“Mắt đền mắt” có nghĩa gì?
Câu trả lời của Kinh Thánh
“Mắt đền mắt” là điều luật nằm trong bộ Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Do Thái thời xưa qua Môi-se. Câu này cũng được Chúa Giê-su trích dẫn trong Bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5:38; Xuất Ai Cập 21:24, 25; Phục truyền luật lệ 19:21). Nó có nghĩa là hình phạt phải tương xứng với thiệt hại mà kẻ phạm tội đã gây ra.a
Điều luật này áp dụng trong trường hợp một người cố tình làm hại người khác. Luật pháp Môi-se quy định như sau về kẻ cố tình làm hại người khác: “Chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng; kẻ đó phải chịu cùng loại thương tích mà mình đã gây ra”.—Lê-vi 24:20.
Mục đích của điều luật “mắt đền mắt” là gì?
Điều luật này được đặt ra không phải là để cho phép một người tự thực thi công lý, nhưng để giúp các quan án được bổ nhiệm đưa ra hình phạt thích đáng, không quá nặng cũng không quá nhẹ.
Điều luật này cũng là để ngăn người ta cố ý làm hại người khác hoặc âm mưu làm thế. Luật pháp giải thích: “Những người khác sẽ nghe về điều đó [trường hợp công lý của Đức Chúa Trời được thi hành] và sợ hãi, họ sẽ không bao giờ làm bất cứ điều ác nào giống như vậy giữa anh em nữa”.—Phục truyền luật lệ 19:20.
Điều luật “mắt đền mắt” có áp dụng cho tín đồ Ki-tô giáo không?
Không, tín đồ Ki-tô giáo không cần giữ điều luật này. Nó thuộc về Luật pháp Môi-se, là bộ luật đã bị xóa bỏ khi Chúa Giê-su hy sinh mạng sống.—Rô-ma 10:4.
Dù vậy, điều luật này giúp chúng ta hiểu rõ hơn quan điểm của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, nó cho thấy ngài xem trọng công lý (Thi thiên 89:14). Nó cũng cho thấy tiêu chuẩn của ngài về công lý, đó là người phạm tội phải bị sửa phạt đúng mức.—Giê-rê-mi 30:11.
Quan niệm sai về điều luật “mắt đền mắt”
Quan niệm sai: “Mắt đền mắt” là luật man rợ.
Sự thật: Các quan án không được áp dụng luật này một cách cứng nhắc và tàn nhẫn. Cách áp dụng đúng là họ phải xem xét yếu tố liên quan và động cơ của người phạm tội trước, rồi mới đưa ra hình phạt (Xuất Ai Cập 21:28-30; Dân số 35:22-25). Vì thế, điều luật này giúp tránh đưa ra những hình phạt quá nặng so với tội.
Quan niệm sai: “Mắt đền mắt” là luật cho phép báo thù không giới hạn.
Sự thật: Chính Luật pháp Môi-se nói: “Ngươi không được trả thù hay căm giận người trong dân mình” (Lê-vi 19:18). Luật pháp Môi-se không khuyến khích người dân báo thù, mà ngược lại khuyên họ tin cậy nơi Đức Chúa Trời và nơi hệ thống pháp luật được ngài cho thẩm quyền thực thi công lý.—Phục truyền luật lệ 32:35.
a Nguyên tắc này, còn gọi là lex talionis (nghĩa là luật báo trả) trong tiếng La-tinh, cũng có trong những bộ luật của một số xã hội cổ xưa.