“Anh em biết những điều đó, hạnh phúc cho anh em nếu làm theo”
“Thức ăn của tôi là làm theo ý muốn của đấng sai tôi đến và hoàn thành công việc ngài giao”.—GIĂNG 4:34.
BÀI HÁT: 80, 35
1. Tinh thần ích kỷ của thế gian có thể ảnh hưởng thế nào đến sự khiêm nhường của chúng ta?
Tại sao việc áp dụng những điều học từ Lời Đức Chúa Trời không phải lúc nào cũng dễ? Một lý do là chúng ta cần có sự khiêm nhường để làm điều đúng. Tuy nhiên, việc giữ lòng khiêm nhường là một thách đố vì trong “những ngày sau cùng”, người ta chỉ biết “yêu bản thân, ham tiền, khoe khoang, cao ngạo” và “thiếu tự chủ” (2 Ti 3:1-3). Là tôi tớ của Đức Chúa Trời, chúng ta biết những hành vi đó là xấu. Nhưng đôi lúc chúng ta thấy những người làm thế dường như lại thành công và có đời sống tốt đẹp (Thi 37:1; 73:3). Có lẽ chúng ta thắc mắc: “Có đáng để mình đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân không? Liệu người ta còn tôn trọng mình nếu mình cư xử ‘như người nhỏ hơn’”? (Lu 9:48). Nếu chúng ta để tinh thần ích kỷ của thế gian ảnh hưởng, thì điều này có thể gây hại cho những mối quan hệ quý giá trong hội thánh và phẩm chất của một tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Nhưng khi học về những gương tốt trong Kinh Thánh và noi theo họ, chúng ta sẽ được ban thưởng.
2. Chúng ta học được gì từ những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời trong quá khứ?
2 Để noi gương các tôi tớ trung thành, hãy xem xét kỹ những gì họ đã làm để đạt kết quả mà họ mong muốn. Làm thế nào họ có tình bạn với Đức Chúa Trời và duy trì được tình bạn ấy? Nhờ đâu họ có sức mạnh để hoàn thành ý định của ngài? Tìm hiểu về những điều này là một phần thiết yếu giúp chúng ta nuôi dưỡng về thiêng liêng.
THỨC ĂN THIÊNG LIÊNG—KHÔNG CHỈ LÀ THÔNG TIN
3, 4. (a) Chúng ta nhận được sự chỉ dẫn về thiêng liêng qua những cách nào? (b) Tại sao có thể nói rằng thức ăn thiêng liêng bao hàm nhiều hơn là thu thập sự hiểu biết?
3 Chúng ta nhận được sự huấn luyện và nhiều lời khuyên hữu ích từ Kinh Thánh, các ấn phẩm, trang web jw.org, Kênh truyền thông JW, cũng như tại các buổi nhóm họp và hội nghị. Nhưng theo lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 4:34, thức ăn thiêng liêng bao hàm nhiều hơn là thu thập sự hiểu biết. Chúa Giê-su nói: “Thức ăn của tôi là làm theo ý muốn của đấng sai tôi đến và hoàn thành công việc ngài giao”.
4 Đối với Chúa Giê-su, thức ăn thiêng liêng bao hàm việc làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Điều này giống thức ăn theo nghĩa nào? Khi ăn những món ngon và bổ dưỡng, chúng ta cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh. Tương tự, khi làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, lòng chúng ta được vững mạnh và đức tin chúng ta được nuôi dưỡng. Hẳn có những lần anh chị cảm thấy không khỏe khi đến nhóm rao giảng, nhưng sau khi đi thánh chức về, chẳng phải anh chị được tươi tỉnh và thêm sức sao?
5. Hành động một cách khôn ngoan mang lại phần thưởng nào?
5 Khi làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, chúng ta trở nên khôn ngoan (Thi 107:43). Nỗ lực đạt được sự khôn ngoan là điều đáng công. Kinh Thánh nói: “Không gì con ao ước có thể sánh bằng... Nó là cây sự sống cho người nào nắm lấy, và ai giữ chặt nó được xem là hạnh phúc” (Châm 3:13-18). Chúa Giê-su cũng nói: “Anh em biết những điều đó, hạnh phúc cho anh em nếu làm theo” (Giăng 13:17). Các môn đồ sẽ có niềm hạnh phúc lâu dài nếu tiếp tục làm theo những gì Chúa Giê-su dạy. Họ không làm theo sự dạy dỗ và gương mẫu của ngài một cách nhất thời, nhưng điều đó trở thành lối sống của họ.
6. Tại sao chúng ta phải kiên trì trong việc biểu lộ sự khôn ngoan?
6 Ngày nay, việc kiên trì làm theo sự dạy dỗ mà chúng ta nhận được cũng quan trọng không kém. Hãy hình dung một người thợ máy có dụng cụ, vật liệu và sự hiểu biết. Nhưng nếu ông không sử dụng những gì mình có thì chúng sẽ trở nên vô ích. Dù đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá trong quá khứ nhưng ông phải tiếp tục thực hành để giữ vững tay nghề và hiệu suất làm việc. Tương tự, khi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và áp dụng những gì mình học, chúng ta được hạnh phúc. Nhưng để có hạnh phúc lâu dài, chúng ta phải khiêm nhường sống theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va mỗi ngày.
7. Để phát triển sự khôn ngoan, chúng ta nên làm gì khi học về các gương trong Kinh Thánh?
7 Hãy xem xét một số tình huống mà lòng khiêm nhường của chúng ta có thể bị thử thách, và làm thế nào những người trung thành thời xưa đã giữ được lòng khiêm nhường khi gặp thử thách tương tự. Nhưng chỉ xem xét thông tin thôi thì chưa đủ để có được sức mạnh về thiêng liêng. Thế nên, hãy nghĩ về cách cá nhân anh chị có thể áp dụng những điều học được, rồi nhanh chóng làm theo.
XEM NGƯỜI KHÁC BÌNH ĐẲNG VỚI MÌNH
8, 9. Những sự kiện nơi Công vụ 14:8-15 cho thấy gì về lòng khiêm nhường của sứ đồ Phao-lô? (Xem hình nơi đầu bài).
8 Ý muốn của Đức Chúa Trời là “mọi loại người được cứu và hiểu biết chính xác về chân lý” (1 Ti 2:4). Anh chị có quan điểm nào về những người chưa học chân lý? Sứ đồ Phao-lô rao giảng trong các nhà hội để tìm kiếm những người đã biết chút ít về Đức Chúa Trời, nhưng chắc chắn ông không chỉ nỗ lực đến với người Do Thái. Ông cũng rao giảng cho những người thờ thần giả, và việc rao giảng cho họ đã thử thách mức độ khiêm nhường của ông.
9 Chẳng hạn, trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất của Phao-lô, người dân ở vùng Li-cao-ni đã lầm tưởng ông và Ba-na-ba là hiện thân của các thần giả Héc-mê và Dớt. Phao-lô và Ba-na-ba có thích sự tâng bốc của đám đông không? Họ có xem đây là một sự thay đổi tích cực sau tất cả những ngược đãi mà họ đã chịu đựng trong hai thành họ thăm trước đó không? Họ có nghĩ rằng sự việc này có thể giúp đẩy mạnh tin mừng không? Hoàn toàn không! Họ liền phản đối bằng cách xé áo mình, chạy vào giữa đám đông và la lớn: “Sao lại làm vậy? Chúng tôi cũng là người phàm có những yếu đuối như anh em”.—Công 14:8-15.
10. Phao-lô và Ba-na-ba xem họ bình đẳng với người dân ở vùng Li-cao-ni theo nghĩa nào?
10 Khi nói mình cũng là người phàm, Phao-lô và Ba-na-ba có ý nói rằng họ là người bất toàn giống như những người khác. Họ không có ý nói rằng sự thờ phượng của họ giống với sự thờ phượng của những người ngoại giáo. Phao-lô và Ba-na-ba là những giáo sĩ nhận được sứ mạng đặc biệt (Công 13:2). Họ được xức dầu bằng thần khí thánh và có một hy vọng tuyệt diệu. Nhưng đó không phải là những lý do để họ xem mình cao trọng hơn. Họ hiểu rằng người dân ở vùng Li-cao-ni cũng có thể nhận được hy vọng lên trời nếu hưởng ứng tin mừng.
11. Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước gương khiêm nhường của Phao-lô trong việc rao giảng?
11 Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước gương khiêm nhường của Phao-lô? Trước hết chúng ta phải kháng cự khuynh hướng muốn được tán dương, vì thật ra những điều mình đạt được là nhờ sức của Đức Giê-hô-va. Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Mình có quan điểm nào về những người mình rao giảng? Mình có đang nuôi dưỡng thành kiến với nhóm người nào đó không?”. Điều đáng khen là Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới đang nỗ lực tìm kiếm bất cứ ai hưởng ứng tin mừng. Đôi khi, điều này có lẽ đòi hỏi họ phải học ngôn ngữ và phong tục của những người bị cộng đồng xem là thấp kém. Nhân Chứng Giê-hô-va không có lý do để xem mình cao trọng hơn những người như thế. Thay vì vậy, họ cố gắng hiểu từng người để giúp người ấy chấp nhận thông điệp Nước Trời.
NHẮC TÊN CỦA NGƯỜI KHÁC TRONG LỜI CẦU NGUYỆN
12. Ê-pháp-ra thể hiện lòng quan tâm bất vị kỷ ra sao đối với người khác?
12 Một cách khác cho thấy chúng ta khiêm nhường làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời là cầu nguyện cho những người “đã đạt được đức tin quý báu như đức tin của [chúng ta]” (2 Phi 1:1). Ê-pháp-ra đã làm thế. Kinh Thánh chỉ đề cập đến ông ba lần trong những lời mà Phao-lô được soi dẫn để ghi lại. Khi bị quản thúc ở Rô-ma, Phao-lô đã viết cho các tín đồ ở Cô-lô-se rằng Ê-pháp-ra “luôn tha thiết cầu nguyện cho anh em” (Cô 4:12). Ê-pháp-ra biết rõ các anh em và quan tâm sâu xa đến họ. Phao-lô gọi ông là “bạn đồng tù”, điều này cho thấy Ê-pháp-ra có vấn đề riêng của mình (Phi-lê 23). Nhưng ông vẫn quan tâm đến nhu cầu của người khác, và ông đã cầu nguyện cho họ. Chẳng phải đây là biểu hiện của lòng quan tâm bất vị kỷ sao? Lời cầu nguyện cho anh em đồng đức tin có hiệu lực mạnh mẽ, đặc biệt khi chúng ta cầu nguyện cho từng cá nhân và nếu được thì nhắc đến tên của họ.—2 Cô 1:11; Gia 5:16.
13. Làm thế nào anh chị có thể bắt chước Ê-pháp-ra trong việc cầu nguyện?
13 Hãy nghĩ đến những người mà anh chị có thể nhắc tên của họ trong lời cầu nguyện. Như Ê-pháp-ra, nhiều anh chị cầu nguyện cho anh em cùng hội thánh, cho những gia đình đang gánh vác nhiều trách nhiệm, hay những anh chị đang đứng trước các quyết định quan trọng hoặc đương đầu với sự cám dỗ. Nhiều anh chị cầu nguyện cho các anh em có tên được liệt kê trong bài “Nhân Chứng Giê-hô-va bị cầm tù vì đức tin” trên trang jw.org/vi (trong mục TIN TỨC > PHÁP LÝ). Ngoài ra, chúng ta cũng muốn nhớ đến các anh chị có người thân yêu qua đời, những anh chị vừa sống sót qua thảm họa và chiến tranh hoặc chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Chắc chắn nhiều anh em cần chúng ta cầu nguyện cho họ. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình (Phi-líp 2:4). Đức Giê-hô-va lắng nghe những lời cầu nguyện như thế.
“MỖI NGƯỜI PHẢI MAU NGHE”
14. Đức Giê-hô-va nêu gương tuyệt hảo thế nào trong việc lắng nghe người khác?
14 Chúng ta cũng cho thấy mình khiêm nhường qua việc sẵn sàng lắng nghe. Gia-cơ 1:19 nói rằng chúng ta nên “mau nghe”. Đức Giê-hô-va nêu gương tuyệt hảo trong khía cạnh này (Sáng 18:32; Giô-suê 10:14). Hãy xem chúng ta có thể học được gì qua lời tường thuật nơi Xuất Ai Cập 32:11-14. (Đọc). Dù không cần ý kiến của Môi-se nhưng Đức Giê-hô-va đã cho ông cơ hội bày tỏ cảm xúc với ngài. Có người nào sẽ kiên trì lắng nghe lý luận của một người có suy nghĩ sai lệch, rồi hành động theo đề nghị của người đó không? Thế nhưng Đức Giê-hô-va kiên nhẫn lắng nghe những người kêu cầu ngài với đức tin.
15. Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước Đức Giê-hô-va trong việc tôn trọng người khác?
15 Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Nếu Đức Giê-hô-va hạ mình xuống để lắng nghe loài người như ngài đã làm với Áp-ra-ham, Ra-chên, Môi-se, Giô-suê, Ma-nô-a, Ê-li-gia và Ê-xê-chia, thì chẳng phải mình nên tôn trọng anh em hơn bằng cách lắng nghe và nếu được thì làm theo đề nghị của họ hay sao? Có ai trong hội thánh hoặc trong gia đình đang cần sự quan tâm của mình không? Mình sẽ làm gì cho họ?”.—Sáng 30:6; Quan 13:9; 1 Vua 17:22; 2 Sử 30:20.
“BIẾT ĐÂU ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ NHÌN THẤY NỖI KHỔ CỦA TA”
16. Vua Đa-vít phản ứng thế nào khi bị Si-mê-i khiêu khích?
16 Sự khiêm nhường cũng giúp chúng ta tự chủ khi bị khiêu khích (Ê-phê 4:2). Một gương mẫu nổi bật trong khía cạnh này được tường thuật nơi 2 Sa-mu-ên 16:5-13. (Đọc). Đa-vít cùng các tôi tớ bị người họ hàng của vua Sau-lơ là Si-mê-i sỉ nhục và tấn công. Đa-vít đã chịu đựng cho dù ông có khả năng chấm dứt điều đó. Nhờ đâu Đa-vít có được sức mạnh để giữ sự tự chủ? Chúng ta sẽ hiểu điều này khi xem xét bài Thi thiên thứ ba.
17. Điều gì đã giúp Đa-vít giữ sự tự chủ, và chúng ta có thể bắt chước ông như thế nào?
17 Lời ghi chú ở đầu bài Thi thiên thứ ba cho biết Đa-vít đã sáng tác bài này khi “chạy trốn Áp-sa-lôm con mình”. Câu 1 và 2 khớp với sự kiện được tường thuật nơi chương 16 của sách 2 Sa-mu-ên. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Đa-vít vẫn giữ được bình tĩnh. Điều gì đã giúp ông làm thế? Nơi Thi thiên 3:4, ông nói: “Con sẽ cất tiếng kêu cầu Đức Giê-hô-va, ngài sẽ đáp lời từ núi thánh ngài”. Tương tự, chúng ta có thể cầu nguyện khi bị tấn công. Rồi Đức Giê-hô-va sẽ ban thần khí thánh giúp chúng ta chịu đựng. Anh chị có thể tự chủ hơn hoặc rộng lòng tha thứ khi bị đối xử tệ không? Anh chị có tin chắc Đức Giê-hô-va nhìn thấy nỗi khổ của mình và sẽ ban phước không?
“SỰ KHÔN NGOAN LÀ QUAN TRỌNG NHẤT”
18. Chúng ta sẽ nhận được lợi ích nào khi áp dụng những sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời?
18 Nếu làm theo những sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được ban phước dồi dào. Không ngạc nhiên gì khi Châm ngôn 4:7 nói: “Sự khôn ngoan là quan trọng nhất”. Dù sự khôn ngoan dựa trên sự hiểu biết, nhưng nó không đơn thuần là hiểu những sự thật. Sự khôn ngoan bao hàm việc chúng ta đưa ra quyết định. Ngay cả loài kiến cũng thể hiện sự khôn ngoan. Chúng cho thấy sự khôn ngoan theo bản năng khi sắm sửa thức ăn trong mùa hè (Châm 30:24, 25). Đấng Ki-tô, “sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời”, luôn làm những điều đẹp lòng Cha (1 Cô 1:24; Giăng 8:29). Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng khi chúng ta giữ sự khiêm nhường và biểu lộ sự khôn ngoan bằng cách chọn làm theo những gì mình biết là đúng. (Đọc Ma-thi-ơ 7:21-23). Vì thế, hãy nỗ lực gìn giữ môi trường thiêng liêng giúp chúng ta phát triển lòng khiêm nhường. Việc áp dụng những sự dạy dỗ đòi hỏi thời gian và lòng kiên nhẫn, nhưng điều đó giúp chúng ta thể hiện sự khiêm nhường để có được hạnh phúc ngay bây giờ và mãi mãi.