25; 9:3-15). Ra-háp đã trở thành một mấu chốt trong dòng hoàng tộc của đấng Mê-si, và con cháu Ga-ba-ôn được đặc ân phụng sự tại đền thờ của Đức Giê-hô-va (Giô-suê 9:27; E-xơ-ra 8:20; Ma-thi-ơ 1:1, 5-16).
Như thế, khi bỏ công tìm hiểu để có hình ảnh đầy đủ và rõ ràng, dựa trên các sự kiện, chúng ta dễ dàng nhận ra Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời chính trực và đáng khâm phục. Ngài ghen chính đáng có lợi cho các tạo vật trung tín của Ngài.
[Hình nơi trang 123]
Đấng Tạo Hóa giải thoát dân của Ngài khỏi cảnh nô lệ và dùng họ để thực hiện ý định của Ngài
[Hình nơi trang 129]
Tại Núi Si-na-i, quốc gia Y-sơ-ra-ên thuở xưa lập giao ước với Đấng Tạo Hóa
[Hình nơi trang 130]
Nhờ giữ theo luật pháp vô song của Đấng Tạo Hóa, dân của Ngài vui hưởng Đất Hứa
[Hình nơi trang 136]
Bạn có thể tham quan khu vực phía nam tường thành Giê-ru-sa-lem, nơi Vua Đa-vít đặt kinh đô của ông