Hãy biết Đức Giê-hô-va—Đức Chúa Trời có tính riêng biệt
KHI so sánh khái niệm Ấn Độ giáo về Đức Chúa Trời với khái niệm của những hệ thống tôn giáo khác, tiến sĩ S. Radhakrishnan ở Ấn Độ nhận xét: “Đức Chúa Trời của người Hê-bơ-rơ là một Đức Chúa Trời khác biệt. Ngài có tính riêng biệt, tích cực trong lịch sử và chú ý đến những biến chuyển và sự bất ngờ của thế giới ngày càng phát triển này. Ngài là một Đấng liên lạc với chúng ta”.
Tên Hê-bơ-rơ của Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh là יהוה, thường được dịch là “Giê-hô-va”. Ngài vượt trên tất cả các thần khác. Chúng ta có biết gì về ngài không? Ngài đối xử với loài người như thế nào trong thời Kinh-thánh được viết ra?
Đức Chúa Trời và Môi-se “giáp mặt”
Đức Giê-hô-va và tôi tớ ngài là Môi-se thường thân mật “giáp mặt” nhau, ngay dù Môi-se không thể thấy Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 34:10; Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20). Khi còn trẻ, Môi-se tận tâm với dân Y-sơ-ra-ên, lúc đó họ làm nô lệ tại xứ Ê-díp-tô. Ông từ bỏ lối sống trong nhà Pha-ra-ôn, “đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà-hiếp” (Hê-bơ-rơ 11:25). Kết quả là Đức Chúa Trời ban cho Môi-se nhiều đặc ân.
Là một người nhà Pha-ra-ôn, “Môi-se được học cả sự khôn-ngoan của người Ê-díp-tô” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:22). Nhưng để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên, ông cũng phải vun trồng tính khiêm nhường, kiên nhẫn và nhu mì. Ông học các đức tính ấy trong 40 năm chăn chiên tại Ma-đi-an (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:15-22; Dân-số Ký 12:3). Dù vẫn vô hình, Đức Giê-hô-va tiết lộ cho Môi-se biết về ngài và ý định của ngài, và qua thiên sứ Đức Chúa Trời giao phó Mười Điều Răn cho ông (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:1-10; 19:3–20:20; Công-vụ các Sứ-đồ 7:53; Hê-bơ-rơ 11:27). Kinh-thánh cho chúng ta biết rằng “Đức Giê-hô-va đối-diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn-hữu mình” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:11). Quả thật, chính Đức Giê-hô-va nói: “Ta nói chuyện cùng người miệng đối miệng”. Môi-se có một mối quan hệ quí báu và thân mật biết bao với Đức Chúa Trời, tuy vô hình nhưng có tính riêng biệt! (Dân-số Ký 12:8).
Ngoài việc chép lịch sử thời ban đầu của nước Y-sơ-ra-ên, Môi-se cũng ghi lại bộ Luật cùng với tất cả những chi tiết của nó. Ông cũng được giao một đặc ân vô giá khác—việc viết sách Sáng-thế Ký. Phần sau của sách đó kể về lịch sử chính gia đình ông biết rõ và như vậy tương đối dễ cho ông ghi lại. Nhưng Môi-se lấy những chi tiết về lịch sử xa xưa nhất của loài người ở đâu? Có thể Môi-se dùng những văn bản cổ xưa được tổ phụ của ông bảo tồn làm nguồn tư liệu. Mặt khác, có thể ông biết được những chi tiết qua lời truyền miệng hoặc trực tiếp nhờ Đức Giê-hô-va tiết lộ cho ông. Những người đáng kính ở mọi lứa tuổi đã nhìn nhận từ lâu mối quan hệ mật thiết của Môi-se với Đức Chúa Trời ông về phương diện này.
Ê-li biết Đức Giê-hô-va có tính riêng biệt
Nhà tiên tri Ê-li cũng biết Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời có tính riêng biệt. Ê-li sốt sắng với sự thờ phượng thanh sạch và phụng sự Đức Giê-hô-va dù ông trở thành mục tiêu của sự căm ghét và chống đối của những kẻ thờ thần Ba-anh, thần chính trong các thần của dân Ca-na-an (I Các Vua 18:17-40).
A-háp, Vua của Y-sơ-ra-ên, và vợ ông là Giê-sa-bên đã tìm cách giết Ê-li. Sợ cho tính mạng, Ê-li chạy thoát đến Bê-e-Sê-ba, ở phía tây Biển Chết. Tại đó ông đi lang thang trong đồng vắng và cầu xin để được chết đi (I Các Vua 19:1-4). Có phải Đức Giê-hô-va đã bỏ rơi Ê-li không? Có phải ngài không còn quan tâm đến tôi tớ trung thành của ngài chăng? Có thể Ê-li đã nghĩ vậy, nhưng ông thật sai lầm! Sau đó, Đức Giê-hô-va dịu dàng hỏi ông: “Hỡi Ê-li, ngươi ở đây làm chi?” Sau khi ngài chứng minh quyền năng siêu nhiên, thì lại “có một tiếng phán với người rằng: Hỡi Ê-li, ngươi làm chi đây?” Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng quan tâm riêng đến Ê-li để khuyến khích người tôi tớ đáng tin cẩn của ngài. Đức Chúa Trời có thêm công việc cho ông, và Ê-li sốt sắng hưởng ứng lời kêu gọi đó! Ê-li trung thành hoàn tất nhiệm vụ, làm thánh danh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời có tính riêng biệt (I Các Vua 19:9-18).
Sau khi từ bỏ nước Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va không còn đích thân nói chuyện cùng các tôi tớ ngài ở trên đất. Điều này không có nghĩa là mối quan tâm của ngài đối với họ đã giảm. Bằng thánh linh, ngài vẫn hướng dẫn và thêm sức cho họ để phụng sự ngài. Hãy lấy sứ đồ Phao-lô làm ví dụ, ông từng được gọi là Sau-lơ.
Thánh linh hướng dẫn Phao-lô
Sau-lơ là người ở Tạt-sơ, một thành phố quan trọng ở Si-li-si. Cha mẹ ông là người Hê-bơ-rơ, nhưng ông sinh ra là công dân La Mã. Tuy nhiên, Sau-lơ được dạy dỗ theo những giáo lý nghiêm ngặt của người Pha-ri-si. Sau đó tại Giê-ru-sa-lem, ông có cơ hội được giáo dục “nơi chơn Ga-ma-li-ên”, một thầy dạy Luật có nhiều uy tín (Công-vụ các Sứ-đồ 22:3, 26-28).
Vì lòng sốt sắng sai hướng đối với truyền thống Do Thái mà Sau-lơ tham gia một chiến dịch dữ dội chống lại các môn đồ của Chúa Giê-su Christ. Thậm chí ông ưng thuận việc giết Ê-tiên, tín đồ đấng Christ đầu tiên tử vì đạo (Công-vụ các Sứ-đồ 7:58-60; 8:1, 3). Sau đó ông thừa nhận là dù trước đây ông là kẻ phạm thượng, hay bắt bớ và hung bạo, “[ông] đã đội ơn thương-xót, vì đã làm những sự đó đương lúc [ông] ngu-muội chưa tin” (I Ti-mô-thê 1:13).
Sau-lơ được thúc đẩy bởi lòng chân thành muốn phụng sự Đức Chúa Trời. Sau khi cải đạo trên đường đến Đa-mách, Đức Giê-hô-va dùng Sau-lơ một cách phi thường. Sau khi sống lại, đấng Christ chỉ thị cho A-na-nia, một tín đồ đấng Christ thời ban đầu, đến giúp Sau-lơ. Sau đó Phao-lô (tên La Mã của Sau-lơ khi trở thành tín đồ đấng Christ) được thánh linh của Đức Giê-hô-va hướng dẫn để hoàn thành một thánh chức lâu dài có nhiều kết quả ở khắp những vùng Âu Châu và Tiểu Á (Công-vụ các Sứ-đồ 13:2-5; 16:9, 10).
Ngày nay, chúng ta có thể thấy sự hướng dẫn tương tự của thánh linh không? Có, chúng ta có thể thấy.
Chủ nghĩa vô thần không cản trở Đức Giê-hô-va bày tỏ sự quan tâm cá nhân
Anh Joseph F. Rutherford là chủ tịch thứ hai của Hội Tháp Canh. Vào năm 1906 anh làm báp têm để trở thành Học Viên Kinh-thánh—tên gọi Nhân-chứng Giê-hô-va vào thời đó—năm sau được bổ nhiệm làm cố vấn pháp lý của Hội và vào tháng Giêng năm 1917 trở thành chủ tịch của Hội. Tuy nhiên, có một thời luật sư trẻ tuổi này là người vô thần. Làm sao anh trở thành một tín đồ đấng Christ tận tụy phụng sự Đức Giê-hô-va?
Vào tháng 7 năm 1913, anh Rutherford chủ tọa một hội nghị của Hiệp Hội Học Viên Kinh-thánh Quốc Tế ở Springfield, Massachusetts, Hoa Kỳ. Một phóng viên của tờ báo địa phương là The Homestead, đã phỏng vấn anh Rutherford và bài tường thuật được in lại trong báo cáo kỷ niệm của hội nghị đó.
Anh Rutherford giải thích là vào lúc anh định lấy vợ, anh giữ theo quan điểm tôn giáo của đạo Báp-tít, nhưng vợ tương lai của anh thì theo Giáo hội Trưởng lão. Khi mục sư của anh Rutherford nói là “cô ấy sẽ xuống lửa địa ngục vì cô chưa trầm mình dưới nước còn anh sẽ đi thẳng lên trời vì anh đã làm điều đó rồi, đầu óc biết suy luận của anh kinh tởm điều đó và anh trở thành người vô thần”.
Sau nhiều năm nghiên cứu kỹ lưỡng, anh Rutherford mới xây lại đức tin nơi một Đức Chúa Trời có tính riêng biệt. Anh nói rằng anh đã lập luận dựa trên giả định là “nếu một điều không thể thỏa mãn trí thì điều đó cũng không thể thỏa mãn lòng”. Anh Rutherford giải thích là tín đồ đấng Christ “phải biết chắc rằng Kinh-thánh họ tin là thật”. Anh nói thêm: “Họ phải biết họ đứng trên nền tảng nào”. (Xem II Ti-mô-thê 3:16, 17).
Vâng, ngay cả ngày nay một người vô thần hoặc một người theo thuyết bất khả tri cũng có thể nghiên cứu Kinh-thánh, xây đức tin và phát triển một mối quan hệ cá nhân vững chắc với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Sau khi học hỏi Kinh-thánh kỹ lưỡng với sự giúp đỡ của sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời do Hội Tháp Canh xuất bản, một thanh niên thú nhận: “Khi mới bắt đầu học, tôi không tin nơi Đức Chúa Trời, nhưng bây giờ tôi thấy là sự hiểu biết về Kinh-thánh đã hoàn toàn thay đổi lối suy nghĩ của tôi. Tôi bắt đầu biết được Đức Chúa Trời và tin cậy vào ngài”.
“Kẻ ngu-dại” và Đức Chúa Trời
Trong sách A Dictionary of the Bible (Tự điển Kinh-thánh), tiến sĩ James Hastings nói: “Những người viết Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ không bao giờ nghĩ đến việc phải chứng minh hoặc biện luận về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Thế gian thời xưa nói chung không có khuynh hướng phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời hoặc dùng lý lẽ để chứng minh điều đó. Niềm tin đó là điều tự nhiên đối với tâm trí con người và là điều thông thường đối với mọi người”. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là mọi người vào thời đó đều kính sợ Đức Chúa Trời. Hoàn toàn không phải như vậy. Thi-thiên 14:1 và Thi-thiên 53:1 nói đến “kẻ ngu-dại” đã “nói trong lòng rằng: Chẳng có Đức Chúa Trời”.
Kẻ ngu dại này, kẻ phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, là loại người nào? Người đó không dốt nát về trí tuệ. Trái lại, chữ Hê-bơ-rơ na·valʹ chỉ đến sự thiếu sót về đạo đức. Theo lời bình luận trong sách The Parallel Psalter, Giáo sư S. R. Driver nói rằng vấn đề “không phải tại lý trí thiếu kém, mà là vô ý thức về đạo đức và tôn giáo, hoàn toàn thiếu sự ý thức hoặc sự nhận thức”.
Người viết Thi-thiên miêu tả tiếp tình trạng đạo đức suy đồi do thái độ ấy gây ra: “Chúng nó đều bại-hoại, đã làm những việc gớm-ghiếc; chẳng có ai làm đều lành” (Thi-thiên 14:1). Tiến sĩ Hastings kết luận như sau: “Vì tin là không có sự trừng phạt và không có Đức Chúa Trời trong thế gian nên người ta trở nên đồi bại và làm những việc ghê tởm”. Họ công khai chấp nhận những nguyên tắc trái với ý Đức Chúa Trời và không đếm xỉa đến một Đức Chúa Trời có tính riêng biệt. Họ không hề muốn có trách nhiệm gì đối với ngài. Như trong thời người viết Thi-thiên cách đây hơn 3.000 năm, ngày nay lối suy nghĩ ấy cũng là ngu dại và điên rồ.
Lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời có tính riêng biệt
Chúng ta hãy trở lại những câu hỏi nêu lên trong bài đầu. Tại sao nhiều người thấy khó hòa hợp niềm tin nơi một Đức Chúa Trời có tính riêng biệt với sự khổ sở lan tràn trên thế giới ngày nay?
Kinh-thánh chứa đựng tài liệu của những người “bởi Đức Thánh-Linh cảm-động mà đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:21). Chỉ Kinh-thánh mới tiết lộ cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời có tính riêng biệt, là Đức Giê-hô-va. Kinh-thánh cũng báo cho chúng ta biết về một nhân vật gian ác, vô hình đối với loài người, có quyền điều khiển và kiểm soát lối suy nghĩ của con người—Sa-tan Ma-quỉ. Điều hợp lý là nếu chúng ta không tin Đức Chúa Trời có thật, thì làm sao chúng ta có thể tin là Ma-quỉ, hay Sa-tan, cũng có thật?
Sứ đồ Giăng được soi dẫn để viết: “[Kẻ được] gọi là ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ” (Khải-huyền 12:9). Sau đó Giăng nói: “Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Những lời này phản ảnh lời của Chúa Giê-su, mà chính Giăng đã ghi lại trong sách Phúc Âm của ông: “Vua-chúa thế-gian nầy hầu đến; người chẳng có chi hết nơi ta” (Giăng 14:30).
Sự dạy dỗ này của Kinh-thánh thật khác xa điều người ta tin ngày nay! Tờ báo Catholic Herald nói: “Ngày nay, việc nói đến Ma-quỉ rõ ràng là điều lỗi thời. Thế hệ hoài nghi và khoa học của chúng ta đã gạt bỏ Sa-tan”. Tuy nhiên, Chúa Giê-su mạnh mẽ nói với những người có ý giết ngài: “Các ngươi bởi cha mình, là ma-quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa-muốn của cha mình” (Giăng 8:44).
Lời giải thích của Kinh-thánh về quyền thế của Sa-tan dễ hiểu và hợp lý. Kinh-thánh làm sáng tỏ tại sao, dù phần đông người ta muốn sống trong sự hòa bình và hòa hợp, thế gian vẫn đầy sự căm ghét, chiến tranh và bạo động vô nghĩa, như điều xảy ra tại Dunblane (đề cập ở trang 3 và 4). Hơn nữa, Sa-tan không phải là kẻ thù duy nhất mà chúng ta phải đấu tranh. Kinh-thánh cũng báo cho chúng ta biết về các quỉ—những tạo vật thần linh gian ác đã từ lâu hợp lực với Sa-tan để lừa gạt và hiếp đáp loài người (Giu-đe 6). Chúa Giê-su Christ đã nhiều lần đương đầu với quyền lực của những thần linh này, và ngài đã có thể chế ngự chúng (Ma-thi-ơ 12:22-24; Lu-ca 9:37-43).
Đức Chúa Trời thật, là Đức Giê-hô-va, có ý định tẩy sạch trái đất khỏi sự gian ác và cuối cùng trừ khử những hoạt động của cả Sa-tan lẫn các quỉ sứ của hắn. Dựa trên sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể có đức tin và sự tin cậy vững chắc nơi những lời hứa của ngài. Ngài nói: “Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo-thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa. Ấy chính ta, chính ta là Đức Giê-hô-va, ngoài ta không có cứu-chúa nào khác”. Đối với những ai biết, thờ phượng và phụng sự ngài, Đức Giê-hô-va thật là một Đức Chúa Trời có tính riêng biệt. Chúng ta có thể trông cậy vào ngài, và chỉ một mình ngài để được cứu rỗi (Ê-sai 43:10, 11).
[Hình nơi trang 7]
Một hình khắc vào thế kỷ 18 vẽ Môi-se viết Sáng-thế Ký 1:1 dưới sự soi dẫn
[Nguồn tư liệu]
Lấy từ The Holy Bible do J. Baskett, Oxford biên soạn
[Hình nơi trang 8]
Chúa Giê-su Christ đã nhiều lần chế ngự các quỉ