Tôn vinh danh vĩ đại của Đức Giê-hô-va
“Tôi... tôn-vinh danh Chúa đến mãi mãi”.—THI 86:12.
1, 2. Trái với các tôn giáo tự nhận theo Chúa Giê-su, Nhân Chứng Giê-hô-va cảm thấy thế nào về danh Đức Chúa Trời?
Hầu hết các tôn giáo tự nhận theo Chúa Giê-su đều xa cách danh Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, lời nói đầu của một bản dịch Kinh Thánh (Revised Standard Version) có ghi: “Việc sử dụng danh riêng cho Đức Chúa Trời có một và duy nhất... hoàn toàn không phù hợp với đức tin chung của Giáo hội Đấng Ki-tô”.
2 Ngược lại, Nhân Chứng Giê-hô-va tự hào được mang danh Đức Chúa Trời và làm thánh danh ngài. (Đọc Thi-thiên 86:12; Ê-sai 43:10). Hơn nữa, chúng ta xem việc hiểu ý nghĩa danh ấy và vấn đề hoàn vũ liên quan đến việc làm thánh danh ấy là một đặc ân (Mat 6:9). Nhưng đừng bao giờ coi nhẹ đặc ân đó. Chúng ta hãy xem xét ba câu hỏi quan trọng: Biết danh Đức Chúa Trời có nghĩa gì? Đức Giê-hô-va đã hành động phù hợp với danh vĩ đại của ngài ra sao? Và làm thế nào chúng ta có thể bước đi trong danh Đức Giê-hô-va?
BIẾT DANH ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ NGHĨA GÌ?
3. Biết danh Đức Chúa Trời có nghĩa gì?
3 Biết danh Đức Chúa Trời bao hàm nhiều hơn là chỉ biết từ “Giê-hô-va”. Điều này bao gồm việc biết danh tiếng của Đức Giê-hô-va cũng như đức tính, ý định và việc làm của ngài được tiết lộ trong Kinh Thánh, chẳng hạn như cách ngài đối xử với các tôi tớ. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va để cho sự hiểu biết này dần hé mở, phù hợp với bước tiến trong ý định ngài (Châm 4:18). Đức Giê-hô-va đã cho cặp vợ chồng đầu tiên của nhân loại biết danh ngài, và Ê-va đã dùng danh ấy sau khi sinh Ca-in (Sáng 4:1). Các tộc trưởng trung thành như Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đều biết danh Đức Chúa Trời. Sự hiểu biết của họ về danh ấy càng thêm lên khi Đức Giê-hô-va ban phước, chăm sóc và tiết lộ cho họ các khía cạnh trong ý định ngài. Môi-se đã được ban sự hiểu biết đặc biệt về danh Đức Chúa Trời.
4. Tại sao Môi-se hỏi Đức Chúa Trời về danh ngài, và tại sao mối quan tâm của ông là chính đáng?
4 Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 3:10-15. Khi Môi-se được 80 tuổi, Đức Chúa Trời phán với ông một mệnh lệnh quan trọng: “[Hãy] dắt dân ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô”. Môi-se cung kính đáp lại bằng một câu hỏi có ý nghĩa sâu xa. Như thể ông hỏi: “Tên ngài là gì?”. Vì danh Đức Chúa Trời đã được biết đến từ lâu nên câu hỏi của Môi-se có ý gì? Hẳn ông muốn biết thêm về đấng mang danh ấy, đây là yếu tố sẽ thuyết phục dân Đức Chúa Trời tin rằng ngài chắc chắn sẽ giải thoát họ. Mối quan tâm của Môi-se là chính đáng vì dân Y-sơ-ra-ên đã làm nô lệ trong một thời gian dài. Có lẽ họ tự hỏi không biết Đức Chúa Trời của tổ phụ mình có thể giải thoát mình không. Thật thế, một số người Y-sơ-ra-ên thậm chí đã quay sang thờ các thần Ai Cập!—Ê-xê 20:7, 8.
5. Đức Giê-hô-va đã tiết lộ điều gì về ý nghĩa của danh ngài cho Môi-se?
5 Đức Giê-hô-va trả lời câu hỏi của Môi-se như thế nào? Ngài phán: “Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng TỰ-HỮU đã sai ta đến cùng các ngươi”a. Rồi ngài nói thêm: “Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ-phụ các ngươi... sai ta đến cùng các ngươi”. Đức Chúa Trời tiết lộ rằng ngài sẽ trở thành bất kỳ điều gì ngài muốn để hoàn thành ý định của mình và sẽ luôn làm đúng theo lời ngài. Vì thế, Đức Giê-hô-va nói nơi câu 15 như sau: “Ấy đó là danh đời đời của ta, ấy sẽ là kỷ-niệm của ta trải qua các đời”. Sự tiết lộ này hẳn đã làm vững mạnh đức tin Môi-se và khiến lòng ông tràn đầy sự kính sợ!
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA HÀNH ĐỘNG PHÙ HỢP VỚI DANH NGÀI
6, 7. Đức Giê-hô-va đã hành động phù hợp với danh vĩ đại của ngài như thế nào?
6 Không lâu sau khi giao sứ mạng cho Môi-se, Đức Giê-hô-va đã hành động phù hợp với danh ngài bằng cách trở thành Đấng Giải Cứu của dân Y-sơ-ra-ên. Ngài đã hạ nhục xứ Ai Cập qua mười tai vạ, đồng thời phơi bày sự vô dụng của các thần Ai Cập, trong đó có cả Pha-ra-ôn (Xuất 12:12). Rồi Đức Giê-hô-va rẽ Biển Đỏ, dẫn dân Y-sơ-ra-ên băng qua và nhận chìm Pha-ra-ôn cùng quân đội của hắn (Thi 136:13-15). Trong “đồng vắng minh-mông và gớm-ghê”, Đức Giê-hô-va trở thành Đấng Bảo Tồn sự sống khi cung cấp thức ăn nước uống cho dân ngài, có lẽ từ hai đến ba triệu người hoặc hơn nữa! Ngài khiến cho quần áo và giày dép của họ không bị cũ mòn (Phục 1:19; 29:5). Thật thế, không gì có thể ngăn cản Đức Giê-hô-va hành động đúng với danh thánh vô song của ngài. Sau này, ngài nói với Ê-sai: “Ấy chính ta, chính ta là Đức Giê-hô-va, ngoài ta không có Cứu-Chúa nào khác”.—Ê-sai 43:11.
7 Người kế nhiệm Môi-se là Giô-suê cũng chứng kiến những công việc đáng kính sợ của Đức Giê-hô-va tại Ai Cập và đồng vắng. Do đó, khi sắp qua đời, Giô-suê có thể nói với dân Y-sơ-ra-ên bằng sự tin chắc từ tận đáy lòng: “Hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng-nghiệm cho các ngươi; thật chẳng một lời nào sai hết” (Giô-suê 23:14). Đức Giê-hô-va rõ ràng đã thực hiện lời ngài hứa.
8. Thời nay, Đức Giê-hô-va đang hành động phù hợp với danh ngài như thế nào?
8 Ngày nay cũng thế, Đức Giê-hô-va đang thực hiện lời ngài hứa. Qua Con ngài, Đức Giê-hô-va báo trước rằng thông điệp Nước Trời sẽ “được rao truyền khắp đất” vào những ngày sau cùng (Mat 24:14). Ngoài Đức Chúa Trời Toàn Năng, còn ai khác có thể báo trước một công việc như thế, đảm bảo nó được thực hiện và dùng những “dân thường, ít học” để hoàn tất công việc ấy? (Công 4:13). Do đó, chúng ta thật sự đang làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh khi tham gia vào công việc ấy. Làm thế, chúng ta tôn vinh Cha trên trời và cho thấy lòng thành thật của mình khi cầu nguyện: “Xin cho danh Cha được nên thánh. Xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất”.—Mat 6:9, 10.
DANH NGÀI THẬT VĨ ĐẠI
9, 10. Qua cách đối xử với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va tiếp tục thêm ý nghĩa cho danh ngài như thế nào? Kết quả là gì?
9 Một thời gian ngắn sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, Đức Giê-hô-va đóng một vai trò mới đối với dân Y-sơ-ra-ên. Qua giao ước Luật pháp, ngài trở thành “chồng” của họ, sẵn sàng thực thi mọi trách nhiệm có liên quan (Giê 3:14). Về phần mình, dân Y-sơ-ra-ên trở thành vợ của ngài theo nghĩa bóng, tức một dân tộc mang danh ngài (Ê-sai 54:5, 6). Khi họ sẵn lòng phục tùng và vâng giữ các điều răn ngài, ngài sẽ chứng tỏ là Người Chồng hoàn hảo. Ngài sẽ ban phước, gìn giữ và khiến họ được bình an (Dân 6:22-27). Nhờ đó, danh vĩ đại của Đức Giê-hô-va sẽ được tôn vinh giữa các dân tộc. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:5-8; Thi-thiên 86:7-10). Quả thật, trong suốt lịch sử dân Y-sơ-ra-ên, nhiều người ngoại quốc đã được thu hút đến sự thờ phượng thật. Họ có cùng cảm tưởng với người nữ Mô-áp là Ru-tơ, khi cô nói với Na-ô-mi: “Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi”.—Ru 1:16.
10 Trong khoảng 1.500 năm, cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên tiết lộ nhiều khía cạnh mới trong cá tính ngài. Bất kể sự ương ngạnh của họ, Đức Giê-hô-va vẫn hết lần này đến lần khác chứng tỏ là đấng “thương-xót, chậm giận”. Ngài có lòng kiên nhẫn và chịu đựng phi thường (Xuất 34:5-7). Tuy nhiên, lòng kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va có giới hạn. Dân Do Thái đã vượt qua giới hạn đó khi chối bỏ và giết Con của ngài (Mat 23:37, 38). Con cháu Y-sơ-ra-ên xác thịt không còn là dân tộc mang danh Đức Chúa Trời nữa. Nói chung, họ đã chết về thiêng liêng như một cây héo khô (Lu 23:31). Điều này ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của họ đối với danh Đức Chúa Trời?
11. Danh Đức Chúa Trời đã bị cách ly khỏi dân Do Thái ra sao?
11 Lịch sử chứng minh rằng với thời gian, dân Do Thái đã phát triển một quan điểm mê tín về danh Đức Chúa Trời, xem danh ấy là một từ không nên phát âm (Xuất 20:7). Danh Đức Chúa Trời dần dần bị cách ly khỏi Do Thái giáo. Chắc chắn Đức Giê-hô-va rất đau lòng khi thấy danh ngài bị đối xử vô cùng bất kính (Thi 78:40, 41). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời kỵ-tà”, ngài sẽ không để danh mình gắn bó vĩnh viễn với một dân tộc đã từ bỏ ngài và đã bị ngài từ bỏ (Xuất 34:14). Điều này hẳn giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc tôn kính sâu xa danh Đấng Tạo Hóa.
MỘT DÂN TỘC MỚI MANG DANH ĐỨC CHÚA TRỜI
12. Đức Giê-hô-va đã thiết lập một dân tộc mang danh ngài như thế nào?
12 Qua Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định thiết lập “một giao-ước mới” với một dân tộc mới, tức dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Giê-rê-mi tiên tri rằng mọi thành viên của dân tộc ấy, “kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn”, đều sẽ “nhận-biết Đức Giê-hô-va” (Giê 31:31, 33, 34). Lời tiên tri này bắt đầu được ứng nghiệm vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khi Đức Chúa Trời thiết lập giao ước mới. Dân tộc mới là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, bao gồm cả người Do Thái lẫn người ngoại. Họ trở thành “một dân mang danh [Đức Chúa Trời]” và Đức Giê-hô-va gọi họ là “những người mang danh ta”.—Ga 6:16; đọc Công vụ 15:14-17; Mat 21:43.
13. (a) Các tín đồ thời ban đầu có dùng danh Đức Chúa Trời không? Hãy giải thích. (b) Bạn xem đặc ân được dùng danh Đức Giê-hô-va trong thánh chức như thế nào?
13 Là “những người mang danh [Đức Chúa Trời]”, các thành viên của dân tộc thiêng liêng đã dùng danh thánh ấy. Họ chắc chắn đã làm thế khi trích phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơb. Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ đã nhiều lần dùng danh Đức Chúa Trời khi nói trước những người Do Thái và người ngoại theo đạo đến từ nhiều nước khác nhau (Công 2:14, 20, 21, 25, 34). Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu đã tôn vinh Đức Giê-hô-va nên ngài ban phước cho nỗ lực rao giảng của họ. Ngày nay cũng thế, Đức Giê-hô-va ban phước thánh chức của chúng ta khi chúng ta tự hào công bố danh ngài và cho những người chú ý thấy danh ấy, nếu được thì bằng chính Kinh Thánh của họ. Nhờ đó, chúng ta cho họ biết về Đức Chúa Trời thật. Quả là một đặc ân cho họ và cả chúng ta nữa! Trong một số trường hợp, đó có thể là khởi đầu của một mối quan hệ tuyệt diệu với Đức Giê-hô-va sẽ phát triển mạnh mẽ và kéo dài mãi mãi.
14, 15. Bất chấp sự bội đạo lan tràn, Đức Giê-hô-va đã làm gì cho danh ngài?
14 Sau đó, sự bội đạo len lỏi vào hội thánh thời ban đầu, đặc biệt là sau khi các sứ đồ qua đời (2 Tê 2:3-7). Các thầy dạy giả dối thậm chí còn chấp nhận truyền thống không dùng danh Đức Chúa Trời của người Do Thái. Nhưng Đức Giê-hô-va có để danh ngài bị xóa bỏ không? Không bao giờ! Đành rằng không thể biết chính xác cách phát âm nhưng danh Đức Chúa Trời vẫn tồn tại. Qua thời gian, danh ấy đã xuất hiện trong nhiều bản dịch Kinh Thánh cũng như những tác phẩm của các học giả Kinh Thánh. Thí dụ, vào năm 1757, ông Charles Peters viết rằng: Trái với những tước hiệu của Đức Chúa Trời, “danh Giê-hô-va... dường như miêu tả rõ ràng nhất về bản chất của ngài”. Trong một cuốn sách xuất bản năm 1797 nói về sự thờ phượng Đức Chúa Trời, ông Hopton Haynes đã mở đầu chương 7 như sau: “GIÊ-HÔ-VA, danh riêng của ĐỨC CHÚA TRỜI giữa người Do Thái; đấng duy nhất mà họ thờ phượng; Đấng Ki-tô và các Sứ đồ cũng thờ phượng ngài”. Ông Henry Grew (1781-1862) không chỉ dùng danh Đức Chúa Trời mà còn nhận ra danh ấy đã bị bôi nhọ và phải được nên thánh. Tương tự thế, cả ông George Storrs (1796-1879) lẫn người cộng tác là anh Charles T. Russell đều dùng danh Đức Chúa Trời.
15 Năm 1931 là một năm đặc biệt đáng chú ý. Vào năm đó, các Học viên Kinh Thánh Quốc tế (tên gọi của dân Đức Chúa Trời lúc bấy giờ) đã nhận lấy danh hiệu dựa trên Kinh Thánh là Nhân Chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10-12). Qua đó, họ công bố cho thế giới biết rằng họ tự hào được làm tôi tớ của Đức Chúa Trời có thật và duy nhất, tự hào được làm “một dân mang danh ngài” và ngợi khen danh ấy (Công 15:14). Diễn biến đó làm chúng ta nhớ lại lời Đức Giê-hô-va ghi nơi Ma-la-chi 1:11: “Từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn, danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại”.
BƯỚC ĐI TRONG DANH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
16. Tại sao chúng ta nên xem việc bước đi trong danh Đức Giê-hô-va là một vinh dự?
16 Nhà tiên tri Mi-chê viết: “Mọi dân-tộc ai nấy bước theo danh của thần mình; và chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!” (Mi 4:5). Việc Đức Giê-hô-va cho phép các Học viên Kinh Thánh mang danh ngài không chỉ là một vinh dự vô cùng to lớn, mà còn là dấu hiệu giúp họ tin chắc rằng ngài chấp nhận họ. (Đọc Ma-la-chi 3:16-18). Còn cá nhân bạn thì sao? Bạn có dồn mọi nỗ lực để “bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời” không? Bạn có biết điều đó bao hàm những gì không?
17. Bước đi trong danh Đức Chúa Trời bao hàm điều gì?
17 Việc bước đi trong danh Đức Chúa Trời bao hàm ít nhất ba điều. Thứ nhất, chúng ta phải công bố danh ấy cho người khác, nhận biết rằng chỉ những ai “kêu cầu danh Giê-hô-va thì sẽ được cứu” (Rô 10:13). Thứ nhì, chúng ta cần phản ánh những đức tính của Đức Giê-hô-va, đặc biệt là tình yêu thương. Thứ ba, chúng ta bước đi trong danh Đức Chúa Trời khi vui lòng tuân theo các tiêu chuẩn công chính của ngài và như thế, tránh làm danh thánh Cha trên trời bị sỉ nhục (1 Giăng 4:8; 5:3). Bạn có quyết tâm “bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng” không?
18. Tại sao tất cả những người tôn vinh danh vĩ đại của Đức Giê-hô-va có thể nhìn đến tương lai với lòng tin chắc?
18 Không lâu nữa, tất cả những ai lờ đi hoặc chống lại Đức Giê-hô-va sẽ buộc phải nhìn nhận ngài (Ê-xê 38:23). Trong đó có những kẻ giống như Pha-ra-ôn, là người đã nói: “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người?”. Ông đã nhanh chóng nhận được câu trả lời! (Xuất 5:1, 2; 9:16; 12:29). Trái lại, chúng ta sẵn lòng học biết về Đức Giê-hô-va. Chúng ta tự hào mang danh ngài và được làm dân tộc biết vâng lời của ngài. Nhờ thế, chúng ta nhìn đến tương lai với lòng tin chắc về lời hứa nơi Thi-thiên 9:10: “Hỡi Đức Giê-hô-va, phàm ai biết danh Ngài sẽ để lòng tin-cậy nơi Ngài; vì Ngài chẳng từ-bỏ kẻ nào tìm-kiếm Ngài”.
a Danh Đức Chúa Trời là một dạng của động từ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “trở thành”. Vì thế, “Giê-hô-va” nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”.—Sáng 2:4.
b Bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ mà các tín đồ thời ban đầu sử dụng có chứa danh Đức Chúa Trời dưới dạng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ. Có bằng chứng cho rằng các bản sao thời ban đầu của Septuagint (một bản dịch tiếng Hy Lạp của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ) rất có thể cũng chứa những mẫu tự ấy.