Họ làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va
Môi-se và A-rôn—Hai người can đảm công bố lời Đức Chúa Trời
HÃY hình dung cảnh này: Môi-se, 80 tuổi, và anh là A-rôn, đang đứng trước mặt người có uy quyền nhất trên đất—vị Pha-ra-ôn của xứ Ê-díp-tô. Đối với người Ê-díp-tô, Pha-ra-ôn không chỉ là một người đại diện cho các thần. Họ tin rằng ông chính là vị thần. Ông được xem là hiện thân của Horus, vị thần có đầu chim ưng. Horus cùng với Isis và Osiris hợp thành thần bộ ba chính trong các thần và nữ thần của xứ Ê-díp-tô.
Những ai đến gặp Pha-ra-ôn chắc hẳn thấy hình đầu con rắn hổ mang đáng sợ chìa ra ở giữa mão của ông. Người ta cho là con rắn này có thể phun ra lửa và tiêu diệt bất cứ kẻ thù nào của Pha-ra-ôn. Giờ đây Môi-se và A-rôn đến trước vị vua được xem là thần với lời yêu cầu chưa từng thấy—là ông cho dân nô lệ người Y-sơ-ra-ên ra đi để họ có thể cử hành một lễ cho Đức Chúa Trời của họ, Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:1).
Đức Giê-hô-va đã báo trước rằng Pha-ra-ôn sẽ cứng lòng. Do đó, Môi-se và A-rôn đã không ngạc nhiên khi ông trả lời một cách ngang ngạnh: “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi? Trẫm chẳng biết Giê-hô-va nào hết; cũng chẳng cho dân Y-sơ-ra-ên đi nữa” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:21; 5:2). Vì thế, sự kiện này đưa đến một cuộc tranh luận căng thẳng. Khi gặp lại lần sau, Môi-se và A-rôn đưa ra bằng chứng mạnh mẽ để cho Pha-ra-ôn thấy là họ đại diện cho Đức Chúa Trời thật và toàn năng.
Một phép lạ xảy ra
Như được Đức Chúa Trời chỉ bảo, A-rôn làm một phép lạ mà đã chứng tỏ quyền tối cao của Đức Giê-hô-va trên các thần của Ê-díp-tô. Ông ném cây gậy xuống trước mặt Pha-ra-ôn, và tức thì nó biến thành con rắn lớn! Bối rối trước phép lạ này, Pha-ra-ôn triệu tập các thuật sĩ của ông.a Với quyền năng của các quỉ trợ giúp, những người này cũng có thể làm giống như vậy với mấy cây gậy của họ.
Nếu Pha-ra-ôn và các thuật sĩ có hân hoan, thì cũng chỉ trong chốc lát mà thôi. Hãy tưởng tượng nét mặt của họ khi thấy con rắn của A-rôn nuốt các con rắn của mình, hết con này đến con kia! Mọi người hiện diện có thể thấy rằng các thần của Ê-díp-tô không thể nào sánh bằng Đức Chúa Trời thật là Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:8-13).
Tuy nhiên, ngay cả sau việc này, Pha-ra-ôn vẫn cứng lòng. Chỉ sau khi Đức Chúa Trời giáng mười thảm họa khốc liệt, hoặc tai vạ, trên xứ Ê-díp-tô thì Pha-ra-ôn cuối cùng mới bảo Môi-se và A-rôn: “Hai ngươi và dân Y-sơ-ra-ên hãy chờ dậy, ra khỏi giữa vòng dân ta mà đi hầu việc Đức Giê-hô-va, như các ngươi đã nói” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:31).
Bài học cho chúng ta
Điều gì khiến cho Môi-se và A-rôn có thể đến gặp Pha-ra-ôn đầy uy quyền của xứ Ê-díp-tô? Thoạt đầu, Môi-se cho thấy thiếu lòng tin nơi khả năng của mình, và nói rằng “miệng và lưỡi tôi hay ngập-ngừng”. Ngay cả sau khi được Đức Giê-hô-va bảo đảm là ngài sẽ ủng hộ ông, Môi-se nài xin: “Chúa muốn sai ai đi, thì sai”. Nói cách khác, Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời sai một người nào khác đi (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10, 13). Tuy vậy, Đức Giê-hô-va vẫn cứ dùng Môi-se, một người khiêm nhường, và ban cho ông sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để thi hành sứ mạng (Dân-số Ký 12:3).
Ngày nay, tôi tớ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ đang thi hành mệnh lệnh “đi dạy-dỗ muôn-dân” (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Muốn làm bổn phận của mình để thi hành sứ mạng này, thì chúng ta phải tận dụng sự hiểu biết về Kinh-thánh và bất cứ khả năng nào mà chúng ta có (I Ti-mô-thê 4:13-16). Thay vì chú tâm vào những điểm thiếu sót của mình, chúng ta hãy đảm trách với niềm tin bất cứ nhiệm vụ nào mà Đức Chúa Trời đã giao cho chúng ta. Ngài có thể làm cho chúng ta có đủ khả năng và sức mạnh để thi hành ý muốn của ngài (II Cô-rinh-tô 3:5, 6; Phi-líp 4:13).
Vì Môi-se phải đương đầu với sự chống đối của người ta và các quỉ, nên ông chắc chắn cần có sự giúp đỡ siêu phàm. Do đó, Đức Giê-hô-va bảo đảm với ông: “Kìa coi, Ta đã cho ngươi làm thần trên Pha-ra-ôn” (Xuất Hành 7:1, [Xuất Ê-díp-tô Ký 7:1] Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn). Đúng vậy, Môi-se có quyền lực và sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời. Vì có thánh linh của Đức Giê-hô-va, Môi-se không có lý do gì phải sợ Pha-ra-ôn hay đồng bọn của người cai trị ngạo mạn đó.
Chúng ta cũng phải tin cậy nơi thánh linh tức sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va để hoàn thành thánh chức rao giảng của mình (Giăng 14:26; 15:26, 27). Với sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể họa lời ca của Đa-vít: “Tôi đã để lòng tin-cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ chi; người đời sẽ làm chi tôi?” (Thi-thiên 56:11).
Vì có lòng thương xót nên Đức Giê-hô-va không để Môi-se một mình đương đầu với nhiệm vụ của ông. Ngược lại, Đức Chúa Trời nói: “A-rôn, anh ngươi, sẽ làm kẻ tiên-tri của ngươi. Hãy nói lại mọi lời ta sẽ truyền dạy ngươi, rồi A-rôn, anh ngươi, sẽ tâu cùng Pha-ra-ôn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:1, 2). Đức Giê-hô-va thật đầy yêu thương biết bao khi dùng Môi-se trong giới hạn mà sức ông có thể gánh vác!
Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một hiệp hội gồm các anh em tín đồ đấng Christ, là những người đảm nhiệm sự khó khăn để làm Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va, Đấng Chí cao (I Phi-e-rơ 5:9). Vì vậy, bất kể những trở ngại mà mình gặp phải, chúng ta hãy bắt chước Môi-se và A-rôn—hai người can đảm công bố lời Đức Chúa Trời.
[Chú thích]
a Chữ Hê-bơ-rơ được dịch là “thuật sĩ” chỉ đến một nhóm thầy phù thủy cho rằng mình có quyền lực siêu nhiên cao hơn quyền lực của các quỉ. Người ta tin rằng những người này có thể bắt các quỉ phục tùng và các quỉ không có quyền lực gì trên những thầy phù thủy đó.
[Hình nơi trang 25]
Môi-se và A-rôn can đảm đại diện cho Đức Giê-hô-va trước mặt Pha-ra-ôn