Anh chị có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va không?
“Hãy biến đổi tâm trí mình”.—RÔ 12:2.
BÀI HÁT: 56, 123
1, 2. Khi lớn mạnh về thiêng liêng, chúng ta tập làm điều gì? Hãy minh họa.
Hãy hình dung một em nhỏ được một người tặng quà. Cha mẹ bảo em: “Cám ơn bác đi con”. Em nhỏ làm theo, chủ yếu là vì em được bảo làm thế. Nhưng khi lớn lên, em hiểu tại sao cha mẹ nghĩ rằng việc thể hiện lòng biết ơn là điều quan trọng. Giờ đây, em dễ nói những lời cám ơn chân thành. Tại sao? Vì lòng biết ơn đã trở thành một phần trong lối suy nghĩ của em.
2 Tương tự, lúc đầu khi biết chân lý, chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc làm theo những đòi hỏi cơ bản của Đức Giê-hô-va. Nhưng khi lớn mạnh về thiêng liêng, chúng ta học nhiều hơn về lối suy nghĩ của ngài, gồm những gì ngài thích, những gì ngài không thích và quan điểm của ngài về các vấn đề. Qua việc tập lý luận theo cách của Đức Giê-hô-va và để lối suy nghĩ của ngài ảnh hưởng đến hành động cũng như lựa chọn cá nhân, chúng ta cho thấy mình có cùng lối suy nghĩ với ngài.
3. Tại sao có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va có thể là thách đố?
3 Việc tập có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va mang lại cho chúng ta niềm vui, nhưng cũng có thể là thách đố. Đôi khi, cách lý luận của con người bất toàn cản trở chúng ta có cùng lối suy nghĩ với ngài. Chẳng hạn, có lẽ chúng ta cảm thấy khó hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va về luân lý đạo đức, chủ nghĩa vật chất, công việc rao giảng, lập trường về máu hoặc những điều khác. Chúng ta có thể làm gì? Làm sao để tiếp tục tiến bộ và ngày càng có lối suy nghĩ giống với Đức Chúa Trời? Điều này ảnh hưởng thế nào đến hành động của chúng ta trong hiện tại và tương lai?
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ CÙNG LỐI SUY NGHĨ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI?
4. Việc “biến đổi tâm trí mình” bao hàm điều gì?
4 Đọc Rô-ma 12:2. Trong câu này, sứ đồ Phao-lô cho biết một người cần làm gì để có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va. Bài trước đã giúp chúng ta hiểu rằng để không rập khuôn theo thế gian này, chúng ta phải bác bỏ thái độ và quan điểm của thế gian. Nhưng Phao-lô cũng cho biết chúng ta cần “biến đổi tâm trí mình”. Điều này bao hàm việc học Lời Đức Chúa Trời với mục tiêu hiểu rõ hơn lối suy nghĩ của ngài, suy ngẫm về tư tưởng ấy và điều chỉnh lối suy nghĩ của mình cho phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời.
5. Hãy giải thích sự khác biệt giữa việc đọc lướt qua và học hỏi.
5 Học hỏi bao hàm nhiều hơn là chỉ đọc lướt qua thông tin và đánh dấu câu trả lời. Khi học, chúng ta cần xem xét tài liệu này cho mình biết điều gì về Đức Giê-hô-va, cũng như đường lối và suy nghĩ của ngài. Chúng ta cố gắng hiểu tại sao Đức Chúa Trời bảo mình làm điều này và tránh làm điều kia. Chúng ta cũng nghĩ xem mình cần thay đổi những gì trong suy nghĩ và hành động. Có lẽ chúng ta không thể suy ngẫm về tất cả những điểm này trong mỗi buổi học. Nhưng chúng ta muốn dành thời gian, có thể là nửa buổi học, để suy ngẫm với lòng biết ơn về những gì mình đọc.—Thi 119:97; 1 Ti 4:15.
6. Suy ngẫm về quan điểm của Đức Giê-hô-va mang lại kết quả nào?
6 Việc đều đặn suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời sẽ mang lại kết quả đáng kinh ngạc. Đó là chúng ta sẽ “chứng minh cho chính mình” rằng lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va là hoàn hảo. Chúng ta bắt đầu hiểu quan điểm của ngài, và cuối cùng đồng ý với quan điểm ấy. Tâm trí chúng ta “biến đổi”, và chúng ta sẽ phát triển một lối suy nghĩ mới. Dần dần, chúng ta sẽ có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va.
LỐI SUY NGHĨ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH ĐỘNG
7, 8. (a) Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về của cải vật chất? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Nếu có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ luôn ưu tiên cho điều gì?
7 Lối suy nghĩ của chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc mà còn ảnh hưởng đến hành động của mình (Mác 7:21-23; Gia 2:17). Chúng ta có thể thấy điều này khi xem một số ví dụ. Một ví dụ được đề cập trong các sách Phúc âm cho thấy rõ Đức Chúa Trời có quan điểm nào về của cải vật chất. Chính ngài chọn Giô-sép và Ma-ri để nuôi dạy Con ngài dù họ có hoàn cảnh khiêm tốn (Lê 12:8; Lu 2:24). Khi Chúa Giê-su được sinh ra, Ma-ri “đặt [con] trong máng cỏ vì quán trọ không còn chỗ” (Lu 2:7). Nếu Đức Giê-hô-va muốn thì ngài có thể cung cấp một chỗ tốt hơn để Con ngài chào đời. Nhưng điều quan trọng với ngài là Chúa Giê-su được chăm sóc và nuôi dạy trong một môi trường thiêng liêng tốt.
8 Qua lời tường thuật về sự ra đời của Chúa Giê-su, chúng ta có thể hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va về của cải vật chất. Một số bậc cha mẹ muốn con mình có điều kiện vật chất tốt nhất, ngay cả điều đó gây tổn hại đến thiêng liêng của con. Nhưng rõ ràng, Đức Giê-hô-va xem vấn đề thiêng liêng là điều tối quan trọng. Anh chị có cùng quan điểm với ngài không? Hành động của anh chị cho thấy gì?—Đọc Hê-bơ-rơ 13:5.
9, 10. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về việc khiến người khác vấp ngã?
9 Ví dụ thứ hai là quan điểm của Đức Chúa Trời về việc khiến người khác vấp ngã. Chúa Giê-su nói: “Ai làm vấp ngã một trong những người hèn mọn có đức tin, thà người ấy bị tròng cối đá vào cổ và quăng xuống biển thì tốt hơn cho người” (Mác 9:42). Rõ ràng, đối với Chúa Giê-su, việc khiến người khác vấp ngã là điều rất nghiêm trọng! Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo Cha ngài. Vì thế, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va cũng có cảm xúc mạnh như Chúa Giê-su về những người không quan tâm đến hành động của mình có gây vấp ngã cho một trong những môn đồ của Chúa Giê-su hay không.—Giăng 14:9.
10 Chúng ta có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su không? Hành động của chúng ta cho thấy gì? Chẳng hạn, chúng ta thích kiểu ăn mặc nào đó nhưng có thể sẽ làm cho một số người trong hội thánh thấy khó chịu, hoặc khơi dậy ý tưởng sai trái nơi người khác. Tình yêu thương và lòng quan tâm đến anh em đồng đạo sẽ thôi thúc chúng ta gạt sở thích cá nhân sang một bên không?—1 Ti 2:9, 10.
11, 12. Chúng ta sẽ được bảo vệ thế nào nếu tập ghét điều Đức Giê-hô-va ghét và vun trồng sự tự chủ?
11 Ví dụ thứ ba là Đức Giê-hô-va ghét sự bất chính (Ê-sai 61:8). Dĩ nhiên, ngài biết rằng chúng ta có khuynh hướng làm điều sai trái vì bị di truyền sự bất toàn. Nhưng ngài muốn chúng ta vun trồng quan điểm giống như ngài và ghét sự bất chính. (Đọc Thi thiên 97:10). Suy ngẫm về lý do Đức Giê-hô-va ghét điều xấu sẽ giúp chúng ta có cùng quan điểm với ngài và thêm sức cho chúng ta để kháng cự điều xấu.
12 Vun trồng quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự bất chính cũng sẽ giúp chúng ta nhận ra những thực hành sai trái, dù điều đó không được đề cập cụ thể trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, ngày nay trên thế giới có một điệu nhảy đồi bại và phổ biến được gọi là “lap dance”. Một số người có lẽ bào chữa cho hành vi của mình bằng cách lý luận rằng điệu nhảy đó không hẳn là quan hệ tình dục.a Nhưng Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về hành vi đó? Hãy nhớ rằng ngài ghét mọi điều xấu. Vậy hãy tránh xa những điều sai trái bằng cách vun trồng sự tự chủ và ghét những gì Đức Giê-hô-va ghét.—Rô 12:9.
SUY NGHĨ TRƯỚC VỀ NHỮNG TÌNH HUỐNG TRONG TƯƠNG LAI
13. Tại sao chúng ta nên suy nghĩ trước về quan điểm của Đức Giê-hô-va về những tình huống có thể xảy đến trong tương lai?
13 Khi học hỏi, chúng ta cần xem Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về những tình huống mà mình có thể gặp trong tương lai. Nhờ thế, nếu gặp tình huống đòi hỏi mình quyết định ngay, chúng ta sẽ biết phải làm gì và không quá bất ngờ (Châm 22:3). Hãy xem một số ví dụ trong Kinh Thánh.
14. Chúng ta học được gì từ việc Giô-sép kháng cự cám dỗ của vợ Phô-ti-pha?
14 Bằng cách lập tức bác bỏ cám dỗ đến từ vợ của Phô-ti-pha, Giô-sép cho thấy ông đã suy nghĩ quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự chung thủy trong hôn nhân. (Đọc Sáng thế 39:8, 9). Ông đáp lại vợ của Phô-ti-pha: “Sao tôi có thể làm điều vô cùng xấu xa đó mà phạm tội với Đức Chúa Trời?”. Thật vậy, Giô-sép có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời trong vấn đề này. Còn chúng ta thì sao? Nói sao nếu một đồng nghiệp tán tỉnh anh chị? Hoặc nói sao nếu ai đó nhắn tin sex cho anh chị qua điện thoại di động?b Chúng ta sẽ dễ đứng vững hơn nếu đã biết quan điểm của Đức Giê-hô-va, có cùng quan điểm với ngài và đã quyết định mình sẽ làm gì trong trường hợp đó.
15. Giống như ba người Hê-bơ-rơ, làm thế nào chúng ta có thể giữ trung thành với Đức Giê-hô-va?
15 Giờ đây, hãy xem gương của ba người Hê-bơ-rơ được biết đến là Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô. Khi vua Nê-bu-cát-nết-xa lệnh cho họ thờ phượng pho tượng bằng vàng, họ đã kiên quyết từ chối. Câu trả lời rõ ràng của họ cho thấy họ đã suy nghĩ trước những điều cần làm để giữ trung thành với Đức Giê-hô-va (Xuất 20:4, 5; Đa 3:4-6, 12, 16-18). Giả sử người chủ bảo anh chị góp tiền để tổ chức một ngày lễ dính líu đến tôn giáo sai lầm. Anh chị sẽ làm gì? Thay vì đợi cho đến khi vấn đề xảy ra, chẳng phải tốt hơn là bây giờ mình nên suy nghĩ trước hay sao? Rồi khi gặp tình huống như thế, anh chị sẽ thấy dễ hơn để nói và làm điều đúng, như ba người Hê-bơ-rơ đã làm.
16. Hiểu rõ lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta như thế nào trong việc chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp?
16 Ngoài ra, việc suy nghĩ trước chúng ta cần làm gì để giữ trung thành với Đức Giê-hô-va cũng rất hữu ích trong trường hợp khẩn cấp. Dĩ nhiên, chúng ta kiên quyết không tiếp máu toàn phần hoặc một trong bốn thành phần chính của máu (Công 15:28, 29). Nhưng có một số phương pháp y khoa đòi hỏi mỗi chúng ta phải quyết định dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh phản ánh lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Chắc chắn, thời điểm tốt nhất để quyết định những vấn đề như thế không phải là khi ở trong bệnh viện, là lúc có thể chúng ta cảm thấy đau đớn và bị áp lực phải quyết định gấp. Bây giờ là lúc cần dành thời gian nghiên cứu và điền giấy tờ y khoa hợp pháp, chẳng hạn thẻ không tiếp máu, là thẻ nói lên nguyện vọng của anh chị, đồng thời nói chuyện với bác sĩ.c
17-19. Tại sao học về lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va bây giờ là điều quan trọng? Hãy nêu một tình huống mà chúng ta cần chuẩn bị trước.
17 Cuối cùng, hãy nghĩ đến cách phản ứng mau chóng của Chúa Giê-su trước những lời lệch lạc của Phi-e-rơ: “Sao Chúa lại nghĩ mình phải chịu khổ như vậy?”. Rõ ràng, Chúa Giê-su suy ngẫm nhiều về những gì Đức Chúa Trời muốn ngài làm cũng như những lời tiên tri về đời sống và cái chết của ngài trên đất. Sự hiểu biết này củng cố lòng quyết tâm của Chúa Giê-su trong việc theo đuổi lối sống hy sinh và giữ trung thành với Đức Giê-hô-va.—Đọc Ma-thi-ơ 16:21-23.
18 Ngày nay, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta trở thành bạn của ngài và hết mình thực hiện công việc ngài giao (Mat 6:33; 28:19, 20; Gia 4:8). Như trong trường hợp của Chúa Giê-su, một số người có thiện ý có lẽ cố gắng làm chúng ta lung lay lòng quyết tâm phụng sự Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, nói sao nếu người chủ đề nghị giao cho anh chị một công việc với mức lương hậu hĩnh nhưng lại ảnh hưởng đến các hoạt động thiêng liêng? Hoặc giả sử các em trẻ có cơ hội nhận thêm sự giáo dục nhưng phải xa nhà thì sao? Có phải đến lúc đó, chúng ta mới cầu nguyện, nghiên cứu và nói chuyện với gia đình hoặc trưởng lão trước khi quyết định không? Chẳng phải tốt hơn là bây giờ nên học về lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va về vấn đề đó và cố gắng có cùng lối suy nghĩ với ngài sao? Rồi nếu tình huống như thế xảy ra, chúng ta sẽ dễ kháng cự cám dỗ hơn. Khi chúng ta đã đặt mục tiêu thiêng liêng và có lòng quyết tâm, thì tất cả những gì chúng ta cần làm là đưa ra quyết định mà mình đã suy nghĩ trước.
19 Có thể anh chị nghĩ đến những tình huống khác bất ngờ xảy ra. Dĩ nhiên, chúng ta không thể chuẩn bị cho mọi tình huống. Nhưng nếu suy ngẫm về quan điểm của Đức Giê-hô-va trong lúc học hỏi cá nhân, hẳn chúng ta sẽ nhớ lại và áp dụng những gì mình học khi gặp tình huống cụ thể. Vì thế, hãy xem xét quan điểm của Đức Giê-hô-va về các vấn đề, hãy có cùng quan điểm với ngài và suy ngẫm xem việc có cùng quan điểm với ngài sẽ ảnh hưởng ra sao đến hành động của mình trong hiện tại và tương lai.
LỐI SUY NGHĨ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ TƯƠNG LAI CỦA ANH CHỊ
20, 21. (a) Dưới sự cai trị của Nước Trời, chúng ta sẽ vui hưởng sự tự do nào? (b) Làm thế nào chúng ta có thể có được niềm vui ngay bây giờ?
20 Tất cả chúng ta đều trông mong thế giới mới. Phần lớn chúng ta có hy vọng sống mãi mãi trên đất. Dưới sự cai trị của Nước Trời, nhân loại sẽ được giải thoát khỏi mọi đau khổ trong thế gian này. Trong thế giới mới, con người vẫn có tự do ý chí. Mỗi người sẽ tự do lựa chọn theo ước muốn và sở thích của mình.
21 Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ có sự tự do tuyệt đối. Khi phải lựa chọn giữa điều đúng và điều sai, những người khiêm hòa trong thế giới mới sẽ để luật pháp và lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va hướng dẫn. Điều này sẽ mang lại sự hoan hỉ, vui mừng và bình an dư dật (Thi 37:11). Trong khi chờ đợi thế giới mới đến, chúng ta vẫn có thể có niềm vui khi có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va.
a Lap dance là “điệu nhảy mà vũ công ăn mặc rất hở hang, ngồi trong lòng khách và uốn éo khêu gợi”. Tùy vào tình huống thực tế, người tham gia điệu nhảy này có thể bị xem là phạm tội gian dâm và cần thành lập ủy ban tư pháp. Một tín đồ dính líu đến thực hành này nên xin sự giúp đỡ của trưởng lão.—Gia 5:14, 15.
b Nhắn tin sex là gửi tin nhắn, hình ảnh hoặc video khiêu dâm qua điện thoại di động. Tùy vào tình huống thực tế, có thể cần thành lập ủy ban tư pháp. Có một số thanh thiếu niên nhắn tin sex đã bị truy tố như những tội phạm về tình dục. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập trang web jw.org/vi và đọc bài “Giới trẻ thắc mắc—Tôi nên biết gì về việc nhắn tin sex?”. (Trong mục KINH THÁNH GIÚP BẠN > THANH THIẾU NIÊN).
c Hãy xem thêm những nguyên tắc Kinh Thánh được nói đến trong các ấn phẩm, chẳng hạn sách Hãy luôn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, trg 246-249.