Một hôn lễ đem lợi ích cho hằng triệu người đang sống
“Chúa [Đức Giê-hô-va] là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn-năng, đã cầm quyền cai-trị. Chúng ta hãy... tôn-vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ ngài đã sửa-soạn” (KHẢI-HUYỀN 19:6, 7)
1. Bài ca chiến thắng có tính cách tiên tri ghi nơi Khải-huyền 19:6-8 sẽ hát lên khi nào, và tại sao?
NHỮNG LỜI xúc động này nằm trong một bài ca chiến thắng có tính cách tiên trị. Khi nào bài đó sẽ bắt đầu hát lên? Sau trận hủy diệt kẻ thù lâu đời của sự thờ phượng Đức Giê-hô-va—“Ba-by-lôn lớn”, “đại dâm-phụ” theo nghĩa bóng có nghĩa tất cả các tôn giáo giả. Phải thi hành sự phán xét trên nó vì nó đã trình bày Đức Chúa Trời cách sai lầm. Nó đã lừa dối nhân loại là dường nào bằng cách dính líu đến chính trị, tham lam của cải vật chất và căm thù những người thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va! (Khải-huyền 17:1-6; 18:23, 24; 19:1, 2; Gia-cơ 4:4).
2. a) Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt Ba-by-lôn Lớn bằng cách nào? b) Thay vì ngợi khen Đức Giê-hô-va, những kẻ hủy diệt tôn giáo giả sẽ làm gì?
2 Ít lâu nữa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ đặt vào lòng các lãnh tụ chính trị ý tưởng hủy diệt nó (Khải-huyền 17:12, 16, 17). Nhưng các kẻ hủy diệt tôn giáo giả sẽ không hòa ca bài hát chiến thắng hùng tráng. Thay vì thế, dưới ảnh hưởng của Sa-tan, cũng gọi là Gót, chúng sẽ tấn công những người thực hành sự thờ phượng thật, những người sống yên ổn và xa lánh những điều ác của thế gian này (Ê-sai 2:2-4; Ê-xê-chi-ên 38:2, 8-12; Giăng 17:14; Gia-cơ 1:27).
3. Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va sống trên đất có những lý do nào để hòa tiếng hát cùng với các tiếng ca trên trời?
3 Cuộc tấn công khiêu khích Đức Chúa Trời này do các nhà cầm quyền chính trị sẽ đưa đến trận giặc Ha-ma-ghê-đôn, kết liễu bằng sự hủy diệt giáng xuống các nước chống lại tôn giáo. Kế đến thì ảnh hưởng ác độc của Sa-tan và các quỉ sứ hắn sẽ bị loại khỏi trái đất (Khải-huyền 16:14, 16; 19:11-21; 20:1, 2). Lòng tràn đầy sự biết ơn, tất cả những người sống sót sẽ hòa tiếng hát cùng với các tiếng ca trên trời: “A-lê-lu-gia! Vì Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn-năng, đã cầm quyền cai-trị” (Khải-huyền 19:6). Thật thế, các biến cố gây chấn động trên thế giới sẽ là dấu hiệu bắt đầu một thời đại mới. Đức Giê-hô-va sẽ chứng minh quyền bá chủ của Ngài là chính đáng và loại bỏ khỏi trái đất tất cả những kẻ thách đố sự cai trị của Ngài. Cuối cùng sẽ đến lúc cử hành hôn lễ trên trời. Bài ca chiến thắng có ý nghĩa tiên tri tiếp tục: “Chúng ta hãy hớn-hở vui-mừng, tôn-vinh [Đức Giê-hô-va]; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ ngài đã sửa-soạn” (Khải-huyền 19:7, 8).
4. a) Chiên Con và “vợ” ngài tượng trưng cho ai? b) Các câu hỏi nào được đặt ra nơi đây, và làm sao chúng ta có thể tìm ra lời giải đáp?
4 Chiên Con đây không ai khác hơn là Giê-su Christ được vinh hiển, và “vợ” ngài là toàn thể số 144.000 môn đồ trung thành được xức dầu lúc bấy giờ đã đoàn tụ với ngài trên trời. Hết thảy những người trong lễ cưới trên trời này hợp thành toàn bộ các thành viên Nước Đức Chúa Trời, sẽ nâng nhân loại, kể cả những người chết sống lại, trở nên những người hoàn toàn (Khải-huyền 5:8-10; 14:1-4; 20:4, 12, 13; 21:3-5, 9, 10; 22:1-3). Các biến cố đưa đến hôn lễ được ban phước đó sẽ thành công không? Làm sao bạn có thể hưởng những lợi ích do hôn lễ đó? Để tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét các biến cố dính liền với hôn lễ của Y-sác, như được ghi nơi Sáng-thế Ký đoạn 24.
Nàng dâu do Đức Chúa Trời chọn cho Y-sác
5, 6. Tại sao Áp-ra-ham cương quyết không để cho Y-sác cưới một đàn bà nào thuộc dân Ca-na-an, và đây là sự hướng dẫn tốt cho ai ngày nay? (I Cô-rinh-tô 7:39).
5 Sự tường thuật bắt đầu với việc Áp-ra-ham chỉ thị cho người quản gia, hiển nhiên đó là Ê-li-ê-se (Sáng-thế Ký 15:2; 24:2). Áp-ra-ham nói: “Ta sẽ biểu ngươi chỉ Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của trời và đất, mà thề rằng: ngươi không cưới một cô nào trong bọn con gái của dân Ca-na-an, tức giữa dân ấy ta trú-ngụ, làm vợ cho Y-sác, con trai ta” (Sáng-thế Ký 24:3, 4).
6 Tại sao Áp-ra-ham cương quyết như thế, không để cho con trai ông cưới một đàn bà nào thuộc dân Ca-na-an? Bởi vì dân Ca-na-an là con cháu của Ca-na-an, kẻ từng bị Nô-ê rủa sả (Sáng-thế Ký 9:25). Hơn nữa, dân Ca-na-an nổi tiếng về những thực hành tồi bại và, quan trọng hơn hết, họ không thờ phượng Đức Giê-hô-va (Sáng-thế Ký 13:13; Lê-vi Ký 18:3, 17-28). Dễ hiểu là Áp-ra-ham muốn con trai ông cưới một đàn bà trong dòng họ, con cháu của Sem là người nhận được sự ban phước của Nô-ê dưới sự soi dẫn [của Đức Chúa Trời] (Sáng-thế Ký 9:26). Thật là một sự hướng dẫn tốt thay cho các tín đồ đấng Christ muốn lập gia đình thời nay! (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4).
7. Áp-ra-ham đã sửa soạn trước thế nào cho Ê-li-ê-se nhận lãnh nhiệm vụ?
7 Vậy Ê-li-ê-se lên đường vượt qua hơn 500 dặm (hơn 800 cây số) đi đến Mê-sô-bô-ta-mi (Lưỡng hà châu). Ông đem đi nhiều của cải, tặng vật, chất đầy trên lưng mười con lạc đà (Sáng-thế Ký 24:10). Ngoài ra, ông đã có thể ngẫm nghĩ về những lời của chủ khiến đức tin của ông vững thêm: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời trên trời... sẽ sai thiên-sứ đi trước ngươi, và nơi đó ngươi hãy cưới một vợ cho con trai ta” (Sáng-thế Ký 24:7).
8, 9. a) Điều gì xảy ra khi Ê-li-ê-se tới thành Na-cô? b) Nhờ cuộc trắc nghiệm nào mới chọn được một nàng dâu xứng hợp?
8 Cuối cùng, ông tới thành Na-cô ở miền bắc Mê-sô-bô-ta-mi. Ê-li-ê-se cho đoàn lạc đà nằm xuống nghỉ mệt bên cạnh một cái giếng ngoài thành. Đó là giờ thường ngày mấy người đàn bà ra múc nước—quả thật là cơ hội tốt cho Ê-li-ê-se lựa một nàng dâu tương lai! Nhưng nàng sẽ là hạng người nào? Đẹp nhất ư? Không. Trước hết Ê-li-ê-se chú trọng đến hạng người đàn bà có nhân cách tin kính. Điều này tỏ ra trong lời cầu nguyện khiêm nhường và đầy đức tin của ông: “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham tôi ơi! xin ngày nay cho tôi gặp điều mà tôi tìm-kiếm, và hãy làm ơn cho chủ Áp-ra-ham tôi! Nầy, tôi đứng gần bên giếng nầy, các con gái của dân trong thành sẽ ra đi xách nước, xin cho người gái trẻ nào mà tôi nói như vầy: «Xin nàng hãy nghiêng bình cho tôi uống nhờ hớp nước» mà nàng trả lời rằng: «Hãy uống đi, rồi tôi sẽ cho các lạc-đà ngươi uống nữa» là chánh người mà Chúa đã định cho Y-sác, kẻ tôi-tớ Ngài; và nhờ đó tôi sẽ biết rằng Chúa đã làm ơn cho chủ tôi vậy” (Sáng-thế Ký 24:11-14).
9 Đó quả là một lối trắc nghiệm tốt. Theo sách «Tân Bách khoa Tự điển Anh-quốc» (The New Encyclopoedia Britannica) thì một con lạc đà rất khát nước có thể uống «95 lít nước (25 gallons) trong vòng 10 phút». Có lẽ mấy con lạc đà của Áp-ra-ham không đến đỗi khát nước như vậy, nhưng những đàn bà thời đó chắc chắn biết lạc đà uống nhiều tới đâu. Hẳn phải là một đàn bà rất tử tế, bất vị kỷ và tháo vát mới chịu tình nguyện múc nước giếng lên cho 10 con lạc đà mỏi mệt của một người khách lạ uống.
10, 11. a) Lời câu nguyện của Ê-li-ê-se được nhậm cách tuyệt diệu như thế nào? b) Rê-be-ca tỏ thế nào cho thấy có các đức tính đáng ưa chuộng? c) Ê-li-ê-se phản ứng ra sao?
10 Ngay trước khi Ê-li-ê-se nói dứt thì lời cầu nguyện được nhậm như sự tường thuật cho thấy: “Nầy, nàng Rê-be-ca vác bình trên vai đi ra... Người gái trẻ đó thật rất đẹp, còn đồng-trinh, chưa gả cho ai. Nàng xuống giếng nhận đầy bình nước, rồi trở lên. Đầy-tớ bèn chạy lại trước mặt nàng và nói rằng: Xin hãy cho tôi uống một hớp nước trong bình. Nàng đáp rằng: Thưa chúa, hãy uống đi; rồi nàng lật-đật đỡ bình xuống tay và cho người uống. Khi đỡ cho người uống xong rồi, nàng lại tiếp rằng: Tôi cũng sẽ xách cho mấy con lạc-đà chúa uống nữa, chừng nào uống đã thì thôi. Nàng lật-đật đổ nước bình ra máng, chạy xuống giếng xách thêm nữa cho hết thảy các con lạc-đà uống” (Sáng-thế Ký 24:15-20).
11 Ê-li-ê-se mừng rỡ và kinh ngạc thấy lời cầu nguyện của ông được đáp ứng cách tuyệt diệu. Khi người trinh nữ đáng khen cho thú uống xong, ông thưởng bằng một chiếc nhẫn vàng để đeo trên mũi và đôi vòng vàng đeo cườm tay và hỏi: “Nàng là con ai?” Vừa khi biết nàng là cháu gọi Áp-ra-ham bằng ông chú, Ê-li-ê-se quì mọp xuống đất kính cẩn thờ lạy Đức Giê-hô-va, nói: “Đáng ngợi-khen thay Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham tôi! Ngài chẳng ngớt thương-xót và thành-thực đối cùng chủ tôi! Khi đương đi, Đức Giê-hô-va dẫn-dắt tôi đến nhà anh em của chủ tôi vậy” (Sáng-thế Ký 24:21-27).
12. Việc cưới gả được thỏa thuận thế nào tại nhà của Rê-be-ca?
12 Rê-be-ca hớn hở chạy về nhà thuật chuyện lại cho gia đình nghe. Sau đó, khi cha và anh của Rê-be-ca nghe chính miệng của Ê-li-ê-se thuật lại mục đích chuyến đi của ông và làm thế nào Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện, lập tức họ ưng thuận không chút do dự cho Rê-be-ca làm vợ Y-sác. “Đầy-tớ của Áp-ra-ham vừa nghe lời hai người nói xong, liền sấp mình xuống đất trước mặt Đức Giê-hô-va. Người lấy đồ trang-sức bằng bạc, vàng và áo-xống trao cho Rê-be-ca; rồi cũng lấy các vật quí dâng cho anh và mẹ nàng” (Sáng-thế Ký 24:52, 53).
Sự hưởng ứng của nàng dâu và những người giúp việc
13. Sự lựa chọn của Đức Giê-hô-va đã tỏ ra là đúng thế nào?
13 Rê-be-ca nghĩ sao về đặc ân được Đức Chúa Trời chọn làm vợ Y-sác? Ngày hôm sau một chuyện xảy ra tiết lộ cho thấy cảm nghĩ nội tâm của nàng. Sau khi đạt được mục tiêu của chuyến đi, Ê-li-ê-se muốn quay trở về nhà chủ không chậm trễ. Nhưng gia đình Rê-be-ca muốn nàng dâu ở lại nhà với họ ít nhất mười ngày. Vậy Rê-be-ca được phép định đoạt xem nàng có sẵn sàng lên đường ngay lập tức hay không. Nàng nói: “Tôi muốn đi”. Bằng cách ưng thuận rời gia đình ngay lập tức và lên đường đi đến một xứ xa xôi lấy một người đàn ông mà nàng chưa hề thấy mặt bao giờ quả là bằng chứng phi thường rằng nàng có đức tin nơi sự điều khiển của Đức Giê-hô-va. Điều đó xác nhận rằng việc chọn nàng là đúng (Sáng-thế Ký 24:54-58).
14. a) Có ai đi theo Rê-be-ca? b) Họ phải đương đầu với một cuộc hành trình loại nào?
14 Rê-be-ca lên đường có các nàng hầu đi theo. Sự tường thuật giải thích: “Rê-be-ca và các nàng đòi đứng dậy, lên cỡi lạc-đà” (Sáng-thế Ký 24:61). Vậy đoàn lạc đà lên đường trong một chuyến hành trình đầy nguy hiểm dài hơn 800 cây số (500 dặm) xuyên qua vùng đất của dân khác. Sách «Thế giới Linh hoạt của loài thú» (The Living World of Animals) ghi nhận: “Vận tốc trung bình của lạc đà chở nặng là khoảng 4 cây số giờ (2 dặm rưỡi)”. Nếu lạc đà của Áp-ra-ham đi với vận tốc đó mỗi ngày tám giờ thì phải mất hơn 25 ngày mới tới nơi thuộc miền Nê-ghép.
15. a) Ê-li-ê-se, Rê-be-ca và các nàng hầu nêu ra gương tốt nào? b) Sự tường thuật làm hình bóng trước cho gì?
15 Ê-li-ê-se, Rê-be-ca và các nàng hầu hoàn toàn tin cậy nơi sự điều khiển của Đức Giê-hô-va, thật là một gương tốt thay cho tín đồ đấng Christ thời nay! (Châm-ngôn 3:5, 6). Ngoài ra, sự tường thuật là một vở kịch có tính cách tiên tri làm vững mạnh đức tin. Như đã thấy, Áp-ra-ham tiêu biểu cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Ngài đã hy sinh Con yêu dấu của Ngài, Y-sác Lớn, để cho những người tội lỗi có thể hưởng sự sống đời đời (Giăng 3:16). Việc sửa soạn hôn lễ cho Y-sác diễn ra ít lâu sau khi ông được tha chết trên bàn thờ dâng của-lễ. Đó là sự sửa soạn theo nghĩa tiên tri cho hôn lễ trên trời, cuộc sửa soạn này sớm khởi đầu sau sự sống lại của Giê-su.
Hôn lễ của Y-sác Lớn
16. a) Đầy tớ của Áp-ra-ham tượng trưng cách thích hợp thế nào cho thánh linh Đức Chúa Trời? b) Có thể đặt câu hỏi nào liên quan đến thánh linh và người vợ?
16 Tên của Ê-li-ê-se có nghĩa là “Đức Chúa Trời là sự giúp đỡ của tôi”. Qua tên và hành vi, ông tượng trưng cách thích nghi cho thánh linh của Áp-ra-ham Lớn là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Ngài đã phái thánh linh đến nơi xa xôi này là trái đất để chọn một người vợ xứng hợp cho Y-sác Lớn là Giê-su Christ (Giăng 14:26; 15:26). Lớp người vợ là “Hội-thánh” gồm các môn đồ của Giê-su đã được thánh linh thọ sanh làm con thiêng liêng của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 5:25-27; Rô-ma 8:15-17). Như Rê-be-ca đã nhận được quà quí giá, vào ngày lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch các thành viên đầu tiên của hội-thánh đấng Christ cũng đã nhận được các sự ban cho bằng phép lạ làm chứng cớ cho việc họ được Đức Chúa Trời chọn (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4). Giống như Rê-be-ca, họ đã sẵn lòng quên mọi bạn bè và họ hàng trên đất để cuối cùng phối hợp cùng Chàng Rể trên trời. Kể từ thời từng cá nhân các thành viên của lớp người vợ được chọn cho đến khi chết, họ phải giữ vẹn sự trinh tiết thiêng liêng trong chuyến đi qua vùng thế gian đầy nguy hiểm và cám dỗ của Sa-tan (Giăng 15:18, 19; II Cô-rinh-tô 11:3; Gia-cơ 4:4). Đầy dẫy thánh linh, lớp người vợ trung thành mời những người khác dự phần trong các sự cung cấp của Đức Giê-hô-va cho sự cứu rỗi (Khải-huyền 22:17). Bạn có noi theo gương lớp người này bằng cách cũng hưởng ứng sự điều khiển của thánh linh không?
17. a) Mười con lạc đà tượng trưng gì? b) Chúng ta nên có thái độ nào đối với Kinh-thánh và các sách báo dựa trên Kinh-thánh do lớp người vợ soạn ra? (Công-vụ các Sứ-đồ 17:11).
17 Lớp người vợ rất coi trọng cái được tượng trưng bởi mười con lạc đà. Số mười dùng trong Kinh-thánh để chỉ sự trọn vẹn hay đầy đủ liên quan đến những việc trên đất. Mười con lạc đà có thể so sánh với Lời Đức Chúa Trời trọn vẹn và đầy đủ, nhờ đó lớp người vợ nhận được sự yểm trợ và các sự ban cho thiêng liêng (Giăng 17:17; Ê-phê-sô 1:13, 14; I Giăng 2:5). Bình luận về việc Rê-be-ca cho mấy con lạc đà uống nước, Tháp Canh (Anh-ngữ) số ra ngày 1-11-1948 áp dụng như sau cho lớp người vợ: “Với sự yêu thương họ coi trọng Lời Đức Chúa Trời ban cho họ dồi dào thánh linh của Ngài. Họ chú ý đến Lời được viết ra của Ngài, dùng Kinh-thánh và tự bồi bổ nhờ Kinh-thánh bằng cách chăm sóc, giữ gìn và thành thật quan tâm đến các thông điệp và ý định của Kinh-thánh, tìm cách để tin tưởng”. Một thí dụ dẫn chứng cho điều này là việc số còn sót lại của lớp người vợ đã tỏ nhiều yêu thương để cung cấp cho hằng triệu người «Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới» (New World Translation of the Holy Scriptures) mới mẻ và hợp thời. Dù có bản dịch này hay không trong tiếng của bạn, bạn có tỏ sự quí trọng bằng cách đều đặn xem Kinh-thánh cùng với các sách báo do lớp người vợ cung cấp để học hỏi Kinh-thánh không? (II Ti-mô-thê 3:16).
Hôn lễ Chiên Con gần đến
18. Tại sao các nàng hầu của Rê-be-ca tượng trưng cách thích hợp cho những bạn đồng hành của lớp người vợ thời nay?
18 Trong những ngày cuối cùng này của hệ thống của Sa-tan, một “đám đông” có thể ví như “các nàng hầu” của Rê-be-ca kết hợp cùng số còn sót lại của lớp người vợ. Như trong trường hợp của Rê-be-ca, họ đông đảo vượt xa hẳn toàn bộ lớp người vợ gồm 144.000 người. Họ là “đám đông vô-số người” thuộc các “chiên khác” của Giê-su (Khải-huyền 7:4, 9; Giăng 10:16). Như những người hầu việc trung thành cho người vợ, họ cũng phải giữ mình sạch khỏi bợn vết nhơ bẩn của thế gian hung ác của Sa-tan. Họ cũng phải hưởng ứng sự dìu dắt của thánh linh Đức Giê-hô-va và Lời Ngài như được lớp người vợ giải thích cho họ. Nhưng phần thưởng họ thì khác. Nếu bền bỉ trong việc trung thành ủng hộ vợ đấng Christ, họ sẽ sống sót qua khỏi sự hủy diệt của thế gian này của Sa-tan và sẽ có cơ hội kỳ diệu sống đời đời trong địa-đàng trên đất (Khải-huyền 21:3, 4).
19. Việc gì xảy ra khi Rê-be-ca và các nàng hầu kết thúc cuộc hành trình?
19 Rê-be-ca và “các nàng hầu” của nàng có đi đến nơi đến chốn một cách tốt đẹp không? Có, như Kinh-thánh thuật lại: “Lối chiều, [Y-sác] đi ra ngoài đồng đặng suy-ngẫm; nhướng mắt lên, kìa ngó thấy lạc-đà đâu đi đến. Nàng Rê-be-ca cũng nhướng mắt lên, bèn chợt thấy Y-sác; liền nhảy xuống lạc-đà”. Sau khi Ê-li-ê-se giải thích cho biết sứ mạng thành tựu của ông, Y-sác nhận Rê-be-ca làm vợ và “yêu-mến nàng” (Sáng-thế Ký 24:63-67).
20. Hôn lễ của Y-sác hình dung trước dịp vui nào?
20 Giống vậy, ý định của Đức Giê-hô-va đối với vợ đấng Christ không thể thất bại được (Ê-sai 55:11). Ít lâu nữa, sau khi Ba-by-lôn Lớn sẽ bị phán xét và hủy diệt, những người sau cùng trong lớp người vợ còn sót lại sẽ hoàn tất cuộc hành trình. Sẽ đến lúc giã biệt các bạn đồng hành giúp việc cho họ và phối hợp với Y-sác Lớn trên trời trong hôn lễ. Thật đó sẽ là một dịp vui mừng to tát thay trong khắp vũ trụ! (Khải-huyền 19:6-8).
21. Tất cả chúng ta nên làm gì khi sắp đến hồi tột đỉnh của hôn lễ trên trời?
21 Trong khi chờ đợi, hằng triệu người nhận lãnh ân phước bằng cách hưởng ứng thánh chức với số người càng ngày càng ít đi của lớp người vợ còn sót lại. Trước khi hết thảy những người này chết đi để kết thúc đời sống trên đất, đế quốc tôn giáo giả giống như dâm phụ sẽ bị tàn phá, đánh dấu cho sự khởi đầu của “hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy”. Thời giờ còn lại là ngắn ngủi. Nếu bạn muốn được sống sót, việc bạn tham gia loan báo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời quả thật là quan trọng làm sao! (Ma-thi-ơ 24:14, 21; Mác 13:10; Lu-ca 21:15; Giăng 13:34). Các mệnh lệnh ấy đặc biệt áp dụng cho thời nay đầy khó khăn. Vậy, dù thuộc lớp người vợ còn sót lại hay thuộc “đám đông vô-số người” giúp việc, hãy tiếp tục vâng lời Đức Giê-hô-va để tôn vinh Ngài và nhắm đến hạnh phúc lâu dài của bạn. Thật tuyệt diệu thay cho “đám đông” nay được kể là bạn của Đức Chúa Trời rồi, sẽ tiếp tục sống khi Đức Giê-hô-va “làm mới lại hết thảy muôn vật” và khi các lợi ích vĩnh cửu cuồn cuộn tuôn đến với hằng triệu người trong một địa-đàng trên đất! (Khải-huyền 21:5; 22:1, 2, 17).
Bạn có nhớ không?
◻ Các biến cố động trời nào sắp xảy đến?
◻ Có sự cam kết nào cho hôn lễ trên trời sẽ thành công trọn vẹn?
◻ Có thể ví Ê-li-ê-se và mười con lạc đà với gì?
◻ Ngày nay ai tương ứng với Rê-be-ca và các nàng hầu?
◻ Chúng ta học được gì nơi các biến cố dẫn đến hôn lễ của Y-sác?