Vai trò đáng trọng của phụ nữ trong vòng các tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán: Người đàn ông ở một mình không tốt; ta sẽ làm nên một người giúp đỡ cho nó như một người bổ túc nó” (SÁNG-THẾ KÝ 2:18, NW).
1. Một tự điển Kinh-thánh miêu tả số phận của phụ nữ trong thời xưa như thế nào?
“KHÔNG nơi nào ở vùng Địa Trung Hải xưa hoặc Cận Đông mà phụ nữ có được sự tự do như họ vui hưởng trong xã hội Tây phương ngày nay. Theo khuôn mẫu thông thường là đàn bà phụ thuộc vào đàn ông, cũng như người nô lệ phụ thuộc vào người có tự do, và người trẻ phụ thuộc vào người già... Con trai thì được coi trọng hơn con gái, và đôi khi những bé gái sơ sinh bị bỏ mặc cho chết”. Đây là cách một tự điển Kinh-thánh miêu tả số phận của phụ nữ thời xưa.
2, 3. a) Dựa theo một bài tường trình, ngày nay tình trạng của nhiều phụ nữ ra sao? b) Những câu hỏi nào được nêu ra?
2 Ngày nay tình trạng cũng không tốt hơn tại nhiều nơi trên thế giới. Vào năm 1994, lần đầu tiên bài tường trình hằng năm về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chú ý vào cách người ta đối xử với phái nữ. Một chủ đề của tờ báo New York Times nói về bài tường trình: “Tài liệu về 193 nước cho thấy sự miệt thị là thực tại xảy ra hằng ngày”.
3 Vì số đông phụ nữ có quá trình văn hóa khác nhau đang kết hợp với hội thánh của dân sự Đức Giê-hô-va trên khắp trái đất, một số câu hỏi được nêu ra: Phải chăng thuở ban đầu Đức Chúa Trời có ý định cho phụ nữ bị đối xử như vừa được miêu tả? Trong thời Kinh-thánh viết ra, phụ nữ đã được đối xử như thế nào giữa những người thờ phượng Đức Giê-hô-va? Và ngày nay nên đối xử phụ nữ như thế nào?
“Người giúp đỡ” và “người bổ túc”
4. Sau một thời gian người đàn ông sống một mình trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va nhận thấy điều gì, và sau đó Đức Chúa Trời làm gì?
4 Sau một thời gian A-đam sống một mình trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va nhận xét: “Người đàn ông ở một mình không tốt; ta sẽ làm nên một người giúp đỡ cho nó như một người bổ túc nó” (Sáng-thế Ký 2:18, NW). Mặc dù A-đam là một người đàn ông hoàn toàn, nhưng để có thể thi hành ý định của Đấng Tạo hóa thì cần phải có một yếu tố khác nữa. Để đáp ứng nhu cầu này, Đức Giê-hô-va tạo ra một người nữ và cử hành lễ hôn nhân đầu tiên (Sáng-thế Ký 2:21-24).
5. a) Danh từ Hê-bơ-rơ dịch là “người giúp đỡ” thường được những người viết Kinh-thánh dùng như thế nào? b) Sự kiện Đức Giê-hô-va gọi người đàn bà đầu tiên là “người bổ túc” cho thấy điều gì?
5 Phải chăng từ ngữ “người giúp đỡ” và “người bổ túc” cho thấy rằng vai trò của người nữ được Đức Chúa Trời chỉ định là thấp hèn? Hoàn toàn không phải vậy. Những người viết Kinh-thánh thường áp dụng cho Đức Chúa Trời danh từ Hê-bơ-rơ (ʽeʹzer), được dịch là Đấng “giúp đỡ”. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va chứng tỏ là “sự tiếp-trợ và cái khiên của chúng tôi” (Thi-thiên 33:20; Xuất Ê-díp-tô Ký 18:4; Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:7). Nơi Ô-sê 13:9, thậm chí Đức Giê-hô-va nói đến chính Ngài là “Đấng giúp” dân Y-sơ-ra-ên. Còn từ Hê-bơ-rơ (neʹghedh) được dịch là “người bổ túc”, một học giả Kinh-thánh giải thích: “Sự giúp đỡ mà ông mong mỏi không chỉ là sự giúp đỡ trong công việc hằng ngày hoặc trong việc sanh con cái... mà là tình bạn để tương trợ lẫn nhau”.
6. Sau khi người nữ được tạo ra, điều gì được nêu ra, và tại sao?
6 Như vậy, chúng ta thấy không có gì là thấp hèn khi Đức Giê-hô-va miêu tả người nữ như là “người giúp đỡ” và “người bổ túc”. Người nữ có bản chất tinh thần, tình cảm và thể xác riêng biệt. Người nữ là người bổ túc thích hợp cho người nam. Mỗi người đều khác nhau, nhưng đều cần thiết để “làm cho đầy-dẫy đất” hầu cho phù hợp với ý định của Đấng Tạo hóa. Hiển nhiên là sau khi tạo ra cả người đàn ông và đàn bà “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành” (Sáng-thế Ký 1:28, 31).
7, 8. a) Khi tội lỗi bắt đầu trong vườn Ê-đen, vai trò của phụ nữ đã bị ảnh hưởng như thế nào? b) Những câu hỏi nào được nêu ra liên quan đến sự ứng nghiệm của Sáng-thế Ký 3:16 trong vòng những người thờ phượng Đức Giê-hô-va?
7 Khi tội lỗi bắt đầu, tình trạng của người đàn ông và người đàn bà đã thay đổi. Đức Giê-hô-va tuyên án phạt cả hai vì là những người tội lỗi. Đức Giê-hô-va nói với Ê-va về sự việc Ngài cho phép xảy ra như thể Ngài làm ra vậy: “Ta sẽ thêm điều cực-khổ bội phần trong cơn thai-nghén”. Ngài nói thêm: “Ngươi sẽ chịu đau-đớn mỗi khi sanh con; sự dục-vọng ngươi phải xu-hướng về chồng, và chồng sẽ cai-trị ngươi” (Sáng-thế Ký 3:16). Kể từ thời đó, nhiều người vợ bị chồng họ cai trị, thường thì rất khắc nghiệt. Thay vì được quí trọng như là người giúp đỡ và người bổ túc, họ thường bị đối xử giống như là những người tôi tớ hay nô lệ.
8 Vậy, sự ứng nghiệm của Sáng-thế Ký 3:16 có nghĩa gì đối với những người nữ thờ phượng Đức Giê-hô-va? Phải chăng họ bị hạ xuống vị thế thấp hèn và mất phẩm giá? Chắc chắn không! Nhưng còn những lời tường thuật trong Kinh-thánh nói về những phong tục và thực hành ảnh hưởng đến phụ nữ mà hình như không được chấp nhận trong một vài xã hội ngày nay thì sao?
Hiểu biết các phong tục trong Kinh-thánh
9. Khi xem xét những phong tục liên quan đến những người nữ trong thời Kinh-thánh, chúng ta nên nhớ ba điều nào?
9 Trong thời Kinh-thánh được viết ra, phụ nữ được đối xử tử tế trong vòng các tôi tớ Đức Chúa Trời. Đương nhiên, khi xem xét các phong tục liên quan đến phái nữ trong thời đó, điều hữu ích là chúng ta nên nhớ một vài yếu tố. Trước tiên, khi Kinh-thánh nói về những tình trạng xấu xảy ra vì sự cai trị ích kỷ của những người đàn ông gian ác, điều đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời chấp nhận việc phái nữ bị đối xử như thế. Thứ hai, dù Đức Giê-hô-va cho phép các tôi tớ Ngài giữ một vài phong tục trong một khoảng thời gian, Ngài chỉnh đốn những phong tục này để che chở phái nữ. Thứ ba, chúng ta phải cẩn thận không nên xét đoán những phong tục thời xưa theo tiêu chuẩn thời nay. Một số phong tục có thể làm người ta thời nay thấy khó chịu, tuy nhiên những người đàn bà thời đó không nhất thiết xem những phong tục đó làm họ mất phẩm giá. Chúng ta hãy xem xét một vài thí dụ.
10. Quan điểm của Đức Giê-hô-va như thế nào về thực hành đa thê, và điều gì cho thấy Ngài không bao giờ bỏ qua tiêu chuẩn nguyên thủy của Ngài về một chồng một vợ?
10 Tục đa thê:a Theo ý định nguyên thủy của Đức Giê-hô-va, một người vợ không phải chia sẻ chồng mình với một người đàn bà khác. Đức Chúa Trời chỉ dựng nên một người vợ cho A-đam (Sáng-thế Ký 2:21, 22). Sau khi sự phản nghịch xảy ra trong vườn Ê-đen, chúng ta thấy dòng dõi Ca-in thực hành tục đa thê trước tiên. Cuối cùng nó trở thành một phong tục và được một số người thờ phượng Đức Giê-hô-va tiếp nhận (Sáng-thế Ký 4:19; 16:1-3; 29:21-28). Mặc dù Đức Giê-hô-va cho phép họ giữ tục đa thê, nhằm mục đích để gia tăng dân số Y-sơ-ra-ên, Ngài cho thấy Ngài quan tâm đến những người nữ bằng cách chỉnh đốn thực hành đó để che chở những người vợ và con cái họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:10, 11; Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:15-17). Hơn nữa, Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ qua tiêu chuẩn nguyên thủy của Ngài là một vợ một chồng. Điều răn ‘hãy sanh sản và làm cho đầy dẫy đất’ được lặp lại cho Nô-ê và các con trai ông, và họ đều là những người chỉ có một vợ (Sáng-thế Ký 7:7; 9:1; II Phi-e-rơ 2:5). Khi biểu hiệu mối liên lạc của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời miêu tả chính Ngài như là người chồng có một vợ (Ê-sai 54:1, 5). Thế rồi, tiêu chuẩn nguyên thủy của Đức Chúa Trời về một vợ một chồng cũng được Giê-su Christ thiết lập lại và được hội thánh tín đồ đấng Christ thời ban đầu thực hành (Ma-thi-ơ 19:4-8; I Ti-mô-thê 3:2, 12).
11. Tại sao trong thời Kinh-thánh người ta phải nạp sính lễ, và điều này có hạ phẩm giá người đàn bà không?
11 Nạp sính lễ: Cuốn sách Ancient Israel—Its Life and Institutions (Y-sơ-ra-ên thời xưa—Đời sống và các tập quán) nói: “Điều kiện phải trả một số tiền, hoặc giá tương đương, cho gia đình đằng gái, nên người ta thấy đám cưới của người Y-sơ-ra-ên có vẻ như là một sự mua bán. Nhưng [sính lễ] dường như không phải là giá trả cho người đàn bà mà là sự bồi thường cho gia đình”. (Chúng tôi viết nghiêng). Vậy nạp sính lễ có mục đích là để đền bù cho gia đình đằng gái vì mất đi sự giúp đỡ của nàng và cho sự cố gắng và phí tổn mà gia đình đã bỏ ra để nuôi nấng nàng. Thế thì thay vì hạ phẩm giá người đàn bà, nó khẳng định giá trị của nàng trong gia đình (Sáng-thế Ký 34:11, 12; Xuất Ê-díp-tô Ký 22:16; xem Tháp Canh [Anh ngữ], 15-1-1989, trang 21-24).
12. a) Trong Kinh-thánh người chồng và người vợ đôi khi được gọi như thế nào, và những người nữ có thấy khó chịu về những từ ngữ này không? b) Có điều gì đáng chú ý về những từ ngữ Đức Giê-hô-va dùng trong vườn Ê-đen? (Xem cước chú).
12 Người chồng như là “người chủ”: Khoảng 1918 trước công nguyên, một trường hợp xảy ra trong đời Áp-ra-ham và Sa-ra cho thấy là đến thời họ người ta rõ ràng đã quen xem người đàn ông có vợ như là “người chủ” (baʹʽal, tiếng Hê-bơ-rơ) và người đàn bà có chồng như là ‘người đã có chủ’ (beʽu·lahʹ, tiếng Hê-bơ-rơ) (Sáng-thế Ký 20:3, NW). Về sau, đôi khi từ ngữ này được dùng trong Kinh-thánh, và không có điều gì cho thấy rằng phụ nữ trước thời đạo đấng Christ cảm thấy khó chịu về những từ ngữ nàyb (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:22). Vậy chồng không được đối xử với vợ mình như là vật sở hữu. Người ta có thể mua, bán và ngay cả thừa hưởng tài sản hoặc của cải, nhưng không thể làm thế đối với vợ. Một câu châm ngôn trong Kinh-thánh nói: “Nhà cửa và tài-sản là cơ-nghiệp của tổ-phụ để lại; còn một người vợ khôn-ngoan do nơi Đức Giê-hô-va mà đến” (Châm-ngôn 19:14; Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:14).
Một vai trò đáng trọng
13. Khi những người đàn ông kính sợ Đức Chúa Trời noi theo gương Đức Giê-hô-va và vâng theo Luật pháp Ngài, thì có kết quả nào cho phụ nữ?
13 Thế thì, trước thời đạo đấng Christ vai trò của người phụ nữ trong vòng các tôi tớ Đức Chúa Trời là gì? Họ được xem và đối xử như thế nào? Nói cách đơn giản, khi những người đàn ông kính sợ Đức Chúa Trời theo gương của chính Đức Giê-hô-va và vâng theo Luật pháp của Ngài, người phụ nữ duy trì được phẩm giá và vui hưởng nhiều quyền lợi và đặc ân.
14, 15. Điều gì cho thấy người phụ nữ được quí trọng trong dân Y-sơ-ra-ên, và tại sao Đức Giê-hô-va có thể đúng lý đòi hỏi những người nam thờ phượng Ngài phải quí trọng họ?
14 Người phụ nữ phải được quí trọng. Luật pháp của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên bảo phải tôn trọng cả cha lẫn mẹ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12; 21:15, 17). Lê-vi Ký 19:3 nói: “Ai nấy phải tôn-kính cha mẹ mình”. Khi Bát-Sê-ba đến gặp con trai bà là Sa-lô-môn vào một dịp, “vua đứng dậy đi đón bà, cúi xuống lạy bà” trong một cử chỉ cung kính (I Các Vua 2:19). Cuốn Encyclopaedia Judaica (Bách khoa Tự điển Do Thái) nhận xét: “Sự so sánh có tính cách tiên tri về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên giống như tình yêu thương của người chồng đối với người vợ chỉ có thể xảy ra trong một xã hội nếu mà người phụ nữ được quí trọng”.
15 Đức Giê-hô-va đòi hỏi những người nam thờ phượng Ngài phải quí trọng những người nữ, vì chính Ngài quí trọng họ. Điều này được chứng tỏ trong Kinh-thánh khi Đức Giê-hô-va dùng những kinh nghiệm của người nữ để minh họa và ví cảm giác của chính Ngài cũng như những người nữ đó (Ê-sai 42:14; 49:15; 66:13). Điều này giúp độc giả hiểu Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào. Đáng chú ý thay, từ Hê-bơ-rơ dịch ra là “thương-xót”, hoặc “trắc ẩn” mà Đức Giê-hô-va áp dụng cho chính Ngài, gần giống như chữ “trong lòng mẹ” và có thể miêu tả như là “cảm giác của người mẹ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19; Ê-sai 54:7).
16. Những gương nào cho thấy rằng lời khuyên của những người nữ được coi trọng?
16 Lời khuyên của những phụ nữ tin kính được coi trọng. Vào một dịp nọ, khi một người kính sợ Đức Chúa Trời là Áp-ra-ham ngần ngại làm theo lời khuyên của người vợ tin kính là Sa-ra, Đức Giê-hô-va bảo ông: “Hãy nghe theo tiếng người nói” (Sáng-thế Ký 21:10-12). Các vợ người Hê-tít của Ê-sau “là một sự cay-đắng lòng cho Y-sác và Rê-be-ca”. Cuối cùng, Rê-be-ca bộc lộ nỗi sầu khổ bà sẽ phải trải qua nếu con trai họ là Gia-cốp cưới một người Hê-tít. Y-sác đã phản ứng thế nào? Lời tường thuật nói: “Y-sác bèn gọi Gia-cốp, chúc phước cho và dặn rằng: Con chớ chọn một người vợ nào hết trong bọn con gái Ca-na-an”. Đúng vậy, dù Rê-be-ca không đưa ra lời khuyên chính thức, chồng bà đã nghĩ đến cảm tưởng của bà khi lấy một quyết định (Sáng-thế Ký 26:34, 35; 27:46; 28:1). Sau này Vua Đa-vít đã tránh được tội mắc nợ máu vì nghe lời yêu cầu khôn ngoan của A-bi-ga-in (I Sa-mu-ên 25:32-35).
17. Điều gì cho thấy người nữ có một mức độ uy quyền trong gia đình?
17 Người nữ có một mức độ uy quyền trong gia đình. Con cái được thúc giục: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con” (Châm-ngôn 1:8). Lời miêu tả về “người nữ tài-đức” nơi Châm-ngôn đoạn 31 cho thấy rằng một người vợ siêng năng không chỉ quản lý gia đình mà còn có thể mua bán bất động sản, thiết lập một đồng ruộng màu mở, quản lý công việc buôn bán nhỏ và được biết đến vì những lời nói khôn ngoan. Quan trọng hơn hết, sự kính sợ của người nữ đối với Đức Giê-hô-va là điều đáng ngợi khen. Thảo nào giá trị của một người vợ như thế “trổi hơn châu ngọc”! Châu ngọc quí báu được dùng cho đồ nữ trang và vật trang trí đắt tiền (Châm-ngôn 31:10-31).
Những người nữ nhận được ân huệ đặc biệt của Đức Chúa Trời
18. Bằng những cách nào một số người nữ trong thời Kinh-thánh được ban cho ân huệ đặc biệt?
18 Sự quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với phái nữ được phản ảnh qua việc Ngài ban ân huệ đặc biệt cho một số phụ nữ trong thời Kinh-thánh. A-ga, Sa-ra và vợ của Ma-nô-a được thiên sứ đến thăm và nói cho biết về sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 16:7-12; 18:9-15; Các Quan Xét 13:2-5). Cũng có “mấy người đờn-bà hầu việc” nơi đền tạm và những người nữ ca hát tại hành lang của Sa-lô-môn (Xuất Ê-díp-tô Ký 38:8; I Sa-mu-ên 2:22; Truyền-đạo 2:8).
19. Đôi khi, Đức Giê-hô-va dùng người đàn bà để đại diện Ngài trong phương diện nào?
19 Một vài lần trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va dùng phụ nữ làm đại diện hoặc nói chuyện cho Ngài. Chúng ta đọc về nữ tiên tri Đê-bô-ra: “Dân Y-sơ-ra-ên lên đến cùng người, đặng nghe sự xét-đoán” (Các Quan Xét 4:5). Sau khi dân Y-sơ-ra-ên đánh bại Gia-bin, vua của Ca-na-an, Đê-bô-ra quả thật đã có một đặc ân đặc biệt. Bà rõ ràng là người soạn nhạc, ít nhất phần nào, về bài ca chiến thắng mà cuối cùng trở thành phần của Kinh-thánh được Đức Giê-hô-va soi dẫnc (Các Quan Xét, đoạn 5). Sau hằng bao thế kỷ, Vua Giô-si-a phái một nhóm người đại diện có cả thầy tế lễ thượng phẩm đến gặp nhà nữ tiên tri Hun-đa để cầu vấn Đức Giê-hô-va. Hun-đa có thể trả lời với thẩm quyền: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nói như vầy” (II Các Vua 22:11-15). Vào dịp đó vua ra lệnh cho nhóm người đại diện đến gặp một nữ tiên tri, và vua làm thế để được nhận lời chỉ dẫn từ Đức Giê-hô-va. (So sánh Ma-la-chi 2:7).
20. Những gương nào chứng tỏ Đức Giê-hô-va quan tâm đến cảm tưởng và hạnh phúc của phái nữ?
20 Sự quan tâm của Đức Giê-hô-va cho hạnh phúc của phái nữ được thể hiện trong những trường hợp khi Ngài ra tay giúp một số phụ nữ thờ phượng Ngài. Hai lần Ngài can thiệp để bảo vệ vợ xinh đẹp của Áp-ra-ham là Sa-ra khỏi bị làm nhục (Sáng-thế Ký 12:14-20; 20:1-7). Đức Chúa Trời tỏ ra thương xót Lê-a, người vợ mà Gia-cốp thương ít, bằng cách “cho nàng sanh-sản” được đứa con trai (Sáng-thế Ký 29:31, 32). Khi hai bà mụ kính sợ Đức Chúa Trời liều mạng để bảo tồn những bé trai người Hê-bơ-rơ khỏi bị tàn sát tại Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va cảm kích “làm cho nhà họ được thạnh-vượng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:17, 20, 21). Ngài cũng nhậm lời cầu nguyện nhiệt thành của An-ne (I Sa-mu-ên 1:10, 20). Và khi một bà góa của nhà tiên tri phải đối phó với chủ nợ muốn lấy con bà để thế cho món nợ, Đức Giê-hô-va chẳng bỏ rơi bà trong lúc hoạn nạn. Với lòng đầy yêu thương, Đức Chúa Trời dùng Ê-li-sê gia tăng số dầu dự trữ của bà để bà có thể trả nợ. Như vậy, bà có thể duy trì gia đình và phẩm giá của bà (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:22, 23; II Các Vua 4:1-7).
21. Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ cho chúng ta một quan điểm thăng bằng nào về địa vị của phụ nữ?
21 Do đó, thay vì khuyến khích người ta xem phái nữ thấp hèn, Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ cho chúng ta một quan điểm thăng bằng về địa vị của họ trong vòng các tôi tớ Đức Chúa Trời. Dù Đức Giê-hô-va không che chở những người nữ thờ phượng Ngài khỏi sự ứng nghiệm nơi Sáng-thế Ký 3:16, những người nữ vẫn được những người đàn ông kính sợ Đức Giê-hô-va, noi theo gương Ngài và giữ Luật pháp của Ngài, đối xử đứng đắn.
22. Đến khi Giê-su hiện diện trên đất, vai trò của người nữ đã thay đổi như thế nào, và những câu hỏi nào được nêu ra?
22 Trong những thế kỷ sau khi Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ được viết xong, vai trò của phụ nữ thay đổi trong vòng những người Do Thái. Đến khi Giê-su hiện diện trên đất, những truyền thống của người ra-bi đã hạn chế nghiêm khắc đời sống và những đặc ân về phương diện tôn giáo của phụ nữ. Những truyền thống ấy có ảnh hưởng đến cách Giê-su đối xử với phái nữ không? Ngày nay nên đối xử nữ tín đồ đấng Christ như thế nào? Những câu hỏi này sẽ được thảo luận trong bài tới.
[Chú thích]
a Theo cuốn Webster’s Ninth New Collegiate Dictionary, “tục đa thê (hoặc đa phu)” nói đến một “cuộc hôn nhân mà một trong hai người hôn phối có thể lấy hơn một vợ hoặc một chồng cùng một lúc”. Từ ngữ chính xác hơn “tình trạng đa thê” được định nghĩa là “tình trạng hoặc sự thực hành mà người đàn ông lấy nhiều vợ trong cùng một lúc”.
b Trong suốt Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, người đàn ông và đàn bà đã lập gia đình thường được nhắc đến nhiều lần là “chồng” (ʼish, tiếng Hê-bơ-rơ) và “vợ” (ʼish·shahʹ, tiếng Hê-bơ-rơ). Thí dụ, trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va không dùng những từ ngữ “người chủ” và ‘người đã có chủ’, nhưng “chồng” và “vợ” (Sáng-thế Ký 2:24; 3:16, 17). Lời tiên tri của Ô-sê báo trước rằng sau khi bị lưu đày trở về, dân Y-sơ-ra-ên sẽ ăn năn và gọi Đức Giê-hô-va là “Chồng tôi”, không còn là “Chủ tôi”. Điều này có vẻ gợi ý là từ “chồng” có ý nghĩa dịu dàng hơn “người chủ” (Ô-sê 2:16).
c Đáng chú ý là cách dùng ngôi thứ nhất khi nói đến Đê-bô-ra nơi Các Quan Xét 5:7.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Từ ngữ “người giúp đỡ” và “người bổ túc” cho thấy gì về vai trò của phụ nữ được Đức Chúa Trời chỉ định?
◻ Khi xem xét những phong tục ảnh hưởng đến phái nữ trong thời Kinh-thánh được viết ra, chúng ta nên nhớ điều gì?
◻ Điều gì cho thấy phụ nữ có một vai trò đáng trọng trong vòng các tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời?
◻ Bằng những cách nào Đức Giê-hô-va ban ân huệ đặc biệt cho phụ nữ trước thời đạo đấng Christ?