Nỗ lực nhiệt thành—Khi nào mới được Đức Giê-hô-va ban phước?
“TRỜI đã rạng đông rồi; thôi, để cho ta đi”.
“Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi”.
“Tên ngươi là chi?”
“Tên tôi là Gia-cốp”.
“Tên ngươi sẽ chẳng là Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật-lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng”.—Sáng-thế Ký 32:26-28.
Đoạn đối thoại thú vị trên là kết quả của việc Gia-cốp lúc 97 tuổi vẫn còn biểu hiện sự nhanh nhẹn lạ lùng như một vận động viên. Mặc dù Kinh Thánh không nói ông là một vận động viên, nhưng ông đã vật lộn suốt đêm dài với một thiên sứ. Tại sao? Vì Gia-cốp rất quan tâm đến lời hứa của Đức Giê-hô-va với tổ phụ ông—tức di sản thiêng liêng của ông.
Nhiều năm trước, anh của Gia-cốp là Ê-sau đã từ bỏ quyền trưởng nam để đổi lấy bát canh đậu. Bây giờ Gia-cốp hay tin Ê-sau đang dẫn 400 người ra đón ông. Trong một tâm trạng lo sợ dễ hiểu, Gia-cốp muốn được Đức Giê-hô-va xác nhận lại lời hứa của Ngài rằng gia đình ông sẽ sinh tồn và phát triển trong vùng đất bên kia Sông Giô-đanh. Gia-cốp tức khắc hành động phù hợp với lời cầu nguyện. Ông gửi thật nhiều quà tặng đến cho Ê-sau, lúc này đang tiến đến gần. Ông cũng tiến hành những bước phòng thủ bằng cách chia đoàn tùy tùng mình thành hai nhóm và đưa vợ con qua rạch Gia-bốc. Với nỗ lực mãnh liệt và cả nhiều nước mắt, bây giờ ông còn cố gắng thêm nữa bằng cách vật lộn suốt đêm với một thiên sứ hầu xin được ban ơn.—Ô-sê 12:5; Sáng-thế Ký 32:1-32.
Cũng hãy xem gương mẫu trước đó của Ra-chên, người vợ thứ hai của Gia-cốp và là người ông yêu thương nhất. Ra-chên biết rất rõ Đức Giê-hô-va hứa ban phước cho Gia-cốp. Thế nhưng bà lại son sẻ, trong khi người chị Lê-a, vợ cả của Gia-cốp thì được ban cho bốn con trai. (Sáng-thế Ký 29:31-35) Tuy nhiên, thay vì tủi thân, bà kiên trì nài xin Đức Giê-hô-va, đồng thời tích cực hành động hòa hợp với lời cầu nguyện của mình. Noi gương tổ mẫu Sa-ra trong việc đưa nàng hầu A-ga, Ra-chên cho nàng hầu Bi-la làm vợ thứ Gia-cốp để, như Ra-chên nói, “phần tôi bởi nó cũng có con nữa”.a Bi-la sanh cho Gia-cốp hai con trai—Đan và Nép-ta-li. Khi Nép-ta-li chào đời, Ra-chên cho biết bà đã phải nỗ lực ra sao về mặt tinh thần: “Tôi đã hết sức chống-cự với chị tôi, và tôi được thắng”. Sau đó, Ra-chên còn được ban phước có hai con trai ruột, là Giô-sép và Bên-gia-min.—Sáng-thế Ký 30:1-8; 35:24.
Tại sao Đức Giê-hô-va ban phước cho những nỗ lực về thể chất và tinh thần của Gia-cốp và Ra-chên? Vì họ đặt ý muốn Đức Giê-hô-va lên hàng đầu và quý trọng di sản thiêng liêng của mình. Họ nhiệt thành cầu xin sự chuẩn chấp của Ngài trong đời sống và hành động thiết thực hòa hợp với ý muốn Ngài, cũng như với lời nài xin của chính họ.
Như Gia-cốp và Ra-chên, nhiều người ngày nay có thể chứng thực rằng chỉ nỗ lực chuyên cần mới được Đức Giê-hô-va ban phước. Những nỗ lực của họ thường kèm theo cả nước mắt, thất vọng và chán nản. Chị Elizabeth, một người mẹ tín đồ Đấng Christ, kể lại những nỗ lực mãnh liệt của chị để trở lại nhóm họp đều đặn sau một thời gian dài vắng mặt. Đó là cả một thử thách với một người có năm con trai nhỏ, một người chồng không tin đạo, và ở cách Phòng Nước Trời gần nhất là 30 kilômét. Chị nói: “Cố gắng tham dự đều đặn các buổi nhóm họp đòi hỏi rất nhiều tinh thần kỷ luật tự giác, là điều tôi biết có lợi cho tôi và các con. Điều đó giúp các cháu nhận ra đây là con đường đáng theo đuổi”. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho những nỗ lực của chị. Chị có ba người con hoạt động năng nổ trong hội thánh, trong đó hai người là tiên phong trọn thời gian. Vui mừng trước sự tiến bộ về thiêng liêng của các con, chị nói: “Các cháu còn trưởng thành về thiêng liêng hơn tôi”. Quả là một phần thưởng lớn biết bao cho những nỗ lực nhiệt thành của chị!
Những nỗ lực nhiệt thành được Đức Giê-hô-va ban phước
Nỗ lực nhiệt thành và làm việc chăm chỉ chắc chắn sẽ được tưởng thưởng. Chúng ta càng cố gắng trong công việc bao nhiêu, thì kết quả càng mãn nguyện bấy nhiêu. Đó là cách Đức Giê-hô-va tạo nên chúng ta. Vua Sa-lô-môn viết: “Ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời”. (Truyền-đạo 3:13; 5:18, 19) Tuy nhiên, muốn nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải chắc rằng mình đang nỗ lực đúng hướng. Thí dụ, nếu đặt những việc thiêng liêng vào hàng thứ yếu trong đời sống, thì trông chờ sự ban phước của Đức Giê-hô-va có hợp lý không? Một tín đồ Đấng Christ đã dâng mình có hy vọng được Đức Giê-hô-va chuẩn chấp không, khi chấp nhận một công việc hay chức vụ khiến anh phải thường xuyên vắng mặt trong các buổi nhóm họp dạy dỗ và xây dựng đức tin của đạo Đấng Christ?—Hê-bơ-rơ 10:23-25.
Một người không hẳn sẽ được ‘hưởng phước’, nếu suốt đời chỉ vất vả chạy theo sự nghiệp hay của cải vật chất, không quan tâm đến phần thiêng liêng. Chúa Giê-su đã miêu tả hậu quả của nỗ lực sai lầm này trong minh họa người gieo giống. Nói về hột giống rơi “nơi bụi gai”, ngài giải thích: “Tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo-lắng về đời nầy, và sự mê-đắm về của-cải, làm cho nghẹt-ngòi đạo và thành ra không kết-quả”. (Ma-thi-ơ 13:22) Phao-lô cũng khuyến cáo về cạm bẫy này, và nói thêm rằng những ai theo đuổi đời sống vật chất sẽ “sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất”. Giải pháp cho lối sống tự hủy hoại về thiêng liêng này là gì? Phao-lô nói tiếp: ‘Hãy tránh những sự đó đi, đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng’.—1 Ti-mô-thê 6:9, 11, 17.
Dù ở độ tuổi nào hay đã phụng sự Đức Giê-hô-va bao lâu đi nữa, tất cả chúng ta đều được lợi ích khi noi theo sự nỗ lực nhiệt thành của Gia-cốp và Ra-chên. Trong sự cố gắng để được Đức Chúa Trời chấp nhận, họ không bao giờ quên di sản thiêng liêng của mình, bất luận hoàn cảnh có đáng sợ hay thất vọng đến đâu. Ngày nay, những áp lực và khó khăn chúng ta gặp có thể cũng đáng sợ, gây thất vọng, hay thậm chí chán nản. Cho nên, ta dễ bị cám dỗ bỏ cuộc và trở thành một nạn nhân nữa của Sa-tan. Để đạt mục đích, hắn có thể dùng bất kỳ phương tiện nào có trong tay—thú tiêu khiển hoặc giải trí, thể thao hoặc sở thích riêng, sự nghiệp hay giàu có vật chất. Những kết quả người ta ao ước thường chỉ là những lời hứa hẹn, nhưng ít khi thành hiện thực. Những người bị lừa gạt hoặc bị dẫn dụ vào những con đường như thế cuối cùng thường cảm thấy thất vọng ê chề. Giống như Gia-cốp và Ra-chên thời xưa, chúng ta hãy vun trồng tinh thần phấn đấu nhiệt thành và vượt qua mưu kế của Sa-tan.
Ma-quỉ chỉ muốn thấy chúng ta xuôi tay đầu hàng vì nghĩ rằng ‘hoàn cảnh của mình là vô vọng. Không thể làm gì được. Nỗ lực cũng vô ích’. Vì thế, điều thiết yếu là tất cả chúng ta phải đề phòng tránh thái độ buông xuôi, cho rằng ‘không ai yêu thương mình’ và ‘Đức Giê-hô-va đã quên mình’. Để những tư tưởng như thế chế ngự mình là tự hủy hoại. Chẳng phải điều đó cho thấy chúng ta đã buông trôi, không còn muốn tiếp tục phấn đấu cho đến khi được ban phước sao? Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va chỉ ban phước cho những nỗ lực nhiệt thành.
Hãy tiếp tục phấn đấu để được Đức Giê-hô-va ban phước
Sức khỏe thiêng liêng tùy thuộc phần lớn vào việc chúng ta hiểu rõ về hai sự thật căn bản trong đời sống của tôi tớ Đức Giê-hô-va: (1) Ai cũng gặp vấn đề, bệnh tật hay những khó khăn trong đời sống, và (2) Đức Giê-hô-va lắng nghe lời kêu cầu của những ai thành tâm cầu xin Ngài giúp đỡ và ban ơn.—Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7-10; Gia-cơ 4:8, 10; 1 Phi-e-rơ 5:8, 9.
Dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, hay cho dù bạn cảm thấy mình yếu đuối đến độ nào chăng nữa, đừng đầu hàng “tội-lỗi dễ vấn-vương ta”—tức sự thiếu đức tin. (Hê-bơ-rơ 12:1) Hãy tiếp tục phấn đấu cho đến khi được ban phước. Hãy tỏ ra kiên nhẫn, nhớ rằng Gia-cốp lúc lớn tuổi còn vật lộn suốt đêm để được phước. Như người nông dân gieo giống vào mùa xuân và chờ đến mùa gặt, hãy kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va ban phước cho hoạt động thiêng liêng của bạn, dù bạn cảm thấy hoạt động ấy ít ỏi đến đâu. (Gia-cơ 5:7, 8) Và hãy luôn ghi nhớ lời người viết Thi-thiên: “Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt-hái cách vui-mừng”. (Thi-thiên 126:5; Ga-la-ti 6:9) Hãy đứng vững và tiếp tục ở trong hàng ngũ những người phấn đấu.
[Chú thích]
a Tục đa thê đã có trước giao ước Luật Pháp, được Luật Pháp công nhận và quy định. Đức Chúa Trời thấy chưa thích hợp để lập lại tiêu chuẩn một vợ một chồng như lúc đầu trong vườn Ê-đen cho đến khi Chúa Giê-su Christ xuất hiện. Tuy nhiên, Ngài có những quy định để bảo vệ người vợ thứ. Tục đa thê hiển nhiên đã giúp dân Y-sơ-ra-ên gia tăng dân số nhanh chóng.