Dù đau buồn, chúng ta chẳng phải vô vọng
“Chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn-rầu như người khác không có sự trông-cậy [niềm hy vọng, NW]” (I TÊ-SA-LÔ-NI-CA 4:13).
1. Loài người phải chịu đựng điều gì hằng ngày?
BẠN có bao giờ mất đi một người thân yêu không? Bất kể tuổi tác, phần đông chúng ta đã đau buồn vì mất đi một người thân hoặc một người bạn. Có lẽ người đó là ông hay bà, cha hay mẹ, người hôn phối, hoặc một người con. Tuổi già, bệnh tật và tai nạn thường gây ra sự chết. Tội ác, bạo động và chiến tranh thêm vào nỗi sầu khổ và đau buồn. Mỗi năm trên khắp thế giới, trung bình có hơn 50 triệu người chết. Năm 1993 trung bình mỗi ngày có 140.250 người chết. Sự chết ảnh hưởng bạn bè và gia đình, và làm cho ta có cảm xúc mất mát sâu xa.
2. Tại sao có vẻ không bình thường về việc con cái chết?
2 Chẳng lẽ chúng ta không thông cảm với hai người cha mẹ ở California, Hoa Kỳ, đã mất đi một người con gái đang mang thai trong một tai nạn xe cộ đột ngột? Trong một phút không ngờ, họ mất đi đứa con gái duy nhất và đứa bé sẽ là cháu ngoại đầu tiên của họ. Chồng của nạn nhân mất đi người vợ và đứa con trai hoặc con gái đầu tiên của ông. Việc cha mẹ phải đau khổ vì mất đi một người con, dù đứa con đó còn trẻ hay đã lớn, là điều không bình thường. Con cái chết trước cha mẹ là điều trái tự nhiên. Tất cả chúng ta yêu thích sự sống. Do đó, sự chết thật sự là một kẻ thù (I Cô-rinh-tô 15:26).
Sự chết xâm nhập vào gia đình nhân loại
3. Cái chết của A-bên có lẽ đã ảnh hưởng A-đam và Ê-va như thế nào?
3 Tội lỗi và sự chết đã cai trị như là vua chúa khoảng sáu ngàn năm trong lịch sử nhân loại, kể từ khi thủy tổ của chúng ta là A-đam và Ê-va phản nghịch (Rô-ma 5:14; 6:12, 23). Kinh-thánh không nói cho chúng ta biết họ phản ứng thế nào khi con trai họ là A-bên bị anh là Ca-in giết. Vì nhiều lý do, điều đó chắc là một kinh nghiệm đau thương đối với họ. Đây lần đầu tiên, họ đương đầu với thực tế của sự chết, phản ảnh qua gương mặt của chính con trai họ. Họ thấy hậu quả của việc phản nghịch và việc họ tiếp tục lạm dụng sự tự do lựa chọn. Bất kể lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời, Ca-in đã chọn phạm tội là người đầu tiên giết em. Chúng ta biết Ê-va hẳn bị ảnh hưởng sâu xa về cái chết của A-bên vì khi bà sanh ra Sết, bà nói: “Đức Chúa Trời đã cho tôi một con trai khác thế cho A-bên mà đã bị Ca-in giết rồi” (Sáng-thế Ký 4:3-8, 25).
4. Tại sao chuyện hoang đường về linh hồn bất tử đã không an ủi họ sau cái chết của A-bên?
4 Thủy tổ của chúng ta cũng thấy thực tế về án phạt của Đức Chúa Trời giáng trên họ—là nếu họ phản nghịch và không vâng lời, họ “chắc sẽ chết”. Bất chấp lời dối gạt của Sa-tan, dường như chuyện hoang đường về linh hồn bất tử chưa được phát triển, vì vậy họ không thể tìm được sự an ủi giả tạo nào qua việc đó. Đức Chúa Trời đã nói với A-đam: “Ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”. Ngài không có nói gì về việc hiện hữu trong tương lai như là một linh hồn bất tử ở trên trời, nơi địa ngục, nơi u linh giới, nơi luyện tội, hoặc bất cứ nơi nào khác (Sáng-thế Ký 2:17; 3:4, 5, 19). Là sinh linh phạm tội, cuối cùng A-đam và Ê-va sẽ chết và ngừng hiện hữu. Vua Sô-lô-môn được soi dẫn để viết: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết; vì sự kỷ-niệm họ đã bị quên đi. Sự yêu, sự ghét, sự ganh-gỗ của họ thảy đều tiêu-mất từ lâu; họ chẳng hề còn có phần nào về mọi điều làm ra dưới mặt trời” (Truyền-đạo 9:5, 6).
5. Niềm hy vọng thật sự cho người chết là gì?
5 Những lời đó thật đúng thay! Thật vậy, ai có thể nhớ được tổ tiên sống hai trăm hoặc ba trăm năm về trước? Thường thì ngay cả mồ mả của họ cũng không còn được biết đến hoặc bỏ hoang từ lâu. Phải chăng điều này có nghĩa là không có hy vọng gì cho những người thân yêu đã mất? Không, hoàn toàn không như thế. Ma-thê nói với Giê-su về người anh đã chết là La-xa-rơ: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại” (Giăng 11:24). Người Hê-bơ-rơ tin rằng Đức Chúa Trời sẽ làm người chết sống lại vào một thời kỳ trong tương lai. Tuy thế, điều đó không làm họ khỏi đau buồn khi một người thân yêu mất đi (Gióp 14:13).
Những người trung thành đã đau buồn
6, 7. Áp-ra-ham và Gia-cốp đã phản ứng thế nào về sự chết?
6 Cách đây gần bốn ngàn năm, khi vợ Áp-ra-ham là Sa-ra qua đời, “Áp-ra-ham đến chịu tang cho Sa-ra và than-khóc người”. Người tôi tớ trung thành này của Đức Chúa Trời đã bày tỏ những cảm xúc mất mát sâu xa về người vợ yêu quí và trung thành của ông. Mặc dù là một đại trượng phu, ông không cảm thấy xấu hổ để bày tỏ nỗi đau buồn bằng cách khóc lóc (Sáng-thế Ký 14:11-16; 23:1, 2).
7 Trường hợp của Gia-cốp cũng giống như thế. Khi ông bị gạt, tưởng rằng con trai ông là Giô-sép bị một thú dữ giết, ông phản ứng thế nào? Chúng ta đọc nơi Sáng-thế Ký 37:34, 35: “Người xé quần áo mình ra, lấy bao quấn ngang hông, và để tang lâu ngày cho con trai mình. Hết thảy con trai, con gái hiệp lại an-ủy người, nhưng không chịu; bèn nói rằng: Ta để tang luôn xuống chốn âm-phủ cùng con ta! Ấy đó, cha Giô-sép khóc than chàng như vậy”. Đúng vậy, bày tỏ nỗi đau buồn là điều tự nhiên khi một người thân yêu mất đi.
8. Người Hê-bơ-rơ thường biểu lộ nỗi đau buồn như thế nào?
8 Một số người có lẽ nghĩ rằng theo tiêu chuẩn thời nay hoặc địa phương, thì phản ứng của Gia-cốp là quá lố và áo não. Nhưng ông sống trong một thời kỳ và dưới một nền văn hóa khác. Việc ông biểu lộ nỗi đau thương—lấy bao quấn ngang hông—là lần đầu tiên thực hành này được đề cập trong Kinh-thánh. Tuy nhiên, như được miêu tả trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, người ta cũng biểu lộ sự đau buồn bằng cách than khóc, làm bài ca thương và ngồi trong tro. Hiển nhiên, người Hê-bơ-rơ đã không bị ức chế trong việc bày tỏ nỗi đau buồn chân thành của họ.a (Ê-xê-chi-ên 27:30-32; A-mốt 8:10).
Đau buồn trong thời Giê-su
9, 10. a) Giê-su phản ứng thế nào về cái chết của La-xa-rơ? b) Phản ứng của Giê-su cho ta biết gì về ngài?
9 Chúng ta có thể nói gì về môn đồ thời ban đầu của Giê-su? Thí dụ, khi La-xa-rơ chết, em ông là Ma-thê và Ma-ri than khóc cái chết của ông. Người đàn ông hoàn toàn Giê-su phản ứng thế nào khi đến nhà họ? Lời tường thuật của Giăng nói: “Ma-ri, lúc đã tới nơi Đức Chúa Jêsus đứng, vừa thấy Ngài, thì sấp mình xuống chơn Ngài mà nói rằng: Lạy Chúa, nếu có Chúa đây, thì anh tôi không chết! Đức Chúa Jêsus thấy người khóc, và những người Giu-đa đi với người cũng khóc, bèn đau lòng cảm-động mà phán rằng: Các ngươi đã chôn người ở đâu? Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin hãy lại coi. Đức Chúa Jêsus khóc” (Giăng 11:32-35).
10 “Đức Chúa Jêsus khóc”. Một vài chữ đó cho thấy về nhân tính, lòng trắc ẩn và cảm giác của Giê-su. Mặc hoàn toàn dù ý thức về hy vọng về sự sống lại, “Đức Yêsu đã khóc” (Yoan 11 35, Bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Lời tường thuật nói tiếp rằng những người chứng kiến bàn tán: “Kìa, người yêu La-xa-rơ là dường nào!” Chắc chắn, nếu Giê-su là một người hoàn toàn đã khóc vì mất đi một người bạn, thì ngày nay không có gì là xấu hổ khi một người đàn ông hay đàn bà than khóc (Giăng 11:36).
Có hy vọng gì cho người đã chết?
11. a) Chúng ta có thể học được gì qua gương trong Kinh-thánh về việc đau buồn? b) Tại sao chúng ta không đau buồn như những người không có hy vọng?
11 Chúng ta có thể học được gì qua những gương này trong Kinh-thánh? Đau buồn là điều tự nhiên và ta không nên cảm thấy xấu hổ khi biểu lộ nỗi đau buồn. Ngay cả khi nỗi đau buồn được dịu bớt nhờ hy vọng về sự sống lại, sự chết của một người thân yêu vẫn là một mất mát lớn mà ta cảm thấy sâu xa. Tình bạn thắm thiết và chia sẻ qua bao năm, có lẽ hằng chục năm, chấm dứt một cách đột ngột và bi thảm. Đành rằng chúng ta không đau buồn như những người không có hy vọng hoặc như những người với những hy vọng giả tạo (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13). Ngoài ra, chúng ta không bị lừa gạt bởi bất cứ chuyện hoang đường nào về việc loài người có một linh hồn bất tử hoặc tiếp tục hiện hữu qua sự luân hồi. Chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va đã hứa về ‘trời mới đất mới, là nơi sự công bình ngự trị’ (II Phi-e-rơ 3:13). Đức Chúa Trời “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt [chúng ta], sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi” (Khải-huyền 21:4).
12. Phao-lô biểu lộ đức tin của ông nơi sự sống lại như thế nào?
12 Có hy vọng gì cho những người đã chết?b Phao-lô, người tín đồ viết Kinh-thánh, được soi dẫn để cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng khi ông viết: “Kẻ thù bị hủy-diệt sau-cùng, tức là sự chết” (I Cô-rinh-tô 15:26). Bản dịch Nguyễn thế Thuấn nói: “Địch thù cuối cùng bị hủy ra không là sự chết”. Tại sao Phao-lô có thể chắc chắn như thế? Bởi vì ông đã đổi đạo và được chính Giê-su Christ là đấng đã sống lại từ kẻ chết, dạy dỗ ông (Công-vụ các Sứ-đồ 9:3-19). Cũng vì thế Phao-lô có thể nói: “Vì chưng bởi một người [A-đam] mà có sự chết, thì cũng bởi một người [Giê-su] mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:21, 22).
13. Những người chứng kiến phản ứng thế nào về việc La-xa-rơ sống lại?
13 Sự dạy dỗ của Giê-su cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng lớn trong tương lai. Thí dụ, ngài đã làm gì trong trường hợp của La-xa-rơ? Ngài đi đến bên mộ nơi mà người ta chôn thi thể La-xa-rơ bốn ngày rồi. Ngài thốt ra lời cầu nguyện, “khi ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! Người chết đi ra, chơn tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Jêsus phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi”. Bạn có thể tưởng tượng được sự ngạc nhiên và niềm vui trên gương mặt của Ma-thê và Ma-ri không? Những người láng giềng hẳn ngạc nhiên thay khi họ thấy phép lạ này! Thảo nào những người chứng kiến đặt đức tin nơi Giê-su. Tuy nhiên, những kẻ thù nghịch tôn giáo của ngài “lập mưu giết Ngài” (Giăng 11:41-53).
14. Sự sống lại của La-xa-rơ bảo đảm điều gì?
14 Giê-su làm một phép lạ không thể quên được về sự sống lại trước sự chứng kiến của nhiều người. Đó là một bảo đảm về sự sống lại trong tương lai mà ngài đã tiên tri vào một dịp trước đó, khi ngài nói: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng [Con Đức Chúa Trời] và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét-đoán” (Giăng 5:28, 29).
15. Phao-lô và A-na-nia có bằng chứng nào về Giê-su được sống lại?
15 Như đã nói khi nãy, sứ đồ Phao-lô tin nơi sự sống lại. Dựa trên căn bản nào? Trước đó ông là Sau-lơ, một người bắt bớ khét tiếng đối với tín đồ đấng Christ. Tên và danh tiếng ông làm cho những người tin đạo khiếp sợ. Nói cho cùng, chẳng phải ông là người tán thành việc ném đá Ê-tiên, một tín đồ tử vì đạo sao? (Công-vụ các Sứ-đồ 8:1; 9:1, 2, 26). Tuy thế, trên đường đến Đa-mách, đấng Christ được sống lại làm cho Sau-lơ thức tỉnh, bằng cách làm cho ông tạm thời bị mù. Sau-lơ nghe một tiếng nói với ông: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt-bớ ta? Người thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Chúa phán rằng: Ta là Jêsus mà ngươi bắt-bớ”. Chính đấng Christ được sống lại này hướng dẫn A-na-nia, đang sống ở Đa-mách, đi đến nơi mà Sau-lơ đang cầu nguyện và làm cho ông sáng mắt lại. Như thế, qua kinh nghiệm cá nhân, cả Sau-lơ lẫn A-na-nia đã có nhiều lý do để tin nơi sự sống lại (Công-vụ các Sứ-đồ 9:4, 5, 10-12).
16, 17. a) Làm sao chúng ta biết rằng Phao-lô không tin nơi khái niệm của Hy Lạp về linh hồn bất tử? b) Kinh-thánh cho ta hy vọng vững chắc nào? (Hê-bơ-rơ 6:17-20).
16 Hãy chú ý về cách Sau-lơ, tức sứ đồ Phao-lô, trả lời khi ông bị đưa đến trước quan tổng đốc Phê-lít như là một tín đồ bị bắt bớ của đấng Christ. Chúng ta đọc nơi Công-vụ các Sứ-đồ 24:15: “Tôi có sự trông-cậy nầy nơi Đức Chúa Trời,... tức là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. Hiển nhiên, Phao-lô không tin nơi khái niệm của tà giáo Hy Lạp về một linh hồn bất tử được cho là bước qua một kiếp sống thần thoại nào đó sau khi chết hoặc nơi âm phủ. Ông tin và dạy dỗ người khác đặt đức tin nơi sự sống lại. Đối với một số người, điều này có nghĩa là họ được Đức Chúa Trời ban cho sự sống bất tử để thành những tạo vật thần linh ở trên trời với đấng Christ và còn đa số người khác sống lại trên một trái đất hoàn toàn (Lu-ca 23:43; I Cô-rinh-tô 15:20-22, 53, 54; Khải-huyền 7:4, 9, 17; 14:1, 3).
17 Như thế Kinh-thánh cho chúng ta một lời hứa rõ ràng và niềm hy vọng vững chắc là qua sự sống lại, nhiều người sẽ gặp lại những người thân yêu của họ trên đất nhưng dưới hoàn cảnh rất khác ngày nay (II Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:1-4)
Sự giúp đỡ thực tiễn cho những người đau buồn
18. a) Công cụ hữu ích nào được phát hành tại hội nghị “Kính sợ Đức Chúa Trời”? (Xem khung). b) Giờ đây những câu hỏi nào cần được trả lời?
18 Giờ đây chúng ta có những ký ức và nỗi đau buồn. Chúng ta có thể làm gì để vượt qua giai đoạn đau buồn đầy khó khăn này? Những người khác có thể làm gì để giúp những người đang đau buồn? Hơn nữa, chúng ta có thể làm gì để giúp những người thành thật, không có hy vọng thật sự nào và cũng đau buồn mà chúng ta gặp trong thánh chức rao giảng? Và chúng ta tìm thấy được niềm an ủi nào thêm nữa trong Kinh-thánh về những người thân yêu của chúng ta đã ngủ trong sự chết? Bài kế sẽ đưa ra một số đề nghị.
[Chú thích]
a Muốn biết thêm chi tiết về việc than khóc trong thời Kinh-thánh, xem cuốn Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh-thánh), Quyển 2, trang 446-447, do Hội Tháp Canh xuất bản.
b Muốn biết thêm chi tiết về hy vọng về sự sống lại tìm thấy trong Kinh-thánh, xem cuốn Insight on the Scriptures, Quyển 2, trang 783-793.
Bạn có thể trả lời không?
◻ Tại sao ta có thể nói rằng sự chết là kẻ thù?
◻ Tôi tớ Đức Chúa Trời trong thời Kinh-thánh biểu lộ sự đau buồn như thế nào?
◻ Có hy vọng gì cho người thân yêu đã chết?
◻ Phao-lô có căn bản gì để tin nơi sự sống lại?
[Khung nơi trang 8, 9]
Sự giúp đỡ thực tiễn cho những người đau buồn
Tại hội nghị “Kính sợ Đức Chúa Trời” vào năm 1994-1995, Hội Tháp Canh tuyên bố phát hành một sách mỏng mới tựa đề Khi một người thân yêu chết đi. Sách mỏng đầy khích lệ được soạn để đem đến sự an ủi cho dân ở mọi nước và mọi ngôn ngữ. Như bạn có lẽ đã thấy rồi, sách này trình bày lời giải thích đơn giản trong Kinh-thánh về sự chết và tình trạng của người chết. Còn quan trọng hơn nữa, sách đó cho thấy lời hứa của Đức Chúa Trời, qua Giê-su Christ, về sự sống lại trong địa đàng trên đất được tẩy sạch. Nó thật sự đem đến niềm an ủi cho những người than khóc. Do đó, sách này là một công cụ hữu ích trong thánh chức rao giảng của tín đồ đấng Christ và ta nên dùng để gợi sự chú ý, với kết quả có nhiều học hỏi Kinh-thánh tại nhà riêng. Các câu hỏi được đặt kín đáo trong khung gần cuối mỗi phần như thế ta có thể dễ ôn lại những điểm đã thảo luận với bất cứ người nào thành thật đau buồn.
[Hình nơi trang 8]
Khi La-xa-rơ chết, Giê-su khóc
[Hình nơi trang 9]
Giê-su làm La-xa-rơ sống lại từ kẻ chết
[Nguồn tư liệu nơi trang 7]
First Mourning, do W. Bouguereau, từ miếng kính đầu tiên của Photo-Drama of Creation, 1914