CHƯƠNG MƯỜI HAI
Bạn có thể vượt qua những vấn đề làm hại gia đình
1. Một số gia đình có những vấn đề nào mà người ngoài không biết?
CHIẾC xe cũ vừa được rửa sạch và đánh bóng. Đối với khách qua đường, xe trông bóng nhoáng, gần như mới. Nhưng dưới vẻ bề ngoài đó, rỉ sét đang ăn mòn thân xe. Điều này cũng giống như vài gia đình. Dù bề ngoài có vẻ êm ấm, song những nét mặt tươi cười che giấu nỗi sợ hãi và đau đớn. Trong nhà, có những yếu tố tai hại đang phá hoại sự yên ổn của gia đình. Hai vấn đề có thể gây ra hậu quả này là việc nghiện rượu và hung bạo.
TAI HẠI DO VIỆC NGHIỆN RƯỢU GÂY RA
2. a) Kinh-thánh nói gì về việc dùng rượu? b) Sự nghiện rượu là gì?
2 Kinh-thánh không lên án việc dùng rượu một cách vừa phải, nhưng lên án sự say sưa (Châm-ngôn 23:20, 21; I Cô-rinh-tô 6:9, 10; I Ti-mô-thê 5:23; Tít 2:2, 3). Tuy nhiên, tật nghiện rượu còn nặng hơn là say rượu; đó là một tật bị rượu ám ảnh lâu năm và không kiềm chế được mình khi uống rượu. Những người nghiện rượu có thể là người lớn. Nhưng điều đáng buồn là người trẻ cũng nghiện rượu nữa.
3, 4. Hãy miêu tả hậu quả của tật nghiện rượu mà người hôn phối và con cái của người nghiện rượu phải gánh chịu.
3 Từ xưa, Kinh-thánh đã cho biết là sự lạm dụng rượu có thể làm gia đình mất yên ổn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:18-21). Cả gia đình đều gánh chịu hậu quả tai hại do tật nghiện rượu gây ra. Người vợ có lẽ dồn hết nỗ lực để giúp chồng cai rượu hoặc đối phó với hành vi thất thường của ông.a Bà cố giấu rượu đi, quăng bỏ hết, giấu tiền của chồng và van xin chồng hãy vì gia đình, sự sống và ngay cả vì Đức Chúa Trời mà bỏ rượu—nhưng người chồng nghiện rượu vẫn uống tiếp. Khi người vợ cứ mãi thất bại trong việc kiềm chế tật uống rượu của chồng thì bà cảm thấy bực bội và bất lực. Bà có thể bắt đầu sợ hãi, tức giận, mang mặc cảm tội lỗi, bồn chồn lo lắng, và thiếu tự trọng.
4 Con cái không tránh khỏi hậu quả khi cha hay mẹ nghiện rượu. Một số bị đánh đập. Một số khác bị sách nhiễu tình dục. Có lẽ chúng còn tự trách là vì mình mà cha hay mẹ nghiện rượu. Hành vi bất thường của người nghiện rượu thường làm con cái mất đi khả năng tin cậy người khác. Vì không thể dễ dàng nói ra những gì xảy ra trong nhà, con trẻ có lẽ học cách đè nén cảm xúc mình, nên thường bị hậu quả nguy hại về thể xác (Châm-ngôn 17:22). Những đứa trẻ đó có thể mang tâm trạng thiếu tự tin hoặc thiếu tự trọng cho tới lúc trưởng thành.
GIA ĐÌNH CÓ THỂ LÀM GÌ?
5. Làm sao đối phó với tật nghiện rượu, và tại sao điều này là khó?
5 Mặc dù nhiều giới thẩm quyền nói rằng tật nghiện rượu không trị dứt được, nhưng phần đông đều đồng ý rằng người ta có thể hồi phục được phần nào nhờ chương trình hoàn toàn kiêng cử. (So sánh Ma-thi-ơ 5:29). Tuy nhiên, muốn cho người nghiện rượu chấp nhận sự giúp đỡ là chuyện dễ nói hơn là làm, vì người đó thường chối là mình có vấn đề. Dù vậy, khi người nhà dùng biện pháp để đối phó với cách mà tật nghiện rượu đã ảnh hưởng họ, thì người nghiện rượu có thể bắt đầu nhận thấy mình có vấn đề. Một y sĩ kinh nghiệm trong việc giúp những người nghiện rượu và gia đình họ đã nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là gia đình cứ làm công việc bình thường hàng ngày một cách tốt nhất. Người nghiện rượu sẽ càng ngày càng thấy mình khác biệt với các người khác trong nhà đến độ nào”.
6. Nguồn khuyên bảo nào là tốt nhất cho gia đình có người nghiện rượu?
6 Nếu gia đình bạn có người nghiện rượu, lời khuyên được soi dẫn trong Kinh-thánh có thể giúp bạn sống cách lành mạnh nhất (Ê-sai 48:17; II Ti-mô-thê 3:16, 17). Hãy xem xét một số nguyên tắc đã giúp nhiều gia đình đối phó được với vấn đề nghiện rượu.
7. Ai chịu trách nhiệm nếu một người trong gia đình nghiện rượu?
7 Chớ đổ hết lỗi cho mình. Kinh-thánh nói: “Ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy”, và “mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 6:5; Rô-ma 14:12). Người nghiện rượu có thể cố cho là những người trong nhà phải chịu trách nhiệm. Thí dụ, người ấy có lẽ nói: “Nếu bà đối xử tử tế với tôi, thì tôi đâu có uống”. Nếu người khác có vẻ đồng ý với ông tức là họ khuyến khích ông tiếp tục uống. Cho dù chúng ta là nạn nhân của hoàn cảnh hay là của người nào khác, tất cả chúng ta—kể cả người nghiện rượu—đều phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm. (So sánh Phi-líp 2:12).
8. Người nghiện rượu có thể được giúp bằng vài cách nào để chấp nhận hậu quả của vấn đề mình gây ra?
8 Chớ nghĩ rằng bạn phải luôn luôn che chở người nghiện rượu khỏi hậu quả của việc say sưa. Câu châm ngôn trong Kinh-thánh nói về người nóng giận cũng có thể áp dụng cho người nghiện rượu: “Nếu con giải-cứu hắn, ắt phải giải-cứu lại nữa” (Châm-ngôn 19:19). Hãy để người nghiện rượu gánh chịu hậu quả của mình. Sau cuộc say, hãy để người ấy tự lau chùi lấy hoặc tự gọi điện thoại cho chủ ở sở vào sáng hôm sau.
9, 10. Tại sao gia đình người nghiện rượu nên nhận sự giúp đỡ, và họ đặc biệt nên tìm sự giúp đỡ của ai?
9 Hãy nhận sự giúp đỡ của người khác. Châm-ngôn 17:17 nói: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”. Khi có người nghiện rượu trong gia đình thì sẽ có sự khốn khổ. Bạn cần được giúp đỡ. Chớ do dự khi nhờ cậy ‘các bằng-hữu’ để ủng hộ bạn (Châm-ngôn 18:24). Nói chuyện với những người hiểu được vấn đề hoặc có cùng hoàn cảnh có thể cho bạn các lời đề nghị thực tiễn về điều gì nên làm và không nên làm. Nhưng cần phải giữ thăng bằng. Hãy nói với những người mà bạn tin cậy, những người giữ được “điều kín-đáo” của bạn (Châm-ngôn 11:13).
10 Hãy tập tin cậy các trưởng lão. Các trưởng lão trong hội thánh tín đồ đấng Christ có thể là nguồn giúp đỡ tốt. Những người thành thục này hiểu biết Lời Đức Chúa Trời và có kinh nghiệm trong việc áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh. Họ có thể chứng tỏ mình “như nơi núp gió và chỗ che bão-táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn-mỏi” (Ê-sai 32:2). Không những các trưởng lão đạo đấng Christ che chở cả hội thánh khỏi những ảnh hưởng tai hại mà họ còn an ủi, làm tươi tỉnh và chú ý đến những người có vấn đề. Hãy tận dụng sự giúp đỡ của họ.
11, 12. Ai giúp đỡ gia đình người nghiện rượu nhiều nhất, và giúp như thế nào?
11 Trên hết mọi sự, hãy cậy sức mạnh của Đức Giê-hô-va. Kinh-thánh nhiệt thành bảo đảm với chúng ta: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối” (Thi-thiên 34:18). Nếu bạn có lòng đau thương hoặc buồn thảm vì bị áp lực trong khi sống chung nhà với người nghiện rượu, hãy biết rằng “Đức Giê-hô-va ở gần”. Ngài hiểu tình trạng gia đình bạn khó khăn đến độ nào (I Phi-e-rơ 5:6, 7).
12 Tin tưởng những gì Đức Giê-hô-va nói trong Kinh-thánh có thể giúp bạn đương đầu với sự lo lắng (Thi-thiên 130:3, 4; Ma-thi-ơ 6:25-34; I Giăng 3:19, 20). Học hỏi Lời Đức Chúa Trời và sống theo nguyên tắc Kinh-thánh giúp bạn nhận được sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời, nhờ đó bạn được trang bị với “sức mạnh hơn mức bình thường” để đối phó ngày này qua ngày nọ (II Cô-rinh-tô 4:7, NW).b
13. Vấn đề thứ hai làm hại nhiều gia đình là gì?
13 Lạm dụng rượu có thể đưa đến vấn đề khác làm hại nhiều gia đình—sự hung bạo trong nhà.
TAI HẠI DO SỰ HUNG BẠO TRONG NHÀ GÂY RA
14. Khi nào sự hung bạo bắt đầu xảy ra trong gia đình, và tình trạng ngày nay ra sao?
14 Hành động hung bạo đầu tiên trong lịch sử nhân loại là chuyện hung bạo xảy ra trong nhà có liên hệ đến hai anh em, Ca-in và A-bên (Sáng-thế Ký 4:8). Từ đó trở đi, nhân loại bị khốn khổ với đủ loại hung bạo trong gia đình. Chồng đánh vợ, vợ công kích chồng, cha mẹ đánh đập con một cách tàn nhẫn, và con cái trưởng thành ngược đãi cha mẹ già.
15. Sự hung bạo trong gia đình ảnh hưởng đến những người nhà về mặt cảm xúc như thế nào?
15 Sự hung bạo trong nhà gây tai hại nhiều hơn là chỉ có thương tích ngoài thân thể. Một người vợ bị chồng đánh nói: “Tôi phải đối phó với nhiều mặc cảm tội lỗi và xấu hổ. Nhiều buổi sáng, tôi chỉ muốn nằm trên giường, mong chuyện đó chỉ là một cơn ác mộng”. Trong gia đình, những đứa con chứng kiến sự hung bạo hoặc bị đánh đập có thể trở nên hung bạo khi lớn lên và có gia đình riêng.
16, 17. Hành hạ về mặt cảm xúc là gì, và những người trong gia đình bị ảnh hưởng như thế nào?
16 Sự hung bạo trong nhà không chỉ giới hạn trong vấn đề hành hung. Thường thì là sự chửi mắng. Châm-ngôn 12:18 nói: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm”. Những sự “đâm-xoi” tiêu biểu cho sự hung bạo trong nhà bao hàm việc chửi rủa và la lối, cũng như không ngừng chỉ trích, nhục mạ và đe dọa. Người ta không thấy những vết thương do sự hung bạo về mặt cảm xúc gây ra và thường thì không ai biết đến.
17 Điều đặc biệt đáng buồn là việc hành hạ đứa trẻ về mặt cảm xúc—không ngừng chỉ trích và xem thường khả năng, trí thông minh, hay là giá trị con người của đứa trẻ. Những lời la mắng đó có thể hủy hoại lòng tự tin của đứa con. Đành rằng tất cả con cái đều cần được sửa trị, nhưng Kinh-thánh bảo người cha: “Chớ hề chọc giận con-cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:21).
LÀM SAO TRÁNH HUNG BẠO TRONG NHÀ
18. Sự hung bạo trong nhà bắt đầu ở đâu, và Kinh-thánh cho biết cách nào để chấm dứt?
18 Sự hung bạo trong nhà bắt đầu trong tâm trí; cách chúng ta hành động bắt đầu với cách mình suy nghĩ (Gia-cơ 1:14, 15). Để chấm dứt sự hung bạo, người có tính hung bạo cần thay đổi cách suy nghĩ của mình (Rô-ma 12:2). Việc đó có thể thực hiện được không? Được chứ. Lời Đức Chúa Trời có quyền lực thay đổi con người và có thể nhổ tận gốc ngay cả các quan điểm tai hại kiên cố như “đồn-lũy” (II Cô-rinh-tô 10:4; Hê-bơ-rơ 4:12). Sự hiểu biết chính xác về Kinh-thánh có thể giúp người ta hoàn toàn thay đổi đến độ họ được nói là mặc lấy nhân cách mới (Ê-phê-sô 4:22-24; Cô-lô-se 3:8-10).
19. Tín đồ đấng Christ nên xem và đối xử với người hôn phối như thế nào?
19 Thái độ đối với người hôn phối. Lời Đức Chúa Trời nói: “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy” (Ê-phê-sô 5:28). Kinh-thánh cũng nói chồng nên “kính-nể” vợ, xem vợ như “giống yếu-đuối hơn” (I Phi-e-rơ 3:7). Vợ được khuyên phải “yêu chồng” và phải “kính chồng” (Tít 2:4; Ê-phê-sô 5:33). Chắc chắn không người chồng nào kính sợ Đức Chúa Trời có thể thật lòng nói là mình thật sự tôn trọng vợ nếu đánh đập hoặc mắng nhiếc vợ. Và không người vợ nào la hét chồng, mỉa mai chồng, hoặc thường xuyên quở trách chồng có thể cho rằng mình thật lòng yêu và kính trọng chồng.
20. Cha mẹ phải chịu trách nhiệm về con cái trước mặt ai, và tại sao cha mẹ không nên có kỳ vọng thiếu thực tế đối với con cái?
20 Quan điểm đúng đắn về con cái. Con cái đáng được, đúng thế, cần được, cha mẹ yêu thương và chú ý. Lời Đức Chúa Trời gọi con cái là “cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra” và là “phần thưởng” (Thi-thiên 127:3). Cha mẹ chịu trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va về việc chăm sóc cơ nghiệp đó. Kinh-thánh nói về “[tính của] con trẻ” và sự “ngu-dại” của trẻ con (I Cô-rinh-tô 13:11; Châm-ngôn 22:15). Cha mẹ không nên ngạc nhiên nếu họ thấy sự khờ dại của con cái. Những người trẻ không phải là người trưởng thành. Cha mẹ không nên đòi hỏi con cái quá đáng, không thích hợp với tuổi tác, quá trình đào tạo của gia đình và khả năng của con (Xem Sáng-thế Ký 33:12-14).
21. Theo ý Đức Chúa Trời, chúng ta phải đối xử và có thái độ nào đối với cha mẹ già?
21 Thái độ đối với cha mẹ già. Lê-vi Ký 19:32 nói: “Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính người già-cả”. Do đó, Luật pháp Đức Chúa Trời khuyến khích mọi người tôn trọng và kính người già cả. Điều này có thể là chuyện khó khăn khi cha mẹ già có vẻ đòi hỏi quá mức hoặc bị bệnh hoạn và có lẽ không di chuyển hay là suy nghĩ nhanh. Tuy nhiên, Kinh-thánh nhắc nhở con cái phải “báo-đáp cha mẹ” (I Ti-mô-thê 5:4). Điều này có nghĩa là đối xử với cha mẹ một cách kính cẩn, có lẽ còn cấp dưỡng tài chánh cho các cụ nữa. Đối xử tệ bạc với cha mẹ già tức là hành động trái ngược hẳn với cách mà Kinh-thánh bảo chúng ta làm.
22. Đức tính chính để kiềm chế sự hung bạo trong gia đình là gì, và làm sao bạn có thể rèn luyện đức tính đó?
22 Vun trồng tính tự chủ. Châm-ngôn 29:11 nói: “Kẻ ngu-muội tỏ ra sự nóng-giận mình; nhưng người khôn-ngoan nguôi lấp nó và cầm-giữ nó lại”. Làm sao bạn có thể kiềm chế tính tình mình? Thay vì để sự bực bội nung nấu trong lòng, hãy hành động nhanh chóng để giải quyết những vấn đề đã xảy ra (Ê-phê-sô 4:26, 27). Hãy đi chỗ khác nếu bạn cảm thấy mình mất tự chủ. Hãy cầu nguyện xin thánh linh Đức Chúa Trời giúp bạn có tính tự chủ (Ga-la-ti 5:22, 23). Đi bách bộ hoặc tập thể dục có thể giúp bạn kiềm chế cảm xúc (Châm-ngôn 17:14, 27). Hãy cố gắng “chậm nóng-giận” (Châm-ngôn 14:29).
LY THÂN HAY LÀ Ở LẠI VỚI NHAU?
23. Điều gì có thể xảy ra nếu một người trong hội thánh cứ giận dữ và không ăn năn, có lẽ lại còn đánh đập người nhà nữa?
23 Kinh-thánh xếp “thù-oán, tranh-đấu,... buồn-giận” vào các loại việc làm bị Đức Chúa Trời lên án và nói rằng “hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21). Vì vậy, người nào cho rằng mình là tín đồ đấng Christ mà cứ giận dữ và không ăn năn, có lẽ lại còn hành hạ người hôn phối hoặc con cái, có thể bị khai trừ khỏi hội thánh. (So sánh II Giăng 9, 10). Nhờ đó hội thánh được giữ sạch không có những người hung hăng (I Cô-rinh-tô 5:6, 7; Ga-la-ti 5:9).
24. a) Người hôn phối bị hành hạ có thể chọn làm gì? b) Làm sao bạn bè và trưởng lão có lòng quan tâm có thể nâng đỡ người bị hành hạ, nhưng họ không nên làm gì?
24 Còn những tín đồ đấng Christ hiện đang bị người hôn phối đánh đập và người đó không tỏ dấu hiệu muốn thay đổi thì sao? Một số chọn ở lại với người có tính hung bạo vì lý do nào đó. Những người khác chọn tách ra, vì nghĩ rằng sức khỏe thể xác, tinh thần và thiêng liêng—có lẽ ngay cả sự sống họ—đang bị nguy hiểm. Nạn nhân của các vụ hung bạo trong nhà chọn làm gì trong những hoàn cảnh này là quyết định riêng của họ trước mặt Đức Giê-hô-va (I Cô-rinh-tô 7:10, 11). Bạn bè, thân nhân hoặc trưởng lão tín đồ đấng Christ có thiện chí có thể muốn giúp đỡ và khuyên nhủ, nhưng họ không nên ép nạn nhân theo con đường nào cả. Đó là quyết định riêng của nạn nhân (Rô-ma 14:4; Ga-la-ti 6:5).
CHẤM DỨT NHỮNG VẤN ĐỀ GÂY TAI HẠI
25. Đức Giê-hô-va có ý định gì cho gia đình?
25 Khi Đức Giê-hô-va cho A-đam và Ê-va kết hôn, ngài không bao giờ có ý định cho gia đình bị hủy hoại bởi những vấn đề gây tai hại như tật nghiện rượu hay là hung bạo (Ê-phê-sô 3:14, 15). Gia đình phải là nơi phát triển tình yêu thương và hòa thuận, và mỗi người trong nhà được chăm sóc về nhu cầu tinh thần, cảm xúc và thiêng liêng. Tuy nhiên, từ lúc bắt đầu có tội lỗi, đời sống gia đình bị suy sụp nhanh chóng. (So sánh Truyền-đạo 8:9).
26. Tương lai nào đang chờ đón những người cố gắng sống phù hợp với sự đòi hỏi của Đức Giê-hô-va?
26 Vui mừng thay, Đức Giê-hô-va không bỏ ý định của ngài đối với gia đình. Ngài hứa đem lại một thế giới mới thanh bình, là nơi mà mọi người “sẽ ở yên-ổn, chẳng ai làm cho sợ-hãi” (Ê-xê-chi-ên 34:28). Lúc đó, tật nghiện rượu, sự hung bạo trong nhà và tất cả những vấn đề khác làm hại gia đình ngày nay sẽ không còn nữa. Người ta sẽ tươi cười, không phải để che giấu nỗi lo sợ và đau đớn, nhưng vì họ tìm được sự “khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:11).
a Mặc dầu chúng tôi ám chỉ người nghiện rượu là phái nam, nguyên tắc ở đây vẫn áp dụng khi người nghiện rượu là phái nữ.
b Trong vài xứ, có những trung tâm chữa trị, bệnh viện và chương trình hồi phục chuyên môn giúp đỡ người nghiện rượu và gia đình họ. Muốn tìm sự giúp đỡ của các nơi ấy hay không là vấn đề cá nhân. Hội Tháp Canh không chính thức ủng hộ bất cứ sự chữa trị đặc biệt nào cả. Tuy nhiên, phải nên thận trọng trong khi đi tìm sự giúp đỡ để không trở nên dính líu đến các hoạt động hòa giải với những nguyên tắc Kinh-thánh.