Con người có linh hồn bất tử không?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Từ “linh hồn” mà nhiều bản Kinh Thánh tiếng Việt dùng thì trong nguyên ngữ là neʹphesh (tiếng Hê-bơ-rơ) và psy·kheʹ (tiếng Hy Lạp). Từ Hê-bơ-rơ này có nghĩa đen là “một sinh vật thở” và từ Hy Lạp có nghĩa “một sinh vật sống”.a Vì vậy, các từ neʹphesh và psy·kheʹ nói đến toàn bộ sinh vật, chứ không phải điều gì đó bên trong, vẫn tồn tại sau khi thể xác chết. Thế nên, nhiều bản dịch Kinh Thánh dịch hai từ ấy tùy theo văn cảnh, dùng những từ như “sự sống”, “người”, “sinh vật” hoặc “tôi”. Hãy so sánh những câu sau đây trong các bản dịch Kinh Thánh:
Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tạo ra người đàn ông đầu tiên là A-đam, Kinh Thánh nói: “Con người trở thành người sống” (Sáng thế 2:7, Bản Phổ thông). Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, cụm từ “trở thành người sống” là “trở thành neʹphesh sống”. A-đam không được ban cho một linh hồn, nhưng ông trở thành một neʹphesh sống, tức một người sống.
-
Bản Dịch Mới: “Ta sẽ bảo linh hồn [psy·kheʹ] ta: ‘Linh hồn ơi, ngươi đã có lắm của cải tích trữ cho nhiều năm. Vậy hãy nghỉ ngơi, ăn uống và hưởng lạc đi!’. Nhưng Đức Chúa Trời bảo ông ta: ‘Hỡi kẻ khờ dại kia! Đêm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, vậy của cải ngươi sắm sửa đó sẽ thuộc về ai?’”.
Bản Phổ thông: “Rồi ta sẽ tự nhủ rằng, ‘Ta đã trữ đủ mọi vật tốt đủ dùng nhiều năm rồi. Thôi bây giờ hãy nghỉ ngơi, ăn uống và hưởng thụ đi!’. Nhưng Thượng Đế hỏi người ấy rằng, ‘Anh khờ kia ơi! Nếu đêm nay mạng sống anh sẽ bị cất đi thì ai sẽ hưởng những gì anh đã dành cho mình?’”. Trong văn cảnh này, cách dịch của Bản Phổ thông cho thấy psy·kheʹ không có nghĩa là linh hồn..
Những câu Kinh Thánh trên cho thấy neʹphesh hoặc psy·kheʹ là sinh vật sống, có thể làm việc, tích trữ, ăn uống và hưởng thụ. Những hoạt động này liên quan đến toàn bộ con người
Có thể nào neʹphesh hoặc psy·kheʹ cũng bao hàm nghĩa là linh hồn bất tử không?
Không. Neʹphesh hoặc psy·khe′ có thể chết. Nhiều câu Kinh Thánh cho thấy điều đó. Vì thế, hai từ này không thể có nghĩa là linh hồn. Sau đây là một vài ví dụ:
“Người [Neʹphesh] nào phạm tội thì chính người đó sẽ chết”.—Ê-xê-chi-ên 18:4, chú thích.
Một số câu Kinh Thánh dịch từ Hê-bơ-rơ neʹphesh là “xác chết” hoặc “người chết”.—Lê-vi 21:11, BDM; Dân số 6:6, chú thích.
“Thiên sứ thứ hai trút bát của mình xuống biển... và mọi sinh vật [psy·kheʹ] dưới biển đều chết hết”.—Khải huyền 16:3.
Neʹphesh hoặc psy·khe′ có thể nói đến sự sống
Kinh Thánh cũng dùng từ neʹphesh hoặc psy·khe′ để nói đến sự sống. Chẳng hạn, hãy xem một vài ví dụ cho thấy từ Hê-bơ-rơ neʹphesh được dùng tương đương với sự sống:
-
Bản Dịch Mới: “Linh hồn [Neʹphesh] đã đến bờ vực thẳm, mạng sống chờ tử thần rước đi”.
Các Giờ Kinh Phụng Vụ: “Sinh mạng họ gần kề miệng hố, tuy còn sống mà như đã tiêu vong”.
Tương tự thế, Kinh Thánh cho thấy neʹphesh, tức sự sống, của một người có thể bị nguy hiểm hoặc mất đi.
-
Bản Dịch Mới: “Xin cứu linh hồn [neʹphesh] tôi khỏi gươm, mạng sống tôi khỏi móng vuốt loài chó”.
Bản Phổ thông: “Xin hãy cứu tôi khỏi lưỡi gươm; và cứu mạng tôi khỏi loài chó”.
Nơi Giăng 15:13, Chúa Giê-su nói: “Không ai có tình yêu thương lớn hơn người sẵn sàng hy sinh mạng sống [psy·khe′] vì bạn mình”. (Xem chú thích). Rõ ràng, Chúa Giê-su không hy sinh linh hồn mà hy sinh mạng sống vì bạn ngài.
Nhờ xem xét cách dùng từ neʹphesh và psy·khe′ trong những ví dụ trên, chúng ta có thể hiểu đúng những câu mà một số bản Kinh Thánh dịch là “gần trút linh-hồn” hoặc “linh-hồn còn ở trong người” (Sáng thế 35:18; Công vụ 20:10; Bản Truyền thống). Đó là những hình ảnh tu từ cho thấy một người sắp chết hoặc một người đang sống. Một số bản Kinh Thánh dịch Sáng thế 35:18 là Ra-chên “đã hấp hối” (BDM), và Công vụ 20:10 là Ơ-ty-cơ “sống mà” (GKPV).
Niềm tin về linh hồn bất tử bắt nguồn từ đâu?
Niềm tin về linh hồn bất tử trong các đạo thuộc Ki-tô giáo đến từ triết lý Hy Lạp cổ đại, chứ không phải từ Kinh Thánh. Bách khoa từ điển Anh Quốc (Encyclopædia Britannica) cho biết rằng khái niệm linh hồn trong Kinh Thánh muốn nói đến tạo vật có hơi thở, chứ không phải điều gì đó vô hình, tách rời khỏi thể xác, và các giáo hội lấy khái niệm linh hồn tách rời khỏi thể xác từ Hy Lạp cổ đại.
Đức Chúa Trời không chấp nhận việc pha trộn những sự dạy dỗ của ngài với triết lý của loài người, như niềm tin về linh hồn bất tử. Thay vì thế, Kinh Thánh cảnh báo: “Hãy coi chừng để không ai giam cầm anh em bằng các triết lý cùng những tư tưởng gian trá và rỗng tuếch theo truyền thống của loài người”.—Cô-lô-se 2:8.
a Xem The New Brown, Driver, and Briggs Hebrew and English Lexicon of the Old Testament, trang 659, và Lexicon in Veteris Testamenti Libros, trang 627.