Hãy giải quyết mối bất hòa và đẩy mạnh sự bình an
Giê-hô-va Đức Chúa Trời khuyến giục tín đồ đạo Đấng Ki-tô quý trọng sự bình an và xem sự bình an là điều quan trọng cần theo đuổi. Nhờ sống hòa thuận nên những người thờ phượng thật có dư dật sự bình an. Điều này khiến hội thánh đạo Đấng Ki-tô trở nên thu hút đối với những người ao ước một thế giới không có xung đột.
Chẳng hạn, một thầy pháp nổi tiếng ở Madagascar chứng kiến sự hòa hợp trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va. Ông tự nhủ: “Nếu mình muốn theo một tôn giáo thì đây chính là tôn giáo mình sẽ chọn”. Với thời gian, ông bỏ các thực hành ma thuật, dành vài tháng để chấn chỉnh tình trạng hôn nhân không phù hợp với Kinh Thánh, và trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự bình an.
Như người đàn ông ấy, mỗi năm có hàng ngàn người tìm được sự bình an trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô, là điều họ khao khát bấy lâu. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy rõ khi trong hội thánh có “sự ghen tị cay đắng và ưa tranh cãi” thì tình bạn có thể bị hủy hoại và nhiều vấn đề nảy sinh (Gia 3:14-16). Đáng mừng là Kinh Thánh cũng đưa ra lời khuyên hữu ích giúp chúng ta tránh những vấn đề ấy và củng cố sự bình an. Hãy xem một số kinh nghiệm có thật cho thấy lợi ích của lời khuyên ấy.
VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP
“Tôi thấy khó làm việc chung với một đồng nghiệp cũng là Nhân Chứng. Một lần, khi chúng tôi lớn tiếng với nhau, có hai người đến và thấy chúng tôi đang giận dữ”.—ANH CHRIS.
“Một chị mà tôi thường đi rao giảng chung bỗng ngưng hẹn đi thánh chức với tôi. Rồi chị ấy không nói chuyện với tôi nữa. Tôi không hề biết lý do”.—CHỊ JANET.
“Tôi đang trong cuộc điện thoại ba người. Một người nói tạm biệt, và tôi nghĩ người ấy đã cúp máy. Rồi tôi nói không tốt về người ấy với người còn lại trong cuộc gọi, nhưng người kia vẫn đang nghe máy”.—ANH MICHAEL.
“Trong hội thánh chúng tôi, có hai chị tiên phong bắt đầu có vấn đề với nhau. Người này trách móc người kia. Cuộc cãi lộn của họ khiến người khác ngã lòng”.—ANH GARY.
Có thể anh chị thấy những vấn đề trên là nhỏ nhặt. Tuy nhiên, mỗi trường hợp có thể gây tổn thương lâu dài về thiêng liêng và cảm xúc đối với người liên quan. Anh chị sẽ vui khi biết rằng những người ấy đã hòa thuận trở lại bằng cách để Kinh Thánh hướng dẫn. Anh chị nghĩ họ đã áp dụng thành công sự hướng dẫn nào của Kinh Thánh?
“Đừng giận nhau dọc đường” (Sáng 45:24). Giô-sép cho các anh em ruột lời khuyên ấy khi họ trở về với cha. Quả là lời khuyên khôn ngoan! Khi một người không kiềm chế cảm xúc và dễ bực bội, người ấy có thể khiến người khác cũng nổi giận. Anh Chris nhận ra những nhược điểm của mình là kiêu ngạo và không muốn nhận sự chỉ dẫn. Vì muốn thay đổi nên anh xin lỗi người mà anh đang xích mích, rồi cố gắng kiềm chế cơn giận. Thấy anh Chris nỗ lực thay đổi, người bạn đồng nghiệp ấy cũng điều chỉnh chính mình. Giờ đây, họ vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va cùng nhau.
“Đâu không có bàn bạc, đó kế hoạch thất bại” (Châm 15:22). Chị Janet kết luận rằng chị cần chú tâm đến sự thật đó nhiều hơn. Chị quyết định “bàn bạc”, hay nói chuyện với chị kia. Trong cuộc nói chuyện, chị Janet tế nhị mời chị kia cởi mở nói ra hết những cảm xúc oán giận. Lúc đầu, cuộc nói chuyện ấy có phần căng thẳng, nhưng tình hình khá hơn khi họ bình tĩnh nói chuyện về vấn đề. Chị kia phát hiện ra mình đã hiểu lầm một vấn đề chẳng liên quan gì đến chị Janet. Chị ấy đã xin lỗi, và họ lại chung vai sát cánh phụng sự Đức Giê-hô-va.
“Nếu anh em mang lễ vật đến bàn thờ và tại đó chợt nhớ một người anh em có điều gì bất bình với mình, thì hãy để lễ vật nơi bàn thờ mà đi làm hòa với người đó trước” (Mat 5:23, 24). Có thể anh chị nhớ lời khuyên ấy của Chúa Giê-su trong Bài giảng trên núi. Anh Michael cảm thấy suy sụp khi nhận ra mình đã vô tâm và thiếu tử tế đến mức nào. Anh quyết tâm làm hòa. Anh đến gặp người mà anh làm tổn thương và khiêm nhường xin lỗi. Kết quả là gì? Anh Michael nói: “Người anh em của tôi thành thật tha lỗi cho tôi”. Tình bạn của họ đã được hàn gắn.
“Hãy tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau cho dù có lý do để phàn nàn về người khác” (Cô 3:12-14). Trong trường hợp của hai chị tiên phong lâu năm, một trưởng lão nhân từ đã giúp họ suy ngẫm những câu hỏi như: “Chúng tôi có quyền làm người khác buồn vì sự bất hòa giữa chúng tôi không? Chúng tôi có lý do chính đáng để không chịu đựng nhau và ngưng phụng sự trong sự hòa thuận không?”. Họ chấp nhận lời khuyên của anh trưởng lão và áp dụng. Giờ đây, họ hòa hợp trong công việc rao giảng tin mừng.
Việc áp dụng sự hướng dẫn của Kinh Thánh nơi Cô-lô-se 3:12-14 có thể là sự khởi đầu tốt nếu có ai đó làm anh chị tổn thương. Nhiều người thấy rằng với sự khiêm nhường, họ có thể đơn giản là tha thứ và quên đi. Nếu sau khi đã nỗ lực mà vẫn thấy chưa thể làm thế thì anh chị có thể áp dụng nguyên tắc nơi Ma-thi-ơ 18:15 không? Lời khuyên của Chúa Giê-su trong câu này nói đến một bước mà người phạm tội trọng với người khác cần thực hiện. Nhưng trên nguyên tắc, có thể đó là điều anh chị cần làm. Anh chị chỉ cần đến gặp người kia, cố gắng thảo luận và giải quyết vấn đề với thái độ tử tế và khiêm nhường.
Dĩ nhiên, Kinh Thánh còn đưa ra những lời đề nghị thực tế khác. Về cơ bản, nhiều đề nghị trong đó bao hàm việc thể hiện “bông trái của thần khí là yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, tốt lành, đức tin, mềm mại, tự chủ” (Ga 5:22, 23). Như dầu bôi trơn máy, những phẩm chất tin kính ấy giúp chúng ta kiến tạo sự hòa thuận một cách trơn tru.
CÁ TÍNH KHÁC NHAU TẠO NÊN SỰ ĐA DẠNG TRONG HỘI THÁNH
Cá tính là tính cách và nét đặc trưng của mỗi người. Cá tính khác nhau có thể làm cho tình bạn thú vị, nhưng cũng có thể dẫn đến bất hòa. Một trưởng lão có kinh nghiệm đã đưa ra ví dụ này: “Một người nhút nhát có thể thấy khó kết hợp với người cởi mở và nồng nhiệt. Sự khác biệt đó dường như nhỏ nhặt nhưng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng”. Tuy nhiên, anh chị nghĩ chắc chắn sẽ có vấn đề giữa những người có cá tính khác nhau không? Hãy xem trường hợp của hai sứ đồ. Phi-e-rơ là người như thế nào? Có thể anh chị nghĩ ông là người trực tính và hấp tấp. Còn Giăng thì sao? Có lẽ chúng ta hình dung ông là người yêu thương và thường thận trọng trong lời nói và hành động. Cũng có cơ sở để chúng ta nghĩ như thế về hai sứ đồ. Dường như họ có cá tính khác nhau, dù vậy họ vẫn hòa hợp khi làm việc chung (Công 8:14; Ga 2:9). Vì thế, ngày nay các tín đồ có cá tính khá khác nhau vẫn có thể làm việc chung.
Trong hội thánh, có lẽ lời nói và hành động của người nào đó khiến anh chị bực bội. Dù vậy, anh chị ý thức rằng Đấng Ki-tô đã chết cho người đó và anh chị phải thể hiện tình yêu thương (Giăng 13:34, 35; Rô 5:6-8). Thế nên, thay vì không muốn làm bạn hay gặp mặt người đó, hãy tự hỏi: “Người ấy có làm điều gì thật sự trái với Kinh Thánh không? Người ấy có cố tình làm mình khó chịu không? Hay chỉ do mình và người ấy có cá tính khác nhau?”. Câu hỏi trọng yếu là: “Người ấy có những đức tính tốt nào mà mình có thể học hỏi?”.
Câu hỏi đó rất quan trọng. Nếu người ấy hay nói còn anh chị thì ít nói, hãy nghĩ đến việc người ấy dễ dàng bắt chuyện trong thánh chức ra sao nhờ tính đó. Anh chị có thể mời người ấy cùng đi rao giảng và xem mình có thể học được gì. Nếu người ấy thường tỏ lòng rộng rãi với người khác trong khi mình hơi keo kiệt, sao không nghĩ đến niềm vui của việc ban cho các anh chị lớn tuổi, người bệnh hay người thiếu thốn? Tóm lại, dù có cá tính khác nhau, anh chị vẫn có thể đến gần người ấy bằng cách tập trung vào điều tích cực. Khi làm thế, dù cho anh chị và người ấy không trở thành bạn thân, nhưng ít nhất cũng có thể xích lại gần nhau và khiến cho sự bình an của chính mình và của cả hội thánh gia tăng.
Có thể Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ có cách cư xử hoặc cá tính khác hẳn nhau. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô khuyến khích họ “có cùng tư tưởng trong Chúa” (Phi-líp 4:2). Tương tự, anh chị có nỗ lực để đạt mục tiêu ấy, đồng thời đẩy mạnh sự bình an không?
ĐỪNG ĐỂ SỰ BẤT HÒA TIẾP DIỄN
Như cỏ dại mọc hoang trong vườn hoa, những cảm xúc tiêu cực về người khác hẳn sẽ tệ hại hơn nếu không cố gắng loại bỏ. Khi sự cay đắng chế ngự lòng một người, nó có thể ảnh hưởng đến tinh thần của hội thánh. Nếu yêu mến Đức Giê-hô-va và anh em, chúng ta sẽ cố gắng hết sức để sự khác biệt về nhân cách không phá vỡ hoặc làm xói mòn sự bình an của dân Đức Chúa Trời.
Khi giải quyết những mối bất hòa hoặc mâu thuẫn với mục tiêu là tạo sự hòa thuận, có thể chúng ta sẽ bất ngờ trước kết quả mỹ mãn nhận được. Hãy xem kinh nghiệm của một chị Nhân Chứng. Chị nói: “Tôi cảm thấy một chị đối xử với tôi như thể tôi là đứa trẻ. Tôi rất khó chịu về điều đó. Khi sự bực bội chồng chất, tôi bắt đầu cộc cằn với chị ấy. Tôi nghĩ: ‘Chị ấy không tôn trọng mình nên mình sẽ không tôn trọng chị ấy’”.
Chị Nhân Chứng này bắt đầu nghĩ về hành động của chính mình. Chị nói: “Tôi bắt đầu thấy khuyết điểm của mình, và rất thất vọng về bản thân. Tôi nhận ra rằng mình phải điều chỉnh suy nghĩ. Sau khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về vấn đề này, tôi mua một món quà nhỏ tặng chị ấy và viết một tấm thiệp xin lỗi vì thái độ không tốt của mình. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau và đồng ý quên đi chuyện ấy. Kể từ đó, chúng tôi không có vấn đề nào khác”.
Người ta rất cần sự bình an. Tuy nhiên, khi có người đụng chạm đến địa vị và lòng tự ái của họ thì nhiều người sẵn sàng khiêu chiến. Đó là cách phản ứng của nhiều người không thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng trong vòng những người thờ phượng mang danh ngài thì sự bình an và hợp nhất phải chiếm ưu thế. Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, Phao-lô viết: “Tôi... nài xin anh em sống xứng đáng với ơn được gọi, cùng với lòng hết sức khiêm nhường và mềm mại, kiên nhẫn, chịu đựng nhau bằng tình yêu thương, cố gắng hết sức gìn giữ sự hiệp một có được nhờ thần khí trong mối liên kết của sự hòa thuận” (Ê-phê 4:1-3). “Mối liên kết của sự hòa thuận” là điều vô giá. Vậy, hãy quyết tâm củng cố mối liên kết ấy và giải quyết bất kể sự bất hòa nào có thể nảy sinh giữa chúng ta.