Kinh-thánh có tự mâu thuẫn không?
VĂN SĨ Henry Van Dyke có lần đã viết: “Ra đời tại phương Đông và diễn đạt tư tưởng với hình ảnh theo lối phương Đông, Kinh-thánh đi đến khắp nơi trên thế giới và trở nên quen thuộc đối với hết nước này đến nước khác để rồi tìm được nhiều người ưa chuộng mình ở mọi nơi. Kinh-thánh học nói hàng trăm thứ tiếng để kêu gọi lòng con người. Trẻ con nghe kể chuyện Kinh-thánh lấy làm ngạc nhiên và thích thú, và người khôn ngoan suy gẫm, xem các chuyện đó như ngụ ngôn dạy đời. Người ác và kẻ kiêu ngạo đọc lời cảnh cáo của Kinh-thánh thì run sợ, còn đối với người đau khổ và hối hận trong lòng thì Kinh-thánh có giọng nói dịu dàng như mẹ hiền. . . Ai có được kho tàng này thì không nghèo nàn cũng không khổ sở”.
Quả thật Kinh-thánh đã “học nói hàng trăm thứ tiếng”. Ít nhất một trong 66 quyển sách hợp thành Kinh-thánh đã được dịch ra chừng 1.970 thứ tiếng. Hàng triệu người xem Kinh-thánh như là một món quà đến từ Đức Chúa Trời, vui thích đọc Kinh-thánh và thâu thập lợi ích. Tuy nhiên, có người khác lại nói rằng Kinh-thánh chứa đựng những sự mâu thuẫn và do đó Kinh-thánh không đáng tín nhiệm. Sự nghiên cứu kỹ lưỡng tiết lộ điều gì?
Như hình nơi trang bìa cho thấy, Đức Chúa Trời đã dùng những người trung thành để viết Kinh-thánh. Thật thế, sự phân tích kỹ lưỡng Kinh-thánh tiết lộ cho biết rằng có khoảng chừng 40 người viết ra Kinh-thánh trong vòng 16 thế kỷ. Phải chăng họ là văn sĩ chuyên nghiệp? Không. Trong số họ có người chăn chiên, người đánh cá, người thâu thuế, y sĩ, người may lều, thầy tế lễ, nhà tiên tri và vua. Điều họ viết ra thường nói đến những người và phong tục xa lạ đối với chúng ta thuộc thế kỷ 20. Thật ra, chính những người viết Kinh-thánh không luôn luôn hiểu ý nghĩa của những điều họ viết (Đa-ni-ên 12:8-10). Vậy chúng ta chớ nên ngạc nhiên nếu gặp phải vài sự khó khăn khi đọc Kinh-thánh.
Có thể nào giải quyết những điều khó hiểu đó không? Kinh-thánh có tự mâu thuẫn không? Để tìm ra lời giải đáp, chúng ta hãy xem một số thí dụ.
Những điều này có thật khó hiểu không?
▪ Ca-in đã kiếm vợ ở đâu mà ra? (Sáng-thế Ký 4:17).
Người ta có lẽ nghĩ rằng sau khi Ca-in giết em mình là A-bên thì chỉ có một mình hắn là kẻ phạm tội và cha mẹ hắn là A-đam và Ê-va còn sống trên đất. Tuy nhiên, A-đam và Ê-va có gia đình đông đúc. Theo Sáng-thế Ký 5:3, 4, A-đam có một người con tên là Sết. Kinh-thánh kể tiếp: “Sau khi A-đam sanh Sết rồi, còn sống được tám trăm năm, sanh con trai con gái”. Vậy Ca-in cưới em gái hoặc có lẽ cháu gái của hắn. Bởi vì lúc bấy giờ loài người rất gần sự hoàn toàn nên hôn nhân như thế hiển nhiên không có nguy hiểm gì cho sức khỏe, khác với ngày nay khi những người ruột thịt lấy nhau thì sẽ nguy hiểm cho con cái sanh ra.
▪ Ai đã bán Giô-sép xuống Ê-díp-tô?
Sáng-thế Ký 37:27 nói rằng các anh của Giô-sép quyết định bán chàng cho mấy người Ích-ma-ên. Nhưng câu kế tiếp lại nói: “Vả, khi những lái-buôn Ma-đi-an đi ngang qua, các anh kéo Giô-sép lên khỏi hố nước, rồi bán chàng giá hai mươi miếng bạc cho dân Ích-ma-ên đem qua xứ Ê-díp-tô”. Giô-sép bị bán cho người Ma-đi-an hay cho người Ích-ma-ên? Thật ra thì dân Ma-đi-an cũng có thể được gọi là dân Ích-ma-ên, vì họ là bà con xa với nhau qua tổ phụ chung là Áp-ra-ham. Hoặc là các lái buôn Ma-đi-an đi chung với một đoàn người Ích-ma-ên. Dù sao đi nữa, chính các anh của Giô-sép đã bán chàng và sau đó chàng có thể nói với họ: “Tôi là Giô-sép, em mà các anh đã bán đặng bị dẫn qua xứ Ê-díp-tô” (Sáng-thế Ký 45:4).
▪ Bao nhiêu người Y-sơ-ra-ên đã chết vì hành dâm cùng đàn bà Mô-áp và thờ cúng thần Ba-anh-Phê-ô?
Dân-số Ký 25:9 ghi: “Vả, có hai mươi bốn ngàn người chết về tai-vạ nầy [do Đức Chúa Trời gây ra để phạt tội của họ]”. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô nói: “Chúng ta chớ dâm-dục như mấy người trong họ [dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng] đã dâm-dục, mà trong một ngày có hai vạn ba ngàn người bị bỏ mạng” (I Cô-rinh-tô 10:8). Có lẽ từ 23.000 đến 24.000 người bị giết, thành thử con số nào cũng thỏa đáng. Tuy vậy, sách Dân-số Ký đặc biệt cho thấy rằng “các đầu-trưởng của dân-sự” liên can đến tội đó đã bị các quan xét giết (Dân-số Ký 25:4, 5). Có lẽ số các “đầu-trưởng” phạm tội đó là 1.000 người, cọng với 23.000 người mà Phao-lô nêu ra thành 24.000 người tất cả. Trong khi dường như 23.000 người bị Đức Chúa Trời trực tiếp trừng phạt bằng tai vạ, toàn thể 24.000 đó đã chịu tai vạ bởi Đức Giê-hô-va bởi vì mỗi người trong bọn họ đều chết dưới bản án trừng phạt của Ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:3).
▪ Bởi vì A-gát là một người đương thời với vua Sau-lơ của dân Y-sơ-ra-ên, phải chăng việc Ba-la-am trước đó đề cập đến một vua A-ma-léc với tên này là một điều sai lệch?
Vào khoảng năm 1473 trước công nguyên, Ba-la-am nói trước về một vua Y-sơ-ra-ên sẽ “trổi cao hơn A-gát” (Dân-số Ký 24:7). Sau đó không ai nói đến A-gát mãi cho đến triều Vua Sau-lơ (năm 1117-1078 trước công nguyên) (I Sa-mu-ên 15:8). Tuy nhiên, đây không phải là một sự sai lệch, vì “A-gát” có lẽ là một tước hiệu hoàng tộc giống như chức Pha-ra-ôn của Ê-díp-tô. Cũng có thể A-gát là tên riêng mà các vua chúa A-ma-léc khác nhau thường dùng đi dùng lại nhiều lần.
▪ Ai đã xui khiến Đa-vít tu bộ dân Y-sơ-ra-ên?
Sách II Sa-mu-ên 24:1 nói: “Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va lại nổi phừng cùng dân Y-sơ-ra-ên. Có người giục lòng Đa-vít [hay “Đa-vít bị xúi giục”] nghịch cùng chúng mà rằng: Hãy đi tu bộ dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa” (NW). Nhưng không phải chính Đức Giê-hô-va xúi giục Đa-vít phạm tội, vì I Sử-ký 21:1 nói: “Sa-tan [hoặc “một kẻ phản nghịch”] dấy lên muốn làm hại cho Y-sơ-ra-ên, bèn giục Đa-vít lấy số Y-sơ-ra-ên”. Đức Chúa Trời không hài lòng về dân Y-sơ-ra-ên và do đó Ngài đã để cho Sa-tan Ma-quỉ gây ra tội lỗi đó cho họ. Vì lẽ đó II Sa-mu-ên 24:1 nói làm như là chính Đức Chúa Trời gây ra điều đó. Điều đáng chú ý là bản dịch của Joseph B. Rotherham nói: “Nộ khí Yahweh lại bốc cháy trên Y-sơ-ra-ên; Ngài để cho Đa-vít bị xui giục để gây họa cho họ, mà rằng: ‘Hãy đi, làm sổ dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa!’ ”
▪ Làm thế nào một người có thể dung hòa sự khác biệt giữa dân số Y-sơ-ra-ên và Giu-đa mà Đa-vít đếm được?
Sách II Sa-mu-ên 24:9 nói có 800.000 người Y-sơ-ra-ên và 500.000 người Giu-đa trong khi I Sử-ký 21:5 nói có 1.100.000 người Y-sơ-ra-ên và 470.000 người Giu-đa ra trận được. Trong số những người lính chính qui có 288.000 người được xung vào hầu cận vua, chia thành 12 nhóm, mỗi nhóm có 24.000 người và phục dịch vua mỗi năm một tháng. Lại có thêm một nhóm khác gồm 12.000 người phục dịch cho 12 quan trưởng của 12 chi phái, tổng cộng là 300.000 người. Dường như I Sử-ký 21:5 gộp chung 300.000 người này đã được tuyển rồi với 800.000 người kia thành 1.100.000, còn II Sa-mu-ên 24:9 không tính chung hai số đó (Dân-số Ký 1:16; Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:15; I Sử-ký 27:1-22). Về phần Giu-đa, dường như II Sa-mu-ên 24:9 gộp chung 30.000 người lính trinh sát đóng quân dọc biên giới Phi-li-tin, và số người này không được kể nơi I Sử-ký 21:5 (II Sa-mu-ên 6:1). Nếu nhớ rằng II Sa-mu-ên và I Sử-ký đã được hai người khác nhau biên soạn với các quan điểm và mục tiêu khác nhau, chúng ta có thể dễ dàng dung hòa hai bảng thống kê khác biệt này.
▪ Ai là cha của Sa-la-thi-ên?
Một số văn kiện cho thấy Giê-chô-nia (Vua Giê-hô-gia-kin) là cha ruột của Sa-la-thi-ên (I Sử-ký 3:16-18; Ma-thi-ơ 1:12). Nhưng người viết sách Phúc âm Lu-ca gọi Sa-la-thi-ên là “con Nê-ri” (Lu-ca 3:27). Dường như Nê-ri đã gả con gái mình cho Sa-la-thi-ên. Bởi vì người Hê-bơ-rơ thường có tục lệ gọi con rể là con trai, nhất là trong các văn kiện về gia phổ, Lu-ca có thể gọi Sa-la-thi-ên là con trai của Nê-ri một cách chính đáng. Cũng thế, Lu-ca nói về Giô-sép như là con trai của Hê-li, mà kỳ thực Hê-li là cha của Ma-ri, vợ Giô-sép (Lu-ca 3:23).
Dung hòa các đoạn văn liên quan đến Giê-su
▪ Giê-su Christ đã đuổi quỉ ra khỏi bao nhiêu người và để cho các quỉ nhập vào một bầy heo đông?
Người viết sách Phúc âm Ma-thi-ơ nói đến hai người, nhưng Mác và Lu-ca chỉ nói đến một người (Ma-thi-ơ 8:28; Mác 5:2; Lu-ca 8:27). Hiển nhiên, Mác và Lu-ca chỉ chú trọng đến một người bị quỉ ám bởi vì Giê-su nói chuyện với y và trường hợp của y đặc sắc hơn. Có thể là người đó hung bạo hơn hoặc bị quỉ làm khổ lâu hơn. Sau đó, có lẽ chỉ có người đó muốn đi theo Giê-su (Mác 5:18-20). Trong một tình thế từa tựa như vậy, Ma-thi-ơ nói đến việc Giê-su chữa lành cho hai người mù, trong khi Mác và Lu-ca chỉ nói đến một người mà thôi (Ma-thi-ơ 20:29-34; Mác 10:46; Lu-ca 18:35). Điều này không mâu thuẫn, vì ít nhất cũng có một người thể ấy.
▪ Giê-su mặc áo màu gì hôm ngài chết?
Theo Mác (15:17) và Giăng (19:2) các người lính mặc cho Giê-su một cái áo cẩm điều (Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Nhưng Ma-thi-ơ 27:28 (Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn) gọi đó là “một chiếc nhung y đỏ tía”, nhấn mạnh sắc đỏ của cái áo. Bởi vì màu cẩm điều là bất cứ màu gì được pha trộn bởi màu đỏ và màu xanh, Mác và Giăng đồng ý rằng cái áo đó có sắc đỏ. Sự phản chiếu ánh sáng và cái nền ở phía sau có lẽ đã làm cho cái áo có màu sắc khác nhau, và những người viết sách Phúc âm nói đến màu thấy rõ nhất đối với họ hoặc đối với những người kể lại cho họ biết chi tiết đó. Sự khác biệt nhỏ cho thấy người viết có cá tính riêng và chứng tỏ họ không có thông đồng với nhau.
▪ Ai đã vác cây khổ hình cho Giê-su?
Giăng (19:17) nói: “Tự mình vác lấy khổ giá cho mình, [Yêsu] ra đi đến nơi gọi là Gò Sọ, tiếng Hipri gọi là Golgotha” (Yoan 19 17, Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Nhưng Ma-thi-ơ (27:32), Mác (15:21) và Lu-ca (23:26) nói rằng ‘khi họ đi ra, họ bắt được Simôn, người Kyrênê, tự ngoài đồng về, và đặt khổ giá cho ông vác’. Như Giăng cho biết, chính Giê-su vác cây khổ hình. Tuy nhiên, trong lời tường thuật vắn tắt của ông, Giăng không nói thêm rằng sau đó Si-môn bị bắt vác cây khổ hình. Bởi vậy, các sách Phúc âm dung hòa với nhau về điểm này.
▪ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt chết cách nào?
Ma-thi-ơ 27:5 cho biết rằng Giu-đa tự thắt cổ, trong khi Công-vụ các Sứ-đồ 1:18 nói rằng hắn “nhào xuống, nứt bụng và ruột đổ ra hết”. Trong khi Ma-thi-ơ dường như miêu tả cách Giu-đa toan tự tử, Công-vụ các Sứ-đồ diễn tả kết cuộc của sự việc. Có lẽ Giu-đa đã cột một sợi dây thừng vào một nhánh cây, thắt một thòng lọng chung quanh cổ hắn và toan treo cổ bằng cách nhảy xuống một vách đá. Dường như sợi dây đứt hoặc nhánh cây gẫy đi làm cho hắn té nhào xuống đập vào đá và đổ ruột ra chết. Địa thế chung quanh thành Giê-ru-sa-lem khiến cho ta có thể tin được một sự kết luận như thế.
Bạn nghĩ sao về những điều này?
Nếu gặp phải những điều dường như mâu thuẫn với nhau trong Kinh-thánh, chúng ta nên ý thức rằng người ta thường nói những điều có vẻ mâu thuẫn với nhau nhưng dễ giải thích hoặc dễ hiểu. Chẳng hạn, một thương gia có thể liên lạc thư tín với một người nào bằng cách đọc một lá thư cho cô thư ký viết. Nếu ai hỏi, ông sẽ nói chính ông đã gửi lá thư. Nhưng bởi vì cô thư ký đã đánh máy và gửi thư qua bưu điện, cô ấy cũng có thể nói chính cô đã gửi thư đó đi. Cũng thế, không có gì mâu thuẫn khi Ma-thi-ơ (8:5) nói một thầy đội đến xin Giê-su làm ơn, trong khi Lu-ca (7:2, 3) nói rằng ông ấy đã phái những người đại diện.
Các thí dụ kể trên cho thấy rằng những điều khó hiểu trong Kinh-thánh có thể giải thích được. Bởi vậy, ta có lý do tốt để có một thái độ tích cực đối với Kinh-thánh. Ta được khuyến khích nếu có một tinh thần như thế qua những lời đăng trong một cuốn Kinh-thánh cho các gia đình xuất bản năm 1876:
“Tinh thần đúng để đối phó với những điều khó khăn ấy là loại bỏ chúng nếu có thể được, và bám chặt vào cũng như phục tùng lẽ thật, dẫu cho người ta không thể làm tan đi mọi cụm mây che khuất lẽ thật. Chúng ta nên noi theo gương của các sứ đồ. Khi một số môn đồ vấp phạm vì cớ cái mà họ gọi là ‘lời khó nghe’ và lìa bỏ đấng Christ, các sứ đồ trả lời dứt khoát: ‘Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin, và nhận biết Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời’. . . Khi chúng ta thấy một lẽ thật dường như mâu thuẫn với một lẽ thật khác, chúng ta hãy cố gắng hòa giải các lẽ thật đó và cho thấy chúng hòa hợp với tất cả” (Giăng 6:60-69).
Bạn sẽ có lập trường đó không? Sau khi xem xét chỉ một ít thí dụ cho thấy sự hòa hợp của Kinh-thánh, chúng tôi hy vọng bạn đồng ý với người viết Thi-thiên khi ông nói với Đức Chúa Trời: “Đầu mối lời Người chính là sự thật” (Thánh vịnh 119 160 [Thi-thiên 119:160], Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Các Nhân-chứng Giê-hô-va có quan điểm giống như vậy đối với toàn bộ Kinh-thánh và họ sẽ vui mừng nói cho bạn biết lý do khiến họ tin Kinh-thánh. Vậy tại sao bạn không thảo luận với họ về quyển sách vô song này? Có lẽ thông điệp đầy phấn khởi của Kinh-thánh sẽ làm lòng bạn tràn đầy hy vọng và hạnh phúc thật sự.
[Hình nơi trang 7]
Bạn đã hỏi các Nhân-chứng Giê-hô-va tại sao họ tin nơi Kinh-thánh chưa?