Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 7-13 THÁNG 9
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | XUẤT AI CẬP 23, 24
“Đừng hùa theo đám đông”
it-1-E trg 11
A-rôn
Điều đáng chú ý là trong ba lần phạm lỗi, có vẻ như A-rôn không phải là chủ mưu, nhưng dường như ông để cho áp lực của hoàn cảnh hoặc của người khác khiến mình đi chệch khỏi đường đúng. Đặc biệt trong lần đầu tiên, lẽ ra ông đã có thể áp dụng nguyên tắc của mệnh lệnh này: “Ngươi không được hùa theo đám đông làm điều ác” (Xu 23:2). Dù vậy, sau này tên của ông vẫn được Kinh Thánh dùng một cách tôn trọng, và trong thời gian sống trên đất, Con Đức Chúa Trời đã công nhận tính hợp pháp của chức tế lễ dòng A-rôn.—Th 115:10, 12; 118:3; 133:1, 2; 135:19; Mat 5:17-19; 8:4.
it-1-E trg 343 đ. 5
Đui mù
Đui mù hoặc mờ mắt đôi khi được dùng làm hình ảnh tượng trưng cho sự băng hoại về công lý do sự tham nhũng. Nhiều lời khuyến giục trong Luật pháp cho thấy việc hối lộ, quà cáp hoặc thành kiến là sai vì có thể làm mờ mắt quan án và dễ khiến họ xét xử thiên vị. “Vật hối lộ làm mờ mắt người sáng suốt” (Xu 23:8). “Vật hối lộ làm mờ mắt người khôn ngoan” (Phu 16:19). Dù ngay thẳng và sáng suốt đến đâu, một quan xét cũng có thể cố tình hoặc ngay cả vô tình xét xử bất công bởi quà cáp của những người có liên quan trong vụ kiện. Luật pháp Đức Chúa Trời cũng cho biết rằng ngoài quà cáp, tình cảm cũng có thể làm mờ mắt quan xét vì trong đó nói: “Ngươi không được thiên vị người nghèo hay vị nể người giàu” (Lê 19:15). Thế nên, một quan xét không được dựa vào tình cảm hoặc vì muốn lấy lòng đám đông mà đối xử bất công với người giàu chỉ vì họ giàu.—Xu 23:2, 3.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 393
Mi-ca-ên
1. Thiên sứ thánh duy nhất được nhắc tên trong Kinh Thánh, ngoài Gáp-ri-ên, và là thiên sứ duy nhất được gọi là “thiên sứ trưởng” (Giu 9). Tên Mi-ca-ên xuất hiện lần đầu tiên trong chương mười của sách Đa-ni-ên. Trong chương đó, ngài được miêu tả là “một trong những thủ lĩnh hàng đầu”, và đến trợ giúp thiên sứ dưới quyền đang bị “thủ lĩnh của vương quốc Ba Tư” chống đối. Mi-ca-ên được gọi là “thủ lĩnh của [dân của Đa-ni-ên]” và “thủ lĩnh vĩ đại đang đứng thay mặt cho dân của [Đa-ni-ên]” (Đa 10:13, 20, 21; 12:1). Điều này cho thấy Mi-ca-ên chính là thiên sứ dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi qua hoang mạc (Xu 23:20, 21, 23; 32:34; 33:2). Ngoài ra, sự kiện “thiên sứ trưởng Mi-ca-ên tranh cãi với Ác Quỷ về thi thể của Môi-se” cũng ủng hộ kết luận này.—Giu 9.
NGÀY 14-20 THÁNG 9
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | XUẤT AI CẬP 25, 26
“Vật quan trọng nhất trong lều thánh”
it-1-E trg 165
Hòm Giao Ước
Kiểu mẫu và cách thiết kế. Khi hướng dẫn Môi-se dựng lều thánh, điều đầu tiên Đức Giê-hô-va ban cho ông là kiểu mẫu và cách thiết kế của Hòm Giao Ước, vì đó là vật quan trọng nhất trong lều thánh và cả trại của Y-sơ-ra-ên. Hòm dài 2,5 cu-bít, rộng 1,5 cu-bít và cao 1,5 cu-bít (111 × 67 × 67cm). Hòm được làm bằng gỗ cây keo, dát vàng ròng bên ngoài lẫn bên trong, và có “một đường viền bằng vàng xung quanh”. Phần thứ hai của hòm là nắp, được làm bằng vàng ròng, chứ không chỉ là gỗ dát vàng, đậy kín chiều dài và chiều rộng của hòm. Trên nắp có hai chê-rúp bằng vàng do búa tạo hình, mỗi chê-rúp ở một đầu. Hai chê-rúp được đặt đối diện nhau, mặt hướng xuống và giương cánh về phía trước để che phủ hòm (Xu 25:10, 11, 17-22; 37:6-9). Nắp này cũng được gọi là “nắp cầu hòa”.—Hê 9:5.
it-1-E trg 166 đ. 2
Hòm Giao Ước
Hòm Giao Ước là vật thánh để chứa những vật nhắc nhở hoặc chứng tích, trong đó có những vật quan trọng là hai Bảng Chứng Tích, hay Mười Điều Răn (Xu 25:16). Trong hòm cũng có ‘cái bình bằng vàng đựng ma-na và cây gậy trổ hoa của A-rôn’ nhưng về sau được lấy ra vào thời điểm nào đó trước khi đền thờ Sa-lô-môn được xây (Hê 9:4; Xu 16:32-34; Dân 17:10; 1V 8:9; 2Sử 5:10). Ngay trước khi qua đời, Môi-se đưa “sách Luật pháp” cho các thầy tế lễ Lê-vi và dặn họ là nên đặt nó, không phải bên trong, mà ở “bên cạnh hòm của giao ước Giê-hô-va Đức Chúa Trời, nó sẽ làm chứng chống lại anh em”.—Phu 31:24-26.
it-1-E trg 166 đ. 3
Hòm Giao Ước
Gắn liền với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Hòm Giao Ước gắn liền với sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong suốt thời gian hòm này tồn tại. Đức Giê-hô-va hứa: “Ta sẽ hiện đến và phán cùng con từ trên nắp hòm. Từ giữa hai chê-rúp trên nắp Hòm Chứng Tích”. “Ta sẽ hiện ra trong đám mây trên nắp hòm” (Xu 25:22; Lê 16:2). Sa-mu-ên viết rằng Đức Giê-hô-va “ngự trên ngai phía trên các chê-rúp” (1Sa 4:4); nên các chê-rúp là “biểu tượng của cỗ xe” ngài (1Sử 28:18). Vì thế, “mỗi khi vào lều hội họp để thưa chuyện với Đức Chúa Trời, Môi-se đều nghe có tiếng nói với mình từ trên nắp Hòm Chứng Tích; ngài phán với ông từ giữa hai chê-rúp” (Dân 7:89). Sau này, Giô-suê và thầy tế lễ thượng phẩm Phi-nê-a cũng cầu hỏi Đức Giê-hô-va trước hòm này (Gs 7:6-10; Qu 20:27, 28). Tuy nhiên, chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mới vào Gian Chí Thánh và nhìn thấy Hòm Giao Ước vào một ngày trong năm, không phải để thưa chuyện với Đức Giê-hô-va nhưng để thực hiện nghi thức của ngày Lễ Chuộc Tội.—Lê 16:2, 3, 13, 15, 17; Hê 9:7.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 432 đ. 1
Chê-rúp
Các tượng chê-rúp nằm trong số những vật dụng của lều thánh được dựng trong hoang mạc. Trên hai đầu của nắp hòm là hai chê-rúp bằng vàng do búa tạo hình. Hai chê-rúp được đặt đối diện nhau, và mặt hướng xuống nắp hòm cho thấy thái độ thờ phượng. Mỗi chê-rúp có hai cánh giương về phía trước để che nắp hòm, cho thấy sự canh gác và bảo vệ (Xu 25:10-21; 37:7-9). Ngoài ra, mặt trong của những tấm vải lều và bức màn ngăn cách giữa Gian Thánh và Gian Chí Thánh được thêu hình các chê-rúp.—Xu 26:1, 31; 36:8, 35.
it-2-E trg 936
Bánh dâng hiến
Mười hai cái bánh được đặt trên bàn trong Gian Thánh của lều thánh hay đền thờ và được thay mới vào mỗi ngày Sa-bát (Xu 35:13; 39:36; 1V 7:48; 2Sử 13:11; Nê 10:32, 33). Cụm từ Hê-bơ-rơ được dịch “bánh dâng hiến” có nghĩa đen là “bánh của mặt”. Từ “mặt” đôi khi cũng nói đến “sự hiện diện”, nên bánh ấy ở trước mặt Đức Giê-hô-va, luôn được dâng cho ngài (Xu 25:30). Bánh dâng hiến cũng được gọi là “bánh tầng” (2Sử 2:4) và “bánh trưng bày” (Mác 2:26, chú thích).
NGÀY 21-27 THÁNG 9
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | XUẤT AI CẬP 27, 28
“Chúng ta học được gì từ y phục của thầy tế lễ?”
it-1-E trg 849 đ. 3
Trán
Thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên. Trên khăn vấn của thầy tế lễ thượng phẩm Y-sơ-ra-ên có một tấm bằng vàng ở phía trước trán, là “dấu hiệu thánh của sự dâng hiến”, trên đó có khắc dòng chữ “Sự thánh khiết thuộc về Đức Giê-hô-va” (Xu 28:36-38; 39:30). Là người đại diện chính của dân Y-sơ-ra-ên trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, thầy tế lễ thượng phẩm phải giữ cho chức vụ của mình luôn thánh, và dòng chữ khắc ấy cũng nhắc nhở toàn thể dân Y-sơ-ra-ên rằng họ phải luôn nên thánh khi phụng sự ngài. Tấm bằng vàng cùng dòng chữ là hình ảnh thích hợp cho Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vĩ đại, Chúa Giê-su Ki-tô, và việc ngài được Đức Giê-hô-va biệt riêng ra cho chức tế lễ để ủng hộ sự thánh khiết của Cha.—Hê 7:26.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 1130 đ. 2
Thánh
Con vật và sản vật. Những con bò đực đầu lòng, cừu đực đầu lòng và dê đầu lòng được Đức Giê-hô-va xem là thánh và không được chuộc lại. Chúng được dâng làm vật tế lễ và một phần của chúng thuộc về các thầy tế lễ đã được biệt riêng ra thánh (Dân 18:17-19). Sản vật đầu mùa và thuế một phần mười là thánh, cũng như tất cả các vật tế lễ và lễ vật được biệt riêng ra thánh cho việc phục vụ tại nơi thánh (Xu 28:38). Bất cứ điều gì mà Đức Giê-hô-va xem là thánh thì đều là thánh và không được xem thường, cũng không được dùng vào mục đích thông thường hoặc một cách bất kính. Một ví dụ là điều luật về thuế một phần mười. Nếu một người dành ra một phần sản vật để làm thuế một phần mười, chẳng hạn như lúa mì, nhưng sau đó người ấy hoặc người nhà vô ý lấy một ít trong đó để dùng, chẳng hạn để nấu ăn, thì người đó vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời về các vật thánh. Luật pháp đòi hỏi người ấy phải bồi thường cho nơi thánh một lượng tương đương cộng thêm 20% giá trị của nó, đồng thời phải dâng một con cừu đực khỏe mạnh trong bầy làm lễ vật. Vì thế, các vật thánh thuộc về Đức Giê-hô-va phải được đặc biệt tôn trọng.—Lê 5:14-16.
NGÀY 28 THÁNG 9–NGÀY 4 THÁNG 10
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | XUẤT AI CẬP 29, 30
“Phần đóng góp dâng cho Đức Giê-hô-va”
it-2-E trg 764, 765
Đăng ký
Tại Si-nai. Lần đăng ký đầu tiên theo lệnh Đức Giê-hô-va xảy ra khi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại tại Si-nai vào tháng thứ hai của năm thứ hai sau khi họ ra khỏi Ai Cập. Để hỗ trợ Môi-se, trong mỗi chi phái có một thủ lĩnh được chọn để đảm nhận trách nhiệm này và giám sát việc đăng ký của chi phái mình. Theo đòi hỏi của Luật pháp, tất cả người nam từ 20 tuổi trở lên không chỉ đăng ký để phục vụ trong quân đội, mà còn phải nộp thuế thân là nửa siếc-lơ (khoảng 1,10 đô-la Mỹ) cho việc phục vụ tại lều thánh (Xu 30:11-16; Dân 1:1-16, 18, 19). Tổng số người đăng ký là 603.550 người, không kể người Lê-vi, là những người không có phần thừa kế trong xứ. Người Lê-vi không phải nộp thuế lều thánh, cũng không phải phục vụ trong quân đội.—Dân 1:44-47; 2:32, 33; 18:20, 24.
it-1-E trg 502
Đóng góp
Một số loại đóng góp được quy định trong Luật pháp. Khi Môi-se thống kê dân số của Y-sơ-ra-ên, mỗi người nam từ 20 tuổi trở lên phải trả một giá chuộc mạng sống của mình là “nửa siếc-lơ [khoảng 1,10 đô-la Mỹ] theo siếc-lơ chuẩn của nơi thánh”. Đó là “phần đóng góp cho Đức Giê-hô-va” để chuộc mạng sống của họ và “dùng cho việc phục vụ lều hội họp” (Xu 30:11-16). Theo sử gia Do Thái Josephus (The Jewish War, VII, 218 [vi, 6]), từ đó trở đi, “tiền thuế thánh” này được nộp hằng năm.—2Sử 24:6-10; Mat 17:24.
it-1-E trg 1029 đ. 4
Tay
Phép đặt tay. Ngoài việc cầm nắm, tay được đặt trên một người hay một vật vì những mục đích khác nhau. Nhưng nhìn chung, hành động này có nghĩa là chỉ định ai vào một chức vụ, công nhận một người hay một vật theo cách nào đó. Trong lễ nhậm chức tế lễ, A-rôn và các con trai ông đặt tay trên đầu của con bò đực và hai con cừu đực sẽ được dâng, qua đó công nhận những con vật này được dâng lên vì họ, để họ trở thành thầy tế lễ của Đức Giê-hô-va (Xu 29:10, 15, 19; Lê 8:14, 18, 22). Theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, khi bổ nhiệm Giô-suê làm người kế nhiệm, Môi-se đặt tay trên Giô-suê. Nhờ thế, Giô-suê “được tràn đầy sự khôn ngoan” và có thể lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên đúng cách (Phu 34:9). Một mục đích khác của việc đặt tay trên một người là để chỉ định người đó là người nhận ân phước (Sa 48:14; Mác 10:16). Chúa Giê-su Ki-tô chạm vào hoặc đặt tay trên một số người được ngài chữa lành (Mat 8:3; Mác 6:5; Lu 13:13). Trong một số trường hợp, món quà thần khí thánh được ban qua phép đặt tay của các sứ đồ.—Cv 8:14-20; 19:6.
it-1-E trg 114 đ. 1
Người được xức dầu, Việc xức dầu
Trong Luật pháp Đức Giê-hô-va ban cho Môi-se, ngài ban công thức chế dầu bổ nhiệm. Đây là hỗn hợp đặc biệt được chế từ các nguyên liệu thượng hạng gồm một dược, quế thơm, thủy xương bồ, cây muồng và dầu ô-liu (Xu 30:22-25). Bất cứ ai chế hỗn hợp này và dùng vào mục đích thông thường hoặc trái phép đều phải bị xử tử (Xu 30:31-33). Luật này cho thấy tầm quan trọng và sự thánh khiết của việc bổ nhiệm vào một chức vụ, là điều được xác nhận qua việc xức dầu thánh.